Tù
cải tạo cũng cười
:
Trực ban
"Trực Ban" là từ ngữ cộng sản mà từ điển Việt-Anh của nhà xuất bản khoa
học xã hội Hà Nội (1992) dịch ra tiếng Anh là "be on duty", có lẽ nên
hiểu là túc trực hay thường trực. Thế nhưng những nhà
"cách-mạng-nhân-dân-ta-anh-hùng-dám-nghĩ-dám-làm" – đôi khi làm trật lất
– to gan lớn mật đem nó từ dạng động từ sang dạng danh từ. Một cung cách
làm giàu tiếng Việt chăng?
Tuy
nhiên, "trực ban" trong phạm vi bài này là nơi làm việc ngày đêm của cán
bộ giữ tù, một căn nhà nho nhỏ hoặc một gian phòng của cổng chính, án
ngữ ngay lối ra vào có cửa sắt khóa chặt của khu giam tù. Ngoài nhiệm vụ
canh giữ tù, cán bộ trực ban còn phải kiểm điểm và kiểm tra các tổ đội
trước khi cho xuất trại đi "hiện trường" lao động và nhập trại khi "tan
tầm"
trở vào. Một nhiệm vụ khác nữa là lục soát người và quà mỗi khi tù được
thăm nuôi vào khu giam. Một thứ hộ pháp, nhưng không hiền từ như những
ông giữ chùa mà lại rất khắt khe, cay nghiệt, thật là hung thần, ác quỷ.
Trong những tháng năm đầu của thời kỳ "học tập cải tạo", tù rất ê mặt
với mấy ông trực ban vì cuộc đời tù tội bị các ông đó khống chế không
ít. Đi lao động về mà mang những thứ gì trực ban không chấp thuận là lôi
thôi ngay. Phải bỏ lại tất cả cho trực ban - những thứ phải bỏ lại đố ai
biết đi đâu - và ngoài ra còn bị cảnh cáo, kiểm điểm lôi thôi. Thậm chí
rau, lá, thu nhặt ngoài rừng, trong rẩy, trên nương cũng bị cấm mang vào
vì tù không được "cải thiện linh tinh".
Một bó cành cây khô, một nhúm giăm bào, vài ba thanh cây vụn để làm chất
đốt cũng bị cấm chỉ vì trên nguyên tắc tù không được nấu nướng, chỉ ăn
những gì nhà bếp tập thể cung cấp thôi.
Khi được trại "chiếu cố" cho ra thăm gặp gia đình thì khổ ơi là khổ!
Nhưng vì nỗi mừng sắp gặp được thân nhân đã lấn át cơn buồn phiền, đã
xoa dịu và mơn trớn để cho tù thêm phần nhẫn nhục. Tù được ra khu thăm
nuôi phải ăn mặc "nghiêm túc", phải qua thủ tục lục xét, nắn mó, sờ mò
của trực ban từ chân đến tóc để xem có mang thơ chui cho bạn bè, có đem
thơ văn, ca nhạc hay bài viết gì nói xấu chế độ hay không.
Chuyến trở vào, lương tâm và lòng tự ái của tù lại phải qua một cơn thử
thách tăng lên một bát độ nữa. Lại thêm một lần "xoa bóp" để tìm thơ
chui vào, để phát hiện tiền mặt trốn đăng ký. Khâu kế tiếp là khám quà,
một khâu tốn rất nhiều công sức lao động và gây bực mình không ít. Gói
nào đóng kín cũng bị mở tung, chất bột đều bị đổ ra để tìm cho thật kỷ
những gì có thể được giấu bên trong. Sách báo nào không phải của "cách
mạng" đều bị tịch thu, thậm chí sách cộng sản mà nhiều trang quá trực
ban không có thì giờ kiểm tra - hay không đủ khả năng vì dốt - đều bị bỏ
lại.
Thế
nhưng, làm gì thì làm, như Tây Đầm hay nói "cái gì cấm kỵ thì được phép"
những thứ bị cấm đoán trong trại tù vẫn thoát được tầm nhìn soi mói và
đôi mắt cú vọ của trực ban vì tù thường lanh tay lẹ mắt hơn cán bộ. Thậm
chí, tù còn mang được những bộ phận rời của máy thu thanh vào để ráp
thành một "cái đài" nghe ngóng tin tức bên ngoài. Cho đến ngày đổ bể,
không xác quyết được chính phạm, mà cũng chẳng phát hiện được can phạm,
trại đành có biện pháp cứu vãn thể diện, tung chưởng vào chân không, đưa
đi chuyển trại một vài con dê tế thần.
Ngày qua tháng lại, cuộc sống thực tế, mức chênh lệch kinh tế giữa cai
tù và "cải tạo viên", ước muốn thúc đẩy nhu cầu, người cán bộ công an,
có chút suy nghĩ, bị bắt buộc phải thắc mắc, tự vấn lương tâm, tự đặt
vấn đề. Thế là lần hồi, trực ban sáng mắt ra, tự động cải cách tiêu
chuẩn điều hành, ngày một phiên phiến đi, gọi là nương tay, nhẹ ngó "cho
chúng mày nhờ". Nhưng thực ra là trực ban áp dụng nguyên tắc "hai lợi
ích"
để "đôi bên cùng có lợi".
Từ
đó về sau, trực ban làm lấy lệ miễn là đừng xảy ra những chuyện tày
đình. Khám quà vào trại thì với tinh thần hiếu kỳ - vì sản phẩm tư bản
chủ nghĩa khá đẹp mắt, tốt mã, xa lạ với con người cách mạng - và với
mục đích đánh dấu mục tiêu để tiện xin xỏ khi có nhu cầu. Như vậy là
hàng vào thoải mái, tiền mặt lưu thông gần như tự do vì cán bộ cũng cần
mua bán đổi chác với tù để "cải thiện kinh tế gia đình".
Chẳng hạn như có một hôm, trực ban muốn chiêu đãi bầu bạn thân tình, lâu
lâu gặp lại, nên làm lễ "hạ cờ tây".
Nhưng cứ thế mà chi xuất thì tốn hao túi tiền quá, bèn phải nghĩ cách.
Chiều hôm ấy, trên đường điểm số tù vào "chuồng", một cán bộ trực ban to
nhỏ gì đó với anh buồng trưởng. Tối đến, một gói thịt được chuồn qua
song sắt cửa sổ, vậy là tiệc liên hoan kia kể như đã được tù cải tạo đài
thọ.
Nhu cầu kinh tế cò con đôi khi thúc đẩy trực ban mánh mun với tù kiếm tí
tiền còm bằng cách tai ngơ mắt điếc, đồng lõa để cho tù đem vào một vài
mặt hàng cấm kỵ. Trong trại tù có một vài anh em nghèo, không được gia
đình tiếp tế đành phải tự lực cánh sinh, mua đầu này, bán góc nọ kiếm
chút lời, cải thiện sinh hoạt bản thân trong tù. Những anh như vậy bạn
tù gọi là "chành", có lẽ lấy ý từ những thương gia có vốn liếng trử hàng
để bán lại. Trực ban Ba Sao thường ăn chịu với "chành Tây đen" để tiêu
thụ hàng hóa "nhập lậu". Một hôm "chành Tây đen" bị cán bộ an ninh chộp
quả tang đem rượu đế về trong quá trình lao động bên ngoài. Bể mánh,
tang vật bị tịch thu. Vậy mà trực ban kể như không liên can, tội ai
người ấy chịu. Không biết số rượu tịch thu kia giao cho trực ban đã chảy
vào hủ chìm nào đây? Chơi với ma thì mặc áo giấy, cứ thẳng thừng ngay
tình thì có ngày chết không kịp trối!
Ngày cuối tuần nào không phải lao động, trực ban rảo rảo quanh khu sinh
hoạt của tù, có mì gói, cà phê, trà móc câu, thuốc có cán mà mời chiếu
lệ thì trực ban cũng nhào vô một cách thật tình, không khách sáo gì hết.
Thế mới biết con người cộng sản chỉ thân tình theo nhu cầu, làm bạn tùy
trường hợp. Chứ tình nghĩa, ân huệ gì cái ngữ ấy, chỉ một chiều, có qua
mà không có lại.
Phan Quân
|
bút
việt
hồn
quê

|