Hai bà mẹ
Không biết tình cờ hay do cơ duyên đưa đẩy, tôi có dịp được làm
quen với bạn, ở cái tuổi tri thiên mệnh người ta hay nhắc về
chuyện cũ, chúng ta cũng không ngoài thông lệ đó. Hình như tôi
có trực giác khá bén nhạy, cái trực giác này chắc là phần thưởng
của ông Trời ban tặng cho một người yếu đuối, cảm nhận được đối
tượng gặp gỡ để kết thành bạn bè, nên khi gặp bạn tôi cảm nhận
được cái tình bạn tốt đẹp đó.
Bạn trạc tuổi tôi, con trâu làm bạn với con bò, vận mệnh hẩm hiu
nhiều phen gian nan, đói rách, chúng mình sinh cùng một thời lận
đận, cuộc chiến này chưa tàn thì đất nước lại tiếp nối cuộc
chiến khác. Hoàn cảnh gia đình có khác nhau, nhưng lại khiến tôi
cảm động thật nhiều, khi không ngờ khung trời tuổi thơ của tôi,
những kỷ niệm thời trẻ dại lại xuất xứ từ nơi chôn nhau cắt rốn
của bạn.
Dĩ nhiên khi tình cờ biết được điều lý thú đó, chúng ta cùng
quay ngược lại thời gian để nhớ về quê nhà của bạn, mà cũng
chính nơi đây là chốn dung thân của gia đình tôi sau năm 1954.
Năm ấy mẹ tôi mới ba mươi tám tuổi mà đã góa chồng, đầu đội vành
khăn trắng, lếch thếch dẫn mấy đứa con dại theo họ hàng làng
nước, di cư vào miền Nam, chọn ngay cái miền đất quê nhà của bạn
làm chốn dung thân. Không gì bằng tha hương ngộ cố tri, cái mà
ta gặp gỡ trong vài câu chuyện kể, đã làm sống lại trong ta bao
kỷ niệm thuở còn thơ đã phôi pha ít nhiều.
Tôi gửi cho bạn
xem tấm hình ngày thơ ấu tôi còn giữ được, lúc ấy tôi mới 6, 7
tuổi. Những mái nhà nghèo nàn được lợp bằng cỏ tranh, nơi ấy tôi
cũng đã nhìn thấy những trảng cỏ tranh cao hơn đầu người, và
khung nhà làm bằng rơm trộn với đất sét, thay cho xi măng rồi
sau đó người ta quét lên một lớp vôi trắng. Nhìn xa trông cũng
khang trang khi căn nhà được bao phủ bởi những bụi chuối, bụi
mía, giàn mướp hương và trong tấm ảnh, một làn khói lam chiều
vươn lên mảnh trời rải rác những cụm mây trắng...
Tấm ảnh tuổi ấu thơ của tôi khiến bạn ngậm ngùi, đâu đó bạn bắt
gặp lại quê nhà của mình, dẫu có nghèo nàn nhếch nhác như hoàn
cảnh của bạn và tôi lúc đó, nhưng lại ắp đầy kỷ niệm. Bạn nhắc
tôi nhớ những con đường đất cát, bỏng rẫy những đôi chân trần
trẻ thơ ngày hai buổi đến trường. Con đường ấy vào hè trời nắng
chang chang, nóng đến nỗi những con giun đất cũng phải trồi lên
khỏi mặt đất để lại những ụ đất xinh xinh trong khu vườn rộng
sau nhà. Bao chung quanh vườn là những bụi tre bụi trúc, lũ trẻ
con hay quanh quẩn chơi nhảy dây dưới bóng mát của bụi tre suốt
ngày lao xao thì thào tiếng gió, nơi đó có những ụ mối đùn lên
như những nấm đất to. Tôi lại nhớ đến những cây mít, cây ổi, cây
xoài mẹ tôi trồng lớn nhanh như thổi sau vài năm định cư, những
cái giếng nước sâu hun hút dưới lòng đá ong mà nước trong văn
vắt, ngọt ngào hơn nước mưa ở quê bạn.
Tuổi thơ của tôi và bạn chắc chỉ có vậy, nhưng đềm êm với những
kỷ niệm và những rẫy vườn xanh biếc của cỏ cây. Dọc theo quốc lộ
là những khu vườn trống đầy cỏ dại xen lẫn với rừng cao su bạt
ngàn, trồng thẳng tắp đổ xuống những bóng cây theo ánh nắng mặt
trời. Ở đó có những bông hoa dại màu tím, có bóng dáng người con
gái bạn yêu thuở đầu đời, những năm đầu thời Trung Học nơi ngôi
trường quận lỵ thiếu thốn trăm bề. Tôi đi khỏi nơi ấy khi chưa
học hết bậc Tiểu học, còn bạn thì gắn bó với quê nhà cho đến
ngày nơi đây thành bãi chiến trường, khung cảnh hoang tàn và khu
nghĩa trang nằm tít ngoài cánh đồng phía sau quốc lộ đã đan kín
những tấm mộ bia.
Tuy thế, tôi cũng
hình dung ra chuỗi ngày ấu thơ của tôi và bạn nơi miền quê êm ả
đó, chắc chỉ được vài năm ngắn ngủi không nghe ai nói đến chiến
tranh. Tôi hay lang thang theo lũ bạn nhỏ xục xạo những bụi cây
dại trên cánh đồng để hái quả chín, lâu ngày không nhớ tên những
loại trái chín mọc hoang vu nuôi lũ chim riu rít làm tổ trên
cây. Đó là những ngày tuyệt vời của lũ trẻ con vào mùa hè được
nghỉ học, từng đám len lỏi vào những thửa ruộng sắp ngả màu lúa
chín, bứt trộm những đọt nếp còn ngậm sữa, đem về rang rồi giã
ra là có được một món cốm xanh thơm mùi hương đồng cỏ nội.
Từ quốc lộ đi sâu vào phía trong trên con đường quê gập ghềnh lỗ
chân trâu, người dân quê miền Nam chở đầy những xe cỏ hay rơm
khô đi qua con đường ấy, bánh xe bò nghiến kẽo kẹt vào nhau lăn
trên nền cỏ mềm, khi trời mưa để lại dấu bánh xe trên nền đất
nhẵn thín. Sau những khu vườn rào giậu kỹ lưỡng của người Bắc di
cư, tiếp nối những cánh đồng lúa và rừng cao su, đối với tôi ở
đó dấu kín những bí ẩn giữa ngày và đêm, sự sống và nỗi chết
trộn lẫn đâu đó vì những năm sau, khi màn đêm buông xuống, từng
tràng đạn vu vơ vọng đến khu xóm nghèo những lo sợ vẩn vơ. Ít
năm sau, vài căn nhà đã bỏ trống để đi nơi khác, nỗi ám ảnh của
chiến tranh đeo đẳng lên số phận con người, thôn xóm càng thêm
vẻ đìu hiu vắng lặng đến rợn người.
Đó là không gian tuổi thơ của tôi và bạn, tuy đẹp nhưng chỉ có
thế nếu như tôi không nghe bạn kể chuyện, và như một tình cờ thì
ít nhiều trong đó mênh mang hình ảnh hai người mẹ, mẹ của tôi và
má của bạn. Hai người đàn bà có những trùng hợp đau khổ của định
mệnh sao giống nhau nhiều lắm, dù hai người sinh trưởng ở hai
nơi khác nhau, miền Bắc và miền Nam, nhưng cái đau đớn của hoàn
cảnh thì lại hội tụ ngay trên quê hương của bạn. Cả hai bà mẹ
này đối với chúng ta đều tiêu biểu cho những bà mẹ quê hiền
lành, chịu đựng, cam go chiến đấu với nghịch cảnh để nuôi con
thành người, thiếu vắng người đàn ông trong mái ấm gia đình đã
tan nát vì chiến tranh. Mẹ tôi qua đời hơn hai mươi năm rồi, còn
má bạn vẫn hắt hiu chiếc bóng ở miền quê xa xôi đó như đã từng
cam chịu, bằng lòng với số phận nghiệt ngã của mình.
Theo như bạn kể thì bạn mồ côi cha ngay khi mới sinh còn đỏ hỏn,
tiếng khóc đầu đời của đứa trẻ con vài ngày tuổi như tức tưởi vì
cái tang của người cha, từ xa lần mò về thăm nhà khi đứa con
chào đời. Ba người đàn ông ùa vào nhà khi trời vừa nhá nhem tối,
trói chặt cha bạn lôi đi rồi chặt đầu ngay mé rừng cao su trước
lối vào nhà bạn, khiến người vợ điên loạn trước cái chết hãi
hùng đến quá bất ngờ của người chồng, mà quên luôn cả ngày sinh
tháng đẻ của thằng con trai. Niềm vui chưa trọn sao nỗi buồn đã
kéo ập đến vội vã như câu nói "họa vô đơn chí, phúc bất trùng
lai" hình như thường hiện diện quanh quất trong đời sống loài
người. Từ hồi ấu thơ, bạn đã sống lây lất nhờ dòng sữa của những
người phụ nữ tốt bụng quanh xóm, bầu vú mẹ đã cạn khô theo nỗi
đớn đau chít khăn tang đi vào gia đình bạn.
Nay bú nhờ, mai uống nước cháo vậy mà bạn cũng lớn lên được,
trong nỗi buồn héo hắt của mẹ kéo dài một thời gian rồi cũng
nguôi nguôi. Bạn chạy nhảy chơi đùa trong căn nhà dột nát che
đậy sơ sài bằng những tấm mo cau rơi rụng trên mảnh sân trước,
khi mùa mưa đến, căn nhà càng thêm âm u đầy khói hun muỗi từ
những cây củi ướt. Những căn nhà tranh vách đất ở miền quê đều
giống nhau, chiều chưa về mà bóng tối đã đầy sân, ẩn sau vườn
tược âm u, đêm khuya nghe tiếng chim tu hú buông từng âm rời
rạc, như tiếng gọi của thần chết. Tuy vất vả mẹ góa con côi,
nhưng người mẹ tảo tần một nắng hai sương ấy cũng cho được các
con đến trường, bạn gần như quên hẳn cái quá khứ đau buồn của
mẹ. Đến một ngày lớn khôn, nhìn lên bàn thờ hình ảnh của người
cha khuất sau làn khói hương nhòa nhạt, bạn thắc mắc về người
cha và muốn biết về ngày sinh của mình để gọi đó là ngày sinh
nhật.
Tôi may mắn hơn bạn một chút vì khi tôi sinh ra và lớn lên, đứa
con út ít của một gia đình ở thành phố có ngôi nhà gạch khang
trang do chính cha tôi tạo dựng. Phía trước nhà là rặng bàng trở
màu khi mùa thu đến, phía sau nhà là mảnh vườn rau với cái ao
vuông. Cửa hàng của cha mẹ tôi tấp nập khách làng quê ra tỉnh
vào những ngày có phiên chợ. Hai căn nhà gạch với một cái sân
lát gạch đỏ, những đêm mùa hè cả nhà quây quần truyện vãn dưới
ánh trăng bàng bạc treo trên mảnh sân ấy, tiếng cười của lũ con
chen nhau chờ bát chè đậu đen mát mẻ vào một đêm trăng rằm tháng
Tám. Những mùa thu ở đất Bắc trong một thị trấn êm đềm không xa
Hà Nội bao nhiêu cây số, cũng như miền quê nơi bạn sinh ra cũng
sát nách với Sài Gòn hoa lệ, thế nhưng định mệnh lại là mẫu số
chung cho hai người mẹ rất tội nghiệp.
Ôi buồn thay khi bạn kể tôi nghe ngày sinh của bạn, lại chính là
ngày giỗ của người cha thân yêu với bản án hãi hùng vào một đêm
hạnh phúc của loài người. Tôi hình dung ra khung cảnh gia đình
bạn, chiếc đèn dầu còn tỏa ánh sáng lắt lay trong căn nhà miền
quê, bà mẹ sung sướng khi hân hoan trao đứa con thơ còn bé bỏng
qua tay người chồng, đôi mắt long lanh nhìn nhau, môi họ mỉm
cười và người cha đang ngắm nghía đứa con trai để tìm đôi nét
quen thuộc của mình, trên khuôn mặt bé thơ còn đỏ hỏn nhăn nhúm
chưa quen với đời sống mới. Giây phút hạnh phúc ấy kéo dài được
bao lâu, lời nói ân cần hỏi han nhau được bao nhiêu khoảnh khắc
phù du của cuộc đời, để rồi chợt mất hết khi những cái bóng đen
của sự ác ùa vào căn nhà nhỏ, cái chết đến tức tưởi quá nhanh
không hề đoán trước được.
Còn ngày sinh nhật của tôi chắc cũng chỉ là một ngày tưởng tượng
trong một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày như bạn vậy. Ngày cha
tôi mất, một ngày tháng mười năm đó, ba hôm sau mẹ tôi dặn dò
người bõ già vài việc, thu vén dẫn con âm thầm ra khỏi căn nhà
thân yêu của mình không hẹn ngày trở lại. Đôi vai người đàn bà
chưa đầy bốn mươi tuổi yếu đuối mà đầy nghị lực, dẫn thêm ba đứa
con còn non nớt, dại khờ, quẩy trên lưng cái khổ nạn của gia
đình tan nát, chia lìa, phân tán, chỉ còn đôi tay và những giọt
nước mắt làm hành trang cuộc đời, trôi giạt vào cái mảnh đất quê
hương miền Nam của bạn. Vậy mà chúng mình không biết nhau ngày
đó, để đến khi bạc đầu mới biết thế nào là "tha hương ...ngộ cố
tri".
Vì vội vàng ra đi, chị em tôi không có một mảnh giấy khai sinh
lận lưng, nên sau này khi làm lại giấy thế vì khai sinh để đi
học, tôi bị đánh rơi chữ "Kim" mà ngày xưa khi nằm trong lòng
cha tôi trên chiếc võng đu đưa ở mảnh sân ngợp mùi hoa ngâu cạnh
cái bể nước mưa, cha tôi đã âu yếm gọi tôi là "con trâu vàng" để
kỷ niệm cái năm tôi chào đời. Lúc ấy chắc cha tôi cũng không bao
giờ nghĩ có ngày cha con lại chỉ gần nhau vỏn vẹn vài năm là tôi
mất hẳn người cha thân yêu. Tôi cũng không nhớ mặt người cha
thân yêu của mình, mấy tấm ảnh còn lộng khung treo trên tường
không ai gỡ xuống để mang theo. Khi làm lại khai sinh cho tôi,
mẹ tôi cũng bối rối quên luôn cả ngày sinh tháng đẻ của các con,
huống gì những chữ lót mỹ miều trong mỗi cái tên, họ. Tôi cũng
không có ngày sinh nhật, chỉ nghe mẹ bảo khi cơn gió heo may
thổi về, mùa thu tháng Tám với một vầng trăng treo sau vườn là
tôi mở mắt chào đời. Tôi sinh vào mùa thu chứ không phải mùa hạ
như trong giấy khai sinh làm lại ở miền Nam, khiến tôi nghĩ mình
là hiện thân của một chiếc lá vàng bay từ Bắc về Nam theo làn
gió cuốn.
Chính vì câu chuyện này mà trong bạn và tôi trộn lẫn chút buồn
phiền và ngậm ngùi khi biết cái hạnh phúc làm người của mình,
lại kéo theo sự bất hạnh của người cha, nỗi đau đớn của người
mẹ, bấy nhiêu thứ pha trộn vào nhau để thành một nỗi buồn bàng
bạc khi ngắm nhìn hạnh phúc của người khác. Riêng bạn còn thêm
nỗi căm hận khi nghĩ đến những kẻ đã gây nên cái chết của người
cha yêu thương của mình. Nỗi buồn ấy phải chăng là một định
mệnh, để ngay từ khi mới vào đời, bạn đã phải mau chóng rời bỏ
quê hương, bỏ lại ngôi nhà trong vườn cây có những vạt rừng cao
su âm u ẩn dấu niềm đau trong đó, và cũng bỏ luôn mối tình đầu
đời với người thiếu nữ chân phương, thích những bông hoa màu tím
rung rinh trên vạt cỏ.
Người mẹ miền Đông Nam Bộ ấy cam chịu nghịch cảnh đau thương do
chiến tranh và hận thù, vẫn ở lại quê nhà, cu ky chiếc bóng
trong ngôi nhà đơn lạnh để chắt chiu từng bịch gạo, dành dụm
từng con khô, con mắm, bán từng buồng chuối, buồng cau để gửi đi
nuôi con ăn học. Bạn may mắn thoát ra được miền quê khốn khổ của
mình cũng từ nỗi vất vả của mẹ. Để rồi sau những năm ăn học, bạn
quyết định gia nhập quân đội, và xem đó là con đường nối tiếp lý
tưởng của người cha đã nằm xuống năm xưa. Là một người lính
biển, bạn lênh đênh với con tàu trên sông dài biển rộng, mà vẫn
nhớ về một dòng sông chốn quê nhà. Nghe tiếng sóng biển rì rào
vỗ vào mạn tàu tít ngoài biển xa để bảo vệ tổ quốc, trăng nhấp
nhô theo làn sóng bạc, nơi chốn bình yên ấy chắc bạn vẫn chạnh
lòng nhớ mái tranh nghèo có bà mẹ già luôn ngóng chờ tin con,
với trái tim mỏi mòn héo hắt, nơi đêm và ngày lẫn lộn, bình minh
và bóng tối phủ chụp lên nhau thành một cơn binh lửa ngút trời
ập xuống đầu người dân vô tội...
Tôi thích nhắc bạn nhớ quê hương của bạn và những kỷ niệm thời
thơ ấu của tôi, dù rất đơn sơ nhưng nồng ấm tình người hai miền
Nam Bắc. Tôi ăn quà như mỏ khoét, miệng líu lo như chim vành
khuyên, đó là mẹ tôi bảo vậy, biết đâu bà ngoại của bạn không là
bà già miền Nam móm mém ngồi bán bánh mì bì chan nước mắm với mỡ
hành trong cái chợ quê nghèo đó. Sáng nào trước khi đi học, tôi
cũng chạy ù ra chợ thật sớm để mua khúc bánh mì bì béo ngậy mùi
mỡ hành, bao giờ bà già bán món quà rẻ tiền này cũng gắp thêm
cho cô bé mở hàng vài sợi da heo thơm mùi thính rang vàng trộn
thịt. Tuổi hồn nhiên khiến tôi thấy nụ cười hiền lành chất phác
của bà mẹ chợ quê miền Nam, như đậu lại đâu đó trong tâm tư cô
bé con Bắc Kỳ hình ảnh một bà tiên hiền dịu. Ở cái chợ nghèo nơi
quê bạn, tôi thòm thèm làm quen những món ăn miền Nam rất lạ như
chè thưng nước dừa, bánh bò bánh ít, nước đá bào xịt nước đường
xanh đỏ mát lạnh môi một buổi xế trưa nắng gắt.
Mẹ tôi cũng làm lụng vất vả để nuôi bầy con ăn học, không thở
than điều gì ngoài nỗi nhớ quê cha đất tổ chất ngất trong lòng.
Mỗi buổi chiều quê ngôi nhà thờ vẫn đổ những hồi chuông buồn xa
vắng, lan lan xa đến những làng mạc quanh vùng, ngọn đèn dầu
không đủ xua đi bóng tối buồn rầu trong những căn nhà nhỏ. Mẹ
tôi khi còn trẻ cho đến lúc về già chỉ thích đọc kinh, niềm tin
hay là tự nhắc nhở mình phó thác cuộc đời và sự đau khổ vào
những đấng thiêng liêng. Tuy chưa già lắm nhưng mẹ tôi hình như
già trước tuổi bởi những lo toan tính toán vì miếng cơm manh áo,
đơn thân độc mã giữa cuộc đời làm con gà mẹ xòe đôi cánh yếu
đuối để bảo bọc những đứa con.
Có một lần tôi trở về thăm vài người họ hàng còn bám víu lấy
mảnh đất tan hoang vì bom đạn nơi miền quê ấy, đi tìm lại cái
mảnh vườn thời thơ ấu của mình, nhưng chỉ còn nhận ra vài cây
xoài, cây mít mẹ tôi trồng là còn tồn tại, dấu vết căn nhà thì
không còn gì nữa. Tôi vẫn nhớ bụi tre già bao bọc khu vườn trồng
cây ăn trái, cái giếng nước xây bằng đá ong, ngày xưa ở đó có
cái tổ chim. Mẹ tôi cho người chị họ mảnh vườn đó để ra đi, sau
này chiến tranh từ trong rừng cao su bò ra đến khu nhà dân thì
nơi này trở thành bãi chiến trường, chắc đấy là thời kỳ bạn bỏ
quê hương mà đi.
Chuyện của bạn dài lắm, thêm vài mối tình dở dang trong đời quân
ngũ, nhưng tôi nghĩ có lẽ hình bóng của người mẹ và cô con gái
bạn yêu thời đi học, vẫn nằm lại trong trái tim bạn nhiều hơn
cả. Cái mảnh đất quê nghèo từ ngày theo chuyến tàu ra biển Đông,
biền biệt hơn ba mươi năm bạn chưa trở về một lần, nhưng nó còn
nguyên đó vì có ai quên được nơi mình mở mắt chào đời, có ai
quên được hình bóng người mẹ đã ở lại chết sống với nghịch cảnh
để nuôi con thành người đâu hở bạn? Như buổi sáng giựt mình thức
dậy sớm vì cơn mưa với những tiếng sấm ì ầm vọng lại, bạn bảo
nhớ những giọt mưa từ mái tranh nghèo thuở còn thơ dại. Như hôm
nào chợt thấy những bông hoa màu tím chen nhau nở trong bụi cỏ
mọc ven đường, tôi chắc bạn đang nhớ về những bông hoa màu tím
trong cánh rừng cao su thuở ấy. Có phải thế không bạn, khi tôi
và bạn có hai bà mẹ có gần gần một nỗi đau, khi sống trong một
quê hương đầy phân ly vì chiến tranh và nỗi chết?
Thực ra thì con người đều có những bù trừ để đời sống được thăng
hoa, và những thiếu sót trong cuộc đời chúng ta luôn được bù đắp
để nguôi ngoai. Chả thế mà trời cho tôi gặp bạn, chúng ta cùng
có một tuổi ấu thơ rất ngậm ngùi, trong cái làng quê có con
đường làng hẻo hút băng qua những cánh đồng cỏ lúa. Và một điều
trùng hợp nữa là tôi và bạn sinh cùng một năm, có hai bà mẹ khổ
trên một quê hương đọa đầy, với những đứa con không hề có ngày
sinh nhật. Bù lại cho sự mất mát đó, tôi và bạn có hai bà mẹ quê
thật tuyệt vời, không phải là điều đáng hãnh diện sao hở bạn?
Nguyên Nhung
(Thân tặng Trọng Nhân, món quà ngày sinh nhật) |

Thơ Văn chỉ là những gì
trong tâm tư của người viết, gửi vào cuộc đời chút chia xẻ
đã trải qua, cảm nhận được. Dòng đời giống như một dòng
sông, có khi êm đềm, có khi dậy sóng, nơi ấy bao nhiêu con
thuyền đã có duyên để gặp gỡ nhau, tìm được nhau qua những
buồn vui của thân phận người.
Nguyên Nhung.
|