.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

 
Bùi Ngọc Tấn,

người ghi chép của một thời
 

Bùi Ngọc Tấn, tác giả Chuyện Kể Năm 2000 và vừa được giải thưởng Henri Queffélec năm 2012 với tác phẩm Biển và Chim Bói Cá đuơc dịch ra Pháp ngữ La Mer et La Matin-Pêcheur dịch giả Tây Hà. Ông nổi tiếng với các tác phẩm xoay quanh hai chủ đề: một về biển cả và một về những cảnh tù đày.

Ông viết Chuyện kể năm 2000 với người kể là một tù nhân tên Nguyễn Văn Tuấn bị bắt giam với tội phản động tuyên truyền chống nhà nước nhưng đến khi được thả nghĩa là 5 năm sau vẫn chưa biết rõ tội lỗi của mình. Tuy chuyện của nhân vật tên Tuấn nhưng thực sự đây là tự truyện của ông viết dưới dạng tiểu thuyết. Tác phẩm có hai phần: một là khi ở tù và hai là sau khi được tha. Phần thứ hai sâu sắc và chuyện chở được nhiều thông điệp của một người đam mê chữ nghĩa mà phải buông bút ở trong một xã hội mà tất cả mọi người phải tuân theo một sinh hoạt được ấn định sẵn. Ai làm khác đi sẽ bị coi như gạt ra ngoài xã hội và sẽ bị cô lập không những một cá nhân mà còn cả gia đình nữa. Tuy bị oan khuất, và cả gia đình chịu cảnh đói khổ nhưng trong tiểu thuyết tự truyện này, tác giả không hề có sự căm phẫn trong phong cách diễn tả. Trái lại, có sự nhẫn nhục chịu đựng và le lói ở đâu đây một chút gì tin tưởng mong manh và hy vọng sẽ được chế độ bù đắp lại. Có lẽ, đó là tâm trạng chung của những người trí thức Bắc Hà cái tâm lý tùng phục và an phận… Chuyện kể Năm 2000 được viết và in với tất cả những long đong khó khăn của cả tác giả và tác phẩm. Đối với một nhà văn được liệt vào danh sách những người “có vấn đề” thì những chuyện ấy phải có, phải xảy ra. Thân phận của người cầm bút còn giữ lại một chút lương tri trong chế độ XHCN bất hạnh là như vậy.

Một mặt khác, Bùi Ngọc Tấn nặng nợ với thành phố cảng Hải Phòng và ông đã làm việc cả hai chục năm ở một công ty đánh cá nên tác phẩm của ông về biển cả có phong vị riêng và biểu trưng được một cuộc sống mà trùng dương là nguồn sữa mẹ nuôi nấng con người nhưng cũng là nguồn gốc của bất hạnh đổ vỡ đối với chính con người. Biển và Chim Bói Cá đã vượt qua năm tác phẩm của những tác giả ngoại quốc khác để đoạt giải thưởng Henri Queffélec này. Đời sống thực tế của những người sống bám vào biển, những công nhân viên, thủy thủ của một cơ sở công ty quốc doanh đánh cá được tác giả phác họa bằng những nét chân thực nhưng sâu sắc phản ánh được cả hai mặt: sống để tồn tại và tồn tại để sống. Họ là những nhân vật mà được ví như những con bói cá, đi tìm kiếm mồi với phương cách săn trực tiếp hay gián tiếp. Tác giả vẽ ra những cuộc sống mà con người ở gần với bản năng nhiều hơn là lý trí. Sự thực hiện hữu, là kết quả của cái nhìn chiếu vào góc khuất của cuộc đời để từ đó nẩy sinh ra những nhận thức bất ngờ trần trụi. Người kể chuyện là cậu bé Phong, cha cậu là một thuyền trưởng và lần đầu tiên được theo ra đi biển trong một hành trình nhiều ấn tượng. Từ niềm vui của một người được bước vào thế giới của những người lớn, cậu đã có những nhận thức rất nhiều chấn động, đầy cay đắng và nhìn thấy những nét trần trụi nhếch nhác của cuộc đời bằng sự buông xuôi. Tứ cái nhìn khởi đi quan sát với nhiều sự kiện nhiều khi trái ngược nhau đã thành nét đa dạng và vượt khỏi những ấn định khuôn khổ tưởng sẽ có buổi ban đầu. Hình như không có nhân vật nào là chính trong tiểu thuyết này, một tập thể nhân vật chừng hai mươi người của Tổng Công Ty đánh cá Biển Đông đã được phác họa thành chân dung để biểu hiện một thời kỳ họ đang sống mà chất chua chát đắng cay của sự thực đã nảy sinh từ nỗi đau của những người luôn luôn nhìn lại chính bản thân mình đời sống mình nhưng vẫn không bước qua được lề thói của một cuộc tồn tại để sống…

Đã có rất nhiều người viết về tác phẩm Bùi Ngọc Tấn. Và tiểu thuyết của ông cũng được dịch ra Anh ngữ và Pháp ngữ kể cả mấy truyện ngắn và một truyện ngắn được nhiều người nhắc nhở tới là Người Chăn Kiến. Cũng là một truyện ngắn về tù ngục Việt Nam. Một người giám đốc bị tù oan và ám ảnh vì những ngày bị thọ án. Ông ta bị hành hạ đến nỗi khi được tha mà vẫn tưởng là đang sống trong không khí hắc ám của trại giam. Ở trong tù bị đại bàng bắt trần truồng giơ tay làm tượng Nữ Thần Tự Do rồi phải đi chăn kiến nên khi trở về đời sống bình thường mỗi buổi trưa vào trong phòng bắt hai con kiến vào trong một vòng tròn rồi cởi áo quần tay giơ lên làm tượng y hệt như lúc bị tên đại bàng bắt làm ở trong tù. Câu chuyện lạ lùng của một thông điệp của người đã ở trong tù Cộng sản và ở trong hoàn cảnh hoàn toàn vong thân đánh mất bản ngã ấy sẽ không bao giờ quên được trong đời sống của nhân loại…

Có một tác phẩm khác của ông đã tạo cho tôi sự thích thú bởi sự tò mò của một người mưốn tìm hiểu một đời sống mà mình không có một chút kinh nghiệm với. Ở riêng tôi, khi tôi đọc tác phẩm Viết về Bè Bạn của Bùi Ngọc Tấn tôi lại thấy hiển hiện ra để tưởng tượng ra một cuộc sống ở nơi mình chưa bao giờ có sự hiểu biết. Đời của những người đã sống ở miền Bắc Việt Nam trong một thời kỳ đặc biệt của một xã hội thời bao cấp. Viết Về Bè Bạn đã được in ở trong nước, tái bản nhiều lần và đã được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tái bản ở hải ngoại.

Có người đã khoác cho tác giả Viết về Bè Bạn là thư ký của thời đại. Nghĩa là một người ghi chép lại sự kiện của một thời đã qua với những chi tiết mà đời sau sẽ nhìn vào để tưởng tượng ra một thời gian không gian không thể nào quên trong ký ức.

Bùi Ngọc Tấn viết về: ”Thời ấy xã hội được quản lý theo kiểu bao cấp. Khẩu phần tinh thần, khẩu phần vật chất đều được tiêu chuẩn hóa và phân phối. Phim này những ai được xem. Tin này loại lương bao nhiêu, chức vụ gì được biết. Ai được mua mỗi tháng mấy lạng thịt, bao nhiêu gạo, bao nhiêu muối, nước mắm mua vào những ngày nào. Tôi còn nhớ những tối đi chơi phố (ở Hải Phòng và cả ở Hà Nội) khắp ngang cùng ngõ hẻm, đầu thành phố cuối thành phố, đến đâu cũng ngửi thấy mùi cá tầu. Cả thành phố được mua cá. Cả thành phố được ướp trong mùi ngào ngạt ấy. Dù kho dưa, dù rán hay nấu riêu, nghĩa là dù có những biến tấu khác nhau, vẫn nhận ra cái vị ung ủng cơ bản của con cá vỡ bụng, con cá ướp đá sóng dồn lắc lâu ngày.

Giờ đây khi cuộc sống đã có những chuyển biến quan trọng sang nền kinh tế thị trường, nhớ lại những ngày ấy nhiều nhà văn còn bảo nhau: Sao chưa thấy ai viết về thời bao cấp cả nhỉ? Đúng là chưa có ai viết về thời này. Một thời mà mỗi khi nhớ lại, bỗng nhiên thấy mình đã là những người anh hùng đã vượt qua được một quãng đời tưởng như là bịa đặt, không thể nào tin được. Và thế hệ hôm nay càng chẳng thể quan niệm nổi....”

Bùi Ngọc Tấn đã sống trong thời bao cấp và ông cùng với các bạn bè “cùng một lứa bên trời lận đận” trải qua những thời kỳ khốn khó nhất của cuộc sống. Những câu đồng dao kiểu: ”một yêu anh có may ô/ hai yêu anh có cá khô ăn dần/ ba yêu rửa mặt bằng khăn/ bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa” đã được truyền tụng với cái vẻ khôi hài của nó nhưng lại diễn tả được sự thật. Có người đã viết khi con sinh ra bố phải chạy xin mười mấy con dấu vuông tròn. Đầu tiên là xin giấy khai sinh, rồi mấy cái giấy giới thiệu nơi cơ quan của người mẹ làm việc rồi mang từng loại giấy tờ ấy lên công an huyện và các phòng thương nghiệp, phòng lương thực để nhập hộ khẩu và xin cấp tiêu chuẩn lương thực. Công việc chạy xin giấy tờ phải ưu tiên trước vì để chậm trễ mất một tháng tiêu chuẩn gạo và lương thực dù là của trẻ em cũng là một món tiếc đứt ruột. Trong thời bao cấp, người dân tìm mọi cách để chạy chọt vào làm việc ở cơ quan nhà nước để được cấp sổ gạo và nếu được việc làm thì cũng xin những công việc có liên quan đến sản xuất để được hưởng tiêu chuẩn cao hơn những người làm công việc không trực tiếp sản xuất. Mỗi lần đến kỳ đong gạo thì nhà nhà xếp hàng, người người xếp hàng. Ai không may mất sổ gạo thì thực là đại bất hạnh phải chạy ngược chạy xuôi để có sổ mới, nếu không kịp thì mất đi một nguồn lợi chính để nuôi sống cả gia đình.

Đời sống khó khăn, những người cầm bút trong thời kỳ ấy đã vật lộn với cuộc sống và dần dần tài năng bị thui chột đi. Văn chương không còn ở vị trí cao quý của chân thiện mỹ mà trở thành một phương tiện để phục vụ cho chế độ, cho những mục tiêu đã được đề ra và phải theo dù đôi khi trong lòng không đồng ý. Nhà văn chân thực sẽ không có chỗ đứng trong xã hội này bởi vì chế độ không chấp nhận những người đi trái chiều. Cái án văn tự của những nhà văn Nhân Văn Giai Phẩm là tấm gương tầy liếp cho mọi người cầm bút soi chung. Đến Bùi Ngọc Tấn, tù vì bị gán tội phản động một cách khơi khơi không bằng chứng đã có một thời kỳ phải bỏ bút để vật lộn với sinh kế suốt gần hai mươi năm trời. Và nhờ bài viết về Nguyên Hồng mới bước trở lại được con đường cũ của nghiệp cầm bút.

Trong Viết về Bè Bạn, ông tâm sự trong lời mở đầu:

“Tôi viết về họ (các văn nghệ sĩ cùng thời Bùi Ngọc Tấn) như những người mang nghiệp chướng trong mình. Tôi viết về sư nhếch nhác trần ai của họ, của những người làm nghề mà các tập chân dung văn nghệ sĩ khác chưa nói tới hoặc chỉ nói qua. Viết về cái chông gai và cả hiểm nguy của người nghệ sĩ đặc biệt là với nghề văn để các bạn trẻ suy nghĩ trước khi bước vào nghề, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với nghệ thuật ngôn từ. Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang sách của tôi cũng như tôi hiểu được rằng viết chân dung, viết hồi ký là phải trung thực nếu không muốn mình là kẻ bịp bợm.”

Đời sống ấy có chán chường của thực tế, khi mà chế độ chỉ huy cái bao tử một cách tùy tiện bởi vì nhà văn còn có gia đình phải lo mà đồng lương của công nhân viên chức thì eo hẹp nên lúc nào sự túng thiếu cũng thường trực trong gia đình. Bùi Ngọc Tấn viết trong Rừng Xưa Xanh Lá: ”Phải có tiền. Tiền là tiên là phật, sức bật tuổi trẻ sức khỏe tuổi già… và cũng chỉ còn một cách kiếm tiền. Viết thuê. Dùng nghề nghiệp của mình kiếm sống. Thôi thì đành gác lại những trang sách vẫn nghiền ngẫm nung nấu, những tác phẩm sẽ được viết ra bằng tim gan mình. Hãy để lại sau. Để đến bao giờ chưa biết, nhưng trước mắt là kiếm sống”.

Kể chuyện ba nhà văn viết thuê: Đình Kính, Chu Lai, Nguyễn Quang Thân mà dường như phảng phất hình bóng của Bùi Ngọc Tấn bên cạnh. Họ thành những người phải chiều chuộng khách hàng và làm vừa lòng họ với tất cả những “kinh nghiệm“ đã có. Văn chương đã bị mất tính cao đẹp mà đã trở thành một phương tiện buôn bán. Một bước gần để thành “văn nô”: ”Vốn là chuyên gia trong việc viết thuê, Đình Kính, Chu Lai biết phải viết như thế nào. Phải có tình hình gay go. Phải có lúc tưởng như bế tắc. Phải có những đêm khuya trằn trọc trăn trở. Phải có những ngày dài bức xúc. Phải có tinh thần trách nhiệm. Những cuộc họp. Những phút giây lóe sáng. Những dám nghĩ dám làm. Phải có đối thoại. Phải có tả cảnh. Không ai bảo ai, cả hai cùng thống nhất một văn phong. Đó không phải là thứ văn không phải để xem bằng mắt mà để nghe bằng tai. Bởi vì ông sếp không xem. Ông sếp chỉ nghe đọc lại…”

Đọc Viết về Bè Bạn, để thấy được những nét phác họa về chân dung những người cầm bút mà chữ ”nhếch nhác” đã được xử dụng để mô tả một cách khá chân xác. Họ sống trong một thời kỳ mà sau này khi nghĩ lại tự nhận là những "anh hùng”, anh hùng vì sự chịu đựng và anh hùng vì vượt qua được những khắc nghiệt của một đời thường có ảnh hưởng rất lớn vào đời sống văn chương. Qua những người bạn văn, với cuộc đời của họ tưởng như có xen vào với bóng dáng Bùi Ngọc Tấn.

Viết về bè bạn, là viết về những cuộc đời của Dương Tường, của Lê Mạc Lân, Lê Bầu, Nguyên Bình, Hứa Văn Định: ”Cuộc đời họ thời chìm lặng ấy có thể tóm gọn bằng một chữ : bán. Bán máu và bán văn để trước hết là phải tồn tại. Chế Lan Viên sau khi trải đời lắm vinh nhục trong nghề văn, những ngày cuối đời đã nguyền rủa thế kỷ 20 ông sống là thế kỷ ”muốn nuôi sống xác thân phải làm thịt linh hồn”. Những người bạn văn của Bùi Ngọc Tấn không thế, họ muốn duy trì cơ thể nên phải giết cơ thể, họ muốn giữ linh hồn nên phải làm thịt linh hồn. Dương Tường bán máu rồi mách cho Mạc Lân cũng bán. Bữa bún chả mấy người bạn đón Bùi Ngọc Tấn ra tu tại Hà Nội là bằng vào tiền Mạc Lân “bán máu đột xuất”.

Bán chữ là viết văn chui. Định nghĩa viết văn chui ”là viết văn không cho người khác biết trừ người đặt hàng mình”. Lịch sử kinh tế Việt Nam khi viết về thời bao cấp chắc phải dành chỗ cho khái niệm “khoán chui” một sự xé rào làm ăn phải đã trả giá bằng đời của một bí thư Tỉnh ủy trước khi nó mở đầu cho một cơ chế quản lý mới. Lịch sử văn học Việt Nam mai ngày có chỗ nào cho khái niệm ”viết văn chui”? Việc này Mạc Lân rành. Lê Bầu rành. Bùi Ngọc Tấn cũng rành. Nguyên nhân hiện tượng này là hiện tượng những người bị ”không được viết, hoặc được viết nhưng không được in hay được in nhưng không được ký tên cũng không được nhận tiền nhuận bút”. Hậu quả ở đây là “văn mình tên người” ( thêm một thành ngữ mới) đưa đến lắm chuyện bi hài…”

Có những điều tự mình kể ra thì hơi ngược đời. Bùi Ngọc Tấn nghĩ ở tuổi tác đó ông không thể viết được hồi ký nhưng qua những chân dung tác giả bạn bè, ông cũng có thể là một người thư ký ghi chép lại thời đại của mình. Ông đã viết: ”…Tôi viết im lặng. Ý thức được mình đang làm một việc tốt đẹp nhất trong những việc tốt đẹp ý thức về tài năng của mình, về sự non kém của mình. Ý thức về sự bất lực về trách nhiệm và cứ muốn cưỡng lại những điều mình viết. Cuộc sống trên trang giấy sao mà gượng gạo mờ nhạt. Vì tài năng và cũng vì những gì khác nữa.

Không hiểu các nhà văn khác viết như thế nào, tôi - một kẻ mới tập tọng vào nghề viết luôn có ở trước mặt một nhà phê bình, một nhà tuyên huấn và sau này có cả một nhà công an nữa. Họ nghiêm khắc nhìn tôi. Tôi đem điều ấy trao đổi với Nguyên Hồng. Anh không nhận xét gì về ý kiến của tôi. Nhưng anh nói: ”Mình lăn lộn mình nghiền ngẫm, mình đọc, có khi cả năm năm, chục năm mới xong một quyển sách, mấy ông phê bình đọc vài đêm xong sáng tác của mình thế là các ông ấy phán. Nào là chưa sâu nào là thiếu tính giai cấp, hiện thực bị phản ảnh một cách phiến diện. Đến như những người thợ mỏ của thằng Võ Huy Tâm mà cũng có nhà phê bình hạ một câu có tư tưởng công đoàn chủ nghĩa…”

Bùi Ngọc Tấn và Nguyên Hồng như một đôi vong niên tri kỷ. Đối với tác giả Bỉ Vỏ, ông có tấm lòng yêu thương trân trọng đối với một bậc thầy và luôn kính trọng về tư cách cũng như tấm lòng với văn chương. Dù có lúc, khi được thả từ trại giam về, bị cô lập và ngay cả Nguyên Hồng cũng không dám đến thăm và cũng sợ bị liên lụy với một người đi tù về vì tôi phản động. Nhưng Bùi Ngọc Tấn cũng đã cảm thông và hiểu rằng không phải những người thân thuộc né tránh giao thiệp vì ghét bỏ mà chính vì sợ bị dính vào tầm ngắm của chế độ, bị gọi lên công an hạch hỏi và nhiều khi bị những lệnh miệng nhưng hậu quả tàn khốc không kém gì những bản án trước tòa.

Bùi Ngọc Tấn cũng đã hiểu tư cách Nguyên Hồng của một kẻ sĩ. Trong tác phẩm Cát Bụi Chân Ai, Tô Hoài tường thuật lại những ngày sóng gió gay go của Nguyên Hồng khi ông bị phê phán bị đấu tố : ”Nguyên Hồng ôm một chồng báo Văn từ số 1 đến các cuộc họp được tổ chức để phê phán anh. Nguyên Hồng từ từ cẩn thận trịnh trọng đạt tập báo trước mặt và nói:

- Tôi làm báo không kể giờ giấc không quản thức đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn con mọn bỏ ăn bỏ uống vì nó… thế thì làm sao tôi có thể sai… Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng …Tôi hết tâm hết sức vì nó, tôi không thể… không theo…

Như người ốp đồng không biết dường còn tỉnh hay đã mê. Nguyên Hồng để một tay lên chồng báo to giọng đến bật khóc vừa mếu máo vừa nói tiếp, nước mắt ròng ròng hai tay mân mê xót xa vuốt mép báo…”

Hết lòng vì báo thì không thể sai lầm đó là đúng lý lẽ của cùng đường. Nhưng cũng có điều Nguyên Hồng nói đúng. Ông đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng, đấu tranh chống sự sáo rỗng một chiều máy móc và muốn mọi người yêu cuộc sống từ những nét bình thường nhất của nó. Ông muốn báo Văn phản ánh chân thực xã hội không chỉ có ánh sáng mà còn bóng tối.

Báo Văn bị đóng cửa. Nguyên Hồng mất chức và đã có một quyết định ghê gớm chuyển cả gia đình từ Hà Nội về Nhã Nam. Nguyên Hồng nói với Tô Hoài: ”Ông đéo chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam”. Ở Hà Nội, ông đã có nhà và vợ thì làm công nhân viên nhà nước ở hiệu sách Nhân Dân. Các con thì đang học ở các trường tại Hà Nội. Gia đình đang được hưởng toàn bộ tem phiếu cung cấp để giải quyết những nhu cầu sinh tử của cuộc sống gia đình. Rời Hà Nội là mất tất cả.

Bùi Ngọc Tấn khi quen Nguyên Hồng biết được sự túng thiếu ám ảnh ông, mang máng đoán được cuộc sống khó khăn của vợ ông, một phụ nữ gầy yếu, đàn con tuổi học trò xoai xoai trứng gà trứng vịt của ông, hơn một lần nghe ông thố lộ niềm ao ước có sổ gạo cho cả gia đình. Bùi Ngọc Tấn vừa thương lại vừa trách ông. Nhưng rất kính phục hành động cang cường kẻ sĩ ấy…

Đọc Viết Về Bè Bạn, người đọc có thể tưởng tượng ra được đời sống của những người cầm bút Việt Nam trong chế độ ấy không? Người cầm bút miền bắc như sự ví von của nhà văn Xuân Vũ, cũng đã sống một thời trong hoàn cảnh ấy nhưng sau hồi chánh vì nhìn thấy nhựng tệ hại, là những con ngựa kéo xe mà đôi mắt bị che kín chỉ còn hở ra một chút theo con đường đã vạch sẵn. Nhà văn trong thời thế ấy, phải tuân thủ đi theo những con đường mà Đảng ấn định và luôn luôn bị những con mắt của tuyên huấn, của công an, soi mói theo dõi. Thế thì làm sao sáng tạo được cái mới, làm sao đi theo được tôn chỉ chân thiên mỹ của văn chương. Nói lên sự thực, phê phán công tâm có khi là một cái tội và cái án văn tự cứ dè chừng mãi trong số phận người cầm bút. Với Viết Về Bè Bạn, Bùi Ngọc Tấn là một người đã ghi chép lại thời thế bằng bút mực. Nhưng không hiểu sao ông vẫn tin tưởng vào chế độ và chỉ muốn góp công làm cho chế độ ấy tốt hơn. Mà chưa nhận thức được bản chất của chế độ độc tài đảng trị ấy là bản chất của một chế độ tệ hại nhất của lịch sử loài người…


 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.