Năm tôi sinh ra
đời Hoàng Cầm viết bài thơ “Bên Kia sông Đuống“.
Mười năm sau, khi “Bài thơ sông Đuống” sắp được ghi vào trong
chương trình Văn của các lớp phổ thông ở miền Bắc thì xảy ra vụ
“Nhân Văn Giai Phẩm“ và bài thơ bị xóa tên trong chương trình
học nhưng không bị quên lãng. Nhưng nó vẫn còn được truyền tụng
với những người yêu thơ đánh dấu một thời kỳ thi ca của lòng yêu
nước …
Hai chục năm sau, “Bài thơ sông Đuống“ lại được ghi vào chương
trình học. Kể ra thì số phận của bài thơ và tác giả của nó cũng
khá truân chuyên … Khi chính trị quyết định và chi phối tất cả
thì văn chương chỉ là những yếu tố tùy thuộc nhỏ nhoi. Nhà thơ
Bùi Tằng Việt đã lấy tên của vị thuốc đắng hoàng cầm làm bút
hiệu của mình thì những hoạn nạn của cuộc đấu tố văn học xem ra
không tránh khỏi.
Cuộc đời Hoàng Cầm
hình như có rất nhiều dấu ấn từ nơi chôn nhau cắt rốn. Nhà phê
bình Chu Văn Sơn đã có một ví von khá thú vị:
“.. Cũng như, ai
biết được, bài “Bên kia sông Đuống“ lại chứa một điềm báo ngược.
Mười năm trước, khi viết những câu ”Em ơi buồn làm chi/ Anh đưa
em về sông Đuống”, Hoàng Cầm không thể nghĩ , dù tiên cảm có
thánh đến đâu, rằng chỉ sau đấy mười năm, qua một con số 8 giời
đầy, ông lại về sông Đuống. Dĩ nhiên, giờ thì ngược rồi Cũng là
“về” nhưng không phải với khúc khải hoàn ca hội hè. Mà thui
thủi, mà tức tưởi một trường hận ca cái “tôi “ ở đó như kẻ bị
trấn lột mất căn cước tinh thần đành trở về cội xưa tự làm căn
cước cũ. Cũng bắt đầu từ cái “ngày khủng khiếp” với “ngọn lửa
hung tàn” nhưng không phải do ngoại xâm phóng hỏa mà do nội tình
truy bức .. vì thế, cũng “bây giờ tan tác về đâu?” cũng “bây giờ
đi đâu về đâu?” cũng những tan hoang rách xé nhưng không phải
sau cơn bão tố mà sau cơn đấu tố. Cơn đấu tố đã hỏa thiêu cái
thế giới Kinh Bắc của một tâm hồn bị tổn thương. Khiến tất cả
không còn là cái thế giới tranh Đông Hồ nguyên dạng, trái lại đã
bị thiêu hóa, bị hóa vàng thành một Đông Hồ trong cõi ảo sinh.
Nếu “Bên kia sông Đuống“ là một Kinh Bắc dương bản thì “Về Kinh
Bắc“ là miền sông Đuống âm bản, một thế giới nghệ thuật mắc
chứng trầm uất…”
Với tôi, chợt
nghĩ. Có một dòng sông, nhờ một bài thơ mà trở thành một biểu
tượng của quê hương, mà mỗi khi nghe nhắc đến lại nao nao trong
dạ. Sông Đuống của Hoàng Cầm, của một thời kháng chiến. Cũng là
sông Đuống có làng Thanh Am tên tục là làng Đuống nghèo nàn ven
bờ, quê nội của tôi. …
Nói đến Hoàng Cầm,
có nhiều bài nổi tiếng. Có người thích và cho rằng tiêu biểu
nhất là bài thơ “Đêm Liên Hoan”, một thi khúc hùng tráng của một
thời kháng chiến. Hay, bài thơ “Tiếng Hát Quan Họ“ cũng là tiếng
thơ của vùng Kinh Bắc, cái nôi văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hay
bài thơ “Cây tam cúc“ của những tình ca, trong sáng ngây thơ,
của nòi tình sớm phát tiết. Cũng như về sau này, với “Lá Diêu
Bông“, một bài thơ trở thành nguồn cội cho nhiều ca khúc của
những bản nhạc làm rung động lòng người.
Riêng với tôi, mỗi
lần đọc bài thơ trên, tôi lại nghĩ về quê hương tôi lúc tôi rời
bỏ khi vừa ở tuổi vừa biết cắp sách đến trường. Tôi sinh ra ở Hà
Nội nhưng quê nội tôi là một làng nhỏ ven bờ sông Đuống và những
hình ảnh của nó chỉ là những ký ức lãng đãng trong tiềm thức.
Tôi thường hay nghe cha mẹ tôi nhắc đến ngôi nhà thờ có bậc thềm
cao đầy những hoành phi câu đối của một thời hưng vượng. Những
cây nhãn, cây bưởi mà tuổi tác cũng ngang với những đứa trẻ
trong họ, bây giờ đã sống tán lạc ra mấy phương trời. Những
vuông sân gạch mênh mông, thuở nào bước chân trẻ thơ lẫm chẫm.
Rặng tường hoa dọc theo bờ ao, những mảnh sứ cẩn lóng lánh mầu
nắng. Bờ ao với cây khế mọc là đà mặt nước, với những bè rau
muống, rau rút xanh tươi, là ao cá đầy cá mỗi khi tát ao vào dịp
tết. Hai cổng gạch và cánh cửa sắt như tượng trưng cho oai phong
của dòng tộc, bây giờ có còn hiện hữu…
Ơi, những liên tưởng để nhớ lại và gửi về…. Đọc những câu thơ,
sao mà rưng rưng cảm động :
“ Em
ơi, buồn mà chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ lau
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay.
… .. Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm Em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng.. muôn lòng xuân xanh.”
Hoàng Cầm viết bài
thơ vào đúng năm tôi sinh ra đời khi khói lửa chiến tranh, khi
gia đình tôi phải chạy loạn, mẹ tôi bồng tôi trên tay và anh tôi
ngồi ở một đầu của quang gánh mang theo gia tài hòm xiểng của
gia đình. Tới bây giờ đã hơn nửa thế kỷ, biết bao nhiêu là biến
động diễn ra trên quê hương đất nước tôi. Và ngôi làng nhỏ, nơi
chôn nhau cắt rốn của tôi chắc cũng phải chịu nhiều tang thương
biến đổi. Dòng sông thuở nào bây giờ có còn bãi mía bờ lau, hay
tất cả đã bồi lở theo từng năm tháng. Những con cháu trong dòng
họ tôi, bây giờ trôi nổi sống ở những lục địa khác nhau, không
biết có còn giây phút nào, ngóng về quê cũ để bồi hồi sống lại
những mảnh đời đã trôi vụt qua nhanh vào quá vãng. Theo truyền
tụng thì tên làng Thanh Am là chữ do cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm đặt ra và mang danh tự ấy mãi đến tận sau này. Ở cánh đồng
làng có cây đa cổ thụ thật lớn mà người làng cho rằng là của cụ
tổ trồng ra và chính là hình ảnh rõ nhất của làng mỗi khi trở
về. Làng ít ruộng đất, và ít ai theo nghề buôn bán nên dân tình
cũng không giàu có so với những làng như làng Phù Lưu, cũng ở
vùng Kinh Bắc, quê ngoại của tôi…
Riêng tôi, có lẽ,
nhờ những câu thơ trong tâm não, để một thời sống lại. Đọc thơ
Hoàng Cầm, thấy dậy lên một niềm tự hào âm thầm. Quê cha đất tổ
tôi, những địa danh được nhắc đến trong văn học có phải là chút
hãnh diện của người bị lưu lạc tha hương từ lúc còn trẻ dại?

Hoàng Cầm
"Nhưng, đời sống của thi sĩ Hoàng Cầm thì buồn lắm và đầy
bất hạnh".
|
Nhưng, đời sống
của thi sĩ Hoàng Cầm thì buồn lắm và đầy bất hạnh. Tham gia
kháng chiến sau 1945, góp nhiều công sức nên khi trở về Hà Nội
được tin cậy và giữ chức vụ Trưởng Đoàn Văn Công của Tổng Cục
Chính Trị Quân Đội Nhân Dân. Thế mà vì tham gia nhóm Nhân Văn
Giai Phẩm bị cách tuột chức tước, tù tội, nghèo đói cho đến tận
cuối đời.
Hoàng Cầm bị kiểm
thảo, bị làm nhục, bị o ép theo dõi, có lúc ông tưởng rằng không
thể nào chịu đựng những bất hạnh quá mức như thế. Trong một bức
thư gửi cho con gái là Kiều Loan con người vợ trước đang sinh
sống ở San José “… Đến khi chị Yến của con chết thì người bố
hoàn toàn sụp đổ, hàng tháng sau vẫn chỉ là cái xác vật vờ, lờ
lững mà thôi…” Bị tù giam vì chuyển bản thảo tập thơ “Kinh Bắc“
cho Nguyễn Mạnh Hùng mang ra ngoại quốc in, rồi bị tịch thu sách
vở bản thảo, rồi hai người thân nhất là vợ và con gái từ trần
trong thời gian ngắn, rồi khi được thả thì bị công an làm nhục,
mang hình ảnh tên tuổi bêu riếu ngoài phường phố. Tất cả những
biến động ấy đã biến ông thành một người phẫn chí, lẩm cẩm. Mấy
chục năm trong thời Cộng Sản, thân phận của một thi sĩ thật đoạn
trường.
Đến nỗi nhà thơ Phùng Quán khi đến thăm đã viết bài thơ trên
giấy xi-măng bằng than củi để an ủi người bạn mà cũng là người
anh đáng thương :
“Tôi
tin núi tàn!
Tôi tin sông lấp!
Nhưng tôi không thể nào tin:
Một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp
Tôi tin, nhà thơ anh đã viết
Cách đây ba mươi năm
Những vần thơ lẫm liệt!
Tiểu đội anh, những ai còn và ai mất?
Không ai còn ai mất
Chỉ chết cả mà thôi!
Người sau kẻ trước lao vào giặc,
Giữ vững ngàn thu một giống nòi
Thế gian có một ngàn con sông
Và một ngàn nhà thơ lớn
Nhưng chỉ có một dòng
May được thơ xưng tụng
Nhờ đó mà vang vọng
Nhờ thơ mà vinh danh
Đó là con sông Đuống
Con sông của quê anh
Mà anh xót xa như bàn tay anh ngón rụng
Tôi có một niềm tin
Chắc như đanh đóng cột
Ngày mai anh nhắm mắt.
Đi sau linh cữu anh,
Ngoài bạn hữu gia đình,
Có cả con sông Đuống
Sông Đuống sẽ mặc đại tang
Khóc bên bồi bên lở,
Sóng cuộn bờ nức nở,
Ngàn đời chịu tang anh
Tôi tin núi tàn!
Tôi tin sông lấp!
Nhưng tôi không thể nào tin
Một nhà thơ như anh
Lại ngã lòng suy xụp.”
Thơ quá hay và cảm
động bởi một tấm lòng biểu lộ. ”Ngày mai anh nhắm mắt/ đi sau
linh cữu anh/ ngoài bạn hữu gia đình/ có cả con sông Đuống/ sông
Đuống sẽ mặc đại tang/ khóc bên bồi bên lở/ sóng cuộn bờ nức nở
/ ngnà đời chịu tang anh…” Phùng Quán với những bài thơ, câu
văn viết cho những người cùng hoạn nạn cho chúng ta cái tâm vòi
vọi của kẻ sĩ. Trong hoàn cảnh ấy, cuối đường của khốn cùng. Chỉ
còn văn chương, để làm cây gậy chống và đứng dậy. Phải rồi,
chính người thơ ấy đã viết những vần lẫm liệt của “Đêm Liên
Hoan”, ngôn ngữ dậy lửa của đòi hỏi hy sinh xương máu. Phải rồi,
chính người thơ ấy đã viết cho dòng sông quê hương những hình
ảnh thần kỳ của tấm lòng tha thiết. Phải rồi, chính người thơ ấy
đã mang những ẩn dụ vào thi ca để bầy tỏ nỗi niềm của “Lá Diêu
Bông”. Thơ và đời, sao trái ngược, thi ca sang cả, hạnh phúc,
hào hùng trong khi đời thường nghèo đói bất hạnh phủ vây.
Xuân Sách, cũng
những ngậm ngùi, những phác họa một chân dung thi sĩ nhiều sóng
gió :
“Em
ơi buồn làm chi
- Em không buồn sao được!
Quan họ đã vào hợp tác
Đông Hồ gà lợn nuôi chung
Bên Kia Sông Đuống em trông
Tìm đâu thấy Lá Diêu Bông hỡi chàng !”
Em ơi buồn làm
chi! Câu thơ của một thuở nào “Bên Kia Sông Đuống” bây giờ Xuân
Sách nhắc lại như một chút cay đắng cũ càng. Tất cả thay đổi
rồi, người thi sĩ mất đi vị trí thời trước. Văn nghệ đã bị mặc
chung bộ đồng phục, tranh gà lợn không còn nét trong sáng tư
riêng. Và "Lá Diêu Bông" cũng là những gì không thực, mà người
thơ cứ tha thẩn kiềm tìm mãi mãi mà không thấy. Xuân Sách nhắc
đến Tiếng Hát Quan Họ với những câu thơ của Hoàng Cầm như:
“..
Suốt tháng giêng mưa xuân trắng ngõ
Những người gái thôn Dương Ổ
Đập sợi thâu đêm
Khi nắng lên se chỉ trắng ngoài thềm
Khi giăng lên đưa con thoi dệt vải
Tiếng hát chập chùng, mái tranh phủ khói
Chị em hẹn nhau ngày hội sang năm…”
Một thời nào xưa
lắm, có phải? Thuở thanh bình với phong tục dân gian đáng yêu,
bây giờ có còn? Hay, tất cả, trôi theo dòng thời thế, để vỡ vụn,
nát tan? Trong thế giới thi ca của Hoàng Cầm, từ cảnh tới người,
từ ý tới lời, đều có nét vờn của bảng lảng, của bàng bạc đời
sống. Cái hồi nhớ đôi khi là cảm giác thực, cái liên tưởng đôi
khi là giây phút sống nhất. Với cuộc đời, thơ là nét mơ hồ, là
lẫn lộn thực mộng, là những cơn mơ, dịu dàng, nhưng triền miên
để thành nỗi đau nỗi nhớ, Thơ, tuy tiếp cận, tuy gần gũi nhưng
vẫn có một cái gì làm khoảng cách, như đôi mắt hay nhìn ra xa để
lảng tránh cái nỗi buồn gần ...
Một bài thơ, mà nhiều nhạc sĩ đã tạo thành những ca khúc để đời:
Trần Tiến, Phạm Duy, Lê Yên, Ngọc Thanh. ”Lá Diêu Bông”:
Chị
thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ…
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi làm chồng.
Hai ngày
Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau
Em tìm thấy lá
Chị châu mày
Trông nắng vãn ven sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười
Xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt
Chị không nhìn
Từ thuở ấy…
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…Ới Diêu Bông…!”
Bài thơ như một
câu chuyện không đoạn kết. Ở mỗi chủ quan người đọc, nẩy ra
những suy tưởng khác nhau. Trường hợp các nhạc sĩ là thí dụ. Mỗi
người khai triển bài thơ theo suy cảm riêng. Chính cái bảng lảng
của những câu hỏi cho một vấn nạn mờ ảo tạo thành sự giàn trải
rộng khắp cho một không gian thi ca. Lá Diêu bông, rõ ràng là
một ẩn dụ ! Đi tìm nó, có phải là một công trình vô vọng? Hay,
chính là hình tượng của niềm hy vọng vào cái thẩm mỹ quan của sự
toàn bích? “Gió quê vi vút gọi… Diêu Bông hời… Ới Diêu bông” có
phải là tiếng gọi của một hồn thơ luôn luôn bị bủa vây trong dây
xích buộc trói của chữ nghĩa? |