
CHƯƠNG NĂM
Sau khi cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Hoa Kỳ - một cuộc xuống
đường quy mô nhất của đợt chống đối - bị dẹp đi một cách mạnh bạo,
tình hình tạm thời lắng xuống. Chánh quyền cảm thấy nhẹ người phần
nào nhưng vẫn đề cao cảnh giác. Tình trạng thiết quân luật vẫn còn
hiệu lực nên cảnh quang của thủ đô vẫn còn nặng nề với sự hiện diện
trên mức bình thường của quân xa, kẽm gai và lính chiến.
Bên phía lực lượng biểu tình thì các thành phần xuống đường đã âm
thầm trở về môi trường sinh hoạt liên hệ, nhưng không ai nghĩ là họ
đang rửa tay gác kiếm. Dường như họ đang kín đáo và âm thầm hoạch
định một chương trình hành động có phối hợp chặt chẽ và hữu hiệu
hơn, để đương đầu với một hiện tượng mà họ cho là độc tài đang manh
nha, nhất là trong bối cảnh thiết quân luật.
Nếp sống của thủ đô có vẻ yên tĩnh trở lại nhưng người dân thủ đô
như cảm thấy một điều gì đó không được tự nhiên, không giống trước
kia, dù cho chẳng ai biết được vì sao. Giữa chánh quyền và quần
chúng nhân dân bắt đầu có một hố ngăn cách nào đó làm cho họ thấy
ngỡ ngàng, dù cho người cầm đầu là do đa số dân chúng bầu lên.
Bầu không khí xã hội của Sài Gòn như cảnh đất trời oi ả, đang chờ
cơn mưa giông thì trong cuộc họp báo bế mạc từ thượng đỉnh Manila
của Khối Liên Phòng Ðông Nam Á, Tổng Thống Hoa Kỳ lại có lời ca ngợi
Tổng Thống Nguyễn Vĩnh Nguyên, khi nói về tình hình cuộc chiến Việt
Nam. Sau khi nói tổng quát về chiến trường này, mà ông cho là phần
thuận lợi đang ở phía Việt Nam Cộng Hòa, ánh sáng đang le lói ở cuối
đường hầm và tiến trình giải kết của Mỹ đang diễn ra tốt đẹp, ông
không quên có một đôi lời dành cho cá nhơn Tổng Thống Nguyên:
"Như tôi đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh, Tổng Thống Việt
Nam Cộng Hòa là một lãnh tụ sáng giá mà chúng tôi có dịp may gặp gỡ
và cùng nhau lãnh đạo cuộc chiến đấu chống cộng ở vùng đất tự do đó.
Bằng chứng hùng biện là Tổng Thống Nguyễn Vĩnh Nguyên đã ổn định
được xáo trộn xã hội và chánh trị ở đất nước ông một cách vẻ vang và
hoàn hảo. Nhờ vậy mà phần thắng lợi của Thế Giới Tự Do ở tuyến đầu
đó nhất định sẽ thành hiện thực trong một tương lai không xa."
Ðược lời, như cởi tấm lòng, Tổng Thống Nguyên cảm thấy khích lệ và
nghĩ rằng tình trạng thiết quân luật mà ông đã ban hành là đúng, chớ
không phải như một vài tờ báo lá cải ở Sài Gòn đã chỉ trích. Vả lại,
những số báo đó đã được lịnh tịch thu. May cho họ là ông không ra
lịnh đóng cửa, chiếu tình trạng thiết quân luật.
Càng ngày, Tổng Thống Nguyên càng thấy lá bùa hộ mạng của Bạch Cung
tăng thêm nhiều hiệu lực thuận lợi cho ông nên cảm thấy yên tâm ở
phía Hoa Kỳ. Cũng nhờ vậy mà mấy lúc gần đây Tổng Thống ít bị đại sứ
Ellis Bagwell quấy rầy hơn. Cảm thấy yên tâm được một mặt, Tổng
Thống bắt đầu lưu ý đến việc củng cố chiếc ghế, dọn đường cho nhiệm
kỳ thứ hai, chỉ còn không đầy hai năm nữa.
Ông bắt đầu nhớ lại chuyện trước mắt là đợt biểu tình chống đối
chánh quyền, sau khi ông từ thượng đỉnh Wake trở về. Nguyên nhân làm
cơ sở cho đợt xuống đường dai dẳng là một chuyện không đâu nhưng đã
bị các ông nhà báo khai thác để kích động. Thế nhưng, qua các băng
thu hình đặc biệt của khối an ninh chánh trị, Tổng Thống cho rằng
cảnh sát đã thi hành nhiệm vụ một cách đáng khen, đúng như phúc
trình của ông Phụ Tá An Ninh.
Ðể tưởng thưởng công lao của ngành cảnh sát, Tổng Thống Nguyên quyết
định ân thưởng đệ tứ đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh
với nhành dương liễu cho đại tá Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, người
được đồng thời vinh thăng Chuẩn Tướng. Trong lễ ghi công được tổ
chức tại sân cờ bộ tư lịnh còn có một số sĩ quan và hạ sĩ quan cảnh
sát cũng được ân thưởng huy chương và thăng cấp, nhưng báo chí và
phương tiện truyền thông nói nhiều nhất về trường hợp của Chuẩn
Tướng Tư Lịnh.
Dư luận cho rằng có sự bất thường trong chuyện ân thưởng tư lịnh
cảnh sát. Trước tiên là vấn đề dẹp biểu tình vừa rồi không được diễn
ra một cách đẹp mắt, thuận lòng quần chúng. Sau đó, tình hình cảnh
sát bị tràn ngập đến bối rối thấy rõ là điều hiển nhiên và quân đội
đã được điều động từ chiến trường về thành phố. Công lao đó đâu phải
là của cảnh sát?
Nhưng, đối với Tổng Thống Nguyên của thời "Dân Chủ Trung Dung", dư
luận đó không phải là điều quan trọng, đối chiếu với chiến lược
chánh trị sắp tới của ông, trong đó Cảnh Sát Quốc Gia có một địa vị
then chốt. Khi người cầm quyền đang trên đà ưu thế, người ta coi
những dư luận trái nghịch và đối kháng là một thứ rác rưởi đáng được
vứt đi. Thậm chí, những thứ đó còn được kể như là những nhơn tố
chống phá chế độ.
Chuẩn tướng Huỳnh Quang Sáng là một sĩ quan hải quân được Tổng Thống
Nguyên cử làm tư lịnh cảnh sát thay thế đại tá Ðinh Viết Thy sau
ngày nhậm chức độ hai tháng. Từ cấp trung tá, ông Sáng đã được Tổng
Thống thăng đại tá nhiệm chức để làm tư lịnh cảnh sát, nay lại mang
cấp bực Chuẩn Tướng dù chưa được điều chỉnh đại tá thực thụ. Có thể
Tổng Thống Nguyên đã không để ý chuyện nguyên tắc trong quân đội và
võ phòng của phủ Tổng Thống cũng không trình ông vấn đề này. Thực
ra, nếu Tổng Thống muốn điều chỉnh cho ông Sáng thì đâu có gì khó
khăn.
Dư luận rồi cũng qua đi, phôi pha cùng với thời gian và các diễn
biến của thời sự dồn dập ngày này sang ngày khác. Cứ bình thản để
cho dư luận chạy rong khắp phố phường của thủ đô, Tổng Thống Nguyên
âm thầm hội họp với ban tham mưu chánh trị bên trong dinh Ðộc Lập,
thừa lúc đợt biểu tình chống đối lắng dịu, trong những ngày năm hết
Tết đến.
Sau hai tuần lễ họp mật và thu hẹp cùng với các phụ tá của ông và
một vài chánh khách bên ngoài được mời riêng, Tổng Thống quyết định
thành lập bên cạnh ông một Hội Ðồng Quốc Vụ để đích thân điều hành
chuyện đất nước. Về hình thức thì nội các vẫn có chức năng như hiến
pháp quy định, nhưng trên phương diện nội dung và thực chất thì chỉ
đóng vai trò của một cơ quan chấp hành cho Hội Ðồng này mà thôi.
Khuynh hướng và quyết định chánh trị chiến lược lẫn chiến thuật cũng
như kiểm soát và theo dõi thực tế tình hình nằm trong không gian
trách nhiệm của Hội Ðồng. Nội các vẫn tiếp tục hoạt động như trước
nay, nhưng thành quả công tác của nội các được Hội Ðồng sử dụng như
là cơ sở để đối chiếu mà thôi. Ðứng đầu Hội Ðồng đương nhiên là Tổng
Thống và ban chỉ đạo gồm có các vị phụ tá Tổng Thống và một số nhân
sĩ chánh trị và tôn giáo được Tổng Thống đích thân mời tham gia.
Trên tư thế lãnh đạo Hội Đồng, Tổng Thống đề cử một nhơn vật thân
cận và tin cậy với chức vụ Cố Vấn Tối Cao, có đầy đủ quyền hành gần
như Tổng Thống.
Lợi dụng tình hình quân sự lắng dịu trong thời gian qua, Tổng Thống
Nguyên quyết định sắp xếp lại vấn đề nhơn sự lãnh đạo trong quân
đội, điều mà Tổng Thống gọi là một "trận đồ nhơn lực để tăng sức
mạnh và hiệu năng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa". Thế
nhưng, dưới nhãn quan của bên ngoài, nhất là giới chánh trị đối lập,
hành động này của Tổng Thống bị cho là để "bảo vệ ngai vàng", chống
lại những âm mưu đảo chính.
Những yếu tố để cho người ta suy luận như thế là các tư lịnh quân
khu thủ đô và phụ cận đều là những tướng lãnh được Tổng Thống chiếu
cố và ưu đãi trong nửa đầu của nhiệm kỳ, nếu không phải là trong
vòng thân bằng quyến thuộc. Các tướng lãnh cảm tình viên của chánh
đảng Quốc Tiến, hoặc liên kết với chánh đảng này, đều được đưa đi
các quân khu xa và nếu đối đế lắm thì được cử giữ những chức vụ
không có quân chiến đấu.
Dưới danh nghĩa "hỗ trợ chiến trường về tình báo", nhiệm vụ của phủ
đặc ủy Trung Ương Tình Báo, mà người cầm đầu đã được thay đổi khi
Tổng Thống nhậm chức, cũng được điều chỉnh lại. Trong tư thế mới
này, phủ đặc ủy đã nhận chỉ thị mật là phối hợp với Cảnh Sát Quốc
Gia để theo dõi công chức, quân nhân cũng như dân chúng trên bình
diện chánh trị đối với chế độ. Công tác phối hợp này là nhiệm vụ của
nha An Ninh Nội Chánh mới được thành lập ở phủ đặc ủy. Tổng thống
Nguyên cho rằng hoạt động chánh trị quốc nội có thể được các lực
lượng bên ngoài yểm trợ nên mới quyết định sinh hoạt phối hợp như
trên.
Ðể đối đầu với hiểm họa chánh trị, mà tin tức đã cho biết là càng
ngày càng gia tăng nhằm vào cuộc bầu cử Tổng Thống của Việt Nam Cộng
Hòa trong vòng không đầy hai năm nữa, và khi mà Tổng Thống không còn
là đảng viên Quốc Tiến, Hội Ðồng Quốc Vụ đề nghị với Tổng Thống cho
thành lập một chánh đảng làm hậu thuẫn cho chế độ. Thế là đảng "Dân
Chủ" ra đời!
Nhưng tầm vóc của một chánh đảng đâu phải là chuyện đầu hôm sớm mai
mà nên. Với kinh nghiệm của Quốc Tiến, một đảng ra đời từ mấy mươi
năm trước đây, Tổng Thống Nguyên cũng thừa hiểu chuyện đó và thấy lo
ngại vì thời gian đâu còn bao nhiêu nữa. Nhưng khối chánh trị của
Hội Ðồng Quốc Vụ đã trấn an Tổng Thống vì khối này đã có cách. Khi
người ta ở thế cầm quyền trong một chế độ cai trị bằng sắc lịnh thì
chuyện gì mà không làm được.
Như thế là trong những ngày toàn dân và cả nước vùi đầu vào việc
chuẩn bị đón xuân, ăn Tết, dinh Ðộc Lập đã làm một bước nhảy vọt khá
dài và khá cao về mọi khía cạnh sinh hoạt của một chế độ chánh trị.
Thế nhưng, môi trường chánh trị Sài Gòn và tòa đại sứ Hoa Kỳ tại
đây, cũng không chểnh mảng việc theo dõi hành tung của dinh Ðộc Lập,
dẫu rằng vẫn im hơi lặng tiếng.
Do đó mà Tổng Thống Nguyên và Hội Ðồng Quốc Vụ cho rằng công cuộc
"cải cách" của họ được coi như hợp tình hợp lý. Dù sao thì hoạt động
vừa qua của dinh Ðộc Lập cũng được tình trạng thiết quân luật bao
che. Tuy nhiên, tình thế yên tâm đó của Tổng Thống Nguyên cũng không
kéo dài đến ngày hạ nêu.
Không cần kiêng kỵ theo thói dị đoan truyền thống, ngay ngày mùng
năm tân niên, Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết cho ra bản tuyên cáo cực
lực chỉ trích những quyết định chánh trị và quân sự vừa qua của Tổng
Thống Nguyên:
"Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết trân trọng tuyên cáo:
"Lợi dụng những ngày toàn dân chuẩn bị đón mừng năm mới, Tổng Thống
Nguyễn Vĩnh Nguyên đã ban hành nhiều biện pháp chánh trị và quân sự
có khuynh hướng đi đến một chế độ độc tài cảnh sát trị.
"1.- Với sự ra đời của Hội Ðồng Quốc Vụ, một cơ cấu không được Hiến
Pháp quy định, Tổng Thống Nguyên để lộ âm mưu tóm thâu chức năng
hành pháp vào dinh Ðộc Lập như dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa. Một hành
động có chiều hướng chuyên quyền lại tốn hao công quỹ.
"2.- Vì dự tính làm một Tổng Thống độc tài, chuyên chế nên Tổng
Thống Nguyên phải đề phòng đảo chánh quân sự. Nỗi lo sợ có tánh cách
đề phòng của Tổng Thống đã thể hiện qua đợt thuyên chuyển ồ ạt những
tướng tư lịnh quân khu mà không có lý do chánh đáng. Ðiều mà Tổng
Thống gọi là một 'trận đồ nhân lực để tăng sức mạnh và hiệu năng
chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa' chỉ là một cuộc bày binh
bố trận để bảo vệ chiếc ghế Tổng Thống của cá nhân ông mà thôi.
"3.- Ðảng Dân Chủ mà Tổng Thống vừa khai sanh chỉ là một con rối
chánh trị, mà người giựt dây không ai khác hơn là bản thân Tổng
Thống Nguyên. Rồi đây, đảng Dân Chủ sẽ là một đảng thuộc loại Cần
Lao của thời kỳ hai ông Diệm và Nhu. Nếu không ngăn chận đúng lúc
thì đảng Dân Chủ sẽ bành trướng mạnh mẽ để cuối cùng làm một đảng bá
quyền, hậu thuẫn cho cấp lãnh đạo chuyên chánh như trong chế độ cộng
sản mà đất nước ta đang chiến đấu quyết liệt để chống lại.
"4.- Nha An Ninh Nội Chánh vừa hình thành ở phủ đặc ủy Trung Ương
Tình Báo là tấm bình phong che giấu bàn tay hiểm độc của chế độ nhằm
triệt tiêu những chánh kiến không chịu tuân phục chế độ. Một hình
thức công an trị chẳng khác gì dưới chế độ cộng sản! Ngoài ra, tướng
tư lịnh Cảnh Sát Quốc gia còn được Tổng Thống ân thưởng và vinh
thăng một cách quá đáng, so với công lao của đương sự trong biến cố
vừa qua. Hành động này cho thấy Tổng Thống đang vuốt ve cảnh sát để
biến ngành này thành công cụ đắc lực cho chế độ cảnh sát trị tương
lai.
"Khuynh hướng chuyên quyền của Tổng Thống Nguyễn Vĩnh Nguyên bắt đầu
lộ diện kể từ khi ông họp thượng đỉnh Wake trở về, qua hành động
tịch thâu báo, làm nổi lên đợt biểu tình chống đối hồi cuối năm rồi.
Là một chánh khách xuất thân từ chánh đảng và được đa số nhân dân
tín nhiệm, nhưng nay ở thế cầm quyền Tổng Thống Nguyên đã hoàn toàn
lột xác vì nghĩ rằng khi được Hoa Kỳ ủng hộ thì muốn làm gì cũng
được. Cho nên không có gì để ngạc nhiên khi ông đã bị đảng Quốc Tiến
khai trừ.
"Bởi những lý do nêu trên, Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết trân trọng yêu
cầu Quốc Hội, các phương tiện truyền thông quốc gia và quần chúng
nhơn dân hãy mạnh dạn và kiên quyết đấu tranh bằng phương tiện cơ
hữu để tiêu diệt mầm móng độc tài đảng trị, trước khi nó lớn mạnh."
Từ tờ mờ sáng, bản tuyên cáo của Mặt Trận đã xuất hiện cùng khắp ở
thủ đô, trên vách tường, trên các gốc cây và hang cùng ngõ hẻm nào
cũng có. Các tòa soạn báo chí, các hãng thông tấn và các đại diện
dân cử đều nhận được. Cảnh sát và nhân dân tự vệ được lịnh đi tiêu
hủy nhưng đã trễ. Ðương nhiên là truyền thanh và truyền hình quốc
gia coi như không hay biết biến cố đó. Thế nhưng, qua các chương
trình tiếng Việt của các đài BBC và VOA đêm hôm đó, người dân Việt
Nam cũng hay biết, lại còn nghe được những lời bình luận rất lý thú
và hữu ích của các đài này.
Báo chí Sài Gòn sáng hôm sau rất nhiều tờ vắng mặt trên các sạp vệ
đường vì báo nào đăng lại bản tuyên cáo của Mặt Trận Toàn Dân Tự
Quyết đều bị tịch thu. Nhờ vậy mà những số báo thoát khỏi trận càn
quét của chánh quyền được người ta tìm mua bằng mọi cách, dẫu bán ra
với giá cao hơn và đương nhiên là những tên báo bị tịch thu lại được
thêm uy tín.
Chiều tối ngày hôm đó, chuyến bay đặc biệt chở ông đại sứ Ellis
Bagwell từ Katmandu trở lại Sài Gòn vừa đáp xuống Tân Sơn Nhứt thì
tài xế đã được lịnh đưa ông thẳng đến dinh Ðộc Lập. Lợi dụng những
ngày nghỉ Tết của Việt Nam, ông đại sứ đã bay đi Népal thăm Bagwell
phu nhơn. Trước khi lên phi cơ ở Katmandu, ông đã được văn phòng ở
Sài Gòn điện cho hay về bản tuyên cáo của Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết
cho nên ông đã chỉ thị ngay cho văn phòng sắp xếp cuộc hội kiến với
Tổng Thống Nguyên càng sớm càng tốt.
Trên đường di chuyển từ sân bay đến dinh Ðộc Lập, ông cố vấn chánh
trị tòa đại sứ ngồi cùng xe với ông đại sứ để trình bày chi tiết
những diễn biến chánh trị của Sài Gòn trong thời gian ông đại sứ
vắng mặt, dẫu cho hàng ngày vẫn có tin tức viễn ấn từ Sài Gòn gởi
cho ông. Ông đại sứ đến dinh Ðộc Lập thì đã hơn chín giờ đêm, nhưng
đèn đuốc vẫn sáng trưng vì chưa qua ngày hạ nêu. Vả lại, Tổng Thống
cũng vừa hết việc vì mãi họp với Hội Ðồng Quốc Vụ liên quan đến bản
tuyên cáo.
Tổng thống Nguyên tiếp đại sứ Ellis Bagwell với một niềm tự tin,
xuất phát từ "mật đàm cà phê" ở thượng đỉnh Wake, dù Tổng Thống cũng
hơi ngạc nhiên về cung cách và thời điểm xin diện kiến của ông đại
sứ. Sau những lời thăm hỏi xã giao, trong đó Tổng Thống Nguyên không
quên nhắc đến bà đại sứ, đại sứ Ellis Bagwell nôn nóng đi thẳng vào
vấn đề:
- Tôi được biết, Tổng Thống không màng đến ngày Nguyên Ðán để tích
cực làm việc và...
- Ông đại sứ cũng thừa hiểu là công chuyện đất nước tôi còn đa đoan
thì tôi làm sao mà Tết với nhứt được.
- Một thái độ đáng khen, nhưng hình như Tổng Thống đã có những quyết
định hơi táo bạo, nên Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết đã lên tiếng.
- Ông đại sứ muốn nói đến bản tuyên cáo chứ gì?
- Tuy ở Katmandu nhưng tôi vẫn hàng ngày theo dõi việc làm của Tổng
Thống ở đây. Tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với
những gì Tổng Thống đã làm trong mấy ngày Tết vừa qua. Tôi không
nghĩ rằng một đảng viên Quốc Tiến như Tổng Thống lại có thể làm như
thế.
- Ông đại sứ chắc chưa quên là tôi đã bị Quốc Tiến khai trừ từ lâu.
- Nhưng đâu phải là lý do để Tổng Thống làm như thế.
- Không có gì để ông đại sứ bận tâm hết. Những gì tôi đã làm không
phải xuất phát từ một cái đầu mà từ nhiều cái đầu, tôi muốn nói từ
Hội Ðồng Quốc Vụ. Ông đại sứ thấy chưa, hội đồng này đâu phải là
công cụ để tôi trở thành độc tài?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với Tổng Thống là cấu trúc không dựng nên
người chuyên chế nhưng người ta thường lợi dụng cơ cấu để có những
hành động độc đoán.
- Những gì tôi làm đều do nhu cầu của tình hình và phù hợp với đặc
tánh Việt Nam. Là người Mỹ thì làm sao ông đại sứ hiểu được hoàn
cảnh và nhu cầu bức thiết của đất nước tôi. Sở dĩ có chống đối là do
quyền lợi chánh trị, là vì người ta học đòi kiểu tự do dân chủ của
các ông. Cho tới hôm nay, ông đại sứ có nghe Tổng Thống Hoa Kỳ than
phiền gì về thái độ và hành động mới này của tôi chưa? Nếu chưa thì
ông đại sứ cứ tin rằng tôi đã hành động đúng với đường lối của Bạch
Cung, một đường lối cần thiết cho Hoa Kỳ lẫn Việt Nam.
- Nhưng, làm gì thì làm tôi đề nghị Tổng Thống nên quan tâm đến hình
thức, chứ lộ liễu quá thì chẳng tốt đẹp gì.
- Ông đại sứ không nên lo ngại như thế. Tôi biết những gì tôi làm và
dù sao tôi cũng phải lo bảo vệ sự nghiệp chánh trị và linh hồn của
cá nhân tôi.
Thế rồi câu chuyện đi vào lắng dịu. Ông đại sứ cáo biệt ra về mà
lòng chưa hoàn toàn ổn định. Với luận điệu như thế của Tổng Thống
Nguyên, đại sứ Ellis Bagwell liên tưởng đến "mật đàm cà phê". Ông
nghi rằng giữa hai Tổng Thống đã có những cam kết gì vượt quá sự
hiểu biết của ông. Lòng tự ái của một nhà ngoại giao già dặn ở ông
như bị một vết trầy cho nên trong bóng tối của chiếc xe Huê Kỳ bóng
láng đang phóng nhanh trên đường phố Sài Gòn, đại sứ Ellis Bagwell
cảm thấy mình quá bé nhỏ và thoáng buồn.
Hai ngày sau, trong một phiên họp thông thường để thảo luận về dự
luật gia đình, dân biểu trưởng khối Liên Kết - một khối đa số không
thân chánh, tập hợp các dân biểu Quốc Tiến, Hưng Việt, Ðại Ðoàn Kết
và Thống Nhất - lên diễn đàn yêu cầu Quốc Hội mở cuộc thảo luận khẩn
cấp và đặc biệt liên quan đến bản tuyên cáo của Mặt Trận Toàn Dân Tự
Quyết. Ông cho rằng những vấn đề do tuyên cáo đó nêu lên có thể là
nguyên nhân của một biến cố chánh trị, quân sự và xã hội quan trọng
mà dân biểu, những người đại diện cho quần chúng nhân dân, không thể
nào làm ngơ.
Ông Chủ Tịch Quốc Hội bị bất ngờ, định dùng kế hoãn binh, đề nghị
đưa vấn đề đi theo thủ tục đã được quy định trong nội quy. Như thế
ông sẽ có thì giờ để hỏi qua ý kiến của Tổng Thống Nguyên, người mà
ông vẫn giữ mực trung thành như với tướng Thái khi trước. Bị dân
biểu phản đối quyết liệt, ông chủ tịch đành phải cho biểu quyết để
tuân theo đa số, đỡ bị hành pháp rầy rà. Dĩ nhiên là đa số chấp
thuận đưa vấn đề ra khoáng đại. Tuy nhiên, ông chủ tịch cũng còn có
cơ hội để tham khảo hành pháp vì phiên họp sáng đã sắp hết giờ và
phiên khoáng đại dù sao cũng phải đợi đến phiên họp chiều.
Vừa tan họp, ông Chủ Tịch xin yết kiến ngay Tổng Thống Nguyên, nhưng
không được nên phải xin gặp ông Bộ Trưởng đặc trách liên lạc với
Quốc Hội. Nhưng ông Bộ Trưởng cũng không giúp ích được gì nhiều cho
ông Chủ Tịch Quốc Hội vì vấn đề thuộc quyền hạn của dinh Ðộc Lập chứ
không phải là của dinh Thống Nhứt. Cho nên lời khuyên của hành pháp
là ông Chủ Tịch nên tùy nghi và tùy cơ ứng biến. Và khả năng ứng phó
của lão ông Chủ Tịch Phạm Hoàng Chỉnh thì mọi người đều biết là có
cũng như không!
Với một nội dung như thế, dù không được mời, các phương tiện truyền
thông, quốc nội cũng như quốc tế, đều đến dự đông đủ phiên họp
khoáng đại của Quốc Hội chiều hôm đó. Một phiên họp hứa hẹn rất sôi
nổi, mặc dù Sài Gòn vẫn còn trong tình trạng thiết quân luật. Tầng
lầu cao nhất của trụ sở Quốc Hội - biệt danh là "chuồng gà", khi tòa
nhà này còn là nhà hát Tây - đông nghẹt người của giới truyền thông,
cùng với quan sát viên chánh phủ mà sự hiện diện đáng quan tâm nhứt
là Chuẩn Tướng Tư Lịnh Cảnh Sát Quốc Gia.
Chỉ có Chuẩn Tướng Huỳnh Quang Sáng là nhân vật nổi nhất và cao cấp
nhất trong hàng quan sát viên vì sự có mặt của ông tại trụ sở Quốc
Hội là then chốt mỗi khi có phiên họp quan trọng. Không những sự có
mặt của ông cần thiết cho hành pháp mà còn cho Chủ Tịch Quốc Hội nữa
vì chính ông là người phát tín hiệu cho nhân vật số một của Quốc Hội
mà dư luận quen gọi là "chánh sự vụ sở lập pháp của Phủ Đầu Rồng".
Sau khi đã làm chủ dinh Ðộc Lập, Tổng Thống Nguyên vẫn không mấy
quan tâm đến Quốc Hội vì tướng Thái còn ở chức vụ thủ tướng. Do đó,
Tổng Thống Nguyên cho rằng phía lập pháp đã có nội các lo. Về sau,
Tổng Thống đã kéo được Chủ Tịch Quốc Hội Phạm Hoàng Chỉnh cùng đứng
về phía ông, một trường hợp chiêu dụ không mấy khó khăn với bản chất
của lão ông chủ tịch và với phương tiện hào phóng của chế độ.
Phiên họp vừa được tuyên bố bắt đầu là dân biểu trưởng khối Liên Kết
- trớ trêu thay lại là đảng viên Quốc Tiến - lên diễn đàn cho nổ
phát pháo lịnh. Dân biểu Nguyễn Nam Anh mạnh miệng chỉ trích đích
thân Tổng Thống Nguyên, cho rằng Tổng Thống đã xa rời căn bản của tự
do dân chủ là quần chúng nhân dân, mà lá phiếu đã đưa Tổng Thống lên
địa vị ngày nay.
Phân tích khuynh hướng chuyên quyền của Tổng Thống Nguyên, dân biểu
Anh cho rằng vì mất chỗ dựa chánh trị quan trọng là đảng Quốc Tiến,
ông Nguyên không còn biết bám víu vào đâu nên đã chạy theo Hoa Kỳ.
Ðể chứng minh điều này, dân biểu Anh chỉ ra rằng Tổng Thống Nguyên
bắt đầu để lộ thái độ hống hách chánh trị kể từ ngày ông đi phó hội
thượng đỉnh Wake trở về.
Dân biểu Anh tiết lộ điều mà chưa ai biết đến là trong cái gọi là
"mật đàm cà phê" tại thượng đỉnh Wake, Tổng Thống Nguyên đã van xin
- và Tổng Thống Hoa Kỳ đã chấp thuận vì lợi ích riêng của Mỹ - để
ông được tự do tung hoành trên chánh trường Việt Nam, với chủ thuyết
mệnh danh là "Dân Chủ Trung Dung".
Hơn nữa, Tổng Thống Hoa Kỳ còn cho ông phó của ông hộ tống Tổng
Thống Nguyên trên đường từ thượng đỉnh trở về, cho thấy rằng Tổng
Thống Mỹ hoàn toàn đứng sau lưng ông Nguyên. Vì tự hào về điều mà
Tổng Thống Nguyên cho là thành tích vẻ vang của mình, Tổng Thống
Nguyên đã chỉ thị một buổi lễ tiếp đón thật rầm rộ, tốn hao công quỹ
và làm cho khá nhiều dân chúng và nhất là học sinh phải ngã bệnh.
Ông dân biểu trưởng khối Liên Kết nói trắng ra rằng cái gọi là "Dân
Chủ Trung Dung" của Tổng Thống Nguyên chỉ là tấm bình phong của một
chế độ dân chủ chỉ huy kiểu "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" của cộng sản
Hà Nội, hay là chủ trương "độc tài sáng suốt" của ông Nguyễn Văn
Thiệu ngày trước mà thôi. Ðể tỏ lòng tri ân Tổng Thống Hoa Kỳ, Tổng
Thống Nguyên cam kết sẽ thỏa mãn trọn vẹn mọi yêu cầu của Mỹ, bất
chấp quyền lợi của đất nước và dân tộc Việt Nam. Bằng chứng là khi
cuộc biểu tình bắt đầu nhằm vào tòa đại sứ Mỹ, Tổng Thống đã cho đàn
áp thẳng tay.
Cuộc dẹp biểu tình đó đã làm cho nữ sinh Trương Thị Mỹ Duyên bị
trọng thương và, đến đây, ông dân biểu trầm giọng xuống để báo cáo
cùng Quốc Hội và toàn thể đồng bào là Mỹ Duyên vừa tắt thở lúc sáng,
sau thời gian chữa trị tại bệnh viện mà không thành công. Ngoài ra,
ông còn tiết lộ thêm là trong cuộc đàn áp biểu tình này, binh nhứt
Dương Ái Quốc thuộc toán quân đưa về thủ đô hỗ trợ cảnh sát cũng bị
hy sinh.
Nguyên nhân chánh thức về cái chết của binh nhứt Quốc là "bệnh tim
phát chứng" nhưng, nghĩ cho cùng thì cũng vì khói của lựu đạn cay,
trong khi người binh nhứt kia lại bị bịnh suyễn nặng. Thế nhưng,
quân đội đã coi anh như là một người lính chết thật tầm thường. Theo
dân biểu Anh thì nguồn gốc của những cuộc xuống đường vừa qua là
hành động lăm le độc tài của Tổng Thống Nguyên khi ông cho tịch thu
báo chí chỉ vì cá nhân ông bị đả kích một cách gián tiếp.
Tuy nhiên, chế độ không chịu rút kinh nghiệm để sữa sai mà lại còn
tìm cách kềm kẹp dân chúng và các phương tiện chống đối hành pháp
một cách mạnh mẻ hơn nữa bằng thiết quân luật, coi thường Quốc Hội
để cai trị bằng sắc lịnh. Rồi lợi dụng tình hình xã hội tạm thời
lắng đọng và lợi dụng những ngày nhơn dân bận lo đón mừng năm mới,
dinh Ðộc Lập đã ban hành những quyết định làm nổi bật hơn bao giờ
hết âm mưu độc tài chuyên chế của Tổng Thống Nguyên.
Dân biểu Anh nhắc lại những vấn đề đã được bản Tuyên Cáo của Mặt
Trận Toàn Dân Tự Quyết công bố và kết luận:
- Là quyền lực thứ nhất trong chánh thể, là những người được nhân
dân tín nhiệm, Quốc Hội chúng ta không thể phản bội quần chúng cử
tri để cho hành pháp thao túng chánh trường và thống trị dân tộc.
Chúng tôi đề nghị quý đồng viện hãy đưa ra trước diễn đàn này những
âm mưu của hành pháp nói chung và của Tổng Thống Nguyên nói riêng
nhằm dựng lên một chế độ độc tài, tay sai của Mỹ, bất chấp quyền lợi
tối thượng của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Rồi dựa trên sự
kiện cụ thể, Quốc Hội chúng ta phải có hành động để điều chỉnh hướng
đi của chế độ và kiên quyết không để cho tình trạng thiết quân luật
bao che những hành động của luật rừng xanh.
Dân biểu Anh kết thúc phần trình bày của ông trong những tiếng pháo
tay vang dội không những của dân biểu mà còn của những quan sát viên
ở "chuồng gà" nữa. Ông Chủ Tịch Quốc Hội cảm thấy khó chịu, mặt mày
mất sắc, mắt nhìn lên chỗ ngồi thường lệ của tư lịnh Cảnh Sát Quốc
Gia nhưng không thấy ông này đâu cả. Ông chủ tịch móc khăn tay ra
lau mồ hôi ở trán, ở chóp mũi và làm sáng lại cặp kính lão đã mờ vì
hơi nước.
Chưa hoàn hồn thì ở bục phát biểu, một người khác đã lên tiếng:
- Tôi hoàn toàn đồng ý và tán thành những gì dân biểu Anh đã đưa ra
và xin bổ túc. Theo chỗ tôi được biết thì sở dĩ tư lịnh Cảnh Sát đã
được ân thưởng và vinh thăng một cách ngoại lệ như thế là vì tướng
Sáng không ai khác hơn là em một mẹ khác cha với Tổng Thống Nguyên.
Ðiều này từ trước đến nay không ai biết nhưng tình cờ trong chuyến
về thăm đơn vị vừa qua, tôi nhận được tin đó qua một người cháu của
tướng Sáng. Như thế, ngoài chiều hướng chuyên quyền, Tổng Thống
Nguyên còn định đi đến chế độ gia đình trị chẳng khác gì thời đệ
nhứt Cộng Hòa.
Sau đó, rất nhiều dân biểu thuộc khối Liên Kết cũng như độc lập luân
phiên nhau lên diễn đàn để trình bày những gì họ biết liên quan đến
chế độ và cá nhân Tổng Thống Nguyên. Tựu trung, những dữ kiện đưa ra
là để chứng minh rằng một con người xuất thân từ một chánh đảng, đã
từng dài hơi đấu tranh chống thực dân, chống độc tài đảng trị, gia
đình trị, chống quân phiệt, chống tinh thần dựa hơi Tây, cầu cạnh
Mỹ, nay ở thế cầm quyền lại quay chiều một trăm tám mươi độ!
Có ý kiến cho rằng, trong đợt xuống đường hồi trước Tết, chế độ đã
mua chuộc một đoàn thể xã hội để tổ chức biểu tình ủng hộ hành pháp
chống lại cuộc đấu tranh của báo chí, sinh viên và quần chúng. Nhưng
may mắn thay, đoàn thể đó đã ý thức được địa vị của mình và trào lưu
tư tưởng quần chúng nên chuyện không thành. Nếu không thì lại có một
trận ngao cò tranh nhau, ông câu được lợi rồi!
Lập luận và ý kiến chỉ trích chế độ đang tuôn tràn như thác lũ thì
bỗng dưng ở bàn chủ tọa lại xôn xao. Người ta thấy hai nhân viên nội
viện của Quốc Hội dìu ông chủ tịch đi vào trong. Ông đệ nhất phó chủ
tịch tiếp tục chủ tọa phiên họp, được cho là quan trọng không thể
chấm dứt vì lẽ ông chủ tịch bất thình lình ngã bệnh.
Trên tầng lầu quan sát viên, tướng tư lịnh Cảnh Sát thất vọng hiện
ra mặt vì ông đệ nhất phó chủ tịch là dân biểu của Quốc Tiến, một
đảng đối lập nổi tiếng từ thời chánh phủ quân nhân đến nay. Tướng
Sáng thấy trước rằng chiều hướng của phiên họp Quốc Hội hôm nay sẽ
vô cùng bất lợi cho chế độ nhưng ông cảm thấy bất lực. Ông gọi máy
kêu ông phó của ông đến thay thế còn ông thì chạy đến dinh Ðộc Lập
để khẩn cấp tường trình lên Tổng Thống Nguyên.
Thế là diễn đàn Quốc Hội kể như bỏ ngỏ, các ý kiến tha hồ bay ra kể
cả những gì mà trước nay người ta đã núp dưới ô dù "an ninh quốc
gia" để giấu nhẹm. Nào là chuyện ông Nguyên đi đêm với tướng Phạm
Anh Thái trước ngày bầu cử để hốt phiếu, nào là chuyện kế hoạch Ðống
Ða bị bể và Tổng Thống Nguyên để cho phụ tá thân tín của ông phải
trốn chui trốn nhủi, nào là sai lầm của ông trong vụ Kon Tum, nào là
thái độ ngoan ngoãn của Tổng Thống Nguyên đối với đại sứ Ellis
Bagwell, nào là Tổng Thống Nguyên sợ Hoa Kỳ nên cho họ được phép sắp
xếp người của Mỹ vào nội các chánh phủ, nào là cam kết của Tổng
Thống Nguyên với Tổng Thống Hoa Kỳ trong cuộc "mật đàm cà phê"...
thiếu điều cho rằng Tổng Thống Nguyên là thống đốc tiểu bang hạng
bét của Hoa Kỳ, ở thứ hạng năm mươi mấy không ai biết!
Từng ấy nội dung và qua gần hai mươi người đại diện dân đăng đàn
phát biểu, phiên họp đặc biệt Quốc Hội kéo dài gần đến nửa đêm, bất
chấp giờ giới nghiêm của thời thiết quân luật. Ấy thế mà phiên họp
vẫn chưa đi đến đâu cả, nội dung thảo luận cũng chưa ngã ngũ ra sao
hết. Theo ý kiến của đa số, ông quyền chủ tịch xử lý quyết định họp
luôn cho đến khi nào có kết quả cụ thể.
Thực ra, không một dân biểu nào muốn ra về vào giờ đó vì đường khuya
đêm vắng chánh quyền có thể lấy lý do vi phạm giờ giới nghiêm để làm
khó hay mượn danh Việt Cộng để ám sát thủ tiêu. Ðến không giờ, phiên
họp tạm ngưng trong một tiếng để mọi người, dân biểu cũng như quan
sát viên, giải quyết những vấn đề của cơ thể.
Quán ăn của trụ sở Quốc Hội đêm đó đắt khách hơn bao giờ hết. Nhờ
người phụ trách nhanh trí đã lo trước nên ai ai cũng được thỏa mãn
và vui vẻ, dù giá hàng có mắc hơn đôi chút. Cuộc phát biểu cứ kéo
dài, mỗi người thêm một chi tiết hay hay hấp dẫn nên những người
nghe cũng đỡ buồn ngủ. Ðến sáu giờ sáng phần phát biểu mới chấm dứt
nên phiên họp lại tạm nghỉ đến mười giờ mới tái nhóm để bước sang
giai đoạn thảo luận và biểu quyết.
Các sạp báo Sài Gòn sáng hôm đó chỉ có tạp chí và báo tuần. Nhựt báo
thì chỉ có hai tờ "Hậu Phương", báo nhà nước, và "Dân Chủ", tiếng
nói chánh thức của đảng cùng tên. Tờ báo mới ra được vài mươi số
nhưng hôm nay nó hiện hữu trên sạp báo thì cũng chẳng ai ngạc nhiên.
Các nhựt báo khác đều bị tịch thu vì tường thuật phiên họp đặc biệt
của Quốc Hội từ chiều hôm trước. Tuy nhiên, các thính giả trung
thành của hai đài BBC và VOA đều hay biết những gì đã xảy ra ở Quốc
Hội trong buổi chiều và suốt đêm hôm trước qua chương trình phát
thanh sáng sớm. Thế là tin tức cứ lan ra trong thành phố thủ đô còn
nhanh và hấp dẫn hơn báo chí nhiều.
Lợi dụng bốn tiếng đồng hồ Quốc Hội tạm nghỉ, Chuẩn Tướng tư lịnh
Cảnh Sát đưa bác sĩ của bộ Tư Lịnh đến săn sóc cho ông chủ tịch, hy
vọng ông trở lại chủ tọa phần then chốt của phiên họp. Sau khi chẩn
bệnh, bác sĩ xác nhận quả thật chứng nhồi máu cơ tim của ông Chỉnh
đang trầm trọng có thể nguy đến tính mạng. Tuy vậy, tướng tư lịnh
Cảnh Sát vẫn yêu cầu ông Chỉnh cố gắng đi họp, với hy vọng may ra
cứu vãn được tình thế, chuyển bại thành thắng cho hành pháp. Vì nể
nang, nên ông Chủ Tịch gượng gạo chấp thuận nhưng trên đường ra Quốc
Hội cơn bệnh lại làm dữ nên tài xế phải đưa ông thẳng đến bệnh viện.
Ðược tin này, tướng Sáng thêm một lần buồn nữa và ra lịnh cho ông
phó của ông ra Quốc Hội theo dõi phiên họp. Văn phòng Tổng Thống
chuyển lịnh của Tổng Thống yêu cầu ông Bộ Trưởng liên lạc với lập
pháp tăng cường vận động. Thế nhưng, nước đến chân mới nhảy thì hơi
muộn vì dân biểu thân chánh đâu có bao nhiêu thì làm thế nào đảo
ngược được tình hình!
Thế là phiên họp buổi sáng để thảo luận và biểu quyết liên quan đến
các vấn đề mà bản tuyên cáo của Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết gợi ý hứa
hẹn sẽ gay go. Sáng sớm, trên đường đi làm một số lớn thầy thợ đều
đảo qua trụ sở Quốc Hội để xem cho biết dung nhan của tòa nhà sau
biến cố có gì thay đổi không.
Khoảng bảy giờ, một số xe tải chở cảnh sát chiến đấu và cảnh sát sắc
phục đổ xuống công trường Lam Sơn bao quanh Quốc Hội và lập tức hai
vòng đai cảnh sát được hình thành - cảnh sát sắc phục bên ngoài để
chuyển hướng xe cộ và người đi bộ và cảnh sát chiến đấu bên trong -
dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh cho Quốc Hội, mặc dù văn phòng Quốc
Hội không yêu cầu.
Chỉ có dân biểu và quan sát viên cùng với phóng viên ký giả có thẻ
của Quốc Hội mới lọt qua được hai hàng rào cảnh sát này. Những người
hiếu kỳ bị chận lại càng lúc càng đông nghìn nghịt trên công viên
đối diện Quốc Hội, với tượng hai anh lính thủy quân lục chiến, trong
tư thế tấn công, chĩa súng vào trụ sở Quốc Hội. Tàn tích của thời
tướng lãnh cầm quyền. Dư luận dự đoán rằng buổi sáng hôm ấy, nếu
không chứng kiến được những pha ngoạn mục thì ít ra cũng nghe được
những tin tức sốt dẻo về nghị quyết của Quốc Hội.
Dù có những khó khăn lặt vặt như thế do chánh quyền cố tình tạo ra,
số người tham dự vẫn đông hơn ngày vừa qua. Dân biểu dự họp đông đủ
chưa từng thấy, túc số hiện diện có thể nói trăm phần trăm, nếu ông
chủ tịch Chỉnh đừng ngã bệnh bất thình lình. Quan sát viên không
thiếu một người nào còn phóng viên, ký giả thì không một ai chịu mất
một cơ hội đưa tin độc đáo. Trước tình trạng dân chúng tụ tập đông
đảo trước tiền đình Quốc Hội, văn phòng quyết định cho mở loa phóng
thanh bên ngoài để những ai không vào được bên trong có thể gián
tiếp theo dõi phiên họp vì dù sao đây cũng là vấn đề của nhân dân.
Mở đầu phiên họp, đệ nhất phó chủ tịch loan báo tin cơn bệnh của ông
Chủ Tịch Quốc Hội vừa phát chứng nên ông được đưa đi cấp cứu ở bệnh
viện. Tin ông chủ tịch vắng mặt làm cho hội trường tin tưởng rằng
phiên họp quyết định sẽ diễn ra một cách đúng đắn, không bị gián
đoạn hay cắt ngang vì những lý do không đâu. Sau lời mở đầu của ông
quyền chủ tịch, dân biểu trưởng khối Liên Kết, Nguyễn Nam Anh được
mời lên diễn đàn.
Dân biểu Anh dành cả tiếng đồng hồ để đúc kết toàn bộ những lời phát
biểu trong mười tám giờ qua, trước khi đi đến kết luận:
"Kính thưa ông quyền chủ tịch,
"Kính thưa quý đồng viện,
"Trước tiên, đảng viên Quốc Tiến chúng tôi cảm thấy phiền lòng khi
một cựu chánh hữu của chúng tôi lại có thái độ như thế. Tổng thống
Nguyễn Vĩnh Nguyên đã đánh mất phẩm chất của một con người đấu tranh
chánh trị khi đã ngồi vào ghế cầm quyền. Khi đấu tranh thì người ta
duy nhất nhìn thẳng vào uy quyền nhưng khi đã ở trên đỉnh cao của uy
quyền thì người ta lại tham lam nhìn khắp mọi nơi để rồi chỉ làm
điều càng quấy.
"Căn cứ trên những sự kiện đã được quý đồng viện trình bày trong
mười tám tiếng đồng hồ của phiên họp đặc biệt hôm qua, rõ ràng là
Tổng Thống đã đơn thương độc mã tung hoành trên chánh trường. Cái
gọi là "Dân Chủ Trung Dung" của Tổng Thống Nguyễn Vĩnh Nguyên, được
ông tự hào trình bày với Tổng Thống Hoa Kỳ như là một chánh thuyết,
mượn hơi hám của Vạn Thế Sư Biểu, qua hai từ "Trung Dung" của Khổng
Tử, do ông sáng tạo ra, chỉ là một thứ dân chủ cho riêng ông mà
thôi.
"Và tự do dân chủ theo kiểu đó chỉ có thể là độc tài chuyên chánh
cho những người còn lại, ở đây là quần chúng nhân dân, là tất cả
chúng ta. Quân đội và nhân dân đã đứng lên lật đổ nhà Ngô độc tài
gia đình trị, rồi qua lá phiếu, cử tri đã giành lại uy quyền từ tay
những tướng lãnh tập sự, tập tành và tập tểnh làm chánh trị chẳng lẽ
lại để cho một chế độ chuyên quyền khác lớn lên hay sao? Ðiều đó
không thể và sẽ không bao giờ xảy ra.
"Cho nên, căn cứ trên sự tín nhiệm và ủy thác của đồng bào cử tri,
những người đại diện dân cử chúng ta kiên quyết và mạnh dạn phê phán
thái độ và hành động của Tổng Thống Nguyễn Vĩnh Nguyên. Chúng ta
phải dứt khoát có hành động để thức tỉnh lương tri của Hành Pháp khi
mà tình hình còn có thể cứu vãn được. Bởi các lẽ đó, chúng tôi trân
trọng đề nghị Quốc Hội khuyến cáo Tổng Thống hãy tôn trọng nguyên
tắc dân chủ để hành động vì lợi ích của toàn dân, chớ không phải vì
quyền lợi của cá nhơn, phe phái hay của bất cứ một quốc gia nào
khác."
Dân biểu Anh dứt lời thì có rất nhiều dân biểu khác xin lên diễn đàn
góp ý. Người thì đề nghị Quốc Hội đòi Hành Pháp phải giải tán Hội
Ðồng Quốc Vụ vì không hợp hiến. Có dân biểu nêu lên ý kiến là trong
quá trình thành lập đảng Dân Chủ, Hành Pháp không được cưỡng bách
công chức hay quần chúng nhơn dân gia nhập đảng bằng cách này hay
cách khác, như dưới thời ông Diệm và ông Thiệu.
Có ý kiến đòi Tổng Thống bãi bỏ tình trạng thiết quân luật vì không
phù hợp với tình hình xã hội hiện thời mà chỉ là cái cớ để Tổng
Thống cai trị bằng sắc lịnh. Và lối cai trị này dễ đi đến độc tài.
Phiên họp thảo luận và biểu quyết kéo dài đến xế chiều với kết quả
chung cuộc là Quốc Hội thông qua một nghị quyết để gửi cho Tổng
Thống Nguyên, với nội dung bao gồm những ý kiến đã được phát biểu,
thảo luận và biểu quyết tại diễn đàn.
Thế nhưng, với một con người làm chánh trị đã chai lì đến mức độ đó
của Tổng Thống Nguyên thì bản nghị quyết của Quốc Hội cũng chỉ là
một văn bản chết non. Nó đến dinh Ðộc Lập để trở thành một tài liệu
nằm yên ở đó mà thôi! Như vậy cũng không có nghĩa là Tổng Thống
Nguyên không quan tâm đến văn thư đó. Ông ý thức được sự hiện hữu
của nó trên bàn giấy ông, nhưng ý thức để có hành động thích ứng, dĩ
nhiên là không phải để tuân hành Lập Pháp. Trước khi nhận được bản
nghị quyết của Quốc Hội, Tổng Thống Nguyên đã triệu tập khẩn cấp Hội
Ðồng Quốc Vụ để bàn về cung cách ứng xử với bản tuyên cáo của Mặt
Trận Toàn Dân Tự Quyết và diễn biến ở Quốc Hội.
Theo Hội Ðồng, chủ lực của Mặt Trận là Quốc Tiến, nhưng các thành
phần kia cũng không phải là không đáng kể vì bao gồm tất cả những
tập thể tôn giáo và xã hội của Việt Nam. Do đó, không thể coi thường
tác dụng của Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết. Ở đây, Tổng Thống Nguyên
nhớ lại là cũng nhờ lợi dụng sự ra đời của mặt trận này mà tiếng nói
của ông đã có khá nhiều trọng lượng tại thượng đỉnh Wake, và nhất là
với Tổng Thống Hoa Kỳ trong "mật đàm cà phê".
Tuy nhiên, lần này chắc là ông không thể dựa hơi Mặt Trận được nữa
mà phải lo đối đầu với tổ chức này, nhất là với bộ phận Quốc Tiến,
trong đó thế nào cũng có bàn tay của ông phó Trần Việt của ông. Một
ông phó đồng sàn dị mộng mà ông tưởng rằng đã vô hiệu hóa được bằng
cách để cho Trần Việt "ngồi chơi xơi nước". Một ông phó mà ông ghét
cay ghét đắng nhưng cũng phải nể tài năng.
Nhiều thành viên trong Hội Ðồng đề nghị với Tổng Thống Nguyên nên có
một vài hành động nhằm giải tỏa bớt áp lực. Chẳng hạn như bỏ tình
trạng thiết quân luật hoặc giải tán nha An Ninh Nội Chánh và Hội
Ðồng Quốc Vụ. Thật ra thì chẳng cần phải có những danh xưng đó mới
làm được những gì Tổng Thống muốn. Nhân cơ hội này, Hội Ðồng Quốc Vụ
cũng làm nổi bật cái thân phận của một người làm chánh trị mà không
chánh đảng để thuyết phục thêm Tổng Thống Nguyên về công tác hình
thành đảng Dân Chủ. Tổng thống Nguyên trầm ngâm suy nghĩ khá lâu về
những biện pháp được đề nghị để đương đầu lại Mặt Trận Toàn Dân Tự
Quyết, nhưng ông vẫn giữ kín phản ứng của ông.
Về các diễn biến ở Quốc Hội, Hội Ðồng Quốc Vụ rất thắc mắc ở chỗ khá
nhiều vấn đề có tính cách an ninh quốc phòng và bí mật quốc gia mà
tại sao có dân biểu biết được? Chẳng hạn như vụ đi đêm với tướng
Thái, như kế hoạch Ðống Ða, như phương thức "Dân Chủ Trung Dung"...
Hội Ðồng xoay quanh mãi để tìm nơi rò rỉ. Chỉ có Tổng Thống Nguyên
mới biết, nhưng vẫn theo cung cách làm việc của ông là kín miệng.
Suy diễn qua lại và tới lui, ông nghĩ rằng phiên họp đặc biệt vừa
rồi của Quốc Hội phải có sự thúc đẩy của Mỹ, không phải Cố Vấn chánh
trị Michael Norton thì cũng Đại Sứ Ellis Bagwell. Nghĩ đến hai người
này, Tổng Thống Nguyên thấy hơi nao núng nhưng ông tin tưởng ở cái ô
dù to lớn hơn của ông ở Hoa Thịnh Ðốn. Rốt cuộc phiên họp khẩn cấp
của Hội Ðồng Quốc Vụ đi đến kết luận là cứ để cho tình hình diễn
tiến theo đà thuận lý của nó. Nghĩa là Tổng Thống Nguyên còn phân
vân, đúng như bản chất của ông. Tóm lại là chờ xem!
Sau khi được tin Quốc Hội gửi nghị quyết cho Tổng Thống, đại sứ Hoa
Kỳ vào dinh Ðộc Lập ngay để gặp Tổng Thống Nguyên. Không cần phải xã
giao lôi thôi, ông đại sứ đi thẳng vào vấn đề:
- Ðấy, Tổng Thống thấy có đúng như tôi đã nói không? Bây giờ, khi
Quốc Hội đã lên tiếng thì vấn đề trở thành to chuyện vì các hãng
thông tấn sẽ loan đi khắp nơi trên thế giới và bộ mặt dân chủ của
chế độ này chẳng ra thể thống gì nữa.
- Ông đại sứ lại lo xa.
- Không phải lo mà sợ thì đúng hơn. Tổng thống hãy xem công điện
viễn ấn này của Bạch Cung thì rõ.
Tổng thống Nguyên chăm chú đọc bức công điện, càng đọc nét mặt ông
càng biến đổi theo chiều hướng không được vui. Ông đọc chưa dứt thì
ông đại sứ Hoa Kỳ đứng dậy cáo biệt ra về:
- Mục đích của tôi trong cuộc hội kiến hôm nay là chuyển tận tay
Tổng Thống bức công điện này của Bạch Cung. Tôi xin phép Tổng Thống
ra về để Tổng Thống có thì giờ suy ngẫm và hành động.
Một cuộc tiếp xúc thật ngắn ngủi, ngắn nhất từ trước đến nay khiến
cho Tổng Thống Nguyên phải nghĩ ngay ra rằng ông đã có điều gì làm
cho ông đại sứ phật ý. Thế nhưng, thái độ hiện nay của Ellis Bagwell
đối với Tổng Thống Nguyên có bề khác hơn thời kỳ trước ngày thượng
đỉnh Wake. Tổng thống Nguyên cho rằng Tổng Thống Hoa Kỳ đã chỉ thị
như thế nào đó cho Ellis Bagwell nên mới có sự thay đổi như thế
trong cách đối xử với ông. Ðành rằng ông đại sứ không còn trực tiếp
khuyến cáo Tổng Thống Nguyên thế này hay thế nọ như trước nhưng nay
ông đại sứ lại mượn tay của Bạch Cung.
Tổng thống Nguyên cho triệu tập ngay phiên họp của Hội Ðồng Quốc Vụ,
không phải để bàn về nghị quyết của Quốc Hội hay tuyên cáo của Mặt
Trận Toàn Dân Tự Quyết mà để nghiên cứu bức công điện viễn ấn của
Hoa Thịnh Ðốn vì đó là ý kiến của Hoa Kỳ, một ý kiến thống lãnh và
thống soái đối với ông Nguyên.
Tổng thống tiết lộ cho Hội Ðồng biết rằng có bàn tay lông lá của Mỹ
trong hành động của Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết cũng như của Quốc
Hội. Nếu không thì làm sao Mặt Trận dám hành động như thế trong tình
trạng thiết quân luật và nếu không thì làm thế nào Quốc Hội lại biết
được những chuyện có tính cách an ninh quốc phòng hay tối mật quốc
gia? Nếu chỉ là biến động xuất phát từ hai bộ phận đó thì Tổng Thống
Nguyên chắc chẳng buồn quan tâm.
Ðối với ông, Mặt Trận chỉ là một tập hợp có cũng như không, to mồm
thì dễ tan xác như pháo thế thôi. Còn ở phía Quốc Hội thì các ông
dân biểu cố tình đao to búa lớn để hốt phiếu trong kỳ bầu cử Quốc
Hội trong tương lai trước mắt chứ thật ra nào họ có yêu nước thương
dân gì? Cho nên, Tổng Thống Nguyên khuyên Hội Ðồng Quốc Vụ nên
nghiên cứu vấn đề dựa trên đối tượng là bức công điện của Bạch Cung.
Sáng hôm sau, văn phòng phủ Tổng Thống phổ biến thông cáo báo chí:
"Vì quyền lợi sinh sống của nhơn dân và chiếu tình hình lắng dịu của
xã hội, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đã ban hành sắc lịnh bãi bỏ
tình trạng thiết quân luật trên toàn lãnh thổ kể từ không giờ ngày
hôm nay.
"Tổng thống yêu cầu đồng bào hãy bình tâm trước những luận điệu
thiếu chánh xác và không trung thực, đem khuynh hướng độc tài chuyên
chế gán ghép cho chế độ. Là một con người từ nhơn dân mà ra và bao
lâu nay đã từng đấu tranh chánh trị từ cơ sở để mưu cầu tự do dân
chủ cho đất nước và dân tộc, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa lẽ nào
phản bội lại chính mình và phụ lòng tin của đa số cử tri.
"Tổng thống yêu cầu đồng bào hãy quan sát và theo dõi hành động của
chế độ mà phán xét, đừng để những luận điệu thổi phồng và mị dân chi
phối. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn tin tưởng ở sự phán xét
thông minh và sáng suốt của toàn dân."
Thế nhưng, cảnh giác đề phòng những diễn biến sắp đến, Tổng Thống đã
ban hành sắc lịnh mới về báo chí trước khi ký sắc lịnh chấm dứt
thiết quân luật. Theo sắc lịnh này thì ngoài việc báo bị tịch thâu
như trước nay, chủ nhiệm báo liên hệ còn bị phạt tiền rất nặng, thậm
chí có thể bị cầm tù, tùy theo mức độ vi phạm.
Cho nên, dù thông cáo của văn phòng phủ Tổng Thống chưa đáp ứng được
những đòi hỏi của Quốc Hội và mong muốn của quần chúng, báo chí còn
đắn đo chưa vội bình luận gì nhiều và muốn có thời gian thăm dò Hành
Pháp. Một vài tờ mạnh miệng, nhưng cũng chỉ nói gần nói xa về sự
hiện diện của Hội Ðồng Quốc Vụ và nha An Ninh Nội Chánh, đã bị tịch
thu nhưng chưa phải chịu biện pháp phạt tiền.
Bầu trời chánh trị Sài Gòn chưa kịp quang đãng với việc bãi bỏ tình
trạng thiết quân luật thì đã âm u với sắc lịnh mới về báo chí. Dư
luận ác ý cho rằng Tổng Thống Nguyên là một nhà chánh trị bậc thầy
về phép cai trị bằng biến cố dây chuyền. Hết chuyện này, ông bày ra
thế khác làm cho thiên hạ thường xuyên phải đối đầu với hiện tượng
mà quên đi bản chất là nội dung chánh mà ông muốn đạt được. Do đó mà
môi trường chánh trị và xã hội Sài Gòn, như một thùng thuốc súng khô
và nóng chỉ chờ một tia lửa nhỏ cũng bùng nổ, làm cho người ta có
cảm tưởng bị lúng túng, thiếu hơi và nghẹt thở. Phải có một cái gì
để làm cho tình thế được hanh thông và điều gì phải đến đã đến.
* * *
Cái chết qua cuộc biểu tình của cô học trò xinh đẹp Trương Thị Mỹ
Duyên, được dân biểu trưởng khối Liên Kết thông báo tại diễn đàn
Quốc Hội và các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế loan
tin rộng rãi, đã gây một xúc động mạnh trong tâm tư quần chúng.
Người ta hồi tưởng lại những ngày rầm rộ kéo nhau xuống đường, hò
reo tranh đấu, nhất là ở cao điểm trước tòa đại sứ Hoa Kỳ trên đại
lộ Thống Nhất.
Không ai quên được hình ảnh báo chí của cô gái mỹ miều dễ thương
nhưng rất hăng hái xông pha trong những đợt biểu tình. Mỹ Duyên xuất
hiện tham gia chống đối cùng với học sinh sinh viên nam nữ để ủng hộ
báo chí và sau đó là để ủng hộ những học trò con trai phản đối
chuyện bắt lính. Ở tuyến biểu tình chống Mỹ, Mỹ Duyên – tên Mỹ Duyên
mà lại không có duyên với Mỹ - đã ngã xuống vì một viên đạn, chưa
biết cố ý hay vô tình, của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ bảo vệ tòa đại
sứ, vì hốt hoảng đã nổ súng bắn bừa.
Người ta còn nhớ mãi chiếc áo dài trắng ướt sủng nước vòi rồng và
nhuộm máu đỏ của Mỹ Duyên khi bạn bè đưa cô lên chiếc xích lô để di
tản đến nhà thương thí Sài Gòn trên đại lộ Lê Lợi. Mặt cô tái xanh
nhưng miệng vẫn nhoẽn nụ cười như hứa hẹn rồi sẽ trở lại cùng nhau
tranh đấu. Thiên hạ thấy xót thương cho thân gái, lẽ ra chỉ ở nơi
đài các mà sao lại ra đây?
Quần chúng càng thấy căm tức khi biết rằng trong suốt thời kỳ Mỹ
Duyên nằm bệnh viện không thấy đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn có một
cành hoa cho người con gái mà lính canh của họ đã "lỡ tay" bắn bị
thương. Phải chăng họ coi Mỹ Duyên như một "tên Việt Cộng", chết
trong trận chiến trước đầu súng của họ? Chết như một kẻ thù của họ,
trong tinh thần chết là đáng đời, đáng kiếp?
Nhưng, với quần chúng Sài Gòn, cái chết của Mỹ Duyên được coi như là
biểu tượng của một phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, một sự hy
sinh cao quý, một gương phấn đấu của kẻ yếu mà phải đương đầu với
cường quyền và bạo lực. Một bài học đáng trân trọng và phải hằn sâu
dấu ấn trên dòng thời sự. Ban chấp hành hội Học Sinh Áo Tím quyết
định đưa xác Mỹ Duyên về trường để làm đám tang và thi hành ngay
trong đêm, trước khi chánh quyền ra lịnh ngăn cản việc đưa xác ra
khỏi bệnh viện.
Sáng hôm sau, mặt tiền của trường nữ trung học Gia Long đã có dáng
dấp khác thường với một mảnh khăn tang trắng chạy dài theo vòng cung
của cổng vào. Việc học được tạm thời đình chỉ cho cả trường mặc dù
không được sự chấp thuận của hiệu trưởng. Trước ý muốn của tập thể
học sinh, bà hiệu trưởng ở trong một thế lưỡng nan, giữa lịnh của bộ
giáo dục ở đầu dây điện thoại và đòi hỏi của quần chúng học sinh mà
bà đang diện đối diện.
Theo diễn biến của tình hình, lễ tang của Mỹ Duyên đã vượt quá phạm
vi của hội Học Sinh Áo Tím để mang tầm vóc quy mô hơn của một sự
kiện có tính toàn thành phố thủ đô, với sự ủng hộ của cả nước. Tổng
hội Sinh Viên Học Sinh, Nghiệp Ðoàn Truyền Thông, Tổng Công Ðoàn,
Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết, các hội đoàn Tôn Giáo cũng như một số
lớn đại diện dân cử đều đứng vào ban tổ chức của đám tang Mỹ Duyên.
Trước một lực lượng chủ trương cỡ đó, chánh quyền cũng thấy ngần
ngại trong ý định đàn áp nên đội quân cảnh sát chiến đấu dàn ra
trước cổng trường Gia Long lúc sáng sớm đã rút đi vào gần trưa và
thay thế vào đó là một số cảnh sát sắc phục và nhân viên an ninh
chìm. Suốt ngày hôm đó, đoàn thể và vòng hoa nối tiếp nhau đến viếng
linh cửu cô học sinh đã nằm xuống vì đại nghĩa. Một cái chết đã dấy
lên nỗi niềm căm tức của đông đảo quần chúng nhằm vào chế độ và
người Mỹ, vốn hậu thuẫn cho chế độ, vì quyền lợi của chính họ chứ
không phải vì ý thức hệ chánh trị hay vì thương xót dân tộc Việt
Nam.
Qua cảm thông giữa bà hiệu trưởng và ban tổ chức đám tang, người ta
đặt linh cửu của Mỹ Duyên ở sân trong của trường nữ trung học, dưới
một chiếc lều vải bạt. Vòng hoa tang trắng chất đầy xung quanh lều
và chiếm cả một góc sân rộng lớn. Dọc theo lối đi từ lều tang ra đến
cổng sắt của trường là hai hàng vòng hoa tang trắng, như hai hàng
quân danh dự, chào đón khách vào viếng linh cửu và tiễn đưa người
thiếu nữ chết vì lý tưởng. Đám tang Mỹ Duyên gợi nhớ trong ký ức
người dân thành phố về một lễ tiễn đưa Trần Văn Ơn, hồi năm 1950.
Mỹ Duyên không phải là một học sinh ngỗ nghịch, quậy phá, mà là một
cô nữ sinh ngoan hiền, được lòng thầy cô và được nhiều cảm tình của
bè bạn từ năm học đầu đến nay là năm thứ tư. Không phải là một học
sinh xuất sắc, nhưng Mỹ Duyên được giáo sư, giám thị cũng như hiệu
trưởng mến thương vì tinh thần học hỏi cầu tiến và tâm tính hiền
hòa.
Là người con gái độc nhứt trong gia đình, Mỹ Duyên được mẹ tảo tần
nuôi dạy từ năm lên mười sau khi cha tử trận trên chiến trường. Ðược
hun đúc tinh thần tự do trong dân chủ, mà cha cô đã từng đem binh
nghiệp để bảo vệ, Mỹ Duyên rất bất bình khi thấy tự do dân chủ bị
chà đạp khinh thường. Và tinh thần hăng say tranh đấu của Mỹ Duyên
chẳng may đã sớm thui chột vì một viên đạn - mỉa mai thay - của
những con người thường được coi như là "cảnh binh của tự do dân
chủ"!
Tờ mờ sáng ngày động quan, khu vực bao quanh trường nữ trung học Gia
Long đầy nghẹt những người tự nguyện đến tiễn đưa cô học sinh bé
bỏng tuổi đời, nhưng già dặn ngày tháng đấu tranh. Bên trong sân
trường là hàng hàng lớp lớp nữ sinh đồng phục quần áo dài trắng, một
chiếc nơ cánh bướm màu đen ở ngực phía con tim. Bên ngoài trường,
lẫn lộn giữa đám đông y phục màu tang tóc, trắng hoặc đen đó, là
những bộ đồng phục cảnh sát đi đi lại lại, máy vô tuyến cầm tay
thường trực hoạt động. Dĩ nhiên là không phải để bảo đảm an ninh và
trật tự mà để đề phòng đám tang biến thành một cuộc biểu tình chống
đối.
Không gian vừa rực sáng, ánh mặt trời ló dạng chưa qua khỏi những
tòa nhà cao ốc thì đã trở nên lờ mờ với những đám mây từ đâu kéo đến
khi chiếc linh cửu vừa ra khỏi cổng sắt của trường nữ học Gia Long.
Theo sau cỗ áo quan chỉ vỏn vẹn có bà mẹ già của Mỹ Duyên cùng với
những bạn học cùng lớp. Quan tài được đặt vào xe tang xong thì chiếc
xe từ từ chuyển bánh trong nỗi im lặng bao quanh, dù số người tiễn
đưa không sao đếm được.
Phá tang sự yên tĩnh đó là tiếng nói rè rè từ những chiếc máy vô
tuyến cầm tay của lực lượng an ninh nhà nước. Như một dải khăn tang
trắng lốm đốm chấm đen, đoàn người đưa tiễn chậm rãi và trang trọng
di chuyển theo sau chiếc xe tang qua các đường phố của thủ đô. Ðám
tang đi theo con đường Phan Thanh Giản đến Công Lý rẽ phải rồi dừng
lại một hồi lâu trong im lặng trước dinh Ðộc Lập để nhắc nhở Tổng
Thống Nguyên rằng lương tâm chánh trị của ông phải khắc ghi cái chết
lẽ ra không nên có của một người con gái mà quãng đời học sinh bị dở
lở vì đường lối điều hành đất nước và cai trị dân chúng của ông!
Khi đầu đám tang đến dinh Ðộc Lập, phần cuối vẫn chưa rời khỏi
trường nữ học. Sau 15 phút im lặng để đánh thức lương tâm con người
và ý thức chánh khách ở Tổng Thống Nguyên, chiếc xe tang lại rẽ trái
đi theo đại lộ Thống Nhất hướng về thảo cầm viên để rồi dừng lại
trước tòa đại sứ Hoa Kỳ. Ở đây, một nữ sinh dùng máy phóng thanh cầm
tay đọc một văn bản ngắn viết bằng Anh ngữ gửi Tổng Thống Hoa Kỳ:
"Thưa Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ,
"Chúng tôi, toàn thể học sinh trường nữ học Gia Long, xin trân trọng
thông báo với Tổng Thống đây là đám tang của Trương Thị Mỹ Duyên,
một người con gái đã ngã xuống cho tự do dân chủ tại nơi này, vì một
viên đạn của người lính Hoa Kỳ, đến đất nước Việt Nam chúng tôi để
gọi là bảo vệ cùng một lý tưởng."
Chỉ dừng lại vừa đủ để đọc bức thư ngỏ ngắn gọn đó rồi đám tang lại
thầm lặng đi tiếp đến thảo cầm viên quẹo trái sang đường Nguyễn Bỉnh
Khiêm để qua Thị Nghè, ra ngã tư Hàng Xanh, theo xa lộ hướng về Thủ
Ðức. Ðám tang không buồn dừng lại trước phủ Thủ Tướng ở số 7 Thống
Nhất vì thừa biết rằng đó chỉ là hộp thư của hành pháp. Ban tổ chức
định mai táng Mỹ Duyên ở một nghĩa địa hiệp hội quanh thủ đô nhưng
theo yêu cầu của bà mẹ, cô được đưa về mai táng tại vườn sau nhà bà
ở Linh Xuân Thôn.
Như vậy bà sẽ dễ bề săn sóc mồ mả của con với tuổi già xế bóng, di
chuyển khó khăn. Trước khi cho đoàn xe tang khởi sự chạy nhanh trên
đoạn xa lộ, xe phóng thanh của ban tổ chức chạy ngược lại dòng người
đưa tiễn để tỏ lời cám ơn về tình cảm mà quần chúng đã dành cho Mỹ
Duyên và cho biết là vì đường xa và vì phương tiện eo hẹp nên yêu
cầu bà con thông cảm ra về. Xe phóng thanh phải chạy ngược đến tận
dinh Ðộc Lập mới hết dòng người đưa đám.
Rồi đoàn xe tang bắt đầu di chuyển trên xa lộ với một tốc lực trang
trọng. Người ta đếm sơ cũng trên ba mươi chiếc xe buýt, chưa kể vô
số xe nhà, xe mô tô và gắn máy tháp tùng. Một đám tang buồn nhưng
rần rộ và rộn rịp! Một đám ma nhà nghèo nhưng lộng lẩy và cao sang!
Chỉ vì người nằm xuống và ra đi kia đã hy sinh cho một lý tưởng
chung!
Nhưng vườn sau nhà của bà mẹ Mỹ Duyên làm thế nào để tiếp nhận ngần
ấy người nên đến cuối đường lễ tang, đoàn người thừa ứ phải đứng bên
ngoài, gây ngạc nhiên không ít cho dân cư Linh Xuân Thôn vì chưa bao
giờ thấy có một số người đông đảo dường ấy. Nhưng, người ta cũng
nhứt định đi qua vùng huyệt để kính cẩn nghiêng mình trước mộ người
con gái ít tuổi đời nhưng dũng cảm trong đấu tranh.
Nấm mồ Mỹ Duyên vừa thành hình thì một trận mưa ồ ạt lại đổ xuống,
chia cắt biến cố với cuộc sống trầm lắng của Linh Xuân Thôn. Ðám
tang qua đi trong yên tĩnh, chánh quyền thấy nhẹ người. Những lo âu
của nhà nước về chuyện người ta có thể lợi dụng đám tang để biến
thành biểu tình chống đối đã tan biến nhưng hiện tượng đó cũng chỉ
là một dấu nghỉ trên giòng nhạc chánh trị đang hồi trào dâng.
Ðám tang Mỹ Duyên là một biến cố quan trọng không thế nào bỏ qua
được, nhất là sau khi các phương tiện truyền thông ngoại quốc đã
tường thuật và bình phẩm đầy đủ, báo chí Sài Gòn tung ra những bài
tường thuật tỉ mỉ và cũng không bỏ qua cơ hội để đả kích chánh
quyền. "Có tật, giật mình, có tình, sợ thất kinh trong bụng", Hành
Pháp cho thi hành sắc lịnh mới về báo chí, tịch thu những tờ báo
"hỗn láo" và phạt mỗi tờ phạm lỗi 20 triệu đồng. Thậm chí có một vài
tờ bị đóng cửa ngắn hạn vì bị cho là "phạm thượng", dù là ở mục biếm
văn hay qua tranh khôi hài.
Có ngày trên sạp báo thành phố người ta chỉ còn thấy có hai tờ "Hậu
Phương" và "Dân Chủ", gà nhà của Hành Pháp, nằm hớ hênh mà chẳng ai
buồn quan tâm đến. Càng ngày báo càng bị tịch thu và chủ nhiệm, chủ
bút bị truy tố ra tòa, rồi con số các báo bị đóng cửa cũng tăng lên.
Tuy vậy mà cũng không thấy một tờ báo mới nào xuất hiện vì sắc lịnh
báo chí đòi hỏi những tờ báo mới xuất bản phải có một số tiền ký quỹ
một trăm triệu. Với ý đồ triệt tiêu báo chí để bóp nghẹt đệ tứ quyền
và bịt miệng khóa mồm phe đối lập, chế độ đã dồn xã hội Việt Nam vào
một không gian kín mít để rồi sẽ chết lần chết mòn vì ngộp thở.
Nhà báo mà không làm báo thì sớm muộn gì nồi cơm gia đình cũng bị
bể, làm sao có được thu nhập để sinh sống qua ngày. Nhưng, con người
không phải là một sinh vật dễ dàng tiếp nhận cái chết mà không phản
ứng. "Con giun xéo lắm cũng quằn" nên một lần nữa những người làm
báo lại mở đầu đợt chống đối mới.
Phóng viên, ký giả của những tờ báo, bị tịch thu liên miên hay đóng
cửa đến phá sản, quyết định phát động phong trào "Nhà Báo Ăn Mày"
với mục đích đánh động dư luận quần chúng về khuynh hướng chuyên chế
của Hành Pháp, nhứt là của Tổng Thống Nguyên. Mỗi người một cái bị
lác mang khẩu hiệu "Ðừng Bóp Họng Tự Do" và một cây gậy. Họ chia ra
từng nhóm vài ba người đi lang thang trên những con đường lớn của
khu sinh hoạt thủ đô, mặt mày thản nhiên và không phát biểu bất cứ
một lời gì.
Chế độ khinh thường, cho đó là một trò đùa rẻ tiền, ngày một ngày
hai những người biểu tình kiểu mới này sẽ thấy ngượng rồi dẹp đi.
Thế nhưng trái lại, đối với phong trào thì đây là một cuộc tranh đấu
để sống còn cho nghề nghiệp, cho gia đình và cho bản thân của nhà
báo. Một cuộc tranh đấu sanh tử! Phong trào không xẹp xuống như nhà
cầm quyền dự đoán mà lại ngày một lớn mạnh với sự ủng hộ của quần
chúng, của đại diện dân cử và của các phương tiện truyền thông ngoại
quốc.
Chương trình phát thanh tiếng Việt của những đài ngoại quốc như BBC,
VOA, NHK, Australia liên tiếp loan tin về hoạt động của đoàn "Nhà
Báo Ăn Mày" cùng với những bài bình luận không tốt đẹp gì cho chế độ
Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền lạnh lùng giữ thái độ bàng quang được
một tuần lễ trước điều mà họ cho là trò đùa rẻ tiền thì Quốc Hội
không thể kềm hãm được sự kiên nhẫn nữa nên mở phiên họp khoáng đại
để bàn về vấn đề.
Tòa đại sứ Mỹ cũng không thể làm ngơ vì họ cho rằng hoặc Tổng Thống
Nguyên bị động, hoặc cảnh sát quốc gia đã mất hết sáng kiến. Bất kể
ngày chúa nhật, đại sứ Ellis Bagwell cũng xin gặp gấp Tổng Thống
Nguyên. Chiều hôm đó, trong lúc dân chúng đang dạo chơi nhân lúc đẹp
trời thì xe cảnh sát chớp đèn và hụ còi in ỏi chạy đi khắp nơi trong
khu trung tâm thành phố để lùng bắt những nhà báo ăn mày đem về giam
tập trung tại bộ tư lịnh Cảnh Sát Quốc Gia.
Một biến cố như thế là một đề tài mà không một phương tiện truyền
thông nào có thể bỏ qua nên các hãng thông tấn ngoại quốc đánh đi
những bản tin rất được quan tâm, trong khi báo chí Việt Nam chẳng
còn một tờ báo nào xứng danh để tường thuật lại. Còn lại chăng chỉ
là hai nhật báo mà dân chúng gọi là báo "gia nô", ế dài trên các
quày báo. Như loại công báo chánh phủ, chỉ có những cơ quan nhà nước
mua mà thôi!
Hành Pháp nghĩ rằng khi các báo phản động bị tịch thu và đóng cửa
hết thì báo công quyền sẽ được quần chúng chiếu cố. Nhưng, sự thực
cuộc đời đâu có đơn giản như nhà cầm quyền tưởng! Hai tờ báo thân
chánh cũng tường thuật lại phong trào nhà báo đi ăn xin nhưng dĩ
nhiên là theo luận điệu của nhà cầm quyền, vốn coi đó như là một
hành động gây rối trật tự xã hội.
Ngày hôm sau, gia đình, bằng hữu và thân nhân cũng như quần chúng
hiếu kỳ tụ tập trước bộ tư lịnh Cảnh Sát Quốc Gia để nghe ngóng tin
tức của những người bị giam giữ. Nhưng, bộ tư lịnh cứ giữ thái độ
"im lặng là vàng" nên bầu không khí càng lúc càng căng thẳng. Cảnh
sát giam giữ người, không buồn cho biết lý do mà cũng không đưa ra
tòa.
Ngày này qua ngày khác, quá thời gian pháp định nên Luật Sư Ðoàn lên
tiếng phản đối, nhân danh những người bị giam giữ và đến mức cùng,
bộ tư lịnh cho biết là đang chờ lịnh Tổng Thống. Không có báo chí
nhưng tin đồn lan đi rất nhanh nên đoàn người ngày một đông đảo hơn.
Bộ tư lịnh mở loa yêu cầu đoàn người giải tán nhưng lòng can đảm của
đám đông thường được củng cố khi có quần chúng và bị bực tức. Nắng
mưa cũng không ép buộc được đám đông giải tán, nhưng ngày một ngày
hai lại càng tăng thêm nhân số. Thế là cảnh sát phải cầu cứu đến
phương tiện đàn áp cố hữu là vòi nước và lựu đạn cay.
Theo luật tự nhiên, có đàn áp là có đấu tranh để chống lại bạo lực.
Trước diễn biến khó coi đó của nhà cầm quyền, đại diện dân cử lên
tiếng phản đối và Mặt Trận Toàn Dân Tự Quyết bắt đầu nhảy vào vòng
chiến. Thế là lửa rơm đã biến thành lửa rừng thông, lại gặp lúc gió
lên cơn.
Một lần nữa, giới báo chí Việt Nam lại phát động một phong trào
tranh đấu cho tự do dân chủ chánh trị, bắt nguồn từ quyền tự do ngôn
luận bị ngăn chận. Ðược tổ chức trong âm thầm, một cuộc biểu tình
ngồi câm lặng to lớn đột ngột xuất hiện trên đại lộ Thống Nhất,
trước dinh Ðộc Lập, đòi Tổng Thống Nguyên phải tôn trọng Hiến Pháp,
trả lại mọi thứ tự do cho nhân dân. Cuộc tập họp thật ôn hòa, không
loa phóng thanh, không hoan hô đả đảo, chỉ có băng khẩu hiệu.
Hệ thống an ninh của dinh Ðộc Lập lần hồi được tăng cường, ban đầu ở
bên trong hàng rào rồi kế đó là bằng vòng đai cảnh sát sắc phục và
cảnh sát chiến đấu ở bên ngoài. Loa phóng thanh bên trong dinh kêu
gọi đồng bào giải tán nhưng quần chúng tụ tập lại đâu phải để tan
hàng một cách đơn giản, khi chưa đạt được kết quả. Cho nên lời kêu
gọi của loa phóng thanh chỉ là một thứ tiếng ồn đi vào khoảng không.
Mãi lâu về trưa, sĩ quan an ninh của dinh mới lên tiếng mời một đại
diện của cuộc mít tinh đến cổng sắt của dinh Ðộc Lập để thảo luận.
Sau một thời gian giằng co, lời đi tiếng lại giữa hai bên, ông phụ
tá An Ninh của Tổng Thống thuận tiếp một phái đoàn đại diện quần
chúng biểu tình gồm 5 người.
Trong khi phái đoàn còn đang hội kiến bên trong dinh Ðộc Lập thì
trong khối quần chúng lại có những tiếng la to "Ðả đảo độc tài đảng
trị!", "Ðả đảo dân chủ trá hình!", "Ðừng núp sau ngoại bang mà coi
thường dân tộc!"... Những tiếng la này lúc thì nổi lên ở cánh hữu,
khi ở cánh tả, lúc ở phía sau mít tinh. Ban tổ chức thấy ngạc nhiên
vì không phù hợp với chủ trương của cuộc biểu tình. Theo sau những
tiếng la đó là những cuộc rượt đuổi nhưng không một ai bị bắt cả.
Thế rồi, lựu đạn khói màu được tung ra làm cho những người tham dự
biểu tình đâm ra hoang mang và rối loạn. Người ta nghi ngờ là có
phần tử phá hoại nào đó đang xen vào để chuyển hướng phong trào
tranh đấu nhưng chưa biết xuất xứ. Trong bầu không khí năm nghi mười
ngờ như thế thì xe phóng thanh của cảnh sát loan báo là đồng bào hãy
đề cao cảnh giác, đừng để cho cộng sản khai thác cuộc mít tinh. Ðám
đông chưa hết xôn xao thì phái đoàn đại diện từ trong dinh Ðộc Lập
trở ra loan báo là Hành Pháp thuận thả những nhà báo "ăn mày" bị
giam giữ vừa qua và dinh Ðộc Lập yêu cầu đồng bào hãy trở về với
sinh hoạt bình thường.
Cung cách dàn xếp cuộc mít tinh như thế cho thấy nhược điểm của dinh
Ðộc Lập vì đã có một bước lùi, và thái độ nhượng bộ đó của dinh Ðộc
Lập chưa phải chỉ có ngần ấy mà thôi. Văn phòng Tổng Thống thấy có
một cái gì đó không ổn trong biến cố vừa qua, nhất là về những tiếng
la chống đối chế độ. Có lịnh của Tổng Thống Nguyên cho mở một cuộc
điều tra để tìm ra sự thực, chứ chỉ đơn giản gán cho cộng sản thì
rất dễ dàng nhưng chẳng giải quyết được gì hết.
Một tháng sau, Tổng Thống triệu tập một phiên họp về vấn đề này gồm
có ban chỉ đạo Hội Ðồng Quốc Vụ, đặc ủy trưởng Trung Ương Tình Báo,
tư lịnh Cảnh Sát Quốc Gia và đại tá giám đốc An Ninh Quân Ðội. Với
tư cách người phối họp công tác, ông phụ tá An Ninh của Tổng Thống
trình bày tình hình công cuộc điều tra và kết luận:
"Kính thưa Tổng Thống,
"Sau một tháng hoạt động trong tinh thần chấp hành lịnh của Tổng
Thống, ủy ban điều tra của chúng tôi nhận thấy có những giả thuyết
như sau:
"Thứ nhất, có một số phần tử quá khích của chánh đảng đối lập nào đó
đã hành động táo bạo nhằm đẩy mạnh phong trào chống đối chế độ. Như
chúng tôi đã trình bày, bộ phận chủ lực của cuộc mít tinh vừa qua là
Quốc Tiến, và Tổng Thống cũng không ngạc nhiên gì nếu chúng tôi cho
rằng chánh đảng này đối kháng lại Tổng Thống quyết liệt hơn hết.
Chúng tôi xin Tổng Thống cho phép chúng tôi miễn trình bày ở đây cá
nhân thù địch với Tổng Thống, thậm chí hy vọng thay thế Tổng Thống
nếu chẳng may Tổng Thống bị bất tín nhiệm.
"Kế đó, điểm dễ chấp nhận hơn hết là giả thuyết về việc cộng sản xâm
nhập phong trào tranh đấu, một giả thuyết tầm thường và rẻ tiền
trong cuộc chiến tranh hiện nay của đất nước chúng ta. Thế nhưng
không phải vì thế mà chúng tôi có thể bỏ qua, nhất là trong khi mức
độ giao tranh ở chiến trường đã lắng đọng hẳn từ lúc tình hình nội
chánh của chúng ta không được ổn định. Cộng sản muốn mượn gió bẻ
măng để lật đổ chế độ mà vẫn bảo toàn được lực lượng của họ.
"Giả thuyết thứ ba, mà ủy ban chúng tôi đánh giá thấp nhất, là một
số tay chân của phe quân nhân cầm quyền ngày trước muốn chứng minh
sự bất lực của chánh quyền dân sự để phục hồi quyền bính cho "đảng
ka-ki".
"Cuối cùng, vấn đề tế nhị hơn hết và không thể coi thường, là thái
độ của tòa đại sứ Hoa Kỳ trong hồi gần đây đối với chế độ nói chung
và đặc biệt hơn hết đối với cá nhơn Tổng Thống. Ủy ban chúng tôi
nhận thấy rằng từ sau thượng đỉnh Wake đến nay, liên lạc giữa Tổng
Thống và ông đại sứ Ellis Bagwell có một mức độ tẻ nhạt đi một cách
khá lộ liễu. Và dư luận hồi gần đây về việc tòa đại sứ Hoa Kỳ thúc
đẩy Quốc Hội mở phiên khoáng đại về tình hình của đất nước chúng ta
không phải là vô căn cứ.
"Kính thưa Tổng Thống, ủy ban chúng tôi kính trình lên Tổng Thống
bốn giả thuyết trên đây và kính dành quyền kết luận lại Tổng Thống,
vì chỉ có cá nhân Tổng Thống mới có đầy đủ dữ kiện chủ quan để xác
định được vấn đề. Chúng tôi kính chờ lịnh của Tổng Thống."
Thuận lý với cung cách hành xử của ông, Tổng Thống Nguyên kết thúc
phiên họp, đứng lên với một nét mặt đầy vẻ suy tư, bước sang phòng
làm việc mà không ban hành một chỉ thị nào hết. Từ bốn giả thuyết
trên của ủy ban điều tra, Tổng Thống Nguyên thoáng thấy tương quan
lực lượng giữa ông và khối áp lực mà ông đang phải đương đầu.
Ông khởi sự nhận ra rằng hậu thuẫn mà ông được hứa hẹn ở "mật đàm cà
phê" chẳng đáng là bao so với chánh trị thực tế và thực tiễn trên
đất nước Việt Nam. Căn bản trong chánh trị phải là thực lực của
chính mình và hậu thuẫn bên ngoài chỉ là những sức đẩy phụ thuộc. Ðó
là chưa kể những hậu thuẫn đưa đẩy người làm chánh trị dễ có những
quyết định và hành động thất nhân tâm.
Suy đi, tính lại, Tổng Thống Nguyên thấy rằng cả bốn giả thuyết mà
ủy ban điều tra đưa ra đều có một phần chân lý trong đó. Như thế thì
với giả thuyết nào, ông cũng là đối tượng để đối phương tấn công.
Ông nghĩ rằng với những biến cố dồn dập vừa qua, chế độ phải có một
bộ mặt khó coi, một nhân tố phá hại phẩm chất chánh trị của ông một
cách trầm trọng trong viễn cảnh của cuộc bầu cử Tổng Thống sắp đến,
qua đó ông hy vọng gặt hái thêm một nhiệm kỳ nữa.
Nhân dịp lễ ra mắt của tỉnh đoàn đảng Dân Chủ Thừa Thiên, Tổng Thống
Nguyên tuyên bố việc trả tự do cho những nhà báo "ăn mày" và quyết
định triệt tiêu hiệu lực của sắc lịnh báo chí được ban hành trong
thời kỳ thiết quân luật. Hành động này nhằm chứng minh rằng ông đã
trả tự do lại cho đệ tứ quyền, một hành động làm nức lòng quần chúng
không ít.
Dư luận cho rằng hành trình chánh trị của Tổng Thống Nguyên đang
bước sang một khúc quanh mới. Tuy nhiên, thiên hạ cũng không khỏi dè
dặt tìm hiểu ý hướng của ông vì người ta đã trải qua nhiều dịp bị
bất ngờ với ông trong quá khứ. Ông cố tình lùi bước trên trận tuyến
báo chí để bảo vệ hai công cụ then chốt trong nền "Dân Chủ Trung
Dung" của ông là Hội Ðồng Quốc Vụ và nha An Ninh Nội Chánh.
Qua một đôi lần vấp váp, Tổng Thống Nguyên càng thắm thía hơn bao
giờ hết thế mồ côi chánh trị của ông khi ngồi ghế lãnh đạo mà không
có hậu thuẫn của một chánh đảng. Ðôi khi ông thấy tiếc nuối sức mạnh
của Quốc Tiến và cảm thấy ân hận vì đã nóng nảy bốc đồng không phải
lẽ khi coi thường việc từ bỏ cái nôi chánh trị của ông.
Dẫu chấp thuận đề nghị của Hội Ðồng Quốc Vụ để cho thành lập đảng
Dân Chủ, Tổng Thống Nguyên cũng không tin rằng đảng này sẽ có thực
lực như Quốc Tiến, một chánh đảng đã nhiều tuổi đời lại dày dạn và
nhiều kinh nghiệm đấu tranh trên nhiều trận tuyến chống thực dân đế
quốc, chống độc tài đảng trị, gia đình trị và chống quân phiệt. Ông
không tán thành chủ trương lập đảng để lấy số lượng đảng viên làm
màu mè mà phải lập đảng có thực lực. Phải có những đảng viên vì lý
tưởng chứ không phải những đảng viên vì quyền lợi bản thân hay vì bị
cưỡng bách như thời ông Diệm và ông Thiệu.
Thế nhưng điều kiện khách quan và yếu tố thời gian không cho phép
ông đòi hỏi những điều kiện lý tưởng nên đành phải để cho Hội Ðồng
Quốc Vụ trọn quyền trong việc dựng lên đảng Dân Chủ. Do đó mà tầm
vóc của đảng Dân Chủ lớn lên nhanh chóng. Xã đoàn, quận đoàn, tỉnh
đoàn rồi thành đoàn của đảng Dân Chủ mọc lên như nấm gặp mưa dầm.
Ðể làm đẹp lòng Tổng Thống và để lập công với thượng cấp, những
người phụ trách phát triển đảng không đắn đo mà cũng không ngần ngại
vận dụng những phương thức quái gở, chẳng giống ai để thu nạp đảng
viên. Xã nào, quận nào, tỉnh nào cũng cố sức đạt cho kỳ được số
lượng đảng viên cao nhất để lấy thành tích. Thậm chí những người đã
có đảng tịch khác cũng được thu nhận miễn là đương sự không tiết lộ
đảng tính của mình.
Cuộc chạy đua lùa và hốt người vào đảng Dân Chủ càng mãnh liệt và
ráo riết hơn nữa khi mùa bầu cử Quốc Hội lại gần kề. Công chức và
thợ thuyền nhà nước muốn yên thân, giữ được địa vị và khỏi bị thuyên
chuyển xa nhà, đều phải ký giấy "tình nguyện" vào đảng Dân Chủ. Với
thẻ đảng viên Dân Chủ, những người làm ăn buôn bán nhỏ sẽ không gặp
khó khăn từ phía thẩm quyền địa phương. Xin phép để làm bất cứ
chuyện gì ở các cơ quan hành chánh sở tại, người không thẻ Dân Chủ
phải gặp rất nhiều phiền toái.
Thậm chí trẻ con muốn được ưu tiên nhận vào trường công thì cha mẹ
của các cháu cũng phải kèm phóng ảnh thẻ Dân Chủ trong hồ sơ xin
học, dù cho theo luật định thì giáo dục ở bậc tiểu học là cưỡng bách
và miễn phí cho tất cả mọi công dân! Như thế đảng Dân Chủ của chế độ
lớn lên như thổi, nhưng lớn mà không mạnh.
Sau khi tình hình xã hội và chánh trị của Sài Gòn tạm thời lắng dịu,
mối quan tâm chánh của Tổng Thống Nguyên là đảng Dân Chủ, trong viễn
cảnh của cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới và cuộc bầu cử Tổng Thống vào
năm kế tiếp. Trong bất cứ chuyến kinh lý nào và trong mọi cuộc tiếp
kiến với những người đứng đầu chánh quyền địa phương, ông cũng hỏi
qua tiến trình thành lập đảng Dân Chủ. Dĩ nhiên là lần nào ông cũng
được báo cáo là tốt đẹp và số lượng đảng viên nơi nào cũng khả quan
và ngày một gia tăng. Qua thời gian ngự trị trong dinh Ðộc Lập, tư
thế Tổng Thống của ông đã lần hồi làm cho ông dễ dàng chấp nhận báo
cáo của cấp dưới, không cần phải thắc mắc gì về tính chất ngay tình
hay gian ý, một căn bệnh khá phổ biến của những người cầm quyền chủ
quan.
Thế nhưng trong một chế độ dù chỉ có màu sắc tự do dân chủ, người
dân có quyền suy nghĩ và ăn nói, báo chí được quyền phản ảnh tâm tư
quần chúng thì những gì mờ ám và khó coi ở địa phương sớm muộn gì
cũng được đưa ra ánh sáng dư luận.
Trong chiến dịch mà dân chúng địa phương gọi là "lùa và hốt người
vào Đảng Dân Chủ", đại úy quận trưởng Năm Căn đưa toàn bộ quận đoàn
cán bộ xây dựng nông thôn đi lùng sục khắp mọi xã ấp, ép buộc nam nữ
trên mười tám tuổi phải ghi tên vào đảng. Sở dĩ quận này phải mở
cuộc hành quân chánh trị như vậy là vì trong đợt sơ kết thu nạp đảng
viên vừa qua, Năm Căn đứng chót về số lượng và ông quận trưởng dự
kiến là chiếc ghế của ông đang lung lay nên phải chạy nước rút để
lấy điểm với dinh Ðộc Lập.
Nhưng người muốn mà tình hình không cho phép nên trong chuyến đi về
Vân Khánh Ðông, một làng hẻo lánh cách xa quận lỵ, đoàn xe quận lọt
vào ổ phục kích của cộng sản lúc băng qua khu rừng tràm trước khi
vào ấp Cà Bây Ngọp. Xã ven biển này thuộc vùng xôi đậu ít khi được
chánh quyền địa phương bén mảng tới. Lợi dụng tình hình chiến sự
lắng đọng bao lâu nay và vì nhu cầu bức thiết nhằm thu gom đảng
viên, đại úy quận trưởng định làm một cuộc hành quân đột kích xuất
kỳ bất ý.
Nhưng, đoàn xe quận lại được tiếp đón một cách khá bất ngờ trong khi
quân hộ tống chẳng có bao nhiêu và cán bộ xây dựng nông thôn lại
không được võ trang đầy đủ. Chiếc xe tải nhà binh loại 4x4 mở đường
vừa ra khỏi rừng ở khúc quanh rẽ phải thì một tiếng nổ to của mìn
chống cơ giới vang dội khu rừng và chiếc xe tưng lên rồi nhào xuống
đầm lầy bên vệ đường giữa một cụm khói đen nghịt, binh lính hộ tống
lớp hy sinh, lớp bị thương.
Phần còn lại của đoàn xe chưa kịp phản ứng thì đạn súng cối đã đua
nhau nã vào như sung rụng trong cơn giông, rồi thì súng máy và AK
họp nhau lại thành một tấu khúc kinh hoàng. Chiếc xe Jeep của đại úy
quận trưởng đi hậu tập cũng nằm ngay trên quả mìn khóa vòng vây,
trong khi tiếng súng bắn trả chỉ lưa thưa một lúc rồi tắt hẳn. Kế đó
là tiếng gọi xung phong và một rừng người quần áo xanh màu cỏ, nón
cối chạy tràn lên mục tiêu, ban bố phát súng ân huệ cuối cùng.
Họ thu dọn chiến trường rất gọn và biến đi vào rừng tràm nhanh như
khi họ tiến vào. Trong vòng mười lăm hai mươi phút thôi mà con đường
hương lộ yên lặng và hiền lành đã trở thành một vùng đất đau thương
của không biết bao gia đình, đầy dẫy người chết và kẻ bị thương.
Tiếng súng im đi khá lâu mới thấy có người tới và cuối cùng là thầy
trưởng ấp. Thầy huy động bà con Cà Bây Ngọp ra cứu chữa người bị
thương và sắp xếp xác chết, chờ cứu viện của xã và quận.
Ðại úy quận trưởng tử thương và vào xế chiều là một cuộc hành quân
trực thăng vận đưa một tiểu đoàn vào, với danh nghĩa gọi là để truy
kích địch, nhưng thực ra là để đem xác ông quận trưởng về vì địch đã
xa chạy cao bay từ lâu! Rút tỉa bài học trận phục kích và suy luận
rộng ra thêm, cũng như phối kiểm với tin tức tình báo từ trung ương,
Sư Đoàn 21 kết luận rằng cộng sản đã bắt đầu đưa quân chánh quy xâm
nhập từ biển vào tỉnh Cà Mau.
Một hành động đáng được suy nghĩ và tìm hiểu tường tận để thấy rõ ý
đồ của địch. Bản tin quân báo của Sư Đoàn được đánh hỏa tốc về Quân
Đoàn rồi lên Tổng Tham Mưu. Cùng lúc trong khoảng thời gian đó,
Phòng Nhì Tổng Tham Mưu cũng nhận được tin từ năm vùng chiến thuật
cho biết hoạt động địch bắt đầu gia tăng trở lại. Thì ra cộng sản đã
lợi dụng thời kỳ xáo trộn xã hội và chánh trị ở thành phố để chuyển
quân và thời điểm sôi động của chiến trường phải có một ý nghĩa nào
đó.
Bản ước tính tình hình của Phòng Nhì Tổng Tham Mưu tiết lộ rằng
trong vòng sáu tháng cuối năm vừa qua, Hà Nội đã cho quân chánh quy,
trang bị võ khí nặng, xâm nhập vào Việt Nam Cộng Hòa trên hai tuyến,
một mặt theo đường mòn Hồ Chí Minh và một mặt qua đường biển. Lực
lượng xâm nhập vào khoảng ba sư đoàn.
Ý định tăng cường lực lượng chiến đấu cho miền Nam được giải thích
với ba nguyên nhân. Một là thiên tai trong mùa bão vừa qua đã làm
cho miền Bắc thất mùa trầm trọng nên họ bị bắt buộc phải đưa lực
lượng võ trang đi cho bớt miệng ăn. Lý do thứ hai, quan trọng hơn
hết là rất có thể hòa đàm Ba Lê sẽ biến chuyển mạnh nên Hà Nội dự
định mở một trận tấn công quân sự để chiếm ưu thế ở bàn hội nghị.
Cuối cùng là cộng sản có thể đang âm mưu mở chiến dịch quân sự nhằm
phá rối cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới. Ðó là chưa kể việc Chính Phủ
Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam đang tăng cường tuyển quân nhân dịp chánh
quyền Sài Gòn ép buộc trai tráng xã ấp vào đảng Dân Chủ. Ðồng thời
hoạt động của dân quân và du kích địa phương cũng thấy gia tăng ở
nhiều nơi.
Rốt cùng lại, người ta thấy rằng sai quấy, dẫu nhỏ nhặt của chánh
quyền trung ương, cũng có thể tác động đến những lãnh vực khác của
nhà nước. Một chút lỡ chưn, trợt bước của người đứng đầu chánh thể,
vì mưu cầu cho quyền lợi cá nhơn, có cơ tạo ra những cơn chấn động
làm rung rinh chế độ, và nhứt là làm thiệt hại cho những thành phần
bé nhỏ nhứt trên nấc thang xã hội.
(Hết Chương Năm)
|