Đường xưa mây trắng
(Theo gót chân Bụt)
Quyển I
Phần
3
C11.
Tiếng sáo canh khuya
C12. Con ngựa Kathaka
C13.
Đạo tràng đầu tiên
C14.
Vượt sông Hằng
C15. Khổ hạnh lâm
C11.
Tiếng sáo canh khuya
Udayin, Devadatta, Kimbila, Mahnama, Kaludayi và Anuruddha là những
người bạn thường đến chơi với Siddhatta để luận bàn chính trị và đạo
đức. Cùng với Ananda và Nanda, họ sẽ là những người thần tử thân cận
nhất của Siddhatta sau này khi chàng lên nối ngôi vua. Những cuộc
đàm luận kéo dài sau tiệc rượu, và chiều ý các bạn, Siddhatta đã để
cho những đoàn vũ nhạc của hoàng gia trình diễn có khi đến suốt đêm.
Devadatta thường nói thao thao bất tuyệt về chính trị. Udayin và
Mahanama là những người hưởng ứng nhiều nhất và thảo
luận về những
điểm Devadatta đưa ra mà không biết mệt mỏi. Siddhatta nói rất ít.
Có khi giữa một hội ca vũ, nhận thấy Anuruddha ngồi ngủ gục không tỏ
ý gì tha thiết với các cuộc vui, chàng nắm tay Anuruddha đưa ra
vườn. Hai người im lặng ngắm trăng và nghe tiếng suối róc rách chảy.
Anuruddha là em ruột của Mahanama. Hai người đều là con trai của
thân vương Amrtodana, chú ruột của Siddhatta. Anuruddha tính tình
hòa nhã, diện mạo xinh đẹp, thường được các công nương để ý theo
dõi, nhưng chàng không để tâm tới chuyện tình duyên. Có khi
Siddhatta và Anuruddha ngồi chơi ngoài ngự viên thật khuya, và khi
tiếng đàn hát trong cung đã im bặt chàng mới lấy ống sáo ra thổi
dưới ánh trăng vằng vặc. Lúc này các vương tử và bạn bè đều say sưa
hoặc mệt mỏi nên đã được mời vào an nghỉ trong cung tại các phòng
dành cho tân khách. Sau khi sắp đặt đâu đấy xong xuôi và cho bọn
người hầu đi ngủ, Gopa thường đi đốt một lò trầm nhỏ và đem ra vườn.
Nàng lặng lẽ đặt lư trầm lên bệ đá rồi ngồi xuống trên một chiếc
ghế gần bên để lắng nghe tiếng sáo dìu dặt bổng trầm trong canh
khuya.
Thấm thoát mà đã đến ngày Yasodhara mãn nguyệt khai hoa. Vương phi
Pamita khuyên con ở lại nội cung để sinh nở mà đừng về quê ngoại ở
Ramagama, bởi chính bà cũng đang cư trú ở Kapilavatthu. Bà bàn với
hoàng hậu Mahapajapati và sắp đặt mời các bà mụ giỏi nhất trong kinh
đô về cung để giúp Yasodhara. Ngày Yasodhara lâm bồn, hoàng hậu
Gotami có mặt mà vương phi Pamita mẹ của Yasodhara cũng có mặt. Mọi
người yên lặng chuẩn bị giờ ra đời của em bé. Trong cung, một bầu
không khí nghiêm trọng bao phủ. Vua Suddhodana không có mặt ở đây
nhưng Siddhatta biết rằng phía bên kia cung điện phụ vương chàng
cũng đang khắc khoải chờ đợi. Mới vừa đây, Yasodhara còn ngồi với
chàng. Nhưng khi bắt đầu kêu đau, Yasodhara đã được các thị nữ vực
vào phòng trong. Bây giờ là vào giữa trưa, nhưng bỗng dưng trời tối
sầm lại như có bàn tay ai che mất mặt trời. Siddhatta ngồi ngoài
này, cách nàng tới hai lớp cửa, nhưng những tiếng rên siết của nàng
từ bên trong đưa ra chàng đều nghe rõ mồn một. Càng lúc niềm lo lắng
của chàng càng lớn thêm. Rồi những tiếng đau đớn của Yasodhara vọng
lên không ngớt. Siddhatta nóng ruột. Những tiếng gào của nàng làm
nát cả tâm can thái tử. Chàng không thể ngồi yên một chỗ. Chàng đứng
dậy đi bộ trong phòng. Có khi Yasodhara thét lên những tiếng lanh
lảnh làm cho chàng hốt hoảng. Mẹ sinh ra chàng, hoàng hậu Mahamaya,
ngày xưa vì sinh chàng mà đã mệnh chung; chàng không bao giờ quên sự
thật nát lòng này. Bây giờ đến Yasodhara. Bây giờ đến đứa con của
chàng. Sinh đẻ là một cửa ải mà người đàn bà có chồng phải có lúc
vượt qua: một cửa ải nguy hiểm không cùng. Qua được là sống mà không
qua được là chết. Mà có khi chết cả hai mẹ con. Nhớ đến lời dạy của
vị sa môn mà chàng đi thăm mấy tháng về trước, chàng ngồi lại trong
tư thế hoa sen để bắt đầu điều phục tâm ý. Đây là một giây phút thử
thách. Chàng phải giữ được tâm bình lặng trước những tiếng thét của
Yasodhara. Chàng vừa ngồi lại thì bỗng thấy hình bóng của một em bé
sơ sinh hiện ra trong óc. Hình bóng của đứa con chàng. Ai cũng mong
ước cho chàng có một đứa con, và sẽ vui mừng cho chàng vì chàng có
một đứa con. Chính chàng, chàng cũng đã ao ước có một đứa con. Nhưng
bây giờ đây, trong giờ phút quyết liệt này, chàng cảm thấy có một
đứa con là một biến cố vô cùng quan trọng. Mình chưa tìm ra được
đường đi cho chính mình, mình chưa biết mình đi về đâu, mà mình sinh
con ra há chẳng phải tội nghiệp cho con lắm sao?
Bỗng nhiên tiếng la hét của Yasodhara im bặt. Chàng bật người đứng
dậy. Cái gì đang xảy ra? Trái tim của chàng đập mạnh. Để lấy lại
bình tĩnh chàng chú tâm vào hơi thở. Chính vào lúc ấy có tiếng oe oe
của một đứa trẻ vọng ra. Biết là em bé đã sinh, Siddhatta đưa tay
lên lau mồ hôi trên trán.
Bà Gotami mở cửa đi ra nhìn chàng. Miệng bà mỉm cười. Siddhatta biết
rằng mẹ con Yasodhara đã được bình yên. Hoàng hậu ngồi xuống phía
trước mặt chàng. Bà nói:
- Gopa đã sinh con trai.
Siddhatta mỉm cười, nhìn mẹ với cặp mắt cám ơn. Chàng nói:
- Con đặt tên cho nó là Rahula.
Chiều hôm đó, Siddhatta được vào thăm hai mẹ con Rahula. Hai mắt
Yasodhara sáng ngời nhìn chàng, tràn đầy hạnh phúc. Bên cạnh nàng là
em bé. Em bé đã được bọc trong lụa, và chàng chỉ thấy được khuôn mặt
bụ bẫm của con. Siddhatta nhìn Yasodhara. Nàng ra đấu ưng thuận.
Chàng cúi xuống bế Rahula lên và ôm con vào trong hai tay. Yasodhara
nhìn theo. Cũng như hồi nãy, chàng vừa có cảm giác phơi phới lâng
lâng mà cũng vừa có cảm giác lo lắng nặng nề.
Yasodhara được tĩnh dưỡng nhiều ngày trong cung. Hoàng hậu Gotami
săn sóc nàng thật kỹ lưỡng từ thức ăn đến lò sưởi. Mỗi buổi chiều,
khi về đến tư cung, Siddhatta lại vào thăm hai mẹ con. Ôm Rahula
trong tay, Siddhatta cảm thấy sự quý giá và sự mong manh của một mầm
sống. Chàng nhớ lại hôm đi đám hỏa táng của em bé ở xóm nghèo. Em bé
là một em bé trai chỉ chừng bốn tuổi. Xác nó còn để trên giường, khi
chàng với Yasodhara tới. Em bé không có một chút sinh khí nào. Thân
hình nó vừa trắng bệch, vừa xanh xao, vừa gầy ốm. Mẹ của em bé vẫn
còn ngồi bên giường vừa chùi nước mắt vừa khóc kể. Một lát sau, ông
thầy bà la môn tới. Mấy người láng giềng đã túc trực tại đó từ bao
giờ. Họ quấn xác em bé vào trong vải hồng rồi đặt em bé vào trong
một cái cáng tre mà họ đã làm sẵn để đưa em ra bờ sông. Siddhatta và
Yasodhara đi theo sau, trong đám người nghèo khổ. Ngoài bờ sông, đã
có dựng một hỏa đàn nhỏ, rất đơn giản. Theo sự chỉ dẫn của ông thầy
cúng, người ta khiêng cáng xuống sông và nhúng xác em bé vào dòng
nước. Đó là lễ tẩy tịnh; người ta tin rằng nước sông Banganga thiêng
liêng sẽ rửa sạch nghiệp chướng của em bé. Rồi người ta đem cáng lên
bờ đặt xuống để nước giọt đi bớt. Một người đàn ông đi chế dầu thơm
vào hỏa đàn. Thi thể của em bé được đặt lên giàn hỏa. Ông thầy bà la
môn, tay cầm đuốc, vừa đi quanh hỏa đàn vừa đọc kinh. Siddhatta nhận
ra những đoạn trong kinh Vệ Đà. Đi quanh được ba vòng, ông thầy châm
lửa vào giàn hỏa. Lửa phật cháy. Mẹ và các anh chị của đứa bé òa lên
khóc. Lửa đã bắt đầu táp vào thi thể em bé. Siddhatta nhìn
Yasodhara. Mắt nàng đẫm lệ. Siddhatta bất giác cũng muốn khóc. Bé
ơi, bé ơi, bé đang đi về đâu?
Siddhatta trả Rahula lại cho mẹ nó. Chàng đi ra vườn ngự. Và chàng
ngồi ở ghế đá một mình cho đến khi màn đêm buông xuống và một cô thị
nữ ra tìm chàng:
- Tâu điện hạ, lệnh bà cho con đi tìm điện hạ. Hoàng thượng ngự giá
sang thăm.
Siddhatta đi vào. Đèn đuốc đã được thắp lên sáng trưng trong cung
điện.
C12. Con ngựa Kathaka
Sức khỏe của Yasodhara trở lại bình thường, và nàng đã có thể bắt
đầu lại công việc, tuy rằng nàng để khá nhiều thì giờ lo cho bé
Rahula. Một sáng mùa Xuân nọ, Channa đánh xe song mã đưa Siddhatta
và Yasodhara đi ra ngoài thành du ngoạn, theo lời khuyên nhủ của bà
Gotami. Rahula cũng được ẵm theo và một cô thị nữ tên Ratna cũng
được đi theo để săn sóc bé.
Nắng ấm đã lên. Lá cây xanh mơn mởn. Hoa nở khắp nơi. Những cây vô
ưu và những cây hồng táo nở hoa đầy mình. Chim chóc ca hát bốn phía.
Channa cho xe đi chậm. Có những người dân quê nhận ra được Siddhatta
và Yasodhara. Họ đứng dậy đưa cả hai tay lên vẫy. Xe đã ra tới bờ
sông Banganga. Bỗng nhiên, Channa ghìm cương ngựa lại. Mọi người
nhìn về phía trước mặt. Một người đang nằm chặn giữa đường. Tay chân
người đó co quắp lại. Toàn thân người đó run rẩy. Miệng người đó
không ngớt kêu rên. Siddhatta nhảy xuống, lại gần. Channa cũng buộc
cương ngựa vào thành xe, nhảy xuống. Người nằm bên đường là một
người đàn ông, tuổi chưa tới ba mươi. Siddhatta cầm lấy tay người ấy
và ngước mắt hỏi Channa:
- Người này trúng gió phải không, Channa ? Anh hãy giúp ta xoa bóp
và đánh gió cho ông ta.
Channa lắc đầu:
- Thưa điện hạ, đây không phải là triệu chứng của người trúng gió.
Người này mắc phải chứng dịch hạch. Chứng này hiện chưa có thầy
thuốc nào biết cách chữa.
- Khổ chưa, thái tử Siddhatta nhìn kỹ lại người bệnh. Ta có nên chở
ông ta về cho ngự y xem xét không?
- Thưa điện hạ, bệnh này ngự y cũng không trị nổi. Mà bệnh này lại
hay lây. Nếu ta chở người này lên xe thì bệnh có thể lây tới lệnh
bà, tới cậu Rahula, và tới cả điện hạ nữa. Xin điện hạ buông tay
người ấy ra đi, kẻo nguy hiểm lắm.
Siddhatta vẫn không buông tay người bệnh. Chàng nhìn tay người bệnh
rồi nhìn lại tay chàng. Chàng biết chàng là một người mạnh khỏe.
Nhưng nhìn thấy người bệnh trạc tuổi mình đang nằm trước ngưỡng cửa
của cái chết, bao nhiêu sự tự hào về sức khỏe và sự may mắn của
riêng mình đột nhiên tan biến hết nơi chàng. Từ bờ sông, bỗng có
tiếng khóc than vọng lại. Chàng đưa mắt nhìn lên. Lại một đám ma.
Lại một giàn hỏa. Tiếng đọc kinh đã vọng lên chen lẫn với tiếng khóc
than. Và tiếp đến là tiếng phần phật của giàn lửa bốc cháy.
Siddhatta nhìn xuống thì người bệnh dưới chân mình đã tắt thở. Hai
con mắt ông ta còn trợn trừng. Chàng đặt bàn tay người ấy xuống, đưa
tay vuốt mắt người chết. Khi đứng dậy thì chàng thấy Yasodhara đã
đứng sẵn sau lưng chàng không biết từ lúc nào.
Nàng nói giọng nhỏ nhẹ:
- Xin điện hạ xuống rửa tay dưới bến sông. Channa, anh cũng nên
xuống sông rửa tay đi. Rồi chúng ta đánh xe vào xóm báo cho nhà chức
trách địa phương biết để họ lo liệu.
Cuộc du hành mùa Xuân tới đây là chấm dứt. Siddhatta bảo Channa đánh
xe trở về cung điện. Trên đường về không ai nói với ai một lời nào.
Tối hôm ấy, Yasodhara nằm mơ thấy toàn những ác mộng. Trong giấc mơ
đầu, nàng thấy một con bò mộng trắng, trên đầu có gắn một viên ngọc
lớn lấp lánh như sao Bắc đẩu. Con bò đi từng bước thong thả qua
đường phố thành Kapilavatthu và hướng về cổng thành. Từ đền thờ
Indra, có tiếng thiên thần la lớn: “Nếu không giữ được con bò này
lại thì kinh đô này còn đâu là ánh sáng”. Mọi người trong thành đều
chạy đến cố sức giữ bò lại. Nhưng rốt cuộc, không ai giữ được nó.
Con bò thoát ra khỏi thành và đi mất.
Trong giấc mộng thứ hai, nàng thấy bốn vị vua trời từ trên đỉnh núi
Tu Di phóng hào quang ngay thành Kapilavatthu. Ngọn cờ đang bay phấp
phới trên đền thờ Indra bỗng dưng đập mạnh và rơi xuống đất. Hoa ở
trên trời rơi xuống như mưa, hoa đủ năm màu, chói lọi. Khắp nơi như
mở đại hội, và tiếng nhạc từ trên không vang dội khắp kinh kỳ.
Trong giấc mộng thứ ba, nàng nghe tiếng hô to trong không gian: “Giờ
đã đến! Giờ đã đến!”. Nàng hoảng hốt nhìn sang chỗ Siddhatta ngồi
thì không còn thấy Siddhatta ở đấy. Những chiếc hoa lài cài trên tóc
nàng bỗng rơi xuống sàn nhà và biến thành tro bụi. Tất cả những áo
mão và đồ trang sức mà Siddhatta để lại trên ghế chàng bây giờ bỗng
biến thành một con rắn đang trườn ra phía cửa. Trong hoảng hốt, nàng
nghe tiếng rống của con bò trắng từ phía ngoài thành. Nàng nghe
tiếng phần phật của ngọn cờ trên đền thờ Indra. Và nàng nghe tiếng
hô lớn trong không gian: “Giờ đã đến! Giờ đã đến!”.
Yasodhara thức giấc. Trán nàng toát mồ hôi. Quay sang phía
Siddhatta, nàng lay chàng dậy:
- Anh, anh ơi, anh thức dậy đi anh.
Siddhatta vẫn còn thức. Chàng đưa tay vỗ về Yasodhara. Chàng nói:
- Em vừa mới mơ thấy gì đó? Hãy kể cho anh nghe đi.
Yasodhara kể lại những giấc mộng của nàng. Và nàng hỏi chàng:
- Có phải những giấc mộng ấy báo trước rằng anh sẽ ra đi tìm đạo và
bỏ em ở nhà một mình phải không anh?
Siddhatta im lặng nghe. Chàng an ủi nàng:
- Này Gopa, em đừng buồn. Anh biết em là một người có chí khí. Anh
biết em là người cộng sự của anh, và em có thể giúp anh hoàn thành
được chí nguyện. Em hiểu anh hơn ai hết trong những người thân thuộc
của chúng ta. Vậy nếu mai này mà anh phải đi và phải xa em, xa em
trong một thời gian, anh mong rằng em sẽ có đủ can đảm để tiếp tục
công việc của em. Em sẽ chăm sóc con và nuôi con lớn lên. Dù anh có
đi, dù anh có ở xa em thì tình thương của anh đối với em bao giờ
cũng thế. Anh sẽ chẳng bao giờ không yêu em. Nếu em biết như thế thì
em có thể chịu đựng được sự xa cách. Khi anh tìm được đạo, anh sẽ
trở về với em, với con. Thôi em ngủ lại đi.
Tiếng Siddhatta ôn tồn, ngọt ngào và vỗ về đi thẳng vào lòng
Yasodhara. Nàng có đủ đức tin nơi chàng. Nàng ngoan ngoãn nhắm mắt
lại.
Sáng hôm sau, Siddhatta vào gặp vua cha. Chàng tâu:
- Thưa phụ vương, con xin phép phụ vương xuất gia để tìm đạo.
Vua Suddhodana giật mình. Tuy đã từng nghĩ đến biến cố có thể xảy ra
này, nhưng vua chưa bao giờ nghĩ nó sẽ xảy ra một cách đột ngột như
vậy. Trầm ngâm hồi lâu, ngài nhìn con rồi nói:
- Ngày xưa trong giòng họ ta thỉnh thoảng cũng có người đi xuất gia
làm sa môn, nhưng không ai bỏ nhà ra đi vào tuổi của con cả. Ai cũng
đợi đến sau tuổi năm mươi. Sao con không làm như thế? Con của con
còn nhỏ, và nước nhà đang trông cậy vào con ...
- Thưa phụ vương, một ngày con ngồi trong cung cũng như một ngày con
ngồi trên đống lửa. Tâm con không an thì làm sao con có thể đáp ứng
lại sự trông cậy của phụ vương, của nước nhà, cũng như của bất cứ ai
? Con thấy ngày tháng qua rất mau, tuổi trẻ của con cũng vậy. Xin
phụ vương cho phép con ...
Vua ôn tồn:
- Con nên nghĩ đến sơn hà, xã tắc, đến ta, đến Yasodhara và đến đứa
con còn trứng nước của con.
- Thưa phụ vương, chính vì con nghĩ đến cho nên con mới xin phép phụ
vương cho con ra đi. Con đi đây không phải là để cho một mình con.
Con không ích kỷ đi trốn tránh nhiệm vụ của con. Chính phụ vương
cũng biết rằng phụ vương không giúp được cho con giải tỏa những khổ
đau dằn vặt trong con. Ngay cả những khổ đau dằn vặt trong lòng phụ
vương, phụ vương cũng chưa giải tỏa được.
Vua đứng dậy nắm lấy tay chàng:
- Con biết rằng ra rất cần con. Con là người mà ta đặt hết tất cả kỳ
vọng của ta. Con đừng bỏ ta.
- Con không bao giờ bỏ phụ vương. Con chỉ xin phụ vương đi xa. Chừng
nào đạt đạo con sẽ trở về.
Nét mặt Suddhodana dàu dàu. Ngài không nói gì nữa. Ngài bỏ vào biệt
điện.
Chiều hôm đó, hoàng hậu Gotami qua ở lại suốt buổi với Yasodhara.
Cũng chiều hôm đó, Udayin bạn của Siddhatta đến chơi. Chàng rủ theo
Devadatta, Ananda, Anuruddha, Kimbala và Bhadrika. Những người trai
trẻ đòi tổ chức cuộc vui. Udayin đã mời được đoàn vũ công tài ba
nhất trong kinh thành đến. Đèn đuốc được thắp lên sáng rực cả cung
điện.
Bà Gotami cho Yasodhara biết là Udayin đã được vua cho triệu tới và
giao trách nhiệm làm đủ mọi cách để ngăn Siddhatta bỏ nhà ra đi.
Cuộc vui tối nay nằm trong chương trình hành động của chàng.
Yasodhara ra lệnh cho các thị nữ đi lo thức ăn và thức uống cùng các
nhu cầu khác cho cuộc vui, và nàng ở lại bên trong đàm đạo với phu
nhân Gotami trong khi bên ngoài công viên Siddhatta tiếp đãi các bè
bạn. Hôm đó là ngày trăng tròn tháng Uttarasalha. Khi tiếng nhạc của
cuộc vui bắt đầu trổi đậy thì trăng cũng bắt đầu nhô lên trên rặng
cây phía trời Đông Nam.
Bà Gotami tâm sự với Yasodhara cho tới khuya mới về cung an nghỉ.
Khi đưa bà ra sân. Yasodhara thấy trăng đã lên tới đỉnh đầu. Cuộc
vui còn tiếp diễn với tiếng trống tiếng nhạc và tiếng nói cười. Đưa
hoàng hậu Gotami khỏi ngõ, nàng trở vào đi tìm Channa. Người hầu cận
này đang ngủ. Nàng đánh thức Channa dậy, thầm thì:
- Có thể đêm nay thái tử cần đến ngươi. Hãy chuẩn bị cho con
Kanthaka, yên cương đầy đủ. Và cũng nên chuẩn bị một con ngựa khác
cho chính ngươi.
- Thưa lệnh bà, thái tử đi đâu vào giờ này ?
- Ngươi đừng hỏi. Cứ việc chuẩn bị như lời ta dặn vì thái tử sẽ có
thể cần đến ngươi trong đêm nay.
Channa vâng dạ đi vào tàu ngựa. Yasodhara đi trở vào trong cung.
Nàng sắp đặt sẵn giày nón và áo dạ hành cho thái tử. Nàng lại đi lấy
thêm một chiếc chăn mỏng để đắp thêm cho Rahula. Rồi nàng thay áo và
lên giường. Nằm trên giường, nàng lắng nghe tiếng nhạc, tiếng ca,
tiếng nói và tiếng cười. Cuối cùng, cuộc vui tan. Có lẽ mọi người
đều đã tìm nơi an nghỉ. Yasodhara nằm yên lắng nghe sự im lặng trở
về trong cung cấm. Nàng nằm yên chờ đợi. Nhưng lâu lắm, nàng vẫn
không thấy Siddhatta đi vào.
Trong khi đó, Siddhatta ngồi một mình thật lâu ngoài vườn ngự. Chàng
nhìn lên trời. Trăng sáng vằng vặc. Ngàn sao nhấp nháy. Chàng quyết
định đêm nay phải rời bỏ hoàng cung. Chàng đi vào, mang giày và mặc
áo. Chàng vén rèm nhìn vào phòng ngủ. Gopa nằm trên giường. Có lẽ
nàng đang ngủ. Rahula nằm ngay bên cạnh. Chàng muốn vào nói lời từ
biệt nàng, nhưng chàng lưỡng lự. Những lời dặn dò cần thiết nhất,
chàng đã nói với nàng rồi. Thức nàng dậy chàng biết chàng sẽ làm cho
phút ly biệt khó khăn hơn, và não lòng hơn. Chàng buông rèm xuống,
định bước chân ra. Nhưng chàng dừng lại vén rèm lên lần nữa, để nhìn
hai mẹ con một lần cuối. Chàng nhìn thật kỹ như để thu lấy thêm một
lần nữa cái hình ảnh quen thuộc và thân yêu ấy. Cuối cùng chàng
buông rèm, bước ra.
Khi đi ngang qua phòng khánh tiết, Siddhatta thấy bọn vũ nữ nằm ngủ
la liệt và ngả nghiêng trên nệm thảm. Đầu tóc họ xổ tung. Có người
mở rộng miệng ra như những con cá chết. Những cánh tay mềm mại của
họ bây giờ cứng đơ như những thanh củi. Và chân họ gác ngang gác
ngửa như trên một bãi chiến trường. Họ trông giống như những cái xác
chết không hồn. Siddhatta có cảm tưởng mình đang bước ngang qua một
cái nghĩa địa.
Chàng mở cửa ra đi ra phía chuồng ngựa. Channa đang thức. Chàng bảo:
- Channa, đem con Kanthaka ra đây.
Channa vâng dạ. Channa đã chuẩn bị mọi sự chu đáo rồi. Con Kanthaka
đã có đủ yên cương. Channa thưa lại:
- Con có đi với điện hạ không ?
Siddhatta gật đầu. Channa đi vào tàu, dắt ra một con ngựa khác. Con
ngựa này cũng đã có đủ yên cương.
Hai thầy trò dắt ngựa ra khỏi cung. Siddhatta dừng lại, vuốt ve con
Kanthaka. Chàng nói với ngựa:
- Này Kanthaka, chuyến đi này là một chuyến đi quan trọng. Con hãy
hết lòng đưa ta đi.
Chàng nhảy lên mình ngựa. Channa cũng nhảy lên ngựa của mình. Hai
thầy trò cho ngựa đi thong tha để đừng gây nên nhiều tiếng động.
Những người lính gác cửa thành đang ngủ say. Hai thầy trò vượt qua
cổng thành một cách dễ dàng. Ra khỏi cổng thành, được chừng một dặm,
Siddhatta dừng ngựa. Chàng quay nhìn lại kinh đô đang nằm im lìm
dưới ánh trăng. Chính nơi kinh đô này mà Siddhatta đã được sinh ra
và lớn lên. Chính nơi kinh đô này mà chàng đã trải qua bao nhiêu
buồn vui và thao thức. Chính trong kinh đô ấy, phụ hoàng, bà Gotami,
Yasodhara, Rahula và tất cả những người thân yêu khác hiện đang ngủ
say. Chàng thầm bảo:
- Nếu ta không tìm ra được con đường, ta sẽ không trở về
Kapilavatthu nữa.
Chàng quay ngựa về phương Nam. Con Kanthaka bắt đầu phi nước đại.
C13.
Đạo tràng đầu tiên
Hai thầy trò đi như thế cho đến khi trời rạng sáng thì vượt khỏi
biên giới vương quốc Sakya. Trước mặt họ là con sông Anoma. Hai thầy
trò cho ngựa đi dọc theo bờ sông kiếm chỗ nước cạn để vượt qua bên
kia sông. Qua bên kia sông, họ đi thêm một chặng đường nữa thì ngừng
lại. Trước mặt dàn trải một khu rừng. Thấp thoáng trong rừng có bóng
một con nai đi qua. Chim chóc bay quanh không hề biết sợ hãi.
Siddhatta nhảy xuống ngựa. Chàng mỉm cười đưa tay vuốt bờm con
Kanthaka:
- Kanthaka, con giỏi lắm. Con đã giúp ta tới được nơi đây, ta cám ơn
con.
Con ngựa quý nghểnh cổ nhìn chàng. Siddhatta rút thanh kiếm đeo bên
yên ngựa. Với tay trái, chàng nắm mớ tóc mây, và với tay mặt đang
cầm kiếm chàng cắt ngang mái tóc. Channa đã xuống ngựa. Chàng đưa mớ
tóc và thanh kiếm cho Channa. Rồi chàng cởi tràng ngọc đang đeo trên
cổ ra:
- Channa ơi, anh hãy đem chuỗi ngọc, thanh kiếm và mớ tóc này về cho
phụ vương ta. Anh thưa với ngài là ngài hãy có đức tin nơi ta. Ta bỏ
nhà ra đi như thế này không phải vì ta ích kỷ, vì ta trốn tránh bổn
phận. Ta đi vì mọi người và mọi loài. Anh hãy an ủi phụ vương giùm
ta. Anh hãy an ủi hoàng hậu. Anh hãy an ủi Yasodhara. Ta nhờ anh ...
Channa tiếp lấy chuỗi ngọc, hai dòng nước mắt chảy ròng ròng:
- Điện hạ ơi, mọi người chắc là sẽ khổ lắm. Con chẳng biết sẽ ăn nói
ra sao với hoàng đế, với hoàng hậu và với lệnh bà Yasodhara. Điện hạ
ơi, làm sao mà điện hạ có thể sống được trong rừng và ngủ dưới gốc
cây như những ông thầy tu khổ hạnh? Điện hạ từ xưa tới nay chỉ quen
với nệm ấm chăn êm trong cung vàng điện ngọc?
Siddhatta mỉm cười:
- Anh đừng lo. Người khác sống như thế nào thì ta cũng sẽ sống được
theo như thế ấy. Channa ơi! Thôi anh về đi, về để kịp báo tin cho
những người thân, kẻo họ sốt ruột. Hãy để ta ở lại đây một mình.
Channa đưa tay chùi nước mắt:
- Xin điện hạ cho con ở lại đây để hôm sớm hầu hạ ngài. Xin điện hạ
ra ơn làm phúc! Xin đừng bắt con trở về mang cái tin dữ này về cho
những người mà con kính yêu!
Siddhatta vỗ vai người hầu cận; giọng chàng nghiêm nghị:
- Này Channa! Anh biết là ta cần anh trở về báo tin cho những người
thân thuộc. Nếu anh thực sự thương ta thì anh hãy nghe lời ta. Ta
không cần anh ở đây. Người xuất gia tu hành đâu có cần tới kẻ hầu
cận. Ta cần anh về với những người thân thuộc. Thôi anh về đi!
Channa miễn cưỡng vâng lời. Chàng trân trọng cất mớ tóc và chuỗi
ngọc trong áo, và treo thanh gương vào trên yên con Kanthaka. Rồi
chàng đưa cả hai tay nắm lấy cánh tay Siddhatta:
- Con xin nghe lời điện hạ nhưng xin điện hạ thương con, thương mọi
người. Xin điện hạ đừng quên trở về ngay sau khi tìm ra được đạo.
Siddhatta gật đầu. Chàng mỉm cười nhìn Channa với một cái nhìn
khuyến khích. Chàng vỗ đầu Kanthaka:
- Kanthaka, con về nhé.
Channa cầm lấy giây cương của con Kanthaka và leo lên lưng ngựa của
mình. Con Kanthaka nghểnh cổ nhìn Siddhatta một lần chót trước khi
quay gót. Hai mắt nó cũng ướt như hai mắt của người dắt nó.
Đợi cho Channa và hai con ngựa đi khuất rồi Siddhatta mới ngoảnh mặt
về phía rừng. Chàng đã đi vào cuộc sống lấy trời làm màn, lấy đất
làm chiếu. Khu rừng này sẽ là nhà của Siddhatta hôm nay. Một cảm
giác thoải mái và tự tại phát sinh trong chàng.
Vừa lúc ấy có một người từ trong rừng đi ra. Thoạt nhìn, Siddhatta
tưởng rằng đó là một vị sa môn, bởi vì người này khoác một cái áo
màu chàm thường là màu áo của người ẩn tu. Nhưng nhìn kỹ Siddhatta
thấy tay người ấy cầm cung và lưng người ấy đeo một bó tên.
- Anh là thợ săn phải không. Siddhatta hỏi.
- Vâng, người ấy trả lời.
- Anh là thợ săn vậy tại sao anh mặc áo sa môn?
Người thợ săn mỉm cười:
- Tôi có khoác áo này thì bọn thú rừng mới không sợ. Nhờ đó tôi mới
dễ dàng bắt chúng.
Siddhatta lắc đầu:
- Như vậy là anh lợi dụng lòng thương của người tu hành rồi. Anh có
muốn tôi đổi cái áo này của tôi cho anh không?
Người thợ săn nhìn Siddhatta. Chiếc áo mà người đối diện mình đang
mặc là một chiếc áo trị giá ngàn vàng.
- Ông muốn đổi thật không, người thợ săn hỏi lại.
- Thật chứ sao không, Siddhatta mỉm cười. Có cái áo này, anh có thể
đem bán làm vốn để tìm một nghề khác làm ăn mà khỏi phải đi săn. Còn
tôi, tôi muốn làm sa môn cho nên tôi cần cái áo của anh.
Người thợ săn mừng rỡ. Hai người đứng ở cửa rừng cởi áo và đổi áo
cho nhau.
Người thợ săn được áo, hấp tấp đi ngay. Siddhatta trong chiếc áo mới
đã có dáng dấp một vị sa môn. Chàng bước vào rừng. Tìm một gốc cây,
chàng ngồi xuống tĩnh tọa lần đầu trong cuộc sống không nhà không
cửa.
Sau một ngày dài ở trong cung và một đêm thâu trên lưng ngựa, giờ
đây Siddhatta cảm thấy thoải mái lạ thường trong tư thế thiền tọa.
Chàng ngồi như để nghỉ ngơi và nuôi dưỡng cảm giác thảnh thơi mà
chàng đã nếm được khi mới bước vào rừng.
Nắng đã lên cao; một tia nắng xuyên qua được rừng cây và đến đậu
trên mí mắt Siddhatta. Chàng mở mắt. Trước mặt Siddhatta hình như có
người. Chàng ngửng lên và thấy một vị sa môn đang đứng ngắm chàng.
Vị sa môn này khuôn mặt khắc khổ, thân hình gầy ốm. Siddhatta đứng
dậy chắp tay chào hỏi. Chàng cho vị sa môn biết là chàng vừa mới bỏ
nhà đi làm sa môn, nhưng chưa có dịp được một vị đạo sư nào thu nhận
cả. Chàng nói chàng có ý định về miền Nam để tìm tới đạo tràng của
đạo sư Alara Kalama để thụ giáo.
Vị sa môn cho Siddhatta biết là ông đã từng tu học dưới sự chỉ dẫn
của đạo sĩ Alara Kalama. Ông cho biết hiện thời đạo sĩ Kalama đang
mở đạo tràng ở phía Bắc thành phố Vesali, và dạy trên bốn trăm vị đệ
tử. Ông biết đường đi về đạo tràng này và sẵn sàng đưa Siddhatta tới
đó.
Chàng theo vị sa môn vượt khu rừng già rồi theo một con đường mòn
leo lên một ngọn đồi để đi tới một khu rừng già khác. Đi như vậy tới
trưa. Vị sa môn bảo Siddhatta ngừng lại. Rồi ông ta rủ Siddhatta
cùng đi tìm hái những trái rừng và những đọt lá rừng để hai người ăn
cho đỡ đói. Siddhatta hỏi để biết tên của những trái cây rừng và
những đọt lá rừng này. Vị sa môn cho biết nhiều khi phải đi đào
những rễ cây để ăn nếu không hái được trái và lá. Biết rằng mình
phải sống lâu ngày trong rừng núi, Siddhatta ghi nhớ kỹ lưỡng những
lời chỉ dẫn của vị sa môn. Siddhatta được biết rằng vị sa môn này tu
theo lối khổ hạnh, chỉ sống bằng trái rừng, đọt cây và rễ cây. Ông
tên là Bhargava. Vị này cho biết rằng các vị sa môn tu theo đạo sĩ
Alara Kalama không tu theo lối khổ hạnh bởi vì họ cũng đi khất thực
hoặc nhận thực phẩm của dân cư các vùng lân cận đem đến cúng dường.
Chín hôm sau, hai người tới Anupiya rồi đi dần về phía đạo tràng của
đạo sĩ Alara Kalama. Đạo tràng này được thiết lập trong một khu
rừng. Họ đến vừa lúc đạo sĩ Alara đang giảng đạo cho các đệ tử. Hơn
bốn trăm người đang vây quanh Alara. Đạo sĩ Alara tuổi chừng bảy
mươi. Người ông gầy yếu nhưng mắt ông còn sáng và giọng ông ngân
vang như tiếng chuông đồng. Siddhatta và người bạn đồng hành đứng
chờ bên ngoài vòng và lắng nghe hết những lời giảng dạy. Buổi giảng
dạy chấm dứt, mọi người đi tứ tán trong rừng để thực tập. Siddhatta
tiến tới làm lễ đạo sĩ Alara, tự giới thiệu mình, rồi cung kính nói:
- Bạch thầy, xin thầy cho phép con được gia nhập vào đoàn thể các vị
sa môn ở đây và tu học dưới sự hướng dẫn của thầy.
Đạo sĩ chăm chú ngồi nghe Siddhatta, ngắm nhìn chàng hồi lâu và tỏ
vẻ hài lòng:
- Siddhatta, thầy rất vui mà chấp nhận con. Con cứ ở lại đây. Nếu
con hành được theo pháp và luật của thầy thì chỉ trong một thời gian
thôi là con đắc đạo.
Siddhatta vui mừng lạy tạ.
Đạo sĩ Alara ở trong một túp lều do các vị đệ tử dựng lên. Trong
rừng rải rác cũng có những chòi lá khác của các sa môn đệ tử.
Tối hôm đó, Siddhatta tìm một nơi bằng phẳng để ngủ. Chàng gối đầu
lên trên một cái rễ cây. Vì mệt quá nên Siddhatta ngủ say cho đến
sáng ngày mai. Khi thức dậy, nắng đã lên, và chim chóc đã ca hát
vang rừng.
Siddhatta chỗi dậy. Các bạn đồng tu đã dậy từ lâu và đã hoàn tất
buổi ngồi thiền đầu tiên trong ngày. Họ đang chuẩn bị để đi vào thôn
làng khất thực. Siddhatta được trao cho một chiếc bát và dạy cho
phương pháp đi vào thôn làng xin ăn.
Theo các vị sa môn, Siddhatta ôm bát đi vào thành phố Vesali. Lần
đầu tiên ôm bát đi khất thực, Siddhatta cảm thấy cuộc đời của người
đi tu thật có dính líu rất nhiều với xã hội con người. Chàng học
cách ôm bát, học cách đi, cách đứng, cách nhận thức cúng dường và
cách chú nguyện để cảm tạ người thí chủ. Hôm ấy, Siddhatta đã được
cúng dường một ít cơm nóng và nước cà-ri chan lên trên.
Khi Siddhatta theo các bạn đồng tu về tới rừng thì mọi người đã bắt
đầu ngồi thọ thực. Sau buổi ăn, chàng đi tìm đạo sư Alara để được
chỉ giáo về phương pháp tu. Lúc chàng tới thì Alara đang ngồi nhập
định. Để chờ đợi, Siddhatta cũng ngồi nhiếp tâm trước mặt thầy. Lâu
lắm, đạo sĩ Alara mới mở mắt. Siddhatta cúi lạy, xin thầy chỉ giáo
cho mình.
Đạo sĩ Alara gọi Siddhatta là sa môn, bởi vì Siddhatta đã chính thức
là một vị sa môn khi được chấp nhận vào giáo đoàn. Ngài dạy cho vị
sa môn mới về lòng tin, về sự tinh cần, về cách thở và về sự tập
trung tâm ý. Ông bảo:
- Giáo lý của ta không phải chỉ là lý thuyết. Giáo lý của ta là sự
hành trì. Cái biết của ta là cái biết của sự tự tri, tự chứng, tự
đạt mà không phải là cái biết của lý luận. Con phải thực hiện cho
được những trạng thái thiền định. Mà muốn thực hiện cho được những
trạng thái thiền định thì phải bỏ hết những vọng tưởng về quá khứ,
về tương lai và chỉ nhắm về hướng giải thoát mà thôi.
Sa môn Siddhatta hỏi thêm về cách điều phục thân thể và cảm giác rồi
bái tạ vị đạo sư đi tìm một góc rừng để hành trì.
Ông đi bẻ cây bẻ lá che một mái lều dưới một gốc cây để làm nơi
nương náu mà thực tập thiền định. Siddhatta thực tập rất chuyên cần.
Cứ năm bảy hôm, ông lại trở về với Alara Kalama để thỉnh giáo về
những chỗ còn kẹt. Tu như vậy trong ít lâu, ông đạt được nhiều tiến
bộ đáng kể.
Ngồi lại trong tư thế thiền định ông buông bỏ hết mọi suy tư và mọi
ám ảnh về quá khứ cũng như về tương lai và thực hiện được sự thanh
tịnh an lạc. Tuy nhiên trong niềm an lạc này, ông vẫn thấy có bóng
dáng và mầm mống của những suy tư. Mấy tuần lễ sau, trong một trạng
thái thiền định cao hơn, Siddhatta loại trừ được các mầm mống của
suy tư. Rồi ông đi vào được một trạng thái tập trung tâm ý trong đó
ý niệm về an lạc và không an lạc cũng không còn. Trong trạng thái
tập trung tâm ý đó, hình như năm cánh cửa cảm giác đã hoàn toàn đóng
lại. Tâm ông tĩnh lặng như một mặt hồ khi không có gió.
Khi đem trình bày kết quả sự thực tập của mình cho đạo sĩ Alara
Kalama, sa môn Siddhatta được đạo sĩ hết lời ca ngợi. Đạo sĩ bảo
rằng ông đã bước những bước tiến bộ rất lớn trong một khoảng thời
gian rất ngắn. Đạo sĩ bắt đầu dạy ông về phương pháp thực hiện một
trạng thái thiền định gọi là không vô biên xứ, trong đó tâm
của hành giả được đồng nhất với không gian vô biên. Trong không gian
vô biên ấy mọi hiện tượng vật chất và mọi hình sắc đều tan biến, và
không gian trở nên nền tảng của vũ trụ vạn hữu.
Sa môn Siddhatta vâng lời thầy về cố công thực tập. Trong vòng chưa
đầy ba hôm, vị sa môn trẻ đạt tới sự thành công. Nhưng Siddhatta có
cảm tưởng định không vô biên xứ không giúp cho ông giải tỏa
được những tâm tư sâu kín nhất của mình. An trú trong định đó, ông
vẫn còn thấy bế tắc. Ông trở lại với Alara và trình bày tri kiến
mình.
- Con phải bước lên thêm một nấc nữa, đạo sĩ nói. Cái hư không vô
biên mà con đạt tới đó, nó cũng cùng một chất liệu với tâm thức con.
Nó không phải là đối tượng của tâm thức con mà nó chính là tâm thức
con. Vậy con hãy nỗ lực mà đạt cho được trạng thái thiền định kế
tiếp là thức vô biên xứ.
Siddhatta trở về góc rừng của mình. Chỉ trong vòng hai hôm, ông thực
hiện được thiền thức vô biên xứ. Ông thấy được tâm thức mình trong
mọi hiện tượng vũ trụ. Song le, ông vẫn thấy không giải tỏa được
những sầu đau và thao thức của mình.
Siddhatta trở về với vị đạo sĩ và trình bày chỗ kẹt của mình. Alara
Kalama nhìn ông bằng một con mắt kính phục. Vị đạo sĩ nói:
- Con đã đi gần tới đích. Hãy trở về quán chiếu về tính cách hư giả
của vạn pháp. Mọi hiện tượng trong vũ trụ đều do tâm thức ta tạo
nên. Tâm thức ta là khuôn đúc của tất cả mọi hiện tượng. Hình sắc,
âm thanh, hương, vị, và những xúc chạm, nóng lạnh, cứng mềm đều là
những sáng tạo của tâm thức. Chúng nó không có như ta thường tưởng.
Tri giác của chúng ta là vị họa sư; nó vẽ ra hết mọi hình tượng.
Phải đạt cho được cảnh giới vô sở hữu xứ thì con sẽ thành
công. Vô sở hữu xứ là cảnh giới trong đó ta thấy được rằng không có
một hiện tượng nào thật sự hiện hữu như tri giác của ta tưởng tượng.
Vị sa môn trẻ tuổi chắp tay lĩnh giáo. Ông lại trở về góc rừng của
ông.
Trong thời gian tu học với đạo sĩ Alara Kalama, Siddhatta đã làm
quen với nhiều vị sa môn đồng đạo. Tánh tình ông hòa nhã nên ai cũng
mến yêu. Có ngày Siddhatta không cần đi kiếm thực phẩm mà vẫn có
thức ăn lót dạ vào buổi trưa. Có khi xuất thiền, ông thấy thức ăn đã
để sẵn một bên, hoặc là một vài trái chuối, hoặc là một nắm cơm tín
thí cúng dường mà một vị sa môn bạn đã kín đáo chia xẻ lại. Đạo sĩ
Alara đã có lần hỏi về gốc tích của ông, và sau đó có người cũng đã
biết được tung tích ông. Siddhatta chỉ mỉm cười mỗi khi có một bạn
đồng tu hỏi ông về cái gốc tích vương giả ấy. Ông khiêm nhượng nói:
- Cái đó không quan trọng gì. Có lẽ chúng ta chỉ nên chia xẻ với
nhau về kinh nghiệm hành đạo mà thôi.
Rất nhiều vị sa môn đồng tu ưa được làm bạn với Siddhatta để được
học hỏi với ông. Họ đã được nghe lời ca tụng Siddhatta, trực tiếp từ
vị đạo sư của họ.
Trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, Siddhatta thực hiện được
định vô sở hữu xứ. Ông rất vui mừng thấy mình đạt tới cái
thấy này. Trong nhiều tuần lễ kế tiếp, Siddhatta ngồi khai thác cái
thấy ấy để giải quyết những bế tắc lâu ngày của tâm ý. Nhưng định
vô sở hữu xứ, dù là một trạng thái thiền định khá sâu sắc, vẫn
không giúp ông được. Cuối cùng Siddhatta phải trở về thỉnh ý đạo sư
Alara Kalama.
Đạo sư Alara Kalama ngồi nghe Siddhatta một cách chăm chú. Mặt ông
sáng rỡ lên. Đổi cách xưng hô, ông nói:
- Sa môn Siddhatta, ngài là một tài ba lỗi lạc. Ngài đã đạt tới chỗ
cao nhất mà tôi đã đạt. Cái gì mà tôi đạt tới, ngài cũng đã đạt tới.
Sa môn Siddhatta, xin ngài ở lại đây. Hai chúng ta sẽ cùng nhau dìu
dắt giáo đoàn tu sĩ này.
Siddhatta im lặng. Ông suy nghĩ. Định vô sở hữu xứ tuy là một
hoa trái quý giá của sự tu học nhưng không giải quyết được vấn đề
sinh tử, không giải phóng được cho ta khỏi những sầu đau và thao
thức căn bản, không đưa ta đến chỗ giác ngộ hoàn toàn. Mục đích của
ta không phải là làm giáo chủ một giáo đoàn. Mục đích của ta là tìm
con đường giải thoát đích thực.
Nghĩ như thế, Siddhatta chắp tay lại trình đạo sĩ:
- Thưa thầy, định vô sở hữu xứ không phải là mục đích
tìm cầu của con. Con muốn tìm con đường đích thực để giải thoát sinh
tử. Con xin cảm ơn thầy đã có lòng chiếu cố và yêu mến con. Xin thầy
cho phép con được đi du phương tìm đạo. Thầy đã dạy dỗ con hết lòng
trong những tháng vừa qua. Con xin ghi nhớ ơn thầy đời đời.
Đạo sĩ Alara Kalama tỏ ý buồn bã và tiếc nuối nhưng ý của Siddhatta
đã quyết. Ngày hôm sau, ông lại lên đường.
C14.
Vượt sông Hằng
Siddhatta vượt sông Ganga và đi sâu vào nội địa Magadha. Đây là một
vương quốc nổi tiếng có nhiều vị ẩn tu bậc lớn. Siddhatta quyết đi
tìm cho được vị chân sư có thể trao truyền cho mình bí quyết siêu
sinh thoát tử. Phần lớn những nhà tu hành này đều cư trú trong chốn
núi rừng. Theo sự chỉ dẫn của các bạn đồng tu, Siddhatta đi tìm họ
để tham vấn, học hỏi, thực tập. Hễ nghe nơi nào có vị chân sư là
Siddhatta tìm tới, dù phải vượt núi băng ngàn, dù phải dầm sương dãi
nắng tháng này qua tháng khác.
Siddhatta đã gặp những người tu thuộc phái lõa thể. Họ không có một
mảnh áo quần tối thiểu nào trên người họ. Ông cũng đã gặp những nhóm
người tu khổ hạnh. Những người này không nhận thức ăn cúng dường của
nhân gian. Họ chỉ ăn rễ cây, đọt cây và trái rừng. Họ để cho nắng
gió và mưa bão hành hạ xác thân họ. Họ tin rằng chịu đựng được những
khổ hạnh như thế thì sau khi chết họ sẽ sinh lên cõi trời. Có một
hôm Siddhatta nói với họ:
- Dù các bạn có được sinh lên cõi trời đi nữa thì những đau khổ trên
trần gian vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta tu đạo tức là đi tìm phương
thuốc giải khổ cho cuộc đời chứ không phải tìm cách trốn tránh cuộc
đời. Đã đành là nếu ta o bế thân thể ta như những người chủ trương
ăn chơi kia, thì ta không giúp được gì cho cuộc đời. Nhưng nếu ta
hành hạ thân thể ta, ta cũng chẳng giúp được gì hơn cho cuộc đời là
mấy.
Nói xong, Siddhatta từ giã họ và tiếp tục con đường tham cứu học hỏi
của mình. Ông tìm tới nhiều đạo tràng khác nhau. Có nơi ông lưu trú
lại trong ba tháng để thực tập. Có nơi ông lưu trú lại sáu tháng.
Niệm lực và định lực của ông nhờ sự thực tập càng ngày càng tăng
tiến. Nhưng đạo lớn của sự vượt thoát tử sinh ông vẫn chưa tìm được.
Đôi khi ngồi thiền tập trong rừng, hình ảnh của vua cha, của
Yasodhara và Rahula cũng như những hình ảnh của quãng đời niên thiếu
hiện về. Năm tháng qua thật mau. Mới đó mà hai năm đã trôi qua từ
ngày Siddhatta rời bỏ xứ sở. Siddhatta nhiều khi không khỏi sốt
ruột. Tuy vậy, đức tự tin vẫn còn rất mạnh trong ông.
Một thuở nọ, Siddhatta ẩn cư trên sườn đồi Pandava cách kinh đô
Rajagaha của vương quốc Magadha không xa. Một hôm, ông cầm bát xuống
núi, đi vào kinh thành khất thực. Dáng đi của ông nghiêm túc và
khoan thai. Phong thái của ông trầm tĩnh. Hai bên đường người ta
dừng lại để nhìn vị sa môn khất sĩ. Ông đang đi trên đường phố mà
ung dung như một con sư tử đang đi giữa chốn sơn lâm. Tình cờ xa giá
của quốc vương Magadha đi ngang qua đó. Vua Bimbisara cho dừng xe
lại để quan sát ông. Rồi vua ra lệnh cho một thủ hạ đem thức ăn đến
cúng dường vị sa môn khất sĩ này và tìm cách theo dõi ông ta về nơi
ẩn cư của ông cho biết chỗ.
Chiều hôm sau, vua Bimbisara tìm lên nơi ẩn cư của Siddhatta. Để xe
tứ mã dưới chân đồi, vua leo lên cùng với một tên thị vệ. Thấy
Siddhatta đang ngồi dưới một gốc cây, vua tiến tới chào. Siddhatta
đứng dậy. Nhìn cách ăn mặc của vua, ông biết đây là quốc vương
Magadha. Ông chỉ một phiến đá gần đó và chắp tay mời vua ngồi. Và
ông cũng ngồi xuống bên một phiến đá đối diện.
Thấy dáng điệu và tư cách thanh tao đặc biệt của ông thầy tu, vua
Bimbisara rất đỗi ngạc nhiên và khâm phục. Vua nói:
- Trẫm là quốc vương xứ Magadha. Trẫm đến để kính mời sa môn về kinh
thành với trẫm. Trẫm ước ao có sa môn bên mình để được thấm nhuần
đạo đức của ngài. Có được ngài bên trẫm, chắc chắn nước Magadha sẽ
có hòa bình và thịnh trị.
Siddhatta mỉm cười:
- Tâu đại vương, bần đạo đã quen sống ở chốn núi rừng.
- Sa môn ở đây thật là cực khổ. Giường chiếu không có, người hầu hạ
cũng không. Nếu ngài chấp nhận về với trẫm, trẫm sẽ để
dành cho ngài riêng một cung điện. Ngài về để dạy dỗ ...
- Đại vương, đời sống cung điện không thích hợp với bần đạo. Bần đạo
đang cố công tìm cho ra con đường giải thoát để có thể tự cứu độ cho
mình và cứu độ cho những kẻ khác. Đời sống cung điện không thích hợp
với hoài bão của kẻ tu hành này.
- Ngài còn trẻ, mà quả nhân lại cần một tâm hồn bạn hữu. Mới trông
thấy ngài lần đầu, trẫm đã đem lòng mến yêu. Ngài hãy về với trẫm.
Nếu cần trẫm sẽ chia một nửa giang sơn này cho ngài trị vì. Rồi đến
khi tuổi cao, ngài sẽ trở về cuộc đời của kẻ xuất gia, như vậy cũng
chưa muộn.
- Bần đạo xin cảm ta tấm lòng chiếu cố của đại vương. Nhưng quả thật
giờ đây bần đạo chỉ có một ước vọng mà thôi: đó là ước vọng tìm cho
ra chánh đạo để cứu giúp muôn loài. Thì giờ đi qua rất mau, tâu bệ
hạ. Nếu ta không xử dụng năng lực của tuổi trẻ để thực hiện điều ta
mong ước thì không mấy chốc tuổi già sẽ đến và ta sẽ hối tiếc. Với
lại, cuộc sống rất vô thường. Cái khổ của sinh lão bệnh tử luôn luôn
rình rập ta. Những ngọn lửa phiền não nội tâm như tham vọng, giận
dữ, oán thù, si mê, ganh ghét và kiêu mạn đang nung nấu tâm hồn ta.
Ta chỉ có thể đạt tới an lạc thật sự nếu ta tìm được con đường. Chỉ
khi nào Đạo Lớn được tìm ra, mọi loài mới có một đường thoát. Nếu bệ
hạ có lòng yêu mến bần đạo thì xin bệ hạ để cho bần đạo được theo
đuổi con đường mà kẻ tu hành này đã hướng đến từ lâu.
Càng nghe, vua Bimbisara càng lấy làm cảm phục vị sa môn khất sĩ.
Vua nói:
- Quả nhân rất sung sướng được nghe những lời nói đầy cương nghị và
đầy đạo hạnh của ngài. Kính bạch đại đức sa môn! Ngài là người xứ
nào, dòng họ của ngài là dòng họ nào? Ngài có thể cho quả nhân được
biết hay không?
- Tâu đại vương, bần đạo xuất thân từ vương quốc Sakya. Dòng họ của
bần đạo là Sakya. Vua Suddhodana là người thân sinh ra bần đạo, hiện
trị vì ở Kapilavatthu. Và mẹ của bần đạo là phu nhân Mahamaya. Bần
đạo vốn là thái tử đông cung, nhưng vì muốn xuất gia tìm Đạo mà phải
rời bỏ cha mẹ, vợ con và cung điện, kể đã được hơn ba năm trời.
Vua Bimbisara rất đỗi ngạc nhiên. Vua thốt lên:
- Thế ra ngài cũng là người thuộc giới cành vàng lá ngọc! Trẫm hân
hạnh được gặp ngài. Bạch sa môn! Giữa hoàng gia xứ Sakya và hoàng
gia xứ Magadha đã có liên hệ thân hữu lâu đời! Trẫm đã dại dột dám
đem danh lợi ra mà thuyết phục một vị đại sa môn! Xin sa môn tha thứ
cho trẫm. Trẫm chỉ xin ngài một ân huệ là thỉnh thoảng viếng thăm
cung điện để trẫm được cơ duyên cúng dường. Rồi khi nào tìm ra được
Đạo Lớn, xin ngài từ bi trở về chỉ dạy cho đệ tử. Xin ngài hứa cho.
Siddhatta chắp tay đáp lễ:
- Bần đạo xin hứa là khi nào tìm ra được đạo, bần đạo sẽ trở về chia
xẻ với đại vương.
Cuộc tiếp kiến chấm dứt. Vua Bimbisara cúi chào vị sa môn rất thấp
và cùng tên cận vệ xuống núi.
Sa môn Gotama rời bỏ chỗ ẩn cư của ông ngay sau ngày hôm đó. Ông
không muốn bị bận rộn vì sự lui tới cúng dường của hoàng gia. Hướng
về phía Nam, ông đi tìm một nơi khác thuận lợi cho sự tu tập. Nhờ
người mách bảo, ông tìm tới đạo tràng của đạo sĩ Uddaka Ramaputta.
Ông nghe nói đạo sĩ có chứng đắc cao siêu lắm. Đạo tràng của đạo sĩ
Ramaputta không xa thủ đô Rajagaha mấy. Đạo sĩ có tới gần bảy trăm
vị đệ tử, ba trăm tu học tại chỗ và gần bốn trăm tu học tại những cơ
sở địa phương.
C15. Khổ hạnh lâm
Đạo sĩ Uddaka tuổi đã bảy mươi lăm. Ông được mọi người tôn sùng như
một vị thánh sống. Ông muốn mọi người phải tu học theo từng giai
đoạn từ thấp lên cao. Và vì vậy sa môn Siddhatta phải làm lễ nhập
môn và học lại từ những bài thực tập dễ dàng nhất.
Chỉ trong vòng vài tuần lễ, Siddhatta đã chứng minh được cho vị đạo
sư mới của mình rằng định vô sở hữu xứ ông đã thành tựu được
và ông mong rằng đạo sư sẽ dạy cho ông con đường có thể đi xa hơn
nữa. Trông thấy diện mạo của Siddhatta, và nghe Siddhatta trình bày
kiến giải của mình, đạo sĩ Uddaka rất đỗi vui mừng. Ông thấy nơi vị
sa môn trẻ này con người có thể thừa kế sự nghiệp của ông một cách
xuất sắc. Ông đổi cách tiếp đãi với Siddhatta và bắt đầu xem
Siddhatta như một người tri kỷ. Ông ôn tồn chỉ dạy cho Siddhatta rất
cặn kẽ:
- Này sa môn Siddhatta Gotama, trong định vô sở hữu xứ, cái
không không còn là không gian, cái không cũng không
còn là tâm thức nói chung, mà chỉ còn là tri giác. Tri giác tức là
tưởng. Mà còn tưởng tức là còn đối tượng của tưởng. Còn tri
giác là còn đối tượng của tri giác. Vậy thì con đường thoát của
chúng ta là vượt được tri giác.
Siddhatta cung kính hỏi lại:
- Thưa thầy, nếu loại bỏ tri giác thì cái gì còn lại ? Không có tri
giác thì khác gì vật gỗ đá vô tri ?
- Gỗ đá vô tri cũng không phải là không tri giác. Gỗ đá vô tri vẫn
là tri giác. Ta phải đạt tới một trạng thái tâm lý trong đó cả hai ý
niệm về hữu tri và vô tri đều được loại trừ. Đó là trạng thái phi
tưởng phi phi tưởng. Sa môn Siddhatta Gotama, ông hãy về thực
hiện cho được trạng thái đó của tâm.
Siddhatta lĩnh ý. Chỉ trong vòng mười lăm hôm, ông đã thực hiện được
định phi tưởng phi phi tưởng.
Định này, theo Siddhatta, cho ta có cảm tưởng là ta đạt tới một cảnh
giới của nhận thức vượt ra ngoài mọi nhận thức thông thường. Nhưng
mỗi khi ra khỏi định, ông thấy cái nhận thức phi thường này vẫn
không thay đổi gì cái tình trạng của thực tại sinh tử. Định ấy chỉ
là một nơi trú ẩn mà không phải là một chìa khóa mở cửa thực tại.
Khi Siddhatta trở lại với đạo sư Uddaka Ramaputta thì được ông này
hết sức khen ngợi. Sau khi biết Siddhatta đã thực hiện được định
phi tưởng phi phi tưởng, Uddaka nắm tay Siddhatta:
- Sa môn Gotama là người hành giả thông minh nhất mà tôi đã được
gặp từ trước đến giờ. Ngài đã đi những bước thật lớn, và đi rất mau
lẹ. Ngài đã đạt được cái quả vị cao nhất mà tôi đã đạt. Tôi đã già
rồi, và đã gần đất xa trời. Nếu ngài ở lại đây, chúng ta sẽ cùng
nhau quản lý đại chúng này và mai kia khi tôi qua đời rồi ngài sẽ
thay tôi lãnh đạo đồ chúng.
Cũng như lần trước, Siddhatta ngỏ lời khéo léo để từ tạ. Ông biết
định phi tưởng phi phi tưởng không phải là chìa khóa mở được cánh
cửa giải thoát sanh tử. Ông phải từ giã. Nhưng trước khi từ giã, ông
hết lòng cảm tạ vị thầy mới và các vị bạn đạo mới. Ai cũng tỏ vẻ
quyến luyến và tiếc rằng vị sa môn đĩnh ngộ và tài năng này không ở
lại với họ.
Trong thời gian tu học tại đạo tràng Uddaka Ramaputta, Siddhatta đã
làm quen với một vị sa môn trẻ tên là Kondanna. Kondanna rất mến
phục Siddhatta, không những xem Siddhatta là một người bạn mà còn
xem Siddhatta là một bậc thầy. Trong đồ chúng, chưa ai đạt được tới
định vô sở hữu xứ đừng nói đạt tới định phi tưởng phi phi
tưởng xứ như Siddhatta. Vị sa môn tân học Siddhatta đã được thầy
của Kondanna đối xử như một người tri kỷ. Kondanna biết như thế. Mỗi
lần nhìn Siddhatta, Kondanna lại thấy thêm vững niềm tin. Bởi vậy
nên ông đã nhiều lần tìm cách thân cận Siddhatta để học hỏi. Do đó
mối tình đồng đạo giữa hai người mỗi ngày mỗi trở nên khắn khít. Bây
giờ Siddhatta ra đi, Kondanna không khỏi không buồn tiếc. Ngày
Siddhatta lên đường, vị sa môn này đã đưa ông xuống núi. Đợi cho
Siddhatta đi khuất, ông mới trở lên.
Biết rằng có đi tham vấn bao nhiêu vị đạo sư đi nữa mình cũng không
học hỏi thêm được điều gì đáng kể, sa môn Siddhatta quyết định trở
về tìm kiếm chìa khóa giác ngộ ngay trong tự tâm mình.
Hướng về phía Tây, Siddhatta vượt những cánh đồng lúa, những vũng
bùn lầy lội, những đầm nước đọng và những dòng suối đục ngầu. Lội
qua sông Neranjara, ông đi băng qua một cánh đồng nữa thì tới ngọn
núi Dungsiri thuộc địa phận tụ lạc Uruvela. Ở đây có nhiều hang
động. Có những dốc đá cheo leo. Có những rặng núi hình răng cưa. Có
những tảng đá thật lớn, lớn bằng những túp nhà của dân nghèo trong
tụ lạc. Siddhatta quyết định lưu lại đây một thời gian để hạ thủ
công phu, quyết tìm cho ra nẻo thoát. Ông tìm được một cái hang động
khá tốt để ngồi tĩnh tọa. Ngồi trong hang, Siddhatta duyệt lại lịch
trình học đạo của ông. Ông nhớ rằng ông đã từng khuyên nhủ các nhà
tu khổ hạnh đừng hành hạ xác thân họ, vì hành hạ xác thân như thế
chỉ gây thêm khổ đau, trong khi cuộc đời đã có quá nhiều đau khổ
rồi. Nhưng hôm nay ông muốn xét lại điều ấy một cách kỹ lưỡng hơn.
Ngồi trong hang đá, ông tự bảo:
- Với một miếng gỗ mềm và ướt thì ta không thể nào cọ xát làm cho
lửa phát sinh được. Thân thể ta cũng vậy. Nếu thân thể còn bị vật
dục khống chế thì tâm ta khó có thể đạt tới giải thoát. Ta hãy thử
tìm cách chế ngự thân thể ta xem sao.
Sa môn Gotama bắt đầu thực hành những phương pháp chế ngự thân thể.
Có những hôm, ông tìm tới những nơi thật thanh vắng trên rừng sâu,
những nơi mà có người chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ để rợn ốc trên người
và tóc sau gáy dựng lên, để ngồi suốt đêm. Thỉnh thoảng cái sợ đến
và xâm chiếm cả thân tâm ông, nhưng ông vẫn ngồi yên, không hề nhúc
nhích. Có khi trong đêm tối đen, một con nai sột soạt tới gần. Cái
sợ của ông nói với ông rằng đó là một con quỷ dạ xoa hiện đến đoạt
mạng. Nhưng ông vẫn gan lì ngồi yên không nhúc nhích. Có khi trong
đêm đen một con chim phụng đạp gãy một cành khô. Cái sợ của ông nói
với ông rằng đó là một con trăn sắp trườn xuống và quấn chặt lấy
ông. Nhưng ông vẫn gan lì ngồi yên không nhúc nhích, mặc cho cái sợ
chạy rần rần trên da đầu ông như một bầy kiến lửa.
Ông tập như vậy để có thể vượt thắng sự sợ hãi. Ông nghĩ rằng một
khi xác thân vượt thoát được những cám dỗ rồi thì tâm ý cũng có thể
vượt thoát được những ràng buộc của khổ đau.
Có khi ông ngồi ngậm cứng miệng lại, để lưỡi sát vào họng trên, dùng
tâm ông để điều phục niềm thao thức bồn chồn trong tâm ông, như hai
người lực sĩ đè bẹp một người yếu đuối, và bắt người yếu đuối này
phải thốt lời khuất phục. Dùng tâm mà đàn áp tâm kiểu ấy trong một
hồi thì mồ hôi chảy ra ướt hết cả mình mẩy ông. Tuy vậy, dù niệm lực
có mạnh, dù ý chí đầy dẫy, dù những đau khổ gây ra trên thân xác có
da diết tới cách nào đi nữa thì tâm ông vẫn không đạt tới sự an
tịnh.
Có khi ông vừa thực tập vừa nín thở, không thở ra cũng không thở
vào. Khi thực tập như thế, ông nghe tiếng gió mạnh như vũ bão phát
ra trong đầu ông, từ hai lỗ tai đi vào, âm thanh giống như âm thanh
của một chiếc lò rèn đang được thụt lửa. Những luồng gió hung dữ
xoáy mạnh trong đầu óc ông và đầu ông đau như có ai lấy lưỡi rìu bửa
ra làm hai mảnh. Có khi đầu ông đau như bị ai lấy một cái niềng sắt
niềng lại. Bụng ông đau như một con bò bị người đồ tể lách lưỡi dao
nhọn quanh sườn. Thân thể ông đau như bị người ta túm lấy và đem
nướng trên một lò than đang cháy rực.
Những lúc thực tập để chế ngự thân thể như thế, dù ý chí và năng
lượng đầy dẫy, dù niệm lực hùng hậu, dù xác thân ông có đau đớn cực
độ, tâm ông cũng không nhờ vậy mà được an ổn hơn lên.
Sa môn Gotama thực tập khổ hạnh như vậy trong gần sáu tháng. Trong
ba tháng đầu chỉ có một mình ông thực tập khổ hạnh trên núi. Đến
tháng thứ tư, có năm vị sa môn đệ tử của đạo sư Uddaka Ramaputta tìm
tới cùng tu với ông. Sa môn Kondanna là người lãnh đạo nhóm này. Gặp
lại Kondanna, Siddhatta rất vui. Kondanna cho biết là một tháng sau
khi Siddhatta từ giã, chính Kondanna cũng đã thực hiện được định
phi tưởng phi phi tưởng xứ và nghĩ rằng mình sẽ không học được
gì thêm từ đạo sĩ Uddaka. Nghĩ vậy, ông đã rủ bốn người bạn thân đi
tìm Siddhatta. Sau hơn một tháng trời tìm kiếm họ đã may mắn tìm ra
Siddhatta. Họ ngỏ ý muốn ở lại tu học với ông và dưới sự hướng dẫn
của ông bởi vì họ tin tưởng nơi ông. Siddhatta đành phải chấp nhận.
Ông giải thích cho họ biết tại sao ông đang thí nghiệm con đường
điều phục thân xác. Nghe xong, cả năm người cùng quyết thực tập
theo.
Bốn vị sa môn đi theo Kondanna cũng đều là những vi sa môn còn trẻ.
Họ tên là Vappa, Bhaddiya, Assaji và Mahanama. Mỗi người tìm một cái
hang đá để ở; hang của họ không xa nhau là mấy. Mỗi ngày chỉ một
người đi khất thực thôi, và phần ăn của một người được chia ra làm
sáu. Thức ăn hàng ngày của mỗi người rất ít, và có thể để gọn trong
lòng bàn tay trái khẳng khiu của một người.
Ngày tháng qua đi. Thân thể cả sáu người đều hao gầy đi rất nhiều.
Có những lúc Siddhatta thực tập khống chế hình hài đến nước năm
người bạn tu phải khiếp đảm. Họ thấy trong bất cứ pháp môn tu tập
nào họ cũng không theo kịp Siddhatta. Những tháng gần đây, Siddhatta
bỏ luôn cả việc đi tắm dưới sông Neranjara. Ông bỏ luôn phần thực
phẩm được chia cho ông. Có ngày, ông chỉ ăn một trái ổi thối mà ông
lượm được dưới chân ông. Có khi ông chỉ ăn một miếng phân bò khô
trên bờ ruộng. Thân hình ông tiều tuỵ quá, chỉ còn da bọc lấy xương.
Bao nhiêu xương sườn của ông đều lộ rõ ra, ai cũng có thể đếm được.
Râu tóc ông để dài cả sáu tháng nay, ông không hề cạo. Có khi ông
đưa tay lên sờ đầu và thấy tóc ông rụng xuống từng mảng như là những
sợi tóc ấy không còn chỗ để đứng trong da đầu ông.
Cho đến một hôm đó, ngồi thiền định trong bãi tha ma dưới chân núi,
Siddhatta bừng tỉnh, thấy được rằng con đường khổ hạnh là con đường
sai lầm.
Nắng đã tắt và gió chiều nhè nhẹ tới mơn trớn trên làn da ông. Đã
ngồi trọn một ngày trong nắng, bây giờ Siddhatta thấy làn gió mát
dịu lạ thường. Và ông thấy tâm hồn ông sảng khoái hơn ban ngày nhiều
lắm. Ông nhận ra rằng thân và tâm là một thực thể không thể tách rời
ra được và sự an lạc của thân có liên hệ tới sự an lạc của tâm. Hành
hạ xác thân cũng là hành hạ tâm trí.
Ông nhớ đến thời niên thiếu, hồi ông mới lên chín tuổi, lần đầu tiên
ông ngồi yên lặng dưới bóng mát cây hồng táo trong ngày lễ cày ruộng
đầu năm. Cảm giác hồi ấy là một cảm giác an lạc, làm cho ông tỉnh
táo và sáng suốt lạ thường. Ông cũng nhớ lại lúc ông ngồi tập thiền
lần đầu tiên trong rừng ngay khi Channa người hầu cận ông vừa từ giã
ông. Và những ngày đầu khi tập thiền với đạo sư Alara Kalama : những
buổi thiền tập ấy nuôi dưỡng thân tâm ông, tạo cho ông rạt rào nghị
lực. Ông nhớ sau đó nghe lời đạo sĩ Alara Kalama ông phải bỏ pháp
lạc trong thiền để đạt tới những trạng thái thiền định trong cõi vô
sắc như không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, và phi
tưởng phi phi tưởng xứ, luôn luôn tìm cách tách rời khỏi thế giới
của thọ và tưởng, nghĩa là của cảm giác và tri giác. Ông tự bảo:
- “Tại sao ta phải mãi mãi nương theo truyền thống của kinh điển?
Tại sao ta lại sợ hãi những an lạc do thiền định đưa tới ? Những an
lạc ấy không dính líu gì hết với năm loại dục lạc thường có tác dụng
che lấp tâm trí. Trái lại, những an lạc ấy có thể nuôi dưỡng hình
hài và tâm hồn ta để ta có thể có đủ sức mạnh mà đi xa trên con
đường giác ngộ".
Sa môn Gotama quyết định sẽ bồi dưỡng lại sức khỏe và sẽ xử dụng
thiền duyệt làm thức ăn cho thân tâm. Ông định ngày mai sẽ đi khất
thực trở lại. Và ông sẽ tự mình làm thầy cho mình, không muốn nương
tựa vào một ai khác. Nghĩ như thế, ông ngả lưng dựa trên một mô đất,
an tâm tìm giấc ngủ. Lúc ấy trăng mười bốn vừa lên. Trời trong không
một gợn mây, và dòng ngân hà hiện ra rất rõ.
Ông thức dậy sáng hôm sau, khi chim chóc đã bắt đầu ca hát. Sa môn
Gotama đứng dậy, và nhớ lại những suy tưởng chiều qua. Ông nhìn lại
ông. Thân thể ông dính dầy bụi đất, vì đã lâu ông không hề tắm gội.
Chiếc áo ca sa của ông đã rách nát không đủ để che thân. Ông chợt
nhớ ngày hôm qua khi tới nghĩa địa để ngồi thiền, ông có thấy thi
thể một người chết được quàng tại đó và trên thi thể ấy người ta đã
phủ lên một tấm vải lớn màu gạch non. Ông đưa mắt nhìn. Cái xác vẫn
còn đó và tấm vải màu gạch vẫn còn đó. Có thể là hôm nay hoặc ngày
mai người ta sẽ đưa xác này ra bờ sông để làm lễ hỏa táng và tấm vải
sẽ không còn cần thiết. Sa môn Gotama quyết định tới xin tấm vải kia
để dùng làm chiếc ca sa mới. Ông bước tới. Ông đứng yên mật niệm,
quán tưởng về sinh tử. Rồi ông đưa tay nhẹ rút tấm vải lên. Thi hài
của một cô gái chừng hai mươi tuổi lộ ra, tím bầm.
Cầm tấm vải, Siddhatta đi về hướng bờ sông. Ông có ý định xuống sông
tắm gội cho sạch sẽ và đồng thời giặt sạch tấm vải để quàng lên
người thay thế cho chiếc ca sa đã rách bươm.
Nước sông rất mát và Siddhatta thấy rất dễ chịu. Ông chấp nhận cảm
giác dễ chịu của ông, ông đón chào cảm giác này với một tâm trạng
mới. Ông tắm khá lâu. Rồi ông đem tấm vải ra giặt và vắt cho thật
khô.
Khi ông lội vào bờ thì sức ông đã kiệt. Bờ sông hơi cao và ông không
đủ sức tự mình leo lên. Ông phải đứng yên lặng hồi lâu để thở. Nhìn
sang bên trái ông thấy có một cây sà xuống, có những đọt lá xòe ra
gần đụng mặt nước. Ông lội từng bước về phía ấy, rồi níu lấy cành
cây leo lên bờ.
Leo được lên bờ sông ông ngồi xuống nghỉ. Nắng đã lên. Ông trải tấm
vải ra để phơi. Nắng bắt đầu gay gắt. Thấy tấm vải đã khô, sa môn
Siddhatta choàng nó vào người. Ông đã có ca sa mới. Theo con đường
đưa vào xóm Uruvela, ông đi tới.
Nhưng đi chưa được nửa đường thì sa môn Gotama kiệt sức. Ông thở hào
hển. Và cuối cùng, ông ngã xuống, bất tỉnh.
Ông nằm bất tỉnh như vậy một hồi lâu thì có một cô bé trong xóm đi
tới. Cô bé chừng mười ba tuổi. Sujata được mẹ giao phó đem sữa, bánh
và đề hồ vào khu rừng bên sông để cúng cho thần linh. Và Sujata thấy
vị sa môn nằm bất tỉnh trên con đường bờ sông, bụng còn thoi thóp
thở. Nhìn Siddhatta, cô bé biết nhà tu khổ hạnh này đã kiệt sức. Cô
quỳ xuống đổ sữa vào miệng ông.
Khi những giọt sữa ngon ngọt thấm được vào lưỡi và cổ họng,
Siddhatta đáp ứng ngay. Ông chấp nhận cảm giác dễ chịu do sữa tạo
nên và chầm chậm uống hết bát sữa. Chỉ trong vòng mấy mươi hơi thở
sau đó ông tỉnh táo hẳn và ngồi dậy được.
Và ông ra hiệu cho Sujata rót thêm cho ông một bát sữa thứ hai.
Những bát sữa phục hồi được sức lực của ông rất mau chóng. Siddhatta
quyết định bỏ hang động nơi ông tu khổ hạnh và dời về khu rừng êm
mát bên bờ sông để hành đạo. Ông ăn uống trở lại bình thưòng. Có khi
Sujata đem thức ăn vào rừng để cúng dường. Có khi ông cầm bát đi vào
làng để khất thực. Mỗi buổi chiều ông đều có xuống tắm ở sông
Neranjara. Mỗi ngày ông đều có đi thiền hành bên bờ sông. Thì giờ
còn lại ông dành cho việc thiền tọa.
Tự mình tìm kiếm con đường, buông bỏ mọi uy quyền của truyền thống
và kinh điển, Siddhatta trở về xử dụng tất cả những kinh nghiệm
thành bại của chính ông. Ông không e ngại gì nữa về sự xử dụng thiền
duyệt để nuôi dưỡng thân tâm. Mức độ an lạc của ông tăng tiến hàng
ngày. Không tìm cách xa lìa và trốn tránh cảm giác và tri giác, và
dùng định lực quán chiếu vào cảm giác và tri giác cùng với những đối
tượng của chúng.
Một hơi thở, một tiếng chim kêu, một tờ lá, một tia nắng mặt trời
... tất cả đều có thể trở thành đối tượng của công trình quán chiếu.
Rời bỏ ý định thoát ly thế giới hiện tượng, ông trở về để có mặt sâu
sắc trong thế giới hiện tượng. Ông bắt đầu thấy rằng chìa khóa của
sự giải thoát nằm ngay trong từng hơi thở, từng bước chân hoặc từng
hạt sỏi bên đường. Ông thấy rằng thế giới hiện tượng và thế giới bản
thể là một.
Sa môn Gotama đi từ sự quán chiếu cơ thể qua sự quán chiếu cảm giác,
rồi đi từ sự quán chiếu cảm giác sang sự quán chiếu tri giác cùng
những hiện tượng sinh diệt khác của tâm ý. Cuối cùng ông tìm thấy
tính cách bất nhị của thân tâm. Thân thể không còn là một thực tại
riêng biệt nữa. Mỗi sợi tóc cũng là tâm, mỗi tế bào trong cơ thể đều
chứa đựng đủ trí tuệ của vũ trụ và hành giả chỉ cần nhìn sâu vào một
hạt bụi, chân tướng của vũ trụ cũng phải hiện nguyên hình trước ánh
sáng quán chiếu của hành giả. Chân tướng của hạt bụi chính là vũ trụ
và ngoài hạt bụi, vũ trụ không thể nào có mặt. Sa môn Gotama vượt
thoát ý niệm về ngã, về atman, và ông giật mình thấy rằng đã từ bao
nhiêu lâu nay ông đã từng bị ý niệm về atman của tư tưởng Vệ
Đà khống chế. Thực tướng của vạn hữu là vô ngã, là anatman.
Một từ ngữ không phải để chỉ định một vật thể, mà là một lưỡi búa
tầm sét đập tan xích xiềng của sự cố chấp. Nắm lấy nguyên tắc vô
ngã, Siddhatta như vị tướng lãnh có lưỡi gươm thần trong tay, đi vào
trận địa của thiền quán như đi vào chỗ không người. Dưới gốc cây cổ
thụ, ngày cũng như đêm, ông đạt tới những cái thấy tóe sáng như sấm
sét trên thái không.
Trong khi ấy, năm người bạn đồng tu đã bỏ ông đi mất. Họ từng thấy
ông thọ lãnh thức cúng dường bên bờ sông. Họ đã thấy ông cười nói
với một cô bé, uống sữa, ăn cơm và mang bát vào làng khất thực.
Kondanna đã nói với các bạn : Siddhatta không còn là kẻ mà ta có thể
trông cậy. Siddhatta đã nửa chừng bỏ dở công phu tu hành. Siddhatta
bây giờ chỉ lo bổ dưỡng xác thân và tìm sống những ngày nhàn hạ.
Chúng ta hãy bỏ Siddhatta và tìm tới nơi khác tu hành. Ta cũng không
cần tiếp tục tu theo phương pháp mà Siddhatta đã đề nghị mấy tháng
về trước.
Chỉ khi năm người bỏ đi rồi, sa môn Gotama mới nhận thấy sự vắng mặt
của họ. Được khích lệ bởi cái nhìn mới, Siddhatta đã để hết thì giờ
vào việc hạ thủ công phu mà chưa có dịp nào đi giải thích với các
bạn đồng tu. Ông tự nhủ : các bạn hiểu lầm ta, nhưng ta không cần lo
tới việc minh oan. Ta hãy dốc lòng tìm cho ra đạo. Rồi sau đó ta sẽ
đi tìm họ và giúp cho họ. Nghĩ như thế, ông trở về với công phu
thiền quán hàng ngày của mình.
Chính trong những ngày mà ông đạt tới những tiến bộ lớn trên con
đường tầm đạo thì chú bé chăn trâu Svastika tìm tới. Ông đã vui vẻ
nhận những nắm cỏ tươi của chú bé mười một tuổi dâng cúng. Tuy
Sujata, Svastika và bạn bè của các em là những đứa bé, Siddhatta đã
cũng có thể chia xẻ được một phần nhỏ cái thấy của ông với chúng. Và
ông mừng rỡ thấy bọn trẻ thiếu học ở thôn quê có thể hiểu được và
thấy được ánh sáng của những điều ông mới tìm ra. Ông linh cảm rằng
chỉ trong một thời gian ngắn nữa là cánh cửa giác ngộ hoàn toàn sẽ
mở rộng, bởi vì ông đã nắm trong tay chiếc chìa khóa mầu nhiệm của
cánh cửa ấy : tự tính duyên sinh và vô ngã của vạn hữu.
Xem
tiếp>> |