.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 

  Phan Quân


 

Đổi trường

 

  • 17.10.2006

Từ khi ba mẹ mua được nhà mới rồi, hai chị em vui mừng hớn hở, hai mái đầu bé nhỏ thơ ngây ngồi lại bàn bàn, tính tính, lên kế hoạch này, dựng chương trình nọ. Nhà mới thế nào cũng to lớn và rộng rãi hơn nhà đang ở, vì nhờ ơn Trời Phật và hưởng được phước đức ông bà, cữu huyền thất tổ, ba mẹ ăn nên làm ra sau mấy mươi năm tỵ nạn lưu vong, nên mua nhà bề thế hơn. Cũng hợp lý mà cũng đúng với ước mơ của hai chị em.

Căn nhà đầu tiên, nơi chôn nhau cắt rốn của hai đứa, ba mua từ thuở chưa gặp mẹ, cốt để ấp ủ gia đình từ quê hương làng nước sang đây đoàn tụ gia đình. Nhu cầu lúc bấy giờ, đúng như dân gian ta thường nói là "ăn nhiều, ở có bao nhiêu". Nên chi, gia đình gồm năm người lớn đại mà chỉ sinh sống vỏn vẹn trong bụm tay. Hơn nữa, đã mang thân phận "thuyền nhân", nhịn ăn, nhịn mặt, không dám đua đòi sinh sống như "việt kiều xuất cảnh", tiết kiệm từng đồng xu bé, đồng xu con, nên khi gia đình đoàn tụ chưa đầy một năm, ba đã sắm được căn nhà đầu tay, đầu đời.

Sau đó, ông bà kết đôi, cặp bạn cho ba, long phụng gặp nhau, căn nhà đã đủ cho năm thì cũng đủ cho sáu. Tuy không như lời chúc phúc của bạn bè ngày cưới, "đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái", nhưng hai chị em cũng lần lượt rủ nhau ra đời. Vậy là nhân số gia tăng, nhưng tổng số dân cư cũng không lên tám, vì chú út đã sắm nhà ra riêng.

Đúng theo tiêu chuẩn văn minh hiện đại thì căn nhà như vậy mà che chứa như vầy kể như quá tải. Hơn nữa, bạn bè mời mọc, sinh nhựt ngày vui, hai chị em đi dự về bỗng thấy nhà mình tù túng, bon chen. Trong đêm, về sáng, qua giấc ngủ mơ màng, hai chị em thấy mình lạc vào thế giới Barbie, lầu đài tráng lệ, khung cảnh nguy nga, khác nào nơi chốn thần tiên. Nhưng khi thức giấc rồi, đâu vẫn còn đó, đụng chạm với thực tế ngỡ ngàng. Cho nên, nay ba mẹ đã mua cho nhà mới, rộng rãi khang trang, chị em tha hồ mà thu với xếp.

Thế nhưng, gần đến ngày di chuyển, hai chị em lại thấy bổi hổi,  bồi hồi luyến tiếc. Dẫu gì cũng là nhà xưa, chốn cũ, cũng sáu bảy năm dài kỷ niệm, nhứt là những dấu ấn đầu đời. Nào là sân cỏ rợp xanh, nào là những luống hoa hồng tươi đẹp, những cây hoa liên kiều vàng rực rỡ cuối đông đầu xuân, qua bàn tay chăm sóc của bà, sức đào cuốc của ông. Đâu là những cánh bướm muôn sắc chập chờn vờn hoa trong sân đẹp nắng, đâu là những con chim non lo líu trên cành cây xế cửa, sau nhà.

Thay đổi nhà là thay đổi trường. Từ mẫu giáo lên tiểu học, bao nhiêu tình cảm, bấy nhiêu bạn bè, lúc vui vẻ nô đùa, khi bực mình cau có, mà chung cuộc vẫn hữu nghị mến thương nhau. Thày cô ngày cũ, khi sợ sệt, lúc yêu thương, tựu chung cũng thấy làm sao ấy, khi nghĩ tới chẳng còn có dịp gặp lại. Dẫu biết rằng trên cõi đời này có chi là vĩnh viễn, nhưng tình cảm hụt hẫng là lòng mình chới với, con tim nhức nhối đau thương. Cũng may mà còn có được nửa năm học để cho tình cảm chuyển tiếp, tâm tư lưu luyến mà chuẩn bị lúc chia tay.

Thế là xuân đi, hè qua rồi thu lại về, nếp sống ở ngôi nhà mới quen lần, quen lữa, thì ngày nhập học đã đến. Trong cảnh rộn ràng mua sắm, trang bị cho chiếc cặp da, vui với những dụng cụ học trò mới mẽ, nên tạm quên đi những xao xuyến của ngày tựu trường, trong khung cảnh mới. Mới là mới của bối cảnh cụ thể, chớ thực ra thì đã bao lần hai chị em được nội đưa đến trước sân trường lượn quanh xe đạp, chuyền bóng nô đùa, vì trường chỉ cách xa nhà khoảng "hai bước" đi, và những con đường trước cổng đã bị đóng kín, cấm xe, coi như sân chơi.

Biết rằng năm học mới này sẽ khắc ghi một dấu ấn đặc biệt cho hai chị em nên ngày "ra quân", ông bà cũng như ba mẹ đã "hộ tống" hai chị em trên hành trình khó khăn này. Dẫu rằng, trong thời gian trước đó khá lâu, gia đình cũng không quên, gần gần xa xa, tìm cách trấn an và khuyên nhủ hai chị em.

Trong quá trình đi nhà trường, từ nhà trẻ lên tiểu học, qua mẫu giáo, hai chị em lúc nào cũng hân hoan, ham thích, hăng hái dấn thân. Vậy mà, sáng hôm đó, hai chị em mang một nỗi buồn man mác, một nỗi lo không tên, trên gương mặt trong trắng thiên thần thiếu vắng những đường nét yên vui thường ngày. Để lộ một mối âu lo ngây thơ của tuổi nhỏ, một nỗi băn khoăn không đối tượng.

Cô chị, với tính tình trầm lắng nhưng nhiều cảm xúc, chẳng nói, chẳng rằng, đâm chiêu lo nghĩ. Cô em, liến thoắng, vô tư, nói năng đủ điều nên không mấy băn khoăn, chẳng nhiều day dứt. Trong thời gian thày cô tiếp nhận học sinh cho lớp mới, cô chị cứ nép mình vào lòng mẹ, giọt lệ long lanh, như gà con tìm sự chở che dưới đôi cánh của mẹ.

Cái lo nghĩ của bé thơ lúc bấy giờ là hoang mang với những gì hoàn toàn mới lạ ở học đường này, thày cô mới, bạn bè mới, phòng ăn tập thể, sân chơi, lớp học và ngay cả bàn ghế cũng lạ hoắc lạ huơ. Trong tâm lý trẻ em, những gì mới lạ thì phải dè chừng vì chưa biết là thù nghịch hay thân hữu. Những giây phút đắn đo, luỡng lự đó làm cho tuổi măng non hồi hộp lo âu, con tim bé bỏng tăng nhanh nhịp đập mà xao xuyến.

Còn cô em thì hiếu kỳ, muốn biết những cái mới lạ như thế nào, sẽ ra làm sao, dù rằng cũng năm nghi, mười ngờ với những gì sắp tới cho mình. Trong đôi mắt hạch hỏi, tìm tòi của bé cũng thoáng thấy một đôi chút băn khoăn. Nhưng, nhu cầu phát hiện ra cái mới lạ đã lấn át và đè bẹp nỗi sợ về những gì chưa biết, vừa nhen nhúm trong tâm khảm thơ ngây.

Ông bà, cha mẹ đứng trước những nỗi âu lo không đối tượng như vậy của tuổi nhỏ, không lo sợ như những mái đầu xanh kia, mà lo âu về tác động về lâu về dài cho một quá trình học hành của con cháu. Vì tâm trạng trẻ em mong manh và trong suốt như thủy tinh, chỉ cần một chấn động khẽ nhẹ, một vết nhơ phơn phớt cũng đủ làm tàn phai nét đẹp trong trắng pha lê rồi.

Thế nhưng, bao nhiêu thắc mắc, bấy nhiêu băn khoăn cũng chỉ là một chuyện lo toan không đáng, một tâm trạng chẳng cần thiết. Vì sau buổi học ban đầu đầy lo lắng đó, hai chị em ra về với lòng hân hoan phơi phới, miệng cười toe toét, líu lo khoe rằng thày cô dễ mến, bạn bè vui vẻ, trường lớp thân thương chào đón. Như vậy sẽ là một năm học như trước kia, trường mới rồi cũng sẽ cũ đi.

Thì ra đổi trường tưởng chừng như khó lắm, nhưng chung cuộc rồi cũng dễ. Khó dễ là tự lòng mình.

 

Allen, mùa thu năm lẻ sáu
Trích "Tâm tình của nội"

 


bút
việt
hồn
quê

PHAN QUÂN

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.