.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 

  Phan Quân

 

Thân tình vi ông Hoàng Đỏ

 

  • 1.07.2006

Kira Allilouïeva 87 tuổi, cháu vợ Staline

Kira Allilouïeva 87 tuổi, cháu vợ Staline

Sống trên đời, người nào làm cháu ông bự chắc là đẻ bọc điều, kiếp trước khéo tu, được người người ưu đãi, thiên hạ nâng niu, gia đình ông bự hết lòng nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Còn có được người đời quý trọng hay không là chuyện hồi sau phân giải.

Thế nhưng, trời đất cũng công bằng, mỗi mỗi đều có bù trừ, bằng không thì người nghèo cứ mạt kiếp, người giàu cứ sang trọng hoài thì làm sao mà chịu cho thấu. Bằng không thì những lời thán oán, những tiếng kêu trời, những bàn chưn dậm đất cứ ồn ào lên thì thánh thần, tiên Phật làm sao mà yên tâm được nơi cõi trên?!

Vì vậy cho nên, cũng có những trường hợp con bà lớn, cháu ông bự đôi khi gặp phải những ngoại lệ, chẳng giống ai. Miệng thế gian, ăn mắm ăn muối, thẳng thừng phê ngay cho một câu là kiếp trước có tu nhơn, nhưng mà dòng họ chẳng chịu tích đức. Chắc có lẽ Kira Allilouïeva, năm nay đã 87 tuổi đầu, nằm trong trường hợp này quá.

Theo lời tâm sự của cá nhơn thì từ năm 1931 đến 1939, bà sinh sống trong ngôi nhà mát Zoubalevo - mà tiếng Nga gọi là Datcha Zoubalevo - gần Mạc Tư Khoa. Bà ở đây với cha mẹ bà, chiếm từng dưới, còn ông bự, là Joseph Djougachvili Staline, ở từng trên. Thì ra, bà Allilouïeva là cháu của nhà độc tài khét tiếng, tàn nhẫn nổi danh và giết hại dân lành bực nhứt, đứng sau số không!

Bà Allilouïeva đánh giá Staline là một người dượng rể cũng dễ chịu, rất yêu thương bọn con nít. Staline cho bà một bí danh, nửa đùa, nửa thật là "cô bé ngớ ngẫn" và thường trững giỡn với bà. Sau bữa ăn, Staline thường lo phần giải trí, chọn dĩa nhạc, đôi khi ca hát nữa. Ông ta có giọng hát tốt, giọng nam cao mà giới chuyên môn opéra gọi là giọng tê-no (tenor). Ông ta thích những ca khúc trong bản nhạc Rigoletto và những âm điệu xưa cũ của qưê hương Georgia. Bà Allilouïeva nghĩ rằng Staline đáng lẽ phải là ca sĩ chuyên môn, nếu không mang nghiệp chính trị. Ông ta có một thính giác tuyệt vời.

Sau đoạn dạo đầu, có phần đắn đo, dè dặt, rồi như ký ức thôi thúc, bà say sưa kể lại:

"Ở trong Datcha, tôi chơi đùa rất nhiều với Vassili, người con trai của Staline, lớn hơn tôi một tuổi. Tôi còn nhớ là ban đêm, bọn tôi không được quyền ra ngoài sân vì có mấy con chó bảo vệ được thả rong ngoài đó. Sợ bị chúng nó đớp. Ban ngày, chúng tôi thích đi thăm nhà chăn nuôi mà Staline ra lệnh thiết lập để có thịt tươi mà ăn. Ở nhà mát Zoubalevo, còn có sân quần vợt và một phòng tắm hơi nữa.

"Đối với các con, Staline là một người cha thương yêu mà cũng là một ông bố rất nghiêm khắc. Trước khi xảy ra chiến tranh với Đức quốc xã, mỗi tối, ông đều canh chừng bài vở cho hai đứa con nhỏ, con của Nadia bà vợ kế. Ông thương Svetlana nhiều nhứt, cứ hôn hít luôn. Nhưng, ông cũng rất là cộc cằn, hung bạo với tụi nó. Staline luôn trêu ghẹo Yakov, đứa con trai lớn, con của bà vợ thứ nhứt, một câu bé rất dễ mến. Một hôm, bực mình với những lời hạ nhục của ông bố, Yakov định tự tử, nhưng không thành. Thế là Staline bảo nó:"Chuyện như vậy mà mày cũng không làm được."

"Đối với Nadia, bà vợ kế của ông, cũng là cô tôi, Staline ăn ở thật là bỉ ổi. Ông công khai tán tỉnh những người phụ nữ khác trước mặt Nadia và công khai quát mắng cô tôi một cách thô bỉ. Quá nhục nhã và không chịu được nữa, Nadia phải tự tử ngay trong điện Cẩm Linh. Vụ đó xảy ra đúng buổi tối ngày kỷ niệm thứ mười lăm của cuộc cách mạng (8.11.1932). Sau cái chết bi thảm đó, Staline tự mình sinh sống cô lập vì cảm thấy bị phản bội và nhục nhã. Lần hồi, ông ta xa lánh chúng tôi, thân nhân bên nhà vợ.

"Năm 1938, sáu năm sau khi cô tôi quyên sinh, Staline ra lịnh cho đầu độc cha tôi, Pavel Allilouïeva, anh rut của Nadia, vì bố tôi đã tặng Nadia một cây súng lục mà Nadia đã dùng để kết liễu cuộc đời. Dù cho có thảm kịch này, mẹ và tôi vẫn tiếp tục sinh sống dưới mái nhà của Staline mấy tháng nữa. Staline còn yêu cầu mẹ tôi làm quản gia cho ông ta, nhưng mẹ tôi từ chối. Vì bà nghĩ rằng nếu có chuyện gì xảy ra cho người đứng đầu Liên Xô thì thiên hạ lại tố cáo là bà đã giết hại ông ta.

"Thế nhưng, mẹ tôi bị bắt giam năm 1948, có lẽ vì bà kết bạn với những người Do Thái trong khi Staline mở màn chiến dịch chống Do Thái chăng? Hay là chỉ vì bà không chấp nhận thái độ cầu thân của Béria, tên trùm mật vụ của Liên Xô, người thường chi phối dượng Staline của tôi một cách bỉ ổi.

"Ngay khi được tin mẹ tôi bị bắt, Svetlana, con gái cưng của Staline, đến gặp bố để tìm hiểu tại sao lại có lệnh bắt giam mẹ tôi thì được ông ta trả lời:"Mày còn hạch hỏi lôi thôi thì tao cho tống giam luôn cả mày bây giờ."

"Sau đó đến lượt tôi cũng bị bắt nhốt. Tôi nằm nhà giam Lefortovo sáu tháng và sau đó, năm năm lưu đày. Chính trong tình cảnh lưu vong đó, xa cách hẳn Mạc Tư Khoa, tôi được tin Staline qua đời. Cũng chẳng biết sao kỳ lạ thế, hôm đó tôi đã khóc, không phải vì vui - cho đáng kiếp một con người ác độc - mà vì buồn. Vài tháng sau, tôi được trả tự do. Còn mẹ tôi thì bị cô lập hoàn toàn trong vòng sáu năm trời, trong một phòng giam bé tí, nhỏ xíu. Khi ra khỏi khám, mẹ tôi không còn nói được nữa. Bà còn bị chứng đau bụng kinh khủng. Vì khi ở trong tù, lợi dụng những dịp cho ra ngoài đi dạo, mẹ tôi đã lượm sỏi đá nuốt vào bụng. Bà nghĩ rằng chỉ có cách đó mới tự vận được.

"Ra tù không được bao lâu, mẹ tôi đã từ trần. Còn tôi thì trở lại với nghề diễn viên. Cuối cùng, tôi thấy rằng ông dượng của tôi là một con người bịnh hoạn dễ sợ, nhưng ngày nay tôi tha thứ hết cho ông."

Nhớ lại thời kỳ bi đát đó, Kira Allilouïeva cũng cố gắng gượng cười, như bà đã từng làm trong thời thơ ấu của một công nương bôl-sê-vích. Nhưng bỗng dưng nước mắt lại trào ra, không hiểu tại sao sự việc lại xảy ra như vậy. Nửa thương, nửa giận, bà thỏ thẻ:"Thật là kỳ lạ, tuy vậy tôi cũng thấy hết lòng yêu mến ông!"

Bà còn giữ đầy đủ mấy tập albums có hình ảnh của Staline. Bây giờ nhìn lại, không sợ sệt mà cũng chẳng hận thù, vì nội việc bà còn sống sót được qua cơn hỗn loạn đó cũng đủ đề cho bà tha thứ hết.

- Thật là khó giải bày tâm tư tình cảm của tôi. Bé thơ, tôi đã sống qua một thời kỳ tuyệt vời, rồi bỗng dưng tất cả đều dừng lại và đảo ngược hết trọi. Như trở bàn tay, tôi đã bước đi từ giấc mơ thần tiên qua cơn ác mộng ghê rợn đến rùng mình."

Ngày nay, gần chín mươi tuổi đời, Kira Allilouïeva không quên một mảy may nào những giây phút kỳ lạ, trong đó bà đã sống qua như là nhân vật của câu chuyện thần tiên, dưới bóng của những nhà lãnh đạo sừng sỏ của Liên Xô. Trong khoảng thời gian rực nắng ngắn ngủi của vở kịch đời mình, giống như trong một vở diễn của Tchekov, bà chẳng biết sợ ai, mà cũng không sợ gì hết, dù chỉ là cô gái nhỏ. Một cách vô tư và khinh suất, cô bé đó còn trêu chọc cả dượng của mình.

Cùng với lũ trẻ, con cái của các quan chức trong Đảng, vui chơi ở những hành lang của điện Cẩm Linh, Kira cũng công khai chê dáng người thước mốt của Ejov, tên trùm mật vụ ác độc, tiền nhiệm của Beria. Bà nói rằng:

- Bọn tôi có ý thức được gì đâu. Đối với bọn này thì họ đều là người nhà cả. Chúng tôi đâu có biết thực sự họ quan trọng đến đâu.

Thế nhưng, Allilouïeva cũng còn nhớ những người nghèo đói phải đi ăn xin trên những phố phường của một Liên Xô đang sống dưới chế độ hợp tác hóa. Nhớ đến những bạn bè, những người thân trong gia đình bị biệt tích qua những đợt thanh trừng. Nhớ đến việc Staline bỏ tù  bà mẹ của mình, Genia Allilouïeva, người mà ông ta đã thầm yêu, trộm nhớ mà không toại nguyện. Rồi làm sao quên được những năm tù tội và lưu đày của chính mình từ 1947 đến 1953. Cho đến khi tên trùm mật vụ Beria, người cầm đầu NKVD, chết đi rồi, người ta mới mở cửa nhà tù Loubianka và cho phép nàng trở về sinh sống ở Mạc Tư Khoa.

Ngày nay, ở tuổi cận kề chín mươi, Allilouïeva vẫn còn thắc mắc về những năm lao lý và lưu đày của mình. Vì mẹ mình chăng? Vì Beria ganh ghét và thù hằn gia đình Allilouïeva bên vStaline chăng? Hay vì chủ soái của điện Cẩm Linh muốn trả thù vì cha nàng chăng? Thì ra những tên trùm cộng sản kiểu Staline hay thù dai và chẳng bao giờ nương tay với bà con thân quyến gì hết. Vậy thì "Ai ơi hãy nhớ lấy lời!"

Artiom Sergueïev
85 tuổi, con đỡ đầu của Staline

Artiom Sergueïev
85 tuổi, con đỡ đầu của Staline

Năm 1921, vừa được bốn tháng tuổi thì Staline đã nhận đỡ đầu tôi vì bố tôi mất trong một tai nạn ô tô. Bố tôi là người lãnh đạo Đảng cộng sản Mạc Tư Khoa. Bố tôi và Staline biết nhau hồi đầu thế kỷ thứ XX và hai người là bạn chí thân.

Giữa những người Bôl-sê-vích với nhau, nuôi dưỡng con cái của những đồng chí chết trước là chuyện thông thường. Thực ra, tôi không phải là dưỡng tử đúng nghĩa của nó vì tôi còn có mẹ. Thế nhưng, khi Henri Barbusse viết trong quyển tiểu sử của Staline hồi năm 1935, có nói rằng tôi là con nuôi của chủ tịch Liên Xô thì Staline không có đính chánh.

Tôi thường lui tới điện Cẩm Linh để thăm viếng người mà lúc bấy giờ tôi gọi là "Bác Koba", Koba là bí danh của Staline. Tôi có giấy phép để vào điện Cẩm Linh, vã lại lính canh gác đều biết mặt tôi.

Mỗi khi đến hè, tôi thường đến chơi ở nhà mát của Staline - gọi là nhà số một - trên bờ biển Hắc Hải, ở Crimée. Ở đó, Staline thích chăm sóc vườn tược, săm soi mấy cây hoa hồng, vun bón cây chanh, cây cam. Ông không thích bơi lội vì không biết bơi. Hơn nữa, ông không muốn phô bày thân hình của mình, ông thấy ngượng vì tay trái ngắn hơn tay phải và vì da ông bị chứng vảy nến, lở chốc.

Ông ta là một con người dè dặt, giống như Nả Phá Luân. Lúc nào ông cũng ăn nói nhỏ nhẹ, không có những cử chỉ vụt chạc. Tôi rất kính nể ông ta. Nhưng, cũng là một con người kỳ quặc. Tôi còn nhớ, nhân lễ sinh nhựt của Svetlana, con gái của ông. Năm đó Svetlana lên bảy còn tôi lên mười hai. Svetlana cứ tưởng là bà mẹ đang ở Bá Linh, trong khi bà đã mất mấy tháng rồi. Như vậy là Staline chẳng cho cô ta biết gì hết. Thế nên, khi mở quà ra, cô ấy vui mừng hỏi:"Có phải mẹ gởi từ bên Đức về cho con không bố?" Staline không trả lời, một sự im lặng đến rợn người!

Năm tôi lên mười sáu, Staline đưa tôi vào một quân trường, cùng với Vassili, người con trai thứ nhì của ông, con của Nadia. Ông bảo tôi:"Chúng ta cần những người lính pháo binh." Ông ấy không muốn tôi trở thành kỷ sư.

Khi cuộc chiến tranh bắt đầu, tôi ở mặt trận Biélorussie. Cũng như mọi người, tôi có đọc truyền đơn của Đức cho biết là đã bắt được Yakov, người con trai khác của Staline, con của bà vợ đầu, và ông ta không chịu trao đổi Yakov với một ông tướng của Đức.

Vài tháng sau, tôi cũng bị bắt làm tù binh. Tôi sợ quân Đức biết được tôi có liên hệ với điện Cẩm Linh rồi lại mưu toan đòi trao đổi nữa. Thế là tôi giấu nhẹm lý lịch của tôi, ngay cả đối với bạn bè cùng ở tù với tôi. Một hôm, thấy đàng xa một ngưòi sĩ quan Nga có biết tôi. Sợ ông ấy nhìn ra được rồi tố cáo, tôi bèn né tránh không cho ông ấy thấy mặt.

Khi chiến tranh chấm dứt, tôi kết hôn với con gái của bà Dolorès Ibárruri (bí danh La Pasionaria), lãnh tụ cộng sản Tây Ban Nha, một người bạn của Staline. Bà này rất nể "Bác Koba", nhưng bà cứ luôn miệng nhắc đi nhắc lại:"Trong thời chiến tranh Tây Ban Nha, cái ông Trời đánh đó chẳng chịu làm quà cho cộng sản Tây Ban Nha thứ gì hết. Chúng tôi phải chi tiền cho mỗi chiếc phi cơ, mỗi chiếc xe tăng với giá cao và phải trả bằng vàng."

Năm 1945, Staline thay hình đổi dạng rất nhiều. Lúc nào ông cũng mệt mỏi. Là bác sĩ y khoa, mẹ tôi biết rằng ông ta bị bệnh nặng, dĩ nhiên là mẹ tôi chẳng nói chẳng rằng. Sau khi "Bác Koba" mất đi, tôi tiếp tục con đường quân nghiệp và tôi giải ngủ với cấp tướng. Con trai tôi vẫn ở luôn căn nhà trong cư xá chính phủ mà Staline đã cấp cho mẹ tôi hồi 1931.

Ngày nay, dĩ nhiên tôi vẫn là một con người ủng hộ Staline. Bản báo cáo của Khrouchtchev tố giác những cái gọi là tội ác của Staline là một tài liệu phản trắc. Một sự dàn dựng để đả phá một ý thức hệ to lớn. Đồng ý là có thanh trừng, nhưng người ta đã thêm mắm giặm muối, chuyện bé, xé ra to. Và đâu phải Staline mở màn chuyện thanh trừng mà từ thời Lénin đã có rồi. Vì lẽ gì mà lão Khrouchtchev đáng tội kia lại có thể đối xử với "Bác Koba" như thế chứ?

 

Leonid Redens
77 tuổi, cháu v
Staline

Kỷ niệm cuối cùng của tôi với Staline phải trở ngược về tháng Tư 1941, ngay trước khi Đức quốc xã mở cuộc tấn công. Lúc bấy giờ tôi được 13 tuổi. Hôm đó là ngày chủ nhựt tại nhà mát Zoubalevo, ông tập họp những người còn lại trong gia đình ông. Tôi còn nhớ, khi đến món tráng miệng, ông vui đùa với em trai tôi, mà ông rất thương. Ông lấy bánh liệng cho em tôi. Hôm đó, ông rất vui vẻ. Có thể vì cũng trong ngày đó, ông đã phục rượu được ông bộ trưởng Ngoại giao Nhựt, làm cho ông này say mèm nên chuyện đó làm cho ông cười hả hê.

Thời đó, chúng tôi còn gặp Staline thường, dẫu cho ông ta đã cho lịnh xử tử Stanislas Reden, ba tôi, hồi năm 1940, vì Staline cho rằng ba tôi biết nhiều điều bí mật về hành động xấu xa của ông. Ông ta cũng ra lịnh bắt giam toàn bộ gia đình bên người vợ đầu tiên của ông, giòng họ Svanidze.

Nhờ Staline mà gia đình chúng tôi sinh sống thoải mái. Sau khi ba tôi bị xử tử, ông ta cấp cho gia đình tôi một căn hộ lớn trong khu cư xá chính phủ. Chính đó là nơi cư ngụ của gia đình các cấp lãnh đạo của Liên Xô, ngoại trừ những người trong bộ Chính trị thì sinh sống trong điện Cẩm Linh. Hàng xóm láng giềng của chúng tôi là những gia đình Khrouchtchev, Joukov, v.v. Thật là quãng đời tốt đẹp. Có cảnh vệ của NKVD canh gác, có hiệu tạp hóa bán hàng cao cấp đủ thứ mà giá chẳng bao nhiêu, như caviar, fromage Tây, rượu chát... Thật là tuyệt vời.

Cho đến lúc mẹ tôi, Anna Reden, chị của Nadia, vợ kế của Staline, bị bắt giam hồi năm 1948. Bà vừa cho xuất bản quyển hồi ký. Trong đó mẹ tôi kể lại chuyện bà ngoại tôi, là mẹ vợ của Staline, đã săn sóc Staline ra sao. Bà ngoại tôi cho biết phải lấy giấy độn vào quần áo của Staline để chống lạnh. Chuyện đó làm cho Staline cảm thấy ngượng, mặc dầu ông đã cho phép xuất bản. Thế là Staline ra lịnh tống giam mẹ tôi đến sáu năm sau mới thả ra thì bà đã mất trí!

Eteri Ordjonikidze
83 tuổi, con gái của Sergo Ordjonikidze,
người bạn chí thân của Staline

Eteri Ordjonikidze
83 tuổi, con gái của Sergo Ordjonikidze,
người bạn chí thân của Staline

Staline và ba tôi, cả hai đều quê ở Georgie. Hai người đã gặp nhau trước cách mạng khá lâu và hai người cũng bị lưu đày chung với nhau dưới thời sa hoàng. Staline đã đưa ba tôi lên làm bộ trưởng Công nghiệp nặng, một bộ chủ chốt trong những năm 1930.

Gia đình tôi sinh sống trong điện Cẩm Linh. Đối với bọn trẻ chúng tôi thì điện Cẩm Linh là nhà, là vườn hoa, là sân chơi của chúng tôi. Chúng tôi biết hết mọi ngõ ngách trong điện. Chỗ nào chúng tôi cũng vào được, ngay cả Phòng Binh Giáp là nơi lưu trữ những báu vật do các sa hoàng tom góp trong bao thế kỷ qua. Thực ra, chúng tôi nghĩ rằng tất cả những thứ đó là thuộc về chúng tôi. Ngày nay, khi trở lại viếng thăm điện Cẩm Linh, lúc nào tôi cũng thấy chạnh lòng.

Năm 1937, Staline và ba tôi đã va chạm nhau dữ dội. Tôi còn nhớ một cuộc điện đàm nẩy lửa của hai người. Hai ông nói với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng Georgie. Ba tôi muốn biết tại sao Staline cho lịnh bắt giam hai người phụ tá của ba tôi cùng với hai bà vợ? Ba tôi nổi giận đùng đùng. Vài tuần lễ sau, người ta bắt gặp xác chết của ba tôi, có dấu đạn xuyên qua đầu. Tin đồn là ba tôi tự vận. Staline đã cho làm lễ tang trọng thể và linh đình. Tro cốt của ba tôi cũng được đưa vào đúng chỗ tương xứng ở bức tường của điện Cẩm Linh.

Sau cái chết khả nghi đó của ba tôi, mẹ tôi đã sống những năm đầy khắc khoải thường xuyên, lo sợ rằng rồi đây chính bà cũng sẽ bị bắt giam hay sẽ "bị tự vận", dẫu cho Staline đã đích thân gọi điện thoại cho bà để trấn an. Mẹ tôi luôn lập đi lập lại:"Ông ấy đã tống giam tất cả các bà vợ, rồi đây sẽ tới phiên mẹ." Thế nhưng, bà vẫn được yên thân. Tại sao vậy? Một sự bí mật hoàn toàn!

Cuối thập niên 1940, các bà vợ của những quan chức đã qua đời lần hồi ra khỏi trại giam trở về. Tôi còn nhớ có một bà trước kia rất đẹp mà khi trở về nhìn không ra. Bà không muốn kể lại chuyện thời tập trung cải tạo, chỉ thỉnh thoảng vài ba mẫu chuyện linh tinh. Bà vẫn còn sợ. Người ta có thể đoán ra rằng ở những nơi đó đã xảy ra những điều kinh khủng vô cùng.

Ngày nay, tôi cũng không biết có phải Staline đã cho ám sát ba tôi hay không. Tôi có yêu cầu cho xem hồ sơ lưu trữ của NKVD về trường hợp của ba tôi. Nhưng người ta cho biết là hồ sơ đó chưa được phép giải mật. Tại sao, chỉ còn có nước bắt thang lên hỏi Ông Trời!

Stepan Mikoïan
84 tuổi, con của Anastas Mikoïan,
ủy viên Bộ Chính trị thời Staline

Stepan Mikoïan
84 tuổi, con của Anastas Mikoïan,
ủy viên Bộ Chính trị thời Staline

Tôi sinh sống trong điện Cẩm Linh 18 năm, cho đến khi tôi lập gia đình hồi 1945. Thật là một quãng đời tươi đẹp. Chúng tôi có vú em, kẻ hầu, người hạ đủ hết. Chúng tôi biết nhau, như những người sống trong một làng. Là con cái cấp lãnh đạo, chúng tôi học cùng trường được dành riêng. Tài xế đưa đón chúng tôi bằng xe Packard.

Chúng tôi vui sướng, tự hào và hân hoan về trình độ tiến triển của đất nước chúng tôi với đường Métro Mạc Tư Khoa, với khách sạn lừng danh Moskva, với những thành phố mới... Tất cả đều xảy ra thật nhanh chóng. Toàn là những chuyện bất ngờ.

Tôi rất thân với Vassili, con trai của Staline. Anh ta là một thể tháo gia giỏi, nhưng học hành chẳng ra gì, bởi vì lúc nhỏ được nuông chiều quá mức. Cả hai chúng tôi đều là phi công khu trục. Nhưng, Vassili thăng tiến rất nhanh trên đường quân nghiệp vì là con của Staline. Trong thời chiến, anh ta say túy lúy suốt ngày, gây nên tai tiếng liên miên chỉ vì hay léng phéng với mấy mụ có chồng.

Bắt bớ, thanh trừng, tôi được biết là có xảy ra, nhưng chẳng làm suy giảm được lòng ngưỡng mộ của tôi đối với Staline. Cũng như một số người trẻ, tôi nghĩ là ông ta không ăn thua gì trong việc đó, chắc là ông cũng chẳng hay biết. Thật là bậy!

Có một ngày, một người bạn của tôi bị bắt ngay trong lớp học. Năm đó tôi 16 tuổi, đang học trường sĩ quan với Vassili. Một tên mật vụ xông vào lớp học, chỉ ngay thằng con trai của thứ trưởng An ninh. Khi đứng lên ra đi, bạn tôi rỉ tai đùa giỡn với tôi:"Bọn nó đến bắt tao." Người ta đã đẩy nó lên xe và từ đó về sau, tôi không còn gặp lại nó.

Ba tôi, ông ấy hầu như biết hết tội lỗi của Staline, những trại tập trung, những vụ hành quyết và ông đã không ra tay ngăn cản. Ba tôi nghĩ rằng đó là vì lợi ích của chủ nghĩa cộng sản! Thế nhưng, sau này có một điều gì không ổn giữa hai người. Một thời gian trước khi chết, Staline đã công khai chỉ trích ba tôi một cách nặng nề, trong kỳ Đại hội Đảng thứ XIX. Ba tôi chẳng nói chẳng rằng gì với chúng tôi hết. Nhưng thực ra, ba tôi biết rằng thế nào cũng bị bắt. Thế là lúc nào ông cũng kè kè một khẩu súng lục, sẵn sàng tự tử.

Khi Staline qua đời, tôi đã khóc, và thậm chí tôi đã đến nghiêng mình trước linh cữu của ông ấy ba ngày liền. Sau đó, vào một ngày thứ bảy, tôi còn nhớ, tôi rất hãnh diện kể lại cho ba tôi nghe lòng tôn kính của tôi đối với Staline. Thế nhưng, lạ kỳ chưa, ba tôi tỉnh bơ nói:"Cần quái gì chuyện đó." Tại sao, đối với một con người ông đã từng cộng tác bao nhiêu năm qua mà ba tôi lại lạnh lùng như thế được chớ?

Rồi lần hồi tôi cũng hiểu ra. Ba năm sau, hồi 1956, ông đưa cho tôi xem một bản báo cáo của Khrouchtchev, một tài liệu mật, thế nhưng ông bảo tôi cứ giữ trong nhà. Ba tôi muốn rằng Svetlana, con gái của Staline, đọc qua bản báo cáo đó. Y như rằng, Svetlana phát giác tài liệu đó tại nhà chúng tôi. Bà chui vào phòng để đọc, khi trở ra bà nói với chúng tôi:"Mấy người biết không, tệ hại nhứt ở chỗ tất cả những chuyện này đều là sự thật!"

 

Phan Quân

-------------------

Tham khảo:
1.- "Dans l'intimité du tsar rouge", Vincent Jauvert, Le Nouvel Observateur, 27 juillet-2 août 2006.
2.- "Johnson's Russia List", june 29, 2003.
3.- "Kira, nièce de Staline", Katia Clarens,..., Figaro Magazine, 17 juin 2006.   

 


bút
việt
hồn
quê

PHAN QUÂN

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.