.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 

  Phan Quân


 

Luyến tiếc Sài Gòn

 

  • 13.08.2006

Ở đây, ít khi thời gian chịu ngừng nghỉ. Thế mà, từ tờ mờ sáng, khi những giọt nước mưa của cơn bảo đêm qua vừa chấm dứt, thành phố bổng dừng lại. Qua một lần lấy hơi bất ngờ, Sài Gòn đã trở lại với Sài Gòn. Một mảng ánh sáng êm dịu mơn man trên những ngôi nhà kiểu dáng thời Cochinchine (Nam Kỳ), chui qua những bức mành của các dinh thự thời thuộc địa và nấn ná, như chừng còn ngáy ngủ, trên những thềm khách sạn và quán cà-phê người Pháp.

Rồi bỗng dưng thành phố Hồ Chí Minh trổi dậy, với dòng xe gắn máy ồn ào, với những tòa nhà rực sáng, những lá cờ đỏ màu máu và những chiếc chiến xa xưa cũ, nằm trên bệ gạch phía trước những viện bảo tàng, ca ngợi chiến thắng của miền Bắc đánh bại thủ đô miền Nam trước kia. Từ bến cảng chật ních tàu thuyền, đến những đại lộ nghẽn xe và trăm nghìn con hẻm đông nghẹt người là người, đâu đâu cuộc sống lúc nha lúc nhúc và khéo tay hay làm cũng bùng lên.

Nếp sống đó chìm trong cơn nóng ngột ngạt như thiêu, như đốt và trong môi trường đinh tai nhức óc của thành phố. Trong mùi hăng hắc của xăng dầu từ mấy chiếc xe gắn máy, trong mùi tôm nướng bên lề đường, cũng như trong hương thơm của sữa đậu nành và mùi thịt muối sả ớt từ các hàng quán phát ra. Phải đợi đến cơn mát dịu của buổi chiều tà, do cơn gió thoảng từ con sông đưa lên, tinh thần mới ổn định được.

"Hòn ngọc Viễn Đông", đã từng được mô tả qua vô số những chuyện và những điều mơ tưởng của các văn nhân thi sĩ nước ngoài, vẫn chưa chết. Bầu không khí đến ngất ngây. Có ai đó đả viết:

"Khi vầng dương xế bóng, các kiều nữ Sài Gòn chuẩn bị để cất bước ra đi, từng bước nhỏ khoan thai, nói cười êm ngọt, trong đêm Trung Hoa, đêm dịu dàng"... Riêng phận mình, bác Hồ, hình ảnh biểu tượng cho nền độc lập, lúc nào cũng có mặt cùng khắp để canh chừng những tòa nhà chính phủ và trên những tờ giấy bạc ngân hàng. Thế nhưng, địa bàn mang tên ông và nơi mà người ta phô bày ảnh và tượng của ông, thật ra chẳng còn nữa. Những khẩu hiệu năm năm xuất hiện một lần, những ngôi nhà văn hóa cộng sản và những cuộc diễu hành của quần chúng nhân dân cũng mang dáng dấp lỗi thời giống như hình ảnh của thành phố xưa cũ thuộc Pháp. Giờ đây là thời buổi của những nhà kinh doanh Á Đông đứng ra chủ xướng đà sinh hoạt, làm cho các quan chức trong Đảng bị hụt hẫng và lỗi nhịp, cứ lải nhải một luận điệu diệt trừ tham nhũng, chẳng khác nào một lời tự thú."

Rành rành trên giấy trắng mực đen - và đâu đâu cũng bằng Anh ngữ - trong cái giàu sang hào nhoáng của các ngân hàng quốc tế và trên bảng niêm yết của nhiều công trường, người ta loan báo là rồi đây một thành phố mới sẽ ra đời, cùng với chiều cao của những tháp nhà cao tầng có máy điều hòa không khí, những kỷ lục về tăng trưởng, về lợi nhuận cũng như về ô nhiễm môi sinh.

Nhiều nhà cửa thời thuộc địa bắt đầu thi nhau tan biến, trong quá trình bộc phát của bất động sản. Chẳng buồn ngoái đầu nhìn lại thời dĩ vãng của chính mình, người Sài Gòn tiến nhanh, tiến mạnh đến một tương lai kiểu Trung Quốc, một cách tham lam.

Là những người sinh ra và lớn lên tại Đông Dương trước kia và, ngày nay, trở lại Việt Nam, Philippe và Dominique Serène cư ngụ trong một khu phố mới của thành phố Hồ Chí Minh. Bước qua khỏi con sông, cách trung tâm thành phố chừng hai mươi phút, họ thuê một biệt thự có vườn hoa, nằm trong khuôn viên của hãng xăng dầu BP trước kia, nay gọi là An Phú.

Sáng sớm, trong giờ phút yên tĩnh và giữa những hàng cây xanh, những người, Tây phương có, mà Á châu cũng có, chạy bộ thể thao buổi sáng, qua những con đường mang tên những loài hoa đẹp như Trinh Nữ, Uất Kim Hương, và Sen Hồng, trong khi các bác tài xế ngồi chờ trong những chiếc xe bóng loáng, đậu dưới bóng mát của mấy cây cọ, dừa và cau.

Sống thoải mái giữa giới kinh doanh của họ, vợ chồng nhà Serène không ngớt chăm sóc môi trường của mình, giữa những bộ bàn ghế sơn mài, những tạp chí của Hội nghiên cứu Đông Dương và những kỷ vật gia đình, chẳng hạn như "Huân chương nghìn voi và bạch lọng" của Vua Lào tặng, được treo trên tường.

Bố mẹ của họ đến Đông Dưong năm 1930. Thời niên thiếu của họ trong những năm 1950 còn là thời thơ mộng diễm tình của miền đất thuộc địa Nam Kỳ. Ở Sài Gòn, Philippe theo học trường Chasseloup-Laubat, còn Dominique, trường Marie-Curie. Trai gái rủ nhau bát phố, đi dọc theo tuờng thành của dinh Thống đốc, gặp nhau ở Cercle sportif (Câu lạc bộ thể thao) hoặc hẹn hò nhau ở sở thú.

Khi có tin của một chiếc tàu từ mẫu quốc cập bến, mọi người đều thả xuống theo đường Catinat, một con phố của các cửa hàng, của rạp chiếu bóng, cửa những quán rượu và khách sạn. Trong số này có khách sạn Continental, nơi mà Mayréna, một trong những "vua của người rừng rú" (Vương quốc giả định Sedangs do nhà mạo hiểm, người Pháp, Charles-Marie David de Mayréna, lập ra hồi 1888, ở vùng nội địa Annam), xưa kia hay thanh toán bằng những đồ vật trang trí, làm cho André Malraux, người chuyên mua bán đồ cỗ, cũng phải lác mắt.

Khách sạn này cũng là nơi dừng chân của Graham Green và nhiều ký giả chiến trường của Pháp, lúc nào cũng cạnh tranh với những phóng viên người Mỹ, đóng đô tại khách sạn Caravelle, nằm đối diện.

Trong những năm 1950, để đi đón tàu bên Pháp sang, cậu Philippe Serène còn nhớ "bọn con gái mặc jupe ngắn, chưng diện ra trò và nhất định là bọn này phải thay đổi bồ nhí". Thế rồi, tuần lễ cứ lẳng lặng trôi qua trong những dinh thự kiểu thuộc địa, nằm trên một vùng mà người ta gọi là "vùng cao" (khu phố Tây miệt Đa Cao). Đến chủ nhật, ngày của Chúa, gia đình ăn mặc kẻng, tề tựu nhau ở nhà thờ Đức Bà, cột móc của đường phân chia với khu phố thấp, xưa kia thường bị nước sông Sài Gòn dâng lên tràn ngập.

Ngày nay mọi cái đều đổi mới, nhưng rốt lại cũng chẳng có gì thay đổi. Trường Chasseloup-Laubat, có một thời được gọi là trường Jean-Jacques-Rousseau, giờ thì để vinh danh nhà học giả Lê Quý Đôn. Không vì vậy mà ngôi trường này không giữ được những điều hay ho của nó, cũng những sân chơi nho nhỏ, ngăn cách bởi những mái ngói.  Ngày nay, trai gái di chuyển bằng xe gắn máy để đến trường Marie-Curie cùng với bạn bè. Những công viên đẹp đẻ vẫn còn đó.

Câu lạc bộ thể thao, trước kia dành cho người da trắng và hạng người ưu tú của Việt Nam, nay thì những người trai trẻ thư thả và những cô gái mảnh khảnh đến đó đánh quần vợt hay ngâm mình trong những hồ bơi lộ thiên.

Bị ném bom, dinh thống đốc xưa kia, về sau trở thành dinh tổng thống Cộng hòa Việt Nam, nay đã đổi thành trung tâm hội nghị. Nằm giữa hoa viên của dinh, một chiến xa Bắc Việt, đã từng đánh sập cổng dinh hồi 1975, mới đây đã để cho những chiếc xe hơi bóng lộn của những nhà tài chính châu Á chạy vào để chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới)...

Thời đại cộng sản đã dựng lên những biểu tượng, thay đổi tên gọi, sử dụng khác đi, phân phối trở lại cho quan chức trong Đảng và quân đội, nhưng chung cuộc chỉ làm cho tình hình kẹt cứng chớ có thay đổi được gì sâu sắc cho cam. Chỉ có bốn con phố tên Tây còn nguyên, sau mấy đợt "thanh trừng", mang tên của ba nhà khoa học Pasteur, Calmette và Yersin, cùng với một linh mục dòng Jésuite (dòng Tên), Alexandre de Rhodes. Linh mục này, vào cuối thế kỷ thứ XVII, đã có công sáng chế ra chữ quốc ngữ, một di sản, được một đất nước đời đời lo nghĩ cung cách thoát khỏi quỷ đạo đáng sợ của Trung Quốc, còn lưu giữ.

Con đường Catinat, danh xưng của chiếc hộ tống hạm đã từng tham dự chiến dịch xâm chiếm của thực dân, đã trở thành đường Tự Do, rồi đường Đồng Khởi. Tòa đô chính màu trắng xưa kia, theo lối kiến trúc thời Tân Phục Hưng, nay là trụ sở ủy ban nhân dân thành phố. Sau một số thăng trầm, rạp hát lớn, được khánh thành năm 1900, đã được trở lại với chức năng cũ là "Nhà hát thành phố". Sở bưu điện, với cái vòm do Gustave Eiffel (người xây tháp Eiffel của Paris) dựng lên, vẫn giữ nguyên chức năng và những người viết thuê, chép mướn vẫn ngày đêm hí hoáy những thơ từ cho thiên hạ.

Ở miệt Đa Cao, quanh quẩn đường Điện Biên Phủ, những ngôi nhà kiểu thuộc địa thi đua nhau sơn phết màu này, sắc nọ, vì người Việt Nam thích những màu đậm đà chứ không như người Pháp chuộng màu phấn nhạt. Tất cả các ngôi nhà này đều có điểm giống nhau là trần cao, nhiều cửa sổ, có nhiều sân thượng và mái ngói lòi ra ngoài, toàn là những kiểu cách kiến trúc phù hợp với thời tiết nóng nực.

Trong chuyến lưu trú ngắn ngày hồi năm 1980, vợ chồng Serène không nhìn ra được Việt Nam thời xa xưa của mình. Dominique kể lại:"Khách sạn gì mà không có nước, chẳng có điện! Trên đường Catinat không còn một tiệm buôn nào hết, chẳng còn một nhà hàng nào, chỉ có những gánh phở thô sơ, còn khách qua đường thì chẳng tươi cười mà cũng không cởi mở, không ai nói với ai một lời nào". Ngày nay, cuộc sống đã trở lại, Sài Gòn lại trở thành trung tâm kinh tế của đất nước, Philippe không cần phải than phiền tình trạng là các khu phố thời thuộc địa có thể sẽ biến đi. Ông ta lý luận rằng có lẽ người Việt Nam muốn cách xa phần nào với Pháp, và giới thiệu nền văn hóa của chính mình." Thế nhưng, ai sẽ đến thăm viếng làm gì những cái tháp gia cư mà bất cứ nơi nào ở châu Á cũng có chứ? Và có thể còn đẹp hơn gấp bội.

Trên những tài liệu hướng dẫn du khách, trong tay những người Việt Nam trở lại miền quê xưa đất cũ, mà họ đả bỏ trốn trước kia, đã xuất hiện trở lại những chứng tích của một thời mà mọi người đã quên đi. Thật là một điều mâu thuẩn lố bịch khi những người đưa du khách viếng thăm địa đạo Củ Chi, do Việt cộng đào bới trong thời chiến tranh, hay là những viện bảo tàng tội ác chiến tranh của GI (quân lính Mỹ), lại là những cựu thông dịch viên quân đội Hoa Kỳ đem vốn liếng Anh ngữ của mình ra mà phục vụ những người ngoại quốc!

Sẵn sàng và tích cực hơn ai hết, những người thương tiếc dĩ vãng này tiết lộ niềm hy vọng của họ là thành phố sẽ lấy lại tên gọi Sài Gòn xưa kia, một danh xưng thường được người ta ưa thích trong ngôn ngữ thường ngày.

Những người miền Nam đó cũng để lộ vẻ khó chịu khi những người ngoài Bắc vô Nam nắm hết mọi chuyện trong thành phố. Philippe cũng công nhận:"Đúng vậy, tiếng Việt của tớ là thời trước, mà những ông bà người Hà Nội vào đây, nắm hết mọi chức vụ quan trọng, nhất là trong ngành giáo dục, rồi nhồi nhét cho dân chúng một giọng điệu không giống ai."

Thay vì phải đi "tham quan" những chiến trường cũ chán ngấy, những người Sài Gòn thích đi về vùng châu thổ Cữu Long với những đồng ruộng và các chợ trên sông hơn. Hoặc giả, cuối tuần, đi ra Vũng Tàu bằng tàu lướt sóng để tắm biển, với những bãi cát vàng, những cây đa cỗ thụ, những cây me rợp mát và những cây phượng vỹ rực trời. Đó là vùng đất mũi, trước kia là Cap Saint-Jacques, nơi quân Pháp đổ bộ để rồi đi ngược dòng sông đến Sài Gòn, cách đó 60 cây số, giờ đã trở thành một nơi nghỉ mát thời thượng.

Những chuyến du ngoạn ngoài thiên nhiên càng ngày càng trở nên cần thiết cho những người dân của một thành phố, ngày càng to như một  tỉnh, không ngừng bành trướng. Thị trấn Thủ Đức trước kia, cách trung tâm khoảng 14 cây số, ngày nay đã trở thành vùng ngoại ô phía Bắc. Phía Nam, Phú Mỹ Hưng là một khu phố mới hình thành, với những cao ốc, những xí nghiệp quốc tế và những siêu thị, đáp ứng được thị hiếu của người Nhật Bản và người Tây phương, sinh sống nội bộ với nhau ở đó. Và trong tương lai, trên vùng bán đảo đối diện với bến tàu, cuối đường Catinat cũ, sẻ xuất hiện khu Thủ Thiêm, với cầu, đường hầm, tàu điện ngầm, xa lộ và cao ốc.

Còn Chợ Lớn, khu phố Tàu mà người Pháp đã xáp nhập vào "Hòn Ngọc Viễn Đông" của họ, không còn cách xa trung tâm bao nhiêu nữa và lần hồi cũng không còn nhận diện được nữa. Từ một thành phố thương mại trở thành buồng phổi kinh tế, khu vực này đả mất đi cái ma lực độc hại buổi xa xưa, khi mà các tệ đoan xã hội đều tập trung ở đó như cờ bạc, đĩ điếm và thuốc phiện.

Ôi Sài Gòn, một tên gọi thừa sức quyến rũ, đã qua bao cơn thử thách của thời gian, không gian và lịch sử. Chớp thời cơ của một chiến thắng không tên, người ta đã muốn đem hiện tượng mà thay đổi bản chất. Nhưng làm sao được?! Cho nên mãi mãi vẫn là "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!"

----------------

Mượn ý của Thierry Portes, "Sài Gòn, nouveau dragon d'Asie",  lefigaro.fr, 09 août 2006.
http://www.lefigaro.fr/reportage/20060809.FIG000000006_saigon_nouveau_dragon_d_asie.html

 


bút
việt
hồn
quê

PHAN QUÂN

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.