
CHƯƠNG BỐN
Rất bất bình với trường hợp đi vào bí mật của ông Phụ Tá Hồ Viết
Mai, ban chỉ đạo Quốc Tiến triệu tập một phiên họp khẩn cấp để thảo
luận về vấn đề đó và bài tỏ thái độ của đảng. Một lần nữa, ban chỉ
đạo có thơ riêng, đặc biệt khẩn khoản yêu cầu Tổng Thống Nguyên đến
dự. Nhưng, cũng như những lần trước kia, lời yêu cầu của ban chỉ đạo
không được đáp ứng. Tổng Thống không đến họp mà cũng không báo trước
và cũng chẳng cần cho biết lý do. Lý lẽ đơn độc và chủ đạo mà ông
Nguyên dựa vào để không đến dự là ông làm Tổng Thống cho mọi người
chớ không phải lệ thuộc vào Quốc Tiến. Cho nên, đến ngày họp, người
ta chờ mãi không được đành khai mạc phiên họp trễ gần hai tiếng đồng
hồ.
Thái độ đó của Tổng Thống Nguyên đã làm cho bầu không khí của buổi
họp càng lúc càng gia tăng mức độ chống đối và càng lúc chiều hướng
thảo luận càng thêm mất cảm tình đối với Tổng Thống. Bao nhiêu người
lên diễn đàn là bấy nhiêu trường hợp cụ thể cho thấy thái độ khinh
thường của Tổng Thống Nguyên đối với Quốc Tiến, cái nôi cho sự
nghiệp chánh trị của Tổng Thống. Sau một ngày thảo luận, ban chỉ đạo
biểu quyết là nên gửi lên Tổng Thống Nguyên một bức tâm thư cuối
cùng.
"Sài Gòn, ngày ... tháng ... năm ...
"Kính thưa chánh hữu Tổng Thống,
"Cho tới giờ phút này, mặc dù sau hai biến cố quan trọng có liên hệ
đến Quốc Tiến, việc Tổng Thống bổ nhiệm Thủ Tướng Trần Huyền Thanh
không tham khảo đảng và việc Tổng Thống để cho ông Phụ Tá Hồ Viết
Mai bị truy bắt về tội liên lạc với Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam, mặc
dù có sự ủy nhiệm của Tổng Thống, Quốc Tiến vẫn còn coi chánh hữu là
một đảng viên, tuy sai quấy nhưng còn điều chỉnh được. Ở thời điểm
một nữa nhiệm kỳ tổng thống, xin chánh hữu hãy bình tâm nhìn lại
trên hành trình đã qua xem Quốc Tiến đã làm được những gì cho dân
tộc và quê hương.
"Trước kia, trên cương vị một đảng đối lập, chúng ta đã có những
nhận định chánh trị bén nhọn khiến cho các chánh phủ đương thời phải
kiêng nể, dù là chánh quyền độc tài gia đình trị hay chánh phủ quân
nhân sắt thép, và được quần chúng nhơn dân thương mến. Nhờ vậy mà
liên danh Quốc Tiến đã thắng vẻ vang trong kỳ bầu cử đầy tánh dân
chủ vừa qua. Ðược như thế là nhờ Quốc Tiến chúng ta biết đoàn kết,
biết yêu thương nhau trong tình chánh hữu, mỗi người vì mọi người và
mọi người vì mỗi người, và biết tiếp nhận những khuyến cáo từ mọi
nơi đến với chúng ta.
"Từ khi chánh hữu lên làm Tổng Thống đến nay tinh thần đoàn kết
trong Quốc Tiến đả có nhiều khâu trở nên lỏng lẻo, yếu kém đi. Chúng
ta đã biết đoàn kết trong khó khăn gian khổ thì hôm nay tại sao lại
thiếu đoàn kết khi đảng có chánh quyền trong tay?
"Phiên họp ngày hôm nay của ban chỉ đạo nhận định rằng từ khi nhậm
chức đến nay, vì một áp lực thầm kín và được sự bao che bí mật nào
đó, chánh hữu đã khinh thường những lời nói của Quốc Tiến. Sau bao
nhiêu cố gắng không thành của đảng để đem chánh hữu trở về với lương
tri của người đảng viên Quốc Tiến, một chánh đảng đã đưa chánh hữu
lên ngôi vị cao cả của đất nước hôm nay, ban chỉ đạo, một lần nữa và
cũng là lần cuối cùng, kêu gọi chánh hữu hãy tỉnh ngộ để lèo lái con
thuyền quốc gia và cứu vớt thanh danh của Quốc Tiến.
"Quốc Tiến xin trân trọng dành cho chánh hữu cơ hội cuối cùng này để
xét lại hành động của mình, trước khi đảng bị bắt buộc phải chính
thức và công khai có biện pháp đối với một đảng viên không thức
thời.
"Thân hữu kính chào và rất hy vọng chánh hữu Tổng Thống sẽ hồi tâm
vì quyền lợi tối thượng của đất nước và vì phẩm chất của Quốc Tiến."
(Toàn thể ban chỉ đạo đồng
ký)
Ðọc qua một lần thư khuyến cáo đó, Tổng Thống Nguyên đã thấy nóng
mặt. Khi nhìn vào những chữ ký ở cuối thư có chữ ký của Trần Việt,
ông phó của ông, Tổng Thống không còn nén được cơn giận nữa. Sẵn cục
thủy tinh dằn giấy trong tầm tay, Tổng Thống ném mạnh vào chân tường
trước mặt làm cho sĩ quan tùy viên phải chạy vào nhưng vội lui ra
ngay khi thấy Tổng Thống khoát tay. Ông Nguyên nghĩ rằng khuyến cáo
thư này là sản phẩm của người chánh hữu thù nghịch với ông từ lúc
chuẩn bị ứng cử Tổng Thống. Tuy nhiên, khi cơn giận đã nguôi ngoai
thì Tổng Thống cũng có vẻ đăm chiêu.
Nhưng, nghĩ đi rồi nghĩ lại, Quốc Tiến có khai trừ thì ông mất gì?
Không mất gì cả khi ông đã có quyền hành trong tay. Trái lại, giờ
đây ôm lấy sự ủng hộ của Mỹ thì sự tồn tại trên uy quyền của đất
nước này là điều bảo đảm cho ông. Cái gương của những lãnh tụ biết
nghe khuyến cáo của Huê Kỳ lại đến với ông. Họ đã tồn tại trên chính
trường của đất nước họ. Nếu chẳng may phải rời khỏi quyền bính thì
Mỹ cũng chuẩn bị cho con đường rút lui.
Nửa đường của một nhiệm kỳ, Quốc Tiến đã giúp cho ông được những gì
mà bây giờ đảng lại phiền trách ông? Lưu nhiệm tướng Thái với sự
đồng ý của đảng, ông chỉ mang lấy phiền muộn. Nghe theo ông Phụ Tá
Hồ Viết Mai, người của đảng, liên lạc với bên kia thì cũng chỉ là
thất bại lại còn lôi thôi với Mỹ! Trái lại, dung hòa được đòi hỏi
của Mỹ và ý muốn của riêng ông, như vụ đưa Trần Huyền Thanh lên làm
Thủ Tướng, thì ông được yên thân để từ từ mà thâu lượm thành quả.
Tại sao ông lại phải khước từ lời khuyên của Mỹ, một nước dám đưa
người và của vào Việt Nam? Dựa vào một thế lực như thế và biết dung
hòa khôn khéo để củng cố uy quyền chánh trị trong nửa nhiệm kỳ còn
lại thì làm gì mà ông không đắc cử Tổng Thống một lần nữa? Bấy giờ,
ông sẽ rộng tay quyền thế và dù cho Quốc Tiến có muốn đối lập với
ông đi nữa thì cũng chẳng làm gì được ông. Cuộc chia ly nào cũng có
một đôi chút đớn đau. Cuộc chia tay của Tổng Thống Nguyên với Quốc
Tiến không tránh khỏi chuyện thường tình đó. Nhưng, người đi bao giờ
cũng dễ quên niềm đau xót chia phôi hơn người ở lại vì trước mặt
người đi là cả một vùng trời đầy hứa hẹn.
Tin Tổng Thống Nguyên bị loại trừ khỏi Quốc Tiến, tuy không được
chánh đảng này loan báo, nhưng giới chánh trị của Sài Gòn đều hay
biết. Người có phản ứng trước tiên là Đại Sứ Huê Kỳ tại Việt Nam.
Trường hợp này đã được ông Đại Sứ đem ra thảo luận với Tổng Thống
Nguyên nhân một lần hội kiến tại Dinh Ðộc Lập:
- Chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên, khó chịu và rất tiếc khi thấy
Quốc Tiến phủ nhận Tổng Thống!
- Chuyện đó có gì quan trọng đâu, ông Đại Sứ? Ông Đại Sứ không
cần phải lo nghĩ nhiều. Ở tư thế Tổng Thống, tôi không muốn và không
thể là người của một chánh đảng nữa. Tôi thuộc về toàn dân.
- Dù sao cũng là một chuyện đáng tiếc. Ngồi ở ghế chánh quyền mà
có hậu thuẫn của một chánh đảng vẫn quý hơn là mồ côi chánh trị.
Tổng Thống không thấy Tổng Thống nước tôi sao?
- Ðành là như thế. Nhưng, là một người yêu nước, tôi phải biết và
phải có can đảm hy sinh một lợi ích nhỏ, mang tính cá nhân, cho đại
cuộc.
- Một hành động ngoạn mục! Nhưng, tôi chỉ e ngại là hành động như
thế, Tổng Thống làm cho các chánh đảng khác sẽ hoài nghi Tổng Thống.
Quốc Tiến đã từng gầy dựng sự nghiệp chánh trị cho Tổng Thống mà
Tổng Thống còn đối xử như vậy thì số phận của những chánh đảng khác
sẽ như thế nào đây?
- Ông Đại Sứ lại đứng trên cương vị của một người Huê Kỳ mà nhìn
vào chánh trị Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi nữa rồi! Ông Đại Sứ chắc
còn nhớ. Tôi thường cho ông Đại Sứ biết rằng chánh đảng ở Việt Nam
này không là gì hết. Chỉ là một sự tập hợp của một nhóm người gọi là
lãnh tụ của đảng đó mà thôi. Còn đảng viên thì chỉ là những người
dân ngây thơ bị dụ dỗ bằng những miếng mồi lợi lộc hay điều kiện
sinh sống qua một nước sơn hào nhoáng mà mấy ông cổ động viên tô vẽ
nên. Nhưng, buồn thay, mấy ông tự cho là lãnh tụ kia lại là những kẻ
rộng miệng to tiếng hơn ai hết! Và, chính cái thiểu số ồn ào đó lại
được người ngoài chú ý tới, nhất là những người đã mang một truyền
thống dân chủ trong huyết quản, như người Tây phương, người Mỹ các
ông chẳng hạn.
- Tổng thống lại có một hình ảnh không mấy đẹp về chánh trị Việt
Nam Cộng Hòa này rồi! Dân gian thường nói "giận quá mất khôn" kể
cũng đúng. Chúng tôi thì thấy rằng từ 1954 đến nay, Việt Nam Cộng
Hòa đã có nhiều nỗ lực để tiến đến một chân trời dân chủ tốt đẹp.
Nhưng, tiến trình chánh trị này đã bị nhiều cuộc chánh biến làm lu
mờ đi, nhất là thời kỳ chánh quyền quân nhân của mấy ông tướng học
làm chánh trị! Ngày nay, sau cuộc bầu cử vừa qua và với một nhân vật
chánh trị ngồi ghế chánh quyền, ai ai cũng tin tưởng rằng dân chủ sẽ
lớn mạnh ở đây. Như vậy mới đương đầu lại cộng sản miền Bắc một cách
thắng lợi được.
- Ðó là một điều lý tưởng, ai lại không mong muốn, ông Đại Sứ?
Nhưng, điều kiện cho một lý tưởng như vậy chưa có thì làm sao mà đạt
được lý tưởng đó? Cũng như khi nuôi nấng con cái trong nhà, ai cũng
muốn cho chúng sớm thành nhơn. Nhưng, khi chúng chưa đủ sức làm
người thì ai có can đảm phó thác tất cả cho chúng? Dân chủ ở đây
cũng thế thôi. Người dân Việt Nam chưa đủ trưởng thành để sống thật
dân chủ. Họ cần được hướng dẫn thêm nữa. Ông Đại Sứ thấy không?
Chính thể nào cũng vậy, từ thế giới da trắng sang vũ trụ da vàng hay
da đen nó đều biến đổi, tùy theo phong tục tập quán.
- Tôi nghĩ dân tộc Việt Nam đã được hướng dẫn khá đầy đủ trên
hành trình dân chủ.
- Ðược hướng dẫn là một chuyện. Có đủ sức để đi một mình hay
không lại là chuyện khác.
- Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam Cộng Hòa này ngày nay đã thừa sức
tự lập trên bước đi chánh trị nên Huê Kỳ đang chuẩn bị trao trả
trọng trách lại cho Ðệ Nhị Cộng Hòa trong một ngày không xa nữa.
Phương thức giao hoàn quyền bính sẽ được thảo luận tại hội nghị
thượng đỉnh sắp tới tại Wake, giữa Tổng Thống nước tôi và cá nhơn
Tổng Thống. Hôm nay, mục đích của tôi đến gặp Tổng Thống là để đạt
lời mời của tòa Bạch Ốc lên Tổng Thống. Nhân dịp này, tôi được biết
thêm một quan niệm khá độc đáo của Tổng Thống về chánh trị theo màu
da. Nhờ vậy mà tôi được hiểu thêm về Tổng Thống, điều mà tôi sẽ
không quên trình lên Tổng Thống nước tôi, trong tinh thần của hội
nghị thượng đỉnh sắp tới.
* * *
Tin mở hội nghị thượng đỉnh Việt-Mỹ ở Wake làm cho mọi phương tiện
truyền thông và mọi giới chánh trị Sài Gòn xôn xao khá nhiều. Người
ta cho rằng rồi đây sẽ có một quyết định chánh trị quan trọng liên
hệ đến Việt Nam. Với viễn ảnh tái ứng cử của Tổng Thống Huê Kỳ đương
nhiệm, người quan sát chánh trị Việt Nam Cộng Hòa cho rằng kỳ này Mỹ
sẽ có một quyết định gây chấn động mạnh. Trước là để trấn an dư luận
chống đối chiến tranh Việt Nam tại Huê Kỳ. Sau đó là xoa dịu đối
phương để cho công cuộc giải kết toàn diện của Mỹ không tạo ra một
kẻ hở quan trọng trên tuyến be bờ cộng sản ở Ðông Nam Á, mà điểm
then chốt là chiến trường Việt Nam. Như thế, Tổng Thống tại chức của
Mỹ sẽ có nhiều hy vọng hốt phiếu để thắng cử cho nhiệm kỳ hai của
ông. Thế nhưng, với hai nguyên nhân đó thì sự giải kết của Mỹ sẽ là
một thiệt thòi lớn lao cho Việt Nam Cộng Hòa.
Tình hình của Việt Nam đang tới một khúc quanh nguy hiểm, vậy mà
Tổng Thống Nguyên ở chức vụ đã một nửa nhiệm kỳ rồi nhưng chưa tạo
được một thế chánh trị nào đáng kể hết. Ông cứ phải xoay quanh những
hành động đền ơn đáp nghĩa, củng cố tư thế, triệt tiêu đầu này,
chống phá ngả kia để rồi chẳng làm được điều gì quan trọng cho đất
nước và chế độ.
Giờ đây, với chiều hướng Mỹ muốn tiến hành một đường lối mới ở Việt
Nam để rút chân ra, mà uy tín và giá trị cường quốc của họ không bị
sứt mẻ, một chế độ non yếu như thế liệu sẽ ăn nói như thế nào với Mỹ
ở thượng đỉnh đây? Ðã vậy mà Tổng Thống Nguyên lại còn mất chỗ dựa
chánh trị khá vững chắc là Quốc Tiến nữa!
Huê Kỳ đang chuẩn bị làm một cơn bão chánh trị thổi vào Việt Nam thế
mà ông Nguyên càng ngày càng trở thành một vị Tổng Thống cô đơn,
thiếu hẳn phương tiện che chắn. Ðã lệ thuộc vào ông Đại Sứ Ellis
Bagwell, sau mấy chuyện bị Mỹ cho là sai quấy, nay Tổng Thống Nguyên
càng lệ thuộc ở Huê Kỳ nhiều hơn nữa.
Nhận định tình hình như thế, giới chánh trị Sài Gòn cảm thấy rất lo
ngại trước viễn ảnh của một giải pháp chánh trị do người ngoài mang
lại cho đất nước và cho chính họ. Theo sáng kiến của Quốc Tiến, các
chánh đảng và đoàn thể tôn giáo và xã hội đã họp lại thảo luận để
tìm một hướng đi đáp ứng lại tình hình vì họ không còn tin tưởng ở
Dinh Ðộc Lập nữa.
Họ lo sợ với nỗi lo sợ của đồng bào miền bắc di cư hồi 1954. Người
ta họp nhau ở Genève, người ta xẻ ngang đất nước mình thật dễ dàng
vì chỉ cần phác một nét bút chì trên bản đồ. Thế là hàng triệu người
dân miền Bắc phải đàn đúm nhau kéo chạy xuống phía Nam, sau khi được
lệnh di cư mà như sét đánh ngang tai! Ðấy, mất quyền tự quyết một
lần mà tởn đến già.
Sau cuộc họp, các chánh đảng, các đoàn thể tôn giáo và xã hội Việt
Nam Cộng Hòa đồng tình quyết định kết hợp lại thành một khối với
danh xưng:"Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết". Tôn chỉ duy nhất của mặt
trận này là "Ðòi hỏi mọi giải pháp cho Việt Nam phải là của người
Việt Nam, do người Việt Nam chủ xướng và chính người Việt Nam quyết
định". Môi trường chánh trị Sài Gòn, từ hai năm qua đã có phần lắng
đọng, nay lại bắt đầu sôi nổi hẳn lên.
Sự hồi sinh khá ồn ào của hoạt động chánh trị tại thành phố thủ đô
làm cho Tổng Thống Nguyên rất khó chịu. Tổng thống triệu tập một
phiên họp của bộ tham mưu chánh trị để phản ứng lại thế đang lên của
Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết. Nhìn qua thành phần của mặt trận, Tổng
Thống đoán ngay là xuất phát từ Quốc Tiến, chứ đảng Hưng Việt, lực
lượng Ðại Ðoàn Kết, hay thậm chí các tôn giáo lớn cũng không tập hợp
nổi. Với nhận xét đó, Tổng Thống Nguyên càng thêm cơn giận vì cảm
thấy bị đảng gốc của mình chơi khăm.
Căn cứ trên các đề nghị của bộ tham mưu chánh trị, Tổng Thống Nguyên
cảm thấy hơi yên tâm, nếu không muốn nói là hân hoan. Tổng thống sẽ
dựa vào sức hồi sinh chánh trị mới của Sài Gòn và nhất là của Mặt
Trận Toàn Dân Tự Quyết để làm cơ sở trong kỳ thượng đỉnh sắp tới.
Một thủ đoạn chánh trị mà Tổng Thống nghĩ là có khả năng thành công.
Từ khi vào ngồi ở Dinh Ðộc Lập đến nay, đây là lần đầu tiên Tổng
Thống sẽ diện đối diện với Tổng Thống Huê Kỳ, một nhà lãnh đạo mà cả
thế giới kính nể. Bởi thế nên, Tổng Thống Nguyên chuẩn bị cuộc trực
diện lịch sử và quyết định đó thật chu đáo.
Tổng thống chỉ định ông Phụ Tá Giao Tế Nhân Sự làm trưởng "Ðoàn Ðặc
Nhiệm Thượng Ðỉnh Wake" và cho ông Phụ Tá toàn quyền điều động. Tuy
nhiên, mọi ý kiến và chi tiết phải qua sự duyệt xét của chính Tổng
Thống vì ông quan niệm rằng đây chính là cơ hội tốt để tạo dựng uy
tín chánh trị trong nước cũng như ngoại quốc cho cá nhân ông.
Tổng thống mừng thầm vì ông đã mất hai năm rồi, giờ đây phải là cơ
hội cho thời kỳ đang phất của ông. Thượng đỉnh Wake mà thành công
thì hình ảnh và tiếng tăm của Tổng Thống sẽ bay đi khắp bốn phương.
Thế là, cánh cửa vào nhiệm kỳ hai của ông sẽ rộng mở và những nhiệm
kỳ kế tiếp nữa, nếu cần, dẫu cho Hiến Pháp chỉ quy định có hai nhiệm
kỳ. Đã có thế, có quyền, chuyện tu chánh Hiến Pháp đâu phải là điều
nan giải.
Chương trình thượng đỉnh phó hội của Tổng Thống được ông Phụ Tá cho
nghiên cứu thật kỹ lưỡng và ghi từng chi tiết một. Ðống hồ sơ nghi
lễ lưu trữ, bụi bặm, mốc meo từ thời cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm
chất đống dưới hầm Dinh Ðộc Lập cũng được lệnh ông Phụ Tá cho moi ra
để rút kinh nghiệm chuyến đi Mỹ của ông Diệm. Những thành viên trong
đoàn đặc nhiệm phải một phen làm việc vô cùng tích cực. Rồi cũng
phải thành hình một kịch bản cho chuyến đi phó hội của Tổng Thống.
Một bản chương trình khá tỉ mỉ và chi tiết, chưa chắc có một nhà đạo
diễn nào làm như thế. Nhưng, Tổng Thống Nguyên cũng chịu khó ngồi
nghe ông Phụ Tá thuyết trình vào mỗi buổi tối tan sở để thêm hay bớt
một vài nghi thức nhỏ nhặt.
Bản chương trình chung cuộc được chuyển sang tòa Đại Sứ để đúc kết
lại rồi gửi về tòa Bạch Ốc. Những đòi hỏi của Dinh Ðộc Lập về những
hình thức nghi lễ làm cho nhân viên phụ trách của tòa Đại Sứ phải
bức tóc, gãi tai. Sau khi tham khảo với Hoa Thịnh Ðốn, Mỹ cũng thỏa
mãn Dinh Ðộc Lập vì là những đòi hỏi hợp lý trên nguyên tắc nhưng
lại nghịch lý đối với một nước nhận viện trợ của Huê Kỳ. Tuy nhiên,
Hoa Thịnh Ðốn có lý do riêng để chiều lòng một ông Tổng Thống mà họ
cho rằng không có Mỹ thì khó ngồi lâu trên ghế Tổng Thống. Trong mọi
cuộc thương thuyết, dung hòa quyền lợi của nhau là yếu tố cần thiết
để hai bên thỏa hiệp được với nhau. Và, lần này chưa ai biết vì sao
Hoa Thịnh Ðốn lại nuông chiều Sài Gòn như vậy?
Chiếc máy bay phản lực Caravelle của công ty dân sự Hàng Không Việt
Nam, bị trưng dụng và được biến cải, bên trong lẫn bên ngoài, thành
phi cơ riêng của Tổng Thống, nhẹ nhàng di chuyển một cách bệ vệ trên
đường từ phi đạo vào bến đậu danh dự của phi trường quân sự hải đảo
Wake, theo sau một chiếc xe hướng đạo, mang hai chữ "Hãy theo tôi"
(Follow me) bằng đèn đỏ ở phía sau xe. Ở hai đầu cánh phi cơ và
ngoài xa với một khoảng cách an toàn là hai chiếc xe Jeep có trí
súng đại liên do hai xạ thủ phụ trách trong thế đứng và sẵn sàng tay
cò, mặc dù hải đảo là một phần của nước Mỹ không chiến tranh. Nhưng,
những thủ tục này được thực hiện theo yêu cầu của "Ðoàn Ðặc Nhiệm
Thượng Ðỉnh Wake". Coi cho có vẻ oai hùng.
Từ xa và qua khung cửa sổ phi cơ, Tổng Thống Nguyên nhìn thấy khung
cảnh của lễ tiếp đón mà hài lòng, nét mặt hân hoan hãnh diện, miệng
mĩm cười. Ông vẫy tay gọi ông Phụ Tá trưởng đoàn đặc nhiệm thượng
đỉnh lại chỉ ra ngoài cửa sổ và nói khẽ một đôi điều gì đó. Ông Phụ
Tá vui cười đỏ cả mặt, dường như vừa được một lời ban khen của
thượng cấp.
Tại địa điểm hành lễ nghênh tiếp, dưới cơn nắng nóng giữa trưa và bị
làn gió biển quấy rầy, quan khách sốt ruột chờ máy bay Tổng Thống từ
từ chậm rãi bò vào, dẫu cho chiếc xe hướng đạo chạy trước rất xa như
muốn thúc giục. Ðoàn người chào đón nhìn chiếc máy bay một cách ngạc
nhiên vì nó được sơn phết theo mẫu hình của chiếc "Air Force One",
phi cơ riêng của Tổng Thống Huê Kỳ, ngoại trừ màu sắc và vóc dáng.
Thay vì màu xanh dương và xanh da trời của chiếc Boeing Mỹ thì chiếc
Caravelle (loại phi cơ phản lực của Pháp) của Hàng Không Việt Nam
được sơn bằng màu lục lá cây và xanh lá mạ. Ðây là sáng kiến của ông
Phụ Tá, ban đầu Tổng Thống Nguyên thấy hơi kỳ, có thắc mắc nhưng ông
Phụ Tá giải thích là màu quốc huy trên phi cơ Không Quân Việt Nam
cũng y hệt như màu cờ trên máy bay quân sự Mỹ thì đã sao đâu. Và
thay vì mang danh hiệu "Không Lực Một" như phi cơ Tổng Thống Mỹ, máy
bay của Tổng Thống Nguyên được đặt tên là "Ðại Bàng", vốn là ám hiệu
vô tuyến của Tổng Thống.
Chiếc "Ðại Bàng" oai vệ tiến vào chỗ đậu dành riêng cho thượng
khách, dưới sự hướng dẫn của một chuyên viên phi đạo, hai tay hai
biển tín hiệu để ra dấu cho phi công dừng máy bay đúng chỗ. "Ðại
Bàng" vừa ngừng bánh thì Tổng Thống Nguyên đã bước vào phòng rửa mặt
để làm nhẹ người, sửa lại dung nhan và điều chỉnh y phục. Một nhân
viên phục dịch đã sẵn sàng ở cửa phòng, bình keo xịt tóc và bàn chải
trong tay chờ để điều chỉnh và ổn định mái tóc, cũng như phủi bụi
trên quần áo của Tổng Thống.
Cánh cửa phi cơ vừa mở thì ông Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn, di
chuyển đặc biệt đến Wake từ mấy ngày trước, và giám đốc nghi lễ của
Bạch Cung đã bước vào nghiêng mình chào mừng Tổng Thống. Kế tiếp là
ông Đại Sứ Việt Nam trình bày ngắn gọn với Tổng Thống Nguyên những
nghi thức mà Tổng Thống sẽ được phía Huê Kỳ dành cho khi Tổng Thống
ra khỏi phi cơ.
Nói là ngắn gọn nhưng bằng lời lẽ kiểu cách văn hoa cố hữu của các
ngài đại diện ngoại giao, ông Đại Sứ hơi dài dòng nên ông giám đốc
nghi lễ hơi bồn chồn vì dưới kia Tổng Thống Huê Kỳ đang đứng đợi.
Thế nhưng, Tổng Thống Nguyên còn hỏi thêm đôi ba chi tiết gì đó.
Tổng thống đứng lên bắt đầu bước đi, ông Đại Sứ nối gót theo sau vừa
đi vừa nói thêm để lấy lòng Tổng Thống:
- Kính thưa Tổng Thống, đây thật là một cuộc nghinh tiếp vô cùng
trang trọng. Có đủ cả lễ nghi quân cách lẫn nghi lễ ngoại giao. Lần
đầu tiên chúng tôi mới thấy Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ tiếp đón lãnh tụ
một nước nhận viện trợ Mỹ, dạ thưa Tổng Thống, chúng tôi muốn nói là
một nước đang phát triển, long trọng đến như thế. Tòa Đại Sứ chúng
tôi phải trải qua không biết bao nhiêu ngày làm việc vất vả với phía
Mỹ để được như thế này.
Tổng thống Nguyên lặng thinh, không nói ra một lời khen tặng nào
dành cho ông Đại Sứ của mình vì ông thừa biết rằng phần lớn công
việc đã qua đoàn đặc nhiệm của Dinh Ðộc Lập. Trong khi đó, ông Đại
Sứ cứ tiếp tục trình bày những gì gọi là công trình của Đại Sứ Quán
trong công cuộc sắp xếp cho chuyến đi của Tổng Thống được thành
công.
Tổng thống vừa xuất hiện ở cửa phi cơ thì tiếng nổ đầu của loạt hai
mươi mốt phát súng thần công bắt đầu vang dội vào vách núi bên kia
phi trường để dội trở ra rồi mất hút vào biển cả. Ðoàn chim biển
phải một phen ngỡ ngàng vì những tiếng nổ bỗng dưng ầm ĩ giữa bầu
không khí bao lâu nay chỉ có sóng vỗ rì rầm và thùy dương rì rào.
Tổng thống chầm chậm và khoan thai bước xuống chiếc thang, bắt từ
cửa phi cơ xuống đất, như đếm từng bước một. Từ chân cầu thang đến
bục danh dự, đặt cách đó chừng năm mươi thước, Tổng Thống đi trên
tấm thảm nhung đỏ và giữa hai hàng quân danh dự, quân phục thẳng
nếp, dài đen bóng lộn, phù hiệu sáng chói và vũ khí ở thế chào.
Tổng thống đến chân bục danh dự thì phát đại bác thứ hai mươi mốt
cũng vừa nổ xong và cùng lúc đó Tổng Thống Huê Kỳ tươi cười bước tới
bắt tay Tổng Thống Nguyên, giữa những ánh đèn lóe chớp của các máy
thu hình và nhiếp ảnh. Tổng thống Mỹ dìu Tổng Thống Nguyên lên bục
danh dự làm lễ chào quốc kỳ. Quốc thiều Việt Nam lần đầu tiên vang
lên trong bầu không khí yên tĩnh của hải đảo chưa bao giờ chứng kiến
được một quang cảnh lễ lạt to như thế. Sau đó là quốc thiều của Huê
Kỳ.
Lễ chào cờ chấm dứt, Tổng Thống Huê Kỳ hướng dẫn Tổng Thống Nguyên
duyệt qua đội ngũ dàn chào gồm ba binh chủng hải, lục và không quân
theo nhịp điệu của một bản nhạc quân hành. Nhưng, Tổng Thống Nguyên
không nghe tiếng nhạc mà cũng chẳng thấy những hàng quân binh phục
rực rỡ trước mắt vì ông chỉ nghe tiếng thổn thức của con tim trong
lồng ngực đang đập mạnh vì hãnh diện và sung sướng và chỉ thấy viễn
ảnh của những ngày mai ngời sáng trong sự nghiệp chánh trị của ông.
Tổng thống thấy trước trong tâm tư những hình ảnh hôm nay của ông
rồi đây sẽ được đăng trên báo Mỹ và Việt Nam. Ôi, sao mà rỡ ràng!
Kế tiếp, Tổng Thống Huê Kỳ đưa Tổng Thống Nguyên bước sang đoàn
người dân sự và quân sự, những nhân vật quan trọng của hải đảo và
của căn cứ hỗn hợp không và hải quân Wake, trong những bộ y phục và
quân phục trịnh trọng và chỉnh tề, mặt mày đỏ gay, mùi mồ hôi nồng
nặc - dẫu đã được hãm bớt bằng chất hóa học thẩm mỹ chống hôi - vì
đã đứng dưới nắng khá lâu.
Tổng thống Nguyên máy móc bắt tay từng người một, miệng luôn nở sẵn
một nụ cười. Thỉnh thoảng Tổng Thống đưa tay vẫy chào những quân
nhân Mỹ hiếu kỳ đứng ngoài xa đưa máy ảnh riêng của họ lên bấm hình
người lãnh tụ của một quốc gia đã biết qua trên mặt báo hay trên máy
thu hình. Mỗi lần sực nhớ tới chuyện phải chú trọng đến hình ảnh của
mình, Tổng Thống Nguyên sửa lại bộ điệu, chân duỗi thẳng, cổ cao,
đầu ngẩng và mặt nhìn lên như chừng Tổng Thống muốn vươn mình cho
cao bằng Tổng Thống Mỹ, vượt hơn ông một đầu người.
Tổng thống Huê Kỳ hướng dẫn Tổng Thống Nguyên vào sảnh danh dự của
sân bay. Vừa đến chân thềm thì một thiếu nữ người địa phương thật
duyên dáng trong bộ y phục truyền thống của hải đảo tiến đến choàng
một vòng hoa chào mừng vào cổ Tổng Thống Nguyên và thêm một nụ hôn
nghênh đón quý khách lên má làm cho mặt ông bỗng dưng đỏ lên vì cảm
xúc bất ngờ.
Mục này, Tổng Thống Nguyên không thấy dự trù trong chương trình vì
là sáng kiến vào phút chót của giới thẩm quyền hải đảo. Qua giới
thiệu của Tổng Thống Huê Kỳ, Tổng Thống lần lượt bắt tay từng yếu
nhơn một. Danh tính và chức vụ của những người đó đều được giới
thiệu cho Tổng Thống, nhưng ông đâu còn đủ bình tĩnh để nhớ tất cả.
Sau đó, Tổng Thống Nguyên cùng với Tổng Thống Huê Kỳ lên một chiếc
xe đặc biệt, từ Hoa Thịnh Ðốn đưa sang, theo sau là một đoàn xe dài,
để đi về khu biệt xá của căn cứ.
Trên xe, Tổng Thống Nguyên muốn trách khéo Tổng Thống Huê Kỳ:
- Thưa Tổng Thống, dân chúng ở đây có vẻ không thích tham dự vào
những cuộc lễ tiếp đón khách lạ nhỉ?
Tổng thống Mỹ hiểu ý Tổng Thống Nguyên nên mĩm cười, trả lời:
- Người Mỹ chúng tôi thường có một tâm tư để ngoài da, nghĩ sao thì
làm vậy. Nhưng, thưa Tổng Thống, chắc Tổng Thống cũng rõ, Wake này
là một đảo san hô rộng không đầy tám cây số vuông và có ba trăm dân,
do ông cha chúng tôi chiếm hữu hồi năm 1898. Chủ yếu ở đây là căn cứ
hỗn hợp không và hải quân Huê Kỳ được thành lập trong thời kỳ đệ nhị
thế chiến. Có một thời bị Nhựt Bổn chiếm. Cho nên, trên đảo này quân
nhân và gia đình của họ đông hơn dân bản xứ. Quần chúng mà Tổng
Thống thấy lúc nãy ở phi trường là khả năng tối đa của chúng tôi về
nhân sự để tiếp đón Tổng Thống đó. Mong Tổng Thống thông cảm.
- À, thì ra vậy!
Chiếc xe chở Tổng Thống Nguyên dừng lại trước một biệt thự, không có
vẻ gì là một dinh quốc khách cả. Bước xuống xe, Tổng Thống Nguyên
thấy hơi ngỡ ngàng. Ông nhìn quanh như muốn tìm ông Phụ Tá để hỏi
cho ra lẽ. Nhưng, Tổng Thống Mỹ đã vui cười lên tiếng phá vỡ tình
trạng bỡ ngỡ đó:
- Ở đây, chúng tôi không đủ tiện nghi như ở lục địa. Biệt thự này là
tư thất của đô đốc tư lệnh cứ điểm chiến lược "Wake Island" này.
Chúng tôi phải mượn tạm và đưa vợ con ông đi nghỉ mát nơi khác để
làm nơi tạm trú của Tổng Thống trong thời gian thượng đỉnh. Còn cá
nhân ông đô đốc thì lấy một căn phòng ở khu BOQ (Bachelor Officers'
Quarter) của sĩ quan độc thân. Còn tôi, tôi ở ngay bên kia đường,
đối diện với biệt thự của Tổng Thống.
Tổng thống cười xòa để phá tan bầu không khi ngượng ngập của khách
lẫn chủ. Và ông cũng không thấy khó chịu nữa khi ông nhìn sang căn
biệt thự được dùng làm "Bạch Cung di chuyển" cho Tổng Thống Huê Kỳ.
Biệt thự đó nhỏ hơn ngôi nhà tạm trú của ông. Tự ái của con người
đôi khi cũng được mơn trớn và vuốt ve chỉ bằng những cái không đâu!
Từ giả Tổng Thống Mỹ với lời cám ơn xã giao, Tổng Thống bước vào
biệt thự, nhìn quanh một lượt rồi mệt mỏi để cả sáu mươi ký của thân
hình ông rơi xuống chiếc ghế bành, thở ra một hơi dài, nửa hài lòng,
nửa khó chịu. Ông liên tưởng đến lời chào mừng của ông giám đốc nghi
lễ Bạch Cung khi lên máy bay tiếp đón ông:"Chào mừng Tổng Thống trên
một phần đất nước của Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ" mà lòng cảm thấy đôi
chút mỉa mai so với ý nghĩa của một thượng đỉnh. Ông ra lệnh cho mời
ngay ông Phụ Tá Giao Tế Nhân Sự, trưởng đoàn đặc nhiệm "Thượng Ðỉnh
Wake".
Phiên họp khoáng đại chiếm hết trọn ngày, chỉ dừng lại khoảng hai
tiếng đồng hồ để ăn nhẹ vào giữa trưa, cho các thành viên của hai
phái đoàn có dịp nói chuyện riêng tư, đôi khi cần thiết cho việc mưu
tìm sự thông cảm trên một điểm khó khăn nào đó của chương trình nghị
sự. Bữa ăn trưa do tư lệnh cứ điểm chiến lược "Wake Island" thết đãi
theo lối Mỹ, nghĩa là ăn đứng, lối ăn mà Tổng Thống Nguyên không mấy
tán thành trong tiến trình của một thượng đỉnh.
Trong suốt bữa ăn, người ta thoáng thấy những dấu hiệu không vui
trên sắc diện của Tổng Thống Nguyên dù bên cạnh ông lúc nào Tổng
Thống Huê Kỳ cũng tươi cười rạng rỡ. Trái lại, Tổng Thống thường
tách khỏi Tổng Thống Huê Kỳ để gặp ông Phụ Tá to nhỏ điều gì đó mà
mặt ông Phụ Tá đỏ lên, thiếu vắng nét vui tươi và hân hoan.
Trong hai buổi họp, đầy đủ thành phần của hai phái đoàn đều tham dự.
Mỗi Tổng Thống đều có sự trợ lực của các tổng bộ trưởng ngoại giao,
quốc phòng, kinh tế, tài chính, nội vụ, tham mưu trưởng liên quân và
ông Đại Sứ tại nhiệm của mỗi nước. Chỉ riêng bên phía Việt Nam có
thêm ông Phụ Tá Giao Tế Nhân-Sự với tư cách là trưởng "Ðoàn Ðặc
Nhiệm Thượng Ðỉnh Wake". Do đó, nha nghi lễ Bạch Cung hơi bối rối
trong việc sắp xếp chỗ ngồi quanh bàn hội nghị. Dù cho thành phần
phái đoàn Việt Nam đã được thông báo trước và ông Phụ Tá được xếp
ngang hàng bộ trưởng không bộ nhưng chức năng của ông không liên
quan gì đến nội dung thượng đỉnh hết.
Chung cuộc, khó khăn cũng được giải quyết bằng cách đặt một chiếc
ghế ở ngay sau lưng Tổng Thống Nguyên. Tuy rằng không đẹp về hình
thức nhưng cũng hợp lý và ông Phụ Tá cũng không lấy gì làm khó chịu
vì trên các bản tin đánh đi, danh tính của ông đều được ghi là thuộc
thành phần phái đoàn phó hội Wake. Còn đòi hỏi gì hơn? Cũng như các
phụ nữ dễ tính thường tự hào "thà làm bé cho ông lớn, còn hơn làm
lớn cho ông bé".
Buổi tối là một dạ tiệc do Tổng Thống Huê Kỳ khoản đãi tại câu lạc
bộ sĩ quan của căn cứ. Một dạ tiệc đúng theo nghi thức nghênh đón
khách quý chứ chưa được ngang hàng dạ yến dành cho quốc khách. Phía
Mỹ nại cớ là thiếu địa điểm khang trang, huy hoàng đúng quy cách nên
phải đành vậy. Phía Việt Nam thì hơi phiền lòng nhưng biết làm sao
hơn vì trong chương trình, khi hai bên phối hợp soạn thảo từ bên nhà
cũng ghi là dạ yến do Tổng Thống Huê Kỳ khoản đãi. Thôi thì quốc gia
đại sự mới là điều quan trọng, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó.
Sau dạ tiệc, hai Tổng Thống gặp riêng tại "Bạch Cung di chuyển" để
bàn về một điểm tối mật. Phiên họp diện đối diện này, nằm ngoài
chương trình chính thức, được hai bên thỏa thuận ngay trong dạ tiệc,
khi hai người dùng rượu khai vị trước khi ngồi vào bàn ăn, nhưng
xuất phát từ sáng kiến của Tổng Thống Huê Kỳ.
Cuộc hội kiến riêng tư này báo chí không được dự và họ đặt tên là
"mật đàm cà phê". Ðặc biệt chỉ một nhiếp ảnh viên riêng của Tổng
Thống Huê Kỳ được hành nghề, nhưng cũng giới hạn trong khi hai Tổng
Thống bắt đầu gặp nhau. Sau đó, chỉ còn có mỗi mình hai ông nói
chuyện với nhau thôi, không cần người phiên dịch vì Tổng Thống
Nguyên cũng thông thạo Anh ngữ.
Khi mọi nhân viên phục dịch và ông nhiếp ảnh đều ra ngoài, Tổng
Thống Huê Kỳ bắt đầu đi thẳng vào vấn đề:
- Ở phiên họp khoáng đại trong ngày, tôi rất thông cảm với Tổng
Thống khi chúng tôi đề cập đến vấn đề mở rộng căn bản uy quyền của
chế độ Sài Gòn. Chúng tôi nhấn mạnh và nài nỉ mãi điểm đó là vì
truyền thống dân chủ của Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ bắt buộc phải có yếu
tố đó trong nguyên lý viện trợ của Mỹ đối với những quốc gia cần
được giúp đỡ.
- Tổng thống chắc cũng biết rằng sinh hoạt dân chủ của Mỹ và của
những nước như chúng tôi khác biệt rất xa. Một nền dân chủ trong hòa
bình và một chế độ dân chủ trong chiến tranh. Tổng thống hãy nghĩ
lại mà xem. Cộng-sản da trắng và cộng sản da màu cũng khác nhau thì
dân chủ cũng thế.
- Tổng thống có lý. Nhưng...
- Khi Huê Kỳ giải kết toàn diện thì Việt Nam Cộng Hòa phải có một lỗ
hổng lực lượng đáng kể trong tư thế đối đầu với cộng quân và nhất là
trên tiền đồn chống cộng sản ở Ðông Nam Á. Cho đến bây giờ, bước đi
Việt hóa chiến tranh và tiến trình giải kết chưa ăn nhịp với nhau.
Nay, vì nhu cầu tranh cử của Tổng Thống mà mức độ giải kết lại được
đẩy nhanh và mạnh hơn thì chỗ sai biệt kia càng to lớn gấp bội. Vì
lợi ích riêng của Tổng Thống mà cả đất nước và dân tộc Việt Nam
chúng tôi sẽ phải gánh chịu mọi nguy cơ, liệu lương tâm của Tổng
Thống có được yên ổn không?
- Tôi rất hiểu và thông cảm với Tổng Thống. Thế nhưng, tôi rất tiếc
và bị bắt buộc phải quyết định như thế vì chẳng còn cách nào khác
hơn. Hiện giờ, phong trào phản chiến của quần chúng Mỹ đang lên cao,
ý niệm "bồ câu" đang lấn lướt tinh thần "diều hâu" thì cương lĩnh
của đảng đối lập đang được lợi. Nếu như, tôi không thắng được để vào
nhiệm kỳ hai thì liệu Tổng Thống và Việt Nam Cộng Hòa có được nhiều
thuận lợi hơn hay không? Chúng ta hãy tạm thời thỏa thuận với nhau
như thế đi, sau bầu cử tôi sẽ cho duyệt xét lại vấn đề.
- Từ nay đến đó, với một tương quan lực lượng bất lợi rất có thể là
Việt Nam Cộng Hòa sẽ không còn nữa và như thế uy tín của Tổng Thống
cũng không còn để thắng cử. Tôi có cách khác để giúp Tổng Thống được
thỏa mãn cả hai mặt, với điều kiện là mỗi bên chúng ta phải nhượng
bộ một ít.
- Tổng thống cứ nói.
- Ðể bù trừ vào khuyết điểm quân sự bắt nguồn từ việc triệt thoái
toàn bộ quân Mỹ, chúng tôi cần một thế chánh trị mạnh. Mở rộng căn
bản uy quyền của chế độ, như Tổng Thống đòi hỏi chúng tôi từ trước
đến nay và ngay trong kỳ họp này, không thế nào tạo nên một sức mạnh
chánh trị, trong tình hình thực tế và thực tiễn của đất nước chúng
tôi đang ở thế chống cộng. Là người của xứ sở, tôi xin phép được nói
là không ai hiểu tình hình tổng thể của đất nước chúng tôi hơn chúng
tôi.
- Rất đồng ý với Tổng Thống. Nhưng, tôi không thấy có cách nào khác
mà vẫn giữ được thể chế dân chủ. Chúng ta không thể độc tài khi
chúng ta đòi hỏi dân chúng cùng nhau nỗ lực đấu tranh chống cộng sản
mà đường lối chuyên chính vô sản được chúng ta đưa ra làm đối tượng
để triệt hạ.
- Không, chúng tôi vẫn bảo tồn dân chủ, nhưng có biết bao nhiêu cách
để thực thi dân chủ.
- Thì Hà Nội họ cũng lấy quốc hiệu là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà
chế độ đó có dân chủ gì đâu?
- Hoàn toàn đồng ý với Tổng Thống! Tên gọi chưa hẳn nói lên nội dung
và danh xưng không quan trọng bằng tinh thần. Chúng tôi sẽ thực thi
dân chủ nhưng theo cung cách và tinh thần của đất nước chúng tôi.
Tổng thống cứ yên tâm. Nhân dân hay quốc hội Mỹ sẽ không thể lấy bất
cứ khuyết điểm chánh trị nào của Việt Nam Cộng Hòa để gây khó khăn
cho Tổng Thống được hết, trong việc viện trợ và ủng hộ chúng tôi. Ðã
có bao nhiêu người khác trước tôi từng thực thi dân chủ theo cách Á
Ðông rồi.
- Nhưng, đâu phải nhờ vậy mà họ tồn tại hay thành công.
- Riêng tôi, tôi tin rằng tôi sẽ thành công và tồn tại với phương
thức thực thi dân chủ mà tôi sắp đề nghị cùng Tổng Thống. Tôi không
chủ trương một nền dân chủ chỉ huy mà cũng chẳng phải một lối độc
tài sáng suốt gì hết. Tôi chủ trương một thể chế "Dân Chủ Trung
Dung", một đường lối chánh trị phối hợp Ðông và Tây, giữa Khổng Tử
với Montesquieu và Rousseau. Một chính sách mà tôi tin rằng trí thức
thành thị, công nhân thành phố hay nông dân miền quê đều chấp nhận.
Chỉ cần một điều kiện duy nhất là Huê Kỳ phải ủng hộ tôi bất cứ giá
nào và trong mọi tình huống khi chúng tôi thực thi nền "Dân Chủ
Trung Dung" đó.
Tổng thống Huê Kỳ để lộ nỗi vui mừng vô hạn, ngước mặt lên trần nhà
mở to miệng cười khoan khoái. Ông tưởng rằng Tổng Thống Nguyên đòi
hỏi những điều kiện khủng khiếp như phóng người lên Kim Tinh. Tổng
thống Mỹ siết tay Tổng Thống Nguyên bằng hai tay ôm chặt bàn tay
phải của Tổng Thống Nguyên để ca ngợi sáng kiến đó và kéo ông Nguyên
đứng lên và choàng tay lên vai một cách thân thiện mà dìu ra cửa.
Cả hai người đều vui tươi rạng rỡ trước ống kính của phóng viên trực
chờ bên ngoài dù đêm đã về khuya. Ngày hôm sau, báo chí Mỹ đăng bức
ảnh thân thiện và tươi cười đó của hai lãnh tụ đồng minh với hàng
tựa vô cùng to lớn nói lên sự thành công của thượng đỉnh Wake. Một
hội nghị kết thúc hoàn hảo bằng một "mật đàm cà phê" tốt đẹp chưa
từng thấy.
Dựa trên lời tuyên bố của phát ngôn viên Bạch Cung, cùng họp báo với
ông Phụ Tá Giao Tế Nhân Sự, những bài báo đó không tiếc lời ca ngợi:
"Tinh thần hợp tác của phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa, và đặc biệt là
của Tổng Thống Nguyễn Vĩnh Nguyên. Tổng thống Huê Kỳ cũng cho biết
rằng, suốt quãng đời chánh trị, chưa bao giờ ông được đối thoại với
một nhân vật có tầm vóc quốc tế và có những sáng kiến cao siêu và
xuất chúng như Tổng Thống Nguyên. Tổng thống Mỹ cho rằng Huê Kỳ rất
hãnh diện được trợ giúp một quốc gia đang tiến bộ như Việt Nam Cộng
Hòa, dưới tài lãnh đạo sáng suốt của một nhà lãnh đạo tài ba hiếm
có. Tôi chỉ tiếc rằng Tổng Thống Nguyễn Vĩnh Nguyên không xuất hiện
sớm hơn để cho Việt Nam Cộng Hòa sớm được hòa bình và thịnh vượng."
Tự cảm thấy được cổ võ bằng thành tích của chính mình tại thượng
đỉnh Wake, như báo chí Mỹ đã tường thuật, và nhất là với lời ca ngợi
của Tổng Thống Huê Kỳ được trích đăng nguyên văn, Tổng Thống Nguyên
chuẩn bị trở về Việt Nam với một tinh thần sảng khoái. Ông có cảm
tưởng rằng con người xác thịt của ông quá bé nhỏ, không xứng đáng
với vai tuồng của nhân vật mà ông đang đóng. Trước khi rời đảo Wake,
mượn hệ thống liên lạc của "Bạch Cung di chuyển", Tổng Thống Nguyên
chỉ thị cho Thủ Tướng Trần Huyền Thanh tổ chức lễ tiếp đón ông và
phái đoàn thật tưng bừng, đủ lễ nghi trọng thể và điều động quần
chúng tối đa.
Ðược lệnh như thêm quyền, Thủ Tướng Thanh tự thấy mình có đầy đủ ấn
kiếm để rộng tay hành động. Hiến pháp quy định khi Tổng Thống vắng
mặt thì phó Tổng Thống tạm thời thay thế. Nhưng, trước khi lên đường
đi phó hội thượng đỉnh, Tổng Thống Nguyên lại ký sắc lệnh ủy nhiệm
cho Thủ Tướng Trần Huyền Thanh xử lý thường vụ mọi vấn đề của quốc
gia.
Ngoài ra, Tổng Thống còn họp những người thân tín và có tác động đến
an ninh quốc gia như tư lệnh quân đoàn thủ đô, tư lệnh cảnh sát quốc
gia, đặc ủy trưởng trung ương tình báo để ban hành khẩu lệnh mật và
đặc biệt. Tổng thống đã quyết định đặt những lực lượng này thuộc
quyền điều động của Thủ Tướng, phòng hờ trường hợp có âm mưu đảo
chánh hay phản động. Tổng thống không minh thị nói ra đối tượng
nhưng những nhân vật trong phiên họp cũng hiểu được con người khả dĩ
làm chuyện cấm kỵ đó là ai.
Khi nhận được công điện thì Thủ Tướng Thanh chỉ còn có mười hai
tiếng đồng hồ để thi hành, trong đó lại có ngày chủ nhật. Phi cơ của
Tổng Thống sẽ đến phi trường Tân Sơn Nhứt đúng 13 giờ ngày thứ hai.
Ðùng một cái, sáng sớm ngày thứ hai tòa Đại Sứ Huê Kỳ lại cho ông
Thủ Tướng biết rằng cùng về Việt Nam với Tổng Thống Nguyên còn có
Phó Tổng Thống Huê Kỳ. Dữ kiện để tổ chức lễ đón rước mà thay đổi
vào phút chót là cả một rừng khó khăn. Trong khi đó khoảng thời gian
còn lại không đầy sáu tiếng đồng hồ.
Thời gian càng thu ngắn thì chi phí tổ chức lại tăng lên vì thực
hiện cấp tốc thì giá cả phải cao. Tiền in cờ giấy, tiền thực hiện
băng khẩu hiệu, bích chương, biểu ngữ, tiền phụ cấp các đoàn thể,...
Ngày thứ hai đó, toàn thể các cơ sở chánh phủ và quân đội đều được
nghỉ việc, trường nghỉ học để cho công chức, binh sĩ và sanh viên,
học sanh dự lễ rước Tổng Thống phó hội thượng đỉnh về.
Từ tờ mờ sáng, toàn khu vực sân bay Tân Sơn Nhứt đã bị quân đội
phong tỏa. Các ngõ vào phi trường đều có nút chận quân sự, với chiến
xa tăng cường. Mọi chuyến bay dân sự khởi hành từ Tân Sơn Nhứt hay
đến nơi này đều bị cấm chỉ. Thậm chí các chuyến bay quốc tế băng qua
vùng trời Sài Gòn trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 15 giờ
cũng phải chuyển hướng qua Nha Trang. Một phi cơ quan sát và một phi
tuần máy bay chiến đấu thường trực tuần phòng trên vùng trời Sài Gòn
suốt thời gian nói trên.
Mặt trời chưa lên mà người ta đã thấy các đoàn xe chở quân nhân và
dân chúng đổ xuống khu vực tiếp đón yếu nhân của phi cảng. Nhiều xe
chuyên chở công cộng được trưng dụng để đưa công chức, thầy thợ và
sanh viên học sanh đổ dọc theo đường Công Lý nối liền phi cảng với
Dinh Ðộc Lập. Ðoạn đường này hôm nay được trang trí rực rỡ, nào bích
chương, nào băng khẩu hiệu, nào biểu ngữ, nào cờ Việt, cờ Mỹ, nào y
phục đủ màu của những người đi đón.
Gần đúng ngọ mà những công nhân treo cờ ở các thân cây, ở những cột
đèn còn hì hà, hì hục treo cờ Mỹ, dán bích chương và căng băng khẩu
hiệu, biểu ngữ liên quan đến Phó Tổng Thống Huê Kỳ vì được lệnh vào
phút chót. Một chiếc xe lăng xăng chạy tới, chạy lui phân phối gấp
cho các đoàn thể những cây cờ Mỹ bằng giấy nhỏ cầm tay. Như vậy là
mỗi cá nhân đi rước phải đưa cao hai tay phất ba cờ giấy một lúc,
hai quốc kỳ Việt, Mỹ và hiệu kỳ Tổng Thống, khi đoàn xe Tổng Thống
đi qua.
Hàng ngũ và đội hình chào mừng Tổng Thống được kể như ổn định vào
lúc mười giờ sáng. Bên trong phi cảng, trước phòng khánh tiết là đội
quân chào kính hải, lục, không quân, trong những bộ quân phục màu mè
đẹp mắt, tay cầm vũ khí bóng loáng. Ðặc biệt lần tiếp rước này còn
có sự hiện diện của tiểu đoàn cảnh sát chiến đấu và lính cứu hỏa với
những chiếc mũ đồng sáng choang.
Một tấm thảm nhung đỏ chạy dài thẳng tắp từ thềm sảnh danh dự của
phòng khánh tiết đến chỗ được dự trù cho chân cầu thang máy bay. Dọc
theo hai bên tấm thảm đỏ là hai hàng quân danh dự của lữ đoàn phòng
vệ phủ Tổng Thống, quân phục đặc biệt bằng vải không nhàu, khăng che
cổ bằng lụa đỏ cùng với găng tay, nịch da và ghệt trắng. Bên ngoài,
dài theo con đường từ bãi xe phi cảng chạy ra Công Lý đến tận cổng
tam quan Dinh Ðộc Lập là rừng người đứng hai bên lề đường, ban đầu
mặt mày hớn hở nhưng lần hồi tiu nghỉu cùng với độ gay gắt của nắng
về trưa.
Khi mới đến hàng ngũ chỉnh tề, tổ nào theo tổ nấy nhưng càng về trưa
thì không cần lệnh lạc mà thiên hạ đều tập họp dưới những bóng mát
tàn cây, mặc tình cho các tổ trưởng la hét. Ðối diện với quần chúng
là những ông cảnh sát sắc phục, dùi cui lủng lẳng bên đùi, tu huýt
treo ở cổ, đứng dưới lòng đường cứ trăm thước một ông. Thật là vĩ
đại, không phải vĩ đại ở người được đón rước mà ở chỗ sức người được
điều động ra đó! Chỉ vì lòng kiêu hãnh của một người mà khổ bao
nhiêu người!
May mắn thay, phi cơ Tổng Thống đến rất đúng giờ. Trong cái nóng
giữa trưa của Sài Gòn, những nhân vật quan trọng ra đón tự cho là
may mắn vì không phải mất công chờ đợi nên có lời ca ngợi phi hành
đoàn Việt Nam tính toán giỏi và bay thật đúng giờ như xe lửa SNCF
của Pháp. Ông chủ tịch tổng giám đốc Hàng Không Việt Nam, nghe được
mà mát cả lòng như chừng có một máy điều hòa không khí bên trong.
Xa xa ngoài phi đạo, chiếc phi cơ từ từ lăn bánh đi vào thật trịnh
trọng. Sức nóng của mặt nhựa đường băng làm cho lớp không khí tiếp
giáp mặt đất như biến thành thể lỏng nên nhìn từ xa người ta có ảo
tưởng là phi cơ đang lướt gió, càn mây. Khá lâu sau, phi cơ mới vào
gần thì ơ kìa sao lại không phải chiếc phản lực Caravelle mà Tổng
Thống đã sử dụng khi đi? Nhìn lên khung cửa kính hai bên phòng lái,
người ta thấy rõ hai cây cờ nhỏ tung bay phấp phới, quốc kỳ Việt Nam
và Huê Kỳ. Nhìn kỹ hơn nữa, người ta thấy rõ là chiếc Boeing 747 của
Không Lực Huê Kỳ.
Thôi thì năm nghi, mười ngờ người đoán thế này, kẻ suy thế khác. Rồi
phi cơ dừng hẳn và tắt máy. Một lúc lâu sau, cánh cửa phi cơ mới mở
toang và Tổng Thống Nguyên bước ra cùng với Phó Tổng Thống Huê Kỳ.
Hai ông dừng lại trên đầu cầu thang, tay trái Tổng Thống Nguyên nắm
tay mặt Phó Tổng Thống Huê Kỳ và hai tay còn trống của hai người
cùng đưa lên cao thành chữ V, tượng trưng cho chiến thắng. Hai người
cùng bước xuống cầu thang mà ở dưới chân có Thủ Tướng đang đứng chờ.
To nhỏ năm điều, mười chuyện xong, Thủ Tướng hướng dẫn Tổng Thống
Nguyên và Phó Tổng Thống Huê Kỳ đến chào quốc kỳ Việt Mỹ và sau cùng
là bắt tay những yếu nhân ra đón.
Qua thông cáo báo chí phổ biến tại phòng khánh tiết, người ta được
biết rằng thượng đỉnh đã đem lại kết quả tích cực như hai bên mong
muốn. Ðiều đáng quan tâm hơn hết là Huê Kỳ quyết tâm cam kết sẽ hậu
thuẫn mạnh mẽ Việt Nam Cộng Hòa trong mọi tình huống, dưới sự lãnh
đạo sáng suốt của Tổng Thống Nguyên. Bằng chứng hùng hồn, nói lên
mối hữu nghị ngày càng thắm thiết giữa Việt và Mỹ như thế, được thể
hiện qua sự hiện diện của Phó Tổng Thống Huê Kỳ, được phái sang tận
Việt Nam để cụ thể nói lên mức độ hữu nghị giữa hai chánh phủ. Do
đó, phó Tổng Thống Huê Kỳ cùng đi với Tổng Thống Nguyên trên chiếc
phi cơ "Air Force One" trừ bị, mà Tổng Thống Huê Kỳ cho đặt dưới
quyền sử dụng của Tổng Thống Nguyên.
Sau đó, Tổng Thống Nguyên và phái đoàn lên những chiếc xe bóng lộn
đang chờ sẵn để về hướng Dinh Ðộc Lập. Ðoàn xe vừa chuyển bánh thì
một cơn mưa nặng hột đổ ụp xuống vùng Tân Sơn Nhứt rồi chạy dài đến
Sài Gòn, cùng với cơn giông cấp bảy cấp tám. Lá cây lìa cành thi
nhau rượt đuổi trên đường phố, một vài cành cây bị gió đánh gãy răng
rắc, dây điện chạm nhau tung ra những ánh lửa xanh như tia chớp.
Thế là đoàn xe mở máy chạy nhanh, hàng rào người chào mừng tan rã,
như đê bị vỡ, như đàn ong bị phá ổ, đua nhau chạy tìm chỗ núp mưa.
Bích chương, băng khẩu hiệu, biểu ngữ và cờ giấy cầm tay bị gió cuốn
bay đi nằm bẹp dưới đường trông thật thảm thương. Bao nhiêu tiền của
bỏ ra mà chẳng dùng được vào chuyện mong muốn.
Từ trong xe, Tổng Thống nhìn thấy mà bực tức cho công trình nhằm làm
nổi bật thanh thế của mình bị hư hỏng một cách đáng tiếc. Tiếc vì ý
định không thành chứ không phải vì hao tiền tốn của cho công quỹ.
Thế là đoàn công xa ầm ì chạy qua dưới những cặp mắt ngẩn ngơ nhìn
cơn mưa gió mà lo ngại cho thân mình. Ðoàn xe qua rồi mà hàng hàng
lớp lớp những người đi đón vẫn chưa ra về được, không phải vì luyến
lưu vị Tổng Thống kính yêu mà vì bị gió mưa giam hãm.
Trong khi đó, phần còn lại của thủ đô Sài Gòn đang vui mừng hớn hở
với cơn mưa rất được mong chờ sau bao nhiêu ngày nắng hạn. Nếu tin
dị đoan chắc là Tổng Thống phải cho là điềm trời. Nhưng, thường thì
người ta chỉ tin nếu là điềm tốt. Mà xấu sao được vì hôm sau các báo
Sài Gòn đã đăng những bức ảnh đẹp của Tổng Thống Nguyên ở thượng
đỉnh. Làm đẹp lòng Tổng Thống Nguyên nhiều nhất là các tấm ảnh trước
và sau phiên "mật đàm cà phê". Ảnh trước khi vào mật đàm chụp hai
Tổng Thống Việt và Mỹ ngồi châu đầu nhau qua chiếc bàn xa lông như
tâm sự rất thân mật. Ảnh sau mật đàm là ảnh đã được báo chí Huê Kỳ
đăng ngay hôm sau ở Wake, cho thấy hai nhà lãnh đạo thân thiết
choàng vai nhau bước ra khỏi phòng họp.
Lối tiếp đón rầm rộ, vĩ đại chưa từng thấy, dù là dưới chế độ độc
tài gia đình trị của Tổng Thống Diệm, bị đông đảo dư luận cho là phí
phạm công nho, xài phá tiền bạc của người chịu thuế một cách vô lối.
Do đó, chế độ bị phê phán và chỉ trích thậm tệ. Bắt đà, các tờ báo
và dân biểu đối lập lên tiếng phản đối hành động thiếu suy xét của
chánh phủ, với con số người đi đón bị ốm vì trúng nắng, bị mưa làm
tài liệu chứng minh.
Ðiểm làm dư luận xúc động nhiều nhất là số đông các trẻ em ít tuổi ở
cấp tiểu học mà cũng là nạn nhơn của "lễ diễu võ dương oai" của Tổng
Thống! Thủ tướng Thanh thấy lo ngại vì ông nghĩ rằng đó là lỗi ở
ông, tổ chức mà không nhìn xa, không thấy trước những lợi hại của
một việc làm. Tuy nhiên, là một người làm chánh trị khéo khôn ông
lại tự biện minh là tại cấp thừa hành quá mạnh tay để thấy có một
phần nào yên tâm, nếu Tổng Thống trách cứ.
Thế nhưng, Thủ Tướng đâu cần phải thắc mắc cho điểm lương tâm của
ông khi được biết Tổng Thống đã chỉ thị thẳng bộ thông tin ra lệnh
tịch thu ngay những tờ báo khó thương đó. Ðiều khoản tự do ngôn luận
của hiến pháp cũng như luật báo chí không cho hành pháp hành động
như thế, nhưng quy chế điều hành về các phương tiện truyền thông đã
có những kẽ hở cho nên nhà nước cứ khai thác. Luật pháp và quy chế
thường được khai thác theo chiều hướng có lợi cho người áp dụng.
Từ khi chấp chính đến nay, việc tịch thu báo là hành động mạnh tay
đầu tiên của Tổng Thống Nguyên, con người của một chánh đảng trước
kia thường tranh đấu cho "đệ tứ quyền" để cho báo chí được tự do.
Hành động này cho phép người ta hiểu rằng, với kết quả tích cực của
thượng đỉnh và với cái "chi phiếu chánh trị chưa điền số tiền" của
Tổng Thống Huê Kỳ trao cho ông ở đảo Wake, Tổng Thống Nguyên tự cho
mình có toàn quyền hành động trong tinh thần của cái gọi là "chánh
trị trung dung" của ông.
Những ai nhạy cảm chánh trị đều cho rằng chỉ sau thượng đỉnh có mấy
ngày mà Tổng Thống đã chuyển hướng đường lối cai trị, bắt đầu ló mòi
độc tài. Hội đồng quốc gia báo chí lên tiếng phản đối gay gắt. Dân
biểu chủ tịch ủy ban thông tin và chiêu vận của quốc hội cũng đăng
đàn phê bình mạnh mẽ hành pháp, đặc biệt là Tổng Thống vì ông được
biết rằng hành động vi hiến đó xuất phát từ khẩu lệnh của Tổng
Thống. Ông nói thẳng ra rằng "Tổng Thống Nguyên đã để lộ chân tướng
chuyên quyền sau khi Tổng Thống nhận lãnh ấn kiếm từ tay 'Hoàng Đế
Huê Kỳ' của ông ở thượng đỉnh Wake". Lời phê bình nặng tính mỉa mai
châm biếm đó của ông dân biểu tạo nên một sự thích thú cho hội
trường, dẫu cho bầu không khí đang trang nghiêm, vì một biến cố kiểu
thọc gậy vào bánh của chiếc xe tự do dân chủ. Tiếng vỗ tay và lời
hoan hô vang vậy hội trường, ông chủ tịch quốc hội Phạm Hoàng Chỉnh
giật mình như vừa tỉnh cơn ngủ gật vội vàng chụp lấy chiếc búa cây
gõ gấp ba tiếng và tuyên bố phiên họp bế mạc.
Dân biểu phản đối ông chủ tịch về hành động cắt ngang phiên họp vì
chưa đi đến phần nghị quyết liên hệ đến văn thư khuyến cáo hành
pháp. Ðoàn người từ quốc hội vừa đổ ra đường thì bên kia đường Tự
Do, đối diện với quốc hội và trước trung tâm báo chí đã có một cuộc
biểu tình bỏ túi của nghiệp đoàn báo chí và ấn phẩm miền Nam.
Ký giả và phóng viên các báo thủ đô, lợi dụng phiên thuyết trình
tình hình hàng ngày của trung tâm để phát động một cuộc biểu tình
chống lại lệnh tịch thu báo của chánh phủ. Biểu ngữ bằng vải trắng
chữ đỏ được căng lên và truyền đơn bươm bướm được tung ra trắng cả
công viên cạnh đó. Quần chúng hiếu kỳ càng lúc càng tụ tập đông thêm
làm cho nhân số biểu tình như được gia tăng. Phóng viên các đài
truyền hình ngoại quốc được dịp tốt thu những đoạn phim độc đáo về
sinh hoạt dân chủ của đồng nghiệp Việt Nam của họ.
Nhiều xe sơn màu xanh lá cây và màu trắng của cảnh sát chở đầy nhân
viên công lực, mở hết tốc độ, còi hụ inh ỏi, ánh đèn chớp màu đỏ
quay tròn trên mui, từ nhiều phía đổ xô về địa điểm tụ tập. Không
bao lâu, cả khu quốc hội được vòng đai cảnh sát chiến đấu và kẽm gai
khóa kín. Người hiếu kỳ được loa cảnh sát yêu cầu rời địa điểm và
người biểu tình được yêu cầu phản đối trong thầm lặng và trật tự để
trả sự ổn định và yên ổn lại cho sinh hoạt của trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, phong trào chống đối của báo chí không vì thế mà nằm im
vì phản đối càng lên thì đàn áp càng mạnh và càng đàn áp thì chống
đối càng tăng. Báo ngày, rồi báo tuần cũng bị tịch thu càng lúc càng
nhiều hơn vì dư luận chống đối chánh phủ không hạ cơn sốt. Không
những bị tịch thu không thôi mà còn có một số chủ nhiệm, chủ bút hay
giám đốc biên tập bị truy tố ra tòa. Cứ như vậy mà thế hung hăng của
hành pháp ngày một leo thang, như hòn đá tảng từ dốc cao lăn xuống
chân núi tốc độ càng lúc càng nhanh!
Ðến ngày thứ ba thứ tư gì đó thì thái độ bình tỉnh và kiên nhẫn của
hành pháp không còn nữa. Những miếng võ dùi cui của cảnh sát "bạn
dân" bắt đầu xuất hiện và hậu quả là những nạn nhơn u đầu sứt trán
càng ngày càng đông. Bệnh viện Sài Gòn gần đó trên đại lộ Lê Lợi
càng phải nhận thêm nhiều nạn nhơn trong trường hợp cứu cấp. Dùi cui
rồi võ cận chiến cũng bất lực trước lòng căm phẫn của quần chúng,
chánh quyền đành cầu cứu đến biện pháp mạnh.
Lựu đạn cay thi nhau bay vào đám đông biểu tình. Mắt cay thì lệ rơi
nhưng đã có chanh và khăn ướt. Thế là hết cay, người ta kéo nhau trở
lại và áp dụng chiến thuật biểu tình nghi binh, một mặt rút chạy,
mặt khác tiến vào. Một đoàn cảnh sát mà phải đánh mấy mặt trận một
lúc thì cũng phải mỏi mệt. Nhưng, khói lựu đạn cay thay vì dẹp đám
người biểu tình thì lại làm tăng thêm nỗi bực tức của một vài nhóm
quần chúng khác. Theo diễn tiến của phản ứng dây chuyền, chánh quyền
ngày một thẳng tay hơn trong đàn áp thì quần chúng đối kháng cũng
lan rộng ra nhiều thành phần khác.
Chống chánh quyền là một bệnh truyền nhiễm vì mấy khi người dân thấp
cổ bé miệng có dịp nặng lời với nhân viên công lực, người đại diện
hung ác của nhà nước, nên khi một nhóm người đã làm được thì tại sao
nhóm người khác lại không làm? Và càng chống đối, chánh quyền càng
chống trả đàn áp thì càng để hở chỗ yếu của mình cho hàng ngũ đối
kháng có dịp tấn công.
Ngoài đường phố người lớn biểu tình thì trong chu vi nhà trường sanh
viên học sanh bắt đầu hội thảo. Nhận định rằng chánh quyền càng ngày
càng hung hăng, bất chấp nguyên tắc dân chủ trong chiều hướng giải
quyết những khó khăn của quốc gia, sanh viên và học sanh Sài Gòn bắt
đầu nhảy vào vòng chiến để tăng cường hàng ngũ của những ký giả chân
yếu tay mềm.
Tuổi trẻ bao giờ cũng năng động nên lối biểu tình của sanh viên học
sanh được tiến hành mạnh bạo hơn. Ngoài việc bênh vực cho đệ tứ
quyền, những người trẻ bất mãn kia đưa thêm vào mục tiêu tranh đấu
một điểm mới của chính họ. Họ kêu gọi chánh quyền hãy để cho tuổi
trẻ yên tâm với học đường, đừng để thanh thiếu niên phải mang lấy
mặc cảm quân trường, một khi chiến tranh đã lắng đọng.
Ðám lửa đối kháng về tự do báo chí chưa được dập tắt thì trái nổ
chống đối khác lại bùng lên. Sanh viên học sanh tổ chức những cuộc
biểu tình lưu động bằng xe đạp và xe gắn máy mà dân Sài Gòn mới thấy
lần đầu tiên qua những năm xáo trộn và chánh biến. Ban đầu chỉ là
những cô cậu lượn phố bằng xe gắn máy rất học trò và rất dễ thương.
Tới một giao điểm hẹn trước, có tác dụng đánh mạnh vào tâm lý quần
chúng, thì lập tức hai xe đi đầu nhập lại rồi tách ra thì một biểu
ngữ đã được căng ngang và di chuyển trên đại lộ. Theo sau là một dọc
dài hàng đôi những xe gắn máy đủ kiểu. Những xe cuối cùng thì tung
truyền đơn chống chánh phủ và giải thích cùng đồng bào, còn những xe
đi giữa thì la to những khẩu hiệu tranh đấu.
Cuộc biểu tình "cơ giới hóa" như vậy đi qua được nhiều đường phố
đông người qua lại trong đô thành với một tốc độ nhanh trước khi
cảnh sát kịp thời can thiệp để giải tán bằng lựu đạn cay. Nhưng cảnh
sát khó bắt được ai vì khi có báo động thì đoàn xe rả đám ngay và
phân tán chui vào các đường con ngõ hẻm. Thành ra, khói lựu đạn cay
không mấy tác dụng với người biểu tình vì họ đã biến vào các xóm,
chỉ tội cho những người làm ăn tại chỗ hay khách qua đường lỡ bước
đi ngang phải lãnh hết khói cay.
Chẳng khác nào cuộc chiến tranh không ranh giới và mờ mịt bạn thù ở
Việt Nam Cộng Hòa từ bao lâu nay, người đi tảo thanh càng hành động
mạnh thì lại tạo thêm căm hờn trong giới quần chúng vô can. Lựu đạn
cay kia không dẹp được nhóm sanh viên học sanh biểu tình bao nhiêu
nhưng lại gây thêm nhiều bất mãn trong lòng dân chúng. Phong trào
chống đối của sanh viên học sanh càng bị đàn áp tàn bạo càng tạo
thêm dư âm. Nhiều hội đoàn học sanh sanh viên trên toàn quốc cũng
như một vài tổng hội sanh viên nước khác đã đánh điện hỗ trợ. Phấn
khởi với những trường hợp ủng hộ tinh thần như vậy, sanh viên học
sanh càng đẩy mạnh thêm hình thức chống đối. Họ tổ chức những toán
người "Nói cho đồng bào tôi nghe" để mở chiến dịch rỉ tai trong diện
quần chúng có khả năng xung vào hàng ngũ tranh đấu cùng với họ.
Xuống đường biểu tình chống đối chánh quyền ở Sài Gòn gần như vết
dầu loang, ngày một thêm rộng ra về diện tích cũng như về thành phần
xã hội. Thiếu khả năng, mà cũng thiếu luôn chánh nghĩa để chận đứng
làn sóng phản đối, chánh quyền kể như bị bó tay. Thừa thắng xông
lên, các nghiệp đoàn cũng nhảy vào chiến tuyến đối kháng với chánh
phủ vì họ nghĩ rằng nếu thắng đợt này thì sau đó nhà nước chẳng tha
ai.
Chống chánh quyền gần như là thuốc phiện của người dân trong chế độ
dân chủ. Sống trong một môi trường mà người cai trị được coi như một
thiểu số hưởng ân huệ do lá phiếu nhơn dân ban cho thì chánh quyền
không bao giờ được tha thứ nếu bị coi là không lưu tâm đến nhu cầu
dân chủ của quần chúng. Một khi chánh phủ đã lỡ đánh mất niềm tin
nơi dân chúng thì có giải thích bao nhiêu cũng không ai nghe.
Người ta không buồn nghe chánh phủ nói nữa mà chỉ nhìn vào biến cố
thực sự xảy ra để đánh giá hành động và tư cách của chế độ. Từ đó,
nhơn dân sẽ quyết định thái độ của mình đối với chánh quyền. Nghiệp
đoàn tăng cường chiến tuyến chống đối không phải để đáp ứng lại
tiếng gọi của những người sanh viên học sanh đáng tuổi em cháu họ,
mà vì họ ý thức được trách nhiệm của họ trong hành trình tìm lấy
tương lai bản thân.
Sức bành trướng của phong trào chống đối chánh phủ biến thành chống
đối chế độ Nguyễn Vĩnh Nguyên ngày một mạnh mẽ và đa dạng làm cho
Hoa Thịnh Ðốn cảm thấy lo âu. Lợi dụng một cuộc họp báo bất thần với
một số ký giả đặc phái tại Bạch Cung, Tổng Thống Huê Kỳ tuyên bố:
"Tôi xác nhận một lần nữa những nhận xét của tôi tại thượng đỉnh
Wake về khả năng lãnh đạo của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn
Vĩnh Nguyên. Tôi tin rằng trong thời gian rất gần đây, Tổng Thống
Nguyên sẽ khắc phục được những bất ổn xã hội ở thủ đô Sài Gòn. Tình
hình xáo trộn đó chỉ có lợi cho cộng sản. Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ lúc
nào cũng coi Tổng Thống dân cử Nguyễn Vĩnh Nguyên là nhà lãnh đạo
hợp pháp của Việt Nam Cộng Hòa."
Lời tuyên bố của Tổng Thống Huê Kỳ được Tổng Thống Nguyên diễn dịch
và coi đó như là một sự ủng hộ chí tình. Tổng thống chỉ thị cho cảnh
sát thẳng tay hành động với những người chống đối để bảo vệ trật tự
và an ninh cho đồng bào. Nhân dịp chủ tọa lễ mãn khóa sĩ quan cảnh
sát tại Học Viện Cảnh Sát Thủ Ðức, Tổng Thống Nguyên đọc một bài
diễn văn trong đó có đoạn sau đây rất được quan tâm:
"... Tôi quan niệm cảnh sát là cánh tay cương quyết của luật pháp
quốc gia, cánh tay của người trưởng tộc trong gia đình. Cánh tay đó
vừa thương yêu đùm bọc mà cũng vừa mạnh dạn trừng phạt để hướng dẫn
người con trong gia đình đi đến chỗ thành nhơn. Trước những bất ổn
xã hội hiện nay, cảnh sát phải luôn luôn giữ được vai trò trừng trị
mà giáo huấn đó và một tư cách thật sự bạn dân. Một người bạn tốt
không phải là một người bạn cám dỗ, khuyến dụ mà phải là một người
bạn biết đưa thân hữu mình vào đường ngay nẻo chính bằng phê bình
chỉ trích, dù
phải bị bắt buộc làm những điều đó một cách nặng tay và sỗ sàng."
Lời tuyên bố của Tổng Thống Huê Kỳ cộng với lời đe dọa ngụy trang
trong bài hiểu thị sĩ quan cảnh sát của Tổng Thống Nguyên làm cho
bầu không khí chống đối như lửa bắt gặp chất nhiên liệu mới. Mục
tiêu đối kháng càng ngày càng gia tăng như một khối tuyết lăn lóc từ
đỉnh núi cao xuống thung lũng, càng lăn càng to lên với lượng tuyết
bám vào.
Từ thế chống đối của những nhà báo, thời sự đã bước sang thế chống
đối của những người trẻ tuổi ngại quân trường, rồi thế chống đối của
người Việt Nam nói chung chống Mỹ. Ở mục tiêu này, quần chúng đối
kháng bắt đầu có một mẫu số chung, một đối tượng của toàn thể, nên
cao trào chống đối kể như lên tột đỉnh. Chính phủ ban hành lệnh giới
nghiêm, từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, ở thủ đô Sài Gòn. Những
thành phố lớn của Việt Nam Cộng Hòa không cần quan tâm đến sinh hoạt
hàng ngày để sống, để tồn tại mà lăn xả vào những biến động phản
kháng, một thế phản kháng cần thiết để hiện hữu.
Quân nhân và kiều dân Mỹ được đặt trong tình trạng báo động và được
tòa Đại Sứ khuyến cáo là nên hạn chế di chuyển ngoài đường phố. Nếu
phải di chuyển thì nên đi từng nhóm tối thiểu hai người và phải được
vũ trang. Bầu không khí các thị trấn bắt đầu khó thở và cảnh tượng
phố phường trở nên hoang vắng như những ngày Tết Mậu-Thân!
Sau một tháng đàn áp chống đối và dẹp biểu tình, cảnh sát sắc phục
lẫn cảnh sát dã chiến thấy rã rời hàng ngũ cũng như tinh thần. Ngày
một, ngày hai hành động của họ chẳng còn hiệu quả gì nữa mà xem lại
thì như một trò chơi rượt bắt của trẻ con. Người chống đối xuống
đường hay phản kháng thì có lý do, có mục đích trong khi kẻ rượt
đuổi thậm chí bắt bớ là để ăn lương, núp sau tấm bình phong mỹ miều
gọi là vì nước vì dân chứ chẳng phải vì một ý niệm nào rõ rệt.
Trong lúc đó người dân bàng quan vô tích sự chỉ lo làm ăn cũng không
yên thân cho nên số lượng người bất bình với chế độ cứ tăng lên.
Thậm chí người ta còn so sánh là "chế độ dân cử, Tổng Thống dân sự
gì mà bết hơn mấy ông nhà binh ngày trước?!" Tổng thống Nguyên bèn
nghĩ đến khí giới cuối cùng của chế độ là quân đội.
Sau khi hội ý với đại tướng tổng tham mưu trưởng và được đặc ủy
trưởng trung ương tình báo trình là rất có thể cộng sản đã xâm nhập
vào các hệ thống của phong trào chống đối, Tổng Thống Nguyên quyết
định công bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc và cai trị
bằng sắc lệnh. Những người chiến sĩ của tiền tuyến ngày nào giờ đây
phải trở lại hậu phương, không phải với hai mươi bốn hay bốn mươi
tám giờ phép mà là để tiếp tay với cảnh sát dẹp loạn dân sự.
Những tay súng đầy quả cảm trên chiến trường hay nhiều gian khổ
trong rừng sâu dù được về thành phố nhưng lòng họ kông thấy vui mừng
hớn hở như thời gian đi phép. Trên chiến tuyến mới này, đối tượng
của họ không còn như trước vì không hẳn là kẻ thù mà có thể là con
em, là bằng hữu, thậm chí là người yêu của họ. Súng họ vẫn cầm tay
nhưng chỉ là những vũ khí không hồn vì không được nạp đạn mà gắn
lưỡi lê với tiêu lệnh là chỉ được sử dụng trong trường hợp tự vệ và
bất khả kháng.
Nhưng, liệu người chiến sĩ có đủ can đảm dùng lưỡi lê kia hay không
vì lương tâm của họ không cho phép coi đối tượng ở đây như là một kẻ
thù tự nhiên, cần phải triệt tiêu ưu tiên, trước khi nó hạ mình.
Trên chiến trường ngoài kia, quy luật chiến tranh đã khá phức tạp
cho họ rồi vì phải chiến đấu sống mái với đồng loại trước mặt. Màu
da và tiếng nói như nhau và khác biệt chăng, chỉ là khác biệt trong
tâm tư tình cảm qua ý thức hệ, lý tưởng và lập trường chánh trị.
Ngoài kia, nếu người lính chiến không phải đắn đo khi bóp cò súng hạ
đối tượng vì nếu không thì anh cũng sẽ bị bắn ngã. Ở đây, trái lại
là đối tượng cùng lý tưởng, chung lập trường nhưng chỉ có cung cách
bảo vệ là khác nhau mà thôi.
Hơn nữa, đối tượng của anh lính chiến giữa lòng đô thị hôm nay đâu
phải là một đối tượng quyết tâm triệt tiêu anh bằng bất cứ giá nào.
Thế là người chiến sĩ từng có một thời tung hoành ngoài hỏa tuyến
không chút mặc cảm, giờ đây ngồi ở gốc cây, nơi trụ đèn hay nằm dưới
mái hiên phố thị bỗng dưng ý thức về sứ mạng mới của mình một cách
chua cay và ngao ngán. Càng não nề và nản lòng cho anh hơn nữa khi
khói lựu đạn cay của cảnh sát đôi khi lại quấy rầy những người chiến
sĩ không có mặt nạ chống hơi.
Nỗi bất mãn của thành phố ngày càng gia tăng lại được một vài yếu
nhân lập pháp lẫn hành pháp hỗ trợ. Thái độ phê bình và phản đối
tình hình chánh trị và xã hội làm cho uy tín của Tổng Thống Nguyên
bị tổn thương nhiều nhất xuất phát từ Quốc Tiến và nhất là những lời
tuyên bố của Phó Tổng Thống Trần Việt. Từ lâu nay, cái thế chánh trị
đồng sàn dị mộng của hai ông chánh và phó chỉ có môi trường chánh
trị hạn hẹp nhận thấy mà thôi.
Ngày nay, với khuynh hướng "Dân Chủ Trung Dung" của Tổng Thống
Nguyên, ông phó của Tổng Thống không chấp nhận và cũng không thể bất
đồng ý kiến một cách thầm lặng được nữa. Dù sao, đã đến nước này thì
Phó Tổng Thống Trần Việt cũng phải nghĩ đến sự tồn tại của chế độ,
uy tín của Quốc Tiến và thế chánh trị tương lai của chính ông. Phó
Tổng Thống Trần Việt cho rằng:
- Lãnh đạo không thể còn dân chủ khi đã xa rời nhơn dân và coi
nhơn dân như một đối tượng cần được vô hiệu hóa để bảo vệ mưu đồ
chánh trị đen tối của một cá nhơn. Một nền dân chủ chỉ có thể tồn
tại và đứng vững nếu là một nền dân chủ của dân và cho dân. Nếu dân
chủ chỉ là dân chủ riêng cho tầng lớp lãnh đạo thì dân chủ kia đã
mất môi trường để chỉ còn là độc tài mà thôi.
Lập trường công khai của Phó Tổng Thống Trần Việt như một thùng xăng
tạt vào ngọn lửa tranh đấu của quần chúng. Ngọn lửa mới và được thêm
chất đốt này bùng lên thật mạnh và toàn thể nổ lực đối kháng của Sài
Gòn đã dồn vào một cuộc biểu tình to lớn trước tòa Đại Sứ Mỹ nằm
trên đại lộ Thống Nhứt, lưng chừng giữa Dinh Ðộc Lập và Dinh số bảy
Thống Nhứt.
Ban đầu là mít tin, biểu tình ngồi, hô hào phản đối lời tuyên bố
bênh vực Tổng Thống Nguyên của Tổng Thống Huê Kỳ và phê phán nhịp độ
giải kết chiến tranh Việt Nam của Mỹ. Lần hồi cơn giận lên cao,
người biểu tình bắt đầu ném trứng thối, cà chua để đi lần đến ném
đá. Hàng rào quân nhơn tăng cường bị chọc thủng, hàng rào cảnh sát
cũng chào thua trước làn sóng người biểu tình nổi giận chạy ùa vào
tận tường thành và cổng sắt.
Một vài thanh niên lực lưỡng định phá cổng sứ quán làm cho toán thủy
quân lục chiến Mỹ phụ trách an ninh sứ quán hốt hoảng nổ súng đe
dọa, nhưng chẳng may viên đạn vô tình đã làm một nữ sinh bị trọng
thương ở bụng. Người ta đưa gấp người nữ sinh nạn nhơn vào bệnh viện
thành phố, nhưng máu của cô gái ngã quỵ kia đã trở thành một kích
thích tố khá mạnh cho đoàn người chống đối. Tâm lý đám đông lúc nào
cũng dành nhiều cảm tình cho kẻ yếu đuối nhưng, người yếu đuối ở đây
lại thuộc phận nữ nhi liễu yếu đào thơ.
Quần chúng biểu tình càng căm tức hơn nữa khi họ nghĩ rằng cô nữ
sinh trẻ đẹp kia phải là một thần tượng để tôn thờ trong tình yêu
sao lại phải ngã xuống giữa lòng thành phố trong một môi trường hỗn
loạn. Thế là hỗn loạn lại lên cao, cảnh sát và quân đội được tăng
cường. Khói lựu đạn cay mịt mù, vòi nước dẹp biểu tình của cảnh sát
được xe vòi rồng của cứu hỏa thành phố tiếp tay nhảy vào vòng chiến
thật tàn bạo và chiến xa cũng hăm hở tiến vào. Một vài tiếng súng đe
dọa nổ lên đâu đó và người thính tai nghe được tiếng đạn bay trên
đầu đoàn biểu tình. Chế độ đã quyết tâm làm mạnh. Cả khu sứ quán dày
đặt khói cay và bụi nước, che mờ tòa nhà đồ sộ cho người đứng đàng
xa có một ảo ảnh như tòa Đại Sứ đang ở sau màn sương mù.
Sự xuất hiện của những phương tiện nặng mà chánh quyền đưa ra, như
là một nước cờ cuối cùng, may mắn thay giải tán được đám đông mỏi
mệt vì thời gian hành động và lả người vì khói cay và sức đẩy của
các vòi nước. Những người phản kháng, một số thì tản mác đi các phố
nhỏ hay đường hẻm quanh khu xáo trộn, một số thì bị bắt lên xe đưa
đi, một số thì nằm lại khu vực đấu tranh. Khi khói mờ bay đi và bụi
nước lắng xuống, cảnh khu vực đấu tranh sau giờ hành động trông thật
là bi đát!
Những người con gái, những đứa con trai bất tỉnh vì khói lựu đạn, vì
sức đẩy vòi nước còn nằm la liệt trên lòng đại lộ ngập nước và trên
hè phố ướt sũng. Trong đám người nằm la liệt trên mặt đường nhựa
kia, lạ thay còn có một người chiến sĩ nằm yên, hai tay dang ngang,
hai chân duỗi thẳng như chừng đang nằm trên thập tự giá. Chiếc nón
sắt của anh lăn xa xuống miệng cống còn cây súng oai hùng thì nằm ở
đầu tầm tay.
Các đơn vị quân đội đã rút đi từ lâu mà sao chỉ còn mình anh nằm
lại? Những người biểu tình còn đó, lớp thì mệt nhọc lo lấy phận
mình, lớp thì căm giận lực lượng võ trang đàn áp chẳng ai buồn quan
tâm đến cái xác của người lính chiến lạc loài. Vùng đất đấu tranh
vừa mới ồn ào náo nhiệt đó giờ đây hoang vắng như bãi tha ma. Những
người lính thủy quân lục chiến Huê Kỳ đứng bên trong cổng sắt nhìn
ra như những con hổ trong chuồng sắt vườn bách thú.
Ðêm đã xuống, khu vực sứ quán êm tĩnh và vắng lạnh vì đã vào giờ
giới nghiêm. Thế nhưng, anh chiến sĩ lạc loài kia vẫn nằm yên đó.
Lính canh sứ quán ra nhìn rồi trở vào gọi điện thoại cho những nơi
liên hệ. Nửa giờ sau, một chiếc xe hồng thập tự quân đội ào ào chạy
đến, còi hụ inh ỏi, đèn đỏ chớp lia lịa. Tiếc thay, thái độ gấp rút,
vội vàng kia để làm gì khi linh hồn anh lính chiến đã rời bỏ thân
xác của anh mà đi tự lúc nào! Buồn ơi là buồn cho anh chiến sĩ ở
tiền phương, không chết vì đạn thù trên bãi chiến trường mà về thủ
đô nằm chết trên đại lộ vì ai và vì đâu? Một nghịch cảnh giữa lòng
thành phố thân thương, nơi anh được đưa về để giữ gìn trật tự và an
ninh!
Chiếc xe hồng thập tự của quân vụ thị trấn đưa xác chết của người
lính chiến, chưa được thừa nhận, tạm gửi quân y viện Cộng Hòa, chờ
thủ tục. Trên ngực áo của anh có thêu họ tên "Dương Ái Quốc" nhưng
trong người anh chẳng có một mảnh giấy tờ tùy thân nào. Lòng vòng
mãi một lúc rồi người ta cũng tìm ra được đơn vị của anh, trong khi
đơn vị liên hệ kéo về thiếu mất một người cũng chẳng cần quan tâm.
Ðâu có gì quan trọng, thiếu mất một người thì chờ qua đêm coi nó có
trở về không. Nếu không thì chỉ cần làm một cái công điện báo cáo
một người mất tích hay đào ngũ lên đơn vị trên thế là xong. Thiếu
mất một cây súng chắc còn quan trọng hơn thiếu một người lính!
Sau khi phẫu nghiệm thi thể, bác sĩ pháp y phán rằng đương sự chết
vì bệnh tim phát chứng. Thế là người ta đem chôn Quốc một cách bình
thường và đơn giản, không gì phải thắc mắc. Trung đội của Quốc đề
nghị lên đại đội xin thượng cấp thuận cho anh được "chết vì công
vụ", đại đội "kính chuyển với hảo ý" lên tiểu đoàn, nhưng lên đến sư
đoàn thì bị bác vì không có lý do chính đáng.
Nếu được cho là chết dưới cờ, chết trong khi chiến đấu thì vẻ vang
cho người chiến sĩ và thủ tục mai táng và hành chính sau đó cũng
khác đi. Quyết định của sư đoàn, trên nguyên tắc là đúng, nhưng
trước kia đã có không biết bao nhiêu trường hợp sĩ quan cấp tá cũng
như cấp úy được hưởng ngoại lệ. Ông thì chết vì cảm cúm thương hàn,
ông thì chết vì mỗ ruột dư, thậm chí có ông tá ra đi trong khoái cảm
vì "cỡi ngựa trúng gió", mã thượng lạc mạo phong, cũng được coi là
"chết tại mặt trận" để quan tài được phủ lá quốc kỳ cho khách qua
đường gặp đám tang mà lòng thầm ngưỡng mộ một người lính chiến đã
"hy sinh vì Tổ Quốc" và để nấm mộ ông được nằm dưới bóng tượng đài
có ghi mấy chữ "Tổ Quốc Ghi Công"! Nhưng, đâu đã hết vì sau đó gia
đình, vợ con ông còn được hưởng phụ cấp tử tuất hậu hĩ. Ở đâu trong
xã hội thì cũng thế thôi, công chúa phải gai bằng thuyền chài thủng
ruột!
Cỗ xe tang của binh nhất Dương Ái Quốc chỉ vỏn vẹn là một chiếc xe
4x4, không mui, không bạt che nắng đậy mưa, bùn đất dơ bẩn, chạy vùn
vụt trở về hậu cứ để chôn anh ở nghĩa trang sư đoàn. Trên xe chỉ có
một anh binh nhì, bạn thân của Quốc, trong bộ quân phục tác chiến
ngụy trang thật chỉnh tề, ngồi cạnh quan tài để đưa Quốc về nơi an
nghĩ cuối cùng. Chiếc hòm của Quốc, loại hòm rẻ tiền nhất, cứ nẩy
tâng tâng trên sàn xe mỗi khi xe qua ổ gà hay chạy trên đường đá gồ
ghề. Nhưng người lính lái xe đâu phải quan tâm đến sự yên thân của
người chết phía sau xe mà chỉ cần phóng nhanh để sớm xong chuyến
công tác.
Chiếc quan tài cô độc của Quốc được đặt vào lòng đất mẹ thân yêu vừa
xong thì một cơn mưa nặng hột đã tràn tới như khóc thương cho người
chiến sĩ xấu số. Hai nhân viên của đội chung sự hối hả lấp đất để
nhanh chân chạy tránh cơn mưa. Thôi thì cũng xong một kiếp người,
một cuộc đời, vì có ai tìm hiểu làm gì nỗi đắng cay của con người
nằm trong chiếc áo quan kia đang đi vào lòng đất quê hương lần cuối
cùng và mãi mãi.
Như thế, đơn vị của Quốc, quân đội và đất nước Việt Nam Cộng Hòa có
thể coi như đã làm xong bổn phận cho một đứa con của quê hương vừa
nằm xuống. Nhưng chưa chắc gì linh hồn của Quốc đã được yên bình
dưới ba tấc đất, nếu người đời biết được tâm tư tình cảm của Quốc
qua tập nhựt ký dày cộm những tâm sự mà người bạn thân của anh vừa
tìm được trong bao quân trang, di sản của người chiến sĩ chẳng may.
Quốc là người lính thầm lặng nhất trong đơn vị. Ban đầu, bạn đồng
đội cho là anh lập dị, hợm mình nên tìm mọi cách để trêu ghẹo hoặc
để phá tan cái trầm buồn bí hiểm ở anh mà họ cho là một nỗi sầu
tình, thương nhớ người yêu nào đó còn để lại nơi chốn hậu phương.
Lần hồi, các bạn đồng đội mới biết rằng đó là bản tính của Quốc để
rồi phải tôn trọng cá tính của anh. Họ không còn quấy rầy Quốc nữa
mà lại thương mến anh càng ngày càng nhiều hơn.
Quốc không bao giờ tâm sự với ai, chỉ biết cặm cụi làm tròn bổn phận
người lính chiến. Người ta không bao giờ thấy Quốc xin đi phép. Bạn
bè anh có cảm tưởng rằng đơn vị là gia đình và những ngày nghỉ xả
hơi sau chiến dịch là thời gian đi phép của anh. Ðồng đội kính trọng
sự im lặng của Quốc và vì thương anh, bạn bè cũng như cấp chỉ huy
trực tiếp đều để cho anh thoải mái với nếp sống riêng tư của anh.
Với thời gian, Quốc đã trở thành mối tình của đơn vị.
Mến Quốc, thương Quốc nhưng không một ai hiểu được cuộc đời riêng tư
của anh. Ngay ban quản trị nhân viên của đơn vị cũng chỉ biết rằng
Quốc là một quân nhân mà một mai chết đi không cần phải báo cho ai
cả vì Quốc không có một thân nhân nào để ghi vào hồ sơ lý lịch hết.
Nay, khi Quốc đã nằm sâu dưới lớp đất trần gian rồi thì tất cả bí
mật của anh mới xuất hiện ra trên những trang giấy học trò của tập
nhựt ký kia. Nét chữ đẹp và nắn nót của Quốc đã ghi lại cuộc đời
nhiều khổ ít vui của anh khiến cho tình thương mà chiến hữu dành cho
anh lại càng tăng lên gấp bội.
Quốc là kết quả của một trận mây mưa tình ái giữa một người thôn nữ
ngây thơ và một anh lính thú đồn bót. Vụ cướp giựt lòng trinh bạch
của cô gái quê mùa, mẹ của Quốc, chưa được tòa án quân sự tuyên xử
thì người cha không tên của anh đã thành người thiên cổ vì giẫm phải
mìn bẫy của cộng quân trên đường tuần tiễu. Mẹ Quốc ôm lấy mối sầu
tủi hổ mỗi ngày một lớn trong thân xác của mình. Ngày Quốc chào đời
thì, bi đát thay, mẹ anh cũng ra đi về với lòng đất lạnh, vì sinh
sản khó khăn trong tay một bà mụ vườn.
Thằng bé trai sớm bơ vơ đó được người đời trao cho một cô nhi viện
của những dì phước trong tỉnh. Yêu thương thằng bé vì hoàn cảnh của
nó, vì dáng vẻ dễ mến của nó, vì tính dễ nuôi của nó ngay từ ngày đỏ
hỏn còn quấn trong tã, dì phước Mẹ Bề Trên của cô nhi viện thầm coi
nó như con của mình nên rất quan tâm đến thằng bé. Thấy vậy, những
dì phước và nhơn viên trong viện mô côi cũng dành cho thằng bé khá
nhiều chăm sóc.
Cứ như thế mà Quốc trưởng thành, như trong vòng thân ái của gia
đình. Quốc được cho đi học và được dạy dỗ ngoan ngoãn, hiền từ, gần
lành lánh dữ, tận tình tận tâm và quảng đại bao dung, hay nói gọn là
như một nữ tu trong xã hội. Càng lớn lên, càng thắc mắc về cội
nguồn, dỉ vãng của mình, Quốc đã bằng mọi cách tìm hiểu, nhưng còn
ai để nói cho anh biết?
Trưởng thành trong thời buổi binh đao, khói lửa đỏ trời, bom xăng
đốt đất đun sôi dòng nước quê hương, Quốc đã dấn thân vào cuộc chiến
trong bổn phận một công dân như bao người thanh niên khác. Mãi cho
đến ngày Mẹ Bề Trên của cô nhi viện cảm thấy mình tuổi cao, sức yếu,
sắp phải về nước Chúa, bà mới cho người gọi Quốc đi phép trở về cô
nhi viện để tiết lộ cho anh quá trình hình thành của chính anh. Từ
bé đến giờ, đây là lần đầu tiên anh mới thấy lòng mình xúc động mạnh
trước thân xác của một đóa hoa đang héo tàn, trước cái chết gần kề
của một người đã từng nuôi dưỡng và dạy dỗ anh thành nhơn. Qua hình
ảnh Mẹ Bề Trên, Quốc mường tượng về một người mẹ đã đưa anh ra đời
nhưng chẳng bao giờ thấy mặt.
Mấy tập vở trăm trang nhựt ký của anh binh nhất Dương Ái Quốc là một
mẩu tâm sự với chính mình, đầy đau thương và nước mắt, của một người
con trai côi cút, chỉ còn biết lấy quê hương làm người thương của
mình. Nhựt ký dở dang của Quốc nói lên nhiều nỗi khắc khoải của một
người trai thời chinh chiến mà cũng kể lại rất nhiều về hành trình
của một con người dám dứt bỏ tất cả để rồi dành lại cho đất nước tất
cả của chính mình.
Nỗi lòng của Quốc là một tình thương nước ngây ngô và thật thà vì
"trong lòng đất quê hương này có thân xác của mẹ Quốc, của cha Quốc
và của Mẹ Bề Trên cô nhi viện, người đã cho Quốc cái cơ hội tồn tại
trên cõi đời này để đền đáp chút công ơn của người sinh, kẻ dưỡng".
Tình thương nước của Quốc không phải là tình thương có lợi lộc thúc
đẩy hay vinh hoa lôi kéo. Tình thương nước của Quốc là một tình
thương đầy xót xa đau khổ qua những gì anh đã thấy tận mắt, nghe tận
tai trên đường hành quân của đơn vị. Không phải như lòng yêu nước
của những lãnh tụ, của những chánh khách, chỉ có địa vị và bổng lộc.
Một thời gian khá lâu sau cái chết nhiều thắc mắc của binh nhất
Dương Ái Quốc, dư luận trong đơn vị về mẩu nhựt ký của anh làm cho
một vài người hiếu kỳ phải quan tâm đến. Trong số đó có người sĩ
quan tâm lý chiến của đơn vị. Ông tìm đọc để biết tại sao những
trang tâm sự đó lại tác động đến tâm lý của đơn vị. Một trường hợp
không thể làm ngơ.
Nghiên cứu xong, người sĩ quan tâm lý chiến bàn với tiểu đoàn trưởng
và cứ theo hệ thống quân giai mà những trang nhựt ký Dương Ái Quốc
đi lần lên đến sư đoàn. Nhưng lần này chuyện của anh không bị sư
đoàn bác như trường hợp xin đặc ân cho anh ngày anh nằm xuống. Sư
đoàn suy nghĩ rất nhiều, bàn tới tính lui, cân nhắc lợi hại về tác
động của mẩu tâm tình lính chiến đó.
Thế rồi một hôm, trong một phiên học tập đặc biệt về chiến tranh
chánh trị dưới sự chủ tọa của Thiếu Tướng Tư Lịnh Sư Đoàn, quân nhân
các cấp đột nhiên nghe được:
"... Ðơn vị của mình lại về thành. Ðáng lý ra là một niềm vui cho
những thằng lính chiến như mình quanh năm ngày tháng chỉ biết có núi
rừng và bưng rẫy. Vậy mà mình không thấy vui trong lòng khi biết
rằng đơn vị về thành để dẹp biểu tình. Những ngày hành quân, đài
phát thanh có nói gì đến những xáo trộn tại hậu phương đâu? Giờ đây
về thành mới trắng mắt ra. Ðầu tắt, mặt tối với bọn cộng quân trước
mặt, cộng quân bên hông và cộng quân trong bóng tối, mình vẫn tưởng
rằng hậu phương yên ổn. Nào ngờ đâu?!
"Những tiếng còi hụ của xe cảnh sát rượt biểu tình làm cho bầu không
khí thủ đô càng thêm rùng rợn, hơn cả tiếng hú của hỏa tiễn địch bay
vào phòng tuyến đơn vị ngoài chiến trường. Ðêm qua, trên các hệ
thống truyền thanh và truyền hình, Tổng Thống kêu gọi lòng yêu nước
của mọi người để cho xáo trộn thôi phiền nhiễu nhơn dân. Nhưng, biểu
ngữ và truyền đơn của người biểu tình cũng kêu gọi lòng yêu nước của
chánh quyền để cho dân chủ được tốt đẹp. Thì ra, bên nào cũng nhân
danh lòng yêu nước theo cung cách của mình để đấu tranh với đối
tượng. Vậy thì tình yêu nước chân thật nằm ở đâu? Chẳng lẽ ở chính
mình, người lính chiến nhỏ bé, thấp hèn ..."
Giọng đọc của người sĩ quan tâm lý chiến như nghẹn ngào khi đọc đoạn
nhựt ký bỏ lửng của Dương Ái Quốc. Chưa lần nào đơn vị lại có một
phiên học tập chiến tranh chánh trị đơn sơ, giãn dị mà hấp dẫn và
cảm động như thế. Trong nỗi cảm xúc chung đó, người sĩ quan yêu cầu
hội trường hãy dành một phút mặc niệm cho người chiến sĩ âm thầm của
đơn vị. Cả hội trường đồng loạt đứng lên, đầu cúi xuống trong bầu
không khí linh thiêng như chừng có Quốc đâu đây. Phút mặc niệm chấm
dứt, mọi gương mặt ngẩng lên trong thế tự hào. Nhiều cặp mắt ngấn
lệ, trong đó có cặp mắt nghiêm khắc nhất của Thiếu Tướng Tư Lịnh Sư
Đoàn. Vì thương tiếc người chiến sĩ mến yêu hay vì căm tức những ai
"nhân danh lòng yêu nước", cứ dành cho quê hương chút tình yêu mến
dư thừa lẽ mọn?
(Hết Chương Bốn)
|