.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 

  Phan Quân

Lưỡng lự

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Đỗ Trung Quân

 

  • 25.11.2006

Lời vào chuyện.- Norma, một cô Đầm lai nhiều trăn trở - quý độc giả đã gặp, qua bản dịch "Biết là con thương mẹ!" - đã bước qua ngưỡng cửa năm mươi của cuộc đời. Qua năm mươi mốt năm sinh sống bên quê nội, lòng đầy cay đắng ngậm ngùi, Norma vẫn chưa có cách nào giải tỏa được một tâm tư nặng trĩu. Với ba mươi năm hành nghề tiếp viên hàng không trên các chuyến bay Air France, ngang dọc vùng trời bốn biển năm châu, Norma vẫn chưa hết thắc mắc và phân vân với bản chất đích thực của hai chữ "Quê Hương"!

*   *   *

 Lòng tôi trĩu nặng, tay tôi run run. Sáng nay, tôi sắp soạn lại giấy tờ và như thường lệ, tôi gặp lại những lá thư xưa cũ. Đọc lại những tờ thư đó, lòng tôi xúc động, u buồn. Tôi lại thắc mắc.

Những thắc mắc không tên, không lời giải đáp, làm cho tôi cảm thấy đau lòng vì hai nền văn hóa đang tiềm ẩn trong tôi. Tôi không muốn làm một người đàn bà ngoại lệ, mà cũng chẳng phải phi thường, chỉ cần bình thường, như mọi người, để có được một cuộc sống bình dị, thanh thản. Tôi đâu có gì khác với những người phụ nữ trên đất nước tôi. Chỉ vì cuộc sống trong một môi trường khác, chỉ vì có sự thay đổi mà tôi đã trở thành một người phụ nữ tiêm nhiễm hai nền văn hóa.

Từ mảnh đất cội nguồn, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, và nơi mà tôi bị bắt buộc phải lìa xa, tôi vẫn còn giữ những dấu ấn đậm nét, không phai. Không biết từ những người đàn ông và phụ nữ kia, mà ngoại hình của tôi đã mang những nét tương đồng, tôi đã lưu giữ những gì để, ngày nay, tôi phải trở nên khác biệt, trên một xứ sở mà tôi đã chấp nhận, đã đồng hóa qua hội nhập một cách thích thú, đến đổi tôi có cảm nghĩ rằng mình là người Pháp trước khi là người Việt Nam?

Vào một ngày của tháng Tám, nỗi lòng rạo rực, tâm tư phấn khởi, tôi đã đi trở lại con đường dẫn tôi trở về "Đất nuớc thân thương của thời thơ ấu"..., về Hà Nội qua một trong những chuyến bay trực tuyến đầu tiên của Air France, hồi mùa hè năm 2004.

Những gương mặt sạm đen bắt đầu bớt nghiêm khắc và cởi mở hơn khi nhìn qua thông hành của tôi. Một vài người khá dạn dĩ, nhưng cũng còn đắn đo, lên tiếng hỏi:"Trông bà như người Việt Nam!" Vâng, tôi là Việt kiều. Mẹ tôi Việt Nam... miền Bắc... người Hà Nội... Tôi cũng thế... Tôi sinh đẻ ở đây... Một bà cán bộ tỏ vẻ khen:"Giọng nói của bà đúng là người ở đây!" Được nhận diện như vậy, tôi cảm thấy ấm lòng. Thế là, nỗi sợ canh cánh bên lòng - sợ thiên hạ không buồn nghe mình nói và nghe mà không hiểu được mình - bỗng dưng tiêu tan.

Chốc nữa đây, thả rong ra phố, tôi sẽ là một con người xa lạ, nhưng nhất định không phải là người ngoại quốc. Như thế là hết cảnh một người câm độc thoại với nguồn cội của mình. Rồi ra, tôi sẽ nói chuyện được với họ, với những người Á Đông kia, mà ngôn ngữ thuần túy sẽ va chạm với ngôn ngữ của tôi, đã bị pha trộn với Pháp ngữ.

Từ trên sân thượng của Sofitel Plaza, trước kia là Meritus West Lake, tôi nhìn ngắm con Sông Hồng. Những chiếc xe đạp ngược xuôi trên đại lộ thành từng luồng đều đặn và êm xuôi. Con đê vẻ thành con đường dọc theo Hồ Tây và những hàng quán rộn ràng trên bờ hồ Trúc Bạch.

Trên nóc nhà mà nước mưa đã rửa sạch đêm qua, những hồ nước bằng kim loại chiếu sáng dưới ánh mặt trời ban mai. Một vài dân cư đang tắm gội...

Nhạc điệu của giọng nói, mùi thơm của gạo nếp, mùi hương thoảng của trái cây chín, tia óng ánh của những chiếc áo dài ôm sát những thân mình mảnh dẻ,... tôi nhắm mắt lại để tận hưởng những cảm giác đó, trong ngày tôi được tái ngộ với bản chất thứ hai của mình. Một niềm vui thâm trầm, ấm áp, êm đềm dâng lên trong lòng tôi. Tôi nhận thấy trở lại hình ảnh của Đông Dương, "ngôi nhà thiêng liêng" của tổ tiên tôi.

Tôi đã lo sợ là sẽ bừng tỉnh dậy sau một cơn ác mộng đầy dẫy nghèo khổ và bần cùng, xuất phát từ chiến tranh, để rồi sẽ nhìn thấy những chỉ dấu trắng trợn của tình cảnh thiếu thốn, của những sự hy sinh. Nếu như thế thì những kỷ niệm trong tôi sẽ tiêu tan!

Một cách ngại ngùng, tôi quyết định đi tìm lại những ngôi biệt thự đổ nát, những căn nhà tan hoang, bị biến dạng dưới những trận ném bom... Thế nhưng, một điều gì đó trong thâm tâm đã làm cho tôi phải se lòng.

Tất cả danh tính của đường phố đếu có vẻ quen thuộc. Tôi hít thở cái không khí "thuộc địa" khá độc đáo kia, một bầu không khí trong đó lẫn lộn chút ít dửng dưng, đôi phần kín đáo và tí ti tọc mạch thầm lén. Rời chợ Đồng Xuân, bước qua những đại lộ xinh đẹp và mấy con đường của khu công nghệ, tôi nhận thấy một thoáng gì của Âu châu, của nước Pháp... Ba mẹ tôi đã khép cánh cửa của Đông Dương. Tôi vừa mới hé mở trở lại...

Được sắp xếp cẩn thận trong chiếc cập da màu đen của tôi, những kỷ niệm và những bức thư kia vẫn nằm yên. Lòng thương nhớ của tôi vẫn còn dai dẳng. Tôi tiếp tục viết lại cuộc đời của chúng tôi, không bỏ qua một phần lai lịch nào hết. Một cách âu yếm và đầy cảm động, tôi kiểm điểm lại từng trang ký ức để thấy rõ hơn thân phận của tôi ngày hôm nay.

Là một người phụ nữ đôi khi bí hiểm, thường là đơn độc, lúc nào cũng trầm tư mặc tuởng, tôi đi tìm lại những dấu vết, càng ngày càng tinh tế, của thân quyến tôi ở Đông Dương... Một người phụ nữ mà thiên hạ cho là chẳng có dĩ vãng.

Có thể nào nói rằng một người nào đó, đàn ông hay đàn bà, là một người không có dĩ vãng không? Mỗi 3người ai ai cũng ôm ấp một câu chuyện thầm kín riêng tư, không tiết lộ ra ngoài, nhưng cứ mãi miết theo đuổi. Thế nhưng, trong một vài tình huống bất ngờ, cuộc sống đã cho phép người ta bộc lộ ra thành tâm sự, trong sự cảm thông và đồng cảm. Về mặt này, tôi mong sao câu chuyện của tôi nói lên được nỗi niềm đau khổ câm nín, bị chối bỏ, bị lãng quên, nhưng cứ dai dẳng, khắc ghi vào lòng những kẻ gặp nhau, hay trong tâm tư của những ai nhận ra được những người yêu thương của mình qua những ngôn từ này của tôi.

Tôi hiểu rằng chỗ đứng của tôi là nơi đây, gắn chặt với "Đất nước thân thương của thời thơ ấu" này của tôi. Và nếu như thỉnh thoảng, khi nhìn lại những gương mặt phai nhòa của người này hay kẻ kia trên tập ảnh riêng tư, mà mắt tôi mờ lệ thì tôi hiểu rằng vì những người đó mà tôi phải lưỡng lự giữa một bên là những gì đã biết và những gì chưa biết, giữa ánh sáng và bóng tối...

Hơn bao giờ hết, với tư cách là một nhịp cầu nho nhỏ, nối liền những bóng hình của dĩ vãng với con cái của tôi, tôi là kẻ chuyển tiếp những kỷ niệm, chuyển tiếp nguồn sống. Để vượt qua thời gian và không gian. Để cho tất cả những ai, không đủ lời lẽ để kể lại, sẽ mãi mãi tồn tại trên cõi đời này.

 

Norma
Phan Quân

[Phỏng dịch bài: "L'Oscillation de Norma", Norma, Librio, 2005.]

 


bút
việt
hồn
quê

PHAN QUÂN

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.