.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

 Phan Quân

Chuyện thời cải tạo

Nỗi Buồn Côi Cút
Thay Lời Tựa : Như nẻo đường rừng.

  • Phù Sa - 24.05.2006

N


hư một lối mòn vào rừng sâu, tập sách này mang một ước vọng đưa người đọc đến một trong những góc rừng chằng chịt cây lá. Cùng vào một nơi chốn, thế nhưng nhận thức của mỗi người dạo chơi lại mang một tính chất khác biệt, tùy theo hướng nhàn du của từng chủ thể. Tuy nhiên, nếu là một công viên và người dạo mát được chủ động và tự do thì, hết nẻo đường này sang lối đi khác, rồi ra cũng sẽ thấy được toàn thể khu vườn. Ở đây, trong khu rừng "học tập cải tạo" mênh mông, muôn màu, muôn sắc, mà những người trong cuộc lại mất tự do và bị động nên chỉ có được những nhận thức vô cùng phiến diện.

Cho đến hôm nay, chuyện "học tập cải tạo" là một đề tài đã được khai thác khá nhiều, giờ lại thêm một tập sách nữa liên quan đến vấn đề có thể làm cho thiên hạ lại kêu lên:"Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!" Thế nhưng, với ý nguyện làm "một nẻo đường rừng" biết đâu tập sách này sẽ làm cho người đọc sẽ tìm thấy một loài thạch thảo chưa từng biết, sẽ bắt gặp một tay nấm mới chưa có dịp làm quen, trong hành trình dạo chơi? Trong cõi rừng rú bạt ngàn của chuyện "học tập cải tạo" đó, mỗi người đi "cải tạo" có một nhận thức riêng tư, mỗi trại là một bối cảnh khác nhau. Cho nên, nhiều bức tranh phiến diện của vấn đề sẽ vẻ nên toàn cảnh của một thời gian khổ của những con người đã lỡ tay "tòng phạm" đánh mất một thiên đường trần gian.

Ðây không phải là hồi ký của một con người, vốn chẳng là gì hết trong xã hội Việt Nam Cộng Hòa ngày trước, nhưng chỉ là những cảm nghĩ của đa số tù "học tập cải tạo", được ghi nhận và cô đọng lại qua một tâm tư nhiều trăn trở và ray rứt. Ðâu đó trong tác phẩm "Người Pháp", Théodore Zeldin có viết:

"Mọi cá nhân biết suy nghĩ là một người chép sử, vì đương sự có một cái nhìn riêng tư về cuộc đời mình. Ðó là một sự thật có lẽ còn giá trị hơn chân lý, một thứ chân lý cho rằng trong mọi cá nhân giàu tưởng tượng đều có một quyển tiểu thuyết. Tôi nhận thấy ngay là một nhân vật càng nổi tiếng bao nhiêu thì những gì ông ta cần nói ra càng ít có giá trị bấy nhiêu, vì ông ta biết cách để nói về bản thân ông ta gần như là một dĩa hát..."[1]

Ý kiến trên đây của T. Zeldin không phải là căn bản mà tập sách này dựa vào để tự cho phép mình đóng vai trò một sử liệu hay mang một giá trị tuyệt đối, mà chỉ để hy vọng trở thành một nhân chứng cục bộ của một thời kỳ khủng khiếp, một tiếng nói giữa muôn ngàn lời tâm sự về một thời kỳ lịch sử chưa được xác minh. Thực vậy, điều tủi nhục không thể nào được nâng lên ngôi thứ của một niềm hãnh diện để nằm trên những trang giấy này, nhưng chỉ ước mong sao có đủ hiệu lực để tố giác những hành động không xứng đáng với con người.

Một thiếu nữ bị hiếp dâm đâu có gì để tự hào khi phải khai báo trước tòa, thế nhưng cô cần làm như vậy để vạch mặt nêu tên kẻ hèn hạ kia trước xã hội. Một hành động không phải vì quyền lợi thiết thân của nạn nhân mà vì lợi ích của con Người, với chữ "N" viết hoa. Một khi con người đã bị chà đạp thì tâm trạng đã hằn sâu dấu ấn của những hành động dày xéo không tài nào xóa mờ đi được, như một vết thẹo trên thân xác, sống còn đó, chết mang theo.

Vậy thì tập sách này được viết ra để làm gì đây? Chẳng lẽ để phơi bày một tâm tư bị ức chế từ những sai lầm thế hệ hầu tìm chút an ủi thứ tha của những thế hệ nối tiếp, chẳng tội tình gì mà lại phải gánh chịu đau thương hay sao? Ở khúc quanh đột ngột của lịch sử đất nước, lại không gặp may trong biến cố, những người kẹt lại, để bị gán cho danh hiệu "ngụy quân, ngụy quyền", đã phải trả một giá rất đắt cho lỗi lầm thế hệ. Tội lỗi đó dù có to tiếng và chân thành chấp nhận cũng còn nhục nhã đến ngàn năm thì nói làm gì chuyện thứ tha và chuộc tội. Không, tập sách này không có tham vọng điên rồ đó, nhưng chỉ ước mơ làm  được dấu vết khắc ghi để nhắc nhở mình phải lắng nghe mình và thiên hạ về một lối sống trong đó con người chẳng còn là con người nữa!

Những thống khổ trong tù đày mà con người đã phải chịu đựng qua các trại giam Ðức Quốc Xã, những trại tập trung của Liên Xô, của Trung Quốc hay những trại "học tập cải tạo" của cộng sản Việt Nam giờ đây đã là sự kiện của quá khứ. Gợi nhớ lại dĩ vãng là để ngăn ngừa cho tương lai, với điều kiện những gì được kể lại phản ảnh được sự thật và phải được chấp nhận như vậy. Trong quyển "Nội Bộ Chúng Ta Có Kẻ Sát Nhân", ông Simon Wiesenthal kể rằng:

"... bọn SS thường cảnh cáo tù nhân một cách trắng trợn:

"'Dù cuộc chiến tranh này có kết thúc như thế nào đi nữa thì chúng tao cũng đã thắng bọn mi. Chẳng có một tên nào trong bọn mi sẽ sống sót để làm nhân chứng hết. Nhưng dù cho một vài tên có thoát được đi nữa thì thế giới cũng không ai tin chúng nó. Có thể những nhà viết sử sẽ hoài nghi, sẽ suy đi tính lại, sẽ nghiên cứu, nhưng sẽ không có gì chắc chắn hết vì chúng tao sẽ thủ tiêu bằng chứng bằng cách tiêu diệt bọn mi. Và thậm chí nếu còn có một vài chứng cớ đi nữa, và nếu một vài đứa trong bọn mi có sống sót đi nữa thì thiên hạ sẽ cho rằng những gì bọn mi kể lại đều khó tin vì làm sao lại có những chuyện khủng khiếp đến như vậy được?! Người ta sẽ cho rằng đó là những điều mà đồng minh đã thổi phồng để tuyên truyền và người ta sẽ tin chúng tao, những con người sẽ phủ nhận tất cả, chớ không phải tin ở bọn mi. Chính chúng tao mới là những người dựng nên các câu chuyện về trại giam.'" [2]

Trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, dù cho những điều khủng khiếp của các trại tập trung đã lần hồi bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian và lịch sử và dù cho đã có không biết bao nhiêu ấn phẩm và vô số tài liệu truyền thông đã đề cập đến và nhắc nhở dư luận quần chúng khắp năm châu vậy mà hồi gần đây những trại giam người kiểu đó cũng đã xuất hiện trở lại trong cuộc chiến ở Nam Tư cũ! Dĩ nhiên là dưới những tên gọi đầy tính thời đại như "thanh lọc chủng tộc". Buồn cho người đời là chỗ đó. Những hành động mang tính chân, thiện, mỹ ít khi được thực hiện, trong khi những điều ghê tởm lại thường hay tái diễn. Vì vậy, sự hiện diện của tập sách này không hẳn là một trường hợp lảm nhảm vô tích sự.

Kỳ thảo và hoa dại của khu rừng này không xuất hiện theo trình tự thời gian, mà chỉ được phát hiện tản mạn theo tiến trình lang thang của một cánh bướm vờn hoa, từng đóa rồi từng đóa. Cũng một cành hoa, nhưng bướm kia lại quan tâm đến một hương sắc nào đó. Cũng một vấn đề nhưng mỗi trại tù tiến hành với một sắc thái khác biệt và được nhận thức với một tâm trạng cũng khác nhau. Sự kiện có thể trùng hợp, nhưng diễn biến của tình huống lại không như nhau. Một điển hình của cái gọi là trò đời muôn mặt để cho thấy rằng những lời hoa mỹ "học tập cải tạo" còn có mặt trái của vấn đề, thường được dân gian mô tả vô cùng chính xác qua thành ngữ "vậy mà không phải vậy".

Một nẻo đường rừng đang mời gọi, xin thử bước vào xem qua cảnh lâm tuyền để nhận ra một thời hoang dã giữa lòng thế kỷ XX, trong đó con người đã tinh vi đến mức nào với vai trò đồ tể và kiên trì ra sao trong tư thế nạn nhân. Cũng đều là con người, thế nhưng mỗi bên vận hành theo một ý thức hệ khác nhau. Trong khu rừng "học tập cải tạo" đó biết đâu khách nhàn du lại sẽ tìm thấy cấu trúc của một guồng máy chuyên chế và những xảo thuật ma quái nhằm hủy diệt nhân tính của con người. Nhưng đồng thời người ta cũng có thể thấy được một tương quan kỳ lạ giữa kẻ khống chế và người bị câu thúc.

 

>>> Gõ vào Mục Lục cạnh bên để xem tiếp >>>

 

-----------------

Ghi chú :

[1] "Tout individu qui réfléchit est un historien en ce sens qu'il a de sa vie une vision personnelle ; c'est là une vérité peut-être plus valable que celle qui veut que tout individu doué d'imagination porte en lui un roman. Je me suis rapidement aperçu que plus un personnage est connu, moins ce qu'il a à dire présente d'intérêt, car il a appris à parler de lui un peu comme un disque...",THEODORE ZELDIN, "Les Français", nxb Fayard, 1983, trg 16-17.

[2] "... Les SS trouvaient plaisir à avertir cyniquement les prisonniers :

"'De quelque façon que cette guerre finisse, nous avons déjà gagné contre vous ; aucun d'entre vous ne restera pour porter témoignage, mais même si quelques uns en réchappaient, le monde ne les croira pas. Peut-être y aura-t-il des soupçons, des discussions, des recherches faites par les historiens, mais il n'y aura pas de certitudes parce que nous détruisons les preuves en vous détruisant. Et même s'il devait subsister quelques preuves, et si quelques uns d'entre vous devaient survivre, les gens diront que les faits que vous raccontez sont monstrueux pour être crus : ils diront que ce sont des exagérations de la propagande alliée, et ils nous croiront, nous qui nierons tout, et pas vous. L'histoire des Lager, c'est nous qui la dicterons.'" Simon WIESENTHAL, "Les Assassins Sont Parmi Nous"

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)
 
Tác phẩm :

Thay Lời Tựa : Như nẻo đường rừng.

1. Sài Gòn : Những ngày trăn trở.

2. Long Giao : Một bước đổi đời.

3. Tam Hiệp : Nửa từng địa ngục.

4. Hoàng Liên Sơn : Núi rừng trùng điệp.

5. Hà Tây : Trong gọng kềm công an.

6. Nam Hà : Ai cải tạo ai ?

7. Thành phố Hồ Chí Minh : Một thuở sắc không.

8. Paris - Chelles : Ta lắng nghe ta.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.