.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)
 CHUYÊN MỤC

Giáo dục

Chính luận

Diễn đàn tự do

Bút Việt hồn quê

Đời sống quanh ta

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 

 

  Phan Quân

Ba tôi

  • 16.12.2006

Bữa ăn tối đã sẵn sàng, gia đình chờ mãi mà không thấy ba tôi ngồi vào bàn. Thì ra, sau khi nghe bản tin tối, có thông cáo của Uỷ Ban Quân Quản Thành Phố kêu gọi đăng ký học tập, ba tôi không thiết gì chuyện ăn uống nữa. Khi ngày 29 tháng tư 1975 trôi qua mà gia đình tôi bị kẹt lại, ba tôi đứng ngồi không yên, một tình trạng càng trầm trọng thêm với lệnh đầu hàng của ông đại tướng tổng thống. Nay lại thêm cái thông cáo độc hại kia!

Từng bước cô đơn trên đường sỏi đá,
Bỏ vợ con mình ở lại bơ vơ!!
Ðịa ngục trần gian bây giờ cửa mở,
Mình bước chân vào... Cứ ngỡ là mơ!!
(Hồng Yến-Điệp Minh Hoàng)

Lưu luyến với gia đình và để an ủi gia đình trước một cuộc chia phôi không hẹn được ngày tái ngộ, ba tôi lần lữa mãi, dự tính để đến ngày cuối cùng của hạn kỳ sẽ đi trình diện. Trong khoảng thời gian lối hai tuần lễ trước hạn kỳ trình diện, cứ một đôi ngày là hết phường đội đến quận đội, súng dài, súng ngắn, đến nhà gọi là thăm nom nhưng chính ra là để hạch hỏi ba tôi tại sao chưa đi trình diện và canh chừng xem ba tôi có trốn lệnh đăng ký hay không.

Những tên bộ đội đến nhà tạo ra những cảnh khôi hài hết ý, nhưng tôi cũng chẳng còn bụng dạ nào để cười. Họ ngồi lên chiếc ghế bành phòng khách, hai chân co rút lại để lên ghế, ngồi theo kiểu nước lụt. Có khi họ ngồi hai người vào một chiếc ghế vì thấy ghế bành rộng quá chăng hay là vì sợ bóng sợ vía, khi bộ đội chưn ướt chưn ráo về thành?

Lúc bấy giờ, có một sự trùng hợp kỳ lạ là những ngày đăng ký cuối cùng lại là những ngày không may mắn, thứ sáu mười ba và ngày thứ bảy kế tiếp lại nhằm ngày mười bốn âm lịch! Theo tục lệ Pháp còn lưu lại thì thứ sáu mười ba, cũng như theo truyền thống dị đoan của người Việt Nam thì những ngày mùng năm, mười bốn hăm ba là những ngày cấm kỵ, "đi chơi còn lỗ, nữa là đi buôn". Nên chi, ba tôi quyết định sẽ đi trình diện vào ngày cuối cùng, chủ nhựt 15 tháng 6 năm 1975, ngày rằm với hy vọng là một ngày lành, dù để đi tù!

Một ngày chủ nhựt buồn thật là buồn, buồn nhất cho gia đình tôi kể từ khi tôi biết buồn, biết vui đến lúc bấy giờ! Sáng ngày, không ai nói với ai một lời nào như chừng sợ tan vỡ một bầu không khí thân thương đang hồi mong manh như thủy tinh cực mỏng. Hai em tôi, đứa lên chín, đứa lên tám, cũng không đùa giỡn vui chơi như mọi ngày, mà mỗi đứa im lặng ở một góc nhà. Một số người trong gia đình hai bên nội ngoại kéo đến nhà đông đảo nhưng cũng không làm cho bầu không khí vui nhộn lên được.

Sau bữa ăn trưa, thức ăn thừa mứa nhưng vô vị, ba tôi buồn buồn kiểm lại những gì phải mang theo, "đủ dùng trong một tháng" đúng như lời dặn trong thông cáo. Rồi giây phút chia ly dễ sợ cũng đến! Me tôi, thường thường rất dễ nước mắt nhưng hôm đó tôi chỉ thấy đôi mắt hoen đỏ, như chừng tâm tư bị đơ cứng, cười cười nói nói với họ hàng nhưng tâm trí cứ đâu đâu.

Thế rồi cái gì phải đến đã đến. Ba tôi bảo:

- Huy, con lấy Honda đưa ba đi.

Tôi vô cùng ngạc nhiên vì từ ngày nhà có chiếc xe gắn máy đến lúc bấy giờ, tôi chưa hề mó đến, ít nhứt trước mặt ba me tôi. Trong quá khứ cho đến mấy ngày trước đó, chuyện di chuyển của những người trong gia đình đều được chú tài xế phụ trách. Ðiều ngạc nhiên kế tiếp là ba tôi để tôi cầm lái xe chớ không ngồi phía trước như mọi khi. Ðèo một khối lượng quý giá ở phía sau, tôi vô cùng hồi hộp. Qua một vài đoạn đường, tôi bắt đầu cảm thấy vững tin nên bình tỉnh mà chạy, dĩ nhiên là không dám lượn qua lượn lại.

Trên quãng đường từ nhà ở Gia Ðịnh đến khu đại học xá Minh Mạng ở miệt Chợ Lớn, hai cha con chúng tôi không có lấy một lời, chỉ sợ làm tan biến tình hình mong manh của lúc chia tay. Xe dừng trước khu đại học xá, kẽm gai chằng chịt từ ngoài lề đường đến cổng. Ngay cổng là một tên bộ đội súng dài đang ngồi gác, một lối canh gác quái đản vì trước kia tôi chỉ thấy người lính Việt Nam Cộng Hòa đứng gác mà thôi.

Xuống xe, ba tôi đứng tần ngần một lúc rồi móc bóp đưa tôi tờ giấy năm trăm và dặn:

- Con cầm lấy tiêu xài lặt vặt. Ở nhà ráng coi chừng hai em phụ me. Trở về cẩn thận nghe con.

Hôm nay sao ba tôi ít nói, không như trước kia. Chiếc va-li con và chiếc chiếu cuộn tròn ở một tay, một tay trống, ba tôi lẩn thẩn đi vào đại học xá, không quay lại nhìn tôi. Tôi đứng nhìn cho đến lúc người khuất biệt sau bức tường rào.

"Rồi đất nước đắm chìm trong đêm tối
"Cha vào tù trả nợ những chiến công... (Yên Sơn)

Nhìn từ phía sau, tướng đi của ba tôi vẫn còn phảng phất cái oai hùng của những ngày xa xưa, nhưng cũng không khỏi nói lên đôi chút bực dọc và buồn nản vì không cưỡng lại được hoàn cảnh. Dưới nhãn quan cá nhân, ba tôi vẫn còn là một anh hùng trong một hoàn cảnh gượng ép. Gương phấn đấu của người mãi mãi ở trong tôi nên tôi không tài nào chấp nhận tư tưởng thua cuộc của một thế hệ. Từ một học sinh hiền lành, ngoan ngoãn, nghe lời mẹ cha, tuân hành chỉ dạy của thầy cô, tôi thấy cần có một hướng đi mới tuy rằng ở tuổi mười sáu.

Mang danh "con ngụy quân", tôi không còn được chấp nhận ở băng ghế nhà trường của chế độ vừa thắng cuộc được nữa. Làm gì đây, khi tôi bị ném vào một cuộc sống ngoại lai mà tôi không được chuẩn bị? Dứt khoát là tôi không thể đứng vào hàng ngũ của những thằng bạn hung hăng con bọ xít, mang băng vải đỏ ở cánh tay mà làm "những tên cách mạng ba mươi", tiếp tay với quân cộng sản vào thành. Ăn cơm nhà vác ngà voi, chạy chọt đầu này ngõ kia chỉ điểm, tịch thu sách báo "phản văn hóa", tom góp "nhạc vàng" để trao cho "cách mạng" lập công à? Ðâu phải là chó mà ăn cứt không biết thối?

Sau một thời gian tìm tòi và trong khi chờ cơ hội quyết định, tôi theo một người anh họ đi làm thợ, một thứ thợ linh tinh hạng bét, không chuyên, nghề gì cũng làm. Miễn sao đừng bị công an phường khóm quấy rầy, hạch hỏi lôi thôi. Hai em tôi, còn trong tuổi tiểu học nên "cách mạng" tha Tào cho đi học tiếp. Me tôi cũng phải đăng ký vào tổ đan lát của phường để "bà vợ ngụy" được yên thân chớ chẳng phải để có đồng ra đồng vào, vì lương chẳng có là bao. Một lon gô (hộp nhôm của sữa Guigoz) nước, một lon gô cơm với vài miếng thịt hay cá kho mặn, ra đi từ sáng sớm, tôi cứ làm cho đủ "tám tiếng vàng ngọc", tìm cho kỳ được cái mà "cách mạng" ngày đêm ra rả rêu rao "lao động là vinh quang". Mấy năm làm thợ, hai tay chai sạn, vinh quang đâu chưa thấy mà lại thấy lăm le lịnh bắt lính vào nghĩa vụ để đi chiến trường Cam Bốt. "Con ngụy" mà lại làm bộ đội cho "cách mạng" sao đây? Chẳng còn nghịch lý nào hơn!

Với tình hình như vậy, me tôi cũng băn khoăn không ít. Mấy tháng liền tôi thấy như me tôi có điều gì phải suy tính. Một hôm bà hỏi tôi có sợ đi chui không?

- Chết, con cũng đi.

Thế là bao nhiêu quý kim giấu giếm được, me tôi tung ra để lo cho chuyến đi xa của tôi. Thêm một cuộc giả từ gay go. Ngày tôi lên đường, gia đình chẳng dám có chút biểu hiện gì đưa tiễn. Me tôi âm thầm gạt nước mắt tiễn đưa ngay trong nhà, không dám đưa tôi ra xe. Một bọc quần áo thô sơ, tôi lẳng lặng rời mái nhà tổ ấm, rời me, lìa em yêu thương để đi đến một vùng trời mờ mịt, không có bảo đảm ở cuối đường, như lao người vào chân không.

Khác với những chuyến vượt biển thông thường, tôi xuống tàu ở một giòng sông xứ bưởi. Chuyến đi của tôi được cho là một cuộc vượt biển "bán chánh thức", có công an nhúng tay - do đó phải mất nhiều "cây" hơn và được me tôi nghĩ là bảo đảm hơn - nên những người ra đi mang giấy tờ ngụy tạo dưới tên gọi của một người Hoa nào đó. Tôi đã trở thành Nhan Sỹ Huy, may mắn thay vẫn còn là tên của tôi nhưng với một họ cha căng chú kiết hoàn toàn xa lạ. Xuyên suốt chuyến đi tôi phải nằm lòng danh tánh mật mã để đáp ứng khi cần.

Khi con tàu ra đến cửa sông Cần Giờ thì giấy tờ tùy thân ngụy tạo đều được thu lại, để dành cho chuyến làm ăn khác, và thân phận của hành khách được giao phó cho biển cả và cá mập. Từ đây trở đi, chuyện vượt biển của chúng tôi cũng giống như muôn ngàn chuyến đi khác.

Sau 3 ngày 3 đêm nhảy sóng, nhịn khát và đói ăn thì chân trời hy vọng bắt đầu xuất hiện qua bóng mờ của bờ biển xa xôi. Chưa kịp vui mừng thì một chiếc tàu tuần dương của Mã Lai đã hùng hổ rẽ nước chạy đến làm thủ tục kéo tàu của chúng tôi đến một nơi gần đảo để chờ biện pháp. Thời gian chờ đợi sao mà miên man, tuy ngắn mà dài. Bờ biển trông thấy đó, tuy gần mà xa. Rồi như thương tình, ngày hôm sau người ta lại lôi chiếc tàu tỵ nạn đến bên kia hòn đảo và thả tàu cách bờ vài mươi thước vì mắc cạn. Thật ra, chẳng phải vì lòng nhân đạo mà vì họ muốn tránh một điều vô luân chưa kết thúc, xảy ra trước đó độ mươi ngày. Hôm đó, họ cũng kéo một chiếc tàu tỵ nạn ra khơi, gặp lúc sóng giận biển hờn nên tàu tỵ nạn chìm, khiến cho 70 người chết đuối, đang bị HCR điều tra.

Ðoàn người tỵ nạn chúng tôi, áo quần lôi thôi lếch thếch, trông chẳng giống ai, tay khăn, tay gói uể oải nhảy tòm xuống nước lội vô bờ. Bến bờ của một nửa vùng trời tự do. Tương lai như thế nào chưa cần biết, chủ yếu là thoát được cảnh "không có gì quý hơn độc lập tự do" của cộng sản Việt Nam cái đã. Ðổ bộ lên một vùng đất gần như hoang vắng của đảo, với vài ba lều vải thô sơ, những người tỵ nạn phải đi tìm phương tiện để che thêm chòi ở. Những ngày tốt trời, sóng yên biển lặng thì có tiếp tế thực phẩm còn những hôm thiên nhiên nổi giận thì thiếu trước hụt sau. Do đó phải rút kinh nghiệm, có ăn và có để, bù trừ lại những lúc túng thiếu. Theo me tôi kể lại, sau những chuyến thăm nuôi, cuộc sống của tôi trên đảo không kém gì sinh hoạt của ba tôi trong môi trường "học tập cải tạo".

Với một ít vốn liếng ngoại ngữ Pháp lẫn Anh, tôi tình nguyện làm thông dịch viên giữa các phái đoàn người nước ngoài đến phỏng vấn và người tỵ nạn trên đảo, với hy vọng được rời đảo đi Hoa Kỳ càng sớm càng hay. Thế nhưng, không đủ tài liệu để chứng minh quá khứ của ba tôi - bị đốt mất khi chế độ cộng hòa ra đi - nên phái đoàn cứ chần chờ, cần có thời gian để xác minh. Cứ như vậy mà sáu tháng qua đi không mấy hồi, tôi càng nôn nóng muốn rời bỏ kiếp sống của Robinson Crusoe để sớm thoát khỏi cảnh cơ cực của thời tỵ nạn trên đảo. Mức độ hy vọng ngày một cạn kiệt mà tương lai thì cứ diệu vợi:

"Ở đây nhớ khói quê nhà
"Nhớ khi chiều xuống buồn tha thiết buồn!
(Lâm Hảo Dũng)

Dịp may đến cho tôi là có tin phái đoàn Pháp chọn người đi mà không cần phải chứng minh quá khứ. Thế là tôi được đưa đi Singapore để lên phi cơ bay đến miền đất của "Công Bình - Bác Ái - Tự Do".

Xuất thân từ trường Lê Quí Ðôn, qua một chương trình học hỗn hợp Việt-Pháp, tôi có được một ít vốn liếng về ngôn ngữ và văn minh, văn hóa Pháp. Hơn nữa, trong buổi hưng thời của ba tôi, qua sách vở, tài liệu và đồ vật trang trí trong nhà, môi trường sinh sống của nước Pháp đã gây một ấn tượng tốt trong tâm khảm tôi từ buổi thiếu thời. Dư luận trên đảo cho rằng đi Mỹ "sướng hơn", vì sẽ được Mỹ chăm nuôi, cấp dưỡng đủ điều, vì "nó chịu trách nhiệm trong chuyện thua cuộc của Sài Gòn". Còn Pháp thì đâu có ăn nhằm gì thì họ sẽ coi người tỵ nạn như con nuôi, con ghẻ. Nhưng, trong đầu óc của thằng trai mười chín tuổi ở tôi, những điều đó đâu có gì là quan trọng, miễn sao sớm thoát được cảnh cùng khổ một thời trên hoang đảo là được. Với đôi tay nhiều nghị lực mình sẽ làm nên tất cả, thì cần quái gì chuyện nằm chờ sung rụng, biết có thực hay không.

Sau hai tuần lễ làm thủ tục di trú tại một trung tâm của "France-Terre d'Asile" ở Créteil (ngoại ô Paris), tôi được đưa đi tạm cư ở Strasbourg, một thị xã miền cực Ðông nước Pháp, giáp ranh với Ðức. Tôi bắt đầu một khoảng đời tỵ nạn lưu vong bằng lao động chân tay, cực thì có cực nhưng tâm trí được tự do và cảm thấy hạnh phúc trong nội tâm vì:

"Hạnh phúc
"Là được sống với trái tim mới lạ
"Cởi bỏ hận thù, một cõi xót xa...
(Nguyên Lý)

Cái gương khổ cực của ba tôi trong rừng rậm lao cải đã trang bị cho tôi lòng can đảm để gánh chịu mà đạt lấy mục tiêu. Một thời gian sau, tôi ghi tên học nghề chuyên môn và sau trắc nghiệm về trình độ văn hóa, người ta đưa tôi về Champs-sur-Marne, một vùng ngoại ô xa của Paris, để học về điện toán. Sau một năm đào tạo, tôi được giữ lại trường phụ tá cho các giáo sư giảng huấn trong một năm và sau đó tôi bắt đầu hành nghề trong phạm vi chuyên môn đã học được, với quyết tâm sẽ mang tất cả gia đình sang Pháp sinh sống.

 

Khoảng mười năm sau, ba tôi được phóng thích, vì đã "học tập tốt", cùng lúc với hàng ngàn người tù khác, qua đợt tha do sự can thiệp với Hà Nội của tướng Vessey, đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ. Tôi nôn nóng tìm cách bắt đầu thủ tục để bảo lãnh ba me và hai em tôi sang Pháp. Thế nhưng, thân tôi còn ở trọ trong một căn phòng bé nhỏ của một Foyer Pour Travailleurs Immigrants (Cư xá cho lao công di trú) thì làm sao mà đưa gia đình tôi sang Pháp cho được.

Trong khi đang bâng khuâng và thắc mắc thì nhận được thơ của ba tôi bảo đi tìm ông François P., một người Pháp bạn thân của ba tôi, để may ra nhờ ông này can thiệp. François trước kia làm giám đốc cơ quan thông tấn AFP ở Sài Gòn trong khi ba tôi giữ một chức vụ thứ yếu, nhưng không kém phần quan trọng trong nội các "dân nghèo". Gởi thơ đến hãng tin AFP của Paris thì tiếc thay ông François đã về hưu, nhưng người ta vẫn có lòng tốt cố gắng tìm ra. Y như rằng, một thời gian sau ông François tìm gặp tôi. Thế là thủ tục xin chiếu khán nhập cảnh Pháp cho gia đình tôi có kết quả trong vòng một tháng. Nhưng, ở phía Việt Nam phải chờ một năm sau mới được chiếu khán xuất cảnh.

Gia đình chúng tôi đoàn tụ trên đất Pháp vào một ngày hè năm đó (1990), trong nổi vui sướng và niềm tự hào của riêng tôi. Vui sướng vì sau mười mấy năm xa cách, qua những bước thăng trầm của lịch sử đau thương đầy mất mát và sàng lọc của định mệnh mà gia đình chúng tôi còn trọn vẹn để xây dựng lại tất cả từ con số không to tướng, trên xứ lạ quê người. Tự hào vì đã có một quyết định đúng và đã có một tấm gương để phấn đấu cho lý tưởng của chính mình.

Ngày ôm chầm lấy ba tôi ở phi trường Roissy-Charles de Gaulle, tôi thấy buồn lòng vì thân xác ba tôi hơi tiều tụy, nhưng gương mặt còn phảng phất một nét tinh anh thầm kín, chưa mất hẳn. Cả me và các em tôi cũng vậy. Phải chăng sau mười mấy năm trời sống trong o ép của xã hội xã hội chủ nghĩa, con người đã bị xóa mờ đi? Chỉ còn lại một bóng dáng của chính mình. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi, ba tôi vẫn cứ là một anh hùng như trong bài "Sau trận chiến" của Victor Hugo: "Ba tôi, người anh hùng đó, với nụ cười hiền hòa..." (Mon père, ce héros au sourire si doux). Với một tinh thần phấn đấu vượt gian khổ, gia đình tôi lần hồi huy hoàng trở lại, bằng năm, bằng mười xưa kia. Trời Ðất quả không phụ lòng những người có thiện tâm và biết kiên trì.

 


bút
việt
hồn
quê

PHAN QUÂN

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.