.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

 
Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ
 

 


Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

Tôi đọc Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ (1948-2008). Tác phẩm kéo dài cả một đời người làm thơ và thơ qua biết bao nhiêu biến cố của đời sống. Nhà thi sĩ ấy đã trải qua những biến thiên của lịch sử và là một người thơ đã đóng vai trò đau xót của một chứng nhân nhìn cái đành hanh quay quắt của thời thế. Từ những bài thơ tình, ông đã nhìn vào thực trạng đời sống của mình với mười năm tù và những nỗi niềm của một người bại binh dồn nén sâu vào trong tâm khảm. Thơ có khi là tiếng nói trong cơn mơ của tiếng kêu thất thanh nhưng thơ cũng có khi là của những phút bình tâm để thản nhiên nhìn cuộc sống trôi qua. Với toàn tập, thơ gồm 7 thi tập đã trải ra một dặm trường mà thi sĩ đóng vai trò thư ký của thời đại ghi chép lại. Với các tập thơ sau này, Cung Trầm Tưởng đã có vóc dáng thi ca khác với thời trước 1975.

 

Khởi đi từ kỷ niệm riêng mình, có một bài thơ của Cung Trầm Tưởng mà tôi đã nắn nót chép vào cuốn sổ thơ mà tôi nâng niu suốt thời tuổi trẻ. Đó là bài thơ Sinh nhật. Với tôi, một cậu học trò nhà nghèo thì đâu có bao giờ nghĩ đến ngày lễ sinh nhật của mình đâu. Thành ra, hai chữ Sinh Nhật có cái lôi cuốn của một cậu con trai vừa lớn và tò mò. Tôi chép thơ, đọc thơ và tạo kỷ niệm về thơ cho mình mà mãi về sau này tôi vẫn còn nhớ. Một buổi chiều tôi đạp xe đạp đi trong mưa trong phố xá Sài Gòn đúng ngày sinh của mình. Ướt như chuột lột, lạnh đến run người nhưng vẫn đạp xe đi vòng vòng đường phố với những câu thơ Cung Trầm Tưởng. Tự nhiên, tôi thấy mình là một “chuẩn...thi sĩ” Tôi như hòa mình vào cái lạnh lẽo ngoài trời nhưng lại miên man những cảm giác lạ lạ trong lòng. Tôi đọc thơ như vậy và khi trở về nhà thì bị lên cơn sốt nằm li bì. Có người nghe chuyện sẽ nghĩ tôi là người bất thường nhưng trong một phút tỉnh táo nhất tôi biết tôi sẽ phải làm thơ và sẽ coi thơ như một phần đời sống của mình. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi nghĩ như thế nhưng trong lòng như có một điều gì xác tín bất biến…

 

Bài thơ ấy “ghê gớm“ ra sao mà tạo cho tôi tình trạng như vậy. Thực ra, đối với bây giờ thì bình thường nhưng lúc còn trẻ, đầy mơ với mộng thì lại khác. Bài thơ ấy như sau:

 

”mưa rơi đêm lạnh Sài Gòn

Mưa hay Trời khóc đêm tròn tuổi tôi

Mưa hay Trời cũng thế thôi

Đời nay biển lạnh mai bồi đất hoang

Hồn tu kín xứ hoang mang

Sớm hao tâm thể cuối vàng lượng xuân

Niềm tin tay tráng cơ bần

Cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa

Đêm nay Trời khóc Trời mưa

Gió lùa ẩm đục gió đưa thu về

Trời hay thu khóc ủ ê

Cổ cao áo kín đi về buồn tôi.”

 

Tháng ngày, như dòng sông trôi đi theo triều nước xuống lên. Đã gần năm chục năm qua mà sao tôi vẫn như nửa tưởng tượng nửa sống thực cái buổi chiều ấy và bài thơ ấy. Với tôi có khi đó là duyên nghiệp. Nhưng có một điều nghiêm chứng lại thì thi ca đã giúp tôi rất nhiều những lúc sa sút tinh thần. Hay là tôi bắt chước Phùng Quán “vịn vào thơ mà đứng dâỵ" cũng nên?…

 

Tùy từng lúc và tùy theo ý thích từng mùa, sự thích thú hoặc cho là đặc sắc cũng thay đổi theo. Có lúc tôi thích bài thơ Khoác Kín. Ở đó, con người và thiên nhiên hòa nhập với nhau thành một. Vào thời tiền chiến, Tế Hanh cũng tả cảnh sân ga bằng thơ, cũng mang cảnh và người đối chiếu với nhau. Trong cảnh có người, trong người có cảnh. Cảnh như chứa hồn người trong khi người như phả vào cảnh cái tâm sự của mình, có khi chỉ là vu vơ thoáng qua nhưng bàng bạc cảm giác đã làm cho thơ bay bổng hơn.

 

Còn với Cung Trầm Tưởng, trong Khoác Kín, thì cảnh đã khác. Không gian cũng lạ, dù là cũng chỉ là sân ga và con tàu. Nó gợi lại một phương trời nào không phải Việt Nam nhưng hoang sơ như những bức tranh tĩnh vật. Cảnh đã gợi lại để bằng ngôn ngữ thi ca nói thay cho người. Một con người cảm thấy cuộc đời như những chuyến tàu, đi nhưng rồi sẽ trở lại như nhịp tim đang nhịp mỗi ngày. Thơ nói bằng ngôn ngữ của hình ảnh. . .

Khoác Kín chỉ gồm có 14 câu lục bát nhưng lại mở ra một khuôn trời rất rộng cho thi ca:

 

Chiều đông tuyết lũng âm u

Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn

Mỗi ngày tầu cũng đi luôn

Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon

Phường xa nhịp sắt bon bon

Tàu như dưới tỉnh núi còn vọng âm

Sân ga mái giọt âm thầm

Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào

Mình tôi với phố non cao

Với cồn tuyết lạnh buốt vào xương da

Với mây xuyên nhợt ánh tà

Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu

Tôi về bước bước đăm chiêu

Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài này và có sửa đổi đôi chút trong ca từ thí dụ như trong nguyên bản thì như đã nói ở trên nhưng trong bản nhạc phổ thơ thì thành:

 

“phường xa nhịp sắt bon bon

tầu như dưới tỉnh núi non vọng ầm

nhà ga dột mái lâm râm

máu đi có nhớ hồi tâm chiều nào

một mình tôi với tuyết nom cao

với cồn phố tịnh buốt vào thịt da.

Với mây trên nhợt ánh tà

Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu

Mình tôi nhịp buơc đăm đăm

Tâm tư khoác kín chiều căm lạnh nhiều.”

 

Thay đổi như thế, chất thơ như bị giảm đi. Tôi có hỏi điều này với một vài nhạc sĩ thì họ đều cho rằng nhạc sĩ khó lòng tôn trọng nguyên tác khi phổ thơ bởi vì những kỹ thuật âm nhạc riêng. Riêng tôi thì tôi vẫn thấy tiếc tiếc khi nhạc sĩ bỏ đi hai câu thơ cuối mà tôi nghĩ là gói ghém ý tình nhiều nhất của bài thơ:

 

”tôi về bước bước đăm chiêu

 tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm “.

 

Có người yêu thích bài thơ Kiếp Sau trong tập Tình Ca. Thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy, giọng hát Thái Thanh trong Kiếp Sau tuyệt vời lắm. Nghe bản nhạc này thật “đã đời”. Nhưng tôi lại cũng có một chút tiếc tiếc khi ông nhạc sĩ đã đổi lời ông thi sĩ. Tôi vẫn thích chữ ‘Bù em : trong thơ hơn là chữ “đền em“ trong nhạc. Bù em ! nghe lạ và thơ hơn là đền em. Tôi nghĩ như vậy.

Bài thơ ấy cũng ngắn thôi, như sau:

 

“Bù em một thoáng trời gần

đơm hoa kết nụ có ngần ấy thôi

bù em góp núi chung đồi

thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ

bù em xuôi có ngàn thơ

vẫn nghe trắc trở bên đồi sông thương

quên thôi bóng sẽ phai hường

mà nghe tiếng gọi nghe dường thiên thu

non sông bóng mẹ sầu u

mòn trông ngưỡng cửa chiều lu mái sầu

thôi em xanh mắt bồ câu

vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.”

 

Đền bù là động từ kép nên nếu tách ra có thể coi như hai chũ là đồng nghĩa. “Chữ “Bù” của thi sĩ theo tôi gợi cảm hơn là chữ “đền” của nhạc sĩ. Nhưng, tiếc chút chút vậy thôi nhưng nghe Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy thơ Cung Trầm Tưởng thì tuyệt vời. Phút giây nghe nhạc là phút giây hạnh phúc nhất!

 

Thơ Cung Trầm Tưởng trước năm 1975 trong hai mươi năm văn học miền Nam đã mang lại cho thi ca Việt Nam những đóng góp nào đáng kể Ông đã cùng với nhà thơ Nguyên Sa, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn mang đến cho chúng ta những không gian lạ những khí hậu lạ cho thi ca. Mô tả cảnh vật nhưng cũng để ghi lại tâm tư của người từ phương xa trở về đất nước và gợi lại một đời sống nào thấp thoáng trong ngôn ngữ trong thi ảnh. Điều kế tiếp là ông đã làm mới thi ca bằng cái hồn cổ điển của lục bát. Chữ nghĩa của ông mở ra những ý nghĩ chứ không đóng khung trong suy tưởng. Với tâm cảm của một nghệ sĩ, đầy cảm tính nên rất nhạy cảm với cuộc sống nên thi ca chính là những âm ba rung động trong tâm trong não tủy để thành những ngôn ngữ tràn đầy sức sống của một thời sung sức nhất của đời người…

 

Biến cố năm 1975 đã có ảnh hưởng rất lớn với thi ca Cung Trầm Tưởng cũng như cuộc đời của ông. Tôi nghĩ như vậy. Ngày đầu tiên tôi đi trình diện tại trường Trương Minh Ký, tôi gặp ông Cung Trầm Tưởng cũng đi trình diện và tôi thấy ông tin tưởng vào sự hòa giải hòa hợp dân tộc lắm như chiêu bài của Cộng Sản lúc đó. Tự nhiên tôi có ác cảm với ông vì cái sự lơ mơ chính trị này. Nhưng sau này, tôi có nghe nhiều người cùng đi tù với ông nói về thời gian “luyện ngục” và đều rất khen về tư cách của ông. Trong đó có nhiều người là niên trưởng của tôi và lời nói của họ rất có trọng lượng để tin tưởng. Và sau đó, tôi đã thay đổi cái nhìn về ông. Thực ra, tôi không có một liên hệ nào với ông cho đến khi gặp ông. Tôi thấy một phần nào con người nghệ sĩ và một người làm thơ và tự nhiên có sự gần gũi. Tôi đọc tromg Cung Trầm Tưởng, Một hành Trình Thơ một tuyển tập gồm 7 tập đã phác họa toàn vẹn đường đi của thi ca. Những tập thơ của ông: Sóng Đầu Dòng-Tình Ca và Quá Độ; Lời Viết Hai Tay; Bài Ca Níu Quan Tài; Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định; Thi Bá - Con Tắc Kè và Bà Quá Phụ; Một Dặm Đường Một Nghìn Vần Thơ; Sáng Ký Về Người Tình Đầu; để tự tìm ra những điều mà khác xa với điều trước tôi đã nghĩ.

 

Tôi có nghe nhiều người gọi đùa ông với cái tên là “Cung Trầm Tưởng... Bở”. Trong nhiều buổi họp mặt văn nghệ bỏ túi tại nhà các niên trưởng KQ tôi nghe các bạn thân gọi ông đùa giỡn với cái biệt danh ấy. Ông đều cười và còn tỏ ra thích thú với cái biệt danh ấy. Thức lâu mới biết đêm dài, cuối cùng ông vẫn là người đứng về phía những người yêu nước phê phán cái xấu, thịnh nộ trước cái ác và ghê tởm trước cái độc của một chế độ phi nhân hạ giá trị con người.

 

Bài thơ ông viết trong tù và sau in lại trong tập thơ Bài Viết Hai Tay:

 

“tôi cất cho tôi một pháo đài

giăng vòng gai kẽm lập vành đai

sáng nghe chiều ngóng đêm phòng ngự

dõi tiếng chân ai rảo lén ngoài

bóng tối xà lim trùm kín mít

à ra cõi chết chật hơn đời

lương tâm làm gối cho hồn tựa

để giữ cho hồn được thảnh thơi

thế trận này căng tôi bám đất

tay không mài chuốt lấy tinh thần

làm thanh gươm sắc cây dao nhọn

đấu đối mưu mô quỷ bất nhân

vẫn cắt hồn lên tìm ánh sáng

xa vùng cát lún bãi lầy sâu

đêm đêm thơ giống như cờ tướng

bầy chữ tung tăng múa ở đầu

bài học rút ra thật dứt khoát

nó tôi không thể đội trời chung

Nó còn tôi mất đơn sơ vậy

Nó mất tôi còn chỉ thế thôi. ”

 

Nội dung những tập thơ mà ông xuất bản ở hải ngoại là tiếng nói dũng liệt của một kẻ sĩ trước thời thế mù mịt của dân tộc.

 

Những tập thơ Lời Viết Hai Tay, Bài Ca Níu Quan Tài, Những Dấu Chân Ngang trên Một Triền Phiếm Định là những bài thơ của một thời tù tội của những thịnh nộ ngút ngàn, của những nỗi niềm tràn ứ trong tâm. Nó là hỏa diệm sơn chờ phun lửa, là dấu lặng để có một biển cả òa vỡ thanh âm. Cung Trầm Tưởng nói về thơ tù của mình:

 

“Đời tù là phi lý của phi lý. Để đương đầu với nghịch cảnh sàm sỡ trớ trêu dị hợm để không bị kéo xuống tầm tất yếu, ngã vào hư vô, để không tự tử, người thơ tù phải học làm một con vật siêu hình đào tìm ý nghĩa sâu thẳm nhất cơ bản nhất cụ thể nhất của sự việc trần gian. Giá trị không nằm ở cứu cánh mà ở độ dài và đà rướn về cứu cánh của cái nghĩ cho cùng là đam mê.

 

Thơ là một đam mê. Một lao về, một rượt đuổi khôn nguôi những cánh chim hồng khó bắt, những câu hỏi xanh lớn hơn bất cứ trả lời nào. Thơ dựng nhà thờ kiên tín của nó trên mảnh đất lầy của hàm hồ nghi hoặc. Lời Viết Hai Tay là một mùa màng gây dựng mười năm miền luyện ngục chờ người đọc đến hái gặt cho mình”.

 

Thơ về tù ngục Cộng sản rất khó phổ thơ thành nhạc. Như vậy chắc ít nhạc sĩ đi tìm cảm hứng nhạc âm từ thơ Cung Trầm Tưởng? Nhưng tôi biết chắc có một nhạc sĩ đã phổ thơ Cung Trầm Tưởng thành ca khúc và đã được trình diễn nhiều lần khá thành công. Đó là nhạc sĩ Bùi Kim Cương phổ bài thơ “Vạn Vạn Lý”. Bài thơ mang tính sử thi mà tác giả đã sáng tác dể ca tụng và vinh danh những người đồng tù như những chiến sĩ vô danh đã chết và tuẫn tử trong ngục tù Cộng Sản.

 

Bản nhạc ấy không còn mang tính chất của những bài thơ Tình Ca thuở nào. Đây là một chặng đường khác của thơ ông. Thay vì là tình ca lãng mạn đằm thắm mượt mà thuở trước là những phẫn nộ những đau thương cùng cực. Thơ tả lại cái sống tủi nhục của một người trong tâm đã chết. Thơ có lúc hào hùng ngạo nghễ, có lúc bi ai thống thiết ngậm ngùi:

 

”gió lên như địch thổi

Đưa ai qua trường giang

Nay cô liêu tàng tàng

Tiễn ta vào bất tử

Đau thương là vinh dự

Chân đi hết hồng trần

Anh hùng phải gian truân

Hy sinh là tất yếu

Ngựa phi dòn nuớc kiệu

đã đi trăm hùng vĩ

xông pha lắm đoạn trường

về làm đá hoa cương

gửi đời sau tạc tượng...”

 

Tôi có nghe được một câu chuyện trong những câu chuyện ấy do một niên trưởng KQ cùng trại tù với ông kể lại. Ở trại tù số 6 Hoàng Liên Sơn năm 1978, Ông cùng chung đội với một người bạn cùng quân chủng là cựu trung tá Nguyễn Minh Công. Khi đi vác hom sắn cho trại phải qua một con suối nước chảy xiết và khá sâu nên ông có phần lóng ngóng chần chờ. Ông bạn có tên một loài công quý ấy đã cõng ông nhiều lần qua suối với tình nghĩa của những chiến hữu với nhau. Nhà thơ bèn làm một bài htơ, để bày tỏ cảm xúc biết ơn của mình. Thơ cảm động, ngôn ngữ tuy chứa chan cảm xúc lại bình dị biểu tỏ được tấm chân tình... Bài thơ 4 chữ, đã in trong tập thơ Lời Viết Hai Tay :

”Cám ơn chim công

Cõng ta qua sông

Mấy mùa nước lũ

Lận đận mưa ròng

Con công lông xanh

Vàng cam tím đỏ

Cái mỏ xinh xinh

Cánh vỗ tài tình

Công bay lên trời

Vẫn nhìn nhớ đất

Công chuyền cành quất

Vẫn không quên trời

Lên trời tìm Đạo

xuống đất tìm Nhân

tìm thấy châu thân

trong trời đất thuận

mấy năm ở rừng

gặp toàn thú ác

lòng ta tan tác

những dòng lệ rưng

công sang núi Bắc

công tạt đồi Tây

mang về ngất ngây

nào mây nào gió

cám ơn con công

Cho Tâm gặp Ý

Đời lấp chân không

khi Tâm Ý đồng”

 

Khi được trở về Sài Gòn, ông Nguyễn Minh Công chết năm 1991, nhà thơ có mang bài thơ đến bàn thờ người bạn đã chia cay cạn đắng với nhau trong các trại tù Cộng sản. Nghe nói là cựu trung tá Nguyễn Minh Công chết rất linh hiển nên đã phù hộ run rủi giúp đỡ các bạn tù trong đời sống cực kỳ khó khăn gian nan của những người phải trả nợ cho cuộc chiến thất bại bây giờ…

 

Nguyễn Mạnh Trinh
 


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.