Buổi sáng cuối
tuần, mưa. Đọc “Mưa Sài Gòn, mưa Seatle“ hình như cũng thấy
những hạt mưa rơi rơi trong lòng. Cái mơ mộng, cái bềnh bồng
dường cũng hay lây. Nghe mưa điểm giọt bên ngoài, tưởng âm vang
trong tiềm thức những bước chân đi về.
Sài Gòn, thành phố
của quá khứ. Seatle, nơi chốn của hiện tại. Đọc những trang
sách, để thấy ngày đã qua và ngày đang tới như trộn lẫn vào
nhau, để thời khắc là cuộn chỉ khi tới khi lui, để liên tưởng là
những nhịp cầu nối liền những bước chân đi, về của đời người:
“… Ôi! Những cơn
mưa ở hai đầu trái đất! Mưa Sài Gòn và mưa Seatle. Cũng chỉ là
những đám mây tụ lại, rồi rơi xuống. Nhưng khi rơi trên nóc một
chiếc quan tài của người lính, trên chiếc áo dài trắng của cô
học trò trung học, trên mái tóc của hai người yêu nhau, trên vai
áo của người tị nạn Việt Nam, mưa khác biệt thế nào so với khi
rơi xuống trên những cành thông ở Seatle hay giữa một đám cưới ở
California? Và khi vẽ mưa trong những bức tranh ở những nơi khác
nhau, người ta có vẽ cho nó những hình thể khác nhau, chọn những
gam màu khác nhau?
Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!”
Trần mộng Tú là
một thi sĩ. Cho nên, khi viết những đoạn tạp văn, cái không khí
thơ đã quyện vào từng câu từng chữ và nét lãng mạn thơ mộng đã
thành một nét đặc thù cho tác phẩm của bà. Cuộc sống được nhìn
ngắm và cảm nhận từ tâm hồn đôn hậu, cho nên dù ở quê nhà hay ở
xứ người, hay phác họa bất cứ một khuôn dáng nhân vật nào cũng
đều có nét trong sáng, hồn hậu…
Viết về đời sống
bây giờ hay kể lại những ngày xưa cũ, hương kỷ niệm lúc nào bàng
bạc và thành men ủ cho chữ nghĩa. Khi tả tình hay lúc tả cảnh,
cũng là dịp để tâm tư chuyên chở theo những nỗi niềm. Một chút
ngoái lại quê hương, một chút nhìn vào cuộc đời hiện tại, là
người tị nạn, hình như cũng chia sẻ chung những tâm tư, những
cảm xúc. ..
Trong “Mưa Sài
Gòn, mưa Seatle”, những đoản văn nhẹ nhàng có âm điệu của những
vần thơ đã dẫn người đọc vào một không gian bềnh bồng của những
suy tưởng. Đôi khi, là cảm giác phân vân vô định giữa không gian
hiện hữu bây giờ hay cuối trời tưởng nhớ đã xa. Người và cảnh,
man mác chung nỗi niềm. Thời gian, không gian xóa nhòa lẫn nhau,
và thành những sương mù làm cho đôi mắt nhìn đời mơ màng hơn.
Hình như, tác giả
là người hay suy tư. Nghĩ về cái đẹp, nghĩ về hạnh phúc, nghĩ về
quê nhà, nghĩ về cuộc sống thường nhật ở đây, những ý nghĩ lành
hiền hướng thiện của một người hiểu được niềm vui khi làm được
việc tốt lành cho mình cho đời. Cuộc sống của người tị nạn,
nhiều trắc trở, nhiều gian nan nhưng lúc nào sự lạc quan cũng
thấy được dù trong những hoàn cảnh rối rắm nhất.
Có câu hỏi. Tôi là
ai? Tác gỉa đã vẽ ra hoàn cảnh của một người luôn đứng bên lề,
dù ở nơi quê lạ xứ người hay quê kiểng xứ mình. Ở đâu và bất cứ
nơi nào, cái tâm tư lạc lõng vẫn ngầm chứa trong từng nếp sống,
từng nếp nghĩ. Tự vấn mình, tự nhìn mình trong gương, sự chân
thành đã làm nhiều người cùng chia suy tưởng với tác giả. Hoàn
cảnh mỗi người có thể khác nhau nhưng cùng chia nhau một mẫu số.
Mẫu số chung của những người vì thời thế mà phải bỏ nước ra đi.
Tác giả đã bộc
bạch tâm tư của mình khi xuất bản tập tạp văn này :
“… tập sách này đến tay bạn đọc không phải tập truyện ngắn. Mà
là những đoản văn ghi lại những xúc động bất chợt đời thường ;
những ý nghĩ giữa một đêm khó ngủ ; những ngày mưa, những ngày
nắng đứng ngơ ngác giữa phố người ; những bất ngờ phải ứng xử ở
nơi làm việc ; những giao tình giữa mình với người cùng quê ;
với người khác xứ ; những chuyến trở về tắm lại trong dòng sông
cũ, những giọt lệ giấu kín và những tiếng cười phô ra.
Tất cả mỗi thứ đó có phải hàng ngày đang bàng bạc trong mỗi
chúng ta?”
Hình như câu hỏi
ấy đã được trả lời khi độc giả gập lại cuốn sách.
Riêng tôi, lại có cảm giác đang lạc vào một không gian thơ nào
đó mà ở đó, ngôn ngữ của thơ văn xuôi và tản văn hình như không
có biên giới và cũng chẳng có ai bận tâm đến sự phân biệt. Viết
văn xuôi bằng tâm hồn thơ có phải là một người đã mang những nét
thơ mộng bồng bềnh vào những suy nghĩ hoặc những tình tiết của
câu chuyện kể để ở đó , quá khứ và hiện tại cũng là những khoảng
thời gian chẳng thể phân hai.
Đọc “Mưa Sài Gòn,
mưa Seatle” để những hạt mưa làm lạnh thêm cảm xúc. Đọc. để làm
riêng cho mình những câu thơ đang tròn vận. Đọc, để thấy một cơn
mơ của một người vừa về lại quê xa. Đọc, để thấy còn một chút
hơi ẩm quê nhà, của những buổi chiều lướt thướt, của những buổi
tối đèn đường vừa bật để vàng những giọt mưa…
Đọc, có phải tôi
đi tìm lại kỷ niệm chính mình.
|