Hoàng Trọng Cang
anh về cõi Phật thênh thang
Hoàng Trọng Cang với tôi là huynh trưởng, là người thân trong gia
đình. Và sau cùng, là bạn tù nhiều năm khắc nghiệt, nằm cạnh chia
nhau tấm chiếu nhỏ chỉ đủ nằm nghiêng người. Sau hết, bỏ qua danh
xưng và liên hệ, Hoàng Trọng Cang là người tôi rất thương, rất phục
mà nghiệp duyên đưa đẩy có một thời gian sống gần. Một người đã để
lại trong tôi những kỷ niệm mà mỗi khi nhớ lại thấy vui và ấm.
Anh Hoàng Trọng Cang là một huynh trưởng từ những ngày đầu của Gia
Đình Phật Tử.
Tôi nghe danh và chưa thấy mặt từ lúc tôi còn là một thiếu niên thơ
dại của GĐPT Gia Thiện. Anh là con chim đầu đàng của GĐPT Tịnh
Trang. Anh cùng lứa, cùng thời với các anh chị huynh trưởng đã để
lại sự kinh phục và ngưỡng mộ của tuổi trẻ chúng tôi. Không chỉ lúc
đó mà đến cả bây giờ, những năm cuối đời. Có thể nói phong cách, tài
năng và đạo tâm của các anh các chị đã ảnh hưởng đến tư duy và hành
động tích cực của bao nhiêu người trẻ. Các anh Văn Đình Hy, Lữ Hồ,
Đổ Kim Bảng, Phan Cảnh Tuân, Văn Giảng, Phạm Mạnh Cương, Nguyễn Khoa
Dánh... Các chị Hoàng Kim Cúc, Tống Tịnh Nhơn... Tuổi trẻ của chúng
tôi thật trong sáng, lành mạnh và hạnh phúc. Chúng tôi được diễm
phúc và mang ơn các anh các chi, trong đó có huynh trưởng Hoàng
Trọng Cang.
Lúc còn là đoàn viên cho đến khi trở thành người huynh trưởng thương
yêu của các em nhỏ, chúng tôi đã hát, đã vỗ tay nhịp nhàng với tất
cả niềm vui theo những bài ca thật bình dị, đơn giản, dễ nhớ. Âm
thanh tươi sáng hồn nhiên của các ca khúc được hát lên với tấm lòng
tin đạo, yêu đời. Dòng A Nô Ma, Chim bốn phương, Đoàn Sen Non, Mưa
Đông Rơi... Những ca khúc mà chúng tôi đã hát lên trong suốt hàng
chục năm khi còn là măng non; những ca khúc mà bây giờ những cội tre
già đôi khi bất chợt nhớ, một mình khe khẻ hát vẫn thấy hay và rung
động về những tháng ngày thơ và mộng. Những ca khúc bất tử đó của
nhạc sĩ Hoàng Cang, mà mãi sau này tôi mới biết là của Hoàng Trọng
Cang. Giản dị và chân tình. Đó là phong cách của các ca khúc, phản
ảnh chân thật nếp sống ngày thường trong đối xử và hành xử của anh.
"Chúng ta là chim bốn phương bay về đây
Về đây chúng ta sống trong đạo thiêng
Chúng ta là mây gió mang đi ngàn phương
Nguyện đem gieo rắc khắp nơi ánh vàng"
(Chim Bốn Phương-Hoàng Trang)
Mục đích của GĐPT hàng trăm trang sách. Hoàng Trang gửi và được các
em nhớ và tâm niệm đến cả đời chỉ có thế. Trọn vẹn đến ngạc nhiên!
Ngày Phật Đản Sinh nơi Thành Ca Tỳ La Vệ. Ngày Thái tử Tất Đạt Đa
qua sông Anoma từ giã lời cuối với người hầu Xa Nặc để tìm đạo
sáng...
Đời của của đức Thế tôn, Hoàng Trọng Cang gói gọn tất cả trong những
dòng nhạc và ca từ mà hát mãi, hát hoài các em và các anh, các chị
vẫn thấy thích. Và nay, vẫn thấy, vẫn tìm về trong đó những kỷ niệm
một thời đã qua mà để lại suốt đời.
"Thành Ca Tỳ La sống yên vui đời Tịnh Vương
Người người sung sướng Thích Ca ngài vừa ra đời
Muôn chim đón mừng, lá hoa hương ngạt ngào
Nơi Lâm Tì Ni còn ghi bao ngày vui…
Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh
Nhìn làn nước biếc Thích ca ngài lòng vững bền
Thôi, con hãy về để ta vui ánh vàng
Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh
A Nô Ma đến nay chúng sinh vẫn nhắc hoài
Chúng ta giờ đây nguyện theo đức Từ Bi"
(Dòng A Nô Ma-Hương Trang)
Để cho các em biết thương người nghèo khó, để sống cả đời theo hạnh
từ bi, lắng nghe mấy câu hát mẫn cảm rất thực sau đây, bức tranh âm
thanh có giá trị bằng ngàn lời khuyên dạy.
“…Mưa đông rơi từng cơn trong gió rét buốt
Có những em chưa từng vui sống nô đùa
Đi lang thang lạnh lùng trong gió rét buốt
Bán bánh mì kiếm tiền về nuôi mẹ gìà…
…Nào ai vui sướng ấm cùng no
Nhìn bao em ấy lòng xót chăng !”
(Mưa đông rơi- Hoàng Trang)
Sau hơn nửa thế kỷ, từ ngày đến chùa sinh hoạt cho đến bây chừ còn
nhớ được chừng đó. Chừng đó là hành trang Hoàng Cang để lại trong
tôi, trong các em từ ngày ấy. Cho dù mọi chuyện mọi việc gần như đã
về nơi tàng thức, nhớ Hoàng Trọng Cang may mắn lắm chữ còn chữ mất.
Vĩnh biệt Huynh trưởng Hoàng Trọng Cang, vĩnh biệt Nhạc sĩ Hoàng
Cang. Cho dù bao năm tháng nữa trôi qua, ca khúc của anh vẫn còn
tiếp tục vang xa trong sân chùa mỗi khi anh chị em Phật Tử quay quần
sum họp.
Hoàng Trọng Cang với tôi còn là người thân trong gia đình.
Cang cưới Tôn Nữ Huệ, con gái đầu của anh chị Tôn Thất Ngô, anh bà
con bên ngoại, nên gọi tôi bằng chú. Không phải riêng tôi mà như hầu
hết, liên hệ bên ngoại hình như gần gũi thân tình hơn bên nội. Mạ
tôi rất thương anh chị em của Huệ, đặc biệt Huệ hiền và thường cười
rất dòn khi gặp. Ngôi nhà ở Chương Đức còn ghi lại nhiều kỷ niệm.
Cưới nhau chưa được bao lâu thì Vợ mang trọng bệnh điều trị ở nhà
thương Grall, Saigon. Cang là người chồng mẫu mực thủy chung tận tụy
thương lo cho vợ. Người bạn đường đồng hành tri kỷ trên con đường
Đạo. Tôi chưa từng thấy Cang…không cười. Trong nhiều năm qua, Cang
gánh bệnh bất thần. Con hiếm mà lại ở xa. Huệ tiều tụy nuôi chồng.
Người xe lăng lo người nằm liệt. Vĩnh biệt Hoàng Trọng Cang, một
người cháu thường gọi tôi là chú nhưng tôi chưa hề gọi là cháu mà
chỉ gọi là…anh.
Hoàng Trọng Cang, người bạn tù cùng chiếu.
Sau nhiều lần chuyển trại, từ Sơn la chúng tôi về Vĩnh Phú. Hai năm
cuối ở đây, tôi và Cang ở cùng đội. Sắp xếp tình cờ, hai chú cháu
nằm cạnh nhau. Cùng chia nhau chiết chiếu rách. Để tránh rắc rối
liên hệ khi khai báo, hai chú cháu bàn nhau chỉ gọi nhau là anh như
người xa lạ. Chỉ những khi còn hai người, thì Cang thân mật cười
hiền gọi tôi là chú. Cang là người tù thầm lặng. Hoà nhã với mọi
người. Ngày nghỉ và những lúc rỗi rãnh thường kiên nhẩn vá áo quần.
Cang được giao trông coi khu trồng trọt của nhà bếp. Đúng việc đúng
người. Có lẽ anh có tu nên trong nghịch cảnh tù đày vẫn có nơi để
hành thiền và an trú. Vườn ớt, su hào, hành tỏi…mùa nào cây đó. Xuân
Hạ Thu Đông chậm trôi. Có lần vợ tôi lặn lội ra thăm. Gặp nhau giây
phút rồi ấm ức buồn đau chia tay. Tôi thật sự rơi vào trầm uất nhớ
thương chưa hề trãi nghiệm. Cố nén để không ai thấy, tránh bị đồng
đội đem ra kiểm điểm “không an tâm tư tưởng”. Ra vườn ớt. Cang lom
khom nhổ cỏ. Nhìn tôi với nụ cười thanh thoát và như hiểu hết tâm
trạng. “Vui lên đi. Vui lên đi. Vui lên đi !!!” Nghe Cang nổ một
tràng, tôi bỗng dưng như được châm cứu nhẹ người.
Cho dù đã mấy chục năm trôi, hôm nay ngồi ở đây, Chicago đang đầu
xuân mà trời trở gió mạnh, cây cối đang ngã nghiêng, tôi vẫn nhớ và
nhớ rất rõ nụ cười của Cang bên luống ớt đỏ rực trong trại tù Vĩnh
Phú. Vĩnh biệt Hàng Trọng Cang, người bạn tù biệt xứ.
Và sau hết, Hoàng Trọng Cang với tôi là đạo hữu chí tình.
Sau khi tù về, Hoàng trọng Cang, với chiếc xe đạp cọt kẹt, thường
chở cô Huệ ghé thăm nhà tôi trong ngõ hẹp. Đã truyền cho tôi phương
pháp hít, nín, thở bằng bụng mà tôi đã áp dụng từ ngày còn trong
trại tù cho đến bây giờ. Là người giỏi kinh kệ nên Cang cũng đã giải
đáp những thắc mắc của tôi.
Tôi còn nhớ chị cả Hoàng Kim Cúc và các anh Tuân, Từ, Lộc..
đến dự lễ Một Trăm Ngày mất của Lữ Hồ tại chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận.
Khi ra về chị Cúc bị tại nạn giao thông, chở ra Huế thì mất. Cúng
tuần cho chị được các anh tổ chức thay đổi qua các chùa khác nhau để
tránh công an theo dõi. Những ngày đó tôi và Cang đều có dự. Và,
sinh hoạt sau cùng còn rất nhớ là đám ma anh Văn Đình Hy. Dù biết
mọi sự khởi từ duyên nghiệp, nhưng trước linh cửu anh Hy, có lẽ
không riêng tôi mà những người bạn, người em có mặt thật bùi ngùi
thương nghĩ đến chị Tịnh Nhơn và tình duyên thật đẹp một thuở của
hai người.
Khi ra hải ngoại chúng tôi cũng ít khi liên lạc. Lần đầu tôi biết
pháp danh của anh là Nguyên Phương khi cùng viết cho đặc san của
Miền Vĩnh Nghiêm do cố Nhạc Sĩ Ngô Mạnh Thu phụ trách. Quan hệ với
miền Vĩnh Nghiêm vì khi vào Saigon một thời gian tôi sinh hoạt với
GĐPT Minh Tâm tại chùa Phước Hoà, Bàn cờ. Ở đây có thêm anh Phạm
Mạnh Cương và anh Trần Thanh Hiệp lui tới.
Nghe anh đau bệnh, nhiều lần gọi cô Huệ nhưng ít khi được trả lời.
Qua cô em Quy Nhơn mà biết được bệnh tình. Cách đây mấy tuần bạn bè
cùng lớp gọi nhau về gặp ở Houston nhân ngày Phượng Vỹ. Dự tính sẽ
gọi Cao Cự Hậu, em Hoàng Nguyên Cao Cự Phúc, cũng là cháu của tôi và
Huệ, thu xếp để cùng nhau đi Dallas ghé thăm cho được vợ chồng Hoàng
Trọng Cang. Thăm chưa được thì được tin anh đã đi. Anh đã thênh
thang nơi cõi
Phật.
Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.
Ninh Hạ
May 23 2013
|