.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Hoàng Cầm, nhà thơ vừa ra đi

2.

Lược qua tác giả và tác phẩm Hoàng Cầm, mới thấy đời sống thực và đời sống văn chương đã hỗ trợ nhau để thành một nội lực đáng kể cho thơ hiển lộng. Thơ tình yêu của ông có những nét sâu sắc nhưng lại lãng mạn của một nòi tình riêng phú từ trời đất. Phải nói rằng mỗi một bài thơ của ông đều có những tình tiết ly kỳ riêng có cả những khuôn mặt người nữ ẩn hiện trong đó. Có lẽ trời sinh ra thi sĩ là kiếp đa tình nên dù trong một thời gian ngắn hạn, ông cũng yêu thương bằng cả trái tim và cuộc đời mình. Chính nét lãng mạn và chân thành đó là một nét hấp dẫn người đọc và cả giới nhạc sĩ nữa. Những bản nhạc từ thơ Hoàng Cầm đã thành một tài sản quý báu của âm nhạc Việt Nam.

Nhưng đời sống của ông thì nhiều tuyệt vọng. Có lúc ông đã nghĩ đến sự tự hủy mình. Với bài thơ Phùng Quán viết tặng thi sĩ Hoàng Cầm, có phải là một tấm lòng tri kỷ gửi cho người cùng cảnh ngộ và cũng là một nhắc nhở cho chính bản thân người viết tặng thơ?

Thơ Phùng Quán quá hay và cảm động bởi một tấm lòng biểu lộ. Thậm chí, ông đã mang ảnh tượng của một con sông, con sông Đuống, nhân vật hóa mang đại tang khi thi sĩ lìa đời. Gia đình thân thuộc dĩ nhiên là phải mang tang phục nhưng con sông khóc bên bồi bên lở từ những con sóng ngàn đời chịu tang thì ảnh hình ấy phải nói là tuyệt vời.

Phùng Quán với những bài thơ, câu văn viết cho những người cùng hoạn nạn cho chúng ta thấy tấm lòng của sự đùm bọc. Trong hoàn cảnh ấy, cuối đường của khốn cùng. Chỉ còn văn chương, để làm cây gậy chống và đứng dậy. Phải rồi, chính người thơ ấy đã viết những vần lẫm liệt của “Đêm Liên Hoan”, ngôn ngữ dậy lửa của đòi hỏi hy sinh xương máu. Phải rồi, chính người thơ ấy đã viết cho dòng sông quê hương những hình ảnh thần kỳ của tấm lòng tha thiết. Phải rồi, chính người thơ ấy đã mang những ẩn dụ vào thi ca để bầy tỏ nỗi niềm của “Lá Diêu Bông”. Thơ và đời, sao trái ngược, thi ca sang cả, hạnh phúc, hào hùng trong khi đời thường nghèo đói bất hạnh phủ vây.

Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, Hoàng Cầm thấy được những nét phi nhân trong lúc tiến hành kế hoạch tàn nhẫn này bắt chước hành động của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Ông làm bài thơ “Em bé lên 6 tuổi”, như một cách thế tỏ bày suy tư của mình:

”Có một chị cán bộ

Đang phát động thôn ngoài

Chợt nhìn ra phía ngõ

Nghe tiếng kêu lạc loài

Chị rùng mình nhớ lại

Năm đói kém từ lâu

Chị mới năm tuổi đầu

Liếm lá khoai giữa chợ

Chạy vùng ra phía ngõ

Dắt em bé vào nhà

Nắm cơm dành chiều qua

Bẻ cho em một nửa

Chị bần nông cốt cán

a nước mắt quay đi

“nó là con địa chủ

bé bỏng đã biết gì

hôm em cho bát cháo

chịu ba ngày hỏi truy

chị đội bỗng lùi lại

nhìn đứa trẻ mồ côi

cố tìm vết thù địch

chỉ thấy một con người...”

Bài thơ đăng trên Nhân văn Giai Phẩm, và cũng là một đề tài để cho những người theo lệnh Đảng chú mục vào để khai triển theo chủ trương chống nhóm Nhân Văn Giai Phẩm…

Trong Chân Dung Nhà Văn, hình như nhà thơ Xuân Sách cũng phác họa Hoàng Cầm bằng những chi tiết độc đáo? Vâng, Xuân Sách, cũng những ngậm ngùi, những phác họa một chân dung thi sĩ với cuộc đời nhiều sóng gió :

“Em ơi buồn làm chi

-  Em không buồn sao được!

Quan họ đã vào hợp tác

Đông Hồ gà lợn nuôi chung

Bên Kia Sông Đuống em trông

Tìm đâu thấy Lá Diêu Bông hỡi chàng !”

Em ơi buồn làm chi! Câu thơ của một thuở nào “Bên Kia Sông Đuống” bây giờ Xuân Sách nhắc lại như một chút cay đắng cũ càng. Tất cả thay đổi rồi, người thi sĩ mất đi vị trí thời trước.

Tại sao vì sự thay đổi mà chế độ ấy làm văn chương bị mất đi cái vẻ thanh cao và văn nghệ sĩ bị mất đi vị trí của thời trước ?

Bởi vì, văn nghệ đã bị mặc chung bộ đồng phục, tranh gà lợn không còn nét trong sáng tư riêng. Và Lá Diêu Bông cũng là những gì không thực, mà người thơ cứ tha thẩn kiềm tìm mãi mãi mà không thấy. Xuân Sách nhắc đến Tiếng Hát Quan Họ với những câu thơ của Hoàng Cầm như:

 “... Suốt tháng giêng mưa xuân trắng ngõ

Những người gái thôn Dương Ổ

Đập sợi thâu đêm

Khi nắng lên se chỉ trắng ngoài thềm

Khi giăng lên đưa con thoi dệt vải

Tiếng hát chập chùng, mái tranh phủ khói

Chị em hẹn nhau ngày hội sang năm…”

Một thời nào xưa lắm, có phải? Thuở thanh bình với phong tục dân gian đáng yêu, bây giờ có còn? Hay, tất cả, trôi theo dòng thời thế, để vỡ vụn, nát tan? Trong thế giới thi ca của Hoàng Cầm, từ cảnh tới người, từ ý tới lời, đều có nét vờn của bảng lảng, của bàng bạc đời sống. Cái hồi nhớ đôi khi là cảm giác thực, cái liên tưởng đôi khi là giây phút sống thực nhất. Với cuộc đời, thơ là nét mơ hồ, là lẫn lộn thực mộng, là những cơn mơ, dịu dàng, nhưng triền miên để thành nỗi đau nỗi nhớ, Thơ, tuy tiếp cận, tuy gần gũi nhưng vẫn có một cái gì làm khoảng cách, như đôi mắt hay nhìn ra xa để lảng tránh cái nỗi buồn gần....

Mỗi một tác phẩm của Hoàng Cầm dường như chứa đầy những sự tích. Và những tác phẩm ấy cũng gây ra nhiều biến cố trong đời sống tình cảm của nhà thơ. Như vở kịch thơ Kiều Loan chẳng hạn. Vở kịch thơ này phát xuất từ cái chết của cô em gái người bạn thân của Hoàng Cầm là cô Minh Loan, rất đẹp nên bị sĩ quan Nhật cưỡng hiếp rồi ngầm chích thuốc độc nên đã chết khi vừa 17 tuổi. Ám ảnh vì hình ảnh đẹp của cô gái cũng như lòng thù hận bọn xâm lược ngút cao cũng như hiểu được lẽ thịnh suy của từng thời đại nên ông đã viết thành vở kịch thơ Kiều Loan chỉ sau mười ngày khi đưa đám ma cô gái bạc phước Minh Loan…

Nội dung vở kịch thơ Kiều Loan ấy ra sao. Câu chuyện riêng ấy chỉ gợi ra cho thi sĩ chứ nội dung của vở kịch thơ này là một chuyện lịch sử viết về một thời đại đầy biến động là thuở chế độ Tây Sơn bị tiêu diệt và chế độ họ Nguyễn mới lên ngôi. Nàng Kiều Loan trong vở kịch là một người chinh phụ chờ chồng suốt 10 năm chinh chiến và nàng đã phải giả điên giả dại từ quê nhà đến kinh đô Phú Xuân để tìm chồng. Chồng nàng là một quan chức đã phục vụ cho chế độ Tây Sơn. Nhưng khi gặp gở, nàng đã gặp môt người chồng khác, đã đầu hàng chế độ mới và hăng hái lập công để hầu đạt được công danh. Ông ta đã chọn lựa giữa người vợ thương yêu và cách cúc cung phục vụ chế độ mới và ông đã chọn lựa làm một con chó trung thành với chủ mới, lấy máu đào của nhân dân làm nấc thang danh vọng lấy sự tàn nhẫn bạo ngược làm chỉ nam cho cuộc sống. Kiều Loan đã rút thanh bảo kiếm đâm vào ngực người chồng phản bội và cuộc đời nàng cũng chẳng còn lối thoát giữa vòng vây của chế độ độc tài phong kiến Nguyễn Gia Long…

Vở kịch ấy đã ảnh hưởng thế nào trong đời sống tình cảm của nhà thơ?

Năm 1946, vở kịch thơ được dàn dựng ở Nhà Hát Lớn Hà Nôi với nữ diễn viên chính là nghệ sĩ Tuyết Khanh trong vai Kiều Loan. Ông gặp bà Tuyết Khanh trong khi tuyển chọn người đóng vai chính cho kịch thơ, và như một mối duyên tiền định đã nên vợ nên chồng. Bà là người vợ thứ hai kế sau người vợ thứ nhất (bà Hoàng thị Hoàn do gia đình cưới hỏi cho) đã chết từ trước năm 1945 vì bệnh.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng yêu Tuyết Khanh rất tha thiết và theo nhiều người thì đó là một mối tình tay ba độc đáo của văn học Việt Nam.

Năm 1948, ông cùng bà Tuyết Khanh và đứa con gái hai tuổi mang tên Kiều Loan nhân vật của vở kịch thơ lịch sử theo đoàn văn nghệ tuyên truyền ra chiến khu. Sau khi nghe lời nhắn của mẹ và gia đình, bà Tuyết Khanh mang con trở về Hải Phòng sống với gia đình. Sau bà nghe những chuyện trai gái lãng mạn của ông trong đoàn văn công nên viết thư với giọng thật giận dữ: ”ông cũng là một nghệ sĩ và bên cạnh ông lúc nào mà chẳng có nhiều cô xinh đẹp. Nhận được thư này ông không cần phải viết lại cho tôi mà nếu có viết tôi cũng sẽ không đọc đâu. Vĩnh biệt”. Tự ái, ông không viết thư trả lời và thế là hai vợ chồng tan rã. Bà Tuyết Khanh năm 1954 di cư vào Nam, lấy chồng khác và có đời sống riêng. Đứa con gái ngày nào bây giờ là nghệ sĩ Kiều Loan ở San Jose đã nhiều lần dàn dựng lại vở kịch của cha mình đã một thời nổi danh từ hơn nửa thế kỷ trước.

Đời sống tình cảm của nhà thơ chắc nhiều sóng gió. Trong 13 nàng thơ của thi sĩ có hai người thành vợ thành chồng với ông. Một là Tuyết Khanh, hai là Lê Hoàng Yến. Mối tình của ông với bà Lê Hoàng Yến cũng là một gia thoại lãng mạn. Lúc đó, ông là một người trai ba con không vợ và bà cũng là một gái hai con không chồng. Hai người gặp nhau và có với nhau những đứa con chung khác. Họ xây dựng một tổ ấm nhưng là một tổ ấm đầy phong ba bão táp trên đường đời. Nếu không có người bạn đời cùng chia sẻ cay đắng nghèo nàn thì cuộc đời của ông còn đau khổ hơn biết bao nhiêu. Khắc nghiệt của cuộc sống, kìm kẹp của chế độ, đã làm cho ông chán đời và khi đi tù về, bà Yến và đứa con gái tên cũng giống như mẹ là Bùi thị Hoàng Yến và cũng là một diễn viên kịch nghệ, bị bệnh chết, ông như người điên muốn xa lánh cuộc đời này đến nỗi nhà thơ Phùng Quán phải làm thơ chia sẻ an ủi và giữ niềm tin để gắng sống cho qua cơn bão táp của cuộc sống.

Nhà thơ Hoàng Cầm có làm nhiều bài thơ để tưởng niệm người vợ Lê Hoàng Yến. Như bài Nén Linh Hương :

“Đã hẳn Em bay cõi im - vô cực

Sao còn mưa mau quất đau lá cành

Từ hôm em đi ghi âm cười khóc

Ghi nét mày chau ghi sắc môi hồng,

Hay một bài thơ khác, bài Xa rất tha thiết :

 Em đâu? Ai xé hồn muôn mảnh

Tiếng mối tường bên xé tiếng mưa

Đêm đêm hương khói ngày không nói

Trang giấy vùng âm đắp ấm êm

Ai khấn gọi gì qua mộ chí

Chơi sao nuốt nghẹn khối u mềm…”

Sau khi bà Tuyết Khanh trở về Hải Phòng thì ông còn có mối tình để ông có một nàng thơ trong danh sách những người tình. Ở chiến khu đến năm 1950, Hoàng Cầm gặp một thiếu nữ tài sắc tên là Minh Xuân. Khi ấy Minh Xuân đang ở trong một hoàn cảnh trớ trêu, bị tổ chức đảng bắt ép lấy một cán bộ chỉ huy xấu trai và có lý lịch vô sản thô tục nhưng bà từ chối. Hoàng Cầm cảm thương tình cảm nên yêu thương khá mặn nồng. Nhưng vì chiến tranh, chiến dịch biên giới bắt đầu nên hai người lạc nhau.

Mãi sau, Hoàng Cầm mới nghe kể lại câu chuyện não lòng về người tình của mình. Một chuyện tang thương của một giai nhân bạc mệnh. Không có Hoàng Cầm ở bên cạnh, nàng vẫn bị áp lực để ép buộc kết duyên với anh cán bộ kia. Tới lúc không chịu đựng nổi, Minh Xuân đành tự trầm xuống dòng suối hủy mình. Thi hài đã bị nước cuốn trôi đi cả mười cây số…

Những chuyện tình của Hoàng Cầm thường kết quả là buồn đau và chẳng có chuyện tình nào kéo dài cả. Có lẽ đó như là một run rủi của định mệnh. Nhà thơ Hoàng Cầm nói rằng khi yêu nhau ai mà chẳng muốn có một tình yêu bền vững. Ông cũng nuốn như vậy nhưng hoàn cảnh và số phận vốn mang nhiều điều éo le, bất trắc. Khi một mối tình đi qua cũng có nhớ có tiếc thương, khổ đau,... đủ cả. Nhưng số ông vốn đào hoa luôn luôn được sống trong trạng thái yêu đương, say mê, mơ mộng. Thời gian để mà ông bâng khuâng và buồn đau quá ít. Bóng hồng này đi qua chưa lâu đã có bông hồng khác tới.

Nhà thơ đã tự bộc bạch như thế …

Nhưng nếu có câu hỏi trong những cuộc tình ấy cũng có những mối tình gây ra cho ông nhiều ân hận trong suốt cuộc đời mình. Nhà thơ trả lời đó là mối tình với cô Ninh khi ông lúc ấy đã có gia đình. Ninh là cô con gái của một gia đình địa chủ giàu có và có nét đẹp rất sắc sảo. Tuy cô rất đắt chồng được rất nhiều người dạm hỏi nhưng lại yêu một chàng thi sĩ đẹp trai tài hoa dù đã có vợ. Hoàng Cầm trong khi đi tìm người nữ đóng vai Kiều Loan đã gặp cô Ninh và được cô yêu say đắm. Cô muốn bỏ nhà rủ ông đi vào Sài Gòn lập nghiệp để chạy trốn những cuộc hôn nhân mà cô không chọn lựa. Nhưng Hoàng Cầm vì nhiều lý do nên từ chối và cô Ninh đi lấy chồng. Với Hoàng Cầm cô dâng hiến và muốn có đứa con nhưng không được. Trong khi với người chồng thì cô có tới 7, 8 mặt con và chết vì bị băng huyết khi sinh nở lúc còn 40 tuổi. Đó là một cuộc tình mà theo Hoàng Cầm đã gây ra nhiều thương tiếc và ân hận cho ông...

Có một bài thơ, bài Cỗ Bài Tam Cúc cũng là khởi đi từ một mối tình của ông. Cũng là một mối tình lãng mạn nhưng gãy đổ. Mối tình đã để lại dấu tích trong bài thơ Cỗ bài Tam Cúc có những câu như:

“Cỗ bài tam cúc mép cong cong

rút trộm rơm nhà đi trải ổ

Chị gọi đội cây trầu cau má đỏ

Kết xe hồng đưa chị đến quê em

Nghe cây bài tìm hơi tóc ấm

Em đừng lớn nữa chị đừng đi

Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa

rơm thơm còn đọng tuổi đương thì

Đứa được

chinh chuyền xủng xoẻng

Đứa thua

Đáo gỡ ngoài thềm

Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ

Đổi xe hồng đưa chị đến quê em

Năm sau giặc giã

Quan đốc đồng áo đen nẹp đỏ

Thả tịnh vàng cưới chị

Võng mây trôi

Em đứng nhìn theo. em gọi đôi...”

Câu chuyện tình đó ra sao? có phải là một thực tế trong đời của ông không? Cô gái ấy là con một bà chủ quán nước chè ven đường quốc lộ số 1 chạy qua phủ Từ Sơn ở Bắc Ninh. Cô yêu Hoàng Cầm tha thiết nhưng bốn năm sau cô lại lấy chồng là một ông quản khố xanh. Ông này ghé quán uống nước, say mê cô rồi hỏi cô làm vợ, rồi đưa về Phủ Lý... Hai người có với nhau một mặt con nhưng rồi không hiểu vì sao mà ông quản khố xanh này lại ghen tương và hành hạ đánh đập đuổi cô về quê và giữ lại đứa con. Hoàng Cầm gặp lại người yêu cũ, cô gái ấy chỉ khóc vì biết mình là thân phận gái có chồng không thể nào nối lại được tình xưa. Trong bài thơ, hình ảnh quan “đốc đồng áo đen nẹp đỏ “ có lẽ là hình ảnh của ông quản khố xanh…

Chắc ông còn có những mối tình khác nữa như với chị Nghĩa trong bài thơ “Quả Vườn Oåi” chẳng hạn. Theo Hoàng Cầm đó là mối tình thứ ba của ông khi ông trọ học ở Bắc Ninh. Cô con gái chủ nhà trọ đem lòng thầm yêu trộm nhớ chàng trai học trò tài hoa vùng Kinh Bắc. Cô này thường gánh gạo từ quê lên nhà để mẹ nấu cơm cho các chàng học trò đang trọ học. Theo ông thì cô này đẹp lắm, vẻ đẹp tươi tắn mộc mạc cũa những cô gái quê hồn hậu. Hai người bắt tình với nhau, yêu thương nhau dù cả gia đình ngăn cấm. Hôm nhà cô có tang, cô cứ quanh quẩn bên chàng trai liếc mắt đưa tình khiến người nhà trông thấy tức quá lôi về đánh cho một trận. Nhưng hôm sau cô vẫn không sợ, vẫn đến gần chàng học trò nói chuyện. Nhưng cuộc tình thì ngắn ngủi. Cô gái đi lấy chồng nhưng bài thơ thì vẫn còn sống mãi trong văn chương Việt Nam.

Hoàng Cầm còn có một tập thơ viết về những người thợ làm gốm ở láng Bát Tràng quê hương ông. Đó là tập thơ Men Đá Vàng có sắc thái và địa vị riêng biệt trong thơ Hoàng Cầm. Truyện thơ về người thợ gốm Bát Tràng ông làm vào năm 1973 gồm có phần dẫn nhập bằng văn xuôi rất lãng mạn thi vị và 13 trang thơ cùng với 4 trang thơ tự do diễn tả tâm tình của bốn nhân vật gồm cô gái Phong Kiều, người chồng, người cha và một người bạn đục đá. Truyện kể người chồng mê đi chơi hoang, người vợ chờ chồng hóa đá. Chồng về hối hận khóc than, nước mắt thấm vào thân đá, làm đá hóa thành men đá vàng, người cha nghệ sĩ tạo hình nung lửa tạo nên gốm, mà cô gái Phong Kiều hồi sinh thành một hình tượng nghệ thuật.

Từ lúc làm những bài thơ đầu tiên, Hoàng Cầm đã liên cảm được cái định mệnh của mình, sẽ muôn đời Một Mình dù hết mối tình này đến mối tình khác sẽ đi qua đời ông:

“dường như cánh gió không bay

lời ca không hát rượu đầy không men

dường như nhớ lại không quên

một mình tôi... một mình em... lạ thường

dường như trăng chếch bên giường

tiếng gà tiễn biệt đêm trường lặng im…”

Nếu ai hỏi có suy nghĩ gì về đời thường và văn chương của ông, thì theo tôi, Hoàng Cầm đã đem đời sống tình cảm thực của mình viết thành thơ. Nhưng không phải đơn thuần là người kể chuyện và tâm sự, ông còn mang những ẩn dụ để nói lên một cácch gián tiếp những đắng cay những khổ nhục mà một người nghệ sĩ chân chính phải chịu đựng trong một xã hội mà chế độ đương thời đã dùng những bàn tay sắt để răn đe người nghệ sĩ đi vào lề bên phải đã được định sẵn từ những chính sách thô bạo để phục vụ cho chế độ ấy…
 

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.