.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 

  • PSN - 22.03.2009

CHƯƠNG SÁU

 

Chuông điện thoại reo liên hồi mấy bận không ai thèm trả lời, vì đã quá khuya và cả nhà đang yên giấc nồng. Bên kia đầu dây cúp đi, rồi gọi lại lần nữa. "Ai mà gọi điện thoại nửa đêm về sáng như vậy kìa, tình hình đâu có gì căng lắm đâu?" Ông chánh văn phòng càu nhàu trong cơn ngáy ngủ, mắt nhắm mắt mở cầm lấy liên hợp điện thoại, lên tiếng a lô.

- Vinh đó hả? Ngủ ngon vậy. Có chuyện gấp, đến văn phòng nhờ chút.

 

Thì ra, ngài Cố Vấn Tối Cao nhận sứ mạng đi Ba Lê, với tư cách Phái Viên Đặc Biệt của Tổng Thống Nguyễn Vĩnh Nguyên bên cạnh Phái Đoàn Hòa Đàm của Việt Nam Cộng Hòa. Vì thời gian quá cấp bách nên ngài Cố Vấn Tối Cao phải lôi đầu ông chánh văn phòng của mình nửa đêm, nửa hôm như vậy. Phái đoàn phải lên đường trong vòng một tuần lễ nữa thôi. Như vậy là ông Chánh Văn Phòng phải mất ngủ trong đêm đó. Danh gọi chánh văn phòng rất kêu, rất oai, rất có thớ, nhưng có một vài trường hợp - tùy theo đối tượng phục vụ - ông chánh văn phòng chỉ là một người đầy tớ rẻ mạt.

 

*  *  *

 

Thật ra, chuyện hòa đàm giữa Hoa Thạnh Đốn và Hà Nội đã diễn ra từ lâu lắm rồi, từ năm 1968, sau khi Tổng Thống Huê Kỳ xuống thang ném bom Bắc Việt để mời gọi Hà Nội nói chuyện. Vì hai bên cùng mỏi mệt với cuộc chiến dai dẳng, chẳng thấy được lối thoát và vì Bắc Việt như vớ được chiếc phao cứu nguy mà không mất mặt.

 

Nhưng trong cuộc chiến tranh Việt Nam đâu phải chỉ có Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ đánh nhau, mà còn có Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng nữa. Vì vậy cho nên Huê Kỳ và Bắc Việt phải mất thời gian bàn tới tính lui về đủ thứ chuyện, về thành phần mỗi bên của bàn hội nghị, về hình dáng chiếc bàn,...

 

Đến khi Mỹ muốn đưa Việt Nam Cộng Hòa vào thành phần hội nghị cùng với Mỹ thì bên Hoa Thạnh Đốn đang vào thời kỳ tranh cử gay go giữa hai Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Vì nhu cầu hốt phiếu, Đảng ngoài chánh quyền tiêu lòn, mượn uy tín của bà vợ ông Tướng hãng hàng không "Phi Hổ" để lốp-bi, vận động Sài Gòn ráng cầm cự, chờ khi nào họ đắc cử hãy đi phó hội. Dĩ nhiên là có hứa hẹn đủ điều thuận lợi cho Sài Gòn. Vì vậy cho nên dẫu ông Đại Sứ Bagwell hối thúc mãi, Dinh Độc Lập cứ đợi ngày có kết quả dứt khoát mới chịu lên tiếng đưa phái đoàn phó hội đi Ba Lê.

 

*  *  *

 

Khẩn cấp thì mặc khẩn cấp, một khi quan trên muốn thì chuyện gì mà chẳng được. Khổ thân chăng chỉ là những cấp thừa hành, phải toan tính và sắp xếp đủ thứ chuyện, từ những cái chánh thức chí đến những thứ linh tinh bên lề. Chẳng hạn như chuyện Cố Vấn Tối Cao phu nhơn đòi đi theo, vì đi Tây, mà đi Ba Lê nữa, là chuyện vô cùng hấp dẫn đối với mấy bà, sau một thời gian bị Tổng Thống Ngô Đình Diệm cấm cửa và chế độ quân nhơn bốc đồng đoạn giao với Ba Lê. Nhứt là, trong thời kỳ còn la lết trên băng ghế nhà trường, các cô thường nghe thiên hạ nói "xem Paris rồi chết cũng được" (voir Paris et mourir), hoặc phải lòng với bài hát "Tôi có hai mối tình, tình yêu đất nước tôi và Paris" (J'ai deux amours, mon pays et Paris).

 

Những mặt hàng ở Pháp lôi cuốn mấy bà mệnh phụ phu nhơn là mỹ phẩm, là quần áo thời trang, nhứt là loại đồ lót phụ nữ nổi tiếng của "Kinh Đô Ánh Sáng", hay ngắn gọn chỉ chuyện đi Tây không thôi cũng làm cho các bà có được một nhãn hiệu để hãnh diện với chị em bạn bè rồi. Cứ theo danh ngôn hài hước của những đấng nam nhi "vợ muốn là trời muốn", thì ngài Cố Vấn Tối Cao làm sao mà ngăn cản được bà, nên văn phòng phải làm thêm một sự vụ lịnh và thông hành ngoại giao cho bà Cố Vấn Tối Cao.

 

Vậy mà đâu đã hết, bà Cố Vấn Tối Cao còn đòi hỏi phải có một "Demoiselle de compagnie", một cô tùy viên để giúp đỡ bà trong giao tế, vì trình độ học vấn của bà đâu có bao nhiêu, đâu đủ tiêu chuẩn cho công việc xã giao. Được voi, đòi tiên, bà Cố Vấn Tối Cao còn có nhu cầu trang điểm, nhứt là mái tóc, vì cái răng cái tóc là gốc con người, mà bà được biết là mấy người làm tóc phương Tây không quen uốn tóc dân Á Đông. Như vậy là tối thiểu phải thêm hai người đi cùng để lo cho bà Cố Vấn Tối Cao. Thôi thì cũng phải xong vì ngài Cố Vấn Tối Cao đâu có bỏ tiền túi ra đài thọ phí tổn cho chuyến đi của bà Cố Vấn Tối Cao và hai cô tháp tùng.

 

Nhưng việc hàng đầu là phải có một toán tiền phương đi Pháp trước phái đoàn, để lo hậu cần, yểm trợ vật chất cho đoàn đại diện tổng thống bên cạnh hòa đàm. Văn phòng làm thủ tục cho ông Trợ Lý của Cố Vấn Tối Cao và ông Chánh Sở Dịch Vụ sang Ba Lê càng sớm càng tốt để tạo dựng cơ ngơi và phương tiện cho phái đoàn của ngài Cố Vấn Tối Cao.

 

Qua dặn dò của ngài Cố Vấn Tối Cao, ông Trợ Lý sắm một chiếc Mercedès tối tân nhứt và được trang bị để thỏa mãn mọi yêu cầu trái khoái của ngài Cố Vấn Tối Cao. Một ý muốn không được lòng nước chủ nhà vì hội nghị diễn ra trên đất Pháp mà lại sử dụng xe hơi của Đức, trong khi bãi xe mấy mươi chiếc đều là hiệu Tây. Và trong tinh thần thượng cấp vận, ông Trợ Lý còn đi xa hơn nữa là yêu cầu đại lý bán xe cung cấp hệ thống bọc thép chiếc ô tô, để chống đạn súng ám sát.

 

Để làm trụ sở của Phái Viên Đặc Biệt, ông Trợ Lý thuê một dinh thự của một bà bá tước, cháu mấy đời của Vua Louis XVI. Dinh thự nằm gần rừng công viên Boulogne, phía Tây Ba Lê. Dinh thự này đã được đăng ký tại công ty địa ốc mấy mươi năm qua, không ai thuê mướn. Một tòa nhà khá to, từng duới có hai đại sảnh, dùng để tiếp tân và phòng dạ yến, lầu một chia ra làm mười phòng ngủ, lầu hai là một phòng ngủ lớn dành cho chủ nhà và những phòng con con dành cho những người hầu cận và phục dịch, và sau hết là từng hầm dùng để làm nhà bếp và phòng ở cho gia nhơn.

 

Sở dĩ dinh thự đó khó cho thuê là vì mặt tiền nằm sát đường và địa điểm không thuận lợi cho việc kinh doanh. Thuê hay mua để ở thì người ta cho rằng dinh thự thiếu thế giựt hậu, không có chiều sâu, mất sự yên tĩnh, quá gần đường, xe cộ ồn ào, đàng sau lại không có đất trống. Mướn để làm ăn thì quá bất tiện vì là khu gia cư và chung quanh chỉ toàn là biệt thự. Nên chi, nay có người mướn, công ty địa ốc mừng hết lớn, nhưng cũng không vì vậy mà cho thuê với giá hời.

 

Nhận dinh thự xong, ông Chánh Sở Dịch Vụ nhìn quanh nội thất mà thất đảm kinh hồn, vì dinh thự trần trụi, lưới điện không đáp ứng nhu cầu, hệ thống sưởi ấm không đầy đủ, bụi bậm tứ tung và mạng nhện giăng đầy! Thời gian phái đoàn qua tới chẳng còn bao xa, ông Chánh Sở phải vận dụng tài thao lược để mua sắm trang thiết bị và bàn ghế giường tủ để bày biện cho từng ấy không gian sinh sống. Nhưng chủ yếu là mệt phần toan tính vì tiền bạc đã có tòa đại sứ lo, còn phần huê hồng thì ông Trợ Lý rất vui lòng bỏ túi.

 

Thời hạn dự trù là một tuần lễ, nhưng lòng vòng với một vài chi tiết nhỏ, lôi qua kéo lại, cũng phải mười ngày sau, phái đoàn mới lên đường được. Nhà nước huy động một chiếc Caravelle của Hàng Không Việt Nam làm chuyên cơ đặc biệt cho phái đoàn. Phi hành đoàn, trăm phần trăm Việt Nam, do chính ngài Cố Vấn Tối Cao tuyển chọn, mà người phi cơ trưởng không ai khác hơn là người em họ của bà Cố Vấn Tối Cao, một sĩ quan Không Quân cấp Trung Tá được biệt phái qua Hàng Không Việt Nam. Bốn cô tiếp viên cũng do bà Cố Vấn Tối Cao chọn, trong số những người đẹp bạn bè với bà và của cô em ngài Cố Vấn Tối Cao.

 

Lễ tiễn đưa có toàn thể nội các tham dự, và vào phút chót có Tổng Thống đến bắt tay từ giả ngài Cố Vấn Tối Cao và chúc ông thành công trong sứ mạng. Như vậy để nói cho thiên hạ biết rằng Việt Nam Cộng Hòa quan tâm rất nhiều đến tầm quan trọng của Phái Viên Đặc Biệt và gởi gắm nhiều kỳ vọng ở phái đoàn.

 

Chiếc chuyên cơ từ từ chuyển bánh và oai vệ tiến ra đường bay. Máy bay cất cánh xong, leo lên cao, đảo qua một vòng phi trường rồi bay thẳng hướng Băng Cốc, trên hành trình đi Ba Lê. Phi cơ vừa khuất dạng thì một đám mây đen nghịt từ hướng Đông ùn ùn kéo tới và liền sau đó là một trận mưa như trút nước, làm mờ cả phi trường, xem như một bức tranh thủy mạc. Không biết những người suy đoán biến cố của trời đất giải thích như thế nào hiện tượng đó?

 

Trên nguyên tắc, chuyến bay sẽ mất từ mười chín đến hai mươi tiếng. Thông thường những chuyến bay của Air France cất cánh vào khoảng cuối buổi chiều để đến Ba Lê vào sáng sớm. Trong khi đó chiếc chuyên cơ cất cánh vào giữa buổi sáng, lại không quá cảnh Băng Cốc, nếu bay thẳng một mạch thì sẽ đến phi trường của Ba Lê quá sớm, vào thời gian nửa đêm về sáng, bình minh chưa ló dạng, nên phải dự trù ghé qua một chặng dọc đường. Máy bay ngừng lại phi trường Nhã Điển của Hy Lạp để phái đoàn đi xem qua những tàn tích Acropole, một thành trì nằm trên đỉnh đồi ngó xuống thành phố Nhã Điển. Ngoài ra, không như những máy bay đường dài của Air France, chiếc Caravelle thuộc loại nhỏ hơn nên phải tiếp tế nhiên liệu giữa chặng đường bay.

 

Chiếc chuyên cơ chở ngài Cố Vấn Tối Cao đáp phi trường Orly vào khoảng chín giờ sáng. Đất trời Ba Lê bắt đầu sang thu nên thời tiết hơi lành lạnh, nhắc nhở ông Chánh Văn Phòng của ngài Cố Vấn Tối Cao cả một thời dĩ vãng mười bốn năm về trước. Ông Chánh Văn Phòng, là sĩ quan Không Quân giải ngũ, bạn thân cùng khóa với người phi công trưởng, em họ bà Cố Vấn Tối Cao. Nhưng trước mắt, công vụ đang nhiêu khê nên ông không thể lang thang qua vùng trời kỷ niệm được.

 

Phái đoàn về đến dinh thự mất khoảng một giờ sau vì đường sá nhiều xe cộ mà ngài Cố Vấn Tối Cao không đủ tiêu chuẩn của Pháp để được hộ tống và mở đường. Chỉ có một chiếc xe hướng dẫn chạy trước thôi. Nhìn thấy cuộc diện của dinh thự, ngài Cố Vấn Tối Cao không mấy gì vui vì bề ngoài không sơn phết gì hết, tường vôi kiểu trang trí xa xưa, lại không được tu bổ thường xuyên nên trông rất hắc ám. Nhưng trước mặt những Việt Kiều, những viên chức của Tòa Đại Sứ đến chào hỏi và dự tiếp tân khánh thành nhà mới, ngài Cố Vấn Tối Cao đành làm mặt vui cười hớn hở.

 

Khi khách khứa ra về hết rồi, ngài Cố Vấn Tối Cao mới mời ông Trợ Lý đến hỏi thăm tình hình. Vừa giáo đầu, ông Trợ Lý đã kênh kiệu kể công, nào là ông đã phải cật lực chạy gần hết các đại lý Mercedes của Ba Lê để thực hiện cho bằng được và theo ý muốn của ngài Cố Vấn Tối Cao để thửa chiếc công xa riêng biệt, có một không hai, cho ngài.

 

Nào là ông phải hụt hơi tìm kiếm và tiếp xúc với nhiều công ty địa ốc của Quận 16, nổi tiếng là quận quý phái trưởng giả của Ba Lê, và khu vực rừng công viên Boulogne, một loại rừng cảnh con con để săn bắn, dành riêng cho vua chúa Pháp Lang Sa thời xưa, mới tìm ra được dinh thự làm trụ sở cho văn phòng Phái Viên Đặc Biệt của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh Phái Đoàn Hòa Đàm.

 

Thôi thì, lấy mồm miệng biện minh cho hành động, ông Trợ Lý thao thao bất tuyệt, không để cho ông Cố Vấn Tối Cao chêm được một tiếng nói nào. Ngài Cố Vấn Tối Cao vừa mở miệng định phê bình mặt tiền của trụ sở thì ông Trợ Lý đã hớt lời ngay:

- Thưa ngài Cố Vấn Tối Cao, vì thời gian eo hẹp nên em định khi nào ổn định xong xuôi, em sẽ gọi thợ đến chỉnh trang tình hình ngoại thất.

 

Cũng may cho ông Trợ Lý là việc trang trí nội thất, ông Chánh Sở, một con người trước kia đã ở Pháp, gần như là thổ công đất Ba Lê, nên rất sành sỏi mọi việc. Nên chi bàn ghế, tủ, giường, nhứt nhứt ông đều thực hiện loại tân thời và sang trọng. Đặc biệt nhứt là chiếc giường kiểu đế chế loại "Impérial", dành riêng cho ông bà Cố Vấn Tối Cao. Một chiếc giường hết sức tối tân, chưa hề thấy ở Việt Nam, một phương tiện để ngủ lại còn có khả năng nâng cao hứng thú đến tuyệt đỉnh cho cặp vợ chồng nào còn sung sức, nằm trên đó.

 

Vậy là ông Trợ Lý đã gãy đúng chỗ ngứa của ngài Cố Vấn Tối Cao, một con người đã ngoài bốn mươi mà vừa chắp nối với bà vợ thứ hai, nhỏ hơn ông độ mươi mười lăm tuổi gì đó thôi. Nên chi, chuyến công du sang Pháp này của ông bà Cố Vấn Tối Cao chẳng khác nào chuyến đi còn trong thời kỳ trăng mật, một chuyến du hành mà Tây tà họ cho là "chi phí do nữ hoàng đài thọ", nghĩa là chi tiêu tính vào ngân sách nhà nước, ông bà Cố Vấn khỏi phải móc bóp. Thành ra, cuộc hội kiến giữa ngài Cố Vấn Tối Cao và ông Trợ Lý cũng chỉ là một cuộc trao đổi vui vẻ trong tinh thần huề cả làng.

 

Quả thật, chẳng bao lâu sau đó, chiếc giường hiện đại và tối tân kia đã chứng minh hiệu quả diệu kỳ của nó một cách thực tế và cụ thể. Một buổi sáng chủ nhựt, sau khi ông bà Cố Vấn Tối Cao đã ra khỏi nhà để đi chơi cuối tuần bằng một cuộc tham quan cung điện vua chúa Tây ở Versailles, nhơn viên dịch vụ vào phòng riêng của hai ông bà để dọn dẹp thì phát hiện ra một chưn giường bị gảy. Có lẽ do hậu quả của một đêm "mưa gió tơi bời", giữa thời tiết tàn thu, lập đông của một đêm "sáng trăng, sáng cả vườn chè", trời quang mây tạnh.

 

Sanh hoạt của ngài Cố Vấn Tối Cao, với tư cách Phái Viên của Tổng Thống cạnh Phái Đoàn Hòa Đàm, cũng không mấy bận rộn vì sanh hoạt thường ngày của hòa đàm là nhiệm vụ đương nhiên của Phái Đoàn, còn nhiệm vụ của Phái Viên chỉ có giá trị tượng trưng, có cũng tốt, mà không có thì cũng chẳng chết ai. Sở dĩ Tổng Thống muốn có một bộ phận như vậy là để biểu hiện mối quan tâm của "Phủ Đầu Rồng" đối với chuyện đối thoại với phía cộng sản.

 

Hơn nữa, nếu Phái Đoàn có những vấn đề gì, cần có quyết định của cấp cao hơn ở tận quê nhà, khi trình lên ngài Cố Vấn Tối Cao thì văn phòng Phái Viên cũng phải đánh Télex về tham khảo Tổng Thống Nguyên. Thành thử ra, ngài Cố Vấn Tối Cao chỉ là một trạm giao liên trong hệ thống quyền hành mà thôi. Nghĩ cho cùng, khi Dinh Độc Lập bày biện thêm một nút chặn trong hệ thống hòa đàm giữa Ba Lê và Sài Gòn, người ta tự hỏi không biết Tổng Thống Nguyên có ý định gì?

 

Chính ông Trưởng Phái Đoàn Hòa Đàm cũng thấy khó chịu vì như vậy công việc phải mất thêm thời gian qua cửa trung gian, trong khi đó có những chuyện khẩn cấp cần có phản ứng cấp thời. Ngoài ra, ông còn cảm thấy mất đi tính độc lập trong sinh hoạt hòa đàm của ông. Có thể vì Sài Gòn thấy phía Hà Nội có cố vấn Lê Đức Thọ cặp kè với Xuân Thủy nên Tổng Thống Nguyên nghĩ ra chức vụ Phái Viên Đặc Biệt của Tổng Thống cho Trưởng Đoàn Hòa Đàm chăng?

 

Thế nhưng không phải những gì giống nhau là như nhau, vì cơ cấu phía cộng sản có giá trị lãnh đạo thật sự, có thế và có quyền. Không phải như bên Việt Nam Cộng Hòa nặng về hình thức mà nhẹ về hiệu quả. Từ bên ngoài nhìn vào, người ta thấy Xuân Thủy âm thầm và ngoan ngoãn làm một trưởng đoàn chăm chỉ, còn Ủy Viên Bộ Chánh Trị Lê Đức Thọ thì đóng một vai trò nổi bật, với tiếng nói phản ảnh đúng tình tiết của Hà Nội và có giá trị thật sự.

 

Được tin có một phái đoàn cấp cao của Sài Gòn đến Ba Lê để tăng cường cho bộ phận của Việt Nam Cộng Hòa, đúng phép lịch sự, Trưởng Phái Đoàn Huê Kỳ đến chào ngài Cố Vấn Tối Cao tại tư dinh. Ngoài những trao đổi xã giao thường tình, ông Trưởng Đoàn Mỹ cũng nhơn dịp thăm dò ngài Cố Vấn Tối Cao:

- Chúng tôi nghĩ là trong chuyến đi đặc biệt này thế nào ngài Cố Vấn Tối Cao cũng đem theo một sáng kiến mới của Dinh Độc Lập để khai thông vấn đề đang gặp bế tắc.

Được hỏi bất ngờ, ngài Cố Vấn Tối Cao cũng cố gắng giữ bình tĩnh và tìm kế hoãn binh:

- Dĩ nhiên là có một ít điều mới lạ, nhưng còn tùy phía bên kia.

Trước một câu trả lời vô thưởng vô phạt như vậy, ông Trưởng Đoàn Mỹ đâm ra cụt hứng, lái buổi đàm đạo sang hướng khác, có tính cách xã giao thường tình, một cách chung chung.

 

Thỉnh thoảng có nhơn vật quan trọng nào của Mỷ, ghé ngang Ba Lê, cũng đến chào xã giao ngài Cố Vấn Tối Cao. Rồi thì cũng đàm đạo qua những đề tài chánh trị chung chung, ít có ai đi thẳng vào chuyện tìm lối thoát cho chiến cuộc Việt Nam với ngài Cố Vấn Tối Cao. Vì có hỏi thì ngài Cố Vấn Tối Cao cũng đối đáp một cách mơ hồ, theo công thức đã định sẵn và theo kiểu mà ai ai cũng đã biết, không cần phải qua suy xét của cấp lãnh đạo chánh trị bực cao. Như vậy là khách khứa của ngài Cố Vấn Tối Cao ngày một thưa lần, dinh thự của Phái Viên của Tổng Thống bên cạnh Phái Đoàn Hòa Đàm Ba Lê lần hồi chìm vào tình trạng yên bình, trơ trẽn, vắng lặng như "chùa bà Đanh".

 

Là một con người thích cựa quậy, theo cung cách cá biệt của ông, ngài Cố Vấn Tối Cao càng ngày càng cảm thấy buồn nản nên toan tính dựng nên một chương trình hành động cho riêng ông. Qua báo và tạp chí do Phái Đoàn cung cấp hằng ngày, lật qua lật lại lang thang, sau khi lượt qua tin tức thời sự, ngài Cố Vấn Tối Cao chợt thấy những quảng cáo về những giống chó rất hấp dẫn. Ông ra lịnh cho ông chánh văn phòng đi tìm mua cho ông một mớ tài liệu về các giống chó nhà nòi. Ai còn lạ gì xã hội Tây phương, con chó là đối tượng người ta quan tâm hết mực, như một thứ bạn cận kề, cho nên sách báo nói về chó không phải ít. Thôi thì ngày đêm ngài Cố Vấn Tối Cao triền miên nghiên cứu về con vật thân hữu tuyệt vời của hàng quý tộc.

 

Lý thuyết dẫn tới hành động, ngài Cố Vấn Tối Cao chỉ thị ông chánh văn phòng mời một vài nhà bán chó đến cho ngài Cố Vấn Tối Cao tham khảo thực tế. Như vậy là văn phòng của ông Phái Viên Đặc Biệt bắt đầu có sự sống động, nhưng không phải với những chánh khách mà với những ông mại bản giới thiệu những con chó. Những ông chành chó đó tưởng rằng vớ được món bở, gặp được một khách hàng loại sộp. Nhưng không, ngài Cố Vấn Tối Cao cứ chọn lựa mãi, hết người này đến người kia, mà chưa có người nào giới thiệu được một con "cầy tơ" đúng tiêu chuẩn của ngài Cố Vấn Tối Cao đề ra.

 

Sau một thời gian tuyển lựa, và sau khi tham khảo phu nhơn, ngài Cố Vấn Tối Cao quyết định rước một con chó thuộc loại dành cho giới quý tộc, thuộc giống Borzoi. Một con chó ít thấy ở Việt Nam, đầu thon, mõm dài và nhọn, cao từ sáu đến bảy tấc. Bộ vó rất thanh nhã, có khả năng làm tăng thêm dáng vẻ quý phái đài các của người đứng bên cạnh nó.

 

Như vậy là từ đó trở đi, dinh thự Boulogne có thêm một miệng ăn vì nuôi chó Tây đâu phải đơn giản. Phải có thức ăn đóng hộp cho nó, phải có giờ giấc đi dạo bên ngoài, bất kỳ thời tiết nào. Ngày hai buổi phải đưa chó ra ngoài thiên nhiên dạo chơi cho dãn gân cốt và để chó thảy ra bãi cỏ, cột đèn hoặc gốc cây những cặn bã mà hệ thống tiêu hóa của chó không thể chứa chấp.

 

Thông thường có một nhơn viên đội dịch vụ được cắt cử để làm nhiệm vụ này. Nhưng có hôm nắng sáng đẹp trời, nổi hứng và muốn lấy điểm với thượng cấp – áp dụng đúng câu ngạn ngữ phương Tây là ai muốn được lòng chủ nhà thì phải nâng niu con chó nhà ấy - ông Trợ Lý lại cầm dây da dắt chó, đưa con Borzoi đi dạo phố, trông rất là Tây. Có một ngày nọ, bị phóng viên hỏi móc họng, ông Trợ Lý nổi nóng trả lời:"Nhiệm vụ hàng đầu của tôi là đưa chó của ngài Cố Vấn Tối Cao đi chơi." Như vậy là câu nói, tưởng rằng để đùa chơi đó, được đưa lên mặt báo, rồi được quảng bá trên hầu hết các tần số điện tử.

 

Ăn không ngồi rồi ở đất Pháp riết cũng quẩn chưn, vì đã trót mang thân phận ông lớn bà lớn đang thi hành sứ mạng ở xứ người thì đâu có thể muốn làm gì thì làm hoặc muốn đi đâu thì đi. Nhứt cử, nhứt động gì của ông bà Cố Vấn Tối Cao cũng quấy động đám lâu la và cả những nhơn viên hộ tống người Pháp. Thành thử ra hai ông bà đâm ra trở thành những con chim cảnh trong chiếc lồng son. Cứ bay nhảy tung tăng mà chẳng đi đến đâu hết!

 

Cái rủi chưa dứt thì bỗng đâu cái may lại đến. Tuần báo ảnh nổi tiếng Paris-Match của Pháp gởi thơ đến xin phỏng vấn, nhưng lại phỏng vấn bà Cố Vấn Tối Cao, chớ không phải ông. Thật là kỳ lạ và tréo cẳng ngỗng, vì trong bối cảnh của cuộc hòa đàm Ba Lê về Việt Nam đang nổi cộm trong dòng thời sự mà báo chí lại để ý đến bà. Ngài Cố Vấn Tối Cao hãm bức thơ mời lại để suy nghĩ, chưa muốn cho bà biết, để tìm hiểu xem Tây tà muốn chơi trò gì đây?

 

Suy đi nghĩ lại mất mấy ngày mà vẫn chưa tìm ra, thì một hôm bà vào văn phòng ông chuyện vãn phất pha phất phơ cho qua thời gian dài lê thê, bỗng dưng bà bắt gặp thơ xin phỏng vấn có chụp ảnh nghệ thuật của Paris-Match. Bà dồn dập hỏi ông thì được trả lời rằng:

- À, đúng rồi thơ đến mấy ngày nay, nhưng thấy hơi khác thường nên anh để đó suy nghĩ cái đã.

- Có gì lạ đâu, em là em mà anh là anh, sao cứ thắc mắc. Người ta để ý đến em là vì những nét mỹ miều của người phụ nữ Á Đông. Hay là ông lại ghen tuông đố kỵ? Đàn ông gì mà...

Bỏ lửng câu nói, bà đứng dậy nguây nguẩy đi lên lầu, nét mặt không được vui. Ngài Cố Vấn Tối Cao, vội vàng đi theo và bữa ăn trưa hôm đó, cơm nguội, canh lạnh, đến mãi xế chiều nhơn viên hầu cận phải dọn dẹp đi.

 

Mấy hôm sau, cô làm tóc được lịnh trang điểm một mái tóc thật đặc biệt và độc đáo và cô tùy viên được chỉ thị phải sẵn sàng cho công tác. Đến giờ hẹn, tuần báo Paris-Match đưa xe đến rước bà Cố Vấn Tối Cao cùng đoàn tùy tùng đi đến phòng ảnh chuyên biệt của tờ báo. Bà đi rồi, ngài Cố Vấn Tối Cao ngồi nhà cứ thấp tha thấp thỏm, nửa ngài ngại, nửa lo âu, dẫu rằng ông có cho một cận vệ đi theo. Âu lo về an toàn cho bà thì ít, nhưng ông cứ thấy áy náy trong lòng vì một nỗi quan ngại mông lung.

 

Ngài Cố Vấn Tối Cao lo sợ là phải vì một tuần lể sau, số báo ra ngày thứ tư trong tuần đăng một ảnh màu tuyệt đẹp của bà Cố Vấn Tối Cao, chiếm hết cả trang bìa. Phải công nhận nét đẹp của cô thiếu nữ Việt Nam đã làm cho loạt báo của Paris-Match mang một chuyển hướng bất ngờ, sau bao nhiêu là vẻ đẹp Tây phương mà báo này thường cho chạy ở trang bìa. Hơn nữa tên gọi phụ đề cho bức ảnh, "Un astre de cristal féerique" (Một thiên thể pha lê thần tiên), đã mơn man lòng kiêu hãnh và đưa cao niềm tự ái của người trong ảnh lên tận mây xanh.

 

Bên trong, Paris-Match còn có mấy bài viết ca ngợi phẩm chất tam tòng tứ đức của phụ nữ Việt Nam, mà người phụ nữ Tây phương làm sao có được. Có cả bài viết của nhà thẩm mỹ học phân tách những đường nét đẹp đẽ và độc đáo của người trong ảnh kể cả điệu bộ đứng, ngồi và cung cách đặt để bàn tay. Y như rằng, người đẹp thì cái gì cũng đẹp kể cả lớp không khí bao quanh!

 

Số báo đó, Paris-Match thâu vào kỷ lục, chưa từng thấy bao giờ. Nhà báo phải chạy thêm ấn bản thứ nhì để bán ra nước ngoài, nhứt là Việt Nam vì người ta dự đoán rằng ở Sài Gòn số Paris-Match đó sẽ bán chạy như tôm tươi. Có cái hay nhưng cũng có cái nguy hại, là vì qua ấn bản đặc biệt và độc đáo đó của Paris-Match, dư luận của Việt Nam Cộng Hòa xôn xao rất nhiều. Thôi thì thiên hạ bàn tán, dư luận xì xầm, chánh khách bình phẩm, quý bà quý cô tranh luận khen chê, thậm chí các phòng uốn tóc cũng đưa hình bìa Paris-Match ra tủ kiếng để kiếm khách.

 

Trước nhứt là những lời bình phẩm của báo chí Tây phương. Một mặt, họ ca tụng dáng đẹp mong manh như thủy tinh của người phụ nữ Á Đông, dĩ nhiên là lạ mắt đối với thế giới phương Tây. Vẻ đẹp châu Á như tiềm ẩn đàng sau lớp sương mù, tựa như tranh thủy mạc, đẹp trong chỗ không cần màu mè, chỉ có đen với trắng, nhưng qua nhiều sắc độ khác nhau. Đẹp ở chỗ dịu dàng, thanh tú, với những đường cong uyển chuyển, như một cung nhạc lên bổng xuống trầm. Như một đàn thiên sứ mơ màng và mơ mộng qua khúc nghê thường trong không gian đầy dẫy mây trời, chưn không chạm đất.

 

Cũng một chiếc áo dài, nhưng người con gái Việt Nam mặc vào thấy hài hòa, đẹp mắt. Vậy mà, cũng chiếc áo đó, nhưng trên thân mình của một cô gái Tây phương thì sẽ thấy khác ngay, vì hai vai của họ hơi ngang ngang, không như hai vai của cô gái Việt Nam, thường xuôi xuống hơn. Ngoài ra, dáng đi mạnh dạn của những cô đầm không thích hợp với những tà áo dài bay bay, như những cánh bướm mời gọi những người trai đa tình si mê. Vậy thì trang phục nào cho dân tộc nấy.

 

Vì vậy nên những hình ảnh đẹp của bà Cố Vấn Tối Cao, toàn với những chiếc áo đầm tuyệt mỹ và kiêu kỳ, bị báo chí trời Tây cảm thấy hối tiếc vì họ nghĩ rằng giá mà có thêm một vài ảnh bà Cố Vấn Tối Cao mặc y phục truyền thống Việt Nam thì hay hơn nhiều. Phê phán này của truyền thông Tây phương, dĩ nhiên được báo chí Sài Gòn tiếp vận nên dư luận Việt Nam đâm ra khắt khe hơn nữa với con người vô tình, lại chẳng có thẩm quyền, đại diện cho nữ giới Việt Nam ở xứ ngoài.

 

Điểm phê phán khác của truyền thông Việt Nam là tại sao bà Cố Vấn Tối Cao lại mượn chuyến đi dự hòa đàm mà làm chuyện trình diễn thời trang cho tuần báo Paris-Match. Một chuyện làm không có lợi cho Việt Nam Cộng Hòa trong chuyện tranh thủ nhơn tâm, mà cũng chẳng có lợi gì cho tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Việt Nam. Có khi lại còn tác động tiêu cực đến công tác của Phái Đoàn Hòa Đàm Việt Nam Cộng Hòa. Không giúp ích thì thôi, lại còn tác hại thì ý nghĩa của chức vụ Phái Viên của Tổng Thống bên cạnh Phái Đoàn Hòa Đàm nằm ở đâu?

 

*  *  *

 

Ngài Cố Vấn Tối Cao đến Ba Lê từ tháng Mười Một, nhưng gần hai tháng trời gọi là đảm trách sứ mạng của Tổng Thống Nguyên bên cạnh Phái Đoàn Hòa Đàm, cụ thể ngài Cố Vấn Tối Cao có làm được gì đâu, ngoài một vài lần tiếp ông Đại Sứ Huê Kỳ tại Pháp, ông Trưởng Đoàn Hòa Đàm Mỹ và một số Thượng Nghị Sĩ Huê Kỳ ghé ngang Ba Lê, nếu không muốn nói là chỉ tạo thêm khó khăn, trở ngại cho công việc của Phái Đoàn.

 

Trên phương diện đi tìm phương cách kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình cho Việt Nam thì tuyệt nhiên là con số không. Nhơn dịp lễ Giáng Sanh năm đó, vì xa nhà cũng hơi lâu bà Cố Vấn Tối Cao cảm thấy nhơ nhớ Sài Gòn, gọi là nhớ nhà. Nên chi bà nhắc nhở ngài Cố Vấn Tối Cao là nên trở về Việt Nam đón "Ông Già Noël". Và sẵn đó ăn Tết quê nhà luôn thể.

 

Về mặt công tác, ngài Cố Vấn Tối Cao thấy hơi ngại, nhưng khi đánh điện hỏi ý kiến "Phủ Đầu Rồng" thì Tổng Thống Nguyên không thấy gì trở ngại, lại còn "rất mong muốn gặp lại ngài Cố Vấn Tối Cao vì nhu cầu công vụ khẩn cấp". Được lời như cỡi tấm lòng, ông bà Cố Vấn Tối Cao chuẩn bị hành trang ngay để về Việt Nam, dĩ nhiên là phải lo những món quà đặc biệt và ưu tiên cho những người liên hệ.

 

Ông Chánh Văn Phòng lại một phen sốt vó, hai chưn, bốn cẳng, ba đầu sáu tay, lo quà cáp, chạy thủ tục, chưn không bén đất. Giờ phút chót, ông bà lại quyết định mang con chó Borzoi về Việt Nam. Lo hỏa tốc cho người tương đối dễ vì đã có thủ tục sẵn rồi, chỉ cần hối hả lên một chút thôi. Đằng này lo cho con chó, một chuyện làm chưa từng có trong tiêu chuẩn điều hành của văn phòng. Vậy là, ông Chánh Văn Phòng phải đích thân liên lạc với công ty máy bay Air France, vì chẳng còn ai khác.

 

Bứt dây, động rừng, thủ tục đưa thú vật đi đường xa, từ nước này qua nước khác, quả là rắc rối nhiêu khê. Con chó đã tiêm ngừa chưa, có đầy đủ giấy tờ hộ tịch không, được phép ra khỏi nước Pháp chưa,... Ôi, con chó "Tây" sao mà phức tạp và rắc rối đến như vậy. Không như chó "Mít nhà mình", cứ giản dị đơn sơ, nuôi để giữ nhà chớ đâu phải nuôi để cực lòng, mệt xác phục vụ cho nó, thậm chí miếng ăn của nó mình cũng chẳng cần lo. Thảo nào mà bên Mỹ người ta hay bỡn cợt "nhứt chó, nhì đàn bà, ba trẻ con, hạng bét mới tới đàn ông"!

 

Dĩ nhiên là chó không được đi chung khoang hành khách, phải ở trong khoang hành lý. Nên chi phải có tiện nghi cho nó khỏi chết vì lạnh. Vì vậy phải thuê một cái chuồng chứa dành riêng, có không khí thích nghi cho chó, phải mua thức ăn thức uống bỏ trong đó. Chi tiêu cho một chuyến đi Ba Lê-Sài Gòn của riêng con Borzoi làm cho Phái Đoàn Hòa Đàm phải nhăn mặt, nhưng khi trên đã muốn thì dưới làm sao bây giờ? Bận rộn, lăng xăng rồi đến phút chót thứ gì cũng phải xong.

 

Ông bà Cố Vấn Tối Cao đi rồi dinh thự trở lại nếp sống bình thường của nó vì hầu hết nhơn viên Phái Đoàn Hòa Đàm đều tạm trú tại đó, vì dinh thự có nhiều phòng dư thừa. Một nếp sống rất hài hòa và trầm lắng, thiếu mất những giây phút sôi nổi vô cớ của một sinh hoạt tùy hứng, chẳng ăn nhằm gì với nhịp sống của một phái đoàn thi hành nhiệm vụ quốc gia. Dinh thự của Phái Viên Đặc Biệt được một cơ hội để sinh sống trong một bầu không khí nghiêm trang và đứng đắn.

 

Năm đó, lịch ta theo chu kỳ của mặt trăng, không phải là năm nhuận nên thời gian từ Giáng Sanh và đầu năm âm lịch cách nhau chẳng bao xa, chưa đầy một tháng. Thấy vợ chồng ngài Cố Vấn Tối Cao được về quê nhà ăn lễ và hưởng Tết Nguyên Đán, ông Trợ Lý cũng nôn nóng, quýnh quáng lên. Trong lần tiễn đưa ông bà Cố Vấn Tối Cao ở sân bay Orly, người ta thấy ông Trợ Lý rì rà rì rầm nhỏ to với ngài Cố Vấn Tối Cao, tưởng chừng như bàn tính công vụ tối mật cho thời gian vắng mặt của ngài Cố Vấn Tối Cao. Thì ra, ông Trợ Lý kì kèo để xin phép về nhà ăn Tết.

 

Nhưng, lần đó, ngài Cố Vấn Tối Cao còn ngại ngùng, cứ để mở ngỏ chưa quyết định ra sao hết, vì chuyến về của chính đương sự đã gặp khó khăn từ "Phủ Đầu Rồng" rồi, giờ lại thêm chuyện xin thêm cho ông Trợ Lý nữa thì thật là đáng ngại. Nên chi, ngài Cố Vấn Tối Cao đành hứa với ông Trợ Lý là sẽ nêu lên với thượng cấp. Như vậy là trong khi chờ đợi, cứ ngày một ngày hai, ông Trợ Lý đánh Télex về nhắc nhở ngài Cố Vấn Tối Cao. Cho đến ngày hai mươi chín ba mươi tháng Chạp mà vẫn chưa thấy tăm hơi gì thì kể như đã muộn màng rồi, có được về cũng không còn kịp nữa.

 

Dinh thự, vắng vợ chồng ngài Cố Vấn Tối Cao, cảm thấy nhẹ hẳn, vì bớt được một đối tượng phải hầu hạ một cách cầu kỳ gần như phi lý, chỉ còn phục dịch thông thường cho những thành viên của Phái Đoàn Hòa Đàm, một công tác đúng theo quy định, không mấy khó khăn. Vậy là, ngày Tết cứ âm thầm đến vì lễ Tết Việt Nam thì ăn thua gì với xã hội Pháp nên chỉ cộng đồng người Việt liên hoan mà thôi. Nhưng đối với những thành viên của phái đoàn càng chẳng thấy dư âm của ngày lễ lớn trong năm, vì mỗi người có mỗi vũ trụ riêng tư.

 

Trái lại, Tết năm đó vì có hòa đàm trên đất Ba Lê, nên tòa Đại Sứ Việt Nam có mời đoàn hát cải lương sang diễn mấy đêm để gọi là làm công tác kiều bào vận, tranh đua với cộng sản. Nhờ vậy, môi trường Việt Nam Cộng Hòa ở Ba Lê được dịp nhộn nhịp hơn lên. Đoàn văn nghệ được tuyển chọn đặc biệt để đưa sang Pháp gồm có nghệ sĩ cải lương và ca sĩ tân nhạc nổi tiếng ở Sài Gòn. Chương trình văn nghệ mua cảm tình của Việt kiều chỉ có một đêm duy nhứt diễn ra tại rạp Mutualité, dành cho khách mời của tòa đại sứ Việt Nam tại Ba Lê.

 

Trong đoàn có một nữ nghệ sĩ nổi tiếng trong giới cải lương miền Nam mà ai cũng biết tên tuổi. Cô đào đó vừa đẹp, vừa trình diễn với kỷ thuật cao. Vì chỗ thân tình với ông Trợ Lý, từ khi còn ở bên nhà, nên cô được ông Trợ Lý chăm sóc đặc biệt trong một tuần lễ đoàn hát lưu diễn tại "kinh đô ánh sáng".

 

Những ngày Tết xa nhà, vì không được phép về Việt Nam theo ý muốn, ông Trợ Lý cảm thấy buồn lòng vì nhớ gia đình, vì thiếu những phút giây tưng bừng chúc tụng và quà cáp của thuộc cấp, nên ông Trợ Lý tìm cách tiêu khiển cho riêng mình. Ông dành thì giờ phục vụ cô đào, đưa đón đi đây đi đó quanh quẩn Ba Lê để ngắm cảnh, để thăm viếng viện bảo tàng, để chụp hình kỷ niệm, dĩ nhiên là không bỏ qua chuyện du ngoạn trên sông Seine bằng tàu "Bateaux-Mouches" dành cho du khách, một lối tiêu khiển không làm sao thiếu vắng được cho những ai ghé qua Ba Lê.

 

Đêm cuối cùng, trước khi cô đào cải lương kia rời đất Pháp trở lại Việt Nam, ông Trợ Lý mời cô đi ăn tối tại một nhà hàng sang trọng trong rừng công viên Boulogne. Muốn cho chuyến đi chơi được thân tình và lãng mạn hơn, ông Trợ Lý tự mình lái xe đưa nữ nghệ sĩ ưu tú đi, chớ không mượn tài xế đưa đi. Có lẽ "đêm cuối cùng buồn quá em ơi", như lời ca của một bài hát, nên bữa ăn kéo dài hơi lâu. Khi hai người đứng lên ra về thì khách ăn của nhà hàng chẳng còn lại bao nhiêu.

 

Khi tình tứ dìu tay cô bạn ra bãi đậu xe thì, hỡi ôi chiếc xe không cánh mà lại biến mất rồi! Ông Trợ Lý hồn vía lên mây vì mất xe công của Phái Đoàn Hòa Đàm thì vô cùng rắc rối! Mà lại thêm một hoạn nạn nữa là xe đặc biệt của ngài Cố Vấn Tối Cao mới chết! Vì lẽ muốn biểu diễn và lấy điểm cùng người đẹp nên ông Trợ Lý mượn tạm chiếc Mercedes sang trọng của ngài Cố Vấn Tối Cao để đưa nàng đi chơi. Nhưng chuyện mất xe để đó rồi sẽ tính, còn ngay bây giờ thì phải tìm taxi đưa nàng về nơi tạm trú. Thế là bao nhiêu chuyện phiền lòng lại quấy rầy ông Trợ Lý.

 

Cảnh sát đến điều tra, hỏi tới hỏi lui trăm thứ bà giằn, vì là xe công, lại xe của phái đoàn ngoại giao một nước bạn, nên cảnh sát phải làm cho ra lẽ. Và khi cảnh sát đã điều tra thì báo chí đều hay biết. Nên chi, một chiến dịch truyền thông nổi lên rần rộ vì có liên hệ đến Phái Đoàn Hòa Đàm của Việt Nam Cộng Hòa. Cảnh sát mấy lần tới lui dinh thự để hỏi ông Trợ Lý chi tiết, hy vọng có được cơ may phanh phui ra manh mối. Nhưng rồi, một vụ mất xe giữa lòng thành phố Ba Lê cũng chỉ là một cây kim may rơi mất trong đống rơm!

 

Rồi thì, câu chuyện mất xe cũng tới tai "Phủ Đầu Rồng", mà công cuộc điều tra của cảnh sát cũng chưa đi đến đâu hết. Nhưng, người ta nghi ngờ là những người cộng sản muốn làm một cú ngoạn mục để dằn mặt và triệt hạ uy tín của phe Sài Gòn. Nếu như vậy thì kể như trong trận thư hùng đó, phe bên kia đã thắng một-không. Mươi ngày sau, cảnh sát Ba Lê bắt gặp chiếc xe nằm trên bãi đậu tại vùng ngoại ô Tây-Nam Ba Lê, Gif-sur-Yvette. Chiếc xe tìm lại được, dáng dấp bên ngoài vẫn nguyên vẹn, nhưng thiết bị bên trong, như điện thoại lưu động và vô tuyến hai chiều đều bị tháo gỡ hết.

 

Lễ Giáng Sinh và những rộn rịp của ngày Tết qua đi, chưa kịp hạ nêu, ngài Cố Vấn Tối Cao lại hấp tấp đưa bà nhà lên đường trở qua Ba Lê, mặc dầu chẳng có yếu tố gì mà cũng chẳng có biến chuyển nào mới liên hệ đến hòa đàm. Đi như một nhu cầu thay đổi không khí. Cũng như chuyến về, ông bà Cố Vấn Tối Cao di chuyển bằng đường hàng không dân dụng, vì đâu có lẽ lại điều động chuyên cơ cho đôi ba người.

 

Trong số vài ba người ra sân bay Orly đón tiếp ông bà Cố Vấn Tối Cao, đương nhiên phải có ông Trợ Lý. Hôm đó, người ta thấy ông Trợ Lý lăng xăng cầm lấy cái cặp Samsonite của ngài Cố Vấn Tối Cao, ôm lấy chiếc áo khoác ngoài của bà Cố Vấn Tối Cao, trông như một trụ máng áo choàng biết đi! Ông Trợ Lý, nói nói cười cười với ngài Cố Vấn Tối Cao, tìm cách đánh trống lảng để che lấp chuyện mất xe, một chiếc xe đã được cấp tốc tu sửa và phục hồi lại như cũ.

 

May mắn thay cho ông Trợ Lý, ngài Cố Vấn Tối Cao chẳng quan tâm gì chuyện đã qua vì nó chẳng mấy tác động đến nếp sống riêng tư của ngài và hơn nữa ngài có chuyện khác đang chiếm phần suy nghĩ chủ yếu trong đầu óc. Vừa về đến dinh thự, ngài Cố Vấn Tối Cao chỉ thị ngay cho ông Chánh Văn Phòng liên lạc với các công ty giải trí và tiêu khiển ở Ba Lê để tham khảo tìm một địa điểm trợt tuyết.

 

Đi chơi tuyết là một lối tiêu khiển kỳ lạ và độc đáo đối với người dân của những xứ có khí hậu ôn hòa. Ông bà Cố Vấn Tối Cao, dĩ nhiên không phải là những con người biệt lệ, nhứt là bà, một người phụ nữ xuất thân từ lò giáo dục Tây Đầm, Marie Curie. Từ Ba Lê đến trạm trợt tuyết Bourg-Saint-Maurice di chuyển bằng xe hơi phải mất nhiều thời gian mà đi máy bay thì quá tốn kém vì còn đoàn tùy tùng cận vệ linh tinh. Phải móc tiền túi thì, dẫu cho là cố vấn, cũng phải đau lòng vì đâu có thể bắt người dân chịu thuế đài thọ cho những thú vui riêng tư của người nhà nước. Thành thử ra phải bỏ ra một đêm đi xe lửa.

 

Để nhẹ phần chi tiêu, ông bà Cố Vấn Tối Cao mời ông Trợ Lý cùng đi, một cử chỉ được ông Trợ Lý hoan hỷ đáp ứng, vì nhờ vậy, ông có được một dịp mua điểm cảm tình. Ông Trợ Lý có tiếng là con người hào phóng, đặc biệt đối với những ai có thể ban bố chức tước và danh vọng cho đương sự. Cũng nhờ hào phóng nên ông mới được "mời" vào làm việc với ngài Cố Vấn Tối Cao, dẫu cho khả năng của đương sự cần phải hỏi lại. Nên chi ông Trợ Lý được bổ nhiệm Trợ Lý Giao Tế, một chức vụ vô thưởng vô phạt. Vì chỉ cần giao dịch những vấn đề riêng tư cho ngài Cố Vấn Tối Cao cũng đủ rồi.

 

Theo chỗ người ta được biết thì ông Trợ Lý không có một chuyên ngành nào đặc biệt, không phải công nhơn viên chức nhà nước mà cũng chẳng phải nhà thương mãi kinh doanh. Ông Trợ Lý chẳng có được một chỉ số nghề nghiệp chuyên môn nào hết, chỉ phất pha, phất phơ. Ấy thế mà ông cứ có phương tiện để chi xài, mà xài rất sang. Hễ có cơ hội tiếp xúc với một người quyền thế và biết được sở thích của đối tượng là ông miệt mài nhắm vào "nhược điểm" đó mà khai thác, cho đến khi đạt được mục đích yêu cầu mới thôi.

 

Cụ thể là khi được một người giới thiệu với ngài Cố Vấn Tối Cao qua một trận chọi gà, và khi biết được ngài Cố Vấn Tối Cao rất mê đá gà thì ông Trợ Lý tìm mọi cách để thỏa mãn đam mê đó của ngài Cố Vấn Tối Cao. Như vậy là từ đó về sau, cứ nghe nơi nào có con "chiến kê" độc đáo là ông Trợ Lý tìm mua cho bằng được để dâng cho ngài Cố Vấn Tối Cao. Qua cung cách đó, ông Trợ Lý thường đạt được những gì mong muốn. Nghe đâu dưới trào Ngô Đình Diệm, dẫu chỉ là một hạ sĩ quan quân đội thôi mà ông Trợ Lý cũng đã "nổi danh" nhờ có gan cầm bong bóng làm bia cho Bà Cố Vấn Tối Cao Ngô Đình Nhu biểu diễn bắn súng.

 

Chuyến đi chơi tuyết của ông bà Cố Vấn Tối Cao kéo dài một tuần lễ, được coi như là "thành công đáng kể" vì hai ông bà đã vận dụng đúng mức đôi ván trợt tuyết, những bước đầu mới lạ trong đời. Ngoài ra, phóng viên hình ảnh cũng chụp được nhiều pô ảnh độc đáo, phổ biến trên báo chí Tây, được báo chí quốc tế chuyển tiếp. Dĩ nhiên là có kèm theo những bài bình luận nho nhỏ không mấy thuận lợi cho Phái Đoàn Hòa Đàm cũng như cho Việt Nam Cộng Hòa. Những hình độc đáo của ông bà Cố Vấn Tối Cao đi chơi tuyết được một vài tờ báo không thân thiện với chánh quyền đăng lại, với những lời xiên xỏ không mấy đẹp nên đã bị tịch thâu.

 

Do vậy, người ta những tưởng lỗi lầm tai hại của ông Trợ Lý, qua vụ mất xe, đã thành một thứ "cứt trâu hóa bùn". Nhưng không, vì chẳng bao lâu sau, ông Trợ Lý chuẩn bị khăn gói lên đường về Việt Nam, mà lòng buồn rười rượi, trong tinh thần của một người có lỗi, không được thứ tha, được ông Trợ Lý coi như một hình phạt cho cá nhơn.

 

Lợi dụng thế yếu của ông Trợ Lý, ngài Cố Vấn Tối Cao Đặc Biệt "nhờ" ông Trợ Lý mua giúp một con chó, cũng loại Borzoi như con trước kia, đem về Việt Nam giùm ngài Cố Vấn Tối Cao. Con đem về trước kia rất hạp nhãn ông bà Tổng Thống nên ngài Cố Vấn Tối Cao đành cắn răng trao tặng thượng cấp của mình để mua điểm cảm tình. Thật là nhiêu khê và lắm nỗi khó khăn, vì ở đẳng cấp của ông Trợ Lý mà đem một con chó đi máy bay xuyên lục địa đâu phải là chuyện dễ dàng.

 

Tòa Đại Sứ lẫn Phái Đoàn Hòa Đàm không bên nào chịu đài thọ chi phí chuyên chở con chó cho ông Trợ Lý cả, vì không nằm trong tiêu chuẩn của đương sự. Thật là kẹt cho ông Trợ Lý, xuất tiền túi thì đau lòng, mà không đáp ứng đòi hỏi của ngài Cố Vấn Tối Cao thì làm sao mà chạy tội làm mất xe cho được đây? Thôi thì đành bóp bụng, lấy của che thân, may ra khỏi bị búa rìu của thượng cấp.

 

Ông Trợ Lý về Việt Nam được vài tuần thì có lịnh cho người tùy viên của ông phải hồi hương. Thì ra, ông Trợ Lý sẽ không trở lại Ba Lê nữa vì nhiệm vụ của ông đã chấm dứt. Cũng hợp lý vì ông đi với sứ mạng tiền phương, lo yểm trợ cho ngài Cố Vấn Tối Cao, nay cơ ngơi đã ổn định thì nhiệm vụ của ông cũng chấm dứt thôi.

 

Ông Trợ Lý đã yên thân nơi quê nhà, nhưng không vì vậy mà hậu quả ông để lại Ba Lê đã chấm hết. Khi người tùy viên của ông Trợ Lý ra sân bay Orly để về nước, qua khâu quan thuế lại gặp khó khăn, khi trình hóa đơn ra để thu hồi tiền thuế mua hàng quý giá của Pháp.

 

Số là, theo thủ tục quan thuế của Pháp, những người ngoại quốc mua hàng đắc tiền được miễn thuế trị giá gia tăng, nhưng chỉ được bồi hoàn khi ra khỏi nước Pháp. Cho nên, ông Trợ Lý mua quý kim hay đá quý gì đó, rồi để hóa đơn lại cho người tùy viên nhận tiền thuế bồi hoàn. Khi người tùy viên trình hóa đơn ra, quan thuế đòi xem những món hàng đã mua, tương ứng với hóa đơn. Nhưng, những hàng đó, ông Trợ Lý đã đem về Việt Nam trước rồi, còn đâu để trưng ra.

 

Như vậy là người tùy viên gặp trở ngại. Ông ta bèn điện thoại cho ông Chánh Văn Phòng để nhờ gỡ rối. Tây tà đâu cần biết ông Chánh Văn Phòng Cố Vấn Tối Cao của Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa là ai, nên ông Chánh Văn Phòng phải cầu cứu đến Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Ba Lê. Chạy lòng vòng mãi rồi cũng xong, suýt chút nữa người tùy viên kia phải trễ chuyến bay.

 

Nhưng, như vậy chuyện dài của văn phòng ngài Cố Vấn Tối Cao tại Ba Lê cũng chưa kết thúc. Giờ đây, câu chuyện đó lại lây lan về Sài Gòn. Một đêm không trăng sao ở vùng Đất Hộ, gia đình ông Chánh Văn Phòng của Cố Vấn Tối Cao đang vui vẻ sinh hoạt sau bữa ăn tối. Một gia đình khiêm tốn, sinh sống trong tinh thần cần, kiệm, liêm, chánh. Có tiếng trẻ con đùa giỡn, tiếng người lớn chuyện trò phê phán tuồng cải lương vừa chiếu trên máy truyền hình.

 

Bỗng dưng, có tiếng một vật gì, như một viên gạch, rơi ngoài sân xi măng. Ông Chánh Văn Phòng chạy ra coi thì hưởi thấy mùi khói của lựu đạn cay. Ông vội vàng báo động cho cả nhà vào phòng ngủ đóng kín cửa lại. Thì ra, bàn tay bí mật nào đó vừa liệng vào sân nhà ông một trái lựu đạn hơi cay mắt.

 

Khói cay bay lan cùng xóm, những người láng giềng đổ xô đến tìm hiểu. Một lúc sau, cảnh sát tới điều tra và làm biên bản. Nhưng, không phải là một biến cố quan trọng vì liên hệ đến một viên chức cấp nhỏ trong chánh quyền. Rồi thì cũng chìm trong những biến cố dồn dập của cuộc sống thường ngày.

 

Vài ba năm sau, qua những tiết lộ rời rạc được đút kết lại, ông Chánh Văn Phòng mới thấy ra rằng chuyện lựu đạn cay liệng vào sân nhà ông trong đêm hôm đó là một hành động trả thù vặt giữa những người đồng sự với nhau. Vì nếu là Việt Cộng thì họ đã làm một hành động cho đáng giá là tung lựu đạn tấn công vào.

 

Mối thù cỏn con đó xuất phát từ vụ quan thuế Tây muốn xem qua những món hàng tương ứng với những hóa đơn mà người tùy viên của ông Trợ Lý xuất trình ở phi trường Orly để xin bồi hoàn tiền thuế trị giá gia tăng. Sau biến cố đó, ông Chánh Văn Phòng đương nhiên có nhiệm vụ phải trình cho ngài Cố Vấn Tối Cao và Phủ Tổng Thống biết. Phúc trình gởi về Dinh Độc Lập thì ông Bí Thơ của ngài Cố Vấn Tối Cao tiêu lòn, thầm lén thông báo ông Trợ Lý. Do đó, ông Trợ Lý ngượng mặt và không bằng lòng nên quyết định trả đũa.

 

Sau ngày ba mươi tháng Tư, vật đổi sao dời, người quân nhơn biệt phái cho ông Trợ Lý, trong thời buổi oai hùng của ông, có tâm sự với ông Chánh Văn Phòng ở một trại cải tạo. Tâm sự rằng, lúc đó ông Trợ Lý có ra lịnh cho đương sự đem lựu đạn hơi cay ném vô nhà ông Chánh Văn Phòng để cảnh cáo. Nhưng biết để mà biết thôi, cho rõ tình người và thế đời vì chuyện đã quá xưa. Bạn bè thì bạn bè, đồng sự hay đồng sở gì cũng mặc, quyền lợi cá nhơn là trên hết.

 

Mùa xuân năm đó, nhận thấy cái gọi là Văn Phòng Phái Viên Đặc Biệt của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh Phái Đoàn Hòa Đàm Ba Lê là một quái thai vô duyên, vô ích và vô tích sự nên "Phủ Đầu Rồng" âm thầm lặng lẽ để cho nó tan biến, như nước đá gặp nắng. Nhơn viên của Phủ Tổng Thống lần hồi được rút về, giao quyền quản lý dinh thự lại cho Phái Đoàn Hòa Đàm và Tòa Đại Sứ.

 

Sở dĩ có sự tổ chức rần rộ như vậy là vì Dinh Độc Lập thấy rằng phía Hà Nội có một phái đoàn do Xuân Thủy cầm đầu lại có thêm Cố Vấn Tối Cao Lê Đức Thọ thì Sài Gòn cũng phải có tổ chức tương đương. Lẽ ra thì Tổng Thống Nguyên đưa Phó Tổng Thống Trần Việt đi, nhưng vì giữa ông chánh và ông phó có vấn đề nên ông Nguyên, vì ganh ghét và đố kỵ, không muốn cho ông Phó Trần Việt được dịp phô trương thanh thế và tên tuổi. Nếu như Trần Việt đứng vào vị thế của ngài Cố Vấn Tối Cao thì tình hình đã khác đi và những chuyện bê bối, như đã thấy, có thể không xảy ra.

 

Thành thử ra, một công tác quan trọng như vậy, liên hệ đến sanh mạng của bao nhiêu người mà các nhà chánh trị cứ mượn nội dung tinh thần yêu nước, thương nòi mà hời hợt hành động. Xét cho cùng, phái đoàn của ngài Cố Vấn Tối Cao đi Pháp để gọi là hậu thuẫn cho Phái Đoàn Hòa Đàm, nhưng có làm được gì đâu, ngoài những chuyện riêng tư, thậm chí còn tác động ngược lại yêu cầu chung. Đã vậy, ngân sách nhà nước còn phải chịu thêm một gánh nặng vô lối. Cho nên, chỉ được một thời gian rồi sau đó bộ phận dư thừa kia cũng phải theo đúng luật đào thải tự nhiên. Khi xuất hiện thì cờ giong, trống giục, lúc tan biến thì im lặng như tờ.

 

Quan to rút về, dinh thự rộng lớn quá chi phí nào mà chịu nổi nên hết hạn hợp đồng, Tòa Đại Sứ Việt Nam trả lại cho chủ. Những thành viên trong Phái Đoàn Hòa Đàm, trước kia tạm trú ở đó, được phái đoàn đưa đến nơi khác. Những chi phí đài thọ cho phái đoàn của ngài Cố Vấn Tối Cao Đặc Biệt có nhiều khoản trái khoáy và khó thanh toán cho đúng quy định chi tiêu của ngân sách. Trong cái rủi cho một số người thì cũng có cái may cho những kẻ khác. Ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, đất nước tiêu tan, nên chuyện kế toán và thanh lý cũng thành cát bụi của thời gian và không gian.

 

*  *  *

 

Trong khi quan Cố Vấn Tối Cao, đã không cố vấn được gì cho Phái Đoàn Hòa Đàm lại còn tạo ra nhiều vấn đề thì Phái Đoàn vẫn phải ngày đêm đấu tranh với cộng sản Bắc Việt, và thậm chí với chính phái đoàn Huê Kỳ. Dẫu cho đứng cùng chiến tuyến, chống lại Hà Nội và Chánh Phủ Lâm Thời, nhưng Hoa Thạnh Đốn lại chiến đấu ưu tiên cho quyền lợi và yêu cầu thiết thân nhiều hơn. Cũng vì lòng yêu nước thương dân của "Chú Sam".

 

Bởi lẽ đó nên ngoài chuyện đấu tranh trực tiếp và trực diện giữa ban ngày, ban mặt ở bàn hội nghị Kléber, Tòa Bạch Ốc còn cho người đi đêm riêng lẻ, thậm thà thậm thụt với địch, bất kể quyền lợi chung với người cùng chiến tuyến. Nên chi, những cuộc đối thoại công khai trên chiếc bàn tròn trải thảm xanh chỉ là một hình thức, đầy tính trình diễn, chẳng đi đến đâu. Chỉ có những kết quả mật đàm là đáng kể thôi. Vì hai nhơn vật "đi đêm" đó là những người quyền chức có thớ, một người là cố vấn an ninh, còn kẻ kia là ủy viên Bộ Chánh Trị.

 

Nên chi thành đạt và kết quả của mật đàm được coi là yếu tố quyết định chánh thức, được đưa vào văn bản mà làm thành hiệp ưóc. Từ đó, người ta bắt ép Việt Nam Cộng Hòa phải tuân hành những điều mà chính mình không được có ý kiến. Chẳng khác nào như trẻ con, mà cha mẹ và chòm xóm bàn bạc nhau, rồi cho bao nhiêu thì hay bấy nhiêu!

 

Nhưng Sài Gòn đâu phải là đứa con nít ngây thơ, nên những sức ép của ngài "cố vấn an ninh" làm sao có được hiệu quả. Đâu phải loại con nít mà ai bắt "ăn cứt gà" cũng được. Làm cho đường đường một đấng "tiến sĩ" lừng danh trên thế giới phải tức tối, chửi đổng trên máy bay ra về và thề sẽ chẳng khi nào trở lại đất Sài Gòn nữa! Cấp dưới bắt ép không được thì phải mượn cấp cao hơn, cỡ tổng thống Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ. Nhưng cũng chẳng phải dễ dàng gì.

 

Chước không được thì người ta dùng kế. Cho nên mấy ngày sau, tin đồn hành lang của Chú Sam ném ra một chi tiết mà những tờ báo lá cải rất háo ăn. Xuất phát từ Citybank ở Paris, tin tức rỉ tai loan truyền rằng "một nhơn vật cấp cao của Việt Nam đã chuyển vào trương mục mật kín của ngân hàng nửa triệu đô la"! Một số tiền quả thật là to lớn thời đó và đối với một quốc gia nhận viện trợ của Mỹ. Lương tháng của nhơn vật đó - dẫu cho là cấp cao - thử hỏi được bao nhiêu mà gởi ngân hàng cả nửa triệu? Lấy đâu ra?

 

Chín nghi, mười ngờ, dư luận Sài Gòn thắc mắc, chánh khách Hoa Thạnh Đốn lao xao. Muốn biết thực hư ra làm sao, người ta tìm cách phối kiểm, người ta điều tra, người ta hạch hỏi lung tung. Điểm trùng phùng duy nhứt là thời điểm nhập ngân lại khớp với thời kỳ ông Cố Vấn Tối Cao đi về Ba Lê. Nhưng thực chất thì làm sao chứng minh được gì? Thành ra nghi vấn vẫn nằm trong vòng thử hỏi mà thôi. Vậy mà, sau đó món thuốc đắng của ngài "cố vấn an ninh" Nhà Trắng cũng được nuốt đi trót lọt. Nên chi, Sài Gòn đành lãnh đủ một Hiệp Định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam!

 

*  *  *

 

Trong lúc ở mặt nổi, ngài Cố Vấn Tối Cao qua chức vụ Phái Viên Đặc Biệt của Tổng Thống bên cạnh Phái Đoàn Hòa Đàm không làm được gì có lợi cho chuyện hòa đàm, mà chỉ toàn tạo ra phí tổn và gây khó khăn thêm, thì trong âm thầm, đảng Quốc Tiến lại kiên quyết thi hành đúng tôn chỉ của mình, là mưu tìm một thắng lợi nào đó cho dân tộc và đất nước. Dĩ nhiên là những gì Quốc Tiến mưu tính, ngài Cố Vấn Tối Cao không được hay biết, vì ngài Cố Vấn Tối Cao cũng chỉ là một thứ "sao y bổn chánh" của Tổng Thống Nguyên. Nên cho ngài biết cũng chẳng lợi ích gì, đôi khi còn có hại.

 

Theo dõi sâu và sát nội dung và tình hình của hòa đàm, ban chánh trị Quốc Tiến nhận thấy rằng Hà Nội có thâm ý mượn Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam làm cái bung xung để nói chuyện với Huê Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, rồi sau đó ăn tươi nuốt sống đối tượng. Lúc bấy giờ Hà Nội sẽ tự tung tự tác, trực diện dàn xếp với Mỹ, loại bỏ cả Lâm Thời Miền Nam lẫn Việt Nam Cộng Hòa. Quốc Tiến thấy trước mối nguy cơ đó, nên cần phải tìm cách ngăn chận.

 

Sau mấy phiên họp mật kín của ban chánh trị chiến lược, Quốc Tiến thấy cần phải kích hoạt trở lại đường dây xưa kia giữa Nam Việt Nam và Mặt Trận. Ủy ban nghĩ ngay đến chánh hữu Hồ Viết Mai, người đã đi vào ẩn tích, sau khi "Chiến Dịch Đống Đa" bị đổ bể. Từ bấy đến nay, người ta đã quên mất một chánh hữu đã đi vào bí mật, hay là người ta muốn để cho đương sự được yên thân?

 

Sau biến cố Châu Đốc và khi đã quyết định đi vào bí mật, ông Mai đi qua Nam Vang nhờ người làm thủ tục đi lưu vong bên Pháp. Một thời gian sau, vợ con ông cũng đi theo và sinh sống cùng với ông bên đất nước tỵ nạn. Là người từng du học ở Montpellier, và tốt nghiệp bằng kỷ sư hóa chất nên ông Mai tìm kế sinh nhai không khó. Hai vợ chồng cùng đi làm nên nếp sống của một gia đình hai con cũng không đến nổi nào bệ rạc.

 

Cũng một căn hộ trong chung cư vùng ngoại ô Ba Lê, một chiếc xe hơi đi chơi cuối tuần, cũng ngày hai buổi chồng vợ đi làm, con cái đi học. Đời sống cứ an nhàn và êm thấm trôi qua, xa hẳn những cái bận rộn của cuộc đời chánh khách, nhiều nỗi lo âu và lắm chuyện băn khoăn. Nhưng, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, một đảng viên Quốc Tiến đã tiếp xúc được với ông Hồ Viết Mai để nói chuyện đời, thuật chuyện Đảng và trình bày mục đích yêu cầu của Quốc Tiến.

 

Bao nhiêu lần điện thoại đến "căn cứ địa" của Phái Đoàn Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tại Hội Đàm Ba Lê ở Verrière-le-Buisson để tìm ông Trần Thanh Kiếm - đối tượng của ông trong biến cố Châu Đốc - nhưng không được, vì ông Mai quên rằng liên lạc với một con người cộng sản - nhứt là trong tình hình hiện tại - không đơn giản. Bao nhiêu năm sinh sống trong môi trường tự do của nước Pháp, ông Mai tưởng rằng cứ dở điện thoại lên là liên lạc được với người bên kia đầu dây. Phải biết ký tín ám hiệu của người mình cần gặp thì đường liên lạc mới được suôn sẻ. Nhưng làm sao được bây giờ vì, qua tin tức báo chí, ông Mai biết chắc là ông Kiếm có mặt trong Phái Đoàn mà mật mã và bí danh của ông Kiếm thì ông Mai chưa được biết.

 

Tương kế tựu kế, ông Mai sử dụng "hộp thơ chết" trên mục nhắn tin của tờ báo "Nhơn Đạo" (L'Humanité), cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Pháp. Suốt một tuần lễ trôi qua, ông Mai không thấy có phản ứng gì hết. Thật là tuyệt vọng và chán chường! Ông lại tìm cách khác. Ông Mai đâu ngờ rằng tìm nhau giữa đất Ba Lê tự do phóng khoáng mà cũng khó khăn như những lần hẹn gặp ở Tây Ninh và Châu Đốc!

 

Mỗi chiều thứ năm, tan sở ra, ông Mai đến phòng hội quốc tế, nằm trong khách sạn Majestic xưa kia của Ba Lê, trên đại lộ Kléber, để may ra gặp được ông Kiếm nói vội một vài câu, như một cuộc hẹn hò vén khéo. Sở dĩ mỗi thứ năm là vì hòa đàm chỉ họp mỗi tuần có một ngày đó thôi. Đón mấy lần cũng không gặp được vì phái đoàn nào cũng tiền hô hậu ủng, cảnh sát bao vây, an ninh chìm, an ninh nổi, thì dễ gì mà gặp được.

 

Đang chán nản, định bỏ rơi ý định thì may mắn thay, qua những cảm tình viên xưa cũ, ông Mai có được một giấy mời của Phái Đoàn Mặt Trận đi dự một chương trình văn nghệ, cây nhà lá vườn, đón giao thừa Tết Tân Hợi tại "căn cứ địa" của Phái Đoàn Mặt Trận. Nhờ cơ hội đó, ông Mai mới có được dịp may tiếp xúc được với ông Kiếm. Hai người gặp nhau mừng rỡ hết sức, nhưng vì đông người chẳng nói được gì nên hẹn sẽ gặp nhau một ngày nào đó, tại một địa điểm sẽ cho biết sau.

 

Đã có hẹn hò, nhưng không phải được dịp gặp nhau trong đầu hôm sớm mơi. Ông Mai cũng phải nôn nóng chờ đợi mấy tuần lễ, ngồi ngóng, đứng trông. Đối với người cộng sản, không có chuyện gì dễ dàng, nhanh chóng vì họ còn phải đắn đo, thắc mắc, cân nhắc lợi hại, liệu có được phép tiến hành hay không, biết bao nhiêu là điều kiện, chớ đâu phải như con người bên thế giới tự do. Như vậy là ông Mai phải để cho lòng kiên nhẫn của mình đương đầu với thử thách.

 

Rồi cũng phải có một ngày. Những ngày gần cuối tuần đó, sau chín giờ tối, điện thoại nhà ông Mai cất tiếng reo. Ông Mai tự hỏi không biết ai mà gọi điện thoại giờ này, một thời điểm mà những người không thân thích chẳng dám gọi nhau. Hơi miễn cưỡng, ông Mai không vội gì bắt máy lên để nghe. Nhưng chuông điện thoại như cứ khẩn khoản van nài, ông Mai thở ra, tiếc rẻ rời chương trình truyền hình đứng dậy trả lời:

- A, kính chào anh! Em đang bận tí việc nên, xin lỗi anh, trả lời máy hơi trễ...

 

Sáng chủ nhựt tuần đó, ông Mai phá bỏ thói quen nằm nướng trên giường, thức dậy sớm, ngồi ngẫm nghĩ trước tách cà phê, mặc dù giờ hẹn gặp còn xa. Ông được ông Kiếm mời đến "căn cứ địa" của phái đoàn Việt Cộng ở Verrière-le-Buisson để nói chuyện. Dĩ nhiên là với đầy đủ ký tín ám hiệu và mật danh của đương sự.

 

Đúng giờ hẹn, ông Mai bấm chuông gọi cửa một tòa nhà giản dị, núp sau tường cao và cây cối um tùm, sau khi đã cẩn thận đậu xe từ xa và đi bộ lại. Qua thủ tục an ninh và kiểm tra tín hiệu ở cổng ngoài, ông Mai được đưa vào phòng khách của biệt thự và được mời ngồi chờ. Nhơn viên tiếp đón ở phòng khách lẫn vào trong một lúc, đưa ông Kiếm ra gặp ông Mai. Hai người bắt tay chào hỏi, đưa đẩy những chuyện bâng quơ, một cách lạnh lùng khách sáo.

 

Không người nào dám đi vào vấn đề vì nhơn viên tiếp đón, sau khi đưa ông Kiếm ra, vẫn hiện diện trong phòng, dưới danh nghĩa tiếp tục bảo vệ ông Kiếm, nhưng thực tế là theo đúng thủ tục "canh chừng" và theo dõi đối tượng của quy luật cộng sản. Phần trà nước nghi thức đã có cô hầu khách đưa ra, còn người tiếp đón thì cứ đứng trơ trơ đó, có vẻ như sẵn sàng chờ lịnh. Như chừng muốn đuổi khéo nhơn viên tiếp đón đi, ông Kiếm mượn ông ta bước qua văn phòng cầm lấy quyển sổ tay. Nhưng, đương sự vừa bước ra thì đã có người khác bước vào thế ngay. Sau hai mươi phút, nửa giờ đàm đạo không đâu vào đâu hết, ông Mai xin cáo từ ra về.

 

Như vậy là cuộc gặp gỡ khó khăn và nhiều mong đợi, rốt lại chẳng đi đến đâu và cũng chẳng ích lợi gì! Ông Mai suy nghĩ và nghiền ngẫm chính chắn, dự tính sẽ nói rất nhiều để thuyết phục ông Kiếm, nhưng những gì trĩu nặng trong tâm tư, ông đành mang trở về và mãi mãi chôn kín trong lòng ông.

 

Được tự do phóng khoáng theo dõi tình hình chánh trị Việt Nam và khuynh hướng chiến lược địa lý chánh trị quốc tế - đặc biệt nhứt là Huê Kỳ, Nga và Trung Cộng – ông Mai nhận thấy rằng âm mưu ý đồ của cộng sản quốc tế là tóm thâu toàn cõi Việt Nam vào vòng tay đỏ máu của họ.

 

Về phía Thế Giới Tự Do thì Huê Kỳ, đã từ lâu coi Việt Nam Cộng Hòa như là một mắt xích của hệ thống be bờ cộng sản, dưới danh nghĩa cao thượng là "Tiền Đồn Thế Giới Tự Do". Từ cơ sở chủ đạo đó, ông Mai quan niệm rằng phải làm sao tách rời miền Nam ra khỏi vòng lệ thuộc những nước giàu mạnh đem công của thôn tín những nước nhược tiểu bằng mọi cách.

 

Ông Mai muốn thảo luận với ông Kiếm tìm cách tách rời Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam ra khỏi vòng tay "thực dân đỏ" đô hộ của miền Bắc Dân Chủ Cộng Hòa, đừng để cho Hà Nội thao túng và mượn tay của Giải Phóng Miền Nam nữa. Đành rằng ý nghĩ đó không dễ gì thực hiện, sau khi Mặt Trận Giải Phóng đã lệ thuộc quá nhiều miền Bắc về quân sự. Cũng như chánh phủ Sài Gòn đã bị Mỹ hóa trầm trọng để chống cự lại miền Bắc. Nhưng trong chánh trị, điều không dễ làm đâu phải là điều không thể làm? Chỉ cần mưu mẹo và quyết tâm, kiên trì và lì lợm, đôi khi người ta đạt được thắng lợi thật bất ngờ.

 

Y như rằng, sau khi Hiệp Định Paris Chấm Dứt Chiến Tranh, Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam được ký kết rồi, với hành động tráo trở của Hà Nội, Bắc Việt đã cướp luôn miền đất Việt Nam Cộng Hòa, dưới cái nhìn ngơ ngác của Hoa Thạnh Đốn. Một cái nhìn thụ động, gần như đồng lõa, của một siêu cường, nhân danh lòng yêu nước thương nòi của "Chú Sam"!

 

Rồi cái gọi là Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam cũng âm thầm đi vào bóng tối và quên lãng, với những nhơn vật cấp cao của nó lặng lẽ đi vào vùng mờ mịt âm u của Mặt Trận Tổ Quốc để ẩn mình chờ chết, như những loài chim sâu nhỏ bé! Hay là đành lòng chấp nhận những chức vụ làm cảnh giao thời để rồi tan biến trong không gian và thời gian! Cũng vì yêu nước thương nòi thôi!

 

 

(Hết chương sáu)

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.