.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Thơ, đọc thơ
và tư cách người đọc thơ

Cuối năm 2009, nhà xuất bản Lao Động có in một cuốn sách phỏng vấn 25 nhà thơ của Nguyễn Đức Tùng nhan đề “Thơ Đến Từ Đâu”. Một cuốn sách đã gây ra nhiều phản ứng dù rằng trước đây những bài phỏng vấn này đã được đăng tải trên trang mạng Talawas. Được biết Nguyễn Đức Tùng là một bác sĩ ở Canada và là chủ tịch hội Văn Học Nghệ Thuệt Việt Nam ở tỉnh bang British Columbia mà thành phố Vancouver là nơi có đông người Việt sinh sống. Có nhiều người nói tuy là Việt Kiều nhưng Nguyễn Đức Tùng không phải là người tị nạn bởi vì nguồn gốc gia đình của ông này có liên hệ rất sâu xa với chế độ đương thời ở Việt Nam. Với riêng tôi, một độc giả, thì điều đó không phải là yếu tố để tôi có một ý niệm tiền chế trước khi đọc những bài phỏng vấn trong cuốn sách này. Những chủ đích như hòa giải trong văn chương không phải là những ý niệm mới mẻ phát xuất từ văn học mà từ một nhu cầu chính trị nhiều hơn. Ai mà chẳng muốn dân tộc đoàn kết thành một mối. Nhưng đoàn kết hòa hợp thế nào để không xảy ra con dê và con cọp sống chung trong một chuồng. Khi ngoài vòng cương tỏa thì như vậy nhưng vào tròng thì biết nhau ngay.

Những nhà văn với nhau, đâu có gì mà phải hòa giải vì mọi người đều cùng yêu nước, yêu tự do và mong muốn có tương lai sáng lạn cho đất nước. Và nếu có bất đồng, là giữa kẻ cai trị và người bị trị, kẻ bóc lột và người bị bóc lột…

Với văn chương, Nguyễn Đức Tùng là một người làm thơ trẻ và hình như đang cố gắng tìm một bản sắc riêng cho thơ của mình. Ông khao khát sự làm mới thi ca và đã đọc khá nhiều những nhà văn hiện đại Việt Nam và thế giới. Trước khi in ”Thơ Đến Từ Đâu”, Nguyễn Đức Tùng cũng đã in “Du Tử Lê, Đời Sống Trở Nên Thơ Mộng Hơn” tùy bút viết về một nhà thơ ở hải ngoại mà ông đã gặp gỡ trong những cuộc mạn đàm về thơ ở trong nước. Và Nguyễn Đức Tùng cũng có nhiều bài viết đăng tải trên các trang mạng Tiền Vệ và Talawas. Những bài phỏng vấn này cũng là một cách đi tìm những mới lạ cho thi ca, đặt câu hỏi để mong tìm ra những kinh nghiệm hoặc các khuynh hướng làm thơ của các thi sĩ. Ông đã phối hợp cả hai mục đích văn học và chính trị khá khôn khéo…

Nguyễn Đức Tùng đã nói chuyện về thơ với những thi sĩ như : Hoàng Cầm, Lê Đạt, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Tường, Trần Nghi Hoàng, Insara, Đỗ Kh., Nguyễn Thụy Kha, Ngô Tự Lập, Du Tử Lê, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Quyên, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Viện, Lý Đợi, Thận Nhiên, Nam Dao, Hoàng Vũ Thuật,...

Những thi sĩ ở nhiều vùng địa lý khác nhau, suy nghĩ khác nhau, tuy cùng nói về thơ nhưng vẫn có chủ đích nói về mình, hoàn cảnh mình, suy nghĩ mình trong thời đại rất là đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Người phỏng vấn muốn làm nổi bật lên những sự khác biệt giữa tuổi tác, trong và ngoài nước, để thấy rõ hơn cá tính từng chân dung thi sĩ và muốn chứng tỏ rằng bất cứ ở đâu, ở thời thế nào, văn chương cũng thể hiện được cuộc sống đang diễn ra.

Có rất nhiều bài viết về tác phẩm này, trong đó có bài của nhà phê bình Đặng Tiến. Theo tôi, đây là một bài viết tỏ lộ rất rõ cá tính của người viết.

Ông Đặng Tiến đã viết một bài giới thiệu cuốn sách này rất... đúng đường lối đã vạch sẵn từ lề bên phải. Ông viết:

“Thơ đến từ đâu, nhìn dưới một góc độ Việt Nam nào đó, còn là một lối đặt vấn đề đối thoại vì nó đã có lời giải đáp từ 1942 qua bài thơ Là Thi Sĩ kinh điển của Sóng Hồng:

“Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng

để tâm hồn rào rạt với Chi Lăng

Làm bất tử trận Đống Đa oanh liệt...”

Sau này Tố Hữu còn đưa ra một định nghĩa thơ: Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Hai tiếng đồng chí của ta thật đẹp, nó có nghĩa là đồng ý đồng tình. Cứ như thế chân lý đã rõ ràng: Thơ đến từ trái tim đồng chí, còn hỏi han, phỏng vấn, trao đổi qua lại làm gì nữa?”

Đó là những câu viết rất đúng trường quy bắt buộc của những người chịu sự lãnh đạo văn nghệ? Hay ông có một chú ý tạo sự một chữ hai nghĩa nào khác? Chẳng lẽ...?

Thế mà có nhiều người như Tạ Duy Anh, như Nguyễn Trọng Tạo... lại hít hà tán thưởng cái sự hòa giải hòa hợp của các vị thi sĩ được phỏng vấn trong “Thơ Đến Từ Đâu”. Đã là đồng chí thì còn cần gì hòa giải hòa hợp. Hay là ông Đặng Tiến muốn nói về tình đồng chí giữa Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Đông, tuy đồng chí, đồng sàng nhưng dị mộng nên có thể giết nhau một cách lạnh lùng?…

Đặng Tiến còn viết tiếp, đề cập đến một vấn đề mà văn học ở trong nước phải đi theo:

“Những giáo điều này ngày nay không còn mấy ai trích dẫn, nhưng đã lắng sâu vào máu huyết của một thời đại, mà lại là một thời đại đau thương, và các nhà thơ như Nguyễn Thụy Kha ở phần cuối sách còn nhắc lại chính xác. Nó cũng còn in sâu trong tâm thức ngày nay vẫn còn quyền lực hay ảnh hưởng âm ỉ trong đời sống văn học. Hỏi Thơ Đến Từ Đâu là vô hình trung đặt lại nền móng của một nền văn học, thậm chí vấn đề lãnh đạo văn nghệ. Mà Nguyễn Đức Tùng, anh là ai mà ra mặt đặt vấn đề, và đặt cho một đám thi sĩ vớ vẩn?

Từ đó nảy ra vấn nạn biên tập hay kiểm duyệt đã gây ra tranh cãi.

Cũng vì vậy mà việc làm của nhà xuất bản Lao Động về mặt lý thuyết đã tham dự vào cuộc đổi mới văn học; trong thực tế tạo được cuộc giao lưu rộng rãi giữa 25 nhà thơ độc lập, là một việc làm dũng cảm đáng đề cao...”

Nhưng việc làm “dũng cảm đáng đề cao” ấy theo nhà phê bình Đặng Tiến có phải là sự thực không? Có rất nhiều thi sĩ đã được phỏng vấn trong Thơ Từ Đâu Đến phản bác rằng cái nạn kiểm duyệt hay biên tập vẫn còn là cái gông xiềng chưa bỏ được dù nhà xuất bản Lao Động đã được ông Đặng Tiến đề cao như thế. Như Đỗ Kh., Lý Đợi, Nguyễn Viện, Thận Nhiên, Dương Tường, Nam Dao,... đã cho rằng có nhiều sự cắt bỏ, sửa chữa nguyên bản, có khi có sự đồng ý của tác giả có khi không. Thậm chí nhà thơ Thận Nhiên lại tiết lộ rằng có trường hợp câu văn của ông bị sửa chữa thành ra bài văn tạo những ý nghĩ đối nghịch và phản bác lại ý tưởng của tác giả.

Thận Nhiên trong bài viết “Thơ Đến Từ Đâu: Biên Tập hay Kiểm Duyệt?”: ”Hôm nay cầm cuốn sách trên tay đọc lại bài phỏng vấn của mình tôi phát hiện rằng ngoài đoạn trích bài thơ; "Những đứa trẻ sau hồi chuông nửa đêm” như đã dẫn ở trên đã bị cắt bỏ với sự đồng ý của tôi thì còn có một câu trả lời bị cắt bỏ và một câu bị sửa đổi làm nội dung hoàn toàn sai lệch và ngoài ý muốn của tôi… Thiết nghĩ sự cát đứt và sửa đổi làm cho sai lệch và què quặt về nội dung của hai câu trên cũng đủ nói lên đây là sự "biên tập” hay kiểm duyệt?

Tôi không muốn bàn thêm về chúng, cũng như về "tài năng” ”lương tâm” và những mỹ từ mà anh Nguyễn Đức Tùng đã ưu ái dành cho những người làm cuốn sách này.

Tôi thất vọng về sự xuất bản của bài phỏng vấn mình trong cuốn sách và sự cả tin và hào hứng nhất thời của mình. Và nhất là sự thất hứa tồi tệ khi nhà xuất bản không giữ đúng với bản đã biên tập, lại tự động cắt bỏ và sửa đổi nội dung văn bản lần thứ hai mà không có sự đồng ý của tôi...”

Thận Nhiên viết Về sự “thất hứa tồi tệ” của nhà xuất bản trong khi Đặng Tiến lại tôn vinh là nhà xuất bản có “việc làm dũng cảm đáng đề cao”. Như vậy thì sự “thất hứa tồi tệ” có khi nào thành một “hành động dũng cảm” không?

Là một độc giả, tôi chẳng hiểu tại sao nhà phê bình văn học Đặng Tiến lại viết những câu giới thiệu như vậy? Có phải có một dụng ý chính trị nào?

Tự hỏi như vậy thôi, chứ ai mà không biết đến bài thơ ”Nói với con Nhất Lập” viết sau một năm ngay tháng tư năm 1975 để kỷ niệm cái ngày mà “cả nước xuống hố”:

“con hình thành

khi cô bác vùng lên giành lại núi sông

năm mươi lăm ngày đất chuyển trời rung

con có nghe

trong bụng mẹ sóng gào biển lớn

cha muốn nói với con

những lời nói nửa đời chưa nói trọn

độc lập thống nhất tự do

vì hôm nay lịch sử hẹn hò

trên năm ngón tay cha sờ bụng mẹ

như ngọn gió Lào lay Trường Sơn nhủ khẽ

trận cuối cùng dứt điểm hôm nay

con có nghe trong chín tháng mười ngày

năm nghìn năm rung chuyển?...”

Rằng hay thì thật là... hay. Nhưng nghe ra thấy hèn hèn thời cơ chủ nghĩa thế nào ấy. Theo voi để hít bã mía, có phải?

Rồi, lại viết tiếp theo, bài “Nhân một chuyến về thăm quê hương” in ở báo Đoàn Kết ngày 17 tháng 11 năm 1979, ông Đặng Tiến đã bị tối tăm che phủ để viết lên những nhận xét về một xã hội mà về sau này tất cả mọi người đều cho là một thời gian tồi tệ nhất của dân tộc Việt Nam. Ông này viết:

“Về đến Việt Nam, những ưu tư bỗng dưng lắng xuống. Quả có nghèo thật, có khó thật nhưng không khốn khổ. Guồng máy chính quyền có nặng nề thật, nhưng không bức bách. Còn có bất công nhưng không có áp chế…

Không còn những khuôn mặt phì nộn, nhưng cũng không có khuôn mặt nào hốc hác. Không ai ăn mặc sang trọng nhưng không ai rách rưới…

Có thể là ăn không ngon, nhưng ăn no. Về sau, tôi lại có dịp đi khắp đất nước thăm mọi giai tầng xã hội. Và kiểm chứng điều này: toàn quốc không còn người đói...

Một vài ngày sau, tôi đã gặp lại rất nhiều bà con bạn bè nhất là anh em trong giới trí thức văn nghệ. Cái mừng thứ nhất là ai nấy đều rắn rỏi khỏe mạnh tuy có nói chuyện lâu cũng có người ngỏ ý xin thuốc phòng thân vì thuốc men rất khan hiếm. Cái mừng thứ hai là ai nấy đều có công ăn việc làm, kể cả những anh em đi học tập mới về... Có người không chịu đi làm vì chê lương ít, việc làm vất vả. Phải đi xa, nếu thật sự muốn đi làm thì không ai từ chối...”

Những câu viết ấy, trong thời gian ấy, thì những văn nô của Đảng viết cũng thấy chùn tay không dám viết. Thế mà…

Năm 1979, năm mà cả triệu người Việt Nam vượt biển liều chết tìm tự do. Năm 1979, trại tù mọc ra như nấm khắp đất nước. Năm 1979, cả nước đói, bo bo, củ mì,... chưa đủ nuôi người, đánh tư sản, ngăn sông cấm chợ, đổi tiền bóc lột người dân Năm 1979,…Thế mà….

Đặng Tiến lại viết như thế... Không phải bất cứ lúc nào ông Đặng Tiến đều có giọng văn theo thời như trên. Có lúc hình như có sự phản tỉnh. Có thời kỳ bị nghi ngờ và bị cấm trở về thăm nhà. Có lúc ông làm thơ tỏ sự chán chường với hiện trạng quê hương. Những bài thơ đã mô tả tâm trạng của một người chợt tỉnh mộng. Bài “Trả Lời Một Nhà Thơ” có tâm tư ấy. Tiếc một điều, ông lại dính dáng đến chính trị và có lúc tin tưởng vào những ma thuật của chính trị của mình.

Ai cũng hiểu như ông đã viết: ”... Tóm lại dấn thân hay không là tùy tâm tình và tâm tính từng người, còn xuống đường hay không là tùy trường hợp, thậm chí chữ trinh kia cũng còn ba bảy đường. Vấn đề cụ thể là đừng cản trở kẻ khác, đừng phá thối, đừng xuyên tạc, chụp mũ những người khác thái độ. Tôi là nhà văn xuống đường, sẵn sàng xuống đường để bảo vệ cái quyền không xuống đường của kẻ khác…”Đó chỉ là một cách phản biện gượng gạo bào chữa cho cái lỗi lầm rành rành hiển nhiên của mình. Tôi lại nghĩ đến một câu viết của bà Thụy Khuê “Những ngộ nhận của hai bên đưa nhà phê bình đến những chán nản: chán nản thân phận quê hương, chán nản hận thù mê chấp, chán nản sự ngụy trang lừa bịp của chế độ, chán nản sự hẹp hòi thiển cận trong con người...” Kể ra thì cũng thật đáng buồn!

Trong bài phỏng vấn khi trả lời bà Thụy Khuê, Đặng Tiến như có băn khoăn của tâm trạng một người tuy phản tỉnh nhưng vẫn còn cải chầy cãi cối:

Hỏi : có nhiều điều muốn hỏi anh, ví dụ bắt đầu bằng câu này : có người cho rằng anh và Trịnh Công Sơn phải “xin lỗi “ công chúng về những sự “lầm đường lạc lối của mình. Anh tính sao?

Đặng Tiến trả lời :

“Vấn đề đặt ra nhảm nhí. Không những đối với tôi, cá nhân tôi vốn không nghĩa lý gì, mà với ai cũng vậy. Đây là nguyên tắc. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình - hay bất cứ ai - lầm đường lạc lối. Mà dù, ngày nào đó, có thấy mình lầm đường, cũng không nhận nguyên tắc phải xin lỗi - trừ phi mình tự ý tự nguyện. Buộc kẻ khác xin lỗi là đưa đến bạo lực tra vấn, theo lối inquisition thời Trung Cổ, hay lối phê bình kiểm thảo của Cộng Sản. Camus là một nhà văn dấn thân, nhưng trước thái độ dấn thân quá khích của nhiều người có nói ”Thời buổi này e buộc Racine phải xin lỗi vì đã viết kịch Bérénice thay vì đấu tranh bảo vệ chiếu dụ Nantes (Edit de Nances bảo vệ đạo Tin Lành)…“

Tháng 6 năm 1987, nhà phê bình Đặng Tiến với bút hiệu Nam Chi có làm một bài thơ mà theo ý riêng tôi, thành thật và nói lên được tâm trạng của một người khi về thăm lại quê hương. Bài thơ nhan đề “Trả Lời Một Nhà Thơ” gửi cho người bạn cùng xứ sở, nhà thơ Luân Hoán.

“Đọc thơ bạn gởi tôi trong báo nọ

nhằm lúc đau vùi sưng phổi sốt liên miên

thơ bạn gởi như một làn gió mát

nghiêng cánh hoa hồng chao nắng ngoài hiên

về Đà Nẵng tôi là người khách lạ

những con đường lạc lõng bước chân xưa

những đêm sao thoảng hương mùa hạ cũ

những cánh buồm chờ gió mộng vu vơ.

Bè bạn cũ giờ phần đông xiêu lạc

Đứa đọa đầy đứa chết đứa tha hương

Gặp lại nhau thằng cười thằng mếu máo

Thằng tủi thân tránh ngõ quanh đường

Thằng X tự hào vua cốt sắt

Xây móng cảng Phòng lé mắt Liên Xô.

A với B xoay sang nghề xây cất

Kiếm đủ ăn vùng nghĩa địa Gò Cà

Bạn nhờ tôi xin ít hình căn cước

Bạn bè xưa nhân ảnh khói sương xa

Chúng cười ngất: mày, Việt kiều ngớ ngẩn

Hình tụi này lỡ lọt mắt CA?

(về Đà Nẵng, tôi, người sang nhất tỉnh

vườn hoang sơ bướm vẫn lượn ngày đêm

lúc bay bướm đi phất phơ chút đỉnh

thì phất phơ bươm bướm cũng bay kèm)

Đà Nẵng hợp doanh sanh nhiều tiệm nhậu

một món ăn : lương tháng công nhân viên

bạn bè mình làm gì vô tới đó

trái ổi trái me tàm tạm đẩy hơi men

nơi hẹn nhau vẫn hè đường quán cóc

bún bò Mụ Đãi, hẻm Lê Đình Dương

chúng khoát tay : mày lâu ngày về nước

tụi này bao cái đó sự thường

tụi này đều xơ rơ xác rác

mà gặp nhau ba sợi cứ lai rai

mày uống đi chai này còn chia khác

tình nghĩa thời nay-không chắc có ngày mai

thôi Đà Nẵng thôi lần này vĩnh biệt

chào mẹ già, bạn cũ, tuổi xa khơi

chào khóm phượng cuối mùa ri rỉ máu

trên vết thương tươi rói đã muôn đời.”

Tôi đọc bài thơ. Có thể, trong giây lát, tôi quên được những bài viết ký tên Nam Chi trên báo Đoàn Kết, Diễn Đàn. Cũng như những bài viết về Phan Tứ, về Tố Hữu, về Đặng Thai Mai, về Hoài Thanh,… Cũng như những ấn tượng cũ về nhà trí thức thiên tả Đặng Tiến lúc chiến tranh Việt Nam trong cảm nhận tôi đã thay đổi đi, để còn lại là một người cũng hiểu được cái đau của dân tộc và cái hối tiếc của người đi sai đường.

Ở đó, tôi tìm thấy được một người có tình với bạn bè thời cũ xưa không vì cái hào nhoáng bên ngoài mà bỏ đi những tình cảm ngày nào còn xót lại. Những câu thơ, nồng ấm chân tình. Đà Nẵng hợp doanh sanh nhiều tiệm nhậu. Một món ăn : lương tháng công nhân viên. Bạn bè mình làm gì vô tới đó. Trái ổi, trái me tàm tạm đẩy hơi men. Nơi hẹn nhau vẫn hè đường quán cóc. Bún bò Mụ Đãi, hẻm Lê Đình Dương. Chúng khoát tay : mày lâu ngày về nước. Tụi này bao, cái đó sự thường. Tụi này đều xơ rơ xác rác. Mà gặp nhau ba sợi cứ lai rai. Mày uống đi chai này còn chai khác. Tình nghĩa thời nay - không chắc có có ngày mai.

Ngôn ngữ bình thường, của đời sống hàng ngày, chuyên chở được những suy nghĩ phát khởi từ cuộc sống. Tôi sẽ không làm công việc phê cũng như bình, mà, chỉ diễn đạt những cảm nhận của một người đọc yêu thi ca, có chủ quan nhưng không cố chấp. Tuy vậy, vẫn như có một điều gì ám ảnh. Bạn nhờ tôi xin ít hình căn cước. Bạn bè xưa nhân ảnh khói sương xa. Chúng cười ngất : mày, Việt kiều ngớ ngẩn. Hình tụi này lỡ lọt mắt C.A? Hình bóng của công an sao như những bóng đen cứ lảng vảng trong đầu óc mọi người.

Về lại chốn xưa, làm một người khách lạ. Bạn bè, có người “gặp lại nhau, thằng cười, thằng mếu máo. Thằng tủi thân tránh ngõ, quanh đường.“ Nhưng cũng có kẻ lên voi ”thằng X tự hào : vua cốt sắt. Xây móng cảng Phòng lé mắt Liên xô. A với B xoay sang nghề xây cất. kiếm đủ ăn, vùng nghĩa địa Gò Cà“ Có chút mỉa mai, châm biếm với ngôn từ hai lối, hai nghĩa, từ ”vua cốt sắt” có thể chỉ một nghề nghiệp nhưng cũng làm liên tưởng đến một tính tình không hào phóng. Cũng như câu “kiếm đủ ăn vùng nghĩa địa Gò Cà“ có thể chỉ một địa danh nhưng cũng có thể gợi lại công việc mưu sinh trên những xác người. Đó là liên tưởng của cá nhân tôi, không hiểu tác giả có cố tâm như vậy không tôi không rõ …

Kỷ niệm, vẫn đầy thành phố cũ. Nhưng sao xa lạ, có một điều gì như cách ngăn. Tất cả đã đồi thay, kể cả những suy tư xưa cũ. Câu thơ buồn buồn những trở trăn, những điều khó diễn tả bằng lời. Về Đà Nẵng tôi làm người khách lạ. Những con đường lạc lõng bước chân xưa. Những đêm sao thoáng hương mùi hạ cũ. Những cánh buồm chờ gió mộng vu vơ. Thành phố ấy, thuở cũ xưa. Đường phố ấy, bây giờ, lúc trở về, đã khác. Bởi, tâm sự của một người như ông Hạ Tri Chương ngùi ngùi câu thơ ngày hồi hương quê cũ …

Và, sau cùng là nỗi buồn. Buồn lắm, của một người hẹn không trở lại. Cài gì đã làm người thơ phải nói câu vĩnh biệt. Thôi Đà Nẵng, thôi lần này vĩnh biệt. Chào mẹ già, bạn cũ, tuổi xa khơi. Chào khóm phượng cuối mùa ri rỉ máu. Trên vết thương tươi rói đã muôn đời. Vĩnh biệt không trở về, dù còn mẹ già nơi đó. Hình ảnh khóm phượng của màu máu đỏ, gợi lại chuyện chia ly, như thuở nào chào bè bạn cho một mùa hè xa thầy xa bạn. Nhưng trong thơ, sao xót xa, như một tâm tư thật nhiều thất vọng….

Tôi tưởng tượng một Việt kiều trở lại quê hương, nhìn thấy bao nhiêu điều đau xót. Quán nhậu đầy đường đầy phố nhưng bạn bè nghèo chỉ quây quần với nhau ở góc phố hè đường. Thế nhưng hào sảng và tình nghĩa.

Nhưng, tất cả những suy nghĩ của tôi như vậy chỉ là trong giây phút và tới nay thì sai bét. Ông Đặng Tiến, trước sau vẫn chỉ là kẻ thời cơ, theo đóm ăn tàn, theo voi hít bã mía. Nhà văn Trần Văn Tích đã nhắc đến sự xét đoán một nhà văn một phần qua tư cách trong khi đề cập đến Đặng Tiến. Cái tài chưa đủ còn phải cái tâm. Với suy nghĩ bộc trực của một độc giả, tuy hiểu biết nông cạn, qua những đoạn văn, bài thơ của Đặng Tiến, tôi chỉ thấy hính ảnh của một anh chàng loay hoay đuổi theo những cái đích đến mù mờ. Mạo hóa văn chương để bán rao chính trị. Thành ra, trong hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh, trích lời Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Tiến chỉ là một “chánh tổng“ ở Paris. Có phải ông này chê bai Đặng Tiến vì cái văn chương “làng xã” quê mùa. Nhưng chê bai như vậy thì cũng tội cho những ông Lý Toét, Xã Xệ... của dân gian Việt Nam…

Hình như, trong nền văn họa “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, có cái mốt phản tỉnh, lúc giả, lúc thật, như hành động chơi bài đánh tất cả mọi cửa. Từ Di Cảo Thơ của Chế Lan Viên đến hồi ký chính trị của Nguyễn Khải rồi phỏng vấn Nhật Hoa Khanh với Tố Hữu, hay hồi ký văn học của Tô Hoài, tôi có ấn tượng rằng, tất cả chỉ là sự nói ngược, nói xuôi để bào chữa cho mình, đổ thừa người khác để tạo cho người đọc là họ cũng có cái tâm với văn chương với nghệ thuật.
 

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.