.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Back To School - Giã biệt mùa hè

Mùa hạ đã qua. Cổng trường học đã mở lại, một niên học mới bắt đầu. Hình như tuổi học trò có lẽ là thời điểm đẹp nhất của đời người. Có khi, đó là đôi mắt ngây thơ hừng hực sức sống hướng về tương lai của một chặng khởi hành. Có khi, đó lại là những tình cảm ấm áp của những trái tim rộn ràng vừa biết yêu. Có khi, là nỗi niềm chia ly của những mối tình học trò, là những mộng ngoài cửa lớp, mơ đến ngàn phương. Văn chương, thi phú, âm nhạc, ... hình như tràn đầy tâm cảm ấy.

Mùa tựu trường đã tới. Với cái nhìn ngoái lại quá khứ, tìm về kỷ niệm đối chiếu trong văn học và đời thường, trong sách vở và đời sống, bài viết này như một tản mạn về những ngày tháng đầy mộng mơ, nhiều lãng mạn của thời điểm bắt đầu mùa thu và giã biệt mùa hè. Mong ước rằng, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn vào hiện tại, nhớ về quá khứ và hướng vọng về tương lai để cùng chia sẻ với nhau những tâm tình thiết tha lạc quan nhất của đời người.

Mỗi năm cứ vào khoảng thời gian đầu tháng 9, chúng ta lại thấy hàng chữ “back to school” xuất hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Ngoài ý nghĩa thông thường “Back to school” là ngày mà học sinh trở lại trường học bắt đầu một niên học mới, mà còn là tên của một bộ phim nổi tiếng được đạo diễn Alan Metter thực hiện năm 1986 với các tài tử như Rodney Dangerfield, Keith Gordon, Sally Kellerman, Burt Young, William Zabka, Sam Kinisson và Robert Downey. Bộ phim là câu chuyện quanh một nhân vật tên là ThorntonMelon một người cha giàu có nhưng ít học, đã trở lại học ở trường mà người con là Jason Melon đang học và ông ta đã học được một bài học lớn là ông ta không thể mua học vấn và hạnh phúc bằng tiền bạc. Bộ phim cũng có những nhạc khúc nổi tiếng kèm theo như Back To School, I’will Never Forget Your Face, Everybody’s Crazy, …

Hình như bất cứ ở quốc gia nào, ngày khai trường cũng là một ngày quan trọng? Thí dụ như ở Hoa Kỳ và ở Việt Nam chẳng hạn…

Ở Hoa Kỳ, tổng thống Barack Obama đến trường tiểu học Wakefield ở Arlington, Virginia để đọc lá thư gửi cho tất cả các học sinh trên toàn quốc nhân ngày tựu trường. Và qua đó chúng ta cũng hiểu rằng quan tâm chính của lãnh đạo Hoa Kỳ là lãnh vực học đường và Hoa Kỳ có vị trí số một trên thế giới là nhờ sự tiến triển về giáo dục... Dù rằng, ở hiện tại vì suy thoái kinh tế nên ngân sách dành riêng có bị sút giảm.

Còn ở Việt Nam, thì nền giáo dục đang trong tình trạng suy đồi. Nếu có quan tâm thì cũng chỉ ở hình thức trong tình trạng thổi kèn đánh trống suông mà thôi và thực trạng càng ngày càng xuống cấp. Bao nhiêu vụ việc như bằng giả, học trò đánh thầy, hiệu trưởng làm ma cô dẫn các nữ sinh tuổi vị thành niên cho các quan chức, ... đã thành những nét đen tối bôi đen lên cuộc sống xã hội. Trước năm 1975, ở miền Nam học sinh sinh viên ở trung học và đại học hầu như được học miễn phí thì bây giờ, ở Việt Nam tất cả đều phải đóng học phí và tệ trạng là ở những vùng xa xôi đời sống cơ cực con trẻ bị thất học vì không có tiền đóng học phí để đến trường…

Nếu có lúc lái xe qua trường học giờ vào lớp, ở xứ sở này, chúng ta sẽ thấy một cảm xúc gì? Riêng tôi, trong không khí của ngày cuối hạ vào thu, khi cổng trường học mở ra để đón chào các em đến trường, khi thấy cảnh cha mẹ nô nức dẫn con vào lớp hay những đoàn xe đông đảo đưa đón học sinh, tôi lại thấy ngậm ngùi thương khi nhớ đến nhưngh hình ảnh trên báo chí ở Việt Nam, những cô bé cậu bé lầm lũi trong đống rác kiếm ăn trong khi đáng lẽ phải đến trường học hành. Ở xứ sở này, con cái chúng ta được đầy đủ cả từ tinh thần đến vật chất trong khi ở quê hương mình thì hàng triệu trẻ em thất học và suốt đời phải cam chịu những nghiệt ngã của nghèo đói và tiền của đáng lẽ phải giành cho tuổi thơ thì lại vào tay của bọn quý tộc đỏ phè phỡn hưởng thụ trong nỗi nghèo đói nhọc nhằn của dân tộc.

Tôi đã xem hai bức ảnh mà có người đã ví von “Hai hình ảnh, hai cuộc đời”.

Một là hình ảnh chụp vào ngày 24 tháng 7 năm 1963 với tổng thống Kennedy bắt tay thân mật một cậu học sinh 16 tuổi ở tiểu bang Arkensas tên là Bill Clinton tại Tòa Bạch Ốc. Ba mươi năm sau cậu bé học trò ấy thành Tổng Thống thứ 42 của Hoa Kỳ. Khi nhắc lại về kỷ niệm đó, tổng thống Bill Clinton nói giây phút ấy đã gây một ra tác động sâu sắc cho cuộc đời ông.

Hai là bức ảnh chụp một cậu học sinh 16 tuồi Ngô Bảo Châu sau khi đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1989 đến báo cáo thành tích với Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Đỗ Mười. Cái vẻ khép nép của cậu học trò và cái vẻ lãnh đạm cửa quyền của một nhà lãnh đạo xuất thân từ thợ thiến heo và xa lạ với những phương trình toán học đã làm bức ảnh ấy chất chứa một tính cách thờ ơ với giáo dục của những người cầm quyền Việt Nam.

Thế mà khi cậu bé Ngô Bảo Châu sau khi du học tại Université Paris-Sud, trở thành công dân Pháp và đoạt giải thưởng Fields về toán học thì lại được hệ thống truyền thông trong nước vơ vào và coi như đó là một thành tích của nền giáo dục để quên đi những "thành tích” đen tối hắc ám của một nền giáo dục lạc hậu trong nước … Và bức hình này lại được phổ biến rộng rãi nhưng không ngờ lại gây ra những phản ứng ngược lại ngoài dự liệu của những người cầm quyền.

Thực tế sao đầy chuyện buồn phiền. Thôi thì, chuyển qua chuyện khác. Nói chuyện gì bây giờ ? Hay là mượn thơ văn, âm nhạc để tìm lại những kỷ niệm, có khi là riêng của từng người nhưng đôi khi là của chung nhiều người. Thí dụ như chuyện muôn năm không dứt của tuổi học trò chẳng hạn?

Thuở nhỏ chúng ta thường nghe một vài câu hò với ngôn ngữ của dân gian nhưng tạo ra xúc động rất lớn. Như câu

”Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con thi trường học mẹ thi trường đời”

Có rất nhiều tác phẩm viết về mùa thi. Từ thời tiền chiến đã có những tác giả như các nhà văn Chu Thiên với Bút Nghiên, Ngô Tất Tố với Lều Chõng, Nguyễn Triệu Luật với Ngược Đường Trường Thi, ... những tác phẩm đã như nhiều chứng liệu để người thế hệ về sau có thể hiểu được hệ thống khoa cử cũng như giáo dục của một thời đại đã qua của lịch sử.

Một truyện ngắn ”Báo Oán“ của nhà văn Nguyễn Tuân trong tập Vang Bóng Một Thời viết về thi cử mà tôi thích trong đó có đoạn:

“... bên bờ đường cái quan hoa hòe nở vàng khè. Dậm hòe đất Sơn Nam Hạ trổ bông đã từ lâu. Hòe đã rầu cánh màu vàng tối mắt xuống.

“Hòe hoa vàng, cử tử mang”. Thấy dậm hòe ngả màu vàng, lòng những người có chữ bắt đầu bận bịu. Dưới mảnh trời sụt sùi, hoa hòe nở đều, làm ấm lại lòng người sĩ tơ tưởng đến sự hiển đạt về sau này. Màu vàng của sắc hoa nơi dậm hòe dài đã nhắc bao nhiêu học trò vùng Sơn Nam Hạ nghĩ đến cái màu vàng một tấm giấy cáo trục phong tặng hoặc là phần hoàng mai sau cho hai đấng sinh thành... ”

Tại sao hoa hòe trổ màu vàng lại làm sĩ tử mênh mang cảm xúc. Hoa hòe, với tôi lạ lùng lắm. Giở tự điển, mới biết là một loại cây có hoa vàng dùng để nhuộm giấy vàng hoặc làm vị thuốc. Hoa hòe, xa lạ với tôi nhưng tự nhiên tạo thành ấn tượng đep trong tưởng tượng. Trong một giây phút tôi nghĩ đến hoa phượng, cũng mùa hè, cũng mùa thi, y hệt như hình ảnh ”hòe hoa vàng cử tử mang  của cụ Nguyển Tuân…

Ngoài hoa hòe biểu tượng cho mùa thi, hoa phượng còn là biểu tượng cho ngày bãi trường của mùa hạ cổng trường cửa đóng.

Có rất…rất nhiều bài thơ về hoa phượng. Và có nhiều bài được phổ nhạc rất hay. Thơ và nhạc kết đôi, mở ra những khuôn trời tình tự của kỷ niệm.

Thời tiền chiến, Xuân Diệu có bài “Phượng Mười Năm”

“Phượng trong sáng nảy hồng trên một cõi

Như muôn đàn cùng gảy dưới mây cao

Ánh nắng trùm trong không gian vời vợi

Tấc lòng hè kiều diễm hóa ly tao

Biển bướm đỏ rào rào trong gió mát

Lá non xanh như suối chảy trên trời

Phượng phượng hỡi cớ sao mà man mác

Mỗi mùa hè run rẩy dưới triền môi

Xanh đã ngủ ở dưới trời yên tĩnh

Đỏ còn ngân trong tiếng nói dịu dàng

Ta mơ màng thấy gió đang sóng sánh

Trống sân trường văng vẳng, đánh, mười năm

Mười năm phượng phượng huy hoàng vẫn phượng

Áo trắng trong ngày tháng phất phơ soi

Ta cùng mình như cành cây riết quấn

Vương lòng nhau ràng rịt biết bao đời…”

Hoa phượng, không phải chỉ mười năm, mà, muôn đời trong ánh nắng mùa hè vẫn chói chang nỗi niềm. Đuốc phượng, có ai đã ví von như thế, để như một cột mốc thời gian thắp sáng lại những khung trời thân quen và những mảnh đời muôn năm không thể quên những tâm tư lẩn khuất...

Mùa hạ mật thiết với mùa thi. Nhà thơ Xuân Diệu cũng có đôi vần thơ ghi lại. Thơ ngắn nhưng mà thật hay. Thơ trẻ trung và thơ nồng nàn tuồi trẻ. Bài Mùa Thi của Xuân Diệu:

“Thơ ta hơ hớ chưa chồng

Ta yêu muốn cưới mà không thì giờ

Mùa thi sắp tới! Em thơ

Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau”

Thơ, có thể là tên của người em gái nữ sinh, người tình trong mộng nhưng Thơ cũng có thể là nàng thơ, hình dáng của một trời thi ca. Nhưng bất cứ là ai, Thơ vẫn là nỗi niềm hối hả yêu vội sống cuồng. Thơ lãng mạn vô cùng, là biểu tượng của chàng Xuân Diệu thời tiền chiến…

Trong hai mươi năm văn học miền nam, thơ viết về tuổi học trò như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Trúc Ly, Kim Tuấn, … Và thơ của học trò như Mường Mán, như Từ Kế Tường, như Vũ Thành. Nhiều bài rất hay và thích hợp với tuổi học trò.

Có bài thơ dễ thương của Từ Kế Tường, một thi sĩ rất trẻ lúc đó đã viết bài thơ ” ác em học ở Gia Long" in trong tập “Khi Bỏ Trường mà đi” tập thơ in năm 1973:

“chiều nay theo nắng rất nhung

theo cây lá trải một vùng tịch liêu

anh đi với một cuộc liều

nghe hơi đất vỡ những điều nhớ thương

các em đứng trước cổng trường

áo bay qúa mỏng con đường qúa thơm

bầy chim nhỏ dại trong hồn

đã kêu anh gửi nụ hôn thật nồng

cơn mưa nở hột tình không

cho anh lỡ bước phiêu bồng đến đây

các em cũng nhẹ như ngày

ở trên lá bụi cây dài kiếp xưa

anh chờ để trải lòng thưa

đôi tay mới chẻ một mùa tóc thơm”

Có người nhận xét thơ tình học trò thời thập niên 60, 70 hình như vắng bóng chiến tranh mặc dù lúc này cường độ chiến sự đã ở đỉnh cao. Tôi nghĩ nhận xét ấy không chính xác. Đã có nhiều bài thơ tình tuổi trẻ mà bóng dáng của chiến tranh rõ nét. Thí dụ như bài “Thơ Tình Mùa Hạ” của nhà thơ Đào Trường Phúc trong tập thơ cùng mang tên Thơ Tình Mùa Hạ in năm 1970:

"Nắng ngọt lịm trên sân trường trống không

trận lá nào đang rơi theo điệu nhạc ve sầu

tôi ngồi một mình đây

và chiều buồn bã vừa mang mùa hạ tới

điếu thuốc cháy lạnh lùng nơi hành lang

mặt kính đục

những ô cửa sổ không nói một lời gì

cuộc từ biệt bắt đầu bằng tiếng cây lá kia

lay động hoài trí nhớ…. ”

... Hãy nhìn anh không bằng ánh sáng hỏa châu rọi đường trong đêm sương mù

hãy nhìn anh không như đôi mắt van lơn

trước hầm giây thép gai

hãy nhìn anh bằng ánh sáng tình yêu ta chứa chan vùng trời cũ

nơi cái chết đóng vai một tên hề xa lạ

nơi những người đã ngã xuống sẽ sống lại

nơi ở đó giấc mơ chúng ta là một tinh cầu cô đơn trong mưa bão

Rồi mùa hạ cũng trôi qua phải không

Như gió heo may rồi cũng đến một lần

Rồi giấc mơ cũng trôi qua phải không

Như những người thân yêu rồi cũng chết một lần

Rồi tuổi trẻ cũng phai nhòa phải không

Như bản nhạc cũ chỉ nghe một lần

phải không phải không Dung?

cho anh gọi nốt tên em trong những cơn mơ mùa hạ cuối cùng tuổi trẻ”

Bài thơ tôi đọc xong hình như còn âm hưởng điệp khúc “Phải Không”. Câu hỏi như một cật vấn mơ hồ về những cuộc sống trôi nổi theo dòng lịch sử. Và tình yêu, cũng chỉ là những câu hỏi chính mình, từ cái “Tôi” của đầu bài thơ chuyển sang tiếng gọi “Anh” thân gần của cuối bài thơ. Thơ Tình Mùa Hạ, sao nghe phảng phất nõi buồn của tan tác chia phôi...

Mùa hạ. Mùa thi. Mùa bãi trường. Mùa thu. Mùa tựu trường. Thời tiết hình như cũng ảnh hưởng sâu đậm đến tuổi học trò. Và trong văn chương đã có nhiều dấu ấn ghi chép lại từ ký ức mỗi người những đoạn đường khó quên của chính mình, của những kỷ niệm một đời chẳng thể nào quên. Những truyện ngắn, những bài tùy bút, những bài thơ, viết về đề tài này thường mang theo chất lãng mạn thơ mộng và với chất bàng bạc sương khói đã làm không gian thời gian như trong suốt và mong manh hơn. Cái cảm giác dễ vỡ của bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu làm cho chúng ta nâng niu trân quí hơn những áng văn chương này.

Đề tài về ngày tựu trường chắc cũng có rất nhiều trong văn chương Việt nam. Riêng tôi, tôi thích bài văn Tôi Đi Học của nhà văn Thanh Tịnh in trong tập truyện Quê Mẹ. Và tôi nghĩ rằng cũng rất có nhiều người cùng chung ý nghĩ ấy của tôi. Những câu văn quen thuộc, của những bài học thuộc lòng từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, mỗi khi nhắc lại từng câu từng chữ là cảm thấy hình như có cảm giác nào rung động trong bộ nhớ. Những câu như: ”Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu truờng... ” Những câu văn ấy cứ ngân nga trong tôi một nỗi niềm nào mơ hồ khó tả của một thời gian đã qua nhưng khi nhớ lại thì cảm thấy như sống lại một phần đời sống mình…

Nhưng tôi lại biết có một đoạn văn về ngày khai trường trích trong cuốn sách Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh từ nguyên tác của Amicis đã ảnh hưởng rất nhiều đến giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, một khoa học gia có tầm vóc quốc tế và cũng là Tư lệnh không Quân và cũng là nhà văn đoạt giải văn chưpơng toàn quốc với tác phẩm Đời Phi Công. Ông đã viết lại cảm giác của mình:

“Đoạn văn này tôi đã phải học thuộc lòng khi còn là học sinh lớp ba ở trường tiểu học Bonnal ở Hải Phòng, nghĩa là khi tôi vào tuổi ấu thơ, năm lên tám hay lên chín tuổi. Từ dạo đó đến nay, mỗi năm vào dịp cuối hè, cảnh tượng khai trường này lại đến với tôi, dù ở phương trời nào hay ở tuổi nào. Lúc còn nhỏ, vào dịp khai trường tôi thường theo mẹ đi mua giấy bút sách vở. Cho đến khi học xong lớp Nhất ở trường tiểu học Hải Phòng, mẹ tôi là người mua sắm mọi thứ cho tôi, kể cả đôi giầy và chiếc mũ mới, ở phố Cầu Đất không xa trường tôi học là mấy. Tôi cũng giống như cậu bé An Di ở trong cuốn truyên là mỗi năm được lên một lớp bao giờ tôi cũng thấy quyến luyến ông thầy ở lớp dưới, nhưng chỉ vài tuần lễ sau quen lớp quen thày tôi lại thấy quý mến ông thầy học mới... ”

Trở lại với thơ, có một bài thơ tình cờ đọc được ở trong một đặc san của sinh viên thâý thật dễ thương. Bài thơ viết về nỗi buồn của ngày tựu trường mà “không có em”:

“Em bi tròn. Anh bi vuông

Em tươi thắm. Anh chán chường. Gặp nhau

Trên cành có chú chim sâu

Cứ trêu chọc chuyện tình sầu em anh

Thịt da kề giữa cỏ xanh

Mùa hạ đỏ, ngỡ mong manh nắng hồng

Anh bi vuông. Em bi tròn

Đêm điên đảo, ngày mỏi mòn, nhớ ai?

Nhìn mắt nhau thấy tóc phai

Thấy mưa kỷ niệm đổ dài vu vơ

Đất trời. Trời đất mơ hồ

Mây rụng xuống ngõ tình cờ, mốt mai

Anh gà trống. Em thơ ngây

Trang sách giở mấy tháng ngày mù xa

Cửa trường vắng ngóng em qua

Đâu ngờ được buổi chiều tà ngút sương

Em cười nụ, em dễ thương

Góc lớp vắng sót mùi hương, ngậm ngùi

Ngày khai trường em xa rồi

Em chim nhỏ đã ngược xuôi cuối trời

Tháng chín có hạt mưa phai

Nghe dòn dã tiếng em cười, mù không”

Bài thơ này dễ thương thật, nhưng trong thi ca Việt Nam cũng có nhiều bài khác cũng làm rưng rưng cảm giác của chúng ta không kém...

Thí dụ như bài thơ Con Mắt trong tập Thơ Tình Bùi Chí Vinh. Bài thơ có những câu vừa nghịch ngợm vừa mang chất ca dao sinh động:

“rất nhiều con mắt theo anh

đêm về nhớ một cái nhìn gì đâu

người ta nói mắt ngọt ngào

còn anh thấy mắt như dao điếng người

anh đi tìm kiếm trăm nơi

không hay con mắt một đời ở đây

con mát lấp ló sau quầy

anh đang đứng bỗng muốn bay ra đường

con mắt lấp ló cổng trường

anh đang khỏe bỗng ốm luôn một tuần

con mắt lấp ló ngoài sân

anh đang hát bỗng hóa câm thật mà

con mắt lấp ló trong nhà

anh đang héo bỗng nở hoa tận hồn...”

Thơ ông thi sĩ này sao nghe thực thà đáng thương. Ông nhà thơ này đang sống ở trong nước. Trước năm 1975, ông đi lính nhảy dù của QLVNCH. Sau năm 1975 ông đi bộ đội rồi ba gai đánh sĩ quan giải ngũ đi làm báo. Theo dư luận của những người làm văn nghệ trong nước thì ông đã làm nhiều câu thơ để phác họa chân dung tác giả làm người được mô tả xanh mặt cũng giống như thơ nhận diện chân dung tác giả của nhà thơ Xuân Sách…Thí dụ như những câu thơ viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

”Thằng nhạc sĩ vàng

Ôm ghi ta đỏ

âm nhạc từ đó biến thành da cam”

Hay câu thơ mô tả nhà thơ Huy Tưởng, người chủ tiệm ăn là chỗ anh em văn nghệ trong nước ở Sài Gòn hay đến đàn đúm vui chơi:

“Huy Tưởng cứ tưởng mình uy

ai ngờ uy đó do mình tưởng ra”

(Chữ uy và chữ huy phát âm theo kiểu Nam Bộ có âm giống nhau nên Bùi Chí Vinh dụng công để nói lên cái thâm ý của mình). Nhưng, có khi bị tổ trác, gậy ông đập lưng ông, Bùi Chí Vinh cũng bị trêu gheo bằng những câu thơ:

“Trọc đầu Bùi làm sao có Chí

nhục còn chưa có nói chi Vinh”

Tác giả chơi chữ. Chữ bùi là họ của Bùi Chí Vinh nhưng nếu thêm chữ ô vào thì lại thành một chữ tục tĩu. Câu thơ này được nhiều anh em văn nghệ nhắc đến trong những lúc ngồi quán nhậu nhẹt truyền tụng.

Một bài thơ cũng dễ thương là bài Chút Tình Đầu của Đỗ Trung Quân và được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thành bài nhạc Phượng Hồng rất nổi tiếng.

“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng

Em chở mùa hè của tôi đi đâu

Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18

Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu

Mối tình đầu của tôi có gì?

Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp

là áo người trắng cả giấc ngủ mê

là bài thơ cứ còn hoài trong cặp

giữa giờ chơi mang đến … lại mang về

mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp

mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây

người con gái mùa sau biết có còn gặp lại

ngày khai trường áo lụa gió thu bay...”

Mối tình học trò này hình như mọi người chúng ta đều có lúc diễn một vở kịch ngớ ngẩn như vậy lúc còn tuổi học trò. Hình ảnh tà áo trắng tung bay theo vành bánh xe đạp mini mà chiếc giỏ xe mang đầy hoa phượng chói chang là một hình tượng không thể nào quên của những chàng tuổi trẻ. Hoa phượng nở báo cho anh chàng si tình biết đã đến lúc chia ly. Không còn nữa những hình ảnh ấy khi cổng trường đóng lại. Ôi màu lụa, ôi đôi mắt, ôi mái tóc xõa dài, những hình ảnh ấy cứ lao xao làm thức giấc đêm khuya cơn ngủ…Tôi chỉ diễn tả như thế về một bài thơ mà tôi yêu thích như một kỷ niệm của riêng mình…

Lại có một bài thơ đăng trong đặc san Xuân của trường Bùi Thị Xuân Dà Lạt năm 1975 và sau đó được chọn đăng trên tạp chí văn học Bách Khoa được coi như là một bài thơ hay mặc dù tác giả của nó là một nữ sinh vô danh. Đó là bài thơ “Nói với em lớp sáu“ của Trần Bích Tiên. Tới bây giờ, có nhiều giả thuyết về tác giả thực của bài thơ này nhưng chưa rõ ràng lắm nên tôi cứ tạm coi như có một nữ sinh tên Trần Bích Tiên làm bài thơ này.

Nội dung bài thơ có gì đặc sắc? Đó là người chị lớp lớn đối thoại với một người em bé bỏng vừa vào trung học. Mặc dù vẫn còn trong tuổi chưa đến đôi tám nhưng cô chị đã già trước tuổi và tâm sự với em như muốn tâm sự với chính mình. Hoàn cảnh của đất nước chiến tranh khiến những thơ ngây của tuổi học trò tàn lụn đi và thay vào đó là những suy tư về cuộc sống, về những cảm nhận từ bi kịch trong đời. Bài thơ phác họa lên một biểu hiện của tuổi trẻ trong chiến tranh.

Này em lớp sáu này em nhỏ

Gặp em rồi không quên em đâu

Chiều nay hai đứa về qua phố

Rất tự nhiên mà mình quen nhau

Em chạy tung tăng không mắc cở

Chị thì bước bước chậm theo sau

Tuổi mười hai chị xa vời quá

Chị gọi em chờ, em chạy mau

Này em lớp sáu này em nhỏ

Em hãy dừng chân một chút lâu

Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ

Tóc em thơm ngát mùi hương cau

Hương cau vườn chị xa như tuổi

Ba má chị nằm dưới mộ sâu

Vườn cũ nhà xưan tàn với lửa

Chị đi về hai buổi âm u

Gặp em ngoài phố mình như bạn

Thời mộng trong bàn tay nắm nhau

Chị ngắt cho em hoa cúc nhỏ

Em cười cái miệng mới xinh sao

Ngày xưa chị cũng như em chứ

Cũng rất ngây thơ rất ngọt ngào

Chị nhớ mổi chiều tan học sớm

bạn bè đuổi bướm thật xôn xao

Những con bướm lượn trên bờ cỏ

Chị cũng như em chạy đuổi mau

Bây giờ bướm biệt trên đường phố

Em đuổi sương mù chơi chiêm bao

Này em lớp sáu này em nhỏ

Gặp em rồi muôn thuở không quên

Trời ơi câu đó ngày hôm trước

ai rót vào hồn chị hỡi em?

Sách trên tay chị nghe chừng nặng

Sao cặp em đầy vẫn nhẹ tênh?

Thôi nhé em về con phố dưới

giữ hoài cho Chị tuổi hoa niên.

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.