.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Tôi đọc "Võ Phiến Cuối Cùng"

Quyn sách mới trên tay còn thơm mùi mực. Hình bìa trang nhã, cuốn sách bìa cứng, đẹp và mát mắt. Chưa giở vào những trang bên trong, đã thấy thích vì có một cuốn sách hay. Nhưng, lạ quá. Tại sao lại Võ Phiến Cuối Cùng? Từ ngữ cuối cùng có vẻ gì như là một ly biệt chia tay. Ở bên trong sách, lại là những bài viết có khi cách nay cả chục năm, như tùy bút Hình Bóng Cũ viết vào tháng 8 năm 2000. Vậy thì, chữ cuối cùng ấy có gì chính xác?

Nhưng khi đọc bài ông viết về bài thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên thì mới biết đó là một cách nói. Ông Tô viết

“Thức cho xong bài thơ

Mai sớm ra đi

Cài hờ lên cửa tặng”

Và một lần nữa, bài thơ khác:

“Trời rạng. Chuyến đi không hoãn được.

Bài thơ tâm phát dãu chưa xong

Xin vẫn cài thơ lên cửa tạ”

Và ông Võ Phiến viết ý nghĩ của ông về hai bài thơ này, nhìn người mà chạnh đến mình:

“Tôi mân mê quyến luyến. Rồi một ý kiến bất chính len vào đầu. Ông Tô tuổi chưa cao, sức chưa xuống, tình còn nồng, ông đi đâu mà vội mà vàng, chuyến đi hoãn được lắm, ông cài thơ lên cửa lúc này e sớm chăng? Hay là mình… Thơ chỉ có cài hờ, dễ bóc mà, bóc nó ra, lấy chất keo tốt dán thật chắc lên cửa nhà mình! Tài cao như Tô Tử ông ấy viết bài khác mấy hồi? Thế là tôi phăng phăng tiến hành. Và xin trình ra thơ tạ từ đã gỡ của ông Tô Tử, trình ra với tất cả tấm lòng biết ơn sâu xa toàn thể các độc giả. Tức những kẻ đã cùng với mình hòa hợp mật thiết trong việc tạo nên tác phẩm nọ kia, làm ra lẽ vui một đời mình...”

Thành ra, dù có đến nhiều bài tùy bút cuối cùng của tác phẩm này hay thêm những bài viết cuối cùng khác thì cũng chỉ là như thơ của thi sĩ ”Cài hờ lên cửa tặng”. Gài lên rồi gỡ ra là sự thường. Nhưng, đó chính là ý nghĩ thực, cảm xúc thực của một giây phút cảm khái và hứng khởi. Cuộc sống dường như đi trên con đường vòng tròn, gót chân cuối cùng của phút này có thể là ngón chân khởi đi của giây nọ, cái cuối cùng mà cũng có thể là khởi đầu…Nhà văn Võ Phiến chỉ “gài hờ“ thôi bởi vì cuộc sống ấy biết bao thay đổi. Suy tư nếu cứ ù lì giữ nguyên thì làm gì có nghệ thuật hay văn chương trên đời. Võ Phiến Cuối Cùng chỉ là một cách nói để diễn tả cái tâm trạng của một lúc nào đó của cuộc đời.

Một điều thích thú, là qua mấy trang đầu, vì tôi là người mê thi ca mà biết ông rất trân trọng với thơ. Có thể khác với một nhà văn cũng thuôc hàng tiền bối khác là Doãn Quốc Sỹ, ông yêu thơ nhưng không làm thơ vì cho rằng ở các thể loại văn xuôi dễ bày tỏ tâm cảm hơn so với thể loại thi ca. Còn ông Võ Phiến, có khi thơ là tượng hình đời sống ông. Từ đời của một người tị nạn nhận nơi này là quê hương mới qua bài thơ ”Cũng Hợp” đến kỷ niệm một đời chẳng quên của “Nhà Cũ” và tâm cảm tuyệt vọng của một người khi nhìn thấy cái nhanh chóng lạnh lùng của thời gian của “Tiếng Rú Vô Âm”. Làm thơ là dịp để ông phơi bầy ra cái chân thực của suy tư, của cuộc sống mình. Thơ, có khi là giây phút thoáng qua, nhưng trầm và sâu, có khi là nụ cười nhếch đùa bỡn cợt, nhưng lại mênh mang một chút gì thảng thốt tiếc nuối:

“nghe đâu trời sắp gọi ta

chuyện đâu có chuyện xảy ra lạ đời

Không ta ai gọi tên Trời”

Tôi bắt đầu đọc Võ Phiến từ lúc còn rất trẻ và trong trí nhớ còn ghi lại một vài kỷ niệm nhỏ từ những trang sách ấy. Những cuốn sách, nhắc lại những đoạn đời, từ lúc còn trên ghế nhà trường đến khi vào lính. Những lúc ngồi trong hầm đại liên của quân trường, hay những buổi tối cô đơn ở cư xá sĩ quan độc thân ở phi trường Nha Trang, tới bây giờ còn man mác gờn gợn lại những cảm xúc tuy mơ hồ nhưng ấm áp. Lúc này đây, đọc những trang sách mới, như qua mấy chục năm, cảm xúc tuy khác nhưng vẫn còn trong ấn tượng. Từ những cuốn sách mà tôi đã đọc, không hiểu có phải đó có phải là những sáng tác vượt qua được sự gạn lọc của thời gian. Nếu gọi là vượt thời gian thì cũng đúng, nhưng với riêng tôi, ở thời điểm này, vẫn mênh mang thấy từ những nhân vật của Võ Phiến có một cái gì rất người, rất gần gũi, tuy có khi là những gì rất cổ xưa nhưng vẫn không bị đào thải chán ngán. Khởi đi từ lúc ông viết những “Chữ tình“, “Mưa đêm cuối năm” đến lúc viết “Thư nhà “, “Thương hoài ngàn năm”, rồi “Nguyên vẹn“, “Quê", “Thư gửi bạn”... ở hải ngoại, và bây giờ ”Võ Phiến cuối cùng”, một hành trình sáng tác thật dài của một người cầm bút luôn luôn đi tìm kiếm những cái gọi là mới mà nhiều khi hiển nhiên trong đời sống đã lâu. Cái ý niệm ấy chưa phải là hoàn toàn mới, nhưng nó là những suy tưởng thú vị, nhiều khi bất ngờ dù trong cuộc sống chúng ta có thể đã có hay đã trải qua. Những bài viết ở trong “Võ Phiến Cuối Cùng” vẫn trong phong thái nửa đùa nửa thật, nửa là văn nói nửa là văn viết, so vói những tác phẩm cũ của ông đã viết thì hồi trước sôi động còn bây giờ trầm lắng hơn. Những diễn tả, từ cách quan sát nhận định sự kiện hoặc nhân vật, đến ngôn từ ý tưởng, từ trước tới sau vẫn là một từ đại thể nhưng trong chi tiết có nhiều đổi thay ngoạn mục. Lối nhìn, cách nghĩ của ông mà có người nhận định là chẻ một sợi tóc ra thành tư thành tám thành mười sáu ấy. Bây giờ vẫn còn và khi đọc những tùy bút ông mới viết đã tạo ra cho tôi những liên tưởng cứ nảy nở, cứ phát triển ra mãi theo cấp số nhân mà không phải là cấp số cộng. Từ ý này vù vù nảy ra ý kia, có lúc dí dỏm, có lúc thực thà và tựa như có ngọn dao giải phẫu thật sắc chẻ ra như chẻ một sợi tóc, để tạo cảm giác cho người đọc rằng tất cả đã hiện nguyên hình, nguyên chất, kể cả suy tư óc não con người.

Luận sự đời, của một người già có phần ãnh hưởng của đổi thay cuộc sống. Với văn chương, thì ngược lại càng lớn tuổi lại làm cho suy tư sâu sắc hơn. Và diễn tả cũng đằm thắm hơn.

Ví dụ như bài viết ”Một Người, Một Người...” Nhà văn Võ Phiến đề cập đến hai người. Nguyễn Bá Trạc, nhà văn và Tô Thùy Yên, nhà thơ.

Ông Nguyễn, lúc đầu thì chê bai nước Mỹ hết lời, thậm chí còn nói ”nước mưa ở Mỹ uống đắng cả mồm" và trở thành một “ông khó tính” cực kỳ. Nhưng hơn hai chục năm sau, lại thay đổi cũng ghê gớm. Đang khó tính hết sức thành dễ dàng vô kể. ”Tôi sống thế này là ok”. Không chảnh, không đòi hỏi, vừa lòng với những gì đã có:

“Tôi sống thế này là ok

không thêm bớt

sáng chim kêu gà gáy

chủ nhật dắt chó đi chơi

tôi sống thế này là ok

vài bạn già

một căn nhà

hai con gà

dăm con chim con chó.

cô vợ thằng con nhỏ giống mẹ

cái mũi cái mồm

giống cha cặp mắt ngựa non

tôi sống thế này là ok

trong căn nhà hai phòng đủ ở

có bán đi, trả hết vẫn lời hai trăm...”

Ông viết : ”Bài thơ thật là lạ lùng. Đọc qua mấy câu đã thấy lòng phơi phới. Ơ hay! Người cũ biến mất đâu rồi? Trướcc mắt mình là một con người khác hẳn. Cũng là Nguyễn Bá Trạc đây sao? Tôi sửng sốt ”taị sao đời sống hóa ok? Chuyện gì đã xảy ra? Trầu bỗng nhiên mọc tràn đầy nước Mỹ rồii chăng? Nước mưa gần đây từ trời rơi xuống có được giữ lại pha nước đường vào chăng?…

... Tôi biết đích xác chuyện ấy không do tôi sáng dạ. Chẳng qua mình vừa ngộ được một sự thực hiển nhiên là cái phép mầu của thơ văn. Thơ ok, xuất thế cuộc sống nó nhảy cỡn lên sung sướng đơn giản thế thôi...”

Ông Võ Phiến cũng nói về nhà thơ Tô Thùy Yên. Lúc đầu, với những câu thơ từ “Hề, ta trở lại căn nhà cỏ”, "Qua sông", “Ta về”, thơ của ông đắm đuối lãng mạn và lôi cuốn người đọc người nghe vô cùng. Nhưng lúc gần đây, ông viết những bài thơ như ”Thấm thoát đời ta" thì lại khác hẳn. Điềm đạm, đơn giản như ngày tháng thường nhật. Có một chút tâm sự, một chút thật lòng với hoàn cảnh của mình. Cái say sưa với những điều to lớn, những không gian cao rộng, những thời gian dằng dặc lịch sử như ít đi để trở về với cái thực tại của chính mình. Của tuổi già đã đến, của những ước vọng bị mài dũa bởi biến chuyển thời thế và ảnh hưởng thời gian. Những câu buồn buồn :

“tôi bây giờ cha mẹ không còn

các em hao hớt bạn thưa vắng đời rẽ quặt vô chừng

người đi cùng một đỗi

giữ của nhau thương nhớ làm tin

thôi mong gì đổi trả...

nắng mưa thấm thoát đời ta

mối mọt căn nhà rệu rã.

Đòi phen năm tháng cũ dò về

chó già lạ hơi sủa...”

và câu kết, cũng thâm trầm buồn bã như đoạn khởi đầu;

“Sức già đến lúc phải bỏ bớt

bỏ lại bên đường cái bóng ta.”

Bỏ lại cái bóng ven đường thời gian. Cuộc sống thấm thoát qua đi, khiến ông Võ Phiến chạnh lòng:

“...Duy sự ám ảnh không xua đuổi được. Nay ông Tô của chúng ta ngay cái bóng của chính mình cũng không thiết mang theo! Bài thơ đọc xong, cái lạnh mênh mông thấm liễm tận chỗ sâu xa nhất của tâm hồn” Bếp lửa nhân quần” tắt ngấm từ bao giờ, vô phương cứu vãn.

Một trăm hai mươi bốn câu trong bài “Ta Về” chúng nó dồn dồn tới, cuồn cuộn, ở bài ”Thấm thoát đời ta” câu thơ rã rời hẳn ra. Cuối cùng cái bóng cũng không bám được vào cái hình nữa...”

Ông Võ Phiến viết về hai nhà văn, nhà thơ, mà như viết để trang trải chính lòng mình. Cái trạng thái thay đổi tâm tư qua những biến chuyễn của cuộc sống là lẽ thường tình. Thế mà, sao con người cứ như có gắn nhiệt kế, nóng lạnh bức sốt cứ ảnh hưởng từng giờ từng phút. Mà ảnh hưởng ấy, lúc nào cũng pha nỗi niềm của một kẻ chịu phép với thời gian. Chỉ nhìn, chỉ cảm thôi cũng đủ mệt, huống chi mà đòi kiểm soát nó, điều chỉnh nó…

Ông Võ Phiến hình như rất trân trọng với kỷ niệm. Bất cứ những sự kiện ông gặp ngày hôm nay cũng làm ông nhớ đến những ngày xưa cũ. Như Marcel Proust, những con ong, những tia nắng, của những trang sách đã nhắc nhở lại một thuở nào. Có khi bây giờ trang sách còn đó, những sự kiện còn tái hiện lại nhưng những người thuở đó, đã biến mất và thành muôn năm cũ rồi. Trong “Hình Bóng Cũ”, nỗi bâng khuâng của tác giả khi nhìn lại những trang sách để mà ngậm ngùi nhớ đến những người thân yêu đã đi xa như người mẹ và cô Sáu. ”Cả cô Sáu và mẹ tôi đều đã ra đi. Cuốn sách cũ, cuốn sách cũ thời ấy vẫn còn đây. Thỉnh thoảng tôi dừng lại trước một trang sách, nhìn kỹ, không tìm ra dấu vết hình bóng gì. Nhưng gợi nhắc mỗi ngày một mơ hồ thêm.

Một cốt cách ở đời, nó loáng thoáng khó bắt. Cái còn lại của một cốt cách, ý oi quá, mong manh quá...”

Với kỷ niệm, trong “Mai Sau”, vẫn là những trang sách. Từ Lỗ Tấn, trang sách kể lại kỷ niệm đi xem hát tuồng của ông này thời nhỏ, với món đậu luộc trộm của cụ láng giềng trên đường về mà ông cho là trong đời không có món an nào ngon hơn, tác giả Võ Phiến đã miên man nhớ lại buồi xem hát tuồng hồi nhỏ ở sân nhà cô bạn láng giềng. Bây giờ, cả hai đã trở thành những... cụ. Và câu chuyện nhắc đến những người bạn xưa, những nhân dáng cũ. Họ nhòa nhạt đi trong cuộc sống, nhưng vẫn tồn tại trong tâm tư trí nhớ.

Những trang sách, mỗi lần đọc lại có cảm giác khác nhau nhưng tương tự nhau ở sự rung động bảng lảng mơ hồ của những lần đánh thức hồi ức. Có thể, đối với tôi, cái xúc cảm bâng khuâng làm tôi tìm được cái lôi cuốn để làm mới đi những trang sách cũ. Cũng như, lối viết sống động, nhiều khi văn nói chuyển thành văn viết, có nhiều tán thán tự dân giã, làm sự hào hứng tăng thêm từ những dòng chữ viết. Dù tả tình hay tả cảnh, dù luận thuyết hay phê bình, phong thái viết có lúc làm độc giả tưởng như đang đối thoại với độc giả hoặc người đọc cảm như lắng nghe những lời độc thoại của người viết.

Với “Võ Phiến Cuối Cùng”, cái sở trường của ông lại càng thấy rõ. Từ những tác phẩm đã viết, đề tài của ông, phong phú và rộng khắp. Hình như, cuộc sống đã cho ông những cảm xúc, để ông ghi nhận và chuyển đổi thành chữ nghĩa văn chương. Nhân vật của ông, có thể là một nông dân thời kháng chiến nhưng cũng có thể là một người đang sống trong những thành phố, sinh hoạt nói năng có khác nhưng có một điểm giống nhau, hay suy tư, thích tìm tòi lý luận, dù là từ những chi tiết hay biến cố nhỏ nhoi thường hằng mỗi ngày. Mà, ông không chỉ nhìn ngắm vào con người. Ông còn thơ thẩn vào những chỗ khác, lúc thì nói về cái đặc tính của miền này, lúc thì tò mò tìm hiểu về cây cỏ, loài vật kia. Thể văn tạp luận làm ông như người du ngoạn cứ la cà vào mọi chỗ mọi nơi, như con ong hút nhụy hoa của cuộc sống để thành mật ngọt văn chương ...

Viết như Võ Phiến, lối viết mà có người ví von là “chẻ sợi tóc làm tư làm tám“ có tham vọng muốn bày tỏ được những phần sâu thẳm của nội tâm con người. Hành trình khám phá những góc cạnh sâu thẳm của cuộc nhân sinh không phải là dễ dàng nếu không nói là phải trăn trở suy tư, để tìm trong những điều bình thường những bất thường, để tìm trong xuôi dòng những ngược dòng nghịch lý. Võ Phiến có lúc đã thú nhận chịu ảnh hưởng rất nhiều của Marcel Proust tác giả của bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất “. Nhưng, vẫn có một nét riêng, của cá tình riêng biệt, của tâm tình Việt nam.

Tuổi ông đã già, nhưng hình như tuổi tác lại làm nồng đượm thêm những suy tư về văn chương đối chiếu với cuộc đời. Những bài tùy bút, những trang tạp bút, trong “Võ Phiến Cuối Cùng” lại càng nổi bật lên cái cá tính ấy, liên tưởng tiếp đến liên tưởng, văn của ông lúc nào cũng “rình rình” để đẩy người đọc đi vào những chỗ bất ngờ, mà có khi chẳng xa lạ gì trong đời sống hàng ngày nhưng lại trở thành những khám phá thú vị nhất. ”Cuối cùng“ rồi lại “cuối cùng”, đi rồi lại đến, cái chấm dứt là cái khởi đầu, khép lại những trang sách, tôi hẹn. Sẽ có một ngày đọc lại những trang sách này để “săn tìm” một ý nghĩa khác hơn, để thấy cuộc sống mông lung hơn và cuộc đời dù ở bất cứ thời điểm nào cũng đều tươi đẹp, đều đáng yêu. Cả những lúc thấy lòng trống trải nhất….
 

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.