.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

 
Đào Hiếu,
"Lạc đường" hay "Mạt vận" ...

Có người đã hỏi Đào Hiếu là ai? Trên Việt Báo Online trong lời tòa soạn vào đề của bài phỏng vấn Đào Hiếu qua Đặng Phú Phong thì: ”Đào Hiếu - một nhà văn phản kháng nổi tiếng tại Việt Nam, người đã một thời tuổi trẻ hoạt động trong phong trào sinh viên đấu tranh tại Sài Gòn và bây giờ ngồi tại Sài Gòn để đưa lời tâm huyết ra để viết nhiều tác phẩm lên án chế độ độc tài Cộng sản...” Câu giới thiệu ấy có lẽ phải nhận định lại. Trước hết, phải nói cho rõ ràng. Đào Hiếu là một “đặc công” Việt Cộng trà trộn vào những phong trào sinh viên học sinh để hoạt động. Chính Đào Hiếu đã tự nhận như thế. Là một nhà văn phản kháng nổi tiếng? Còn phải nhìn lại qua những tác phẩm và trên blog Đào Hiếu để phân biệt phản kháng thực và phản kháng nửa vời. Viết văn để tố cáo những “hiện tượng” của chế độ mà vẫn khư khư với cái “bản chất” thì liệu có phải là phản kháng thực?

Có người hỏi tôi đã đọc Đào Hiếu chưa? Tôi đã đọc hai cuốn một tự truyện ”Lạc Đường” và một tiểu thuyết “Về Đâu” (mà tác giả có khi gọi là “Mạt Vận”).

Trước đó tôi có đọc Đào Hiếu qua “Nổi Loạn”. Tôi nhớ đã đọc cuốn sách này và không chú ý lắm. Hình như cuốn truyện này có mô tả vài nhân vật cán bộ Cộng sản có những ám ảnh tình dục bệnh hoạn và những hành động bất thường. Nếu có thể ví von, là một mẫu hình người vừa có tính khôi hài đen vừa có tính giáo điều của một xã hội băng hoại và lụn rã từ ngay căn bản gia đình. Tôi nhớ, truyện này có lối viết khá cường điệu và nhiều kịch tính. Và, theo tôi biết, thì cuốn sách này bị cấm phát hành và gây ra rắc rối cho người viết ra nó.

Tôi có người bạn vừa sang định cư ở Hoa kỳ. Ở Sài gòn anh cũng biết khá nhiều về những nhân vật viết lách. Khi hỏi đến Đào Hiếu thì anh cho biết là ông này có một thời làm báo Tuổi Trẻ và là một người lớn lên từ chế độ Cộng hòa nhưng lại đi theo Cộng sản. Và anh chỉ cho tôi đọc trên blog của Nguyễn Sinh viết về Đào Hiếu: ”Mới đây lại nghe anh Đào Hiếu nói rằng anh vừa viết xong quyển hồi ký ”Lạc Đường” trong đó đả động đến rất nhiều vấn đề. Anh đã cho đăng trên trang web Talawas và nghe đâu bên Mỹ đang dự kiến in và phát hành quyển sách này với số lượng ban đầu khoảng 10 ngàn bản. Cùng với chuyện này anh đã cho in vi tính một số tập và chỉ để dành tặng chơi cho những người “trí thức” tham khảo trước. Song trước đó tôi lại nghe râm ran trong giới văn nghệ ở Sài Gòn rất nhiều người phản ứng gay gắt tập hồi ký này của anh, trong đó có nhà thơ nữ Lê Thị Kim... Gần đây nhất, tại quán nghệ sĩ 81 Trần Quốc Thảo, tôi cũng nghe anh Bùi Chí Vinh cằn nhằn về tập hồi ký này và anh ta còn nói rằng: ”Cha Đào Hiếu này viết không đúng! Chẳng hạn như tôi là ”xếp” của y lúc còn làm việc chung ở bên báo Tuổi Trẻ. Vậy mà trong Lạc Đường y lại bảo là xếp của tôi...”

Đọc trong Lạc Đường thì biết Đào Hiếu đã kể về mối tình với nhà thơ nữ Lê Thị Kim, lãng mạn tình tứ lắm. Nhưng không hiểu tại sao đáng lẽ nhà thơ nữ này phải hãnh diện mới đúng chứ sao lại ”phản ứng gay gắt”. Có lẽ vì Đào Hiếu mô tả cuộc tình không trung thực chăng?

Trước năm 1975, với một vài bài báo rải rác, Đào Hiếu là một tên tuổi xa lạ. Sau năm 1975, vì là “Việt Cộng” nên có nhiều tiẻu thuyết được in nhưng chính Đào Hiếu cũng thú nhận là “có sách bán ế nhất nước”. Cho đến khi được dư luận biết đến qua tiểu thuyết Nổi Loạn. Và sau này với Lạc Đường và Về Đâu.

Lạc Đường là một hồi ký. Dĩ nhiên những chi tiết phải đúng với sự thực. Trong Lạc Đường, cái sự thực ấy có một chút gì “khả nghi” không chính xác. Tác giả Đỗ Văn Minh đã nêu ra những “khả nghi” trong hồi ký của Đào Hiếu. Như khi Đào Hiếu mô tả về người bạn Hoa Kỳ Bayle nào là lính thủy đánh bộ Mỹ, rất trí thức quí phái nào tốt nghiệp đại học Yale, nào biết chơi nhạc cổ điển trên guitar, “chơi nhạc flamenco của Sabicas rất bố nhưng lại thích nghe Đào Hiếu chơi những tác phẩm của Terrega”. Nhưng nhân vật ấy có thể “khả nghi” là ảo không, tác giả Đỗ Văn Minh nêu ra:

”Đã tốt nghiệp đại học mà bị động viên vào hàng binh sĩ thì người ta chỉ cầu phục vụ cho mau hết thời gian phải nhập ngũ để làm tròn bổn phận công dân. Trong khi đó thủy quân lục chiến Hoa Kỳ là một quân chủng chỉ chấp nhận các quân nhân tình nguyện. Không có lính động viên ngang nhiên được chấp nhận vào quân chủng này. Không nhẽ ông bạn Bayle của Đào Hiếu sau khi bị “thảy qua chiến trường Việt Nam lại tình nguyện vào TQLC để làm lính nhà nghề ”Người thật" trong “Lạc Đường" là như thế đó! Cũng có khác gì cái tên được Đào Hiếu huênh hoang bốc nhắng lên để hòng khoe mẽ như Sabicas, như Tarrega”

Đó là “người thật” của Đào Hiếu. Còn “việc thật” thì sao? Tác giả Đỗ Văn Minh viết về cái sự thật ”khả nghi “này:

“Đoạn trích dẫn trên đây gồm 3 hoạt cảnh lần lượt như sau:  Thứ nhất ngày hôm trước, một phái đoàn quân sự cao cấp Mỹ gồm có cả tướng lãnh đến Quy Nhơn hội họp. Đặc công Việt Cộng đã phá sụm tòa nhà làm đại bản doanh nơi đang có buổi hội họp”. Tòa cao ốc sụm xuống như một cái đèn xếp thì hiển nhiên là bọn tướng tá Mỹ phải chết hết. Mà không chết hết thì cũng có nhiều người bị trọng thương. Thứ hai ngay đêm hôm đó Mỹ cho trực thăng đến xóm dân chài Thị Nại bắn phá tàn sát điên cuồng để trả thù cho vụ khủng bố nói trên. Thứ ba, sáng sớm hôm sau, Đào Hiếu đến coi và nhận ra là ông bạn Bayle đã ở trong số những quân nhân Mỹ tử nạn.

Nếu tin được những lời Đào Hiếu kể thì người Mỹ đã làm việc hết sức vô trách nhiệm. Có bao giờ sau khi vụ khủng bố xảy ra mà mãi ngày hôm sau mới đến hiện trường đào bới tìm xác. Theo lẽ thì bất kể ngày đêm phải lập tức huy động nhân lực và phương tiện đến để xem có còn ai bị thương để cấp cứu ngay. Chắc là ông Đào Hiếu bắt người Mỹ chờ đến sáng hôm sau để ông có dịp nhận diện ra bạn ông trong số những người chết? Thêm nữa cả khu vực đã bị cô lập, phải hiểu là cả khu phố bị ngăn cấm không cho vào, có ai tò mò muốn coi thì cũng phải đứng cách xa ít nhất là năm bảy chục thước. Vậy mà ông Đào Hiếu lại mô tả cứ như là đi coi triển lãm để nhìn ra được người bạn ông nhờ hai bàn tay ”cũng giống như hai bàn tay tôi bàn tay của người chơi đàn ghita cổ điển. Ở chỗ chết chóc này ông cũng không quên nhắc cho người đọc nhớ rằng ông chơi ghita cổ điển, nghĩa là ở cấp quí tộc. Và tôi thực tình không hiểu bàn tay người chơi đàn ghita cổ điển khác với bàn tay người chơi ghita không cổ điển ra làm sao?”

Chưa hết, tác giả Đỗ Văn Minh còn nêu ra những nghi vấn như Đào Hiếu tự nhận mình học “trường tây” ở Qui nhơn cho có vẻ quý tộc(?). Hay Đào Hiếu khi làm một đặc công Việt Cộng để tạo chiến công nhập Đảng đã trổ tài vừa ngồi sau xe Honda vừa làm trò quỷ thuật là để trái mìn tự tạo lên bàn chân để dùng chân ném thay vì dùng tay… Và còn nhiều sự kiện khả nghi khác trong tác phẩm của Đào Hiếu mà tác giả Đỗ Văn Minh nêu ra. Như khi bị bắt, Đào Hiếu còn đủ thời giờ để chơi đàn cả mấy tiếng đồng hồ (lý do là công an muốn dẫn dụ những người liên quan khác). Nhưng sao nghe chuyện vô lý và hơi khoe khoang cách chơi đàn “quí tộc“ của mình. Hay là khi Đào Hiếu chửi vung ra tới hải ngoại” họ đã lợi dụng tác phẩm của tôi để tuyên truyền chống Cộng một cách rẻ tiền. Một số khác thì “vô tư” in lại tác phẩm của tôi để kiếm lời mà không hề hỏi tôi lấy một tiếng”. Đỗ Văn Minh xem lại cuốn sách lạc Đường và thấy ”Kim Thư Production USA 2008” và "copyright by Đào Hiếu”.

Viết về thời kỳ trước 1975 khi Đào Hiếu tự nhận mình là sinh viên mà lại thiếu hiểu biết lúc viết: ”Trước năm 1975 ở Sài Gòn có 36 tờ nhật báo nhưng chỉ duy nhất một tờ báo của nhà nước. Đó là tờ Tiền Tuyến. Tờ báo đó không ai đọc và chỉ phát không cho lính.” Có phải những dòng chữ ấy là phiên bản của những luận điệu tuyên truyền không?

Đào Hiếu khi đọc những nhận xét trên của tác giả Đỗ Văn Minh đã trả lời ra sao? Ông ta viết ”anh thắc mắc về 2 cuốn sách của tôi làm gì cho mệt. Anh cứ về Quy nhơn hỏi bất cứ người nào trên 50 tuổi họ đều biết những sự kiện được mô tả trong Lạc Đường là thật.

Anh cứ gặp bất cứ ai theo cách mạng trước năm 1975 từng ở R đều biết nhân vật ”Vương Gia” là ai, nhân vật ”Giám Đốc Thu” là ai. Vương gia thì chết rồi nhưng Thu thì vẫn còn sống hiện đang bị tù. Thôi vậy nhé, cứ hỏi cho kỹ đi rồi sẽ biết. Dù sao cũng cám ơn anh đã quan tâm đến tác phẩm của tôi - Đào Hiếu.”

Trả lời như vậy thì thật hết ý kiến. Đáng lẽ, tôi cũng chẳng nên phí thời giờ làm gì. Nhưng, bây giờ vẫn còn những người xưng tụng Đào Hiếu là “nhà phản kháng nổi tiếng” là nhà trí thức sâu sắc để quảng cáo cho những cuốn sách “lạc đường” đến thành ”mạt lộ”...

Cuốn “Lạc Đường”, mà nhiều người đã đọc qua cho rằng có tính cách phê phán chế độ và tính phản kháng vì bất mãn. Tôi đọc và tự nhiên muốn viết một vài nhận xét chủ quan của mình. Dù có lúc cũng khá ngại ngần, bởi sự thành thực của mình nhiều khi bị cho là có ý này ý khác. Viết mà có thiên kiến thì khó lòng mà chính xác được tôi cũng hiểu điều ấy. Tôi không muốn làm một người ở bên này để suy nghĩ và nhận xét về một người ở bên kia. Cái chiến tuyến đáng lẽ phải dẹp bỏ sau khi cuộc chiến kết thúc đã hơn ba chục năm…

Trong bài phỏng vấn Đào Hiếu của Đặng phú Phong, người viết “Lạc Đường“ đã giải thích về nhan đề tiểu thuyết của mình ”khi người phỏng vấn hỏi” xin hỏi ông : tại sao là lạc đường mà không là lầm đường? Lạc đường và lầm đường khác nhau như thế nào?”:

“Lạc đường nghe hay hơn lầm đường. Lạc đường là chọn một con đường nào đó nhưng khi đến thì lại đến chỗ khác. Còn lầm đường thì chọn sai ngay từ đầu”.

Như vậy, Đào Hiếu cho rằng mình theo Cộng sản vì muốn làm cách mạng dân tộc vì tính lãng mạn và đọc sách hiện sinh của Sartre và Albert Camus. Và ông cho rằng mình chọn đúng hướng đi cho cuộc đời mình:  đánh Mỹ, chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Hình như, Cộng sản rất dị ứng với triết học hiện sinh mà Đào Hiếu vì đọc tiểu thuyết của các tác giả hiện sinh mà theo Cộng thì chuyện ấy với tôi có vẻ hơi mâu thuẫn ít chất hợp lý. Hình như lúc Đào Hiếu sống và lớn lên ở miền Nam thì triết học hiện sinh thành một mốt thời thượng và nhiều người nói như một con vẹt, nói để có cảm tưởng mình thông thái… Chuyện đánh Mỹ, chấm dứt chiến tranh thống nhất đất nước thì giống y như chiêu bài của miền Bắc. Họ gây ra chiến tranh tại miền Nam, nhờ vào giúp đỡ của khối Cộng sản quốc tế và mục đích là thôn tính miền Nam. Đáng lẽ, sau sự sụp đổ của nhiều chế độ Cộng sản trên thế giới thì Đào Hiếu cũng nên hiểu rằng chủ nghĩa Cộng sản lỗi thời đã bị đào thải. Khi ông nói rằng mình không hề lạc đường và chỉ có lịch sử đã lạc đường, tôi có cảm giác được nghe câu nói của một người nói để mà nói, nghe huề vốn và hơi lẩn thẩn... Biết thì thưa thốt, không biết thì nên... làm thinh. Tỏ ra mình quí phái, trí thức, ưu thời mẫn thế mà bên trong rỗng ruột che lấp cái sai lầm đáng lẽ phải sám hối có phải là một cách thức văn chương?

“Lạc đường“ là một tự truyện kể lại cuộc đời của một người lớn lên ở miền Nam, đi lính với cấp bậc binh nhì ở Đại đôi 22 trinh sát, rồi trốn vào Sài gòn, gia nhập đặc công Việt Cộng rồi bị bắt. Với lối bố cục nhảy cóc, người đọc khó có thể theo dõi liên tục cuộc đời của tác giả, xen vào đó pha trộn nhiều lời thuyết giảng từ sách vở kim cổ và với cá nhân tôi khi đọc Lạc Đường có cảm giác là đọc một loạt bài luận thuyết hơn là một tự truyện. Ông mang Trang Tử với Nam Hoa Kinh, Eckhart Tolle với The Power of Now, Albert Camus với L’Etranger, John Perkins với ”Confession of an Economic Hit Man”, Micheal Moore với phim ”Fareinheit 9/11” rồi Kinh Dịch, Kinh Phật, nhồi nhét vào truyện để thành những lời thuyết giảng gượng gạo vu vơ. Có lẽ, rút gọn những “râu ria“ này thì cuốn sách dễ đọc hơn.

Phê bình về một chế độ xã hội mà chỉ qua lăng kính một cuốn sách và một phim ảnh liệu có chính xác không? Nhất là tác giả này chưa có một kinh nghiệm sống nào, chưa một ngày quen thuộc và vật lộn với sinh kế và đời sống thực thì liệu những môi trường sống như vậy có thuyết phục được độc giả không? Tôi nghĩ có lẽ là không!!! Như một trường hợp là ông Hoàng Ngọc Hiến được dịp ra hải ngoại 6 tháng để viết về văn học tại hải ngoại. Và trong bài tổng kết ông nói rằng chỉ cần đọc một vài tác phẩm tiêu biểu là có thể biết và phác họa được một nền văn học đó một cách không khó khăn. Có lẽ vì như vậy nên ông đã có một bài viết khập khiễng đầy chủ quan và thiên kiến.

Đào Hiếu có nhiều hình tích vóc dáng. Lúc thì ông la người lãng mạn hiện sinh, lúc là người Cộng sản trung kiên. Khi là người sinh viên tranh đấu, lúc đóng vai người binh nhì của đại đội 22 trinh sát, rồi lại thành anh đặc công Việt cộng mang chất nổ đi phá hoại để thành một đảng viên sau chiến công đầu. Sau năm 1975 thành anh nhà báo tiên phong của tờ báo Tuổi Trẻ, rồi lại thành anh nhà văn có vấn đề vì viết cuốn sách gây nhạy cảm cho giới lãnh đạo. Nhưng dù thế nào chăng nữa, Đào Hiếu vẫn không bị cấm viết, vẫn có tác phẩm in ra và vẫn được đi xuất ngoại đều đều như đã mô tả trong các trang sách khi kể những cuộc rong chơi ở Châu Âu, ở Liên Xô, ở Châu Mỹ. Ông có số phận may mắn hơn những nhà văn Nhân Văn Giai Phẩm thuở xưa và những nhà văn nhà thơ tranh đấu cho tự do dân chủ bây giờ chăng?

Đọc xong cuốn sách, gấp lại, một câu hỏi vẫn còn trong trí óc tôi. Đào Hiếu, ông là ai? Tôi phải lựa chọn chân dung nào thích hợp nhất trong những hình tích vừa kể? Một công việc dễ mà khó, khó mà dễ!…

Đào Hiếu cũng phê bình chế độ, ông không có mục đích nhắm vào những căn bản gây ra tình trạng lụn bại hiện nay mà ông đề cập đến những cá nhân mà ông ví von :  “Trước đây, chúng không phải là ruồi, chúng là bạn tôi. Về sau, vì ăn tạp, chúng bị đột biến gen và hóa thành ruồi”.

Rồi Đào Hiếu nhận dạng từng con ruồi, từ ruồi cái đến ruồi đực, từ con thứ nhất đến thứ một ngàn, hai ngàn,… Thí dụ như con ruồi cái thứ nhất:

”Đầu tiên là một ruồi cái. Cái mắt nó bự, mắt là một thứ lăng kính nhiều mặt. Tay chân nó đầy lông, bụng nó phình ra như cái trống. Hồi còn là sinh viên tướng tá nó đã ngầu như vậy. Bộ ngực đồ sộ như trái bí đao. Khi ở tù nó được tụi cai ngục đặt cho cái hỗn danh ”Con ma vú dài khám Chí Hòa”.

Tôi không ở tù chung với nó nên không biết trong tù nó có ngon lành không (muốn biết cứ giở những tờ khẩu cung còn lưu trong Tổng nha thì rõ) nhưng ngoài đời nó thường ăn nói đốp chát đanh đá. Chồng của ma vú dài thì tôi biết vì tôi ở tù chung với anh ta. Nhưng đó là chuyện trong tù, còn chuyện “kinh tế thị trường” thì lại khác. Chẳng biết hai vợ chồng đớp hít vơ vét cỡ nào mà phải bỏ nhiệm sở trốn. Chạy đi cầu cứu hết ông lãnh đạo nọ đến ông kia. Một bữa Ma Vú Dài tình cờ gặp tôi. Nó nói: “Mình có cái đồn điền cà phê mấy chục mẫu, Ông mua mình bán cho”.

Tôi chỉ ngón tay vào giữa hai đùi của mình và nói: “làm nhà văn chỉ có mỗi cây bút bi này, tiền đâu mà mua?”

Không biết sau đó nó bán đồn điền cho ai. Nhưng đồn điền cà phê có là cái quái gì với nó. Nó làm sếp tàu biển. Mỗi lần tàu há mồm là nuốt cả xe hơi, biệt thự. Dù nó có bỏ nhiệm sở mà trốn thì cũng đã gởi cả núi tiền ở các ngân hàng Thụy Sĩ rồi”

Đại khái các con ruồi mà Đào Hiếu tả cũng đều na ná như thế. Ăn cắp, tham những, lường gạt, nịnh hót, theo thời, gian ác,… đầy đủ của những con người ham tiền sa đọa.

Nhưng, mô tả như thế có phải là đối kháng không? Theo tôi, nhiều nhà văn Cộng sản son sắt nhất cũng có những mô tả tương tự. Nhưng, họ cho đó chỉ là hiện tượng thôi chứ không phải là bản chất chế độ. Chế độ vẫn tốt, chỉ có người thi hành sai, nên nêu ra những sai sót có khi làm chế độ sạch sẽ hơn. Thành ra, nhiều khi cứ viết thả dàn, có lúc còn cường điệu cũng chẳng sao. Tôi không biết rõ sự việc nên không dám có kết luận bởi nếu không đủ yếu tố để đoan quyết có thể thành sự nông nổi và làm tai hại cho người khác. Nhưng, dù sao vẫn phải phân tích cho rõ ngọn ngành.

Nhân vật của Đào Hiếu có thực mà cũng có trong hư cấu. Có thực như Huỳnh Tấn Mẫm, như Dương Văn Đầy, như Cao thị Quế Hương, như Phạm Chánh Trực, như Nguyễn Tấn Tài, Sơn Nam, như vợ chồng Võ Thị Thắng –Trần Quốc Thuận …Cũng có cải danh đôi chút như Vô Hạnh (Vũ Hạnh), như Hột Xoàn (Kim Cương)... Những nhân vật được nhắc đến thường thêm thắt vào một vài kỷ niệm với tác giả, thường là những lỗi lầm, những xấu xa hơn là lời khen tặng. Nhưng có một nhân vật đặc biệt, khi thì độc thoại, khi thì đối thoại, làm có lúc người ta tưởng Đào Hiếu – Dã Nhân là một. Nhân vật này dường như lúc nào cũng uống say rượu Bầu Đá tha hồ bốc phét chuyện trên trời dưới biển, chuyện sách vở kinh điển, chuyện đời chuyện đảng, chuyện gió chuyện mây. Có lúc người đọc có cảm giác như tác giả muốn nói nhưng ngại ngùng nên mượn nhân vật nói giùm. Thực tình tôi không hiểu nhân vật này có thực hay không, nhưng chuyện ấy cũng chẳng quan trọng. Chỉ biết rằng trong truyện, nhân vật Dã Nhân đã đóng vai phát ngôn viên cho tác giả ỡ những điều mà chính tác giả khó biện bạch.

Đọc Lạc Đường, tôi suýt nữa cũng bị Lạc Đường theo. Khởi hành theo một con đường đến chỗ đã định nhưng lại đến một chỗ khác. Không biết có phải vì cái màn mù mù nhân ảnh của một chế độ mà sự giả trá thành châm ngôn để cứu cánh biện minh cho phương tiện chăng? 

Nguyễn Mạnh Trinh
 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.