.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

 
Sau một năm,
nhìn lại chân dung Cao Xuân Huy

Thời gian đi qua thật nhanh. Đã qua một năm ngày nhà văn Cao Xuân Huy từ trần. Trong lòng những người thân trong gia đình và bằng hữu của ông vẫn còn phảng phất đâu đây hình bóng của một nhà văn, một người lính mà những vóc dáng đặc biệt cũng như những cống hiến của ông cho văn học còn hiện hữu.

Viết về chiến tranh, có lẽ là một đề tài lớn của không những văn học Việt Nam và cả văn học thế giới nữa. Những tác phầm như Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh của E. M. Remarques hay Chiến Tranh và Hòa Bình là những danh tác mà ở đó chiến tranh đã được nhìn ngắm với con mắt của tâm hồn vĩ đại của nhân loại. Ở chiến tranh Việt Nam, cũng có nhiều nhà văn viết về chiến tranh có chất lửa và biểu hiện được một phần tâm tư của thời đại. Cao Xuân Huy là một trong những nhà văn đã viết lên những trang sách trung thực viết về cuộc chiến mà ông tham dự. Viết như một cách thế sống, để kể về những sự kiện thực trong đời, và văn chương như một tình cớ chợt đến. Ông viết không nhiều, chỉ có hai tác phẩm mỏng, nhưng lại chứa đựng cả một trời tâm sự. Nỗi niềm của ông, không phải chỉ của riêng mình, mà hình như, là của chung những người cùng sống một thời đại chiến tranh với ông, cùng và có cùng những phẫn uất, những dồn nén từ những dữ kiện kỳ lạ có một không hai của thời thế và lịch sử. Từ một góc độ nhìn của mọi người, ông tự nhiên viết để từ đó nói lên được tiếng nói của chứng nhân tham dự.

Viết về Cao Xuân Huy, có rất nhiều bài viết. Nói về Cao Xuân Huy, có rất nhiều chuyện kể. Nhất là, nhân ngày giỗ đầu như hôm nay. Riêng tôi, hai mươi bốn năm về trước, 1986, tôi đã viết bài đọc sách “Tháng Ba Gãy Súng” và phỏng vấn Cao Xuân Huy. Năm 2010, tôi lại viết bài đọc sách “Vài Mẩu Chuyện“ và cũng cùng Nhã Lan phỏng vấn Cao Xuân Huy trên Hồn Việt TV và Little Sài Gòn Radio trước khi ông từ trần. Khi ông ra đi tôi viết bài và làm thơ tưởng niệm. Và bây giờ, nhân ngày giỗ đầu, tôi lại viết để nhìn lại những tác phẩm của ông. Có phải, vì Cao Xuân Huy nổi tiếng, đến nỗi một học giả ở trong nước, tên tuổi đã được chế độ đặt tên đường mà thân nhân còn phàn nàn rằng tại sao trên mạng Wikipedia nhà văn hải ngoại Cao Xuân Huy lại được nhắc nhở và truy cập nhiền hơn học giả trong nước Cao Xuân Huy?

Riêng tôi, nhìn lại chính mình một cách thành thực, tôi chỉ nói lên và viết lên ý nghĩ chân thành của mình. Thích thì viết, không thích thì lờ đi coi như không có. Tôi không phải là người phê bình, chỉ là người đọc sách. Tôi chỉ đọc những cái gì tôi thích và viết về nó. Tôi không muốn làm người đo đếm để khen chê phê phán. Riêng ở ngoài đời thường, tôi và CXH có lúc xích mích với nhau, có lúc đụng độ nặng với nhau và có lúc Huy viết bài mỉa mai tôi. Nhưng, dù vậy, tôi thấy điều gì đúng thì tôi làm. Tôi vẫn đề cập đến tác giả và tác phẩm theo nhận xét của mình. Có lẽ, tôi nhìn thấy ở Huy có một điều gì khác với những người thường qua cuộc sống và tác phẩm. Tôi thấy đó là một người lính viết văn, trung thực, và dám bày tỏ ý kiến của mình một cách tự tin.

Với tư cách là một người đọc, tôi có cảm giác gì khi đọc Tháng Ba Gãy Súng? Và có thay đổi gì so với những cảm xúc đầu tiên hơn hai mươi mấy năm về trước?

Vẫn rất cảm khái, khi tôi đọc lại hồi ký này. Phong cách diễn tả tự nhiên bình dị không màu mè lên gân. Ngôn ngữ súc tích. Đối thoại gần gũi đời thường chuyên chở được ý nghĩ trung thực. Viết về chiến tranh, đầy những cảnh chém giết nhưng vẫn có nét nhân bản của con người chứ không phải sự say máu của loài vật. Tuy nhiên, khi gập lại quyển sách, người đọc là tôi vẫn còn giữ nguyên sự bàng hoàng của một người không tin vào sự thực. Lẽ nào, ở trên mặt đất này có một sự vô lý như thế. Khi người thua bại là hơn bốn ngàn binh lính của một lữ đoàn TQLC binh chủng thiện chiến nhất của quân lực VNCH dũng mãnh nhất mà bị làm tù binh. Mà kẻ thắng lúc đó chỉ hơn một đại đội du kích mà những tên lính nhiều khi ở tuổi chưa trưởng thành mới mười lăm mười sáu tuổi… Và lẽ nào, có những cảnh tượng kinh hoàng hỗn loạn của những kẻ cầm súng khơi khơi giết người vô tội. Cũng như lẽ nào, có cảnh thiết vận xa cán lên những đầu người đang bơi trên biển để cập vào tàu hải quân. Lẽ nào và lẽ nào, tôi như ngợp đi trong thảng thốt ấy... Có nhiều người đã cho rằng tôi quá nhạy cảm về những chi tiết kể trong Tháng Ba Gãy Súng. Quân lưc VNCH, mà những đơn vị Tổng Trừ Bị như Thủy Quân Lục Chiến lại bị thua thiệt cay đắng như thế. Viết và nói về những nhạy cảm ấy có thể gây phản ứng cho nhiều người cho rằng làm hạ giá trị chiến đấu của những người lính ấy. Nhưng, như thế chúng ta không thể nói lên sự thực hay sao, khi Cao Xuân Huy là một nhân chứng sống đã mô tả một cách xác định như thế. Những hình ảnh, những chân dung người lính, đã nhập tâm và trở thành một phần đời sống và chuyện kể đã thành những trang sách mà ở đó dấu ấn chiến tranh không phải của riêng một người mà của cả chung một thế hệ thể hiện. Người lính, với những nét thành thực đời thường, trong văn chương Cao Xuân Huy, trở thành những nét khắc họa linh động một cách tình cờ. Không cố ý làm văn chương, nhưng laị tạo được sự rung cảm sâu xa đến người đọc.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, hình như anh đã khẳng định : ”Tôi là một người lính? Đúng. Tôi là một nhà văn? Điều này còn phải xét lại. Còn chuyện muốn bước qua nhà văn. Dễ ẹc. Cái chính là nhà văn như thế nào?”

Và khi bị hỏi là anh làm “văn chương“ như thế nào, và có xử dụng “hư cấu“ ra sao thì anh trả lời:

“Hư cấu? Tôi chưa hề là một người viết, tôi chưa hề muốn trở thành một nhà văn, tôi chưa hề nghĩ Tháng Ba Gãy Súng là một tác phẩm văn chương, tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện đã xảy ra, thay vì kể bằng miệng chỉ có một ít người biết, tôi đã kể bằng chữ để cho nhiều người cùng biết. Và tôi chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho mình từ những điều tôi viết. Như vậy làm gì có hư cấu trong tiểu thuyết này...”

Cao Xuân Huy trả lời ra sao về văn chương từ Tháng Ba Gãy Súng?

Anh trả lời, rất... Cao Xuân Huy, tự nhiên nhưng có một điều gì hơi mỉa mai, hơi ngang ngang khác người

“Văn chương? Sau khi viết xong và nhất là sau khi in sách tôi mới quen biết với các nhà văn và tôi cũng mới được (hay bị) gọi là nhà văn. Tôi không hiểu văn chương nằm ở chỗ nào trong quyển hồi ký này. Tôi xin lập lại nguyên văn một câu phê bình của một nhà văn viết rất nhiều về lính là Nguyên Vũ ”Cậu viết có hồn nhưng kỹ thuật còn kém” và tôi đành ”Tôi viết làm chó gì có kỹ thuật mà kém với không kém” Kể lại một câu chuyện thật đã xảy đến cho mình và đồng đội mình, như vậy mà cũng cần có kỹ thuật à? Chẳng hóa ra làm văn chương khó hay dễ như vậy sao? Mà cho tôi xin hỏi thật một câu ”Văn chương là cái mẹ gì vậy?”

Thật là khó mà trả lời cho tác giả Tháng Ba Gãy Súng, có mà không, trong cái không đã sẵn cái có, nhất là ở trong tâm thái của Cao Xuân Huy. Muốn làm văn chương nhưng chưa chắc đã được, nếu không có duyên khởi, nếu không có tâm thành...

Với mình và với người, trước sau, sau trước Cao Xuân Huy vẫn là người trung thực. Như khi nói về mình:

“Tôi nghĩ ra sao về tình yêu, tình dục? Anh hỏi bây giờ hay lúc bàn tay tôi còn mò trong poncho? Tình yêu là cái mẹ gì đối cới một thằng lính tác chiến? Dĩ nhiên là loại trừ những tay đã có người yêu từ trước khi về TQLC. Anh thử nghĩ mỗi năm được về phép bảy ngày thấy một cô gái chưa kịp làm quen đã hết phép thì yêu thế chó nào được và con gái thành phố thời đó hầu như thích cặp kè với lính “thứ dữ” chỉ để đi bát phố rước đèn chứ đâu phải để yêu thương. Có bao nhiêu người con gái đã yêu thứ người cả năm mới gặp một lần rồi sau đó đợi ”ngày mai đi nhận xác chồng” đâu.

Còn tình dục, cũng vậy thôi. Khi về phép thì kiếm chị em ta còn khi hành quân thì... với chị năm...”

Tôi nghe câu trả lới của CXH lại nhớ đến câu thơ Nguyễn Bắc Sơn chợt nảy trong trí óc ”Nếu mai đụng trận may còn sống. Về ghé sông mao phá phách chơi. Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm. Đốt tiền mua vội một đêm vui. ngày vui đời lính vô cùng ngắn...”

Đọc Hemingway, đọc E. M. Remarque, đọc Phan Nhật Nam tôi đã hỏi thì Cao Xuân Huy nhận xét:

“Chiến tranh giống nhau. Sự cực khổ giống nhau. Sự sợ cái chết giống nhau. Thằng lính giống nhau. Nhưng mỗi cuộc chiến mỗi khác. Nhân vật của Hemingway và Remarque có những cấp chỉ huy không giống với cấp chỉ huy mà chúng ta đã có. Còn Phan Nhật Nam ông ta viết từ một cái nhìn ở nơi cao hơn chỗ ông ta viết. Và cao hơn chỗ tôi được biết”.

Có lẽ đó chỉ là nhìn ở một góc cạnh thôi và nếu muốn đầy đủ thì phải “tản mạn“ nhiều hơn.

Riêng tôi, trong ý nghĩ có một chút đối chiếu giữa Tháng Ba Gãy Súng và Nỗi Buồn Chiến Tranh, giữa Cao Xuân Huy và Bảo Ninh...

Cả hai, đã nhìn chiến tranh với đôi mắt quan sát và suy tư khác nhau. Bảo Ninh tham dự cuộc chiến của một người trẻ lớn lên từ chế độ XHCN và tuy có lúc suy tư đi ngoài những quy định bắt buộc. Văn chương ông có lửa, có ghi chép lại sự thực nhưng là sự thực được đãi lọc. Và cái nhìn của Bảo Ninh về người lính VNCH giống y như trong tuyên truyền, nhiều hận thù, nhất là khi viết về những người lính thám báo hoặc kể lại sự chống cự mãnh liệt của người nữ quân nhân VNCH ở Ban Mê Thuột. Còn Cao Xuân Huy, thì nhân bản hơn và trong Tháng Ba Gãy Súng đã phác họa đúng một chân dung người lính chiến đấu VNCH... Sự thực được kể lại thành thực trong hồi ký có lẽ khả tín hơn trong tiểu thuyết với hiện thực và hư cấu tạo thành…

Hơn hai mươi năm trước, Cao Xuân Huy đã nghĩ như thế, sống như thế và viết như thế. Đến sau này, khi viết Vài Mẩu Chuyện, vẫn không đổi. Vẫn là người lính, từ bề ngoài lạnh lùng nhưng bên trong lại ấm áp tình người. Vẫn những nhận xét, những cảm xúc, được diễn tả ngắn, gọn nhưng lại lôi cuốn cảm quan người đọc bằng sự thành thực.

Với Tháng Ba Gãy Súng, chân dung người lính được phác họa trong một hoàn cảnh đặc biệt của thời thế. Còn với, “Vài Mẩu Chuyện”? tôi nhìn thấy chân dung một người lính rõ ràng hơn từ những nét đời thường, gần gũi hơn. Nói là kiếp nhân sinh của một người mặc quân phục như lối nói của Trần Như Hùng cũng là một nhận xét đúng. Chuyện ở tù Công Sản. Một chút. Chuyện được tha trở về. Một chút. Chuyện sang sống lưu lạc xứ người. Một chút. Chuyện chiến đấu thuở xưa. Một chút. Tất cả những một chút ấy trở thành nét phác họa, tưởng là mờ nhạt nhưng lại là những nhát dao giải phẫu đến tận cùng những kiếp nhân sinh, tuy là chuyện riêng của Cao Xuân Huy nhưng cũng có thể chung của nhiều người trong chúng ta. Những chuyện ấy, đã quen thuộc nhưng không thành tầm thường. Bởi vì, phảng phất ở đâu đó, những nỗi niềm mang theo, những chua chát lắng sâu trong ngày tháng của những cuộc đời trôi nổi theo thời thế. Và, sâu hơn nữa, là những thoáng hy vọng về tình người, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng thắp sáng được phần nào những biển cả u trệ đen tối…

Cao Xuân Huy viết ngắn lời nhưng dài ý. Những câu đối thoại ngắn cụt lại bất ngờ chuyên chở những liên tưởng lạ. Hãy đọc thử một truyện ngắn chỉ dài chừng hơn hai trang giấy. Truyện ngắn “Trả lại tiền”. Ngôn ngữ quen thuộc của đường phố. Ba nhân vật. Gã. Ả. Và tên dân phòng. Cùng vài khúc đối thoại ngắn. Thế mà, tả được tình đời, nói được tình người. Một cuộc mua dâm nửa chừng. Đáng lẽ, phải là chuyện trụy lạc, chuyện xấu xa xảy ra hàng ngày trên đường phố của một xã hội đang xuống cấp, của những cuộc đời tàn tạ. Gã. Người tù cải tạo được tha trở về thành phố. Ả. Cô gái điếm hạng bét nghèo khổ. Và người dân phòng, người đóng vai thông cảm. Cả ba, trong một vở kịch của đổi đời. Tự nhiên tôi nghĩ đến nhân vật đôi vợ chồng trong một truyện ngắn trong tập “I am đàn bà” của Y Ban, một nhà văn nữ ở trong nước. Cũng làm tình vụng trộm trên đường phố. Nhưng ở Cao Xuân Huy, thấy ngấm hơn và cảm hơn mà lại xúc động mạnh hơn. Theo tôi, đó là một truyện viết của CXH, thực mới dù chỉ là chuyện cũ thường ngày. Viết tự nhiên, không cần kỹ thuật, không cần ẩn dụ. Hữu chiêu hay vô chiêu, có kỹ thuật hay không, tôi dường như không cần chú tâm tới. Chỉ biết, qua hai trang tôi cảm nhận được tình đời và tình người…Gián tiếp nhưng sâu sắc. Không thấy bóng dáng của cầu kỳ hoa mỹ, của làm dáng trí thức. Nói thẳng băng, viết đơn giản, có lẽ đó là một cá tính rất rõ nét của tác giả biểu hiện trong tác phẩm.

CXH viết về trại tù Cộng Sản. Với phong thái khinh bạc, nhưng lại đẫm chất xót xa của những người bị hạ thấp giá trị, mà chế độ cai tù đã dùng những đặc quyền đặc lợi xét ra tầm thường ở ngoài đời nhưng lại vô giá trong hoàn cảnh tù ngục. Những nhân vật như Toàn trong “Quyền tối thiểu”, trong “Vải bao cát”, trong ”Cái lưỡi câu”, hay Mạnh trong “Ngu như lợn”, hay nhân vật xưng tôi trong “Miếng ăn”, có thể là CXH nhưng cũng có thể là một trong những hàng trăm ngàn người tù nhân của Cộng sản. Chuyện tù ngục mang danh cải tạo thì nhiều lắm, kể hoài không hết mà cũng không đủ. Mỗi người một cảnh không ai giống ai, nhưng đều có một chút biểu tượng chung của một thời thế chung.

Miếng ăn là miếng tồi tàn, nhưng ở trong tù lại là những điều vĩ đại. Cũng như chuyện ăn ngủ của vợ chồng cũng bị đem hạ giá thành một đặc ân để khống chế những người tù. Và, những người trong âm thầm đã từ khước nó, bởi không thể đặt mình xuống ngang hàng với một sinh vật thèm ăn khát uống ham mê nhục dục được. Chính sách cai tù tàn bạo đã không khuất phục được những người tuy không muốn làm anh hùng nhưng cũng không muốn làm người hèn. Thực tế, ở trong tù để làm một người bình thường nín thở qua sông đã không phải là dễ. Huống chi, phải tự thắng mình để không bị dụ dỗ, không bị chế phục thì khó hơn biết bao nhiêu...

Chiến tranh với Cao Xuân Huy, xảy ra bao nhiêu điều kỳ quặc mà những người lính ở tuyến đầu ở cả hai bên không sao hiểu được. Trong “Chờ tôi với”, ông tả những giờ phút ngưng bắn đầu tiên ở mặt trận khi người lính hai bên thân ái với nhau, chuyện trò với nhau, để rồi sau đó lại nổ súng vào nhau, đâm lưỡi lê vào nhau. Những người lính như con chốt thí đã lao vào cuộc như những cỗ người máy tự động bấm cò, tự động giết nhau không căm hờn vì cùng con người không thù không oán.

Ông yêu đơn vị, với tình đồng đội thiết tha. Có lúc người lính trận ấy dù đang bị thương chống nạng vào nghĩa trang thăm mộ bạn vừa tử trận. Ông viết trong truyện ngắn “Hành phương nam”, một đoạn kết bi thương đầy xúc động :

“Mộ mới đắp, mới tinh như bộ quần áo trận chưa kịp sửa rộng thùng thình Toàn đang mặc : Chí ơi! Tụi nó tan hàng mà mình cũng bị khá nặng, đồ đạc banh hết, nhưng nếu mày chỉ bị thương như tao thì áo mới của mày cũng như của tao, chứ đâu phải cái áo quan chôn dưới huyệt đất này. Thằng Trọng ”nằm“ lại ngoài đó, đang hành quân. Còn tao với mày thì đã “hành phương nam…” về tời Sài Gòn, thảm như vầy, Chí ơi!”

Toàn bật khóc, ngồi xuống cạnh mộ, dựa chiếc nạng vào mộ chí, lọng cọng mở nắp rượu, rưới lên mồ, rồi ngửa cổ tu một hơi. Những dòng nuớc mắt lăn dài trên khuôn mặt râu ria không cắt tỉa. Đốt điếu thuốc cắm vào một chân nhang Toàn móc túi lấy ra tờ giấy xé từ quyển sách:

”Chi, tao mang cho mày bài Hành Phương Nam, có đề tên tác giả là Nguyễn Bính hẳn hoi, như buổi chiều trước hôm hành quân mày thắc mắc tao chưa kịp đọc...”

Toàn nghẹn ngào đọc không hết bài thơ, đứng dậy, tay run run bật kửa nghiêm trang đốt bài thơ rắc lên mộ Chí, như người ta hóa vàng

”Mày”sang bên ấy sao mà lạnh

“Nạng gỗ” tao về lạnh mấy mươi...”

Đọc “Vài mẩu chuyện“, tự nhiên tôi thấy đời sống mình cũng như có điều gì gửi gấm vào trong đó. Kỳ lạ, có phải là tâm cảm chung của những thằng lính không? những mẫu số của một thời thế “chó chết” của những con chốt thí của cuộc cờ tàn chiến tranh. Nội chiến ? chiến tranh ủy nhiệm ? chiến tranh giữ nước bảo vệ tự do? Chiến tranh giải phóng ? Những danh từ “chó chết” của những cai thầu chiến tranh, của chũ nghĩa Mác Lê Nin buôn xác người… Dù không muốn bấm cò súng nhưng vẫn phải bắn, không chọn lựa chiến tranh nhưng vẫn phải lao vào lửa đạn. Tâm sự ấy, chung hay riêng, của những người muôn năm cũ đang lưu lạc trong cuộc thế ngửa nghiêng bây giờ…

Cao Xuân Huy ra đi đã đúng một năm. Thời gian qua nhanh. Rồi, như tất cả đi vào lãng quên. Những người bạn của Huy, giật mình khi biết đã đến giỗ đầu của Huy. Đám tang tưởng như mới hôm nào, gần gũi lắm thế mà đã hết một năm. Viết một vài trang giấy, nhắc lại một chân dung người lính viết văn cũng là một cách phản kháng. Phản kháng với thời gian qua nhanh. Và phản kháng với sự lãng quên. Cố gắng phản kháng nhưng xem ra vô vọng. Vì thời gian vẫn trôi qua, thật mau kiếp sống con người…

 

Tháng 11 năm 2011
Nguyễn Mạnh Trinh
 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.