
Tác giả “Bông Hồng
Tạ Ơn”, Nguyễn Đình Toàn là một vóc dáng nghệ sĩ đa dạng. Là thi
sĩ, ông làm thơ từ hồi còn rất trẻ, và tập thơ “Mật Đắng” xuất
bản năm 1962 đã gây nhiều ấn tượng cho những người yêu thi ca.
Là nhà văn, tác giả của “Chị em Hải”, của “Không một ai”, có
khuynh hướng “tiểu thuyết mới” và mở ra những con đường sáng tạo
khác với lề lối sáng tác thông thường. Là nhạc sĩ sáng tác, với
những bản tình ca đặc sắc như “Em đến thăm anh đêm ba mươi”,
“Tình khúc thứ nhất”, “Sài gòn niềm nhớ không tên”,…, âm điệu
nhẹ nhàng nhưng tha thiết chứa đựng nhiều nỗi niềm tâm tư của
một thời kỳ đặc biệt của dân tộc và lịch sử. Là người thực hiện
chương trình “Nhạc chủ đề“ trên đài phát thanh, lôi cuốn thính
giả suốt hai chục năm, giới thiệu được hầu hết những nhạc sĩ nổi
danh về sau như Trịnh Công Sơn, Lê uyên Phương, Vũ Thành An, Từ
Công Phụng, Ngô Thụy Miên,..
Suốt một hành
trình văn chương dài hơn nửa thế kỷ, tác giả “Bông Hồng Tạ Ơn”
đã có thật nhiều dịp tiếp xúc, làm việc, hoặc thân tình với
nhiều nghệ sĩ trong nhiều bộ môn nghệ thuật. Thành ra những cảm
nhận của ông về người, về thơ, về văn, về nhạc .. đều có nét
chính xác cũng như sâu sắc và khiến người đọc hình tượng được
những cá tính của những khuôn dáng nghệ sĩ ấy. Với 190 tác giả
Việt Nam được phác họa trong bộ sách 2 tâp, độc giả có thể mường
tượng được một thời kỳ văn học nghệ thuật có nhiều khai phá, Với
cách viết ngắn gọn nhưng cô đọng và khá đầy đủ, từng tác giả và
từng tác phẩm được biểu hiện trung thực. Đây có lẽ là một công
trình làm phong phú hơn sinh hoạt văn học ở hải ngoại và là
những tài liệu cho những người còn yêu ngôn ngữ Việt và văn
chương Việt. Có nhiều tác giả khá lạ với người đọc cũng như có
nhiều bài nhạc bài thơ tưởng đã quên lãng thì với cái trí nhớ
gần như xuất thần, tác giả ghi chép lại khá chính xác và đó
chính là điểm rất đặc biệt của tác phẩm “Bông hồng Tạ Ơn”…
Hình như, những
chân dung nghệ sĩ được đề cập đến được chọn lựa tùy cảm hứng và
không có một tiêu chuẩn nào. Và tác giả cũng không muốn làm công
việc chọn lọc những vóc dáng nghệ sĩ tiêu biểu trong tập sách
này. Ông yêu thích và nhớ được tác giả và tác phẩm rồi viết ra
với cảm tình của mình.
Như lời Thưa của
tác giả trước khi vào tập “Đây không phải là cuốn sách nghiên
cứu hay phê bình văn học, nghệ thuật. Mục đích của người viết
chỉ nhắm chia sẻ chút ít hiểu biết những gì còn nhớ được về các
tác phẩm, tác giả mình yêu thích với những người có cùng cảm
nghĩ như một cách bầy tỏ lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn đối với
những người đã dâng hiến những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm
ra được cho đất nước, nhờ đó mọi người đã được thừa hưởng. Phần
khác để các bạn trẻ sinh trưởng ở trong ngoài nước không biết
nhiều về Việt Nam, một lúc nào đó muốn quay về tìm hiểu các tác
giả trong nước có thêm một chút dấu vết tài liệu. Bởi cì với
những cuộc chiến tranh chia cắt kéo dài và liên tiếp trên đất
nước ngay cả những người quen biết đồng thời với nhau nhiều khi
cũng hoàn toàn thất lạc không biết gì về nhau..”
Thực tế hiện nay,
sách vở tài liệu bị mai một nhiều vì chiến tranh và cũng vì chủ
trương muốn triệt hủy hai mươi năm văn học miền Nam của chính
quyền trong nước. Tình trạng ấy khiến cho văn học sử có nhiều
sai lạc đáng tiếc. Thành ra, với cương vị của một người có đủ
thẩm quyền để viết về người, về thơ, về văn, về nhạc,.. như
Nguyễn Đình Toàn thì theo thiển ý của một người đọc sách như tôi
thì những đóng góp ấy rất cần thiết và đáng trân trong. Thời
gian qua đi, mọi sự rất dễ đi vào lãng quên nếu không có sự ghi
chép lại thì làm sao những thế hệ sau có thể hình dung được
những sinh hoạt văn chương nghệ thuật của những thế hệ trước.
Theo ý kiến riêng của tôi, “Bông Hồng Tạ Ơn“ là một cuốn sách
đáng đọc và xứng đáng là một tác phẩm có chỗ đứng trang trọng
trong tủ sách gia đình.
• Nưả thế kỷ
sinh hoat văn nghệ
• Nhận diện 190 vóc dáng văn nghệ sĩ Viêt Nam.
BÔNG HỒNG TẠ ƠN
NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
Điạ chỉ liên lạc :
6672 Bestel Ave
Westminster CA 92683
Email:
toandinhnguyen@aol.com |