.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Lê Đạt,
ở một bài thơ cũ

Năm ngoái, một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã ra đi. Nhà thơ Lê Đạt từ trần ngày 21 tháng tư tại Hà Nội, thọ 79 tuổi. Đã có rất nhiều bài viết về ông, một nhà thơ luôn luôn đánh vật với ngôn ngữ để cố gắng tao ra nét sáng tạo cho thi ca. Nỗ lực cách tân của ông, tận dụng những kỹ thuật để làm nổi bật lên sự độc đáo của con chữ, dường như kéo dài trong suốt cả cuộc đời ông.

Riêng với tôi, bài thơ làm tôi nghĩ đến Lê Đạt là bài thơ “ Ông Bình Vôi” đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân:

“Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

y như một cái bình vôi

càng sống càng tồi

càng sống càng bé lại… “

Đó là một cách nói ám chỉ đến Hồ Chí Minh, dù bề ngoài chỉ là để đả kích những cán bộ nhiều tuổi đảng sống lâu lên lão làng mà cả tư cách và tài năng đều hèn kém. Ở một chế độ toàn trị như ở miền Bắc thì đụng chạm đến lãnh tụ là một điều không thể tha thứ. Và, nhà thơ đã phải chịu mấy chục năm lao đao, muốn viết mà không được viết và bị gạt bỏ ra ngoài sinh hoạt chữ nghĩa.

Trong cuộc phỏng vấn của báo Thanh Niên gần đây, ông đã có những nhận xét về thơ như sau khi trả lời câu hỏi tập thơ mới nhất U75 có những thể nghiệm thơ khác với trước đây không:

“Khác nhiều chứ, nó khác với thể loại thơ hai-kau (haiku) trước đây của mình. Một nhà thơ nước ngoài đã nói ”Khi ngôn ngữ thơ là hình ảnh, nó trói buộc ta trong một nhà tù rất ghê gớm và thoát ra khỏi nhà tù ấy là bước đầu tiên đã dám đổi mới, ta đã dám sống mới” Điều ấy quan trọng lắm và tôi cho rằng cách tân là quan trọng nhất. Vì những câu thơ hay bao giờ cũng xuất phát từ cách nhìn mới, bởi hiện tượng chính là tự nhiên cùng với cách quan sát về nó nên thay đổi cách nhìn là điều quan trọng nhất đối với một nhà thơ. Trong tập thơ mới này của tôi ngoài phần thơ hai-kau còn thêm phần đoản ngôn rất mới và là một hình thức suy nghĩ ngắn gọn về nghệ thuật và cách ứng xử trong cuộc đời. Thể thơ đoản ngôn này thoải mái hơn tập thơ hai-kâu vì nó viết theo kiểu thơ văn xuôi...”

Trong Từ Điển Văn Học bộ mới đã nhận xét về nhà thơ Lê Đạt như sau:

“Những câu thơ của ông đưa chúng ta vào mê cung chữ nghĩa và gợi ý với ta vô số dạng kết hợp mới có cả đảo ngữ, nói lái, thay con chữ, coi mỗi chữ có một hóa trị riêng…”

Ông còn sáng tạo ra một thể thơ mà ông gọi là “hai-kâu” mỗi bài chỉ có hai câu mà gói ghém tất cả ý lời. Thí dụ như bài Chân trời gợi ý từ câu thơ Trần Dần: ”Tôi khóc những chân trời không có người bay”:

“Đời bất trắc mộng đầy đất chật

Đói sân chơi hành khất chân trời”

Hay bài “Phố Phái”

“Xe chuyển bánh mặc anh hớt hải

Đất Phố bụi mày cuối Phái mưa may”

Đã có rất nhiều nhà phê bình khen và tán thưởng thơ của ông cũng như có nhiều người lại tỏ ra dị ứng với những điều mà ông đã cố công đem vào thơ để tạo sự cách tân. Những kỹ thuật như dùng đảo ngữ, hoặc dùng những ngôn ngữ dễ tạo ra sự liên tưởng hoặc mang nhiều ý nghĩa tạo ẩn ý đã được ông xử dụng để tạo thành một lớp vỏ bọc cho thơ.

Riêng tôi, tôi thích những bài như “Cha Tôi”, ý rõ ràng, lời giản dị. Chính vì những con chữ đã đi trực tiếp vào giác quan nên chất cảm được nhận thức rõ ràng hơn. Bài thơ như một câu chuyện kể của một người không cưỡng được lại những xô đẩy cuốn hút của cuộc sống nên suốt đời sống trong ray rứt dằn vặt. Một người cha giống dòng cách mạng ngang tàng được phác họa bằng những câu thơ đầy cảm khái:

“Đất quê cha tôi

đất quê Đề Thám

rừng rậm sông sâu

con gái cũng theo đòi nghề võ.

Ngày nhỏ

Cha tôi dẫn đầu

Lũ trẻ chăn trâu

Phất ngọn cờ lau

Vào rừng Na Lương đánh trận

Mơ làm Đề Thám

Lớn lên

Cha tôi đi dạy học

Gối đầu lên cuốn Chiêu Hồn Nước

Khóc Phan Chu Trinh

Như khóc người nhà mình

Ôm mộng bôn ba hải ngoại

Lênh đênh khói một con tàu

Ngâm nga mấy vần cảm khái

Đánh nhau với Tây

Bỏ việc

Lang thang

Vào Nam

Ra Bắc

Cắt tóc đi tu

Nhưng quá nặng nghiệp đời”

 Thế mà vì nặng nợ gia đình, vì sinh kế đa đoan nên không sống thanh cao được vì

“muốn sống thanh cao

đi lên trời mà ở

mày đã quyết kiêu căng

níu lấy cái lương tâm gàn dở

dám

không tồi như chúng tao

suốt đời mày sẽ khổ.”

Nhưng rồi, tất cả chỉ là nỗi niềm dằn vặt của một người không cưỡng lại được những xô đẩy của cuộc sống. Sẽ không thanh cao nữa để khỏi khổ về vật chất nhưng đau đớn ở phần tâm hồn;

“Rồi cha tôi

lui tới nhà quan tuần quan phủ

lúc về

gặp tôi

đỏ mặt

quay đi

Một hôm

Tôi thấy chữ R.O.

Treo ngoài cửa

Cha tôi không dạy tôi làm thơ nữa

Người còn bận đếm tiền

Ghi sổ

Thỉnh thoảng nhớ những ngày oanh liệt cũ

Một ngày uống rượu say

Ngâm mấy câu Kiều

Ôm mặt khóc

Tỉnh dậy

Lại loay hoay

Ghi sổ

Đếm tiền

Hai vai nhô lên

Đầu lún xuống

Như không mang nổi cuộc đời

Bóng in trên tường vôi

Im lặng

Ngọn đèn leo leo ánh sáng

Bóng với người

Như nhau

Múi ẩm mốc tiếng mọt kêu cọt kẹt

chân bàn

Hay ở cha tôi

Cuộc sống hàng ngày

Nhỏ nhen

Tàn bạo

Rác rưởi gia đình

Miếng cơm manh áo

Tàn phá con người

Những mơ ước thời xưa

Như con chim gãy cánh

Rũ đầu chết ngạt trong bùn

Năm tháng mài mòn

Bao nhiêu khát vọng

Cha đã dạy con một bài học lớn

Đau thương

Kiên quyết làm người.”

Bài thơ này nhà thơ Lê Đạt làm đã lâu từ năm 1956 đến nay đã hơn nửa thế kỷ sao tôi đọc lại vẫn nghe có điều gì gờn gợn trong lòng. Thực tế cuộc sống đã bày ra những bài học để con người phải chọn lựa. Và, kết cuộc chỉ là một tiếng thở dài, rất nhẹ nhưng sâu lắng.

Đọc bài thơ trên, tôi không tìm thấy những con chữ cầu kỳ, những đảo ý gút mắc, những ẩn ngữ sâu xa. Thơ như câu chuyện kể thường ngày, ngôn ngữ bình dị, và người đọc không cần phải trang bị bất cứ một thứ gì để tiếp cận với những ý lời diễn tả. Tôi lại chợt nhớ đến một nhà thơ khác nói về thơ hậu hiện đại và phê bình những người không ưa thích là không đủ khả năng về kiến thức để lãnh hội cái hay, cái đẹp, cái lạ của thơ hậu hiện đại hay thơ tân hình thức. Kể ra, hiểu thơ và cảm thơ cũng có nhiều cách, cũng như cách tân cũng có nhiều kiểu. Nhưng phê bình những người khác sở thích với mình là không đủ tri thức là một điều khá chủ quan và nông nổi. Cũng như, có nhà thơ đã chết rồi mà còn đòi sống lại để bóp cổ kẻ vẽ rắn thêm chân vẽ rồng thêm cánh cho những bài thơ của mình được tán hươu tán vượn và gán cho những ý tưởng hoàn toàn xa lạ với tâm thức và những điều diễn tả…

Đối với tôi, Lê Đạt là một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã bị nhiều truân chuyên trong cuộc sống văn chương và đời thường. Và chỉ có thế cũng đủ để tôi khâm phục. Sống làm người trong chế độ Cộng Sản đã khó, huống chi là nhà văn. Ở cái tuổi của ông, ông vẫn miệt mài làm thơ, vẫn say sưa với những thử nghiệm ngôn ngữ của mình, vẫn đem hết tâm lực của tuổi già còn sót lại từ lúc ấu thơ với mộng ước tạo thành một cuộc cách mạng trong thi ca. Qua bao nhiêu chìm nổi của cuộc sống, bị bao nhiêu là cay đắng dằn vặt của cuộc sống, cái tâm thức cống hiến cho đời cho văn chương vẫn còn rạng rỡ. Bây giờ, ông đã đi xa và bay xa…Một kẻ hậu sinh như tôi, đọc một bài thơ, góp một vài ý kiến nhỏ, cũng là một cách thế để nhớ về và tưởng niệm...

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.