Trong văn chương:
Trần Hồng Châu, ngoài đời thường: Nguyễn Khắc Hoạch, hai danh
tính ấy, chỉ là một: thi sĩ. Dù, nhà văn Trần Hồng Châu là chủ
nhiệm tạp chí văn học nổi tiếng một thời Thế kỷ Hai Mươi, là tác
giả của nhiều tập biên khảo, tùy bút. Và, giáo sư Nguyễn Khắc
Hoạch đã giữ chức Khoa Trưởng Đại Học Văn khoa ở Việt Nam trước
1975, cũng như là giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học nổi
tiếng ở Pháp và Hoa Kỳ.
Nhà văn Mai Thảo
đã có một nhận xét xác đáng về văn chương của một thi sĩ, mà
cũng là nhà giáo dục danh tiếng cũng như nhà biên khảo và viết
tùy bút xuất sắc :
“ Đọc thơ và văn
xuôi Trần Hồng Châu, tôi nghĩ tới hai điều trái ngược. Về một
thời đã mất. Và một sự thể không bao giờ mất, bởi nó chẳng hề bị
giam cầm trong giới hạn của một thời nào. Sự thể ấy là văn
chương, nơi thơ văn Trần Hồng Châu..”
Không biết ý của
nhà văn chủ nhiệm tạp chí Sáng Tạo có phải là văn chương của tác
gỉa “Thành Phố Trong Hồi Tưởng“ đã vượt qua được sự đãi lọc của
thời gian? Nhất là, cái tâm vằng vặc của kẻ sĩ Đông Phương, trân
trọng với văn học biểu lộ qua chữ nghĩa. Ông đã mất, đã khởi
hành chuyến tàu đi vào miên viễn nhưng thơ văn vẫn sống, vẫn còn
truyền sinh lực cho những lớp cầm bút đi sau. Chất trí tuệ lãng
mạn, mà nguồn gốc cả từ Đông Phương lẫn Tây Phương đã làm sâu
sắc thêm những suy tưởng , và thành chỉ nam cho những cuộc kiếm
tìmtrong hành trình làm mới trong sáng tạo.
Đọc “Dăm ba điều
nghĩ về văn học nghệ thuật”, để thấy cái tâm của một người đã
hiểu được sự mông mênh của biển cả kiến thức. Dù là một nhà khoa
bảng, dù là một người có đủ tư cách để bàn luận văn chương ở vị
trí dẫn dắt. Thế mà, chỉ là “dăm ba điều nghĩ “mà thôi. Nhan đề
tác phẩm không có những liên tưởng đến những tư tưởng vĩ đại,
những danh từ to lớn. Thế mà, đọc từng trang, từng chữ mới thấy
là một đại dương tư tưởng, một tâm cảm sâu sắc đầy tính sáng
tạo.
“Chung cuộc chỉ
còn lại dăm ba điều nghĩ, một vài xúc cảm và ấn tượng, hoàn toàn
gắn bó với thẩm quan và nhiệt tình của một cá nhân sáng tạo văn
nghệ, thân mật đi bên những người đồng điệu giữa một vườn hoa
nhiều màu sắc. Với cả tấm lòng tha thiết hướng về Chân Thiện Mỹ.
Với phong thái rộng mở của con người không muốn bị ràng buộc bởi
bối cảnh, thiên kiến, nhóm phái hay ý thức hệ nào cả. Một con
người mong mỏi được hoàn toàn thoải mái đuổi theo và ghi lại mọi
vẻ đẹp rơi rớt trên giải đất trần gian mến yêu của tất cả chúng
ta.
Tất cả mọi vẻ đẹp.
Vội vã, đam mê nắm bắt, ôm cho được nhiều, thật nhiều trong vòng
tay hạn hẹp!
Vội vã, bởi chúng ta đều biết cuộc đời ngắn ngủi và nghệ thuật
thì vẫn là con đường muôn dặm, đường đi không tới! Đam mê, bởi
Keats từng nói lên sự thực “Một vật đẹp muôn năm vui” Nghệ thuật
và Đẹp là nguồn suối hoan lạc không bao giờ ngừng chảy. Đam mê,
bởi trong những chiều tâm sự với Delacroix, bên cột đèn mờ ảo
của Place Furstenberg, hay trong phòng tranh độc đáo của
Constantin Guys, Beaudelaire luôn luôn chủ trương gạn đục khơi
trong để chỉ nhìn, chỉ giữ lại phần tích cực, phần đẹp, tạm quên
những gì mà theo một nhãn quan khác, có thể gọi là khuyết điểm
nơi các tác phẩm (critique des beautés)
Độc giả hãy cùng
người viết khoan thai, nhẹ nhàng mở cửa vào vườn hoa của chúng
ta. Tạm bỏ quên các hệ thống, các lý thuyết ở ngoài cửa. Không
lý giải, không lý luận. Người viết tự coi đó chỉ là phong cách
riêng của mình. Và biết rõ là trên văn đàn còn nhiều thái độ phê
bình, nhiều cách thế, nhiều ý hệ khác nữa, khi đến với tác phẩm
văn nghệ. Theo quan niệm nào, thái độ nào cũng có phần tích cực
và xây dựng. Miễn là hăng say nhập cuộc, không thờ ơ nguội lạnh.
Miễn là chân thành tìm hiểu, tất cả bởi và cho văn nghệ…”
Như một bản tuyên
ngôn, không có một thái độ dấn thân nào hơn thế nữa. Tất cả “bởi
và cho” văn nghệ. Có nhiều con đường để đến chân lý và đứng ở
đoạn đường này không thể phủ định hoặc chê bai con đường người
khác đi.
Thái độ không cực
đoan, lý luận không một chiều, dễ đi đến những nhận định chính
xác hợp lý.
Ở nhà thơ Trần
Hồng Châu, văn chương là một thế giới khoảng khoát không biên
giới phân biệt Đông Tây, là cả hai cõi nhân gian từ hai đầu trái
đất hòa hợp trong cái bàng bạc mờ ảo để thành mơ mộng lãng mạn.
Triết lý, có khi chỉ là phương cách phụ thuộc làm thơ văn hiển
lộng.
Khi trả lời bà
Thụy Khuê, ông đã tự thú nhận mình là người “ngoại đạo” trong
lãnh vực triết học:
“.. Tôi yêu tư tưởng và coi đó là chất liệu không thể thiếu được
của văn nghệ, nhất là khi tư tưởng có gốc rễ có tương quan mật
thiết với tình cảm và cuộc sống, nghĩa là có sự hài hòa cân đối
giữa trái tim và khối óc, luôn luôn cửa để mở ngỏ..”
Có phải ngôn ngữ
và hình ảnh đã tạo thành cảm quan văn chương để ấn tượng tạo ra
sẽ in dấu trong bộ nhớ người đọc. Thơ phải vút cao, biển trời vô
tận. Cũng như cái tâm, phải chính đính hiền hòa vằng vặc như
trăng rằm và mênh mông như trang kinh không tuổi.
Ông cũng cho biết,
chỉ làm thơ khi có cảm hứng, mà là cảm hứng thật sự:
“Thơ là cái gì mung lung, dựa vào cảm xúc nhiều nên tôi cứ tự
thả trôi theo thi hứng. Cho thơ hồn nhiên nở ở đầu cành như một
bông hoa đến thời, đến lúc thì xuất hiện, tự nhiên ở đấy như do
sự thúc đẩy của một nguồn sinh lực hữu cơ tiềm tàng nào đó. Hãy
bỏ rơi rụng lại những lớp bụi bậm lý trí lạnh lẽo, mốt thời
thượng phấn son làm dáng, ấu trĩ tầm thường, khuôn mòn bảo thủ ù
lì hay cái “mới “ a dua, giả tạo hung hăng.
Cuối cùng như tôi đã nói nhiều lần chỉ cần biết bài thơ có đạt,
có tới hay không. Có tân kỳ có độc đáo có làm rung chuyển cả trí
thức và tình cảm của người đọc không. Có chân chất, có thơ hay
không? Thật ra những ý niệm này cũng rất mơ hồ, chỉ “cảm“ thấy
thôi mà cảm thì là chủ quan, khó phân tích khó định lượng. Nhưng
trực cảm mặc dầu là phi ý thức, mặc dầu không đường biên rõ ràng
vẫn là cái gì đưa ta thẳng vào tận trung tâm sự vật để vươn tới
xứ sở của Chân Thiện Mỹ”
Đọc tập thơ mới
nhất, để thấy rằng thi sĩ Trần Hồng Châu đã tận dụng những suy
tư vào thi ca như thế nào. Suối Tím, tập thơ in lúc cuối đời
dường như mang theo tất cả nỗi niềm của một người nặng lòng với
chữ nghĩa.
Thuở đầu đời, là
một nhà giáo dục nổi tiếng, là thầy của hàng ngàn vạn sinh viên
mà về sau đã thành nhiều khuôn mặt quen thuộc của văn chương
Việt Nam. Khi gần rời bỏ dương thế, vẫn nặng lòng với thi ca của
những chân trời mơ mộng lãng mạn. Thi sĩ Trần Hồng Châu, tức
giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, khoa trưởng đại học Văn Khoa, người
đã xây đắp một nền tảng vững chắc cho ngôi trường đại học còn sơ
khai. Cũng như, là chủ nhiệm tạp chí văn chương “Thế Kỷ Hai
Mươi”, góp phần vào sự phát triển của văn học miền Nam thời kỳ
ấy.
Nhưng, trước sau
ông vẫn là người đa mang với nghiệp thi ca. Ông yêu thi ca và
hiểu được tính vĩnh cửu của vần điệu ngôn ngữ. Bàn luận về thơ,
ông có niềm say mê của một người đi tìm chân lý. Thơ, là một
phần đời sống của ông. Trước khi ông qua đời, chúng tôi có vào
bệnh viện thăm viếng và nghe được ông nhắc đến “Suối Tím” như
một gửi gấm cuối đời của một người làm thơ. Với đám môn sinh
hiện diện lúc đó, ông nói với tất cả tâm huyết của mình lúc cuối
đời…
Tôi đọc tập thơ
này nhiều lần trong những thời điểm khác nhau. Tôi cầm trên tay
tập thơ mà tưởng nhớ đến tác giả. Sách vẫn đây mà tác giả của nó
đã đi vào chốn hạc nội mây ngàn rồi. Giở những trang, để thấy
bầu trời thi ca lồng lộng. Có những nỗi niềm giàn trải qua ngôn
ngữ hình tượng. Có tấm lòng kẻ sĩ, mang mang theo thời thế mịt
mù…
Sống ở trong một
thời đại đầy biến động như bây giờ, giữ cái tâm vằng vặc quá
khó. Huống chi, vẫn tính lãng mạn văn nghệ bẩm sinh, thêm chất
nghiêm túc phải có của một nhà giáo, thành một khuôn mẫu văn
chương như ông cũng là một hiếm hoi trong cuộc sống này. Trong
thơ Trần Hồng Châu, từ “Nửa khuya giấy trắng”, “Nhớ đất thương
trời”, “Hạnh phúc đến từng phút giây”, thơ bay bổng thăng hoa
vượt qua những nhiễu nhương của thời thế. Thơ, là kết tinh của
trầm lắng suy tư có từ những hệ lụy của cuộc đời…
Một điều cảm nhận
thật rõ ràng với tôi, từ “Suối tím“ nói riêng và toàn khối thơ
ông nói chung, có nét trầm mặc xương kính của phong thái Đông
phương trong nề nếp suy tư luận lý Tây Phương. Thơ, như giao
điểm hội tụ của hai đường tàu, tưởng song song nhưng thật ra vẫn
gặp nhau trong từng cảm giác.
Lạ lùng, đọc thơ
mà tôi tưởng mình đi tìm công án. Mỗi mỗi trang, tưởng tượng
những khuôn cửa mở ra vào những lãnh địa riêng. Có cảm thấy
những đè nặng của tư duy triết học, nhưng chất luận lý thoảng
qua để còn lại những gợi ý bức xúc từ những tượng ảnh mơ hồ chỉ
có trong những không gian, thời gian của thi ca. Thơ ông, có vóc
dáng của một chân dung vĩnh hằng, của những kiếm tìm nỗ lực cái
thẩm mỹ quan có sẵn từ cổ đại. Ngôn ngữ, có khi là những viên
gạch lót đường để bước nghĩ thong dong chân tới nhưng cũng có
lúc là tảng lân tinh rực rỡ lóe lên như tinh đẩu dẫn lối soi
đường. Thơ, chính là thông điệp gửi trao, của những đêm thức
trắng ngậm ngùi, của những ngày lũi lầm trong cảnh bụi trần cát
lấm của cuộc nhân sinh.
“Suối tím“ có dòng
thi ca đồng nhất. Kể cả ba bài tùy bút, là những bài thơ văn
xuôi mà không gian chính là biển trời thi ca rộng khắp muôn
trùng. Con chữ lấp lánh, phản chiếu một cuộc sống nội tâm phong
phú. Thực tế đời thường, nếu có những cơn huyễn mộng, thì cũng
là lộ trình thoảng qua để đến chốn vô cùng. Ngôn ngữ - hình ảnh
– vần điệu, là xuôi dòng về nguồn, nơi chốn mà sáng tạo đã thành
yếu tố để tầm mắt người thơ cao hơn, xa hơn, thăm thẳm hơn…
Nhiều lúc tôi tự
hỏi. Ở tuổi già, liệu tâm tư sẽ ra sao ? Chán nản. Hy vọng. Bình
thản. Chờ đợi. Hay là tất cả trộn lẫn lại. Tôi chưa biết. Mỗi
người một tâm sự một cách sống riêng. Nhưng, có lẽ từ những thi
sĩ, nhất là thi sĩ Việt nam, với chất lãng mạn trầm mặc Đông
phương, thì lúc cuối đời, có lẽ là lúc tự tìm kiếm bản lai diện
mục mình. Thơ, sẽ thành một phác họa chân dung nhân bản nhất,
để, đôi khi, những dông bão hiện thành từ nỗi quặn đau thiên cổ…
Víêt và làm thơ,
với đất nước và thời thế, chỉ là những phác họa gián tiếp. Nỗi
đau, dường như là những xúc cảm được che dấu lại. Mượn những
điển tích xưa, dùng những tên tuổi cũ, để gợi ý thành, để nhắc
nhở tới một đẽo gọt của thơ, từ đá tảng nguyên sinh thành những
phù điêu dáng tượng hiển hiện cho đời. Bức tượng ấy, từ những
nhát dao sáng tác, có chất chứa những nỗi niềm đa mang của cả
một thế hệ. Kiêm lời nhưnmg giàu ý, tôi có cảm giác thơ thành
những vòng tay ôm choàng khắp đến vô cùng. Nét riêng của một
người, như chuyên chở nỗi đau của muôn người trong dẫy đầy biến
cố của Việt Nam bất hạnh…
Đại cương toàn
khối thì như thế, bây giờ đọc lại những trang thơ để tìm những
đoạn tiêu biểu thì tôi lại ngại ngần. Làm sao, để có những chọn
lựa chính xác? Làm sao, để nổi bật cái toàn thể trong cái hạn
hẹp trích dẫn? câu hỏi khó, với tôi. Thơ, mênh mông như mây
trời, sao có thể nhét dồn trong khuôn khổ hẹp…
Thì thôi, đành lấy
cái tương đối để mong biểu hiện được cái thơ không cùng rộng
vậy…
Có bài thơ, tôi
đọc trong sự cảm động. Thơ rất chân thành, có nét hiện thực của
đời thường. Những dòng thơ phác thảo lại những thời điểm mà Đỗ
Phủ của Trung Hoa hay Nguyễn Du của Việt nam đã sống, đã buồn,
đã cảm, đã viết. Thời của ly loạn, mặc dù đã ngưng tiếng súng
của những ngày sau 1975 đau thương:
“.. Đời loạn lạc
chó nhảy bàn độc
hậu vận bố con mình chẳng ra gì!
Bố đi bộ suốt Chợ Lớn Mới
Về Đại Thế Giới
Để dành tiền vé xe buýt
Bố mua hai đồng ô mai
Một gói đậu phụng
Bên cửa bếp
Hai bố con ngồi nhấm nháp
Vị xí muội mặn chát
Chua ơi là chua
Ôi men đắng cuộc đời
Ngọn gió nào bỗng thổi tứ tung
Vỏ lạc lá vàng bay
Hai bố con lặng lẽ
Cắn từng miếng me khô
Muối ớt cay cay
Từng quả cóc ngâm đường
Dôn dốt ngọt chua
Bố bảo : bố con mình, thế mà gân ra phết!
Bố nằm xuống đất rồi, lại càng thương bố..
Đời loạn lạc!”
Có liên tưởng nào đến bài thơ chữ Hán của cụ Tiên Điền Nguyễn Du
”Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng. Giang nam giang bắc nhất
nang không..”(Kiếp cỏ bồng chân không bén rễ. Bắc rồi nam
túi nhẹ ven sông..). Dù, một Hán tự, một Việt ngữ. Đời loạn lạc,
thân phận kẻ sĩ thật là chán ngán. Thơ Trần Hồng Châu có nét xác
thực, ngôn ngữ bình thường, nhưng trong phong thái ấy là một
thái độ của một sĩ phu trong một thời kỳ đảo điên điên đảo của
dân tộc và lịch sử. Một người đi đông đi tây, đã sinh sống nhiều
nơi trên thế giới, mà lúc này, hai cha con chia nhau miếng quà
nhỏ để dành từ tiền đi xe buýt. Chuyện cười ra nước mắt nhưng có
thực của dân tộc chúng tôi. Đọc thơ, để thấy man mác nỗi niềm.
Đọc thơ, để thấy những ngôn ngữ đời thường ấy có sức lôi cuốn
biết bao. Và, qua đó, thấy được tấm lòng cha con thắm thiết biết
bao…
Bài “Kỷ niệm về khuya, trừ tịch “, với chữ Em viết hoa, là hiện
thực của cảm giác bềnh bồng, của tiến trình tìm bắt hoài hủy
trong chuỗi suy tư. Em, có phải là hình bóng đời thường, của son
phấn lụa là, của vóc dáng kiều nữ xa hoa? Hay, là tượng hình
sáng tạo chỉ có trong tâm tưởng những người mong mòi tìm đến
chốn lãng mạn vô cùng. Những câu thơ, của một vấn nạn mờ ảo
trong tâm thức. Vô vọng, nhưng mê đắm…
“… Ta vùng dậy đuổi bắt các Em.
Trong hương sắc cầu vồng hồi tưởng
Hiện thực đắm say
Ảo giác vơi đầy
Các Em, gấm hoa tình cảm của muôn đời
Hay chỉ là bụi phù vân của giấc mơ dài
Đến với ta lúc năm tận tháng cùng…”
Những câu thơ. Áo xuân ngàn nếp còn vương vấn. Buồn thu vạn
cổ vẫn chờ mong. Em hư vô hay hiện hữu tuyệt vời. Em độc nhất
hay hóa thân muôn vạn… Có phải từ mơ phai kỷ niệm.? Hay từ
dồn dập nhịp đập trái tim của dĩ vãng thuở nào? Cũ xưa, nào ai
định nghĩa ? Trăm năm? Ngàn năm? Vạn triệu năm? Có phải không
tuổi tác là những cảm giác mới nguyên của lúc ban đầu? Đời
thường, còn có những mốc cắm xác định thời gian. Chứ trong cái
hư ảo của cõi hư vô, làm sao phân biệt được giữa sát na giây
phút với miên viễn tận cùng. Trong hành trình mù mịt thiên lý
cõi xa, vó ngựa cuồng như ngôn ngữ lẩn khuất vào vần điệu. Có ai
đánh thức. Một giấc mơ…
‘ …Khi tỉnh giấc
Chỉ thấy trăng khuya chìm đáy ly cạn
Chỉ thấy mây trời treo cửa song thưa
Đào lý hồng hạnh
Lan hương vương giả
Mưa, mưa hoa
Bao phủ khắp châu thân
Hồn say đây bỏ ngỏ
Hơi thở những thiên hà
Đến với ta lúc năm tận tháng cùng
Ta vùng dậy
Ôm tơ trăng mây gió và sắc hoa gầy
Ta thành Em
Em kỷ niệm
Chúng ta thành trang Tình Sử
Mở rộng cho muôn đời…”
Tôi yêu những trang tùy bút. Những thành phố trong hồi tưởng.
Những thời điểm đã qua mất hút. Nhưng mầm kỷ niệm vẫn còn, ngút
xanh. Hà nội. Paris. Trường An Tây Vọng. Những nơi chốn của một
người và của một thời. Những bài thơ văn xuôi diễn tả bằng một
trời tâm tưởng. Tùy bút Nguyễn Tuân sang cả. Tùy bút Mai Thảo
kiêu sa. Còn tùy bút Trần Hồng Châu lãng mạn khơi mở những dòng
nguồn trác tuyệt của thi sĩ.
Viết về chợ hoa
của đất ngàn năm văn vật xưa, thi sĩ như muốn sống lại một thời
nào xa lắm, từ hơn nửa thế kỷ xa xôi:
“… Ở đây, màu sắc quả là siêu đẳng nghệ thuật. Chợ Đồng Xuân
ngày trước Tết là một trời hoa. Hoa giấy, hoa cây và hoa người.
Hoa ngoài chợ, hoa trong chợ… khách si giữa hoa, thở hương hoa,
chiêm ngưỡng sắc hoa… Ai đã dồn về đây tất cả người đẹp của băm
sáu phố phường? Ai đã xê dịch những vườn hoa còn đẫm sương mai
của Yên Phụ, Nghi Tàm về đây, về trung tâm Hà Nội?
Cúc vàng, cúc trắng, hồng nhung, thược dược, lan nhất điểm,… một
bản nhạc hoa mà nhạc công là những cô hàng, áo tứ thân, điểm
thêm một giải thắt lưng màu hoa lý hay cá vàng, vì Tết sắp đến..
Hoa sống và hoa cây tự tô điểm rồi cảm thông với nhau. Và tại
sao hôm nay trong vườn hoàng cúc giữa chợ Đồng Xuân tôi lại gặp
một bạn gái mặc áo vàng, trùng tên với hoa mùa thu? Có những
tình cờ, những chuyện thực, nghe hoang đường như một bịa đặt,
tuy vẫn là chuyện thực…”
Viết về bước chân
của người học trò cũ trở về trường xưa, nhớ lại đã hơn gần nửa
thế kỷ.
“.. Tôi bước vào sân trong. Trời xanh lồng lộng. Những phiến đá
vuông nhỏ vẫn dội vang tiếng ngàn xưa dưới chân du khách. Những
bậc hè cẩm thạch vẫn trắng trong như lòng tuổi trẻ. Những hàng
hiên cửa võng vẫn vươn mình lên, mình cánh cung, như xưa. Tôi
hơi rùng mình. Thời gian như ngưng đọng. Cái nhìn của Sorbonne.
Của người mẹ. Của người tình.
Mẹ Sorbonne da mồi tóc bạc
Nhưng không tuổi và trẻ hơn hiện tại
Những giây phút huyền nhiệm. Có lúc người và vật dường như cảm
thông quấn quýt lấy nhau. Trói buộc lẫn nhau bằng ngàn sợi dây
vô hình, bằng màng lưới thần giao. Tôi đứng sững giữa sân
trường. Chết đứng. Nước mắt thấm ướt gò má. Sao lại có thể như
vậy? Ũy mị, yếu đuối quá đi thôi! Bèn lấy kính mát ra đeo, dằn
lại dòng điện cảm xúc đã làm rung chuyển toàn thân. Bốn mươi năm
rồi còn gì! Tứ thập niên gian hựu phùng quân. Lý, Đỗ và họ Tô ở
Hàng Châu! Hãy cho tôi vay muôn ngôn và từ để nói lên một xúc
động chưa từng kinh qua. Cho tôi giải tỏa niềm ngậm ngùi reo vui
này. Như một mảng khí áp, một khối tích tụ chăn ngang lồng ngực
vừa trải qua cơn địa chấn…”
Suối Tím. Có những
câu thơ như:
“ Nước trôi suối ngọc tê hồn đắm
Âm sắc tím chim gọi ngàn năm
Buồn cây chìm bóng cỏ đu võng
Vết thương sỏi trắng đau bộ lạc
Nằm nghiêng nôi lạnh có buồn không?
Màu tím mênh mang buồn. Nhưng mênh mang sâu thẳm mà biền biệt.
Cầm tập thơ nâng niu trên tay, nghĩ đến nỗi niềm trao gửi. Đọc
thơ mà tưởng đến người nay đã khuất bóng. Thấy lại nụ cười hiền
hòa. Thấy lại những tình cảm đôn hậu bao dung khi nói đến nnhững
lớp cầm bút đi sau. Và đôi mắt sáng đã từng mơ mộng đã từng ngâm
ngùi đã từng vui buồn theo thời thế đẩy đưa.
Tôi đọc trang thơ,
không trầm hương mà sao quyện lẫn trong không khí những mùi thơm
cổ kính từ thiên cổ tạt về… |