.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Nguyễn Mạnh Trinh

Mario Vargas Llosa,
giải Nobel văn chương 2010

Có những năm, giải Nobel văn chương tạo những bất ngờ khi vinh danh những tác giả tên tuổi chưa được quen thuộc lắm. Nhưng, ở kết quả giải văn chương năm nay, không có sự bất ngờ ấy. Nhà văn Mario Vargas Llosa, một khuôn mặt văn chương lớn của châu Mỹ La Tinh, một vóc dáng văn học lừng lẫy ngang hàng với Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez, được Hàn Lâm viện Thụy Điển tuyên bố là đoạt giải thưởng Nobel văn chương năm 2010. Ông là người đã có những tác phẩm thẩm định hiểm họa của quyền lực và tham nhũng tại các nước châu Mỹ La Tinh. Ông được vinh danh vì đã tạo "những đồ bản của cấu trúc quyền lực với những hình ảnh sắc nét của con người qua phản ứng chống cự cá nhân, sự nổi loạn và thất bại...”

Ở nhận định thoáng qua, tiểu thuyết của Vargas Llosa hình như của một người viết có sự pha trộn giữa thể loại và chủ đề. Có thể là những truyện kể đầy chất bi thảm đặt căn bản trên những sự kiện lịch sử giống như chế độ bạo ngược của Rafael Trujillo áp đặt trên đất nước của Cộng Hòa Dominique mà tiểu thuyết "The Feast of the Goat” diễn tả. Hay viết về những thức dậy tôn giáo của thế kỷ 19 ở xứ Brazil trong tiểu thuyết “The War of the End of the World”. Đó là những chủ đề chính yếu của tác phẩm ông.

Và cũng có thể kể đến một vài sáng tác tiêu biểu của thời kỳ văn chương hậu hiện đại pha trộn giữa những trò hề hài hước của chân dung người viết luôn bị ám ảnh, người đã thực hiện liên tục những chương trình nhạc Opera 10 tiếng rưỡi đồng hồ mỗi ngày của tác phẩm "Aunt Julia and the Scriptwriter”. Hay là những hộp puzzle rắc rối của Trung Hoa trong chuyện kể về một cuộc điều tra bắt đầu về một tội ác ghê tởm ở Peru năm 1950 trong "Who Killed Palomino Molero”. Hay là một truyện đầy chất hồi hộp "Groundhog Day” giống như văn phong của danh tác cổ điển Flaubert của "Madame Bovary”.

Chủ ý của Vargas Llosa là muốn nêu ra sự mê hoặc của lòng khao khát tự do rất nhân bản (có thể là về chính trị, xã hội hoặc trong cách sáng tạo.) Ý thức này tập trung vào các tác phẩm của ông tràn đầy chi tiết phức tạp mà sự chủ quan có thể làm lệch đi cột trụ của sự nhận thức.

Ngoài vị trí là tiểu thuyết gia, là nhà phê bình lý luận văn học, là ký giả, là nhà soạn kịch có những công trình văn học lừng lẫy ông còn là một chính trị gia nổi tiếng của thế giới. Năm 1990, ông tranh cử chức vụ tổng thống Peru và đã có những liên quan mật thiết với nội tình xứ sở ông. Mặc dù ông không được thắng cử nhưng ông là một khuôn mặt chính trị có khuynh hướng thiên về phía hữu của đất nước Peru. Sau khi bị thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống, ông thất vọng qua Spain cư trú và gia nhập quốc tịch Tây Ban Nha. Khi tổng thống Fujimori xuống chức, ông thỉnh thoảng trở về sống ở Peru mỗi năm vài tháng. Ông là giáo sư của đại học Princeton ở tiểu bang New Jersey. Một nữ văn sĩ Hoa kỳ cũng đoạt giải Nobel văn chương cùng dạy một trường với ông là Toni Morrison đã lên tiếng tán thưởng quyết định của Hàn Lâm viện Thụy Điển khi trao giải năm nay cho ông.

Ông có thời kỳ gia nhập đảng Cộng sản say mê Fidel Castro với cuộc cách mạng ở Cuba nhưng sau này ông phản tỉnh và phê phán nặng nề. Trong cuộc bầu cử, đối thủ của ông là Alberto Fujimori tuy đắc cử tổng thống nhưng sau phải lưu vong và bị kết tội 25 năm tù vì có những hành động vi phạm nhân quyền trong vụ đàn áp, giết người, bắt cóc của Groupo Colina Death Squad trong những cuộc hành quân tiễu trừ quân du kích tả phái của chính phủ năm 1990. Trong văn chương của ông, có những tác phẩm viết về lịch sử và có những chi tiết hậu trường chính trị, phơi bầy thực trạng của những nước đang phát triển.

Với tác phẩm "The Times of Hero”, ông phác họa lại những kinh nghiệm đã trải qua của chính mình tại trường võ bị Leoncio Prado và đề cập đến những đổ vỡ của xã hội Peru và phơi bầy những thực trạng đáng buồn của những nước chậm tiến. Đây có lẽ là một chủ đề chính đã giúp cho ông trở thành một vóc dáng chính trị gia có ãnh hưởng trên toàn thế giới. Tuy tác phẩm của ông có nhiều chủ đề cũng như thể loại khác nhau nhưng phần chính yếu vẫn là những tác phẩm có liên hệ sâu sắc đến chính trị, với những vấn nạn của câu hỏi về quyền lực cũng như sự nguy hiểm khi có sự lạm dụng nó. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây vào tháng giêng năm nay, ông đã tuyên bố rằng luôn luôn chọn lựa để viết về những gì ảnh hưởng đến cuộc sống của chính ông. Ông không chọn đề tài mà ông viết về cuộc sống, một cuộc sống mà ông khao khát tìm hiểu vì sự hiếu kỳ.

Hàn Lâm viện Thụy Điển đã chọn lựa như thế nào cho giải thưởng khi phải chọn giữa những tác giả sáng giá như nhà thơ Thụy Điển Thomas Transtromer, nhà thơ Syria Adonis, nhà văn Kenya Nguyi wa Thiong’o, nhà thơ Nam Hàn Ko Un,…? Truớc khi có kết quả, có dư luận cho rằng giải thưởng sẽ chú trọng về các nhà thơ hơn là nhà văn như nhà thơ Transtromer hay Adonis. Có người cho rằng có khuynh hướng chọn lựa theo địa lý toàn cầu và vì thế các nhà văn của châu Mỹ La Tinh như Vargas Llosa hay Carlos Fuentes cũng là người có hy vọng.

Mỗi năm, cứ vào tháng 10, khi Hội đồng tuyển chọn của Hàn Lâm viện Thụy Điển họp để chọn lựa người trúng giải, có rất nhiều dư luận về khuynh hướng chọn lựa. Điểm qua kết qủa của giải Nobel văn chương từ 108 năm nay, thì trong tất cả các nhà văn trên thế giới được trúng giải, các nhà văn Âu châu chiếm đa số, dù họ sinh trưởng hay đến định cư ở lục địa này. Không có một nhà văn Hoa Kỳ nào đoạt giải kể từ năm 1993 khi nhà văn Toni Morrison đoạt giải. Cùng ở chung một lục địa Mỹ châu là Canada, quốc gia là quê hương của ba nhà văn được sự kính trọng của văn giới hoàn vũ là Margaret Atwood, Alice Munro, Michael Ondaatje, thì lại hoàn toàn vắng mặt kể từ khi nhà văn Saul Bellow đoạt giải năm 1976 và không có một nhà văn Nam Mỹ nào đoạt giải kể từ khi Gabriel Garcia Marquez đoạt giải năm 1982. Năm nay, một nhà văn của châu Mỹ La Tinh được lựa chọn và cũng có thể là một lựa chọn xác định khuynh hướng cho rằng chính trị có ảnh hưởng rất nhiều vào văn học.

Trước đây, một thành viên của Hàn Lâm viện Thụy Điển giữ chức vụ thư ký thường trực Horace Engdahl đã tuyên bố rằng Âu châu hiện giờ giữ vị trí trung tâm của nền văn học thế giới, và chất lượng các tác phẩm của các nhà văn Hoa kỳ bị sa sút bởi vì các nhà văn này quá nhạy cảm để chú trọng và tự mãn về nền văn hóa của họ.

Peter Englund, thư ký thường trực của Hàn Lâm viện Thụy Điển đã nói với phóng viên của thông tấn xã AP: ”Nếu bạn là người Âu châu thì sẽ dễ dàng hơn để liên hệ với văn chương châu Âu... Đó cũng là một thành quả của khuynh hướng tâm lý mà chúng ta phải cố gắng chú tâm tới. Và đó không phải là kết quả của bất cứ một chương trình làm việc nào cố ý tạo ra”

Một nhà văn Hoa kỳ là Philip Roth cũng là một tác giả được đề cử sáng giá của văn chương Bắc Mỹ trong năm nay. Nhà văn Mỹ gốc Do Thái này đoạt giải Pulitzer năm 1997 với tiểu thuyết American Pastoral, hai lần giải Natioanal Book Award, hai lần giải National Book Critics Circle Award, và ba lần giải PEN/ Faulkner Arard. Tác phẩm đầu tiên của ông là Goodbye, Columbus, và các cuốn khác nổi tiếng như Portnoy’s Complaint, Dception, The Plot Against America,... Gần đây nhất ông hoàn tất cuốn thứ tư của bộ tiểu thuyết gồm 4 cuốn : Everyman, Indignation, The Humbling, là Nemesis vừa được xuất bản. Và ông nhà văn 77 tuổi này cũng được báo chí Hoa Kỳ nhắc nhở nhiều lần.

Thế nhưng, Philip Roth vẫn chưa được vinh quang đoạt giải trong năm nay. Có người đã phát biểu rằng kết quả của giải thưởng Nobel về văn chương như kết quả của một trò cờ bạc…

Mario Vargas Llosa trong cuộc phỏng vấn của đài CNN đã phát biểu rằng ông vô cùng cảm tạ khi nhận được giải cao quý này mà ông không kỳ vọng nhiều tới. Ông nói “Thật là ngạc nhiên nhưng là một ngạc nhiên thích thú…”

Ông chỉ khiêm nhượng mà nói như vậy chứ thực ra ông là một tiểu thuyết gia hàng đầu của văn chương châu Mỹ La Tinh. Tiểu thuyết của ông được dịch ra 30 ngôn ngữ trên thế giới và đặc biệt là phổ biến rất rộng ở Hoa Kỳ. Những tiểu thuyết của ông như The Green House hay The War of the End of the World, hay The Way to Paradise, đã nổi danh và quen thuộc với những người nói tiếng Spanish ở trên khắp thế giới. Ông đã xuất bản 30 tác phẩm gồm tiểu thuyết, biên khảo, kịch bản và cũng đã đoạy giải thưởng Cervantes Prize một giải văn học có giá trị vào bậc nhất của thế giới nói tiếng Spanish.

Thư ký thường trực của hội đồng giám khảo Peter Englund đã cho rằng Vargas Llosa “là một người kể chuyện thiên tài tuyệt diệu, đã có lối viết lay động được suy nghĩ và tình cảm của độc giả. Và ông là một trong những tác gỉa hàng đầu cuả thế giới người nói ngôn ngữ Spanish.”

Tiểu sử của Jorge Mario Pedro Vargas Llosa là một khuôn dáng tiêu biểu của văn chương châu Mỹ La Tinh. Ông sinh ngày 28 tháng 3 năm 1936, ở trong một gia đình trung lưu của vùng Arequipa xứ Peru. Cha mẹ ông đã ly dị trước khi ông ra đời và cha ông đã có người vợ khác nên ông có hai người em cùng cha khác mẹ.

Tuổi thơ ấu của ông dính liền với gia đình bên ngoại. Khi ông ngoại của ông được cử làm lãnh sự ở Bolivia thì ông cũng di chuyển theo đến Cochabamba và lớn lên tại đây. Gia đình bên ngoại của ông dấu kín chuyện ly dị của cha mẹ ông và nói rằng cha ông đã chết vì không muốn giải thích về chuyện buồn đã qua. Khi ông ngoại của ông được thuyên chuyển trở lại về Peru thì gia đình di chuyển đến một thành phố ven biển Piura và ông đã học lớp mẫu giáo ở trường đạo Colegio Salesiano tại đây. Khi ông vừa mười tuổi ông di chuyển đến thành phố Lima và gặp cha ông lần đầu tiên. Sau đó cha mẹ ông tái hợp lại, Khi ông mười bốn tuổi cha ông gửi ông vào học ở Leonico Prado Military Academy ở Lima... Trong khi ở trường ông đã làm công việc của một ký giả tài tử viết bài cho một tờ báo địa phương. Ông bỏ học tại trường này và trở về Piura để tốt nghiệp nơi ông đang làm việc cho tờ báo La Industria. Ông ghi danh học luật và văn chương tại một đại học cổ kính nhất của châu Mỹ, The Lima National University of San Marcos. Ông lập gia đính khi 19 tuổi với Julia Urquidi, một phụ nữ người Bolivia hơn ông mười bốn tuổi và là em vợ của người chú ông. Khi ông tốt nghiệp tại đại học ông được học bổng sang Spain rồi khi hết hạn thì sang Pháp dự tính xin học bổng nhưng bị từ chối. Nhưng hai vợ chồng dù tình trạng tiền bạc thiếu thốn vẫn quyết định ở lại Pháp. Sau đó, qua 9 năm chung sống, hai vợ chồng ly dị và ông lập gia đình lần thứ hai năm 1965 với một người em họ, Patricia Llosa và có ba người con.

Văn nghiệp của Vargas Llosa có thể chia ra ba thời kỳ: thời bắt đầu từ những tác phẩm đầu tiên, thời kỳ sau năm 1970 với sự tìm kiếm ra phong cách hài hước và giai đoạn gần đây với những phê phán chính trị thẳng thắn.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo Times vào năm 2002, ông cho rằng nghĩa vụ của nhà văn là phải đặt câu hỏi với thực tế cuộc sống. Cuộc sống mở ra những tiểu thuyết vĩ đại mà trong đó bản chất tự nhiên đầy mâu thuẫn không phải của riêng một dân tộc nào mà là của cả thế giới. Ông nói đại ý về cuộc thẩm tra đầy bức rào ngăn cấm của tiểu thuyết trong suốt nhiều thế kỷ ở châu Mỹ La Tinh và sự thông hiểu sâu sắc về hậu quả của những vụ nổi loạn mà tiểu thuyết đã có tính tâm linh chung của nhân loại.

Ông đã tự khám phá đầu tiên về bản thân mình là khao khát muốn thành nhà văn khi còn thật trẻ vì bị mê hoặc và lôi cuốn bởi những tiểu thuyết giả tưởng của Jules Verne. Sau này, khi đã tốt nghiệp đại học, ông hành nghề ký giả và đã có dịp sống ở nhiều nơi, nhiều quốc gia nên có vốn sống tích lũy thật nhiều. Ông quen biết nhiều và là một tiếng nói có uy tín về văn học và chính trị không những của Peru, của châu Mỹ La Tinh mà còn cả của thế giới nữa.

Giai đoạn đầu của sự nghiệp văn chương ông với tác phẩm “The Times of the Hero” xuất bản năm 1963. Cuốn sách viết về thế giới của các sinh viên sĩ quan tại trường võ bị và tất cả những sự kiện của tiểu thuyết này đặt căn bản trên chính kinh nghiệm của ông trong lúc học tại trường Lima Leoncio Prado Military Academy. Cuốn sách khi ra đời đã được sự chú ý của văn giới và công luận Peru. Ông đã dùng kỹ thuật diễn tả để tạo những cảm nghĩ sâu sắc và là một phê phán sắc bén giới quân nhân đang có thế lực tại xứ sở này. Nhiều ông tướng trong quân đội Peru đã đả kích ông vì trong tiểu thuyết này đã đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm và của hậu trường chính trị. Các ông tướng đã kết tội Vargas Llosa có tác phẩm mang tính chất thoái hóa và đã nhận tiền của Ecuador để hạ thấp giá trị và uy tín của quân đội Peru.

Năm 1965, ông xuất bản The Green House về một nhà chứa điếm mang tên là Green House. Và ông đã dùng lối viết huyền hoặc tượng trưng để áp dụng vào việc tìm kiếm tính chất của cuộc sống. Bố cục truyện xoay quanh nhân vật Bonifacia, một cô gái đã nhận lãnh những khấn nguyện từ nhà thờ, và một người đội lốt cô là Selvatica, một cô gái điếm nổi danh của Green House. Cuốn tiểu thuyết ngay lập tức được đón nhận từ độc giả và các nhà phê bình văn học, cho rằng đây là một tác phẩm quan trong của dòng văn học châu Mỹ La Tinh.

Cuốn kế tiếp là Conversation in the Cathredale xuất bản năm 1969 lúc ông vừa 33 tuổi. Cuốn sách mang nhiều khát vọng này kể chuyện về cuộc đời của Santiago Zavala, người con của một linh mục và người tài xế Ambrosio. Trong một cuộc nói chuyện bất thường ở một nơi được gọi là Cathredale với tài xế của mình thì Zavala đi tìm sự thực về vị trí của cha anh trong tội ác thật rõ ràng của những khuôn mặt nổi tiếng cả thế giới của Peru, để lôi ra ánh sáng những công việc mà những người độc tài này xử dụng. Không may mắn cho Zavala, không có câu trả lời cũng như không có một sự thực nào được sáng tỏ ngoài sự chết. Cuốn sách tấn công vào chế độ độc tài của Odria bằng cách trình bày phương cách mà các nhà độc tài kiểm soát và phá hoại cuộc sống. Cái chủ đề có vẻ vô hy vọng đã tạo thành một tiểu thuyết đầy chất cay đắng.

Năm 1971, ông xuất bản Garcia Marquez Story of a Deicide là một bản luận án tiến sĩ của ông tại Computence University of Madrid. Đây là một tác phẩm đầu tiên viết về một tác giả rất nổi tiếng mà hơn ba chục năm nay hai người chưa từng nói chuyện với nhau sau vụ xung đột năm 1976 và gây ra nhiều điều tiếng ồn ào trong văn giới của châu Mỹ La Tinh.

Với đề tài rất quan trọng của ông là chính trị và ảnh hưởng cũng như những trở ngại gây ra cho xã hội vì sự lạm dụng quyền lực, mà một tác giả là Raymond L. Williams đã gọi với nhãn hiệu là “the discovery of humor”... Năm 1973 ông viết Captain Pantoja and the Special Service là một tiểu thuyết ngắn nhiều tính hài hước với những hình mẫu trang trí nhỏ của những trang đối thoại cũng như những trang tư liệu về những quan chức quân đội và một nhóm gái điếm đến thăm một tiền đồn quân sự ở một vùng hoang dã xa xôi. Bố cục từng phần của tiểu thuyết này cũng tương tự như the Green House với những cách thế thay đổi thể loại đặc thù. Tác giả viết về một tiểu thuyết như một chứng cớ về chuyện quân đội Peru đã thuê mướn một số gái điếm để mang đến các tiền đồn xa xôi để phục vụ cho những quân nhân đồn trú tại đây.

Năm 1977, ông xuất bản Aunt Julia and the Scripwriter đặt căn bản trên cuộc hôn nhân giữa ông và bà vợ đầu Julia Urquidi, người đã chỉ trích tiểu thuyết này. Về sau bà viết một cuốn sách phản biện lại nhan đề What Little Vargas Didn’t Say và bà đã nêu ra nhiều điểm riêng tư liên quan đến đời sống vợ chồng giữa hai người. Ông đã kể nhiều chi tiết khá bi quan về đời sống thường và đời sống văn chương với chủ đích giảm bớt sự hiện hữu của người vợ trong công việc viết lách của mình. Tác phẩm này được giới phê bình coi như là một thí dụ về ngôn ngữ và ảnh tượng của đời sống thường ngày ảnh hưởng thế nào trong văn học. Tác phẩm Aunt Julia and the Scripwriter được Hollywood chuyển thể thành phim Tune in Tomorrow.

Một tác phẩm chính yếu của ông biểu hiện sự thay đổi hướng về phía cấp tiến là The War of the End of the World. Thể cách của ông đã nghiêng về phía những chủ đề về Chúa Cứu Thế và những điều phi lý đã xảy ra trong tập tục đời sống của nhân loại... Truyện này dựng lại một biến cố từ thế kỷ thứ 19 ở Brazil với trận ở Canudos. Vargas đã mô tả những người cuồng tín trong chính trị đã gây ra những hậu quả tai hại ra sao và những thảm hại ấy phải được nhìn ngắm từ con mắt thuần luận lý trong lịch sử. Mặc dù người xứ Brazil không bằng lòng với tiểu thuyết của một người ngoại quốc viết về đất nước mình nhưng nhiều nhà phê bình văn học cho rằng đây là một tác phẩm lớn của Vargas Llosa.

Năm 1983 ông hoàn tất The Real Life of Alejandro Mayla. Cuốn sách viết về cuộc nổi dậy của những người tả phái ngày 29 tháng 5 năm 1962 ở Andean City thuộc vùng Jauja. Sau đó trong cùng năm, ông đã cật vấn tổng thống Peru Fernando Belaunde để liên hợp với một ủy ban điều tra về một cuộc thảm sát 8 ký giả ở một làng ở Uchuraccay. Ủy ban này có nhiệm vụ điều tra sự kiện để thông báo cho toàn dân chúng Peru biết. Sau này ông có xuất bản những tác phẩm để binh vực cho việc làm của ông khi tham gia vào ủy ban này. Đó là cuốn Who Killed Palomino Molero và Death in the Andes.

Một tác phẩm khác của ông The Feast of the Goat viết về nhà độc tài xứ Dominique Rafael Trujilo người cầm quyền từ năm 1930 cho đến khi bị ám sát là năm 1961. Nhân vật Urania Cabral con của một chính trị gia trung thành với nhà độc tài này trở về xứ sở 31 năm sau khi đã chạy trốn khỏi đất nước từ khi có cuộc ám sát. Cuốn sách viết về hậu trường chính trị thời độc tài chuyên chế, cuộc ám sát và hậu quả của nó.

Năm 2006, ông viết The Bad Girl về sự kiện ký giả Kathryn Harrison viết lại tác phẩm cổ điển của Gustave Flaubert “Madame Bovary". Tác phẩm viết từ nỗi ám ảnh kéo dài của người kể chuyện, một người Peru đi lưu đầy biệt xứ với một người phụ nữ đã có tình yêu đầu tiên khi cả hai ở trong tuổi teenage.

Những tác phẩm của Vargas Llosa có không gian thời gian rất rộng. Có thể là của đất nước Peru, của tiểu thuyết The Times of Hero, của xứ Dominique của tiểu thuyết The Feast of the Goat, hay của Brazil trtong The War of the End of the World, hoặc của Pháp và Tahiti trong The Way to Paradise…

Ông cũng được gọi là nhà văn của cả hai thời hiện đại và hậu hiện đại. Tác phẩm điển hình nhất la của thời hiện đại là Green House và Conversation in the Cathredale. Còn văn chương thời hậu hiện đại biểu hiện ở các tác phẩm như Captain Pantoja and the Special Service, Aunt Julia and the Scripwriter, The Real life of Alejandro Maya, và The Storyteller.

Những nhà văn mà ông chịu nhiều ảnh hưởng là các tác giả Peru: Martin Adan, Carlos Oquendo de Arnat và Cesar Moro. Dịch giả Edith Grossman một người đã dịch rất nhiều tác phẩm của Vargas Llosa và Gabriel Garcia Mar quez ra Anh Ngữ đã nói rằng : ”Văn phong của Vargas Llosa là phong cách văn chương kiểu ”baroque” một thể loại văn chương tiền cổ điển với câu viết dài và cấu trúc phức tạp. Nếu so sánh với các tác giả viết bằng Anh ngữ thì có lẽ gần gụi và giống với tác gỉa William Faulkner, là người có ảnh hưởng rất nhiều với văn chương của châu Mỹ La Tinh”.

Ông cũng có quan niệm văn chương là của thế giới chứ không thể chia vụn vặt từng phần theo địa lý, hay sắc dân. Ông đã phát biểu tại thành phố Newyork sau khi biết mình vừa được nhận giải thưởng: ”văn chương không thể nào bị tách riêng ra, bị chia theo từng địa phương hay xếp hạng theo từng vùng địa lý. Văn chương phải là của toàn thế giới mặc dù nó có nguồn gốc sâu xa ở bất cứ chỗ nào...”

Khi Vargas Llosa còn trẻ và đến Âu châu lần đầu tiên ông đã nói: ”Châu Mỹ La Tinh hình như là một lãnh thổ nơi mà chỉ có những nhà độc tài, những cuộc cách mạng, những tai ương. Bây giờ chúng ta hiểu rằng châu Mỹ La Tinh cũng còn có thể đào tạo ra những nghệ sĩ, những nhạc sĩ, những họa sĩ, những tư tưởng gia và những tiểu thuyết gia...”

Nguyễn Mạnh Trinh


NGUYỄN MẠNH TRINH

Sinh năm 1949 tại Hà Nội. Hiện sống tại Hoa Kỳ. Chủ trương tủ sách tác gỉa tác phẩm Ðời. Trong nhóm chủ trương Hợp Lưu, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt 1985).

Tuyển tập Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư Văn Nghệ Hoa kỳ 1989).

(Hình + Tiểu sử : thoivan. com).

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.