
CHƯƠNG BA
Sau một thời gian dài tạo thông cảm và cảnh tỉnh chánh hữu Tổng
Thống của họ mà không thành công, phái bộ đặc nhiệm của Quốc Tiến
đành chịu thua trong phiền muộn. Về phía Tổng Thống Nguyên thì ông
đã rút tỉa được một bài học kinh nghiệm cầm quyền, sau mấy lần thất
bại vừa qua. Hơn nữa, bài học lịch sử chánh trị cận đại của những
nước trong vùng còn cho ông thấy rằng lãnh đạo của những nước chịu
ơn Mỹ đã bị hạ sát hay mất quyền chỉ vì không chịu nghe theo Huê Kỳ,
dù là một sự tuân lịnh trái với nguyện vọng chân thành của dân tộc
mình. Ông cũng nhớ đến những cấp lãnh đạo dẫu không được lòng dân,
dẫu bị quần chúng chống đối, đảng phái và đoàn thể áp lực nguyền
rủa, lập pháp chê bai và truyền thông chỉ trích, vậy mà cứ tồn tại
trên ngôi uy quyền chỉ vì được Mỹ mến mộ.
Trong thời hoạt động ở Quốc Tiến, trên tư thế một chánh khách đối
lập, ông đã phản kháng lung tung, một chống mười, chống chánh quyền,
chống Tây rồi chống Mỹ đủ hết. Ông chưa bao giờ gặp áp lực của Huê
Kỳ, trái lại đôi khi còn được họ khuyến khích trong quá trình chỉ
trích nhơn vật này, chánh trị gia kia. Nghĩ lại thời kỳ ở đảng ông
thấy thích thú vô cùng vì không bị bất cứ điều gì ràng buộc. Ðứng
bên ngoài chánh quyền, ông tha hồ đả kích cho sướng miệng, cho đẹp
lòng quần chúng nhân dân, không cần biết giải pháp mà cũng chẳng cần
đưa ra đề nghị cho các vấn đề bị phê phán. Nay, vào bên trong chánh
quyền rồi ông mới thấy cái thế kẹt của hành pháp vì đôi khi há
miệng, mắc quai và ăn xôi chùa thì ngọng miệng!
Thế nhưng, quả như ai đó đã nói "chánh trị, thật là bẩn thỉu" thì
đúng thật, hình như Gustave Flaubert thì phải, nếu ông chưa quên
những gì đã đọc hồi còn đi học. Khi mọi chuyện đều bình thường hoặc
giả gặp khó khăn chung thì chiến hữu là đồng chí, là bằng hữu thương
yêu gắn bó nhau trong tinh thần mọi người cho một người và một người
vì mọi người. Nhưng, trước miếng mồi quyền lợi hay bả vinh hoa thì
cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Nhớ lại thời kỳ trước ngày ghi danh ứng cử, cung cách đối xử của một
số đảng viên Quốc Tiến, nhứt là Trần Việt và phe nhóm, đến nay vẫn
còn làm cho ông lợm giọng, ngao ngán tình đời khá nhiều và chán ngán
tình đảng không ít. Mấy mươi năm của một quá trình làm chánh trị,
tiếc thay ông lại đi đến một khúc quanh buồn tênh! Cũng may mà ông
đã đắc cử tổng thống vì ít ra con đường chánh trị của ông cũng lên
được đỉnh cao chói lọi và ngời sáng. Ít ra thì ngọn đèn chánh trị
của đời ông cũng được một lúc lóe lên rồi tắt hẳn, còn tốt hơn là từ
từ tàn lụn.
Nay ngồi vào địa vị uy quyền, ông có tất cả trong tay thì tại sao
ông phải chấp nhận lệ thuộc mãi với quá khứ? Ông quyết định làm lại
sự nghiệp chánh trị, dù là từ con số không cũng được, nhưng với
những dữ kiện mới của chức vụ dân cử này. Ông nhìn nhận rằng rồi đây
miệng đời, mồm đảng sẽ chê bai ông là con người phản đảng, qua đò
khinh sóng. Nhưng, nếu là một sự phản bội có lợi cho đất nước thì
đâu phải là điều cần tránh né? Ðã có những nhân vật đáng bậc tiền
bối của ông từng hy sinh danh dự và tiết tháo cho đại cuộc thì ông,
kẻ hậu sinh, đâu có gì xấu hổ khi phải hy sinh một dỉ vãng và bỏ rơi
chút tiếng tăm? Từ suy nghĩ như vậy và trên lập trường này, Tổng
Thống Nguyên quyết định sắt đá trong chánh trị, trên thế người đứng
đầu hành pháp của Ðệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam.
Va đầu vào một khối sắt đá chánh trị như vậy là một hành động chẳng
lợi ích gì cho cá nhân, cho tập thể, cho đảng hay cho đất nước quê
hương. Ban chỉ đạo trung ương Quốc Tiến đành phải chuyển hướng để
tìm một lối thoát hữu hiệu hơn và quên đi một chánh hữu. Ban chỉ đạo
triệu tập nhiều phiên họp, thu hẹp cũng có mà mở rộng cũng có, nhằm
chỉnh đốn hàng ngũ đảng và đặt tất cả hy vọng trong công tác đó vào
chánh hữu phó Tổng Thống Trần Việt. Ðối với cuộc đời một chánh đảng,
bốn năm của một nhiệm kỳ Tổng Thống chẳng phải là một thời gian vô
tận. Với một dỉ vãng và kinh nghiệm chống thực dân Pháp, bài phong,
đả cộng, chống đối chế độ gia đình trị nhà Ngô và đối kháng lại tập
đoàn độc tài quân phiệt, Quốc Tiến nhận thấy rằng lòng kiên nhẫn là
một trong những yếu tố then chốt để thành công trong chánh trị. Ðảng
này đã biết kiên trì trong quá khứ thì nay không có lý do gì để nôn
nóng, nhứt là khi họ đã có người trên thế cầm quyền.
Ban chỉ đạo nhứt định kiên trì trong tiến trình tranh thủ chánh hữu
Tổng Thống của họ với mục đích tranh đấu vì lợi ích của đất nước và
dân tộc. Nhưng, ban chỉ đạo cũng không khỏi băn khoăn và lo âu cho
chánh trị của Việt Nam. Theo dõi sát hoạt động của nội các Trần
Huyền Thanh, ủy ban chánh trị Quốc Tiến thảo ra nhiều phúc trình
đáng quan ngại. Những tài liệu nghiên cứu này càng ngày càng khẳng
định việc Huê Kỳ đang thao túng hành pháp theo chiều hướng dẫn đến
một lối thoát cho sự can dự của họ ở Việt Nam Cộng Hòa.
Lối thoát mà Mỹ đang nhắm chỉ có lợi cho họ và rất nguy hại cho Việt
Nam Cộng Hòa. Thái độ mỏi mệt và chán chường đối với chiến tranh
Việt Nam của quần chúng và chánh phủ Huê Kỳ ngày càng trở nên đậm
nét qua những cơ quan truyền thông bên kia bờ Thái Bình Dương, cũng
như qua các cuộc xuống đường và biểu tình ngồi của nhiều trường đại
học lớn bên Huê Kỳ. Gia đình và thân nhân Mỹ không thể triền miên
chịu để cho chánh phủ Huê Kỳ đưa con em họ vào chiến trường Việt Nam
Cộng Hòa như vào một cái thùng không đáy. Khi đi thì như một con
người hùng hiên ngang mà khi về thì có khi chỉ là một chiếc hòm bọc
thiếc phủ lá quốc kỳ năm mươi sao mười ba sọc.
Hơn nữa, để chuẩn bị cho vị Tổng Thống Mỹ đương nhiệm tái tranh cử
thắng lợi vào năm tới, bài toán dai dẳng về chiến tranh Việt Nam qua
gần sáu bảy nhiệm kỳ Tổng Thống Mỹ, cần phải được giải quyết dứt
khoát trong năm nay. Ðiều kiện mà Mặt Trận đặt ra cho phía Huê Kỳ là
ngưng xen vào chuyện nội bộ của người Việt Nam với nhau. Nghĩa là Mỹ
phải rút hết quân "viễn chinh xâm lược" của họ ra khỏi Việt Nam Cộng
Hòa. Lúc bấy giờ muốn nói chuyện điều đình hay thỏa hiệp gì đó cũng
được.
Nôn nóng vì muốn được việc của riêng mình, Huê Kỳ sẽ thỏa mãn yêu
cầu của Mặt Trận bằng cách ép buộc Việt Nam Cộng Hòa phải làm theo ý
muốn của họ. Bằng không thì Mỹ đã có biện pháp kinh tế và tài chánh,
mà bàn tay lông lá của họ đã sẵn sàng để hành động qua hai ông tổng
trưởng kinh tế và tài chánh. Một ngõ ngách thứ hai là Mỹ sẽ lén lút
mở cửa cho Mặt Trận xâm nhập vào chánh quyền Việt Nam qua ông tổng
trưởng chiêu hồi và địch vận.
Từ điểm quan sát ở ngoài chánh quyền, ban chỉ đạo có một cái nhìn
sáng suốt hơn kẻ trong cuộc là Tổng Thống Nguyên. Nhận xét theo các
phúc trình của ủy ban chánh trị gửi cho ban chỉ đạo làm cho Phó Tổng
Thống Trần Việt thêm phần thắc mắc và lo sợ không ít khi các dân
biểu đồng viện trước kia cho ông hay rằng ngay ở quốc hội hiện đang
có một nghi vấn về sự xâm nhập của cộng sản trong các quyền lập pháp
lẫn hành pháp. Còn nói làm gì ở quyền thứ tư của những tờ báo thủ
đô, vì báo chí Sài Gòn gần như là một loại cao su xốp khô khan lại
gặp nước trước những luận điểm và nhu cầu len lỏi vào quần chúng của
cộng sản.
Nghi vấn của Phó Tổng Thống Trần Việt lần hồi đã trở thành thực tế
vì những cuộc thảo luận sau này tại diễn đàn quốc hội đã cho phép
thâm tâm ông nghĩ rằng dân biểu Phạm Long Chấn là một trong những
thành viên cộng sản len lỏi vào hàng ngũ quốc gia. Trong thời gian
hoạt động tại quốc hội trước kia, Phó Tổng Thống Trần Việt đã biết
dân biểu Chấn rất nhiều. Với tư cách dân biểu đối lập chánh quyền,
hai người kết hợp hành động thật dễ dàng và do đó mà trở nên thân
thiết.
Xuất thân từ một gia đình nông dân loại tá điền ở Bến Tre, Chấn là
một học sinh được coi là giỏi nhứt trong làng. Thương tình cho cảnh
gia đình nghèo khó nhưng chuyên cần, ông hội đồng địa chủ đỡ đầu cho
Chấn thi vào trường trung học Mỹ Tho. Xứng đáng với sự giúp đỡ của
ông hội đồng, Chấn học hành thật xuất sắc và sau bốn năm trung học
suôn sẻ lấy được bằng Thành Chung làm cho làng nước cậu cũng hãnh
diện. Nhưng, tiếc thay vừa tốt nghiệp thì cậu lại bị động viên vào
quân trường Thủ Ðức. Dù gia đình và thân bằng quyến thuộc can ngăn
Chấn, không cho đi trình diện, nhưng ông hội đồng ân nhân của cậu
thì khuyên ngược lại. Ơn chưa đền, nghĩa chưa đáp lẽ đâu Chấn lại
làm phiền lòng ông hội đồng.
Hơn nữa, trốn động viên thì phải sống chui sống nhủi, còn gì là đời
trai. Và liệu sẽ trốn được đến bao giờ, ngoại trừ đi theo kháng
chiến. Lúc bấy giờ hoài bảo và lý tưởng của người thanh niên đang
đưa đẩy Chấn theo một hướng khác và với sự thôi thúc của ông hội
đồng, mà người con gái rượu đã lôi cuốn cậu vào bẩy của đôi mắt
xanh, Chấn đành khăn gói ba lô đi trình diện nhập học trường sĩ quan
trừ bị Thủ Đức. Nhờ có lời gửi gấm của ông hội đồng, lúc bấy giờ đã
là nhạc phụ của Chấn, nên cuộc đời binh nghiệp của Chấn không vất vả
bao nhiêu chỉ phải lăn lóc từ bàn giấy này đến văn phòng nọ, hết
khóa học này đến lớp tu nghiệp kia. Chẳng mấy chốc mà Chấn đã cài
hai hoa mai bạc trung tá lên cổ áo ka ki.
Có được sự bảo đảm của gia đình bên vợ, trong thời quân ngũ Chấn đã
đảm nhiệm nhiều chức vụ quân báo quan trọng từ cấp tiểu đoàn đến sư
đoàn. Thậm chí Chấn còn được tham mưu biệt bộ của Tổng Thống Diệm và
văn phòng ông Cố Vấn Nhu đề bạt đi làm tỉnh trưởng của tỉnh nhà.
Thôi thì làng nước rỡ mặt rỡ mày, cha mẹ mặc tình hãnh diện!
Khi chiến tranh leo thang, nhiều tiểu khu bị tràn ngập và tỉnh đường
ăn đạn pháo như cơm bữa, vợ con khuyên ông nên tìm chỗ nào ít nguy
hiểm hơn vì tiền của thì chẳng thiếu gì. Danh vọng mà làm chi để rồi
chết không kịp hưởng. Theo hướng dẫn của ông hội đồng, Chấn ra tranh
cử vào quốc hội lập hiến, sau đó biến thành lập pháp.
Trong quá khứ, ở vị trí cộng tác nào Chấn cũng hăng say tích cực.
Nhờ tinh thần phục vụ cộng với thanh thế của gia đình nhà vợ, Chấn
đắc cử dễ dàng vào quốc hội. Là một dân biểu đứng trên quan điểm đối
lập, với những phát biểu mạnh bạo dựa trên các luận điểm có cơ sở
vững chắc, dân biểu Chấn đã được báo chí trong nước trích dẫn rộng
rải và ngưỡng mộ. Còn đối với các hãng thông tấn ngoại quốc thì bài
phát biểu của ông Chấn là một món hàng hiếm có.
Với Tổng Thống Nguyên, dù là bạn từ thời còn để chỏm, dân biểu Chấn
vẫn giữ thế đối lập của mình. Tổng thống đã nhiều lần bất bình với
những lời phát biểu của dân biểu Chấn tại diễn đàn quốc hội. Ông
Nguyên đã lắm phen ra lệnh cho ông bộ trưởng liên lạc quốc hội nhắc
khéo ông Chấn, thậm chí ông Nguyên còn tìm mọi cách, tình cảm lẫn
vật chất, để biến dân biểu Chấn từ đối lập sang thân chánh nhưng vô
hiệu. Thế là Tổng Thống Nguyên đành phải câm nín chịu đựng, cố chờ
cho ông Chấn bất cẩn tạo ra một kẽ hở là ông sẽ không nương tay
triệt tiêu chướng ngại chánh trị đó.
Dịp may đã đến cho Tổng Thống Nguyên khi cả đặc ủy trung ương tình
báo lẫn cảnh sát quốc gia, qua hai hệ thống riêng biệt, đều trình
lên Phủ Tổng Thống hồ sơ chứng minh ông Chấn là người của Mặt Trận
nằm vùng. Hồ sơ tiết lộ rằng dân biểu Chấn là cán bộ cao cấp của
cộng sản được cài lại miền Nam sau đợt tập kết. Tên thật của Chấn là
Huỳnh Quang Tấn, bí danh Năm Sơn Qui.
Chấn đã được Việt Minh cài lại miền Nam với nhiệm vụ trường kỳ mai
phục cho đảng. Chấn đã được cộng sản, dựa trên thành phần gia đình,
móc nối trong thời học sinh sinh viên đấu tranh trong phong trào
Trần Văn Ơn. Cho nên, khi Chấn nhận được lệnh động viên để đi quân
trường thì gia đình và họ hàng ngăn cản, không muốn Chấn rơi vào đội
ngũ "ngụy quân".
Thế nhưng, hoàn cảnh đã đưa đẩy Chấn vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa
thì cộng sản thay đổi thế cờ, để cho Chấn hoạt động trong "vùng tề".
Chấn có được lợi thế để hoạt động đàng sau tuyến địch vì núp sau
bình phong gia thế nhà vợ và chức vụ trong hàng ngũ quốc gia. Ðể tạo
được niềm tin, Chấn làm việc tích cực ở mọi cương vị phục vụ, thậm
chí hệ thống mật vụ của chế độ Ngô Ðình Diệm cũng không phát hiện
được.
Như bất cứ mọi đảng viên cộng sản trung kiên, Chấn đã kiên trì và
chấp nhận kham khổ để dễ bề len lỏi vào các hệ thống cao cấp nhứt
của Việt Nam Cộng Hòa. Chấn đã xâm nhập đến ngành lập pháp và chỉ
còn chờ ngày các đồng chí bên ngoài của ông tiến vào mà thôi. Ngày
đó, Chấn tưởng rằng sẽ đến không bao lâu nữa với những xảo thuật
khai thông ngõ ngách của Chấn từ bên trong quốc hội. Nhưng, người
muốn mà trời chưa muốn, nhứt là những người cộng sản vô thần.
Chân tướng của dân biểu Chấn bắt đầu hiện rõ nét với việc cộng quân
tấn công vào Kon Tum. Qua thắng lợi quân sự đó của bộ đội cộng sản,
dân biểu Chấn nghĩ rằng người anh em bên kia vỹ tuyến của ông đã nắm
được thế thượng phong. Chấn tự coi chiến thắng Kon Tum như là tiếng
súng lệnh báo hiệu cho ông vùng lên đưa ra sáng kiến mới từ thủ đô
Việt Nam Cộng Hòa, hầu mở ra một mặt trận chánh trị đánh vào hậu
phương đang rối bời của phe Sài Gòn. Ðáp lời một phóng viên của hãng
thông tấn Mỹ UPI, về trường hợp tỉnh lỵ Kon Tum thất thủ, dân biểu
Chấn cho rằng:
- Bây giờ Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi phải có một quan niệm hết sức
thực tế và thực tiễn về chiến cuộc này. Từ nay, chiều hướng giải
quyết chiến tranh không còn căn cứ trên hỏa lực và vũ khí được nữa.
Cuộc chiến này ngày nay đã hiện rõ nguyên hình là một cuộc xích mích
anh em. Cho nên, muốn giải quyết êm đẹp và hữu hiệu thì hai anh em
thù nghịch phải ngồi lại bảo nhau mà thôi. Chúng tôi cần có một hiến
pháp thực tế, nghĩa là hiến pháp hiện hành phải được tu chính để có
thể mời gọi những người anh em thù địch bên kia. Con cùng cha cùng
mẹ giận dỗi nhau, đánh đập nhau thậm chí chém giết nhau rồi có ngày
cũng phải tỉnh ngộ để rồi tay trong tay, cùng nhau vun quén lại kho
tàng gia bảo.
Lời tuyên bố của dân biểu Chấn được các đài BBC và VOA khai thác rầm
rộ, rồi thì đến các bài tường thuật và xã luận của báo chí Việt Nam.
Trên căn bản tinh thần chống cộng, báo chí Sài Gòn phê bình thậm tệ
quan điểm của ông Chấn, trong khi những tờ gọi là thuộc thành phần
thứ ba hay chịu ảnh hưởng của đồng đô la thì chỉ loan tin đơn thuần.
Riêng đài tiếng nói Việt Nam và truyền hình Sài Gòn thì chẳng đả
động đến chút nào hết. Chỉ thị của bộ thông tin chăng?
Một vài nghị sĩ Huê Kỳ ca ngợi quan niệm chí lý chí tình của dân
biểu Chấn. Phát ngôn viên Bạch Cung thì coi đó như là "phản ứng của
một người Việt Nam thực tiễn" mặc dù viên chức này của Phủ Tổng
Thống Huê Kỳ không quên nhắc đi nhắc lại rằng Mỹ không muốn tác động
đến quyền dân tộc tự quyết của quần chúng Việt Nam.
Hành pháp Việt Nam càng để ý hơn nữa đến dân biểu Chấn và theo dõi
ông rất sát. Lợi dụng cái thế bất khả xâm phạm của đại diện dân cử
và say sưa với những luận điệu ca ngợi và tán dương của báo chí
ngoại quốc lẫn Việt Nam, dân biểu Chấn cảm thấy mình bỗng nhiên trở
thành một nhân vật quan trọng của thời sự. Thừa thắng xông lên, ông
đẩy mạnh đề nghị của ông đến việc đưa ra tu chính luật bầu cử quốc
hội với những điều khoản chấp nhận cho những người kháng chiến cũ ra
tranh cử như bất cứ đảng viên chánh trị nào ở Việt Nam Cộng Hòa.
Chẳng khác nào coi Mặt Trận Giải Phóng như một chánh đảng.
Ý kiến khá táo bạo của dân biểu Chấn làm xôn xao quốc hội một thời
khá lâu và cung cấp đề tài bàn ra tán vào của báo chí. Không thể để
dân biểu Chấn tung hoành như thế mãi, Tổng Thống Nguyên yêu cầu ông
bộ trưởng liên lạc quốc hội có những biện pháp cần thiết. Hồ sơ dân
biểu Chấn được chuyển khẩn cấp và tối mật đến ông chủ tịch quốc hội
với lời yêu cầu ông chủ tịch hãy tự xử trong vòng nội bộ.
Với tuổi tác chồng chất trên hai vai ốm yếu còm nhom, trong khi bà
vợ vừa cưới của ông lại còn mơn mởn đào tơ, ông chủ tịch quốc hội
lúc nào cũng muốn cho hành pháp vui lòng, hành pháp của tướng lãnh
cũng như hành pháp của những người dân cử hôm nay. Ông họp văn phòng
lại để lấy ý kiến vì ông không nghĩ ra cách nào là tự xử nội bộ cả.
Văn phòng đề nghị ông đưa vấn đề ra khoáng đại hội nghị, lấy đa số
biểu quyết truất quyền bất khả xâm phạm của dân biểu Chấn, dành
quyền truy tố cho hành pháp. Nhưng ông chủ tịch đã được Tổng Thống
Nguyên điện thoại riêng yêu cầu để cho hành pháp truy tố ông Chấn
càng sớm càng tốt. Như vậy "mình sẽ tránh cho đất nước một tai họa
và vớt một con sâu ra khỏi nồi canh một cách nhanh chóng". Vì mặc
cảm có thành phần cộng sản trong cơ cấu do mình lãnh đạo và tự cho
là được Tổng Thống đích thân ủy thác, ông chủ tịch bất chấp tất cả,
luật lệ cũng như khuyến cáo của văn phòng, ký một văn thư khẩn cấp
yêu cầu hành pháp bắt giữ dân biểu Chấn về tội "liên lạc với địch
không có sự ủy nhiệm của văn phòng quốc hội".
Ðược lời như cởi tấm lòng, hành pháp ra tay hành động không để mất
giây phút nào. Ðược báo trước, nhưng không đủ thời gian đào thoát,
dân biểu Chấn bị cảnh sát chận bắt ngay tiền đình quốc hội và còng
tay dẫn đi trước mắt và ống kính của phóng viên và ký giả Việt Nam
cũng như ngoại quốc thường trực ở quốc hội.
Ðược báo cáo về tin đó, cụm CIA của tòa đại sứ báo ngay cho đại sứ
Bagwell với yêu cầu can thiệp. Xe của ông đại sứ lại trương cờ chạy
ngay vào Dinh Ðộc Lập để trực tiếp với Tổng Thống Nguyên cho rõ
chuyện một cách chính xác:
- Tổng thống hành động như thế mà không sợ mang tiếng là vi hiến
sao? Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa, chắc không khác gì hiến pháp chúng
tôi, chấp nhận quyền bất khả xâm phạm của dân biểu, nếu tôi không
lầm.
- Tôi đồng ý một trăm phần trăm với ông đại sứ. Thế nhưng, trong
trường hợp này tôi hành động theo yêu cầu của chính ông chủ tịch
quốc hội. Chúng tôi không có làm gì trái luật hết. Nhưng, dân biểu
Chấn đâu có liên hệ gì đến sứ quán đâu mà ông đại sứ lại phải can
thiệp khẩn cấp như thế?
- Không liên can gì đến chúng tôi hết. Nhưng, chúng tôi chỉ muốn
thấy nếp sống dân chủ được thể hiện tốt đẹp ở đây.
- Lại dân chủ! Ông đại sứ chắc cũng đã thấy quá nhiều hậu quả tai
hại của dân chủ trên đất nước này. Dân chủ chỉ có thể phát triển tốt
đẹp ở những quốc gia thái bình như Huê Kỳ của các ông chẳng hạn. Chứ
ở một nước đang ngày đêm trực diện với cộng sản ác ôn thì dân chủ
phải được áp dụng một cách có chọn lọc. Nếu không thì dân chủ chỉ là
con cừu non trước cái mồm đầy răng nhọn của chó sói.
- Chính vì cần chọn lọc nên tôi mới yêu cầu Tổng Thống xem xét lại
trường hợp của dân biểu Chấn với một chút đặc ân nào đó.
- Tôi hiểu rồi! Tất cả đều do ước muốn của các ông hết. Dân biểu
Chấn chỉ là người nói lên tiếng nói của các ông tại ngôi nhà lập
pháp của đất nước chúng tôi. Tôi không thể chấp nhận câu mà người ta
thường chỉ trích tôi là "ông đại sứ muốn như trời muốn". Nhưng, tôi
hy vọng rằng hành động của chúng tôi cũng cho ông đại sứ thấy rằng
âm mưu của các ông trên đất nước này không lọt khỏi tầm mắt của
chúng tôi. Tôi sẽ có cách thỏa mãn yêu cầu của ông đại sứ một lần
nữa. Cũng như ông đại sứ đã đòi hỏi phía chúng tôi thì nay tôi cũng
xin ông đại sứ là từ nay về sau những hành động của chúng ta, những
đồng minh đang đối mặt với kẻ thù chung, sẽ được phối hợp chặt chẽ
hơn.
Tổng Thống Nguyên tiễn ông đại sứ ra về mà hân hoan lộ ra mặt trong
thái độ của một người vừa thắng một ván cờ gay cấn, mặc dù chỉ là
một bàn thắng nhỏ trong một loạt những bàn thua. Ông đại sứ ra về,
lòng cũng không kém phần vui vẻ vì, theo cách riêng của ông, ông
chẳng phải là người thua cuộc. Không hẹn mà nên, cả hai người cùng
có một ý nghĩ:"Kẻ thật sự thắng cuộc là người thắng sau cùng".
Sáng hôm sau, nha báo chí phủ Tổng Thống phổ biến một bản tin ngắn:
"Ðêm qua, khi được hỏi về vụ dân biểu Phạm Long Chấn bị cảnh sát câu
lưu, Tổng Thống cho biết rằng cảnh sát đã thi hành đúng luật và
lệnh, nhưng với một thái độ tích cực quá cao. Tinh thần công tác như
vậy quả thật đáng khen. Thế nhưng, trên nguyên tắc dân chủ rộng rãi
mà chánh quyền hiện nay đang chủ trương thì thái độ tích cực đó có
thể đưa đến lệch lạc đáng tiếc. Lấy dân chủ pháp trị làm chuẩn và
hiến pháp làm ánh sáng soi đường, Tổng Thống đã chỉ thị cho bộ tư
lệnh cảnh sát quốc gia trả tự do ngay cho dân biểu Chấn."
Theo kinh nghiệm, một bản tin như thế cho người quan sát chánh trị
Sài Gòn, cũng như những nhà báo chuyên nghiệp, hiểu rằng chánh quyền
muốn tạo dư luận thuận lợi cho một hành động nào đó. Dư luận suy
diễn cho rằng chánh quyền muốn sửa sai một hành động quá hấp tấp.
Một giả thuyết khác cho rằng dân biểu Chấn quả thật là người có tội,
nhưng vì hoạt động cho CIA nên được tòa đại sứ Huê Kỳ khẩn cấp can
thiệp. Do đó mà cảnh sát phải trả tự do ngay cho ông ta. Một số
người khác lại cho rằng cả hai giả thuyết đều đúng.
Tin dân biểu Chấn được tự do làm cho ông chủ tịch quốc hội cảm thấy
khó chịu. Ông điện thoại ngay cho "Phủ Đầu Rồng" để xin yết kiến.
Ông cho rằng với một vấn đề quan trọng như thế mà Tổng Thống thay
đổi ý kiến như trở bàn tay thì ông dễ mất uy tín với các đồng viện.
Văn phòng cho biết Tổng Thống đang đi kinh lý, phải hai ngày nữa
mới trở về. Sau đó, như bị mất đà vì đã nguôi ngoai, rồi ông chủ
tịch quốc hội cũng quên đi. Ông tự nhủ vì quốc gia đại sự cá nhân
ông có mất chút uy tín hay thể diện thì đã chết ai, miễn sao không
làm phật lòng Tổng Thống.
Thật ra, uy tín của ông có đó để rồi mất đó vì ông đã trót chạy theo
hành pháp từ lâu. Sự lệ thuộc của ông vào hành pháp đã trở thành đề
tài của những câu chuyện tiếu lâm nghị viện và quá lộ liễu cũng như
trơ trẽn đến đổi dư luận đặt cho ông bí danh "chánh sự vụ sở lập
pháp" của Dinh Ðộc Lập! Dựa vào tuổi tác để coi thường dư luận và
những lời châm biếm đùa cợt của các dân biểu đáng bực con cháu , ông
chủ tịch quốc hội vẫn bình thản mĩm cười khi nghe thành ngữ kia, mặc
dù nó biểu lộ rất đúng thực trạng. Tuổi đã cao, cuộc đời về chiều xế
bóng, miễn sao ông được hai chữ bình an. Một thái độ khác cũng "nhân
danh lòng yêu nước"!
Nỗi bất bình của ông chủ tịch quốc hội tuy vậy cũng còn ít hơn sự
bực dọc của Phó Tổng Thống Trần Việt. Theo ông này thì lối xử sự của
hành pháp đã làm tổn thương uy tín lãnh đạo và bôi lọ danh dự quốc
gia. Ông đưa vấn đề ra bàn với Tổng Thống Nguyên, nhưng những lời
nói của ông như chừng được tung vào khoảng không! Mối hiềm khích
giữa hai người ngày một tăng lên cùng với thời gian tại nhiệm của
họ. Tình trạng giao dịch ngày một bệ rạc như thế giữa Tổng Thống và
phó Tổng Thống của chế độ biến những khuyến cáo hay đề nghị của ông
Trần Việt thành những lời nói vô vị và vô duyên đối với Tổng Thống
Nguyên. Tổng thống đã có mặc cảm và thành kiến đối với ông Trần Việt
trong quá khứ và trong hiện tại, nhứt là mới vừa qua trong hành động
của phái đoàn đặc biệt để tìm cách cảnh tỉnh Tổng Thống. Qua cách
lập luận của phái đoàn để thuyết phục, ông linh cảm được ảnh hưởng
của Trần Việt trong đó. Vì vậy cho nên ý kiến của phái đoàn bị Tổng
Thống lờ đi một cách máy móc, không phải lắng nghe dài dòng và suy
nghĩ lôi thôi.
Thấy không còn có cách nào thảo luận được với một tâm hồn chai đá,
tiêu cực và dị ứng với cá nhân mình, ông Trần Việt đành phải đưa vấn
đề ra ban chỉ đạo trung ương:
- Thưa quý chánh hữu, với biến cố mới đây liên hệ đến dân biểu
Phạm Long Chấn, chúng tôi xin xác nhận rằng Huê Kỳ đã thực sự muốn
dứt khoát với chiến tranh Việt Nam. Họ muốn giải kết bằng cách để
Mặt Trận len lỏi vào hệ thống của Việt Nam Cộng Hòa. Mỹ thấy rằng
chánh quyền và nhân dân Việt Nam không chấp nhận bất cứ một hình
thức liên hiệp nào nên họ chủ trương cho những người bên kia nhẹ
nhàng xâm nhập vào cơ cấu của chúng ta. Rồi sau đó, như bị con sâu
từ trong ăn ra thì "trái Việt Nam Cộng Hòa" này sẽ tiêu tan! Trường
hợp dân biểu Chấn không phải là một sai lầm của lập pháp hay hành
pháp gì cả. Ông Chấn đích thật là người của Mặt Trận, nội tuyến
trong hàng ngũ chúng ta với sự đồng tình của CIA. Vì vậy nên khi ông
Chấn bị bắt thì đại sứ Mỹ đã vội vàng can thiệp. Và Tổng Thống
Nguyên phải lập tức cho lệnh thả ra, bất chấp những cái hại về sau
này. Thông cáo báo chí của Dinh Ðộc Lập hôm nọ chỉ là một tấm bình
phong nhưng chẳng che giấu được gì. Tôi có báo động Tổng Thống về
điều đó và dĩ nhiên những gì tôi nói, chánh hữu Nguyên đều để ngoài
tai. Muốn dứt khoát với Quốc Tiến để độc quyền chuyện nước, chánh
hữu Nguyên chỉ còn biết có Mỹ và Mỹ mà thôi! Trước nguy cơ này,
chúng ta phải tìm một hướng đi mới, trước nhứt là để cứu đất nước và
sau nữa là tự cứu lấy chúng ta.
Lời cảnh cáo của Phó Tổng Thống Trần Việt khiến cho ban chỉ đạo đã
lo ngại càng thêm phần lo sợ. Một lần nữa ban chỉ đạo còn biết trông
cậy vào chánh hữu Trần Việt, một con người đang ở vị trí lưỡng diện,
đảng và chánh quyền, để tìm ra hướng đi mới cho đảng cũng như cho
đảng viên.
Sau một thời gian suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu và tính toán, Phó
Tổng Thống Trần Việt trình bày kế hoạch của ông cho ban chỉ đạo Quốc
Tiến. Kế hoạch để chủ động giải quyết vấn đề đất nước trong tinh
thần dân tộc tự quyết của Trần Việt được ban chỉ đạo hoàn toàn tán
thành, sau khi một vài điểm thắc mắc đã được Phó Tổng Thống Trần
Việt giải đáp thỏa đáng. Chỉ có mỗi một trở ngại là phải làm thế nào
cho Tổng Thống Nguyên chịu chấp nhận thì mới thi hành được.
Sáng kiến của Phó Tổng Thống Trần Việt tuy là do Quốc Tiến đưa ra
nhưng lại là một sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề của quốc gia. Nếu
không được sự ưng thuận của Tổng Thống thì sáng kiến kia rồi cũng
đành chết non. Thái độ hờn dỗi giữa đảng và cá nhân, cũng như giữa
cá nhân với cá nhân của Tổng Thống Nguyên làm cho sự liên lạc giữa
ông và Quốc Tiến ngày một khó khăn.
Thái độ hờn dỗi đó cũng là một trở ngại đáng kể của kế hoạch mà Phó
Tổng Thống Trần Việt vừa đưa ra với ban chỉ đạo. Chỉ cần để lộ danh
tính tác giả của kế hoạch cũng đủ làm cho Tổng Thống Nguyên dị ứng
với nó rồi! Thế nhưng, cũng chưa phải là trở ngại không thể vượt qua
được, nhứt là đối với Quốc Tiến, một chánh đảng có tầm hoạt động
rộng lớn và tập thể đảng viên hùng mạnh về chất lượng lẫn số lượng.
Hơn nữa, ngày nay Quốc Tiến là đảng cầm quyền thì khó khăn nào mà
không vượt qua được. Ban chỉ đạo nhớ đến chánh hữu Hồ Viết Mai, một
Phụ Tá đặc biệt thân tín của Tổng Thống Nguyên và vẫn còn giữ nguyên
vẹn thân tình chánh hữu với mọi phe phái trong đảng. Do đó, ông Phụ
Tá Mai bỗng nhiên trở thành ánh sáng le lói cuối đường hầm đối với
kế hoạch Trần Việt.
Sáng kiến Trần Việt được ban chỉ đạo đem ra trình bày cho ông Mai.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, ông Phụ Tá cảm thấy thích thú và hân hoan.
Ông tình nguyện đứng ra đảm nhận trách nhiệm thực thi sáng kiến. Ông
Phụ Tá nhứt quyết phải hoàn thành cho bằng được nhiệm vụ, trước là
làm cho uy danh của Quốc Tiến được rạng rỡ, sau là để cứu đất nước
khỏi sự kềm kẹp của người đồng minh khó tính. Hơn nữa, nếu nhiệm vụ
hoàn thành vẻ vang thì sự nghiệp chánh trị của ông Phụ Tá sẽ như
diều gặp gió. Theo lời khuyên của ban chỉ đạo, sáng kiến Trần Việt
được biến thành "sáng kiến HVM" (Hồ Viết Mai) khi trình lên Tổng
Thống Nguyên. Sau một thời gian qua tay các công cán ủy viên đặc
nhiệm và đã được Tổng Thống Nguyên duyệt, "sáng kiến HVM" chuyển thể
thành "Kế Hoạch Ðống Ða" của phủ Tổng Thống.
Sự biến thể liên tiếp của sáng kiến Trần Việt không làm cho Quốc
Tiến phiền muộn mà trái lại còn làm cho đảng mừng thầm vì vận nước
chưa đến lúc cùng đường, do những tị hiềm cá nhân. Mặc dù có đôi
chút đắn đo và e ngại đối với Huê Kỳ, nhưng rốt cuộc Tổng Thống cũng
quyết định cho thi hành và ủy nhiệm cho Phụ Tá Đặc Biệt Hồ Viết Mai
toàn quyền hành động vì, theo ông ý thức được qua những lý do viện
dẫn trong kế hoạch, đây là con đường duy nhứt mà một chánh quyền
thực tâm vì dân vì nước phải đi theo. Tuy nhiên, Tổng Thống cũng dặn
dò là nhứt thiết phải tránh né những cặp mắt tình báo của Huê Kỳ.
Với không biết bao nhiêu là rào trước đón sau vô cùng cẩn thận, ông
Phụ Tá Mai mới khởi sự bắt tay vào việc. Ban công tác đặc biệt này
gồm rất ít người, toàn là đảng viên nòng cốt của Quốc Tiến, do đích
thân ông Phụ Tá chọn lựa. Chỉ thị hành động của ông Phụ Tá cho ban
công tác đặc biệt là hạn chế sử dụng điện thoại, càng ít giấy tờ
công văn càng tốt và tăng cường liên lạc trực tiếp diện đối diện.
Ông Phụ Tá tìm kiếm và thăm dò lại những hệ thống liên lạc và những
đường dây công tác cũ. Ông duyệt lại những thân tình xưa trong số
những người bên kia chiến tuyến.
Trước biến cố tháng 3 năm 1945, Hồ Viết Mai là sinh viên trường luật
Hà Nội. Theo đà đi lên của cao trào sinh viên Việt Nam vùng lên cứu
nước thời bấy giờ, Mai đã hoạt động chung với Trần Thanh Kiếm trong
đoàn sinh viên yêu nước nhằm mục đích chống Tây, giành lại quê
hương. Khi thực dân Pháp đã bị Nhựt Bổn hạ bệ ngay trên thuộc địa
của mình, đại học Hà Nội đóng cửa thì những sinh viên có ý thức
chánh trị nắm lấy cơ hội để thực sự hoạt động cho đất nước và vì dân
tộc. Hồ Viết Mai cùng với Trần Thanh Kiếm và một số thân hữu khác
trong đoàn sinh viên yêu nước đứng ra thành lập đảng Dân Chủ Việt
Nam, với một cương lãnh rất tiến bộ, bài ngoại và không thân cộng.
Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh và cuộc cách mạng mùa thu 1945 bùng
lên, Mai tham gia kháng chiến với tinh thần yêu nước và đánh đuổi
thực dân Tây. Trẻ tuổi, hăng say, Mai nhanh chóng leo lên nhiều đẳng
cấp trên hệ thống kháng chiến Nam Bộ. Khi hiệp định Genève được ký
kết hồi tháng 7 năm 1954, Mai không tập kết ra Bắc và ở lại miền Nam
xem xét tình hình ra thế nào để tìm cơ hội hoạt động và tranh đấu
trên chánh trường miền Nam.
Khi chánh quyền Ngô Ðình Diệm áp dụng chánh sách khủng bố và đàn áp
những người kháng chiến cũ, bầu không khí chánh trị trở nên ngột
ngạt cho thành viên của đảng Dân Chủ Việt Nam, thì Kiếm bảo Mai cùng
nhau đưa đảng ra bưng hoạt động để tránh né lưới chánh quyền. Lúc
bấy giờ vì lý do sức khỏe Mai không đi được và hẹn với Kiếm sẽ theo
sau. Cho đến khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chuẩn bị thành lập thì
Kiếm có cho liên lạc về thành để gọi Mai ra vùng giải phóng chuẩn bị
cho đảng Dân Chủ liên kết với Mặt Trận. Vì những lý do riêng tư và ý
thức hệ, Mai không đi bưng mà cứ ở lại thành. Tuy nhiên, Mai cũng có
cam kết với Kiếm là dù thế nào thì tình bằng hữu và chiến hữu giữa
hai người không bao giờ phai lạt qua không gian và thời gian.
Dù không đi vào bí mật nhưng Mai vẫn thường duy trì mối liên lạc với
Kiếm và thỏa mãn một số lớn yêu cầu chánh trị của Kiếm liên quan đến
vùng tề. Không những đắc lực cho đảng Dân Chủ hoạt động trong vùng
giải phóng và dưới bóng cờ của Mặt Trận mà Mai cũng đắc lực cho Quốc
Tiến, như một đảng viên trung kiên và năng nổ.
Hồ Viết Mai đã hoạt động cùng với những cán bộ đầu não của Quốc Tiến
từ những ngày sơ sinh của đảng này trong thời kỳ hoạt động bí mật
chống Tây, chống Ngô Ðình Diệm và chống chế độ các tướng lãnh. Mai
thấy cương lĩnh của Quốc Tiến thích hợp với lý tưởng chánh trị của
mình nên hợp tác không đắn đo. Như cá gặp nước, Mai hăng say và tích
cực hoạt động nên sớm trở thành người cán bộ nòng cốt của đảng trong
hàng ngũ lãnh đạo. Trước khi được Tổng Thống Nguyên mời vào làm phụ
tá đặc biệt tại Dinh Ðộc Lập, Mai là chủ tịch tỉnh bộ An Xuyên, một
bộ phận được tuyên dương nhiều lần như là tỉnh bộ tiên phong và
gương mẫu.
Khi hòa đàm Paris đưa Mặt Trận Giải Phóng ra ánh đèn thời sự - qua
dàn xếp và nhượng bộ của Huê Kỳ - và cho Trần Thanh Kiếm một thế
đứng mới trên chánh trường thì mối liên lạc giữa Mai và Kiếm trở nên
thuận lợi hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà sự giao dịch thầm kín giữa
hai người có thể trở nên lộ liễu. Qua các cuộc trao đổi thường xuyên
và dễ dàng như vậy, Mai cập nhật được quan niệm của mình về người
chiến hữu năm xưa sau bao nhiêu năm xa cách và biết rõ hơn lập
trường của Mặt Trận.
Với cuộc gọi là "tổng công kích" hồi Tết Mậu Thân (1968), tác dụng
của những thành phần nòng cốt trong kháng chiến Nam Bộ ngày xưa đã
lần hồi trở nên èo uột trước ảnh hưởng của cán bộ xâm nhập từ miền
Bắc. Chính Kiếm đã có lần tâm sự với Mai rằng dưới áp lực của Hà
Nội, vốn muốn hoàn thành công trình giải phóng miền Nam bằng quân sự
táo bạo, Nguyễn Hữu Thọ phải nhượng bộ để cho miền Bắc lấn lướt quan
điểm của Mặt Trận quá nhiều. Kiếm cho rằng Nguyễn Hữu Thọ quá nhu
nhược vì đã trót chấp nhận chi viện quân sự của Hà Nội nên lần hồi
phải thu mình vào thế bù nhìn để cho cán bộ ngoài Bắc vào tha hồ tự
tung tự tác. Do đó, nội bộ của Mặt Trận ngày một đầy dẫy mâu thuẫn
và hiềm khích giữa cán bộ người địa phương, cán bộ hồi kết, mà người
ta thường gọi là cán bộ mùa thu, và cán bộ miền Bắc xâm nhập.
Nhưng chung cuộc, khuynh hướng bảo tồn ưu thế miền Nam trong Mặt
Trận cũng vươn lên được với việc cải biến Mặt Trận thành Chính Phủ
Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam. Qua diễn tiến đó, nhằm đáp ứng
nhu cầu hòa đàm, Huỳnh Tấn Phát, chiến hữu và đồng chí xưa cũ của
Kiếm trong đảng Dân Chủ, được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng chánh
phủ. Từ đó, Kiếm được kéo từ hòa đàm về làm bộ trưởng tại phủ chủ
tịch, một cương vị mạnh trong chánh phủ mà cũng là một vị trí thuận
lợi cho công tác mới của Hồ Viết Mai.
Sau nhiều lần liên lạc sơ khởi giữa một người thân tín của ông Phụ
Tá với những người ở mật khu, một cuộc gặp gở cấp cao giữa Hồ Viết
Mai và Trần Thanh Kiếm được dự trù sẽ tiến hành vào ngày N. Ðịa điểm
và thời gian sẽ được thỏa thuận sau. Trong buổi tiếp tân nhân dịp lễ
tất niên tại Dinh Ðộc Lập, người ta ghi nhận sự vắng mặt của ông Phụ
Tá đặc biệt. Phu nhân của ông Phụ Tá, có mặt trong buổi liên hoan
cuối năm, cho biết là vì có chuyện gia đình khẩn cấp nên chồng bà
phải về quê gấp hồi xế chiều. Tổng Thống Nguyên cũng góp phần giải
tỏa thắc mắc của đa số tân khách và nhứt là của báo chí khi ông cho
biết là ông Phụ Tá vắng mặt có sự đồng ý của Tổng Thống. Thế là cuộc
vui tất niên bình thản diễn tiến với những tiếng cười, giọng nói hả
hê trong khi ở một góc rừng hẻo lánh, ông Phụ Tá đang thi hành một
sứ mạng đặc biệt và tối mật.
Lợi dụng thời gian ngưng bắn nhân dịp Tết Nguyên Ðán, ông Mai đã
thỏa thuận với Trần Thanh Kiếm gặp nhau tại một nhà thân hữu của hai
người. Căn nhà lá khang trang, ba gian hai chái có vẻ thuộc một gia
đình khá giả, nằm trên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Ðông, giữa Tâm Long và
Bến Sỏi, cách tỉnh lỵ Tây Ninh lối 10 cây số về phía Tây. Ðịa điểm
này, ông Mai đã để cho Kiếm quyết định vì an ninh cá nhân của Kiếm
và vì chỉ có người của Cách Mạng Lâm Thời mới bảo đảm được an ninh
và tính chất mật của cuộc hội ngộ.
Cuộc gặp gở đó không làm cho những người láng giềng của chủ nhà dị
nghị vì là ngày đầu năm, đầu tháng nên nhà nào cũng có thể tiếp đón
thân quyến từ xa về ăn Tết. Cuộc tái ngộ của hai tri kỷ thật là thắm
thiết vì tình nước và tình bạn đã lẫn lộn trong tâm tư của hai người
cùng chí hướng và lý tưởng nhưng xa cách đã từ lâu. Câu chuyện hàn
huyên, lê thê từ chuyện riêng tư đến vấn đề đất nước, kéo dài gần
đến giao thừa. Sau khi đón giao thừa xong, chủ nhà tìm cách vắng mặt
khéo léo để cho hai người được tự do trò chuyện.
Một lần nữa, Kiếm có vẻ như xác nhận với Mai về những mâu thuẫn nội
bộ của Cách Mạng Lâm-Thời:
- Như anh đã cho chú biết từ lâu, việc Mỹ đưa quân chiến đấu vào
miền Nam đã làm cho ngoài này bị bắt buộc phải lệ thuộc Hà Nội vì
thiếu phương tiện võ trang. May mắn là bọn chúng đã bắt đầu giải
kết. Biết đâu nhờ đó mà tiền tuyến này sẽ thoát được ách của hậu
phương lớn.
- Thì cũng mấy thằng Mỹ hết! Ngoài đó mấy anh còn kẹt vì bọn chúng
huống hồ gì tụi em trong này. Anh cũng thừa hiểu rằng bọn nhà giàu
đi đâu ai cũng ghét, dù họ có tung tiền bao nhiêu đi nữa thì cũng
vậy thôi. Nhứt là giàu mà kênh kiệu như mấy thằng Mỹ. Chỉ vì những
ẩn ý đàng sau sự giúp đỡ của họ. Em muốn gặp anh cũng vì chuyện áp
lực của Mỹ đối với chánh phủ Sài Gòn hiện nay. Chắc anh cũng chẳng
lạ gì với chủ trương của Mỹ mấy lúc sau này, khi họ muốn giải kết
chiến tranh Việt Nam thật nhanh. Trước cuộc bầu cử Tổng Thống của họ
vào năm tới. Hơn nữa, họ muốn cắt bỏ "cái bướu chiến tranh Việt Nam"
bằng mọi giá, trong khi cơ cấu chánh quyền cũng như nhân dân Việt
Nam Cộng Hòa chưa được chuẩn bị để chấp nhận một hình thức liên hiệp
nào cả. Nhưng, qua thành phần chánh phủ Sài Gòn hiện nay, anh cũng
thấy là Mỹ đang dọn đường cho một chánh quyền mà họ gọi là thích ứng
với thực tế chánh trị miền Nam. Bằng chứng là sự hiện diện của ông
tổng trưởng Chiêu Vận trong nội các bây giờ. Anh thì còn lạ gì ông
ấy. Tuy nhiên, phương thức đó của Mỹ sẽ không giải quyết được vấn đề
căn bản của Việt Nam, trong tinh thần yêu nước thương nòi của nhân
dân mình. Nếu thành tựu đi nữa thì giải pháp đó cũng chỉ là giải
pháp của Mỹ mà thôi. Dĩ nhiên, các anh đâu chấp nhận điều đó. Và
những người lãnh đạo ở Sài Gòn thì cũng thế.
- Cũng tại những người lãnh đạo của Sài Gòn. Họ không có một chút
tiết tháo nào của ông Diệm ngày trước cả thì làm sao mà cưỡng lại
được tham vọng và đòi hỏi của bọn Mỹ? Có lẽ họ thấy cái gương ông
Diệm nên tránh dấu xe cũ. Cứ gật đầu với Mỹ cho yên thân.
- Chánh phủ hiện tại đã nhận lãnh một di sản nghe lời Mỹ vô cùng tai
hại! Loại bỏ một di sản như thế không phải là đơn giản. Dù sao thì
những người lãnh đạo bây giờ cũng muốn tìm một lối thoát mới. Cho
nên, em được sự ủy nhiệm của Tổng Thống Nguyên để gặp lại anh, thử
tìm một giải pháp thích hợp cho cả đôi bên, một giải pháp của chúng
mình chớ không phải do người ngoại cuộc gán ép cho.
- Ðó là chủ trương của Mặt Trận từ bao lâu nay. Sau hơn mười năm
đánh nhau, bây giờ các ông, gọi là lãnh đạo của Sài Gòn, mới chịu
thấy. Nhưng, thà muộn còn hơn không. Một bước tiến đáng kể và rất
phấn khởi. Tuy nhiên, đó là một vấn đề trọng đại, em để anh về nói
chuyện với anh Phát xem sao.
Tờ mờ sáng ngày đầu năm mới, hai người bạn cố tri vừa hội ngộ đêm
qua lại chia tay mỗi người mỗi ngã. Kẻ vào chiến khu xa thẳm trong
rừng sâu. Người về thành phố đang dập dìu xa mã đón xuân. Cả hai đều
mang một mùa xuân mới trong lòng khi nghĩ đến viễn ảnh tương lai của
đất nước. Cả hai đều thấy trong tâm hồn mình có một tia nắng mới rọi
sáng một chưn trời mới cho đất nước Việt Nam.
Theo dõi loạt bài bình luận thời sự gần đây của đài Giải Phóng, giới
tình báo Mỹ tại Sài Gòn nhận thấy có một sự chuyển hướng khá rõ rệt
của đài này. Sự ngạc nhiên của họ không phải là ít vì có vẻ mâu
thuẫn lại lập trường của phái đoàn Mặt Trận tại bàn hòa đàm Paris.
Loạt bài bình luận có khuynh hướng ca ngợi và cổ vũ hướng đi chánh
trị tiến bộ của chánh phủ ở Sài Gòn. Tuy nhiên, điều làm cho tòa đại
sứ Mỹ tại Sài Gòn càng ngạc nhiên hơn nữa là nội dung loạt bài đó
không đả động gì đến ông tổng trưởng Chiêu Vận mà Mỹ quan niệm rằng
phải là đầu mối của mọi cuộc xích lại gần nhau giữa hai thực thể
chánh trị tại Việt Nam Cộng Hòa là chế độ Sài Gòn và chánh phủ Cách
Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam. Từ ngạc nhiên họ đi đến hoài nghi.
Họ tiếp tục theo dõi, nhưng loạt bài bình luận không tiết lộ thêm
điều gì mới lạ hơn nữa.
Phối hợp với những tin tình báo từ Paris, cụm CIA Sài Gòn bắt đầu
phát hiện một vài tia sáng. Tại một vài phiên họp sau này, thái độ
của phái đoàn bà Nguyễn Thị Bình ngày một tỏ ra độc lập với phái
đoàn Xuân Thủy. Tình báo Mỹ tại Sài Gòn ước tính rằng chiều hướng
giải kết của Huê Kỳ đang trả lại cho Cách Mạng Lâm Thời niềm tự tin
trước kia vì Mỹ sẽ để lại Việt Nam Cộng Hòa một số quân không đáng
kể. Do đó, quân giải phóng miền Nam sẽ có thể tự lực chiến đấu và
không cần sự chi viện của "hậu phương lớn" nữa. Không còn lệ thuộc
vào miền Bắc, Huỳnh Tấn Phát và tập đoàn sẽ rộng tay hành động hơn.
Nguồn tin kiểm thính và giải mã các liên lạc vô tuyến giữa Xứ Ủy Nam
Bộ ở cục "R" và Trung Ương Ðảng ở Hà Nội cho thấy rằng chánh phủ lâm
thời đang nắm được yếu tố mới để giải quyết chiến cuộc miền Nam mà
không phải qua tay Hà Nội hay Hoa Thịnh Ðốn. Những dữ kiện đã thu
thập được đem ra phân tích, cân nhắc và suy diễn rộng rãi và đúc kết
lại thành hồ sơ ước tính tình báo, một căn bản để Michael Norton,
nay là trưởng cụm CIA của sứ quán (CIA/Sài Gòn), ra lệnh cho toán
công tác đặc nhiệm mở cuộc hành quân mới.
Chiến dịch truy tầm của CIA/Sài Gòn ráo riết hoạt động nhưng kết quả
không mấy khả quan. Họ chỉ tìm được những mẩu tin rời rạc, không thể
kết hợp lại thành một bản tình hình nào đáng tin tưởng. Không vì vậy
mà họ nản lòng và bắt đầu tiến hành theo phương hướng mới là liên
kết với hệ thống tình báo và quân báo của Việt Nam Cộng Hòa.
Năm tuần lễ sau, bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia phát giác được sự hiện
diện của một tổ tình báo quan trọng, mang ám số B-27, đóng trong một
cao ốc ở Chợ Lớn, nơi có trụ sở của công ty chuyển vận hàng hải Mỹ.
Khai thác kết quả của cảnh sát, CIA/Sài Gòn bắt gặp những chỉ dấu
của kế hoạch Ðống Ða. Chi tiết của kế hoạch này thu hút sự chú ý của
CIA/Sài Gòn vì đúng là những gì họ đang theo dõi và tìm kiếm, liên
hệ đến cuộc hành quân dỡ dang của họ.
Bản phúc trình của cảnh sát cũng không được Phủ Tổng Thống quan tâm
bao nhiêu vì, cũng như việc phát hiện bao nhiêu tổ tình báo cộng sản
khác trong thành phố hay thậm chí trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa,
tầm cỡ tình báo như vậy chỉ mang tính chất chiến thuật. Do đó, ông
Phụ Tá Hồ Viết Mai cứ bình tâm và yên chí về sự toàn vẹn của công
tác đặc biệt mà ông đang thi hành. Tuy không phải ưu tư về sự đổ vỡ
của kế hoạch Ðống Ða với việc cảnh sát phát giác được tổ tình báo
địch B-27 giữa lòng thủ đô, ông Phụ Tá vẫn thận trọng tiến hành công
tác, đúng theo chương trình. Ðường dây liên lạc giữa ông Phụ Tá Tổng
Thống Sài Gòn và ông Bộ Trưởng phủ thủ tướng bưng biền vẫn bình
thường. Trong khi đó, hệ thống CIA/Sài Gòn ngày đêm âm thầm theo dõi
vết đi của kế hoạch Ðống Ða.
Sau khi những sắp xếp ở cấp thừa hành đã hoàn thành chu đáo và tốt
đẹp thì quyết định quan trọng và chung cuộc đòi hỏi phải có một cuộc
gặp gở của hai nhân vật chánh một lần nữa. Không thấy có một cơ hội
ngưng bắn nào khác gần kề để cho cuộc gặp gở được an toàn, trong khi
vấn đề lại cấp bách đòi hỏi phải được quyết định càng sớm càng tốt
vì hòa đàm cho thấy có chiều hướng sắp khai thông và ngày bầu cử
Tổng Thống Huê Kỳ cũng sắp đến. Cho nên, cuộc gặp gở của Hồ Viết Mai
và Trần Thanh Kiếm đành phải được ấn định vào cuối tuần trăng trong
tháng và tại một khúc sông Bassac, ngay trên biên giới Việt Miên.
Chiều hôm đó, ông Phụ Tá, cùng với hai người cận vệ võ trang thật
nhẹ đã có mặt tại Châu Ðốc. Vì nhu cầu bảo mật công tác, ngay Đại Tá
tỉnh Trưởng cũng không được thông báo về sự hiện diện của một nhân
vật cao cấp của Dinh Ðộc Lập tại tỉnh nhà. Một chiếc xuồng máy nằm
chờ trước nhà một người bà con của ông Phụ Tá. Người bà con này
không xa lạ gì với Cách Mạng Lâm Thời mà cũng không thấy ngạc nhiên
gì với hành động bất thường của ông Phụ Tá vì trước kia ông Mai cũng
đã thường làm như thế. Người điều khiển xuồng máy, cũng có họ hàng
xa xôi với chủ nhà và là người của Kiếm gửi ra.
Trong bóng đêm, đen như mực tàu của ngày cuối tháng không trăng lại
có đám mây đen trên đầu, chiếc xuồng máy mạnh mẽ rẻ nước di chuyển
như ban ngày, không một chút ngập ngừng cũng chẳng đắn đo hay dò dẫm
sông nước. Người lái xuồng thuộc đường đi nước bước trên dòng sông
vì đã đi xuôi về ngược trên đó từ thời còn bé. Ði được một đỗi thì
có tiếng người trên bờ gọi xuồng ngừng lại. Ông Phụ Tá và hai người
cận vệ hơi lo ngại. Nỗi lo âu của họ chưa biến thành lời thì người
điều khiển xuồng đã lên tiếng:
- Hai Mão đây Tám ơi! Tao đi gỡ chuyến lưới chót rồi về ngủ mà. Lát
về thế nào cũng có đồ nhắm cho tụi bây. Mấy đêm rày nhờ con nước
rông mà khá khiển.
- Ừ, đi đi anh Hai. Tui tưởng ai lạ chớ. Coi bộ sắp mưa tới lớn lắm
đó anh, coi chừng về không kịp đó.
- Mưa mát chớ có sao. Ðêm nay có ai kích trên vàm không mậy?
- Không đâu anh, lúc này không thấy mấy ổng về nữa nên tụi nầy cũng
bớt hoạt động.
Bằng những câu nói bông đùa như thế mà chiếc xuồng lọt qua lưới kiểm
soát của đồn biên giới một cách êm ru. Ông Phụ Tá mĩm cười trong
bóng đêm, nhưng đường xương sống của ông không vì đó mà khỏi ớn
lạnh. Hai chàng cận vệ nhẹ nhàng thở ra, giải tỏa hệ thần kinh bị
căng thẳng trong giây lát. Ðang nổ ngon lành, bỗng nhiên tiếng máy
đuôi tôm, dùng để đẩy chiếc xuồng, lại tắt đi, ông Phụ Tá thắc mắc:
- Gì vậy Hai? Trục trặc nữa hả?
- Không phải đâu chú. Gần tới điểm hẹn rồi, cháu phải tắt máy để
khỏi làm cho người ta để ý. Hơn nữa, cháu lợi dụng nước xuôi thả lần
đến đó cho an toàn.
Với mái chèo, Hai Mão lèo lái chiếc xuồng nhẹ nhàng lướt đi dưới
rặng bần và dừa nước ven sông. Tới điểm hẹn, người lái xuồng lấy mái
chèo gõ nhẹ vào mạn xuồng ba tiếng theo nhịp điệu một đôi, một
chiếc. Từ trong đám lá, một ánh lửa diêm quẹt lóe lên trong bóng đêm
đen. Hai Mão cho xuồng từ từ rẽ lá trôi vào con rạch nhỏ. Qua mấy
chốt trao đổi mật hiệu để nhận diện, ông Phụ Tá được đưa sang một
chiếc xuồng ba lá khác, do một nữ giao liên chèo tay đưa ông tới nơi
gặp gỡ.
Ðiểm "họp thượng đỉnh" lại cũng là một chiếc xuồng vì nơi đây không
có nhà cửa gì hết. Hai người ôm nhau mừng rỡ, mừng vì công tác sắp
đi đến hồi kết cuộc tốt đẹp và mừng vì sau lần hội ngộ hồi Tết
Nguyên Ðán nay lại được gặp nhau nữa trong khoảng thời gian ngắn
ngủi so với mấy mươi năm xa cách đã qua. Những lời thăm hỏi nhau vừa
trao đổi xong, chưa vào được vấn đề chánh thì đã nghe thấy tiếng
phản lực cơ từ xa rồi vụt một cái máy bay đó đã bay sà ngang đầu hai
người, làm cành lá ở ngọn cây lao xao, rối loạn. Cùng lúc đó, dưới
cánh phi cơ nhiều ánh đèn chớp xanh như sấm sét và đồng thời một vài
trái bom soi sáng cũng được tung ra. Tiếng súng lên cò, tiếng xuồng
rẻ lá lướt đi nhanh làm tăng thêm giây phút hồi hộp. Trần Thanh Kiếm
nói vội:
- Mình bị lộ rồi chú Mai! Thôi chia tay, hẹn khi khác.
Nói xong, Kiếm nhảy sang chiếc xuồng vừa trờ tới để chở ông hút mất
trong đêm đen. Vì không rành địa điểm nên ông Phụ Tá thấy quýnh
quáng, chưa kịp nói gì với Kiếm thì Hai Mão đã xốc nách ông đưa sang
xuồng máy. Những bóng đen hành động thật nhanh chóng, không một
tiếng nói, như theo một quân lệnh đã được thao tác một cách nhuần
nhuyễn. Chiếc xuồng máy chở ông Phụ Tá chèo nhanh ra sông cái, ngược
lối của lượt đi một khúc xa rồi máy đuôi tôm mới nổ để đẩy xuồng
chạy nhanh về nơi xuất phát.
Ông Phụ Tá và hai anh cận vệ vừa bước lên bờ thì nghe thấy nhiều
tiếng nổ to vang lên từ hướng ông vừa giả từ. Hai Mão lầm bầm:
- Tụi nó lại pháo!
Hai Mão kể như vừa qua một cuộc chơi "mèo bắt chuột" với đạn súng
cối, mà kẻ thắng là anh ta vì đạn pháo không rớt trúng lưng anh. Hai
Mão đã quá quen thuộc với trò chơi đó khi đã trót làm người dân vùng
"xôi đậu", ban ngày là dân quốc gia, ban đêm làm dân Mặt Trận. Chỉ
riêng ông Phụ Tá. Ông cảm thấy trời đen hơn khi nãy, dù ông đã quen
với bóng đêm và dù sao trời đã xuất hiện khá nhiều. Ánh sáng lóe
xanh của chiếc phản lực đã làm tan vở cả một công trình của ông,
tiêu tan kế hoạch "Ðống Ða" và sụp đổ hết một tương lai đất nước như
ông đã ước mơ.
Ngày hôm sau, biến cố Châu Ðốc được ông Phụ Tá Hồ Viết Mai tường
trình ngay cho ban chỉ đạo Quốc Tiến, trước khi phúc trình lên Tổng
Thống Nguyên. Sau khi thuật lại từng chi tiết một về sự kiện đêm
qua, ông Mai kết luận:
- Tôi nghĩ rằng chiếc phản lực đó đã làm một phi vụ không ảnh và nó
đã chụp được anh Kiếm và tôi khi chúng tôi vừa tay bắt mặt mừng với
nhau. Thắc mắc chánh của tôi là tại sao Mỹ lại biết được điểm và
ngày giờ hẹn của chúng tôi? Phải có rò rỉ ở một khâu nào. Rồi đây,
nhứt định là đại sứ Ellis Bagwell sẽ đến khiếu nại với Tổng Thống
Nguyên, bằng chứng trên tay. Trong quãng đời chánh trị của tôi, chưa
có thất bại nào đau đớn và nhục nhã như lần này! Chắc là tôi phải
gác kiếm. Nhưng, trong khi chờ đợi nhứt định là tôi phải đi vào bí
mật, trước khi câu chuyện bùng nổ ra công khai.
- Tại sao chánh hữu lại phải lo ngại một cách quá đáng như thế? Lẽ
nào đường đường một ông Tổng Thống mà không bênh vực nỗi ông Phụ Tá
của mình sao? Hơn nữa hành pháp đang có trường hợp của dân biểu Phạm
Long Chấn để trao đổi thì lo gì? Vả lại, trong vụ này chánh hữu có
sự ủy nhiệm của Tổng Thống đàng hoàng chứ đâu phải tự ý chánh hữu
đâu mà lo bị gán là phản nghịch hay liên lạc với địch? Chẳng lẽ
những thành viên của mình tại hòa đàm Paris rồi cũng bị kết tội cả
sao?
- Nhưng, quý chánh hữu cũng thừa biết, Tổng Thống Nguyên chưa phải
là một người làm chánh trị dám lì. Thậm chí Tổng Thống Nguyên còn
chưa có cái can đảm của Ellis Bagwell thì làm sao dám làm một việc
to lớn như các chánh hữu tưởng!
- Dù sao đi nữa thì chánh hữu cũng đã từng là một cánh tay đắc lực
của Tổng Thống Nguyên từ trước đến nay, chứ đâu phải chỉ riêng trong
công tác đặc biệt này.
- Ðã đành! Nhưng, khi mà quyền lợi của ông ấy bị lung lay thì đó là
chuyện khác. Tuy nhiên, theo lời khuyên của ban chỉ đạo, tôi sẽ nán
chờ một thời gian nữa xem sao.
Sau đó, ông Phụ Tá xin gặp ngay Tổng Thống Nguyên để trình bày khẩn
cấp về chuyện thất bại ở Châu Ðốc. Tổng Thống Nguyên lo sợ ra mặt.
Theo đề nghị của ông Phụ Tá, Tổng Thống ra lệnh cho Phủ Ðặc Ủy Trung
Ương Tình Báo bám sát cơ quan bạn của họ để tìm hiểu xem Mỹ đã biết
được mấy phần trăm của kế hoạch Ðống Ða. Nhận được lệnh, Đại Tá Đặc
Ủy Trưởng Hoàng Hữu Lộc như người trên cung trăng rơi xuống, dù ông
đã được tin về kế hoạch này qua hệ thống tin tức của ông. Khi phát
động kế hoạch thì chỉ có một số người hạn chế của văn phòng Tổng
Thống và văn phòng ông Phụ Tá biết mà thôi. Nhưng, dù sao đi nữa thì
cơ quan của Đại Tá Lộc cũng không tài nào mà thu tin của CIA/Sài Gòn
vì Phủ Đặc Ủy thường hoạt động với những dữ kiện của CIA/Sài Gòn thì
khó mà theo dõi hành tung của họ hơn là họ theo dõi ta.
Trong khi chờ đợi phản ứng của tòa đại sứ Mỹ, Tổng Thống Nguyên càng
ngày càng thấy lo âu. Ðại sứ Bagwell có gặp Tổng Thống mấy lần trong
thời gian kế tiếp biến cố Châu Ðốc nhưng không thấy ông đại sứ đề
cập đến vấn đề đó bao giờ. Với thời gian qua đi, Tổng Thống Nguyên
cảm thấy yên lòng.
Mãi đến khi một cán bộ cao cấp của Cách Mạng Lâm Thời bị Mỹ bắt được
trong cuộc hành quân biên giới Việt Miên thì vấn đề mới trở nên sôi
nổi. Khai thác tin tức của người tù binh đó, tình báo Mỹ mới có đủ
dữ kiện để xác nhận về mối liên lạc của ông Phụ Tá Mai một cách
chính xác hơn. Những lời cung khai của cán bộ tù binh, hợp với những
bức không ảnh đêm Châu Ðốc tạo thành một hồ sơ tối mật quý giá mà
ông đại sứ Bagwell đang ôm trong tay để chờ gặp Tổng Thống Nguyên.
Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, nét mặt ông đại sứ không được vui vẻ như
những lần hội kiến khác, lại biểu lộ đôi chút mỉa mai. Diện mạo của
"ông già tủ lạnh" xem ra có phần tẻ lạnh hơn. Nhìn tập hồ sơ dày cộm
trên tay ông đại sứ, khác với những lần gặp gỡ trước ông đại sứ
thường đến tay không, Tổng Thống Nguyên linh cảm một buổi hội kiến
khó khăn và gay cấn. Tổng thống không nghĩ rằng tập hồ sơ đó liên
quan đến biến cố Châu Ðốc vì vụ đó đã trôi qua được một thời gian
khá lâu. Và, tình hình Việt Nam Cộng Hòa cũng như tình hình Huê Kỳ
trong mấy ngày gần đây cũng không có gì quá đáng để tạo thành một
vấn đề quan trọng mà ông đại sứ phải đem theo một tập hồ sơ như thế?
Ông đại sứ chưa ngồi xong thì Tổng Thống Nguyên đã mở lời cho đỡ
ngột ngạt:
- Hôm nay, dường như ông đại sứ không được khỏe?...
- Trái lại là khác, thưa Tổng Thống. Không có gì đáng lo ngại cho
riêng tôi mà tôi lại lo ngại cho sức khỏe của Việt Nam Cộng Hòa. Ðó
cũng là lý do khiến tôi phải đến gặp Tổng Thống hôm nay.
- Ông đại sứ nói sao?
- Ðọc qua hồ sơ này Tổng Thống sẽ hiểu. Chỉ riêng một mình bức ảnh
này thôi cũng nói lên rất nhiều.
Tổng Thống Nguyên cầm lấy bức không ảnh phóng đại mấy trăm lần. Tổng
thống sửng sốt vì nội dung bức ảnh cũng có mà vì kỷ thuật không ảnh
cũng có. Lần đầu tiên trong đời, ông mới thấy một bức ảnh như thế.
Ảnh chụp ban đêm mà chi tiết rõ ràng như nhìn bằng mắt người giữa
ban ngày, ban mặt! Bức ảnh cho thấy rõ ràng, không còn chối cãi vào
đâu được, ông Hồ Viết Mai, Phụ Tá đặc biệt của Tổng Thống đang ngồi
trên một chiếc xuồng, ngước mặt nhìn lên ống kính. Người đối diện
với ông Mai là một con người nhỏ thó, tóc hớt cao, mặt cuối xuống,
hai tay che lấy ót. Bộ điệu của người này chứng tỏ rằng ông ta có
nhiều kinh nghiệm để tránh né sự quan sát không thân thiện, khi bị
phát giác bất ngờ. Tổng Thống Nguyên cảm thấy toàn thân ông rã rời!
- Tổng thống có biết người đối diện với ông Phụ Tá của Tổng Thống là
ai không?
- Tôi thật tình không biết.
- Ðây, tin tức tình báo phối hợp cho biết rằng nhân vật thứ hai
trong ảnh là Trần Thanh Kiếm. Tôi hy vọng rằng ông Mai thi hành
nhiệm vụ đó với tư cách cá nhân, nghĩa là không có lệnh của Tổng
Thống.
- Không, tôi không hay biết gì về chuyện này. Thật là quá đáng!
- Tuy nhiên, tình báo của chúng tôi cho biết là mục đích của sự liên
lạc đó là để đi đến một sự dàn xếp chiến cuộc Việt Nam. Ít ra một
công tác như thế phải có sự đồng tình của Tổng Thống chớ.
- Không... nghĩa là...
- Dù thế nào đi nữa thì Tổng Thống cũng có phần nào trách nhiệm
trong vấn đề này vì ông Mai là Phụ Tá của Tổng Thống.
- Nhưng, tôi thấy chuyện đó không có gì đáng để ông đại sứ phải bận
tâm, dù tôi có đồng ý đi nữa.
- Tại sao lại không, thưa Tổng Thống?
- Ðường lối chúng tôi dự định áp dụng cho vấn đề Việt Nam Cộng Hòa
là một đường lối hợp với chủ trương của các ông. Huê Kỳ thường lập
đi lập lại từ lâu là để cho dân tộc chúng tôi được quyền quyết định
lấy số phận của mình kia mà.
- Tôi đồng ý với Tổng Thống. Nhưng, liệu Việt Nam Cộng Hòa này đã đủ
khả năng tự quyết chưa?
- Quả thật chẳng khác nào như những bậc cha mẹ không thức thời! Lúc
nào cũng coi con cái mình như con nít mặc dù chúng nó đã hai thứ tóc
trên đầu.
- Chúng tôi không lo sợ sao được, thưa Tổng Thống? Nhơn dân và chánh
phủ Huê Kỳ đã bỏ vào Việt Nam Cộng Hòa này bao nhiêu là tài sản và
sinh mạng...
- Nhưng, nếu chúng tôi có điều đình riêng rẽ giữa hai phe lâm chiến
đi nữa thì cũng hợp với kế hoạch Kissinger mà chánh phủ Mỹ đã từng
đề cao.
- Tổng thống đừng lý luận nhiều. Tổng thống nên nhớ là một khi mình
sống nhờ người khác thì đừng nên vội qua mặt ân nhân mình. Chúng tôi
không phủ nhận nguyên tắc, theo đó hai thực thể chánh trị miền Nam
phải cùng nhau dàn xếp chuyện nội bộ. Nhưng, người Mỹ chúng tôi chịu
tốn hao và đổ máu ở đây để làm gì chớ? Hôm nay, tôi đến đây không
phải để nghe Tổng Thống giải thích mà để yêu cầu Tổng Thống hãy cắt
đứt đường liên lạc đó đi. Lối giải quyết vấn đề mà Tổng Thống định
tiến hành, chúng tôi đả làm từ lâu. Bằng chứng là ông Tổng Trưởng
Chiêu Vận trong tành phần của chánh phủ đó, chắc là Tổng Thống cũng
thấy được?
- Chúng tôi thấy nên mới lo ngại.
- Một lần nữa để cho Tổng Thống thấy rằng, trong bất cứ vấn đề nào,
không có chúng tôi nhúng tay vào là Tổng Thống không thể thành công.
Xin Tổng Thống nhớ cho.
Ông đại sứ ra về, trả lại cho Tổng Thống Nguyên thời gian yên lặng
để suy nghĩ và để bực tức. Tổng Thống cho mời ông Phụ Tá Mai đến để
cho biết rằng Mỹ đã thật sự phát giác được công tác đặc biệt của ông
ấy. Thay vì an ủi một nhân viên cao cấp chẳng may không chu toàn
được nhiệm vụ như mong muốn, Tổng Thống Nguyên lại có những lời lẽ
như để trút tất cả tội lỗi cho ông Mai. Không chấp nhận lối xử sự
như thế, ông Mai dứt khoát đi vào bóng tối chánh trị khi rời Tổng
Thống Nguyên ra về.
Ông Phụ Tá đem nỗi bất bình của mình mà tâm sự cùng Phó Tổng Thống
Trần Việt:
- Phó Tổng Thống nghĩ xem. Tôi dấn thân vào công tác nguy hiểm đó
đâu phải vì quyền lợi riêng tư của tôi. Trước khi tiến hành, chính
Tổng Thống cũng đồng ý. Bây giờ chuyện bất thành, vì địa vị, vì
quyền lợi mà Tổng Thống đổ tất cả trên đầu tôi.
- Ai ai cũng thấy. Từ ngày lên ngôi tới nay ông ấy chẳng kể gì là
hợp tình hợp lý nữa.
- Tổng thống sợ Mỹ quá sức tưởng tượng! Trong khi Tổng Thống có đủ
lực lượng để điều khiển đất nước làm cho Mỹ phải nể vì thì Tổng
Thống lại không chịu nắm lấy. Tổng Thống lại chạy theo và vâng lệnh
một quyền lực khác rồi bỏ rơi anh em Quốc Tiến đã bao nhiêu năm sống
chết với ông ấy!
- Bây giờ chánh hữu mới thấy sao? Riêng tôi, thì tôi đã ôm lấy nỗi
buồn đó từ lâu. Chánh hữu cũng biết là cá nhân tôi đâu phải là người
của một vai trò bù nhìn rơm bất động như thế này. Bù nhìn giữ dưa
còn hoạt động hơn tôi. Thế mà từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, tôi đã
được Tổng Thống quên đi một cách phũ phàng. Làm phó cho ông ấy không
hẳn là một cái tội nhưng chẳng khác nào một sự thất sủng như viết
thư nặc danh hay ném đá dấu tay. Vô cùng xấu hổ!
- Trở lại vấn đề của tôi, tôi nghĩ rằng tôi phải đi vào bí mật. Bây
giờ Mỹ đã biết chuyện đó rồi. Họ chưa chịu đưa ra công khai tôi nghĩ
rằng họ muốn giữ đó làm một mối đe dọa để áp lực chúng ta sau này,
nhứt là Tổng Thống Nguyên.
- Ðiều đó là đương nhiên rồi. Ai chứ "ông già tủ lạnh" này thì ghê
gớm lắm. Sau mấy khó khăn vừa rồi, Tổng Thống không nghe Mỹ thì còn
nghe ai nữa bây giờ? Chẳng những nghe không thôi mà còn sợ nữa kia.
Theo ông Phụ Tá thì Tổng Thống tính sao về trường hợp của ông?
- Không thấy Tổng Thống nói sẽ giải quyết như thế nào. Nhưng, theo ý
tôi thì Tổng Thống sẽ không giải quyết ra sao hết cho đến khi Mỹ bảo
nhốt tôi là ông ấy không chút ngần ngại. Còn tự do thì tôi còn làm
được cái gì có ích cho Quốc Tiến, dù tôi bị bắt buộc phải đứng ở
hàng ngũ bên kia.
- Thủng thẳng đã! Cứ chờ xem tình thế ra sao. Dù thế nào thì cái thế
ở chánh quyền cũng còn cho ông Phụ Tá thời giờ để quyết định mà.
- Ban chỉ đạo cũng khuyên tôi như thế. Tôi cứ chờ vậy. Dù sao thì
nước cờ cũng đã tính sẵn rồi.
Câu chuyện tưởng đâu được êm xuôi, nào ngờ vài ba tuần lễ sau, trong
một cuộc tiếp xúc khác, đại sứ Bagwell lại đề cập đến. Ông lưu ý
Tổng Thống Nguyên là phải làm sáng tỏ vấn đề và phải có một quyết
định dứt khoát đối với ông Phụ Tá của chính Tổng Thống về tội thông
đồng với địch. Nếu không thì trường hợp đó sẽ đua nhau xuất hiện như
nấm gặp mưa. Chừng đó, hàng ngũ của phía bên này sẽ tan rả, trở tay
không kịp.
Dựa vào một sự tiết lộ của ai đó từ Hoa Thịnh Ðốn, hãng thông tấn AP
ở Sài Gòn đặt câu hỏi cho Tổng Thống liên quan đến ông Hồ Viết Mai,
trong một chuyến kinh lý tại vùng Châu Thổ. Ông Nguyên tuyên bố:
- Thế chống cộng của chế độ cũng như của cá nhân tôi là một thế bất
di bất dịch. Bất cứ ai thông đồng với địch cũng phải bị bắt, dù
người đó là cha mẹ hay là anh em tôi, đừng nói gì người đó là cộng
sự viên của tôi. Tuy nhiên, phải có đủ bằng cớ buộc tội trước khi
tôi cho lệnh bắt.
Ngày sau, những tờ báo có uy tín của Huê Kỳ đăng lên trang nhứt tin
tức và hình ảnh của cuộc tiếp xúc Châu Ðốc. Kết thúc bài báo là nội
dung cuộc phỏng vấn mà Tổng Thống đã dành cho AP. Dư âm của những
bài báo đó chưa kịp đến Sài Gòn thì cảnh sát đã bắt đầu hành động
dựa theo tin tức do CIA/Sài Gòn cung cấp. Ðương nhiên là phải có ý
kiến của Tổng Thống vì liên quan đến một nhân viên cấp cao trong
Dinh Ðộc Lập lại thân cận với Tổng Thống.
Vào một đêm cuối tuần, lần đầu tiên tư gia ông Phụ Tá bị bao vây và
khám xét. Chòm xóm láng giềng hết sức ngạc nhiên vì nhà của một nhơn
vật cao cấp của chánh phủ lại bị cảnh sát xét hỏi. Cảnh sát tha hồ
gọi cửa, rồi phải phá cửa mà vào bên trong. Nhưng, chỉ là căn nhà bỏ
hoang. Với một dĩ vãng hoạt động trong cách mạng và trong chánh đảng
dưới thời Pháp thuộc và thời Cần Lao của Tổng Thống Diệm và với tư
thế của một nhân vật cao cấp của chánh quyền hiện hữu, ông Hồ Viết
Mai đâu phải là một con nai ngây thơ để sụp bẫy thợ săn một cách quá
dễ dàng như thế được. Một cánh chim đã trở lại với vùng trời xanh
cao thẳm.
(Hết Chương Ba)
|