Phan
Quân |
Chuyện thời cải tạo
|
Nỗi Buồn Côi Cút
2. Long Giao :
Một bước đổi đời.
hời
gian chỉ có một giá trị tầm thường trong bối cảnh chậm tiến và không là
gì hết trong môi trường cộng sản. Kế hoạch năm năm này không xong thì kế
hoạch năm năm khác. Một đoạn đường khoảng 40 cây số ngàn mà đoàn xe chở
tù cải tạo phải mất lối 4 tiếng đồng hồ, khi mà xưa kia một chiếc xe lô
cũ kỹ loại "Traction 15" thời Tây thực dân để lại chỉ mất nhiều lắm là
một giờ lộ trình, kể cả những lúc phải ngừng lại dọc đường để rước khách
và để tiền trà nước cho mấy ông cảnh sát công lộ "bạn dân". Thế nhưng họ
cũng có lý lẽ của họ khi phải chạy vòng vo
tam quốc để gọi là đánh lạc hướng những âm mưu giải thoát tù dọc đường,
nếu có.
Sau lần
tạm ngưng kiểm điểm lần chót để tiến vào mục tiêu cuối cùng, đoàn
xe nổ máy khi có tiếng súng lịnh. Nằm ngửa
nằm nghiêng trên đống hành lý ngổn ngang sau một đêm gần như thức trắng
và phập phồng lo âu dưới họng súng AK, dễ có nguy cơ bị cướp cò của
người bộ đội trấn ngự ở cửa xe, nhóm tù học
tập cải tạo bắt đầu cảm thấy bị dằn xốc nhiều hơn. Xe đã rời tỉnh lộ đi
vào đường mòn ngoằn ngoèo, cỏ voi quét vào hai bên hông
xe và cành lá cọ quẹt vào tấm bạt mui xe.
"Họ chở mình vào mật khu của họ ngày trước chăng?"
Một thắc mắc chẳng ai giải đáp, nhưng cũng chẳng phải là quan trọng vì
nó cũng chỉ thoáng qua trong tâm tư của những con người thiếu ngủ lại
chẳng có chút dữ kiện nào để đoán định. Những người hành khách bất đắc
dĩ đang lờ mờ về điểm đến thì xe đã ngừng lại
và tắt máy. Người bộ đội chui đầu nhìn ra ngoài rồi hướng vào trong
xe quát to:
- Tất
cả xuống xe! Xếp hàng đôi sau đuôi
xe, hai anh ở lại chuyển hành lý xuống!
Những
người tù học tập cải tạo nhảy xuống đường mòn đất đỏ sũng nước của mấy
trận mưa vừa qua, hai bên đường cỏ voi mọc tràn lan,
cao khỏi đầu người, chẳng thấy nhà cửa đâu hết. Ðây
là đâu, mật khu hay vùng hoang vắng? Chiến khu D hay Tống Lê
Chân, một điểm chiến trường gay cấn xưa kia?
Tất cả đều là những suy nghĩ và thắc mắc âm thầm nằm kín trong tâm tư
của mỗi người vì tù học tập cải tạo không còn cái quyền để nói chuyện
với nhau trước người bộ đội súng dài kia.
Hành trang cá nhân dưới chân mỗi người, nhóm tù cải tạo đứng yên
theo hai hàng dọc để chờ lịnh hành động, lần
này chắc là phải "hành quân" bằng đôi chân. Ðoàn xe nhả hết người, tuần
tự chuyển bánh về phía trước, mất hút vào đám cỏ voi trước mặt thì một
người bộ đội, tay đeo băng đỏ, từ đám cỏ voi bước ra, trao đổi dăm ba
câu chuyện gì đó với một vài bộ đội súng ngắn. Nhóm tù cải tạo được lịnh
tiến lên, đi theo người bộ đội đeo băng đỏ.
Qua khỏi đám cỏ voi bị xẻ thành lối đi là một đoạn rào kẽm gai đã được
cắt đi, biến thành một lối vào khu doanh trại quân đội trước kia, gồm
những nhà tiền chế của Mỹ, nhưng trong một tình trạng hỗn loạn chừng như
sau một trận hôi của chớ chẳng có vẻ gì một khu quân sự ngăn nắp. Tuần
tự trước sau, từ số nhỏ đến số lớn của các B, đoàn tù cải tạo được "bố
trí" vào những gian nhà nằm song song, trước kia dường như được dùng làm
kho chứa quân trang và quân dụng.
Vắng
mặt người bộ đội áp tải, một vài anh bạn thuộc bộ binh tiết lộ rằng đây
là hậu cứ của Trung Ðoàn 48 (Long Giao), thuộc Sư Ðoàn 18 Bộ Binh của
tướng Lê Minh Ðảo, người đã anh dũng đánh một trận cuối cùng với hy vọng
chận đứng mũi tiến quân của cộng sản. Căn cứ này, quân đội Hoa Kỳ giao
lại cho Sư Ðoàn 18 khi Mỹ rút quân theo tinh
thần của Hiệp Ðịnh Paris 1973. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi thôi mà
quang cảnh của doanh trại trông thật là thảm thương và bi đát, như tàn
tích của một trận cuồng phong vừa đi qua. Từ phía ngoài đường nhìn vào
tưởng chừng như đàng sau đám cỏ voi kia là
một vùng hoang dã, một mật khu nào đó của cộng sản xưa kia, nào ngờ đâu
lại là cả một căn cứ đồ sộ của Hoa Kỳ ngày trước. Có lẽ sau ngày sư đoàn
rã ngũ, nhân dân địa phương đã tràn vào mở một chiến dịch gọi là "phát
huy quyền làm chủ tập thể" của họ để "thu hồi lại những gì của nhân
dân"? Sau đó thì quân đội nhân dân đến tiếp quản, mà quân đội nhân dân
thì lúc nào cũng sống bám sát thiên nhiên cho nên cuộc diện của một căn
cứ quân sự ngày trước phải tàn phai đến dường ấy!
B9, với nhân số trừ (21 thay
vì 31) được dành cho một gian nhà cây nhỏ, vuông vức khoảng 5m chiều
cạnh. Gian nhà
này trước kia có thể là "tư thất" của một
thượng sĩ thâm niên nào đó của hậu cứ. Thuộc loại
"túp lều lý tưởng" trong cõi chiến trường, vách ván, nóc lợp thiếc dợn
sóng, sàn cây và bên ngoài là một chái nhỏ làm nhà bếp. Với
khoảng 50 mét khối của khối lượng sinh sống, anh B Trưởng phải sắp xếp
chỗ nằm cho 21 người kể cũng nhiều khó khăn, nhứt là đối với những con
người xưa nay thường sống trong cảnh nhà cao, cửa rộng. Nhưng, đi sông
thì phải tùy theo con nước và vào tù thì phải
biết thân phận mình. Không gian sinh sống đâu cần
phải nhiều đến dư thừa nữa mà chỉ cần đủ chỗ cho một chiếc chiếu cá
nhân, để có thể ngả lưng về đêm, thế thôi.
Xoay xở mãi, chiều ngang rồi chiều dọc, cũng chỉ đủ cho 20 người.
Trong khi anh B Trưởng đang bối rối thì một anh bạn tình nguyện ra nằm
chái bếp, tuy nhỏ hẹp nhưng bù lại, anh được chỗ riêng tư, một thân một
mình không phiền hà đến ai mà cũng chẳng bị ai quấy rầy trong giấc ngũ
cô đơn. Phân phối chỗ nằm vừa xong, chưa kịp trải
chiếc chiếu ra để nằm nghỉ lưng và tìm một giấc ngủ chập chờn, bù lại
một đêm vừa qua gần như thức trắng thì đã có lịnh gọi các B Trưởng đi
họp.
Họp xong về, anh B Trưởng mời
cả B ngồi quây quần giữa nhà để gọi là "sinh hoạt" với nội dung mà anh
đã tiếp nhận của ban chỉ huy trại.
Một cách tổng quát là những chỉ thị về chuyện sắp xếp nơi
ăn chốn ở, nổi bật và đáng ngại hơn hết là
vấn đề nấu bếp cho ngày học tập đầu tiên. Nhóm tù học tập cải tạo về
trại này trong chuyến dạ hành vừa qua, xuất phát từ Ðại Học Xá Minh
Mạng, gồm toàn cựu đại tá của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa trước
kia. Còn số 22 sĩ quan
cấp tướng tập trung ở cùng Ðại Học Xá cũng được đưa đi trong đêm đó,
nhưng lại đi về một hướng khác.
Nhân số
tù cấp đại tá nói trên được chia ra thành hai khu, mỗi khu gắn liền với
một bếp ăn (bếp A và bếp B), trung bình mỗi
bếp cung cấp lương thực và thực phẩm cho khoảng 135 miệng ăn.
Không biết nguyên tắc nào đã đưa B9 đến chỗ "được ưu
tiên" làm bếp ngày đầu tiên? Quả thật là một khó khăn to lớn!
Ngay việc nấu bếp cho cá nhân mình cũng chưa chắc là có nhiều người
trong số những cựu đại tá đó đã làm được, giờ đây lại nấu
ăn cho hàng trăm người! Chuyện chẳng phải
đùa. Ấy thế mà thông cáo gọi đi trình diện học tập cải tạo của Ủy Ban
Quân Quản thành phố có nói rằng "việc ăn uống
trong thời gian học tập sẽ do nhà thầu cung cấp". Chỉ mới một vài ngày
đầu tiếp cận với cộng sản, tù cải tạo đã thấy mình bị gạt gẫm và lừa dối
đến mấy lần!
Mặt trời đã lên cao khi sinh
hoạt kết thúc.
B9 được phân chia thành nhóm, mỗi nhóm một công tác
nhứt định. Nhóm nào việc nấy, các thành viên của B bắt
tay vào công tác được giao phó. Một gian nhà
nhỏ nằm cạnh căn nhà dành cho B9 được sử dụng làm nhà bếp, dường như
được bộ đội tiếp thu doanh trại Long Giao làm
ra. Cũng một gian nhà vuông vức như gian nhà của B9
nhưng nhỏ hơn và vách bao quanh có hai mặt chỉ che một nửa, để cho khói
dễ thoát ra và để phân phát thức ăn. Bên
trong, đã có xây sẵn hai miệng lò, mỗi miệng có thể tiếp nhận một chảo
đụng to tướng, đường kính miệng chảo hơn một thước. Thế nhưng,
không thấy có một que củi nào để đốt lò nên có quyết định khẩn cấp là
thu lượm chất đốt quanh quẩn đâu đó bên trong
vòng rào trại. Một quyết định rất thực tế, xuất phát từ một sáng kiến cá
nhân không phải chờ chỉ thị của ban chỉ huy trại.
Thế nhưng, không biết chất đốt kiểu đó sẽ tồn tại được bao nhiêu lâu,
nếu không muốn đưa tất cả nhà cửa của trại vào lò lửa.
Khâu kế tiếp là việc cung cấp
nước để rửa và nấu thức ăn.
Khâu này cũng gay go không kém vì hệ thống nước máy
đã vắng mặt. Không ai có thể tưởng tượng một
trại binh của Hoa Kỳ lại có thể thiếu một hệ thống cung cấp nước.
Thời gian nhập trại là mới vào mùa mưa miền
Nam, nắng còn nhiều, mưa chẳng bao nhiêu.
Vả lại, cũng chẳng có gì để chứa nước mưa.
Duy nhứt chỉ có nước giếng, mà mực nước vào thời gian đó dường như sâu
thẩm mãi tận lòng đất! Cho nên giờ đây công tác tiếp tế nước cho bếp nấu
ăn tập thể hết sức gian nan.
Cả khu trại cải tạo chỉ có mỗi một cái giếng, cách
xa nhà bếp khoảng 500 thước. Trên miệng giếng
còn dấu vết của những điểm gắn máy bơm nước, nhưng máy bơm thì không
thấy đâu, có lẽ đã "trở về với nhân dân"? Mực nước trong giếng
cách mặt đất cũng trên mười thước nên cung cách lấy nước phải dựa vào
những suy nghĩ, những sáng kiến và xoay xở.

...Gào
lấy nước là những thùng "can" chứa xăng 20 lít (Jerrycan) của quân
đội Mỹ. Nhưng trọng lượng của thùng cộng với 20 lít nước nữa thì sức
của một người làm sao lôi lên nổi từ một chiều sâu khoảng mười mấy
thước? Thế là có khó mới ló khôn. Một sợi dây điện có bọc nhựa dài
khoảng 20 thước, luồn qua một cái ròng rọc treo giữa cây đà nằm
ngang miệng giếng, thế là 3 người kéo theo chiều nằm ngang để tạo
thành một lực theo chiều đứng mà nâng chiếc can 20 lít nước kia lên
khỏi miệng giếng và một người đứng ở miệng giếng bắt gào đổ nước
sang hai can khác cho hai người khiêng về bếp... |
Chỗ
không giống ai của những người cộng sản cai
tù là phân công mà chẳng cần quan tâm đến khía cạnh cung cấp phương tiện
để thi hành, nếu có thì cũng rất ít thôi. Ðòi hỏi cho lắm thì cũng chỉ
được trả lời bằng câu "các anh khắc phục" tiêu biểu, chớ không như ở xã
hội tư bản là phương tiện thường đi kèm với nhiệm vụ giao phó.
May mắn cho những người tù cải tạo là đã được chỉ
định cư trú trong một doanh trại cũ của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, một
cơ sở tuy đã trải qua một trận hôi của tàn nhẫn nhưng vẫn còn một số vật
dụng bị chê, còn có thể sử dụng được. Nhờ vậy mà tù cải tạo mới
xoay xở nỗi, nếu không thì dù cho sáng kiến và suy nghĩ có tuyệt vời đến
đâu thì cũng đành chịu bó tay. Gào lấy nước
là những thùng "can" chứa xăng 20 lít (Jerrycan) của quân đội Mỹ. Nhưng
trọng lượng của thùng cộng với 20 lít nước nữa thì sức của một người làm
sao lôi lên nổi từ một chiều sâu khoảng mười mấy thước? Thế là có khó
mới ló khôn. Một sợi dây điện có bọc nhựa dài khoảng 20 thước, luồn qua
một cái ròng rọc treo giữa cây đà nằm ngang miệng giếng, thế là 3 người
kéo theo chiều nằm ngang để tạo thành một lực theo chiều đứng mà nâng
chiếc can 20 lít nước kia lên khỏi miệng giếng và một người đứng ở miệng
giếng bắt gào đổ nước sang hai can khác cho hai người khiêng về bếp.
Trong công tác làm bếp ở trại này, khâu cung cấp nước là một chuyện đáng
gờm, dễ nể, vì một phiên bếp đòi hỏi ít ra cũng 200 lít nước, nghĩa là
10 can. Với những cặp tải nước lực lưỡng thì mất 5
chuyến đi về, mỗi lượt 500 thước đường bộ.
Còn nhóm "bò kéo nước" thì phải kéo 10 lượt và như vậy 2 lần trong một
ngày. Ðối chiếu phương tiện và năng suất thì một lít nước từ
giếng về đến nhà bếp là quá đắt, thế nhưng thói thường người ta cứ cho
"nước sông, công tù" đâu có gì đáng quan tâm. Chưa
nói đến những ngày mưa ướt đường, bùn lầy trơn trợt. Nhưng khó
thì khó nhưng cũng phải hoàn thành, trong chiều hướng thi hành lịnh đã
ban ra thì ít nhưng trong tinh thần vì bạn bè cùng cảnh ngộ lại nhiều
hơn. Nếu không hoàn tất được công tác thì làm sao no lòng cho biết bao
nhiêu bạn bè đây?
Chất
đốt đã có, toàn là cây và ván tháo gỡ từ những căn nhà hoang phế, một
loại chất đốt thượng thặng. Hệ thống cung cấp nước
đã chạy đều, sau những trục trặc ban đầu, còn lại là khâu lương thực,
thực phẩm. Phần này tương đối cũng không mấy
khó khăn vì chỉ cần đến kho của bộ đội lãnh về, nhưng lại gặp trở ngại
về chuyển vận. Người bộ đội coi kho chỉ một bao gạo trăm kí và
thảy cho một con gà, loại gà công nghiệp, mà dân chúng miền Nam thường
gọi là gà Mỹ, và 10 gói mì ăn liền. Vậy là xong thức
ăn cho khoảng 150 người trong một ngày. Vừa ngạc nhiên trước số
lượng thực phẩm được phân phối, vừa bối rối tìm phương thức để chuyển
bao gạo nặng một tạ kia nên nhóm người tiếp
tế cứ dùng dằng, cho rằng gã bộ đội coi kho chưa đưa hết phần thực phẩm.
Toán tù cải tạo đi lãnh thức ăn còn đang ngẩn
ngơ thì chàng bộ đội đã quát:
- Các
anh mang đi thôi, còn chờ gì nữa?
Bao gạo
trăm kí, một người làm sao mà vác nỗi vì các quan cựu đại tá
kia không có một quá khứ làm phu khuân vác,
mà huy động hai người thì lại không có gióng mà cũng không có đòn gánh!
Thế là phải tìm cách xoay xở, cho bao gạo nằm lên
hai cây đòn, kẻ trước, người sau hì hà hì hục khiêng về bếp. Như
vậy, nhà bếp đã có đũ vật liệu để tiến hành công tác. Ðúng là vạn sự
khởi đầu nan, bước đầu thật lắm khó khăn!
Nhưng
đâu đã hết. Bây giờ đến khâu vô cùng quan trọng,
khâu nấu nướng. Trong số thành viên B9 chẳng một ai có kinh
nghiệm nấu ăn bằng chảo đụng cho nhiều người
ăn, thậm chí nấu cho chính mình ăn cũng chẳng có mấy người.
Không ai dám xung phong đứng ra làm một công tác tế
nhị và nguy hiểm đó. Tế nhị là phải sản xuất ra một nồi cơm
ăn được, nguy hiểm là vì nấu lôi thôi thì bạn
bè sẽ đói meo, còn cá nhân mình thì sẽ bị phê phán thậm tệ. Thế là anh B
Trưởng đành phải đứng mũi, chịu sào vậy. Bếp đã nhóm lửa, nhờ có chất
đốt hảo hạng nên lửa bắt rất nhanh và nhảy múa tưng
bừng. Một nửa bao gạo được tuôn vào một cái chảo đụng, sử dụng vào chức
năng chậu rửa để vo sạch. Bao gạo mang chữ
Tàu, một vài anh bạn rành Hán tự đọc là "Ðại Mễ", do Trung Quốc chi
viện. Hột gạo to và rất trắng, nhưng lại có quá
nhiều sâu và bị ẩm. Theo các bạn trước kia thuộc ban ngành quân
báo thì đây là những bao gạo do Trung cộng viện trợ và Hà Nội đã tiếp tế
cho bộ đội của họ chiến đấu trong Nam bằng cách kết nhiều bao thành bè
bọc Nylon, thả theo dòng thủy triều của biển Nam Hải. Một cung cách "hậu
cần" cầu may, năm ăn, năm thua, trong một hoàn cảnh bí thế cùng đường.
Trong chiến tranh, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng thường chận bắt được
nhiều khối lượng gạo tiếp tế theo kiểu đó.
Sau khi chiếm được miền Nam, say mê chất lượng gạo ngon của đồng bằng
sông Cửu Long, quân đội nhân dân bèn chối bỏ gạo của nước cộng sản anh
em kia, dù là "đại mễ", ném ra cho tù cải tạo. Gạo sâu và dơ nhưng nước
nôi không đủ nên vo cũng qua loa, đại khái.
Gạo vo rồi, được chuyển từng thau một cho vào
chảo nước đang sôi. Anh B Trưởng, quần đùi, lưng trần ướt đẫm mồ hôi, để
hết tâm trí mình vào chảo cơm hệ trọng đầu tiên trong quãng đời tập
trung học tập cải tạo. Nét mặt cũng như cung cách
của anh trước chảo cơm không khác với diện mạo và thái độ của một người
sĩ quan trước bản đồ hành quân trong giây phút gay cấn với địch quân
ngày trước bao nhiêu. Tất cả số lượng gạo được cho vào chảo xong,
anh dùng một cây đũa bếp to cỡ mái dầm đảo gạo cho đều rồi chờ cho chảo
cơm sôi bùng trở lại ra lịnh tắt lửa ngọn, giữ lửa than chia đều
theo vòng tròn của chảo, không giữ than trong
khu trung tâm điểm. Ðậy nắp chảo cơm lại, gạt những
hột mồ hôi trên trán, người đầu bếp chánh thở phào nhẹ người, phó thác
chảo cơm cho ông táo chớ chẳng biết còn làm gì hơn nữa.
Anh đã áp dụng cách thức nấu nồi cơm nhỏ vào chảo
cơm to cho khoảng 150 người hôm nay, có thành công hay không thì phải
chờ khoảng nửa giờ hay 45 phút sau. Trong khi chờ đợi, anh chạy
ra ngoài để khỏi bị ngộp thở vì khói của những cây củi đang cháy dở dang
và giải quyết khâu kế tiếp, gay go cũng không kém, là làm thế nào để
giải quyết vấn đề một con gà khoảng hai kí và 10 gói mì ăn liền làm món
ăn cho ngần ấy thực khách trong một ngày. Chặt con gà 150 miếng, trên
tiêu chuẩn mỗi người một miếng, không phải là một giải pháp hợp lý vì
người nào sẽ nhận miếng nào khi mà chất lượng của những miếng thịt không
như nhau. Vả lại chắc gì chặt được con gà kia
ra làm ngần ấy phần hay không? Cũng không thế nào chia con gà ra làm 5
phần để khi phát thức ăn ra cung cấp cho 5 B tự lo lấy việc phân chia
nội bộ vì biết phải dựa theo tiêu chuẩn nào để cắt 5 phần thịt đây? Anh
B Trưởng tham khảo ý kiến của B và đi tới quyết định khả dĩ được chấp
nhận mà không bị phê phán là cho con gà cùng với 10 gói mì ăn liền để
làm một nồi canh, sau đó xé nhỏ thịt gà ra để chia cùng với nước canh
cho các B. Những con người đã từng quyết định chiều hướng của chiến
trường, liên hệ đến không biết bao nhiêu sinh mạng con người, giờ đây
lại phải thắc mắc vì những miếng thịt gà con con!
Lần đầu
tiên, nấu ăn cho một tập thể lại ngay trong
ngày đầu vào trại, với những khó khăn và trục trặc ban đầu nên bữa ăn
trưa hôm đó phải trễ giờ. Những người trực cơm cho các B đến chầu chực
trước nhà bếp khá lâu để lãnh phần ăn cho B, nhưng trước cảnh các đội
viên B9 bận rộn, lăng xăng, mồ hôi nhễ nhại, không một ai nỡ lên tiếng
phê bình trách móc, nghĩ rằng rồi đây, một hôm nào đó cũng đến phiên
mình thôi. Trong những ngày học tập cải tạo tại trại Long Giao, chưa có
tổ chức thành những đội chuyên môn nên việc nấu bếp được luân phiên qua
các B. Món cơm trắng đầu tiên, may mắn thay, không đến đổi tệ lắm dù cơm
hơi nhão, thà nhão còn hơn sống. Sau bữa ăn
trưa, B9 lại lục đục, nhóm nào việc nấy, chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Với
kinh nghiệm từ bữa ăn trưa, công việc được tiến hành suôn sẻ hơn nên
khoảng 16 giờ, cơm đã được phát cho các B. Tổ nấu bếp ngày hôm đó phải
dọn dẹp bếp cho sạch sẻ, vén khéo để sáng mai
bàn giao lại cho B khác. Thôi thì cũng qua được ngày
đầu tiên đi tù cải tạo, một ngày quá bân rộn nên đội viên B9 không còn
thừa thì giờ để nghĩ đến thân phận cá nhân và cũng quên đi đêm mất ngủ
vừa qua.
ß
Cơm nước xong xuôi,
các thành viên B9 mới bắt đầu chuẩn bị chỗ nằm cho chính mình, một cuộc
chuẩn bị nhanh chóng và không mấy khó khăn. Mỗi người một chiếc chiếu
không đủ nên chiếu này chồng lên chiếu kia. Ông bà ta thường nói "ăn thì
nhiều, ở có bao nhiêu", điều đó lại càng đúng hơn nữa trong cảnh tù đày
này. Xưa kia, nhà cao cửa rộng, phòng này, phòng nọ, với khoảng sinh
sống tối thiểu và tối đa, nay thì một chỗ dưới ánh mặt trời chỉ còn là
diện tích của một chiếc chiếu cá nhân! Dự trù trường hợp không có ánh
sáng về đêm, vì không thấy hệ thống điện đâu hết, họ tìm chỗ mắc mùng
lên sẵn rồi nằm ngó lên nóc mùng theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của
chính mình. Những người dễ ngủ thì đã có tiếng thở đều đều, ngáy êm êm.
Những anh khó ngủ còn trằn trọc xoay qua, trở lại, lâu lâu nghe có tiếng
thở dài. Họ nằm trong gian nhà mờ mờ tối, tiếng muỗi vo ve, trong khi
bóng đêm bên ngoài cứ từ từ ập đến mà không ai nhận thấy. Cho đến khi có
tiếng kẻng từ xa vọng lại làm cho người nào cũng phải ngồi dậy tự hỏi
không biết có chuyện gì nữa đây?
Tiếng kẻng đầu đời
tù cải tạo là một loại âm thanh rùng rợn, nhưng lại là những tiếng động
tiêu biểu trong sinh hoạt của những con người cộng sản. Ðó là những tín
hiệu mà họ thực hiện dễ dàng bằng phương tiện thô sơ khi sinh sống ở
chiến khu. Một thỏi sắt đánh vào một thanh sắt, vào một mâm sắt bánh xe
hơi, vào một đà ngang đường rầy xe lửa, vào một vỏ bom chưa nổ... là họ
có được một phương tiện để báo hiệu trong một diện tích rộng lớn. Hồi
tưởng lại những ngày còn trong hàng ngũ chiến đấu của một đơn vị bộ
binh, trên đường hành quân vào sào huyệt cộng sản, từ xa xa đơn vị hành
quân đã nghe tín hiệu báo động của du kích, cũng bằng tiếng kẻng tương
tự. Ngày nay, rã rượi buồn trong một khoảng không gian chật hẹp của
chiếc mùng cá nhân, bên ngoài nhạc muỗi cứ vo ve lại phải nghe thêm
những hồi kẻng rợn người đó.
Về mặt thể chất, tù
cải tạo chưa hẳn là những người tù theo nghĩa trọn vẹn của từ đó, vì còn
được cái gọi là tự do, một thứ tự do trong hạn hẹp. Tuy nhiên, họ bắt
đầu bị bắt buộc phải thấy, phải nghe, phải làm cũng như phải nhận thức
những gì họ không muốn, thậm chí còn chán ghét nữa. Khởi đầu một hình
thức mất tự do đáng ngại nhứt, một tình huống mất tự do tiệm tiến, lần
hồi khiến con người không còn ý thức được tiến trình nô lệ của bản thân.
Nguy hiểm là ở đó. Giữa không gian cô tịch của một trại tù cải tạo buồn,
những hồi kẻng dễ ghét và khó chịu kia làm cho người ta rơi vào hố thẳm
của thời gian và không gian, trở về với một thời đại cổ sơ, man rợ giữa
lòng thế kỷ hai mươi. Vì là đêm đầu tiên ở trại nên các tù cải tạo có
phần ngỡ ngàng khi nghe tiếng kẻng đầu đêm, không biết phải phản ứng ra
sao và cứ thế nằm chờ cho đến khi thân xác mỏi mệt đưa vào giấc ngủ cô
đơn.
Long Giao là một
vùng gò nổng nằm giữa rừng cao su, hoang phế vì chiến tranh, nên về sáng
trời se lạnh. Ðang cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái trong chiếc mền ấm,
qua giấc ngủ chập chờn, gần như quên đi thân phận tù đày thì lại nghe
tiếng kẻng. Ngoài trời còn tối đen mà lại có tiếng kẻng thì phải hiểu
sao đây? Cũng một phản ứng thản nhiên như hồi đầu hôm, nhưng lần này thì
không được để yên vì xa xa đã có tiếng còi tu huýt và tiếng người ra chỉ
thị gì đó. Tiếng tu huýt đến gần và tiếng người bộ đội nghe rõ ra:
- Các anh tập thể
dục, khẩn trương lên!
Các ống loa từ phía
bộ chỉ huy trại đã được mở tối đa âm thanh, hướng về phía khu nhà ở của
tù cải tạo, loan đi chương trình thể dục thể thao buổi sáng của đài phát
thanh:"Hít, thở,..." Chưa có thói quen, một ít người lục tục ra sân cử
động tay chân, một số người còn nằm nướng bên trong. Người bộ đội tu
huýt vòng trở lại, lôi những anh tù cải tạo chậm chân ra khỏi chiếc mền
ấm buổi sáng. Mới 5 giờ sáng thôi! Một ngày tù chẳng ai mong muốn, nhưng
lại được bắt đầu quá sớm. Bùn đất đỏ vùng này như có pha trộn chất keo
nên cứ giữ chặt lấy những bước chân đi. Bài tập chủ yếu là những thế
đứng tại chỗ, không tiện chạy nhảy. Bài tập thể dục buổi sáng kéo dài
chừng 15 phút. Sau đó là công việc vệ sinh buổi sáng, một sinh hoạt rất
nhiều ách tắc trong ngày đầu. Bao nhiêu con người như vậy mà tập trung ở
một miệng giếng duy nhứt, thế là gào nhỏ, gào con chen chút nhau thả
xuống, kéo lên chật cả giếng. Vì là một khu nhà kho trước kia nên địa
điểm để đổ chất thừa thãi trong con người chẳng có là bao cho nên cái
đuôi rồng rắn kéo dài trước căn nhà bé nhỏ mà ai cũng bắt buộc phải đi
qua. Công việc linh tinh có vẻ như chẳng quan trọng vậy mà cũng mất trên
hai tiếng đồng hồ. Nhưng, cũng chẳng sao vì thời gian của tù chẳng là gì
hết.
Trước cảnh dồn ứ ban
đầu và những trở ngại sơ khởi đó, chương trình làm việc của tù cải tạo
chắc là đầy hứa hẹn, một chương trình mà sau phiên họp gần hết buổi sáng
với "cán bộ khung"
về, anh B Trưởng đã sinh hoạt B để thông báo lại. Về sinh hoạt tổng quát
thì những tiếng kẻng là hiệu lịnh chung cho toàn trại, mỗi hiệu lịnh có
số hồi và số dùi riêng biệt của nó. Có kẻng thức, kẻng ngủ, kẻng tập
hợp, kẻng sinh hoạt B Trưởng, kẻng báo động,... đủ hết. Như vậy dù dị
ứng với tiếng kẻng đến đâu đi nữa thì tù cải tạo cũng phải tuân hành
lịnh kẻng. Kế đó là phần lao động hàng ngày. Ngoại trừ những đội luân
phiên nhau làm bếp, mỗi ngày số B còn lại sẽ được bố trí vào những công
tác hoàn chỉnh và xây dựng trại, trong tinh thần "các anh làm, các anh
hưởng", một tinh thần được cộng sản vận dụng để làm bình phong cho hành
động cưỡng bách lao động đối với tù cải tạo.
Tuần lễ đầu tiên,
tất cả các B đều được huy động để dọn dẹp và sắp xếp nơi ăn chốn ở liên
hệ. Cán bộ trại đưa ra chỉ thị tổng quát như vậy rồi để cho tù cải tạo
tự ý tiến hành công tác và họ cũng chẳng cần hiện diện để kiểm soát hoặc
hướng dẫn gì hết. Họ để cho tù cải tạo có cảm tưởng rằng mình tổ chức
lấy nếp sống của chính mình, chớ không phải bị nhốt dưới một hình thức
lao tù. Trại Long Giao vào thời đó quả thật không có một hình thức nào
của một trại tù. Ðó chỉ là một căn cứ quân sự cũ của Việt Nam Cộng Hòa,
thậm chí với những vòng rào kẽm gai thô sơ, có đoạn cắt đi để làm lối ra
vào. Ngoài xa hơn nữa thì không biết thế nào, hệ thống canh gác ra làm
sao, chớ bên trong vẫn là như vậy. Có thể cộng sản đã ngụy trang những
khó khăn của họ trong việc tổ chức ngay những trại tập trung bằng cách
gieo vào đầu óc tù cải tạo một ý niệm "học tập" đích thực để ngăn ngừa
những trường hợp trốn trại.
Ban chỉ huy trại
sinh sống tách biệt hẳn với khu tù cải tạo, thỉnh thoảng một vài người
bộ đội đi rảo một vòng qua ngang nơi ăn chốn ở của tù cải tạo, dường như
để gây ấn tượng rằng không có vấn đề câu thúc. Có thể coi như họ đã trấn
an được tù cải tạo về mặt đó. Vả lại, đã là những người "trình diện học
tập cải tạo" thì có mấy ai nghĩ đến chuyện trốn trại làm gì khi mà họ có
thể không ra trình diện. Hơn nữa, cái ảo tưởng của "một tháng" hay thậm
chí đôi ba tháng đi nữa không thể là một nhân tố đưa đẩy người ta đến
một hành động không có lợi.
Thế là các B thi
nhau thu dọn những cái bừa bải mà công cuộc "giải phóng" đã để lại nơi
tạm trú của tù cải tạo. May mắn thay, nhờ có một số dụng cụ xưa cũ của
Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, bị phong trào hôi của chê bỏ lại, nên công
tác của tù cải tạo được dễ dàng phần nào. Chỉ một vài ngày mà quang cảnh
trại được thanh thoát hơn, ngõ đi lối về rõ nét, nơi ăn chốn ở đâu ra
đó, không còn là quang cảnh của một vùng mang dấu ấn của bão táp và
cuồng phong.
Trong lao động dọn
dẹp như vậy của các B, có một B phải thực hiện những công việc vô cùng
độc đáo vì có một người phụ nữ duy nhứt trong số thành viên của B, bà
đại tá Hương, một sĩ quan cao cấp duy nhứt của nữ quân nhân Việt Nam
Cộng Hòa. Vì cấp đại tá phải trình diện ở Ðại Học Xá Minh Mạng nên bà
chẳng có chỗ nào khác để "đăng ký". Trên nguyên tắc nam nữ bình quyền
của cộng sản, bộ phận thu nhận tù cải tạo coi bà như là một đại tá chế
độ cũ, không cần phải phân biệt giới tính lôi thôi. Vả lại, với bao
nhiêu là khó khăn của lúc ban đầu, lại chưa có nguyên tắc chỉ đạo chi
li, họ cứ tạm thời phớt lờ những trục trặc được coi như là không đáng kể
đó. Nhưng, trên nguyên tắc quý trọng phái nữ của những con người xã hội
tư bản miền Nam, vốn thấm nhuần phong cách giao tế nhân sự Âu Mỹ, những
anh tù cải tạo thuộc B3 không thể đồng lõa với cộng sản được. Thế nên
các anh đã dành cho chị Hương một góc phòng riêng biệt, với "vòng đai
trắng" hẳn hòi bao quanh chiếc chiếu của chị. Ngoài ra, các anh ấy còn
phải dựng một nhà tắm và một nhà vệ sinh kín đáo để cho chị có thể yên
tâm, vững dạ trong những sinh hoạt thầm kín riêng tư của chị, vì những
cơ sở hiện có chỉ dự trù cho nam giới. Những quan tâm tế nhị như vậy
trong thời buổi khó khăn được chị Hương tiếp nhận với nhiều xúc động và
chị cũng tham gia vào công tác một cách tích cực. Khoảng vài ba tuần lễ
sau, cộng sản cũng giải quyết được "cái gai trong mắt họ", khi mà một số
nữ quân nhân khác được tập trung về một trại kế cận. Họ cho chị Hương
chuyển trại, sang "học tập" chung bên trại nữ.
Chương trình lao
động chân tay cứ thế tiếp tục, tuần này sang tuần kia mà không thấy đề
cập gì đến chuyện học tập hết. Những thùng chứa loại 200 lít được cắt
ra, cán bằng để lợp nóc nhà ăn mà bàn ăn và ghế ngồi thì làm bằng những
vỉ sắt PSP,
lót phi đạo lấy ở sân bay trực thăng, đặt lên những chân bằng cây chôn
xuống đất. Công tù dư thừa, trại không cần nhà thầu cung cấp củi đốt nữa
mà đưa những B tù cải tạo vào rừng cao su kế cận cưa đem về cung cấp cho
bếp. Hết làm nhà ăn đến trồng cột chuyền dây điện từ khu chỉ huy sang
khu ở của tù cải tạo. Thiết lập hệ thống tải điện xong, chuyển sang tu
sửa hệ thống các đường đi chính vào trại và xây dựng những cổng chào khá
đồ sộ, cũng bằng những vỉ sắt PSP, theo kiểu khải hoàng môn. Kế đó là
công tác tô son trét phấn, trương cao những huy hiệu quân đội nhân dân
và câu nói bắt buộc phải có "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Tất cả ngần ấy công
tác mà chỉ bằng công tù và với phương tiện thu nhặt tại chỗ qua những gì
rơi rớt lại của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, bị phong trào "nhân dân làm
chủ" bỏ sót. Thậm chí cây búa đập đá cũng không có, cây cọ sơn màu cũng
không, tù cải tạo phải phát huy sáng kiến cá nhân mà xoay xở. Lao động
dưới nắng hè thiêu đốt, trong khi quần áo mang theo thì hạn chế, không
sao chịu đựng nổi với mồ hôi có nhiều khả năng phá hoại vải vóc. Túng
thì phải tính, tù cải tạo lục lạo những quân phục bị bỏ lại, đem giặt
giũ sạch sẽ để làm quần áo lao động, được đâu hay đó. Thậm chí những bao
đựng cát để xây hầm chiến đấu trước kia cũng được sử dụng làm vải che
thân. Dung nhan đoàn tù cải tạo đi lao động trông thật thảm thương và bi
đát, chẳng khác gì một nhóm bị gậy, mang chài, mang lưới, lếch tha lếch
thếch! Mỗi người một kiểu mũ đội, "tự biên, tự chế" tự tay mình may lấy,
miễn sao đầu được che nắng che mưa. Có những khoản cộng sản không dự
tính trước được trong kế hoạch đưa người chế độ cũ đi học tập cải tạo,
nay chạm trán với thực tế phũ phàng họ đành nhắm mắt làm ngơ, coi như
chẳng có gì xảy ra, vì có nhận diện được chỗ quái gở và trớ trêu, có
tính chất bêu xấu chế độ thì họ cũng chẳng làm sao giải quyết được. Làm
nhục kẻ thù là vũ khí của những người yếu thế, biết đâu chẳng là ẩn ý
của tù cải tạo.
ß
Căn cứ trên những
việc làm có vẻ như chẳng ăn nhập gì với đường hướng học tập cải tạo như
cổng chào, đập đá lót đường,... những tin đồn và dư luận thế này, thế nọ
đua nhau ra đời, theo một chiều hướng lạc quan, có lợi cho tập thể tù
cải tạo. Toàn là những suy luận xuất phát từ một cung cách suy luận chủ
quan, dựa theo một lời nói mơ hồ nào đó của một cán bộ cộng sản, dĩ
nhiên là trong tinh thần của một chiến dịch nhằm trấn an tù cải tạo để
ngăn ngừa những trường hợp trốn trại, khi vòng đai an toàn chưa có hình
thức của một hệ thống an ninh trại tù. Có người cho rằng sở dĩ trại cho
chuẩn bị cơ sở của trại như vậy là để tổ chức một "lễ mãn khóa" ngang
tầm với đẳng cấp trước kia của tù cải tạo. Dĩ nhiên, cũng theo lối suy
diễn này, là có sự chứng kiến của các phương tiện truyền thông để "nói
lên tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc" được ghi trong Hiệp Ðịnh Paris.
Một anh B Trưởng, tuổi khá cao, có uy tín, một thời là đổng lý văn phòng
bộ quốc phòng, thậm chí còn khuyên anh em tù cải tạo nên để ra một chiếc
áo sơ-mi tốt, và nếu được một chiếc cà-vạt thì càng hay, để mặc vào dịp
đó. Nhân dịp này, người ta mới biết được có một vài bộ âu phục dành cho
những trường hợp long trọng cũng đã được mang theo! Lạc quan quá mức,
những người tù cải tạo như vậy, cứ ngỡ rằng mình như sĩ quan cao cấp đi
học khóa Cao Ðẳng Quốc Phòng ngày trước. Chủ quan và nôn nóng về với gia
đình mà vô tình một số người đã làm con mồi cho trò lừa dối dư luận của
cộng sản lúc nào không hay. Nếu được đưa vào máy thăm dò dư luận thì tâm
tư tình cảm của tù cải tạo trong những ngày thuộc tuần lễ thứ ba trở đi
sẽ biểu hiện theo một tuyến tương tự như đường chân trời của núi đồi,
khi thì lên tuyệt đỉnh, lúc lại chìm xuống thung lũng sâu! Ðã bước vào
tuần lễ thứ tư của thời gian học tập cải tạo rồi, vậy mà trại mở đầu
công tác làm nhà ăn và kéo dây tải điện? Không tiện nói trắng ra, nhưng
anh em tù cải tạo đều bảo nhau rằng:"Cần quái gì những thứ này, ăn uống
có gì đâu mà phải nhà ăn lôi thôi, đứng góc nào ăn chả được. Ðốt đèn dầu
học thì đã sao." Trong khi việc học hành chánh thức chưa thấy có một chữ
nào hết thì tuần lễ thứ tư sắp kết thúc! Căn cứ theo bản thông cáo kêu
đi đăng ký học tập cải tạo của Ủy Ban Quân Quản Thành Phố với câu hỏa
mù:"... đem đồ đủ dùng trong một tháng", nay đã sắp bước sang tuần lễ
thứ năm mà diễn tiến như chừng không buồn đi ra lối thoát thì mọi suy
luận không còn thấy đâu là dữ kiện nữa. Thế là biểu đồ tinh thần của tù
cải tạo lao xuống như đường bay của một chiến đấu cơ phản lực bỗng dưng
tắt máy. Quả bong bóng lạc quan đã xì hơi, chẳng còn chiếc bơm nào đủ
sức thổi phồng nó lên được nữa!
Thế rồi một đêm đầu
tuần lễ thứ năm, những người mất ngủ bỗng dưng nghe thấy tín hiệu của hy
vọng. Họ đánh thức những người nằm cạnh và mùng này kế tiếp mùng kia lay
động, thế là cả B thức giấc. Rồi cả chín B cùng thao thức vì tiếng động
cơ của một đoàn xe khá nhiều chiếc đang tiến vào trại. Kẻng ngủ đã từ
lâu, cũng nửa đêm về sáng, thế nhưng gần như toàn bộ tập thể tù cải tạo
đã ngồi dậy, quây quần bàn tán nhỏ to trong bóng tối. Ánh đèn của đoàn
xe ửng sáng một góc trời của trại. Lại có yếu tố để bàn ra tán vào và
suy luận thế này thế kia:
- Họ sẽ đưa chúng
mình đi nơi khác?
- Lẽ nào? Vừa chuẩn
bị xong cơ ngơi mà.
- Thời hạn một tháng
đã trôi qua, chắc là họ trả chúng mình về thành phố.
- Hay là mấy ông
tướng về đây?
- ...
Bao nhiêu câu hỏi,
bao nhiêu suy luận nhưng sự thực vẫn mù mờ như bóng đêm ngoài kia để rồi
không biết có bao nhiêu người mất ngủ trong đêm vì những nghi vấn và
thắc mắc không lối thoát. Sáng ngày, vẫn kẻng thức thường lệ, vẫn chương
trình lao động bình thường trong cảnh ngỡ ngàng khi mà những sự kiện dự
đoán trong đêm qua không thấy xảy ra. Cho đến khi có người đột kích sang
khu trại kế cận mới biết rằng những chuyển động trong đêm vừa đưa một số
chiến hữu xưa kia đến trại. Như vậy số tù cải tạo ở trại thay vì giảm
nay lại gia tăng, đưa những giả thuyết và ước mơ vừa lạc quan tếu vừa
chủ quan cực đoan vào cõi hư ảo. Những ngày sau đó, sinh hoạt chuyển tù
vẫn tiếp tục. Thế là số lượng tù cải tạo ở trại Long Giao ngày một gia
tăng đến độ hầu như cấp bực nào của sĩ quan Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa
trước kia cũng có mặt. Vậy là hạn kỳ một tháng được hiểu qua suy diễn
không còn giá trị gì nữa, người ta tạm thời dời cột mốc thời gian tới
một chặn ngắn nữa, một khoảng cách khả dĩ chấp nhận được là 3 tháng. Khi
thất vọng và nôn nóng, người ta thường tìm cách tự dối mình, không muốn,
hay không dám thì đúng hơn, trực diện với thực tế và như vậy đương nhiên
để mình lọt bẫy của đối phương. Thực ra, cộng sản cũng không muốn gì
khác hơn là cứ để cho tù cải tạo sống trong ảo tưởng của một ngày kết
thúc học tập cải tạo chập chà chập chờn, miễn sao đừng có ai trốn trại.
Tuy vậy, cộng sản
vẫn dự tính đến những trường hợp đào thoát nên thường có những biện pháp
răn đe, dè chừng mà biến cố nổi nhứt là cuộc thực tập báo động. Tù cải
tạo được thông báo trước về cuộc thực tập đó và được chỉ thị về những
phản ứng phải thi hành. Vào ngày phát động, những hồi kẻng báo động vang
vội khu trại, nghe rợn người. Tất cả tù cải tạo không được ra khỏi nhà
ở. Bên ngoài hoang vắng như bãi tha ma. Ðầu này, đầu kia của khu trại,
một vài tiếng súng nổ đì đẹt như hỏi đáp lẫn nhau. Kế đó, một vài chiếc
xe tăng xuôi ngược trên những mạch đường chính của trại, thỉnh thoảng
ngừng lại ở một vài ngã đường chính yếu, quay vòng tháp súng như tìm
hướng tấn công. Một lối biểu dương lực lượng để hù dọa những người lính
của thời gãy súng. Một vài tiếng chó sủa tru như chừng bực mình với
những biến động quái gở.
Và thời gian cứ như
vậy trôi đi, trì trệ và nặng nề, xứng hợp với cảnh tượng của những toán
tù cải tạo uể oải, từng bước một lê đi lao động trên những nẻo đường đất
đỏ bùn lầy trơn trợt. Ðể xóa bớt hình ảnh tù đày, thỉnh thoảng có một
tối chiếu phim cho tổng trại,
được tổ chức với cung cách của một biến cố trọng đại. Chiều hôm đó, cơm
nước xong xuôi, tù cải tạo đang qua lại nhỏ to tâm tình chờ kẻng ngủ thì
chợt có những hồi tu huýt ra lịnh tập hợp. Các B Trưởng báo cáo nhân số
của bộ phận liên hệ xong, người bộ đội, quân phục chỉnh tề, sơ-mi dài
tay, đầu đội nón cối, ra lịnh cho tù cải tạo ngồi xuống. Một phương thức
để đề phòng những hành động bất ngờ không có lợi, vì đang ngồi mà tù
muốn làm điều gì thì có thể thấy ngay. Sau khi toán tù cải tạo đã ổn
định và im lặng ngồi chờ, người bộ đội lấy giọng công bố:
- Hôm nay, với sự
chiếu cố của trên, các anh sẽ được xem phim. Các anh phải tập trung kết
hợp nghe và nhìn để tiếp thu thật tốt. Trong quá trình xem phim, các anh
phải tuyệt đối giữ kỷ luật và im lặng. Mọi di chuyển và liên hệ linh
tinh đều bị nghiêm cấm. Muốn giải quyết vấn đề cá nhân khẩn trương, phải
có sự đồng ý của cán bộ phụ trách. Sau khi xem phim, mỗi anh phải viết
"bản thu hoạch" và liên hệ bản thân. Thời tiết đêm nay có khả năng mưa.
Có anh nào thắc mắc gì không và anh nào không đi xem phim thì cho biết.
Không một ai thắc
mắc mà cũng không ai dám tỏ ý muốn nằm nhà, mặc dù lòng mình không mấy
phấn khởi với chuyện đi xem chiếu bóng bắt buộc kia. Thế là, từ nhiều
ngả đổ về, từng B từng B theo hàng đôi kéo nhau đến địa điểm chiếu phim,
một vùng sân rộng trước kia là bãi đáp trực thăng. Một dịp tốt để bạn
bè, chiến hữu nhận diện nhau, trao đổi những cái vẫy tay, những ánh mắt,
những nụ cười gượng ép và buồn thương. Ðoàn tù cải tạo của tổng trại tụ
họp đã xong, đông trên ngàn người, nhưng bóng đêm vẫn chưa xuống nên
buổi chiếu không thể bắt đầu dù màn ảnh và máy chiếu phim đã sẵn sàng.
Bao quanh đoàn tù cải tạo ngồi trên sân đất là những người bộ đội súng
dài, AK cầm tay trong tư thế sẵn sàng bóp cò, nhả đạn nếu có những cử
động bất thường. Nội dung của buổi chiếu, bằng phim đen trắng, gồm có
một đoạn thời sự liên quan đến trường hợp của tướng Lý Tòng Bá bị cộng
sản bắt và một phim truyện "Tấm Cám" trình bày theo lối hát chèo miền
Bắc. Giữa buổi chiếu, trời lâm râm mưa. Trên màn ảnh, phim cứ tiếp tục,
đoàn tù cải tạo bắt đầu xôn xao, ngó quanh, ngó quẩn chờ hiệu lịnh để
rút lui, nhưng tứ phía đều án binh bất động. Thế là phải tìm cách đội áo
đi mưa hoặc che tấm Nylon mà ngồi xem phim dưới mưa. Nếu không có lời đe
dọa "viết bản thu hoạch xem phim" thì chắc là chẳng có ai buồn quan tâm
đến nội dung của phim. May mắn thay, trời mưa cũng thương tình đoàn tù
cải tạo nên chỉ lắc rắc qua loa rồi thôi. Buổi chiếu chấm dứt trong nỗi
niềm hân hoan nhẹ nhỏm của khán giả và đoàn tù cải tạo tỏa đi nhiều
hướng, kéo nhau ra về nơi chốn ăn nằm, âm thầm trong bóng đêm đen.
Ðêm đó, tù cải tạo
trằn trọc mãi, giấc ngủ không buồn đến khi mà ý nghĩ phải viết "bài thu
hoạch xem phim" vào sáng hôm sau cứ chập chờn trong đầu óc không thôi.
Như thuở ngày xưa thơ ấu, sau khi đọc truyện rồi phải nộp bài tường
trình cho thầy, cô. Thế nhưng, trong dĩ vãng điều trăn trở kia đâu thấy
đến? Mấy mươi năm qua, đi xem chiếu bóng là một hứng thú, một điều mong
muốn, nay cũng một thứ tiêu khiển nhưng sao cung cách thưởng thức lại vô
cùng xa lạ! Thì ra, cũng như cái đẹp, hứng thú chỉ xuất phát từ tâm tư
của chủ thể mà thôi.
Sáng hôm sau, thời
tiết chuyển mình theo trận mưa của cơn bão rớt. Thay vào những hồi kẻng
gọi tù đi lao động là 3 tiếng kẻng gọi các B Trưởng đi họp với cán bộ
khung để nhận hướng dẫn về cách làm bài thu hoạch xem phim. Thời gian
của tù ít khi là một khoảng trống không, ngoại trừ trong giấc ngủ, lúc
nào cũng bị tận dụng và khai thác vì, với kinh nghiệm tù đày bản thân,
các cán bộ cộng sản hiểu rất rõ ý nghĩa của câu "nhàn cư vi bất thiện".
Cũng vì những chế độ trước kia, dưới thời Pháp thuộc và chánh thể Việt
Nam Cộng Hòa, nhốt tù phiến cộng theo cung cách của Tây phương nên thời
gian giam cầm đã tạo cơ hội cho những đảng viên cộng sản trưởng thành
thêm về mặt ý thức hệ cũng như tình cảm đồng chí và những người có cảm
tình với cộng sản trở thành đảng viên. Ða số vốn là những người ít học
lên thế cầm quyền qua nhiều năm tuổi đảng, các cán bộ cộng sản rất coi
trọng những hoạt động trí óc nên việc học tập, như nghe giảng viên, thảo
luận ở tổ đội, làm bản thu hoạch, viết tờ kiểm thảo,... nói chung, những
sinh hoạt mà họ cho là cần phải "động não",
được dành cho một mức độ quan trọng khá cao. Trong khi đó, đối với những
con người thuộc xã hội tư bản, quá quen thuộc với việc nghe, đọc và
viết, sinh hoạt trí óc chỉ là việc tầm thường. Thế nhưng, ở đây tù cải
tạo cần phải thận trọng vì những gì họ viết ra sẽ là những yếu tố buộc
tội cá nhân họ, một loại thòng lọng cho chính mình. Vì vậy cho nên mặc
dầu đã được "chỉ đạo" để viết bản thu hoạch, đa số các bài viết đều nói
theo một chiều hướng chung chung, đại khái, như nhận định cô đào này
diễn xuất hay, ông kép nọ đóng phim hài hước một cách độc đáo, kỷ thuật
thu hình cao (dẫu cho thực tế không phải vậy),... và do đó đều không
được chấp nhận. Các bộ phụ trách các B phải đích thân sinh hoạt với từng
tổ đội tù cải tạo để phê bình và đòi hỏi những bài thu hoạch xem phim
khác, trong đó "các anh phải thấy cho được mối tương quan giữa xã hội cũ
và mới, sự cùng khổ của giai cấp thấp cổ bé miệng, tư cách ăn không ngồi
rồi và phụ mẫu chi dân của bọn hội tề, của lũ cường hào ác bá. Sau cùng,
mà cũng là quan trọng hơn hết, trong bản thu hoạch là phần liên hệ bản
thân của các anh". Ðấy, lần hồi tự do bắt đầu vỗ cánh bay đi, thậm chí
tư tưởng cũng được hướng dẫn, dĩ nhiên là bị gò ép đi theo chiều hướng
có lợi cho người quản lý tù cải tạo. Quả thật, một lần tiêu khiển xem
phim bằng mười lần ra trước vành móng ngựa! Thành thử ra sinh hoạt được
trại cho là để xóa bớt hình ảnh tù đày lại làm cho thân phận tù cải tạo
càng thêm nhiều phần bi đát.
Ngày một ngày hai, ý
niệm "khóa sinh học tập cải tạo" lần hồi lui vào góc đen tối của tiềm
thức, nhường chỗ cho những nhận thức về một thân phận tù đày với mối
quan tâm về thời gian mà độ dài tùy thuộc vào nhịp độ học tập, theo cách
suy nghĩ đơn giản của tù cải tạo. Nỗi thắc mắc về hạn kỳ đó được vơi đi
phần nào khi một số người, ăn mặc như bộ đội, đi quan sát nơi ăn chốn ở
của tù cải tạo, một diễn biến mới lạ kể từ khi nhập trại. Ðoàn người đó
đi từ buồng ở của B này sang buồng ở của B khác, qua nhà bếp, qua "trạm
xá",
qua hệ thống chuồng xí, trước thái độ ngỡ ngàng của tù cải tạo vì không
được giới thiệu mà cũng chẳng được báo trước. Như cung cách của người đi
xem sở thú thản nhiên đi qua những chuồng cọp, sư tử,... cười cười, nói
nói theo nội dung cá biệt của câu chuyện, không cần quan tâm đến đối
tượng trước mắt. Sau khi phái đoàn đi qua, mãi đến xế chiều mới nghe dư
luận cho biết rằng đó là đoàn cán bộ giảng viên từ trung ương về để bắt
đầu đợt học tập từ tuần lễ kế tiếp. Có bắt đầu thì có kết thúc, tù cải
tạo hy vọng rồi đây "khóa học" sẽ chấm dứt trong vòng đôi ba tháng như
ước mong, một điều mong ước khá bấp bênh.
Trong lúc tù cải tạo
đang ao ước được ra về với gia đình sau đợt học dài khoảng ba tháng thì
niềm hy vọng kia, chưa kịp hình thành, đã bị đánh tan với đợt chuyển
trại của một số đại tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ quân lao Cần
Thơ về Long Giao. Ðó là các cựu sĩ quan thuộc Vùng IV Chiến Thuật trước
kia, sau ngày 30 tháng 4 bị tạm giam giữ ở quân lao. Các anh được chuyển
về trại Long Giao để cùng học tập với tập thể đại tá cũ của Sài Gòn,
phần lớn đã trình diện tại Ðại Học Xá Minh Mạng. Bạn bè gặp lại trong
tình huống đau thương của đất nước và của riêng mình, tay bắt, mặt mừng
nhưng thiếu vắng nỗi vui nhộn của những ngày xa xưa, cách đó chưa đầy
hai tháng. Chuyện vui dĩ nhiên là không có nhưng điều phiền muộn lại
tăng phần tẻ nhạt của buổi tao ngộ, vì khi tường thuật, các anh ấy đã vô
tình kể lại cuộc tiễn đưa của cán bộ trại trưởng Cần Thơ, người đã hứa
hẹn sẽ gặp lại đoàn tù cải tạo Cần Thơ trong vòng ba năm sau. Yếu tố đó
của câu chuyện để cho người ta ngầm hiểu rằng thời gian học tập cải tạo
sẽ là ba năm, điều chẳng ai mong muốn vì trái với những sự ước tính chủ
quan. Dữ kiện Cần Thơ từ đó đã trở thành mầm móng của nhiều thắc mắc, lo
âu mà cũng là của nhiều mối hiềm khích vô căn cứ. Chẳng biết hạn kỳ học
tập cải tạo tưởng tượng một cách chủ quan kia đã diễn biến theo một cấp
số nào để rồi giày vò một số đông đáng kể tù cải tạo, khi người ta không
chịu chấp nhận thực tế khách quan.
ß
Trong bối cảnh như
vậy "ngày khai giảng" rồi cũng phải đến, dĩ nhiên không được đón tiếp
một cách nồng nhiệt. Nếu như đợt học tập cải tạo kia đã diễn ra trước đó
một tháng thì có lẽ tâm trạng của tù cải tạo có thể đã khác hơn, sẵn
sàng nhập học - vì nghĩ rằng học sớm sẽ được về sớm - và như vậy cung
cách bị lừa dối càng đậm đà hơn! Trước ngày mở đầu "đợt học tập tám
bài", cán bộ phụ trách các B đã sinh hoạt để quan trọng hóa đợt học tập
và đề cao thành tích của những cán bộ "giảng viên" từ miền Bắc dân chủ
cộng hòa vào. Không cần phải có những chỉ thị này nọ, nọ kia, hay những
lời đe dọa gián tiếp, tù cải tạo cũng đã sẵn sàng có một thái độ học tập
nghiêm chỉnh vì ai cũng tự cảm thấy đó là quyền lợi thiết thân của mình
vì có tính cách quyết định đối với thời gian học tập của bản thân.
"Giảng đường" là một
nhà kho rộng lớn trước kia của quân đội Hoa Kỳ, được công sức lao động
của tù cải tạo biến thành một "hội trường" chỉ còn có cái nóc, không có
vách bao quanh, bốn bề lộng gió. "Bục giảng viên" là một chiếc bàn con
đơn sơ, trần trụi, đàng sau là một chiếc ghế cây có dựa. Phía sau giảng
viên có một tấm bảng đen. Hai bên bục giảng người ta sắp sẵn hai hàng
ghế, dành cho cán bộ trại tham dự buổi giảng.
Sáng ngày vào đợt
học tập, từ những khu trại khác nhau của tổng trại các tù cải tạo xếp
hàng đôi kéo đến hội trường, tay cầm tập giấy, tay ôm ghế ngồi, đóng
bằng ba miếng ván theo kiểu ghế của các bà bán hàng rong trên đường phố
Sài Gòn trước kia. Từ ngày bắt đầu học tại hội trường, lịnh cấm "liên hệ
linh tinh" đương nhiên không còn hiệu lực nữa vì ở lớp, ngoài giờ nghe
giảng tù cải tạo gặp nhau thoải mái và tin đồn được tự do luân lưu, dĩ
nhiên là những tin tức bên trong vòng rào kẽm gai.
Theo từng khu trại,
từng B, các tù cải tạo ngồi xổm trên chiếc ghế con tự tay làm lấy, trên
hòn đá, trên khúc cây, trên lon Guigoz
và cùng lắm ngồi bệt dưới đất, dàn hàng ngang đối diện với bục giảng.
Tổng số tham dự cũng phải trên ngàn người, đủ loại sĩ quan cấp tá của
Sài Gòn trước kia, nhưng không thấy có nữ quân nhân, lúc bấy giờ có lẽ
đã được chuyển đi trại khác.
Giảng viên thuộc mẫu
người tiêu biểu của miền Bắc dân chủ cộng hòa, dáng gầy gầy, răng hơi
hô, ăn mặc tiêu chuẩn cộng sản với đồng phục bộ đội Hà Nội, thẳng nếp,
không ủi, áo để dài tay, chân đi dép nhựa màu nâu, dây thắt lưng nhựa
cũng màu nâu, khóa nịt sắt mạ kền, đầu đội nón cối cùng màu với quân
phục có huy hiệu nền đỏ sao vàng của quân đội nhân dân, và xề xệ ở mông
là một túi giả da màu nâu treo ở đầu dây mang choàng trên vai. Một cán
bộ, mà tù cải tạo chẳng cần phải biết là nhân vật như thế nào của trại,
vì chưa từng gặp mặt mà cũng chẳng ai giới thiệu, đứng ra nói đôi lời mở
đợt học tập, giới thiệu giảng viên và kết thúc bằng những tiếng vỗ tay
của chính ông và được cả hội trường làm theo. Như một cuộn băng ghi âm
được quay lại, giảng viên bắt đầu lên tiếng và tù cải tạo chăm chú lắng
nghe, ghi ghi, chép chép vì, theo lịch trình học tập, sau khi nghe giảng
ở hội trường sẽ có đợt thảo luận ở B liên quan đến đề tài và kết thúc
bằng một bài thu hoạch viết!
Từ vị thế của phe
chiến thắng, giảng viên có một cung cách tự hào, tự kiêu và tự đại trước
đối tượng, vốn là thành phần thua cuộc, lại ngồi xổm dưới đất. Tầm nhìn
của đối tượng dù có nhiều đến bao nhiêu và soi mói đến đâu đi nữa thì
cũng thấp hơn tầm mắt của giảng viên nên chẳng chút tác dụng. Ánh mắt và
lập luận của giảng viên không thể nào nói lên được cái giá trị của khối
lượng tri thức trong đương sự, theo tiêu chuẩn của xã hội tư bản. Lấy
những cái mà họ coi như là chân lý, xuất phát từ những ý kiến của Karl
Marx, Lénine và Hồ Chí Minh, giảng viên xây dựng bài nói của mình bằng
cách gò bó những dữ kiện lịch sử Việt Nam, uốn nắn những hiện tượng
chánh trị hiện đại và đương thời và bóp méo sự việc của sinh hoạt Việt
Nam vào cái mô hình chủ quan và giáo điều để đáp ứng cho bằng được nhu
cầu của bài giảng. Ông ta chứng minh chân lý của hiện tượng lịch sử bằng
lý luận xác quyết của những nhân vật đầu não cộng sản nói trên, một lối
chứng minh vô cùng mộc mạc thô sơ, áp đặt lên tư tưởng của tù cải tạo là
những con người có bổn phận thu nhận, như một băng từ ghi âm, mà không
thể và không nên thắc mắc. Có thể ngành chỉ đạo công tác cải tạo tư
tưởng "ngụy quân và ngụy quyền" ở Hà Nội đã coi nhẹ việc rao giảng những
bài học chánh trị loại này, xem như một công việc tiếp tế hiểu biết
chánh trị theo tiêu chuẩn cộng sản. Người ta đánh giá sai đối tượng,
hoặc giả người ta cho rằng đối tượng cũng không khác gì những giới chức
cao cấp của cộng sản, đều là hậu duệ mấy mươi đời của Ðinh Bộ Lĩnh, hoặc
là con cháu xa xôi của Thánh Giống, ở tư cách chăn trâu. Bài giảng như
vậy có thể là hay nếu dành cho những đối tượng thuộc hàng cán bộ trung
kiên của đảng cộng sản, ba đời bần cố nông hoặc mấy thế hệ công nhân,
quen chấp nhận những gì của Ðảng như một loại "chân lý, trước sau như
một". Thế nhưng, ở đây đối tượng là những con người của một xã hội tư
bản, quen tiếp nhận tri thức đa nguyên, quen lý luận và thích tự do tư
tưởng, dù là cấp tướng hay binh nhì. Tuy nhiên, giờ đây tình hình đất
nước đã đưa họ vào cảnh "thời thế thế, thế thì phải thế" nên họ cứ im
lặng và tỉnh bơ ngồi đó, nghe hay không nghe đố ai biết được. Nghĩ rằng
"im lặng là đồng ý", giảng viên càng lúc càng hăng say phát biểu, rao
giảng thao thao bất tuyệt, với một giọng điệu kẻ cả, mục hạ vô nhân. Như
người phát ngôn cho chính sách và đường lối "khoan hồng và nhân đạo của
Ðảng và Nhà Nước", cán bộ giảng viên cứ luôn miệng rêu rao thành ngữ mà
dường như họ rất tâm đắc là "Ðánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại".
Trong khi đó tù cải tạo ngồi dưới đất thấp lại mỉa mai nghĩ rằng:"Những
người đã di tản rồi thì sức mấy mà đánh!" Thế nhưng, qua nét mặt của
giảng viên, hình như họ đang có một nỗi tự hào về nội dung và cung cách
giảng dạy của họ. Mà không tự hào sao được khi mà lúc kết của buổi giảng
nào cũng được đánh dấu bằng những tràng pháo tay vang vội hội trường?
Nhưng ý nghĩa của những bàn tay tù cải tạo vỗ vào nhau kia không phải
đơn sơ giản dị và chân tình vì nó biểu hiện cho một nỗi vui mừng của
những con người thoát nạn nghe chưởi đầy tai và sắp có được bữa ăn vỗ về
bao tử.
Buổi đầu vào trại,
mối quan tâm chánh của tù cải tạo là mong chóng được "học hành" để sớm
trở về với gia đình lo liệu cho cuộc sống hậu chiến. Giờ đây, ngay sau
buổi học đầu tiên đã bắt đầu thấy ngao ngán! Ði học là để thu nhận kiến
thức, luyện tập kỹ năng, biết những điều hay việc mới chớ đâu phải để
tiếp nhận những lối giải thích ngụy biện, chủ quan và lệch lạc cố tình
về những sự kiện của đời người và của lịch sử mà độ dày thời gian đã
từng xác nhận là chân lý. Thì ra, chân lý bên này vĩ tuyến không giống
với chân lý bên kia vĩ tuyến. Bài học không thể là những luận điệu tuyên
truyền rẻ tiền, quả quyết lấy được để rồi bắt buộc người khác phải tin.
Người ta muốn rằng những giải thích về chánh trị của họ phải được chấp
nhận như những sự kiện của Thánh Kinh, dù có cường điệu nhưng phải hiểu
là chân lý. Thế nhưng, đâu phải chỉ giản dị có như vậy vì còn có những
đoạn văn mạt sát đối tượng trước mặt, vốn có tai nhưng giả điếc và có
miệng đành phải câm. Những đoạn văn mà người loan phát cứ nhai đi nhai
lại một cách hào hứng, như ca sĩ trình bày một điệp khúc vừa ý. Trong
bối cảnh như vậy, cung cách xử sự hay nhứt của tù cải tạo là để tâm tư
mình chấp cánh bay đi ngàn trùng vạn lý, về với quê hương, với gia đình,
với những kỷ niệm thời xa xưa, ... về một cõi nào đó hoàn toàn xa lạ với
ý thức hệ của người giảng viên trước mặt. Trước tình hình đó, thành ngữ
tưởng như đùa ngày xưa của báo chí Sài Gòn:"Nói chuyện với đầu gối" bỗng
trở thành hiện thực và có một công dụng vô cùng to lớn.
Qua một giờ
đầu "lên lớp" của giảng viên, tù cải tạo nhận ra rằng không cần phải ghi
chép những lời "vàng ngọc" của giảng viên làm gì nữa mà chỉ cần ghi
những thành ngữ và những từ đặc biệt lạ tai của họ cũng có thể thảo luận
và viết bài thu hoạch được nếu biết cách "nói như vẹm" và cường điệu một
cách vô tội vạ cũng như không cần biết ngượng. Phải "nắm cho được" thuật
sử dụng nhiều tĩnh từ quanh một danh từ, phải thổi phồng và đề cao thắng
lợi cũng như thành tích của cộng sản. Ngược lại, điều hay nhứt đối với
tù cải tạo là phải trầm trọng hóa những sai lầm và thất bại - giả tưởng
cũng được - của "chế độ tư bản, của đế quốc và của bọn tay sai, bù nhìn,
bán nước". Giờ lên lớp của tù cải tạo là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng
gay go, một cuộc đối đầu nặng tính chiến tranh chánh trị giữa ta và địch
khá mãnh liệt, qua đó một thất bại nhỏ của chính mình có thể dẫn đến
những hậu quả đau thương cho cả một quãng đời còn lại. Trong những giờ
phút đó phải làm thế nào để tâm tư mình có thể tách rời thân xác, tạm cư
ở một nơi nào càng xa cách càng hay. Nghĩ thì dễ mà thực hiện được quả
là gay go vì điều đó đòi hỏi một quyết tâm cao độ và cũng là một cuộc
thử thách vô cùng quyết liệt. Trong ý đồ cải tạo ngụy quân và ngụy
quyền, cộng sản đã đặt công tác này ở một mức độ cao, coi đó như là một
cuộc đấu tranh tư tưởng mà phần thắng dĩ nhiên phải thuộc về ý thức hệ
cộng sản, hoặc mỹ miều hơn, theo cách nói của họ là "hệ tư tưởng xã hội
chủ nghĩa". Vì vậy cho nên cái khối chận đường trong thử thách đối với
tù cải tạo gần như là tảng đá nặng ngàn cân làm nghẽn lối đi trên quãng
đường đèo cheo leo hiểm trở.
Giả ngơ, giả điếc
theo kiểu nín thở qua cầu trong giờ nghe giảng ở hội trường tương đối
cũng dễ vì một giảng viên trước hàng ngàn thính giả thì tài nào biết
được ai chăm chú, ai lo ra. Khó khăn hơn là ở những phiên thảo luận
trong B, có sự "chủ trì" của cán bộ phụ trách. Tất cả thành viên của B
ngồi bẹp trên chiếu ngủ trải dưới đất, quay thành vòng tròn để bàn rộng
tán dài về đề tài đã được giảng ở hội trường. Ðứng trên quan điểm của tù
cải tạo thì nội dung của đề tài chẳng có gì phải thêu dệt hay tô điểm
thêm hoa lá cành, thế nhưng, theo nội dung của cải tạo tư tưởng thì tù
cải tạo phải "đào sâu suy nghĩ để thấy cho được" căn bản của vấn đề.
Người ta nghĩ rằng qua thảo luận với phương thức nói tới nói lui, lăn
qua trở lại, vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết thì rồi ra những gì họ
mong muốn sẽ đi vào tiềm thức của tù cải tạo. Họ muốn coi tâm não của tù
cải tạo như là một thứ ký ức của máy điện toán, cứ đưa dữ kiện mới vào,
bất chấp giá trị của dữ kiện, để xóa đi những dữ kiện trước kia. Và chắc
ăn hơn hết là nên đưa vào càng nhiều lần càng tốt và với những sự kiện
cụ thể càng chứng minh được càng hay. Những điều cụ thể, đơn sơ, không
làm nổi bật tính tàn bạo, nét xấu xa, cái tệ hại,... của thể chế chánh
trị trước kia đều không được cán bộ chủ trì chấp nhận. Như vậy, vô tình
và đương nhiên người cán bộ đó dồn tù cải tạo vào thế tiến thoái lưỡng
nan, ở chân tường, để rồi phải đặt điều nói dối. Thế nhưng, chính những
điều dối trá, ngụy tạo và lắm lúc thổi phồng kia lại đẹp lòng kẻ chủ
trì. Như vậy, phiên thảo luận được cho là "phong phú và đạt mức độ yêu
cầu"! Qua những phiên thảo luận như vậy, lắm lúc tù cải tạo cảm thấy
rằng mình chẳng còn là mình nữa mà là một con người nào đó xa lạ với
chính mình. Cũng giống như kẻ say rượu, chỉ có rượu nói chớ chẳng phải
mình nói. Xuyên qua quá trình thảo luận tổ đội, lần hồi tù cải tạo cảm
thấy cá nhân khởi sự sống trong một bối cảnh xa lạ, chưa từng trải qua
trong quá khứ. Ðó là hiện tượng đóng kịch trong sinh hoạt hàng ngày.
Vậy mà cũng có một
số người trúng kế đối phương hoặc giả đóng kịch một cách cường điệu, vì
muốn thỏa mãn yêu cầu cải tạo tư tưởng vượt chỉ tiêu để có điều kiện
được trả tự do sớm, biến những hành động của quá khứ, vốn được coi như
là những điều đương nhiên và cơ hữu của nghĩa vụ thành những "hành vi
tội ác với đất nước, với nhân dân"! Những lời tự thú ngụy tạo đó được
người cán bộ chủ trì tiếp nhận một cách lạnh lùng, không phản đối mà
cũng không tán thành, nhưng được những người cùng cảnh ngộ tiếp nhận với
nhiều sửng sờ và cay đắng! Thậm chí còn có những giọt nước mắt - cá sấu
hay chân thành, thực ra cũng khó mà hiểu được - để nói lên nỗi niềm hối
hận của chủ thể đối với những "hành vi xấu xa, tội ác" của chính mình
trong quá khứ, lúc mà những công tác như vậy được coi như là để "chống
cộng, bảo vệ quê hương và giữ vững thành trì dân chủ". Có người còn đẩy
mạnh mức độ lột xác của mình hơn nữa bằng cách tự cho rằng bản thân mình
với chức vụ xưa cũ đã "chết rồi", nay chỉ còn là một cá nhân bản thể mà
thôi, một bản thể sẵn sàng tiếp nhận những cái mới lạ của chế độ vừa lên
phiên! Trận chiến tranh chánh trị nội tâm diễn ra gay gắt nhứt ở những
phiên thảo luận như vậy, là những lúc mà người tù cải tạo nghĩ rằng sẽ
được cán bộ chủ trì phê điểm cho mình qua những điều tự thú và tự buộc
tội. Trên thực tế, đó mới chỉ là những bước đi chập chửng mà những con
người của thế giới tự do được cán bộ chủ trì dẫn dắt để đi vào cõi huyền
hoặc của ý thức hệ cộng sản.
Thảo luận là trao
đổi ý kiến, có phân tích lý lẽ về một vấn đề, nhưng ở đây nội dung của
thảo luận đã được biến chế, lèo lái để thỏa mãn một mục đích và một yêu
cầu nhứt định. Cuộc thảo luận như vậy, dù muốn dù không, cũng đã cung
cấp cho tù cải tạo trong B nhiều hình ảnh, nhiều dữ kiện khác nhau liên
hệ đến đề tài đã được diễn giảng. Qua thảo luận có hướng dẫn như vậy,
người tù cải tạo nhanh trí sẽ hiểu được rằng phía chủ trương tẩy não
"ngụy quân, ngụy quyền" muốn đạt được những kết quả ra sao. Họ muốn
chính tay những người tù cải tạo phải viết ra những điều đó trong cái
gọi là "bài thu hoạch viết", một loại hình sinh hoạt mà những con người
coi trọng lao động chân tay đã đưa lên một vị trí quan trọng. Nhưng đối
với tù cải tạo, bài thu hoạch viết kia lại có một mức độ nguy hiểm vì nó
sẽ là một bản kết tội "tự biên, tự diễn" cho chính bản thân. Những đợt
viết bài thu hoạch rất được trại trân trọng dành cho nhiều thời gian và
dành cho nhiều thuận lợi. Mục đích là để cho tù cải tạo có điều kiện tốt
để viết ra những bản án cộng sản mong muốn. Một bản thu hoạch tốt đem
lại hai lợi điểm cho ban chỉ đạo học tập, vừa có một bản luận tội có giá
trị, vì do chính bị can "thật thà khai báo", vừa được lãnh đạo của họ
đánh giá cao, vì đã cải tạo thành công. Tuy nhiên, đối với tù cải tạo,
những ngày bóp trán để viết bản thu hoạch cũng khá gian nan dù trong số
đó có những người đã từng viết luận án này nọ. Nhưng ở đây quả thật là
cả một công trình viết và lách, phải viết thế nào cho trại chấp nhận mà
không đưa cổ cho họ cứa, không biến bài thu hoạch của mình thành bản cáo
trạng cho chính mình.
Cho nên những dữ
kiện và thành tố về ý thức hệ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa không phải
là những điều làm cho tù cải tạo phải ray rứt nhiều nhứt mà chính là
cung cách đối đầu lại thái độ cưỡng ép kết tội của cộng sản. Ðối với họ,
nhứt định "ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn phải có nợ máu với nhân dân và
tổ quốc", bất cần biết trước kia phục vụ ở phương vị nào. Không phải chỉ
có người quân nhân chiến trường trực diện với cộng sản mới là nhiều tội
mà người lính văn phòng, người bác sĩ quân y, linh mục, mục sư, thượng
tọa hay đại đức tuyên úy và thậm chí anh lính kiểng cũng có tội không
kém. Cứ đứng bên kia chiến tuyến đối đầu với cộng sản là có tội. Trước
một vành móng ngựa kiểu đó, người ta nhứt định sẽ hoài công nếu muốn tìm
cách chống chế chạy tội vì đương nhiên đã nắm phần thua. Phương thức hay
nhứt là chấp nhận tiến hành một vở hài kịch với cộng sản, nhưng đừng để
cho cá nhân mình phải gánh chịu khía cạnh bi đát của cái cười đó. Một
người tù cải tạo "yếu bóng vía", ngây thơ và cả tin rất dễ rơi vào cạm
bẫy học tập cải tạo của cộng sản để rồi vỡ mộng một cách thảm thương.
Thế nhưng, không phải là không có những người như vậy khi mà trong quá
khứ họ đã quen sống trong một bối cảnh thật thà chơn chất, ăn ngay nói
thẳng, cứ muốn coi cuộc đời như một tấm gương soi mặt nên chủ trương
rằng chân thành với gương thì sẽ có được một hình ảnh chân thành. Rất
tiếc, cộng sản không phải là một tấm gương trung thực mà lại là một loại
gương biến hình!
Kết quả của đợt học
tập tám bài ở trại Long Giao có một giá trị đại khái vì nhứt định là số
người chủ quan, dễ dãi chấp nhận trò chơi ma giáo của cộng sản cũng
chẳng được mấy phần trăm. Thế nhưng cộng sản tin rằng với thời gian họ
sẽ đạt được mục đích yêu cầu, trong khi "ngụy quân, ngụy quyền" hay chủ
quan và nôn nóng. Lối nghĩ và cách làm của những con người thuộc thế
giới tự do lúc nào cũng nhìn về hướng "ánh sáng ở cuối đường hầm", nghĩa
là cho rằng kết quả đang ở trong tầm tay dù cho nó đang chập chờn, lãng
đãng, có khi lùi xa, trong khi lối suy tư và hành động của cộng sản cứ
triền miên trong bóng tối khi mà họ đã quen sinh hoạt dưới địa đạo và
trong vòng bí mật. Nhận định và phê bình của các cán bộ chủ trì cho thấy
rằng họ chưa hài lòng với một số lớn bài thu hoạch viết kết thúc đợt học
tập đầu tiên đó, nhưng vốn chủ động về thời gian cải tạo "ngụy quân,
ngụy quyền" nên họ cũng không cần đòi hỏi gì thêm nữa. Quả vậy, không
như tù cải tạo nghĩ, đợt học tập đâu phải đến đó là chấm dứt.
Một buổi chiều hạ
tuần tháng 10 năm 1975, cơm nước xong xuôi thì có lịnh tập hợp toàn
trại. Một cán bộ khung cho biết:
- Các anh sẽ được
chuyển đến Hóc Môn để được thuận lợi hơn trong việc học tập...
Rồi cũng những điều
dặn dò về kỷ luật và an toàn trong lúc di chuyển. Ngay sau đó là phải
thu xếp hành trang cho gọn nhẹ để lên xe "hành quân" đêm. Màn di chuyển
vòng vo lại tái diễn và một lần nữa tù cải tạo lại bị gạt, thay vì đi
Hóc Môn, họ được đưa vào một trại tập trung có những vòng rào kẽm gai
nghiêm ngặt hơn, một trại giam thực sự. Dáng dấp "khóa sinh học tập cải
tạo" lần hồi tan biến, giờ đây đã thật sự mất dạng để cho tù cải tạo cụ
thể nhận ra rằng thân phận tù đày là đây. Sau bốn tháng "học tập" tưởng
rằng đã tiến bộ để được trở về với gia đình và phường khóm, như giảng
viên thường nói, nào ngờ đâu càng "học tập" càng trở thành tội phạm sâu
đậm hơn. Càng chủ quan càng bị cộng sản lừa dối vì cộng sản có lối suy
nghĩ chẳng giống ai, tất nhiên tù cải tạo làm sao mà hiểu được hết ẩn ý
thâm độc của họ. Qua được một bước đổi đời, nhưng cuộc đấu tranh với
cộng sản chỉ vừa mới qua được trận thử lửa đầu tiên.
------------------------
Ghi chú :
|