.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Tố Hữu và Đặng Tiến


Đặng Tiến

Tố Hữu

Tố Hữu là một nhân vật đã chết cách nay gần 10 năm. Viết về nhân vật này bây giờ có lẽ hơi không hợp thời. Và cũng đã có nhiều người viết về ông ta. Trong đó có Đặng Tiến, một người phê bình văn học đang sống ở Pháp. Nhân ở trong nước có những cuộc hội thảo về Tố Hữu, tôi đọc lại bài viết của Đặng Tiến để may ra có thể rút ra được một vài nhận xét có thể chính xác hơn không.

Đặng Tiến viết: ”Nhà thơ Tố Hữu qua đời ngày 9 tháng 12 năm 2992, thọ 82 tuổi, là một tác giả chủ yếu trong nền văn học, thi ca Việt Nam thế kỷ XX. Trước tác của ông cơ bản là thơ chính trị, đấu tranh cho độc lập, thống nhất đất nước, ngợi ca dân tộc, đề cao lý tưởng Cộng sản và xã hội chủ nghĩa. Như vậy, dĩ nhiên là nhiều người thích hoặc không thích.

Kẻ thích trong giai đoạn đấu tranh, một khi mục tiêu đã hoàn tất thì bớt thich. Người chuộng những bài thơ ngợi ca lý tưởng - dù có khác chính kiến - cũng dè dặt với những câu sắt máu hay qúa khích. Loại thơ ngợi ca dân tộc va đất nước trước kia bây giờ đọc lại thấy nhàm chán, dễ dãi. Người yêu chuộng thi ca một thời cho thơ Tố Hữu là mới mẻ thiết thực, bây giờ thấy cũ kỹ thiếu sáng tạo và hiện đại. Xưa kia Tố Hữu làm thơ cách mạng, bây giờ ông được xem như tác giả bảo thủ, từ hình thức đến nội dung…”

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến này hình như cố tình viết không đầy đủ. Những người mà ông nói về phía những người “thích” Tố Hữu thì chỉ có ở ngày trước thôi, lúc ông này còn quyền chức. Chứ bây giờ đã khác rồi, tất cả đã thay đổi ”dè dặt với những câu sắt máu hay quá khích”; “bây giờ đọc lại thấy nhàm chán dễ dãi”; ”bây giờ thấy cũ kỹ thiếu sáng tạo và hiện đại”; “bây giờ ông được xem như tác giả bảo thủ, từ hình thức đến nội dung”. Tóm tắt, là “trước, thích, bây giờ, không thích”. Và như vậy, hiểu theo mạch văn ngầm thì ít người ”thích” thơ Tố Hữu, và nhiều người đã thay đổi từ “thích“ sang “không thích” ở cả những người về “phía” của ông ta.

Tố Hữu đề cập đến phía khác ”Phía khác chính kiến, dĩ nhiên lắm kẻ không ưa, thậm chí còn thù oán. Họ thường cố công trích dẫn mấy câu vần vè tuyên truyền quá khích để bêu riếu. Ở đời, những cái thời thượng quá đáng thường chóng qua, bên nào cũng vậy. Văn học lâu dài công bình hơn...”

Bây giờ, văn học đã qua một khoảng cách lâu dài đủ để cho thời gian chính xác, thì một nhà phê bình trong nước, ông Lại Nguyên Ân năm 2010 đã viết về “mấy câu vần vè tuyên truyền quá khích” để “phê phán” chứ không phải “bêu riếu”. (Không hiểu ông Lại Nguyên Ân có đứng về phía khác chính kiến không và có thù oán gì với lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu của ông Đặng Tiến không). Ông Lại Nguyên Ân viết:

“Thơ Tố Hữu có những vết nhơ không thể tẩy xóa, như đoạn thơ” yêu biết mấy nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi “Stalin”! Ý thơ ấy ngay tầm gần đã trái hẳn lẽ thường nhân loại, trẻ con tập nói thì gọi “mẹ" chứ đâu đã biết ai xa lạ? Trẻ Việt làm sao tập nói được cái từ đa tiết xịt xoạt như thế kia? (Bài đăng tạp chí Văn Nghệ 1953 là “Tiếng đầu lòng nó gọi Ông Lin”, bản in vào sách Việt Bắc, 1955 sửa thành “Tiếng đầu lòng con gọi Stalin”). Lại nữa, người đàn bà Việt dân quê làm sao có thể” Thương cha thương mẹ thương chồng/Thương mình thương một thượng Ông(Stalin) thương mười (!?!). Đây quả là một quái tượng trong thơ ca tiếng Việt và thơ ca thế giới, khi nhà thơ (thường được xem lạ kẻ chỉ biểu dương những gì nhân ái, lương thiện) lại ngợi ca ”công đức” một Bạo Chúa, một Hung Thần, một Độc Tài khét tiếng, một Đao Phủ Thủ vĩ đại, và để làm cái việc ngợi ca trái lẽ ấy, người làm thơ đã hoàn toàn xé bỏ những giới hạn thông thường của tình cảm nhân loại…”

Không hiểu ông Đặng Tiến đọc những dòng chữ trên có ý nghĩ gì? Có thể ông có phản ứng giống như cả một đội ngũ bồi bút trong nước hiện đang ca tụng say sưa Tố Hữu trong những cuộc hội thảo được liên tiếp tổ chức? Và ông có nghĩ rằng Tố Hữu yêu dân tộc, tranh đấu cho tự do thoát vòng nô lệ lại tôn sùng những tên tội đồ của nhân loại như thế…

Về những câu mà Đặng Tiến cho là ”vần vè tuyên truyền qúa khích” thì Lại Nguyên Ân viết: ”Trên mạng internet bây giờ đôi khi còn thấy người ta cho rằng Tố Hữu là tác giả đoạn thơ khủng khiếp này:

"Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ

Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong

Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin bất diệt...”

Tôi thấy lạ với đoạn thơ này vì dường như chưa từng gặp nó trong các tập thơ Tố Hữu đã đọc. Vậy nhân đây đề xuất với giới nghiên cứu, nhất là các giáo sư đã từng “ăn lộc” nhiều ở thơ Tố Hữu (như Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử...) hãy tìm ra ngọn nguồn đoạn thơ này và thông tin lại cho bạn đọc, nếu nó không phải là thuộc ngòi bút Tố Hữu thì cũng là may cho ông, tuy vẫn thật buồn cho giới làm thơ của chúng ta. Lọt sàng xuống nia, nó vẫn là của một ngòi bút Việt Nam nào đó. Vượt ra ngoài chuyện xác định ”tác quyền” cụ thể, đoạn thơ này thông báo rằng còn có cả một dòng thơ quần chúng sắt máu đầy hận thù giai cấp từng được Đảng khơi lên, từng được sáng tác và lưu truyền ra ngoài dân chúng, đó là văn thơ có cả kịch chèo phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, xuất hiện vào khoảng năm 1951 và tự tắt đi vào khoảng năm 1956. Rất nhiều tên tuổi nhà thơ nhà văn quen thuộc có góp tác phẩm vào mảng thơ văn này kể cả Nguyễn Tuân, kể cả Nguyễn Bính, kể cả Hữu Loan… tất nhiên số đông hơn vẫn là những tác giả quần chúng ít tên tuổi. Cho đến nay, về cải cách ruộng đất thì ít nhiều đã có những công trình, luận án sử học, nhưng mảng văn thơ cải cách ruộng đất thì vẫn chưa hề có một sưu tập, tuyển tập tác phẩm, cũng chưa có một công trình nghiên cứu, luận án hay luận văn nào đề cập tới. Cố tình hay vô ý của giới nghiên cứu văn học chính ngạch ta đây? Hãy chờ nghe trả lời từ những người đang phụ trách các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của nhà nước. Nhưng dù sao thì cũng đừng nghĩ rằng hễ giới nghiên cứu làm bộ quên thì mảng văn thơ này sẽ dần dần biến mất; tốt hơn là nên tiếp cận bằng các sưu tập và công trình nghiên cứu, tức là nhắc lại nó như một kinh nghiệm đau xót của một nền văn học từng sa vào những giọng điệu và tinh thần phi nhân đáng hổ thẹn này...”

Thế mà, vẫn có một người nhận mình là phê bình văn học lại cố tình đánh lờ, viết những câu rất ”ngạo man” rất là ”chánh tổng văn học của văn chương làng xã” (mà nhà phê bình văn học ở trong nước Hoàng Ngọc Hiến đã gọi)”

“Những hạn chế trong thơ Tố Hữu thì Trần Dần đã viết bài phê phán từ năm 1957, thịnh thời của Tố Hữu. Bài viết can trường, sắc sảo và chính xác, từ năm 2001 đã được phổ biến rộng rãi ở ngoài nước. Tôi không cần thêm điều gì.

Tố Hữu nhà thơ, còn là nhà chính trị lãnh đạo văn nghệ. Nơi này hay nơi kia, khi này hay khi khác, ông đã có những sai lầm, mà tôi không nói ở đây, vì không phải lúc, lễ độ văn học không cho phép”

Không đề cập đến, không phân tích đến thì ông Đặng Tiến viết bài này làm gì? Để chờ “ăn lộc” trong thơ Tố Hữu chăng? Và lúc nào thì phải lúc để lễ độ văn học cho phép?

Đặng Tiến khen Tố Hữu: ”Tố Hữu xuất thân từ phong trào Thơ Mới 1932-1945, đã có công tạo một nội dung mới cho phong trào này, đã đưa phong trào thơ Mới vào sự nghiệp giải phóng dân tộc - dĩ nhiên là với nhiều tác giả khác - nhưng ông là mũi tiên phong. Với thơ Tố Hữu, những Mẹ Tom, Mẹ Suốt đã đi vào rừng sâu, ngục tối và dáng dấp Nàng Thơ đã thay xiêm đổi áo. Thơ đã thật sự đến với quần chúng theo những bước chân, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, đã biết với nhân dân” cùng đổ mồ hôi sôi giọt máu…”

Có người phản bác. Tố Hữu đã không tạo một nội dung mới nào cho Thơ Mới hết mà trái lại còn là kẻ phá hoại thay vì xây dựng. Ông ta áp đặt một thứ văn nghệ vô sản chữ nghĩa nôm na để bắt mọi người theo và quyết liệt phê bình để loại trừ tính lãng mạn mà ông ta gọi là lãng mạn kiểu tiểu tư sản. Và bảo ông ta ”cùng đổ mồ hôi sôi giọt máu“ với nhân dân thì cũng chẳng có đâu, ông ta chỉ tuyên truyền và xúi giục người khác hy sinh để ông ta hưởng thụ mà thôi.

Đặng Tiến khen Tố Hữu bằng cách chê bai những nhà thơ (Không hiểu có nhà thơ Đặng Tiến tức Nam Chi trong thành phần này không?):

“các nhà thơ thường ảo tưởng về ”thiên chức“ của mình, tự phong làm những ngọn hải đăng cho nhân loại. Nhưng ai đọc các Ngài? Có người còn ảo tưởng: dân tộc Việt Nam yêu thơ. Nhưng yêu thơ gì, ngoài những vần vè ê a ấp úng trong các dịp hiếu hỉ, tửu hậu trà dư? Hai nguồn ảo tưởng ấy đã kết duyên, thành đôi thành lứa nương tựa vào nhau để sống. Một hạnh phúc vần vè trên ngộ nhận. Thơ Tố Hữu với những thành tựu và hạn chế đã thật sự đi vào quần chúng thuộc nhiều giai tầng xã hội khác nhau, trong một thời gian dài trong gian truân và khói lửa. Nói rằng thơ Tố Hữu đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước thì quá đáng nhưng đã cụ thể tham dự vào đời sống gian lao của dân tộc...”

Ông Đặng Tiến có trí nhớ hơi lộn xộn. Hoặc ông cố tình. Lúc thì ông viết rằng Tố Hữu có viết những bài thơ “vần vè tuyên truyền quá khích” ở đoạn trước thì ở đoạn sau ông lại viết thơ Tố Hữu đi vào quần chúng. Và, ông lại mang cái ngôn từ “vần vè” đầy chất bỉ thử gán cho những người làm thơ khác không chịu… đi vào quần chúng như kiểu Tố Hữu. Ông viết lấy được, lý luận một chiều, và cố tình che chở cho những cái lỗi lầm hiển nhiên của một quan van nghệ như Tố Hữu. Đã thế lại cái giọng vừa sấc sược kiểu cường hào ấy lại càng gây phản cảm cho người đọc và càng làm rõ ràng hơn chân dung bị bôi lem bị phỉ nhổ…

Còn một điều nữa, trước đây tôi vẫn cứ tưởng dân tộc Việt Nam yêu thơ với truyền thống đã có từ lâu. Bây giờ, ông Đặng Tiến vì bênh vực Tố Hữu dẵ xổ toẹt ”Các nhà thơ thường ảo tuỏng về thiên chức của mình tự phong làm những ngọn hải đăng cho nhân loại. Nhưng ai đọc các Ngài? Có người còn ảo tưởng dân tộc Việt Nam yêu thơ. Nhưng yêu thơ gì ngoài những vần vè ê a ấp úng trong các dịp hiếu hỉ, tửu hậu trà dư? Hai nguồn ảo tưởng ấy đã kết duyên, thành đôi thành lứa nương tựa với nhau mà sống... Một hạnh phúc vần vè trên ngộ nhận...”

Đọc những câu này tôi thật sửng sốt. Và vội tìm đọc lại những bài viết của Đặng Tiến trong các tạp chí, các trang mạng và cả các quyển sách như ”Vũ Trụ Thơ”, hay "Thơ, Thi Pháp và Chân Dung” thì thấy rằng những dòng chữ trên thật lạ lùng hiếm thấy. Những câu chữ phỉ báng thơ trong những ý khẳng định mà không chứng cớ. Nói khơi khơi, chê bai khơi khơi như một kẻ không biết suy nghĩ…Mà mục đích là gì, để làm nổi bật lên một thợ thơ Tố Hữu thành một nhà thơ Tố Hữu, y hệt như lời bốc thơm một anh thợ vẽ nhà quê thành một họa sĩ đích thực…

Nhưng có người lại cho rằng Đặng Tiến viết như vậy là có dụng ý khác, cơ hội chủ nghĩa hơn. Như nhân cái ngày gọi là Quốc Khánh 2 tháng 9 của Việt Cộng năm 2010, trên đài BBC có phỏng vấn Đặng Tiến. Ông này đã trả lời với sự tôn vinh Hồ Chí Minh và cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải chiến đấu với Thực dân Pháp, với Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch, và với các đảng phái mà ông ta gọi là theo chân bọn Tàu Tưởng. Và sự kiện ký hiệp ước sơ bộ không phải là sự nhượng bộ mà là một phương cách để chiến thắng. Đặng Tiến đã đồng hóa tất cả các đảng phái Quốc Gia vào một là những đảng phái bám gót quân Quốc dân Đảng Trung Hoa. Và nếu những ai có đọc lịch sử cận đại Việt Nam liệu có chấp nhận lối nói như vậy không? Võ Nguyên Giáp là tên đồ tể đã giết biết bao nhiêu chiến sĩ Quốc Gia mà tới nay Đặng Tiến lại đi xưng tụng một cách quá lố như vậy?

Trường hợp nữa, là ở cuốn sách Thơ Đến Từ Đâu của Nguyễn Đức Tùng. Có rất nhiều bài viết về tác phẩm này, trong đó có bài của Đặng Tiến. Đây là một bài viết tỏ lộ rất rõ cá tính của người viết.

Ông này đã viết một bài giới thiệu cuốn sách này rất... đúng đường lối đã vạch sẵn từ lề bên phải mà chính quyền Cộng sản ấn định. Ông viết:

“Thơ đến từ đâu, nhìn dưới một góc độ Việt Nam nào đó, còn là một lối đặt vấn đề đối thoại vì nó đã có lời giải đáp từ 1942 qua bài thơ Là Thi Sĩ kinh điển của Sóng Hồng:

“Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng

để tâm hồn rào rạt với Chi Lăng

Làm bất tử trận Đống Đa oanh liệt...”

Sau này Tố Hữu còn đưa ra một định nghĩa thơ: Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Hai tiếng đồng chí của ta thật đẹp, nó có nghĩa là đồng ý đồng tình. Cứ như thế chân lý đã rõ ràng: Thơ đến từ trái tim đồng chí, còn hỏi han, phỏng vấn, trao đổi qua lại làm gì nữa?”

Hãy thử đặt câu hỏi. Có ai ”đồng ý, đồng tình, đồng chí” với những câu thơ xưng tụng những đao phủ như Stalin, Mao Trạch Đông,... không? Lại Nguyên Ân viết:

”Tôi cho rằng thơ Tố Hữu có thể có tính giai cấp, tính dân tộc nhưng không có tính nhân loại. Không có tính nhân loại là ý thức, là chủ ý của nhà thơ Tố Hữu, người đã ra lệnh cho toàn giới lý luận và sáng tác văn nghệ ở miền Bắc phải loại bỏ tính nhân loại, bác bỏ chủ nghĩa nhân đạo (humanisme) cả về lý luận lẫn thực tiễn, bảo nó là ”nhân loại chung chung, nhân tính trừu tượng” cấm không ai được rơi vào quan niệm đó, nếu không muốn bị trừng phạt. Tự ông nói thơ ông là “đồng ý, đồng tình, đồng chí” nghĩa là những ai không là ”đồng chí” với ông thì không thể được ông thích, những ai không ”đồng tình, đồng ý” với ông thì đều bị loại ra khỏi thế giới thơ ông. Bị nhà thơ thường dân ghét thì cũng chẳng sao, nhưng bị nhà thơ quyền uy đầy mình như Tố Hữu ghét thì kẻ bị ghét sẽ khốn nạn từ thân xác đến tận tâm thần, như những cựu “đồng chí” Nhân Văn Giai Phẩm đó!”

Đặng Tiến viết: ”Tố Hữu sử dụng thơ trong mục đích chính trị, cái đó đã rõ; nhưng đồng thời và vô hình trung, ông đã sử dụng chính trị làm đòn bẩy cho thi ca. Còn về sau này, thơ hay hoặc dở, không còn tùy thuộc ông ấy, cho dù ông có trách nhiệm chỉ đạo.

Trong đặc tính của nó thơ không có chức năng thông tin, mà phục vụ chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ. Đúng. Nhưng đã mấy người hiểu? Người nghe, đọc thơ, trước hết là đón nhận thông tin, về sau, về lâu về dài, mới ý thức được phẩm chất thẩm mỹ của ngôn ngữ. Trăm năm trong cõi người ta là một câu thơ xoàng, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau là một thông tin lẩn thẩn, cuộc đời Thúy Kiều là chuyện vẩn vơ, nhưng tác phẩm Truyện Kiều đã làm giàu ngôn ngữ và tâm hồn Việt Nam, thơ cách mạng thơ kháng chiến nhắm mục đích tuyên truyền và thực dụng nhưng sau khi tuyên truyền nó lưu lại một dư vị thẩm mỹ trong ngôn ngữ người dân - như vậy là đã đóng góp vào sự nghiệp thi ca nói chung, hiểu theo tinh thần này, công bình mà nói thì thơ Tố Hữu - trong những hạn chế - đã có những đóng góp tích cực vào nền thi ca Việt nam trên ba mặt củng cố, phổ biến và phát huy...”

Đó có phải là sự thực không? Lại Nguyên Ân đã trả lời không với kinh nghiệm thực của mình từ đời sống, đã lớn lên và trưởng thành ở xã hội miền Bắc:

“Ảnh hưởng của thơ Tố Hữu ở Việt Nam (nói chính xác là ở vùng thuộc VNDCCH và CHXHCNVN) là lớn, nhờ việc bộ máy tuyên truyền do ông đứng đầu đưa thơ ấy tràn ngập các kênh chủ yếu: sách giáo khoa sách báo phổ thông, đài phát thanh… Nói cho đúng công chúng sống trên đất VNDCCH và CHXHCNVN biết và thuộc thơ Tố Hữu vì không thể tránh thoát thơ ấy, là vì không có chỗ trốn khỏi thơ ấy. Tất nhiên thơ ấy chiếm lĩnh tâm hồn rất nhiều lớp người và chính vì thế mà họ đã làm những gì thơ ấy kêu gọi, nhất là…ra trận”

Đặng Tiến viết về Tố Hữu, đã dùng luận điệu rằng những người thuộc phía đối kháng với chế độ hiện hữu đã mang hận thù để phê phán nhà thơ này. Tôi cũng hiểu được dụng ý ấy và đã mượn lời Lại Nguyên Ân, một tác giả đã sống và lớn lên trong môi trường giáo dục của Cộng sản để đối chiếu với những luận cứ của Đặng Tiến. Trước sau, tôi chỉ là một người đọc sách và lúc nào cũng muốn học hỏi được những cái thực chất của tri thức chứ không phải là những giả trá, những giai đoạn của những người đón gió phất cờ. Tôi nghĩ, đáng lẽ với một người ở hải ngoại như Đặng Tiến ngoài vòng cương tỏa thì việc viết và nhận định một nhân vật như Tố Hữu một cách lương thiện đâu có khó khăn gì?

Lại Nguyên Ân đã viết một bài khi chứng kiến những cuộc hội thảo rùm beng của những văn nô trong nước, vô hình trung đã gián tiếp phê phán bài viết của Đặng Tiến. Có lẽ, ông này đã đọc và không hiểu có tiếp cận và hấp thụ những điều lại Nguyên Ân viết không? Hy vọng là có, để văn chương vẫn là văn chương và phê bình văn học không phải là việc bốc một nắm chữ rồi bầy biện sơn phết theo ý nghĩ chủ quan mình…

Nguyễn Mạnh Trinh
 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.