.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)

bút
việt
hồn
quê

 


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 

  • PSN - 29.03.2009

CHƯƠNG BẢY

 

Tờ mờ sáng, những người say mê tin tức sốt dẻo, bắt chương trình tiếng Việt của những đài ngoại quốc, nghe được một tin mà họ cho là buồn cười. Họ coi đó như là một lối thông tin đùa dai, theo kiểu "cá tháng tư", mà một đôi lần các đài này đã làm. Một loại tin tức đáng được "nghe qua rồi bỏ", chẳng cần phải quan tâm. Một thị trấn quan trọng bực nhứt của Cao Nguyên thì làm sao mà thất thủ chỉ qua một đêm, trong khi trước đó không nghe bị áp lực nặng hay bị đe dọa gì hết? Thế nhưng, sáng ra nghe đài Sài Gòn thì dân chúng mới ngã ngửa, vì đúng là Ban Mê Thuột đã rơi vào tay Việt Cộng đêm qua!

 

Dư luận bắt đầu xôn xao, người cho rằng quân báo phe ta quá yếu, kẻ coi như là quân lực Việt Nam Cộng Hòa khinh địch, trong khi cộng quân quyết tâm đánh úp. Ngày càng về trưa, giới chánh trị Sài Gòn khởi sự ồn ào, nắm lấy cơ hội để đả kích chánh phủ, chỉ biết lo củng cố địa vị mà xao lãng công cuộc phòng thủ đất nước. Trong chiến thuật chiến lược kể từ thời Pháp thuộc đến nay, vùng cao nguyên Việt Nam được coi như là cái huyệt then chốt của cả Đông Dương. Ai đó đã nói rằng:"Ai chiếm được Tây Nguyên, người đó sẽ làm chủ Đông Dương", vì vùng Cao Nguyên đó được kể như là "nóc nhà" của vùng đất nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

 

Từ bên ngoài, người ta thấy dinh Ðộc Lập rộn rịp xe ra vào, nổi bật nhứt là xe của ông Đại Sứ Huê Kỳ. Như vậy là tình hình khá nguy ngập chớ không còn tầm thường như những "Mùa Hè Ðỏ lửa" hay "An Lộc Oai Hùng" nữa rồi. Tổng thống Nguyên cho lệnh triệu tập khẩn cấp Hội Ðồng Quốc Vụ. Ðặc biệt lần này, ông nhấn mạnh là phải mời phó Tổng Thống Trần Việt tham dự, một điều đáng ngạc nhiên vì từ trước đến nay ông phó thường bị cố tình lãng quên.

 

Toàn thể thành viên Hội Ðồng Quốc Vụ ngồi quanh bàn họp, nét mặt người nào cũng đăm chiêu, lo lắng thấy rõ. Trong khi chờ đợi Tổng Thống, các thành viên dò hỏi lẫn nhau về trận đánh vô cùng bất ngờ và đưa ra những giả thuyết này nọ, mặc dù không ai có cơ sở vửng chắc.

 

Vào phiên họp, Tổng Thống Nguyên cho biết:

- Với trận đánh úp Ban Mê Thuột đêm qua, chúng ta đã hoàn toàn bị bất ngờ và bị động cho nên địch mới tràn ngập quân trú phòng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Ðể có dữ kiện hành động, trước hết xin Đại Tướng Tổng Tham Mưu trưởng cho biết tình hình và những biện pháp trả đũa.

 

Sau khi các sĩ quan cấp nhỏ dàn dựng xong bản đồ, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng trịnh trọng đứng lên, chỉnh lại quân phục rồi mới thuyết trình bằng một giọng nói hết sức nghiêm chỉnh, một thái độ tiêu biểu của ông trong mọi tình huống:

- Kính thưa Tổng Thống, kính thưa quý vị trong Hội Ðồng Quốc Vụ, như Tổng Thống đã nói, tình trạng bất ngờ là yếu tố đặc biệt của trận tấn công này. Từ lâu, thậm chí trong tuần lễ mới đây thôi, tình hình bản làng quanh Ban Mê Thuột vẫn yên tịnh, không có hoạt động nào của địch đáng lưu ý. Theo phòng nhì và phòng ba thì lực lượng địch trong cuộc tấn công này là Sư Đoàn chánh quy 309 của Bắc Việt, phối hợp với dân quân địa phương có tăng và pháo yểm trợ. Sự di chuyển của ngần ấy quân lính và chiến cụ mà lại được giữ mật, lọt khỏi lưới tin tức của ta là một trường hợp khá quái lạ. Giả thuyết của chúng tôi là trong cuộc tấn công này của Việt cộng có bàn tay lông lá của ngoại bang. Sở dĩ chúng tôi giả thuyết như thế là vì, từ ngày phong trào FULRO nổi dậy, tình báo bản làng đều do phía Huê Kỳ độc quyền đảm trách. Tin tưởng ở quốc gia bè bạn - vả lại nhờ vậy mà chúng ta cũng nhẹ được một mặt, dồn nỗ lực vào nơi khác - tình báo của chúng ta gần như hoàn toàn khoán trắng cho Mỹ. Ngoài ra, vì mấy lúc sau này, mặt trận Ðà Lạt bị áp lực nặng nên Bộ Tư Lịnh Sơn Khu có điều động bớt một số lực lượng cơ hữu của Ban Mê Thuột đi. Vì vậy cho nên đêm qua lực lượng trú phòng mới bị đè bẹp một cách dễ dàng. Theo báo cáo mới nhứt, vừa nhận được trước khi đi họp, chúng tôi được biết là quân tấn công đã rút khỏi Ban Mê Thuột. Bộ Tư Lịnh Sơn Khu đang cho lực lượng tăng phái Ðà Lạt truy kích địch. Chúng tôi nghĩ rằng, trong chiều hướng dọn đường cho một giải pháp chánh trị, Huê Kỳ muốn dằn mặt lực lượng chúng ta, cũng như trường hợp Tết Mậu Thân ngày trước.

 

Như được gợi ý, Đại Tá Đặc Ủy Trưởng Trung Ương Tình Báo tiết lộ:

- Kính thưa Tổng Thống, kính thưa toàn thể Hội Đồng, chúng tôi cũng đồng ý với giả thuyết của Đại Tướng là phải có hậu thuẩn, hoặc giả do sự lơ là, của Mỹ, cộng quân mới có thể đánh úp Ban Mê Thuột nhanh chóng và dễ dàng như vậy được. Những chỉ dấu nghi ngờ là địch tấn công ồ ạt như thế, nhưng thiệt hại về nhân mạng không đáng kể, chỉ có thiệt hại vật chất là nặng nề nhứt. Ðiểm thứ hai là đánh úp được nhưng tại sao địch không chiếm giữ mục tiêu, khai thác thành quả mà lại rút đi ngay? Ðiểm thứ ba là đêm qua, phòng kiểm thính của phủ chúng tôi có chận bắt được nhiều liên lạc điện đàm khả nghi về một chiều hướng câu kết như thế.

 

Sau một thời gian bàn luận, ông Phụ Tá An Ninh đề nghị với Tổng Thống Nguyên nên thăm dò ông Đại Sứ Daniel Martinon xem phản ứng ra sao. Thế nhưng, sau mấy lần trục trặc, qua vụ Pleiku và việc thành lập Hội Ðồng Quốc Vụ, Tổng Thống Nguyên thấy hơi ngại đề cập vn đề này với Đại Sứ Mỹ. Rồi ngày qua ngày, câu chuyện trôi xuôi. Hơn nữa, sau biến cố Ban Mê Thuột tình hình trở lại bình thường, trung ương tiếp tục sinh sống như chẳng có chuyện gì xảy ra, trong khi quân và dân tỉnh lỵ này bỏ công sức ra gầy dựng lại những gì đổ nát, hàn gắn vết thương. Các giới thẩm quyền trong chánh phủ, từ Tổng Thống, Thủ Tướng, Bộ Trưởng Quốc Phòng cho đến Đại Tướng Tổng Tham Mưu trưởng không ai buồn làm một chuyến thăm dân cho biết sự tình trận địa. Có lẽ vì mặc cảm nên không muốn chạm trán và bươi móc thực tế.

 

Tình hình Việt Nam Cộng Hòa được Đại Sứ Quán Huê Kỳ cố gắng tối đa kềm giữ và che chắn làm sao cho không có vn đề gì rắc rối, vì Hoa Thạnh Ðốn đang vào thời kỳ quyết liệt để chuẩn bị bầu cử Tổng Thống. Sau nhiều tai tiếng và chống đối, vị Tổng Thống Mỹ tại chức muốn xuống thang tính chất "diều hâu" để tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhưng, kết quả thăm dò dư luận của nhiều hãng bắt mạch ý định đầu phiếu cho thấy đảng đương quyền sẽ gặp nhiều khó khăn, ở phía Tổng Thống cũng như bên Quốc Hội, vì đã có một quá trình ủng hộ chiến tranh Việt Nam rất rõ nét, tích cực và sâu đậm.

 

Trong khi tình hình đang căng thẳng như vậy thì một bài báo của tờ "The Globe" tung tin động trời, với nhiều bằng chứng cụ thể, là Tổng Thống Huê Kỳ đã đích thân cho mật viên xâm nhập trụ sở phụ trách bầu cử đảng đối lập để đánh cắp tài liệu. Hành động bất chánh này của một vị Tổng Thống tại chức bị dư luận ngoài đời cũng như bên lập pháp chỉ trích và lên án nặng nề. Không có một cơ quan truyền thông nào - chữ viết cũng như truyền thanh và truyền hình - bênh vực cho Tổng Thống vì mối điếm nhục "Dumpgate" là một hành động trăm phần trăm sai quấy trong một nền dân chủ như của Huê Kỳ.

 

Bên lập pháp không những có những phiên điều trần lên án mạnh bạo mà còn đi đến chỗ hình thành ủy ban truất phế Tổng Thống. Qua hàng chục phiên họp gay go và qua hàng mấy mươi người phát biểu ý kiến, Quốc Hội lưỡng viện gần đạt được nghị quyết truất phế thì Tổng Thống tuyên bố từ chức, "nhân danh quyền lợi tối thượng của nhân dân và đất nước Huê Kỳ và nhân danh lòng yêu dân thương nước". Ông chánh rũ áo từ quan thì ông phó lên thế, nhưng uy quyền suy sụp thấy rõ. Một cuộc khủng hoảng chánh trị trầm trọng! Do đó Huê Kỳ chỉ còn biết lo chống đỡ khó khăn nội bộ, lơ là hết mọi cam kết quốc tế bên ngoài.

 

Trước tình hình đó của Huê Kỳ, Tổng Thống Nguyên cảm thấy lo ngại vì đã mất một chỗ dựa quan trọng. Ông cho mời ông Đại Sứ đến để tham khảo và gián tiếp cầu cứu. Thế nhưng, giống như Tổng Thống Nguyên, ông Đại Sứ cũng ở trong tư thế bị động, đành chấp nhận những gì đã xảy ra ở một nửa vòng thế giới xa xôi bên kia. Tuy nhiên, Đại Sứ Daniel Martinon khuyên Tổng Thống Nguyên nên đặt mọi lực lượng vũ trang của Việt Nam Cộng Hòa, nghĩa là quân đội, cảnh sát, địa phương quân và nhơn dân tự vệ, trong tình trạng báo động đỏ, đề phòng những hành động chớp thời cơ của cộng sản.

 

Y như rằng, một tuần lễ sau, Ban Mê Thuột lại bị tấn công, lần này thì ồ ạt và hung tợn hơn. Không như lần trước, cộng quân chiếm cứ luôn thị xã sau khi bắt cầm tù Trung Tá Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng. Dân chúng tỵ nạn đổ về Ðà Lạt rất đông, tạo khó khăn cho chánh quyền địa phương không ít. Gay go nhứt là việc quần chúng mang mặc cảm thua cuộc và mất niềm tin đối với sức mạnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Dư luận đặt vn đề là liệu có chận đứng được cộng sản trong tham vọng của họ hay không.

 

Ai ai cũng dư biết rằng thái độ cố hữu của cộng sản là sẽ thừa thắng xông lên, không biết trong tương lai sắp tới họ sẽ làm gì nữa đây? Chánh quyền trung ương bối rối thấy rõ vì Tổng Thống Nguyên không còn biết bám víu vào đâu. Hội Ðồng Quốc Vụ cũng không hiến kế được cho ông. Trong giờ phút nguy ngập như vầy, ông mới thấy ra rằng ngồi ở ghế uy quyền mà dựa trên những căn bản giả tạo thì chẳng khác nào một thứ cọp giấy, một loại voi có chưn bằng đất!

 

Trong lúc hành pháp và lập pháp Sài Gòn đang lo bấn lên thì tin tức bất thuận lợi từ chiến trường đua nhau bay về. Nào là Bộ Tư Lịnh Sơn Khu bị áp lực nặng, kêu cứu và xin tăng viện. Bộ Tổng Tham Mưu đành bó tay vì lực lượng tổng trừ bị, nhảy dù, biệt động quân và thủy quân lục chiến đã được sử dụng gần hết - quân khu nào cũng bị đe dọa - quân số chỉ còn đủ để bảo vệ thủ đô.

 

Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, quân khu Hỏa Tuyến báo tin khẩn cấp cho biết mấy Sư Đoàn cộng sản Bắc Việt cùng với xe tăng và pháo binh đã vượt sông Bến Hải lấn chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Tin chiến trường vừa nhận được, chưa kịp phản ứng thì lại có tin Ðông Hà thất thủ, rồi kế đến là Quảng Trị bị đe dọa. Sáng sớm ngày hôm sau, bản tin Việt ngữ đài BBC lại cho biết tình trạng nguy ngập của cố đô Huế. Dân chúng bắt đầu hoang mang, nhứt là sau khi đã chứng kiến cảnh người dân tuyến đầu, con bồng, con bế, tay xách, nách mang chạy giặc bằng mọi phương tiện, từ Ðông Hà đổ xuống phía Nam.

 

Người dân xứ Huế, với kinh nghiệm rút được từ vụ Tết Mậu Thân, rất nao núng khi nghe tin đài BBC, dù rằng trên thực tế chưa thấy dấu hiệu nào của cộng quân tấn công vào thành phố. Thế nhưng, Việt cộng không tấn công cố đô Huế mà lại dốc toàn lực lượng xâm nhập đánh thành phố chiến lược của miền Trung là Ðà Nẳng, nơi có bản doanh của tướng Trần Anh Hùng, Tư Lịnh quân khu Hỏa Tuyến.

 

Ðúng với tên gọi, Tướng Hùng là một trong những quân nhân hiếm hoi của quân lực, nổi tiếng kiên gan chiến đấu, hết lòng với đệ huynh chiến hữu và một dạ trong sạch thanh liêm. Từ thiếu úy lên trung tướng, Tướng Hùng đều được thăng cấp đặc cách mặt trận và cuộc đời binh nghiệp của ông thuần túy lăn lóc từ chiến trận này đến chiến trường khác. Ông đã lừng danh qua những trận đánh lớn như "Tết Mậu Thân 1968" ở Huế hay "Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972" ở Quảng Trị. Với Tướng Hùng ở tuyến đầu Ðà Nẳng, dư luận tin tưởng rằng rồi đây cộng quân sẽ bị chận đứng và tình thế sẽ đảo ngược.

 

Thế nhưng, thực tế chiến trận lại không đúng như thiên hạ nghĩ và mong muốn. Khi địch vừa phát động tấn công vào mặt phía đông, do Sư Đoàn 3 Bộ Binh án ngữ, thì sau không đầy một tiếng đồng hồ giao tranh, Sư Đoàn này đã giải chiến, dù chưa có tổn thất gì quan trọng. Hành động này của Sư Đoàn 3 đương nhiên bỏ trống mặt sườn của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, một lực lượng tổng trừ bị chiến lược quan trọng. Thế là các đơn vị phải co cụm lại, rút về bản doanh hành quân của Sư Đoàn 3 để tổ chức phòng ngự và hình thành chiến tuyến mới.

 

Ðiều đáng ngạc nhiên, chưa từng thấy bao giờ, là sự hiện diện không phải chỗ của ông Tổng Lãnh Sự Huê Kỳ tại Ðà Nẳng bên cạnh Tướng Tư Lịnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến trong khi đang hành quân. Như chừng ông Tổng Lãnh Sự đang trực tiếp báo cáo và nhận chỉ thị của một giới chức nào đó phía Mỹ vì người ta thấy ông có máy vô tuyến cầm tay loại bỏ túi và cứ liên lạc không ngừng nghỉ. Sau đó, người ta được biết là ông Tổng Lãnh Sự có đề nghị với các tướng lãnh mặt trận Ðà Nẳng là nên "bảo toàn lực lượng", một lối nói hoa mỹ theo kiểu ngoại giao, hàm ý rằng nên nhường bước cộng quân.

 

Cho nên các lực lượng chiến đấu quanh Ðà Nẳng tuần tự rút đi, bỏ ngỏ thị trấn với một phức hợp hải, lục, không quân khổng lồ. Không còn quân dưới trướng thì đánh đấm làm sao đây, nên Tướng Hùng bám lấy Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, cuối cùng cũng bị trực thăng và chiến hạm Mỹ bốc đem ra khỏi vùng chiến. Thế là, bất chiến tự nhiên thành, cộng quân chiếm được Ðà Nẳng mà không phải chiến đấu bao nhiêu!

 

Ðà Nẳng "thất thủ" không phải đơn giản vì con đường thối lui của quân và dân phía Bắc thị trấn này bỗng dưng bị tắc tị. Như một ổ kiến bị quấy nhiễu lại bị dầu hôi chận hướng bung ra, dân quân tháo chạy phải tìm đủ thứ phương tiện, thậm chí đi bộ, để thoát thân xuống phía Nam. Những người trốn chạy bằng chân thì cộng quân không cần bắt mà cứ nả đạn súng cối nên chết và bị thương không sao kể siết! Dân tỵ nạn đường biển được tàu hải quân Mỹ thả lưới xuống bốc lên vì cho lên tàu theo cầu thang thường lệ thì không còn kịp nữa.

 

Vậy nên, đâu đã đến mùa mà thị trấn và thành phố ven biển và vùng Cao Nguyên của Việt Nam Cộng Hòa cứ thi nhau rơi rụng như lá chết lìa cành, ngày thu lộng gió. Và dân chúng tỵ nạn đua nhau gồng gánh, nhảy xe đò, ngồi xe ôm, chồng chất lên tàu thuyền ghe lớn, ghe con, chạy giặc như lá rụng, cuốn chạy theo đà trận gió, cuồn cuộn cơn giông!

 

Phương tiện hàng không được tranh giành triệt để vì là phương tiện nhanh nhứt và "sang trọng" nhứt. Cho nên người đã đầy mà thiên hạ cứ bám lấy cửa phi cơ, trong khi phi hành đoàn cần cất cánh vội để tránh đạn pháo kích mà không đóng cửa được. Thế là một quả đấm của một cánh tay lông lá lực lưỡng đã đập mạnh vào mặt một người hành khách, cứ bám chặt cửa, làm cho anh này phải ngả chết trên đường băng!

 

Một trường hợp thương tâm khác của những người trốn chạy bằng đường hàng không là khi máy bay đã lên trời rồi và rút bánh xe vô, mà lại còn có một cặp chưn người ló ra ngoài ụ chứa bánh máy bay! Khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhứt thì kẻ tỵ nạn kia cũng đến được thủ đô nhưng trong tình trạng chết cứng! Thành thử ra, cũng trong tình hình đào thoát, bỏ của chạy lấy người, quân Mỹ tổ chức không khéo và gọn như quân Tây hồi thời hiệp định Genève 1954!

 

Dân chúng chạy giặc, từ tỉnh này sang tỉnh kia rồi lại tiếp tục chạy nữa, cảm thấy quá mệt mỏi nên quyết định chạy một lần một về thẳng thủ đô Sài Gòn. Do đó, càng ngày thành phố thủ đô của miền Nam gia tăng nhân số vượt mức, tạo ra trăm thứ chuyện, ngàn vụ việc cho chánh quyền địa phương, bị tràn ngập với những trường hợp bất ngờ.

 

Túng thì phải tính, xoay xở trong gấp rút, trong hối hả, giật đầu cá vá đầu tôm nên toàn là những giải pháp tạm bợ, đâu chẳng ra đâu. Dân chúng bất bình, phản đối, chánh khách chớp thời cơ, binh dân lấy lòng, nên mạnh miệng chỉ trích nhà nước. Ðể tránh khó khăn gia tăng, chánh quyền ra lệnh cho hải quân chận tàu bè chở dân tỵ nạn miệt ngoài vào Nam đưa thẳng ra đảo Phú Quốc, không cho cập bến Vũng Tàu hoặc vào cửa Cần Giờ để đến Sài Gòn.

 

Chánh quyền một thân một mình phải đương đầu với bao nhiêu chuyện, với mấy mặt trận. Nào là chiến tuyến ngày một thu hẹp, vùng đất quê hương rút gọn nhỏ lần và nhỏ lần, như "mảnh da sầu muộn". Nào là đời sống dân thường cố hữu chật vật khó khăn, sinh hoạt khập khiễng, què quặt vì tình hình kinh tế suy sụp do viện trợ Mỹ giảm sút. Nào là lo chuyện tạm cư và cứu trợ cho dân tỵ nạn đổ về ồ ạt. Nào là tình hình an ninh nội thành đã nguy ngập lại càng nguy ngập hơn nữa với số dân tỵ nạn ngày một thêm đông. Thế nào địch cũng trà trộn, mượn gió bẻ măng để gây xáo trộn hậu phương.

 

Với tình hình chánh trị, xã hội, quân sự rối beng như nồi canh hẹ, Tổng Thống Nguyên xây qua trở lại không biết phải cầu cứu ở ai. Ðảng Dân Chủ, mà ông đã dày công hình thành, nay không thấy cựa quậy gì, chỉ im hơi lặng tiếng vì có hình thức mà rỗng nội dung. Ông Tổng Thơ Ký của đảng, được ông phái đi gọi là giải độc để cầu cạnh dư luận Mỹ chưa thấy đem lại kết quả gì mà cũng chẳng thấy ông trở về. Có dư luận cho biết là trong chuyến đi đó, ông tổng thơ ký đã mang theo cả vợ con. Nếu quả thật như vậy thì ông tổng thơ ký đã có dự mưu đào thoát rồi!

 

Sau phiên họp đặc biệt tháng trước, Hội Ðồng Quốc Vụ không có phiên họp nào khác vì có họp cũng không giải quyết được gì hết. Ông Đại Sứ Huê Kỳ David Martinon cũng giảm bớt những lần đi lại giữa tòa Đại Sứ và "Phủ Đầu Rồng". Cảm thấy bị bỏ rơi, Tổng Thống Nguyên quyết tâm thử tài thao lược của chính mình và nhứt quyết hành động đơn phương, tới đâu thì tới. Ông kêu văn phòng tổ chức chuyến đi Cam Ranh cấp tốc, có Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng tháp tùng, để họp mật với tướng Tư Lịnh Sơn Khu.

 

Mấy ngày sau phiên mật đàm chiến lược tại Cam Ranh, qua hai đài VOA và BBC, người ta được biết có cuộc động binh quy mô xuất phát từ Pleiku, tổng hành dinh của Sơn Khu, nhưng  không rõ chi tiết và ý định. Dư luận thường tình của Sài Gòn cho là sẽ có cuộc choảng nhau quyết kiệt với cộng quân ở một nơi nào đó. Ông Đại Sứ Huê Kỳ vội vàng xin yết kiến Tổng Thống Nguyên để tìm hiểu diễn biến thời cuộc, nhưng văn phòng cho biết là Tổng Thống đang bận chưa thể gặp được. Vì là hành động đơn phương, đơn độc và tối mật nên Tổng Thống Nguyên không muốn ai biết được, ngoại trừ cá nhơn ông, tướng Tổng Tham Mưu trưởng và Tướng Tư Lịnh Sơn Khu.

 

Ðến ngày "N", khi một vài bộ phận quân sự cấp chân rết báo cáo khó khăn với bộ chỉ huy liên hệ thì mới hay rằng toàn bộ tổng hành dinh Sơn Khu đã rời bỏ Pleiku và Kontum, qua cuộc điều quân được cho là "di tản chiến thuật" hướng về duyên hải, qua đường liên tỉnh số Bảy thẳng hướng Tuy Hòa. Sau khi vượt qua đèo Cheo Reo, toàn bộ khối người, dân sự lẩn quân sự, và chiến cụ, kể cả thiết giáp và pháo binh, đã bị sa lầy lại bị cộng quân tấn công nhiều mặt.

 

"Ðường Bảy" là một mạch giao thông chỉ sử dụng được trên đoạn từ ngả ba quốc lộ 14 đến Cheo Reo mà thôi, phần còn lại từ Cheo Reo đến Tuy Hòa đã bị bỏ phế từ cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhứt. Vì lẽ quốc lộ 19 từ Pleiku đi Quy Nhơn bị cộng quân trấn giữ nên Bộ Tư Lịnh Sơn Khu phải cho quân và dân miền Cao Nguyên di tản qua "Đường Bảy", hy vọng khai thác được yếu tố bất ngờ. Buồn thay, hành động đó không làm cho địch bất ngờ mà lại làm cho ta hụt hẫng!

 

Thì ra, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, áp lực của cộng sản quá mạnh, Tổng Thống Nguyên quan niệm rằng lực lượng Sơn Khu sẽ không đủ sức bảo vệ toàn bộ Cao Nguyên nên trong phiên họp thu hẹp và tối mật tại Cam Ranh, ông đã chỉ thị cho Tư Lịnh Sơn Khu - với sự chứng kiến thụ động của Tướng Tổng Tham Mưu trưởng - rút bỏ Pleiku, Kontum và Phú Bổn, đem quân về tập trung tái chiếm Ban Mê Thuột. Quan niệm chiến lược của Tổng Thống Nguyên là bỏ to ăn nhỏ.

 

Ông tin tưởng ở tài lãnh đạo của Tướng Tư Lịnh Sơn Khu - một vị tướng thời còn cấp tá, đã tham dự trận đánh lừng danh của Tây thực dân ở Điện Biên Phủ - một tài lãnh đạo có nhiều nghi vấn. Chớp thời cơ và muốn nâng đỡ đàng em thân tín, Tư Lịnh Sơn Khu đề nghị Tổng Thống thăng cấp đặc cách cho một ông đại tá nhiệm chức, đang ngồi chơi xơi nước tại Tư Lịnh Bộ, lên chuẩn tướng để chỉ huy cuộc triệt thoái lịch sử. Trong thời xáo trộn, hỗn quan hỗn quân, sâu bọ mới dễ có cơ hội lên làm người, bất chấp hậu quả cho những người khác!

 

Trời đất chẳng thương phường gian dối, bất tài vô tướng lại cứ muốn làm to, như con ếch định phình lớn hơn con bò, cuộc di tản dân quân cán chánh trên "Đường Bảy" đã tạo cho quân cộng sản một mục tiêu quá lý tưởng! Khi đoàn người đông đảo, cùng với chiến xa, pháo binh, xe tải, xe đò và đủ thứ phương tiện chuyển vận, đối diện một con sông mà chiếc cầu bắt ngang đã bị đánh gảy từ lâu thì phải khựng lại.

 

Người ta lúng túng vì không có cách nào để vượt sông, dẫu cho có phương tiện công binh tháp tùng trong tay. Trong khi đó cộng quân, được chuyển hướng vào phút chót, rượt đuổi từ phía sau đã tới gần kề. Như vậy là một trận đánh sống mái bùng nổ dữ dội, phía Việt Nam Cộng Hòa bị thiệt hại nhơn mạng không sao kể siết. Đến đổi quân ác ôn cộng sản không thèm dùng súng mà chỉ đem xe tải tông đại vào đám đông, thịt xuơng rơi rụng tơi bời! Thịt người bị đạn pháo nổ tung, bắn ra bốn bề, tứ phía, vướng mắc trên cành cây, ngọn cỏ! Những người sống sót về tới Tuy Hòa, đầu óc chẳng còn gì, dở dở ương ương!

 

Chiến dịch co cụm chiến lược của Tổng Thống Nguyên diễn ra giữa mùa xuân mà sao thành phố và tỉnh lỵ đua nhau rơi rụng như lá vàng của một ngày thu lộng gió heo may! Có nơi như Nha Trang, chưa đánh đấm gì đã tan hàng, vì thiên hạ chưa chi đã sợ bóng sợ gió mà bỏ ngỏ tỉnh lỵ. Đến đổi cộng quân tiến vào mà cứ tưởng là trúng kế đối phương! Thành phố và tỉnh lỵ thi đua nhau giải thể tan hàng, cái trước ngã xô cái sau nhào luôn, chẳng khác nào một dãy những con cờ đô-mi-nô, được sắp đứng thẳng hàng.

 

Hiện tượng đó cũng giống như một chấn động lây lan, cộng thêm một nỗi sợ dây chuyền, người trước bỏ chạy làm xao xuyến tinh thần kẻ ở nơi kế tiếp. Như vậy là cứ hùa nhau chạy, chưa cần thấy nguy cơ ra làm sao hết. Bởi vậy cho nên, chánh quyền nhận thấy cái tâm lý cứ chạy cho chắc ăn, đã quyết định không cho dân chạy giặc miệt ngoài đổ về Sài Gòn.

 

Vì lẽ chính ngay tại thủ đô Sài Gòn, cơn chạy loạn đã phức tạp rồi, giờ nhận lãnh thêm cái hỗn tạp của cuộc chạy giặc miệt ngoài nữa thì thế nào cũng đại hỗn loạn. Tuần lễ hoặc mươi ngày gì đó trước thời điểm lịch sử đau thương ba mươi tháng Tư của Việt Nam Cộng Hòa, những ông lớn có thế có quyền đã bắt đầu cho vợ con âm thầm ra đi. Nhưng kín đáo với người ngoài chớ làm sao che đậy được với cận thần hay những người thuộc hạ, tay chưn.

 

Như vậy là phong trào di tản bắt đầu rồi lần hồi tăng tốc và tăng số lượng theo cấp số thuận với những thành phố và tỉnh lỵ rơi vào tay cộng sản. Kế đó là những cuộc di cư có tổ chức của những cơ quan Mỹ, của quân đội Sài Gòn dành cho những nhơn viên thanh thế, làm cho quần chúng thân cô thế cô càng thêm hoang mang sợ hải. Thế là, không ai bảo ai, chẳng cần lịnh lạc gì hết, mạnh ai nấy chạy, bỏ của cứu lấy người. Một tình thế vô cùng hỗn loạn, có những đơn vị, có những cơ quan phần sở, sáng ra người chỉ huy đã cao chạy xa bay!

 

Tình hình càng bi đát hơn và trầm trọng hơn khi Tổng Thống Nguyên lên truyền hình quốc gia chưởi Mỹ thậm tệ rồi kết thúc bằng quyết định từ chức tổng thống dân cử để rồi lên máy bay Huê Kỳ thẳng tấp đường mây, sống đời lưu vong. Sau ta là cơn hồng thủy, sống chết mặc bây!

 

Cứ theo hiến định, ông chánh đi thì ông phó thay, nhưng xe trước đã đỗ thì xe sau phải tránh, quanh đi quẩn lại, người ta chẳng thấy ông phó đâu cả. Vậy là chánh quyền hỏng chưn! Lúc bình thường thì không biết bao nhiêu người tranh giành cho bằng được một chức vụ mà ai cũng mong muốn, giờ thì chẳng có người nhận. Trong lúc hỗn quân hỗn quan đó, Phó Tổng Thống Trần Việt đã di tản từ hồi nào, không để lại lời từ giả, mà cũng không cho biết địa chỉ để liên lạc. Đúng là trốn chui, trốn nhủi! Cũng là một hành động "nhân danh lòng yêu nước" đó thôi.

 

Một lần nữa theo hiến định, ông phó đào tỵ thì, sau số hai là số ba, uy quyền lại phải do ông Chủ Tịch Thượng Viện đảm nhiệm, muốn hay không muốn cũng mặc ông, vì chẳng lẽ đất nước mà không có người cầm đầu. Theo bản tánh và bản chất của mình thì cực chẳng đã lắm, trong cảnh không chó bắt mèo, ông Chủ Tịch Thượng Viện đành nhận lãnh phần trách nhiệm nặng nề là lãnh đạo đất nước giữa cơn phong ba, sóng dồn gió dập như vầy.

 

Sở dĩ tình thế đã thế thì phải thế, muốn biết rõ ngọn ngành, người ta phải thấu hiểu thân thế của ông Chủ Tịch. Ông Nguyễn Thanh Liêm là một thầy giáo làng nổi tiếng cần kiệm liêm chánh, rất tận tụy với nghề gõ đầu trẻ. Nhờ vậy mà ông leo hết những nấc thang nghiệp vụ, sau đó dân chúng mến mộ đưa ông sang môi trường chánh trị, tin tưởng rằng, với một con người như thế quốc dân đồng bào sẽ được nhờ và bầu không khí chánh trị đất nước sẽ trong sáng hẳn lên. Do vậy nên khi tuổi đời lên cao, ông Liêm được những lá phiếu dân cử cũng như của đồng viện đưa ông lên ngôi vị đỉnh cao hàng thứ ba trong chánh thể dân chủ.

 

Những tưởng ông được yên thân sinh sống chuỗi ngày còn lại của cuộc đời, nào ngờ hôm nay Tổ Quốc còn réo gọi, đưa ông vào ánh sáng chói chang, gần như nẩy lửa, của chánh trường miền Nam. Muốn từ chối cũng không được, nhưng đã có nhiều chánh khách "yêu nước thương nòi" đã sẵn sàng và tự nguyện đứng ra vỗ ngực giúp đỡ ông Liêm trong trách nhiệm ngàn lần khó khăn, triệu lần rắc rối.

 

Tuy nhiên, màn hát đang diễn trên sân khấu bên ngoài, nhưng bên trong cánh gà lại đang có nhiều dàn xếp và móc ngoặc, nhắm tới một giải pháp chánh trị nào đó cho Việt Nam Cộng Hòa. Một giải pháp có cơ đáp ứng lại tình hình đang lâm nguy của đất nước, vì trên chiến trường áp lực của đối phương đã nặng nề lại cấp bách. Quân cộng sản đã tới Xuân Lộc, một tiền đồn nằm ngay cửa ngỏ của thủ đô, trong khi sân bay Tân Sơn Nhứt lại bị pháo kích nặng nề.

 

Những môi giới chánh trị và ngoại giao nghĩ rằng trong giờ phút nguy kịch đó cần phải có một giải pháp vô thưởng vô phạt, mà chánh quyền dân cử trước kia dứt khoát loại trừ, nên Mỹ phải đem cất giấu đi, với hy vọng thanh toán được một tình hình nan giải. Người ta bèn lôi ông Đại Tướng Dư Thanh Nhựt ra ánh đèn thời cuộc, một vị tướng đã được chế độ cho đứng ngoài tình hình đất nước khá lâu, vì mang dấu ấn thành phần thứ ba, không nghiêng bên này, chẳng ngả bên kia, trong cuộc chiến quốc-cộng dằng dai mấy mươi năm qua.

 

Sau khi ông Liêm làm tổng thống hờ chưa được một tuần lễ hoặc mươi ngày gì đó thì – may mắn cho ông – môi trường ngoại giao chánh trị đầy mưu mẹo của Sài Gòn lại đưa Đại Tướng Nhựt lên điều khiển Việt Nam Cộng Hòa để dễ bề đối thoại với phía bên kia. Như vậy là, trong vòng chưa được mươi ngày Sài Gòn đã hai lần bàn giao chức vụ người quản lý "Phủ Đầu Rồng". Chức vụ tổng thống gì mà như chiếc khăn tay, trao qua, trao lại, đưa tới, đưa lui như đùa giỡn!

 

Tướng Nhựt là một con người nhà binh thuần khiết, xuất thân từ quân đội Pháp. Cuộc đời binh nghiệp của ông được hiến dâng cho hai chế độ chánh trị đã khắc ghi cuộc sống của ông, một phần cho quân đội viễn chinh, phần còn lại cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Là quân nhơn, lẽ ra ông phải là một con người hung hăng, xung kích, trái lại ông rất hiền hậu, điềm đạm nghiêm trang, nặng tánh hòa hợp hòa giải, nặng phần chủ hòa kém phần chủ chiến.

 

Ngày Tướng Nhựt nhận lãnh chiếc ấn từ tay ông Tổng Thống hụ hợ Nguyễn Thanh Liêm, không gian như báo trước điềm chẳng lành, mây đen cuồn cuộn, gió cuốn mưa giăn. Những tuyên bố hùng hồn của Tướng Nhựt không thoát ra khỏi lầu vàng điện ngọc của Dinh Độc Lập thì tiếng đạn bay, bom nổ của phi tuần A-37, do tên sĩ quan Không Quân phản nghịch đào thoát, đem giặc về tàn phá sân bay Tân Sơn Nhứt, đã lấn át tất cả. Như tiếng súng lịnh phát động chiến dịch di tản ồ ạt, đại trà, vô tổ chức và không cần phép tắc của ai hết. Thôi thì mạnh ai nấy chạy, chạy để khỏi sống dưới gông cùm và kềm kẹp của cộng sản và đôi khi chạy để chết không kịp trối trăn.

 

Người ta bỏ của chạy lấy người, lớn chạy, bé cũng chạy, quan nhỏ quan to gì cũng chạy, chạy bằng đủ mọi phương tiện, chạy vắt giò lên cổ, chạy không cần biết liêm sỉ là gì. Người người bỏ chạy, nhà nhà bỏ chạy, một ông tướng tàu bay nỗi cơn thịnh nộ tuyên bố rằng:"Làm gì phải chạy? Cứ ở lại mà đánh cho thằng cộng sản một trận nhừ tử, nát thần tính, quýnh thần hồn, dù có ăn cà pháo mắm tôm cũng phải tử thủ!" Vậy mà, hôm trước, hôm sau, người ta đã thấy tướng quân nhà ta và đám tùy tùng cận vệ dồn cứng trong một chiếc trực thăng HU-1B, "đổ bộ" lên một chiếc tàu sân bay của Hạm Đội Bảy ngoài khơi Vũng Tàu. Người khác thì tháo chạy, còn ông thì biền biệt bay đi, "nhân danh lòng yêu nước" chăng?

 

Buồn cho số phận và tủi thân cho ông là khi trực thăng của ông hạ cánh xuống bãi đáp hàng không mẫu hạm thì lính Mỹ đã đón ngay cửa phi cơ, yêu cầu ông nạp vũ khí và đưa ông đi ngay, dưới danh nghĩa là hộ tống cho ông khỏi bị quần chúng di tản quấy rầy. Còn chiếc trực thăng quý giá, đã chở ông ra khỏi ổ kiến lửa, lính Hải Quân Mỹ xúm nhau lại đẩy rơi xuống biển cả. Vậy là đi đời nhà ma tàn tích của một thời hò ra khói và hét ra lửa!

 

Một ông tướng tàu bay, với cả một dĩ vãng quân sự hào hùng, nào bay ra Bắc trong những chuyến bay mật kín dưới ám hiệu "Thần Phong" để thả biệt kích, nào đánh Nam dẹp Bắc, với những trận oanh kích dũng cảm trong trào "Bắc Tiến" và với một quá trình chánh trị đầy sóng gió,... mà lại ra đi với bộ quần áo nhà binh, không lon lá quân hàm, lại bị tước khí giới! Thôi thì cũng đã qua đi một quá khứ oai hùng mà đau thương, để cho ông chỉ còn biết kêu lên bằng tiếng than hối tiếc của Tây tà là "Hởi ơi, còn đâu tuyết trắng của một thời xa xưa"! (Mais où sont les neiges d'antan!)

 

Ai chạy được thì cứ chạy - một thứ chạy mà tướng Tổng Tham Mưu Trưởng lâm thời gọi là "chạy như chuột" - những người làm lớn trong chánh thể mới lên của Tướng Nhựt tất nhiên phải ở lại để phân chia quyền lực mà cai trị một giang san mới, đang đổ vỡ tan tành. Nhưng trước tiên, trước khi vá víu lại những mảnh vụn của một đất nước rã rời, chế độ đó còn phải giải quyết vấn đề ưu tiên là dàn xếp với những "người anh em bên kia". Anh em mà vẫn căm thù và khát máu.

 

Trước khi Đại Tướng Nhựt được lôi ra từ bóng tối thời cuộc, ai ai cũng tin tưởng rằng, với tiếng tăm "thành phần thứ ba" và là con người đứng giữa, không liên kết, phía cộng sản sẽ dễ dàng bắt tay với ông để dàn xếp chiến tranh, lập lại hòa bình, qua một giải pháp danh dự, đỡ mất thể diện cho phe tự do dân chủ, như Tây và Mỹ, những cường quốc đã một thời dính líu vào chuyện Việt Nam. Ấy vậy mà không, người ta thường và vẫn nghĩ như vậy chớ bên phía cộng sản có nói vậy bao giờ đâu. Nên chi, dẫu cho con cờ "hòa hợp, hòa giải dân tộc" đã được đẩy lên một ô trên bàn cờ chánh trị và quân sự rồi mà cộng sản cứ thừa thắng xông lên, tiếp tục tấn công quân sự, thẳng tiến vào thủ đô Sài Gòn.

 

Quân xâm lược Bắc Việt cứ siết chặt vòng vây, mũi nhọn tiến công lao thẳng đến cửa ngỏ Quân Khu Thủ Đô. Vị Tướng cầm quân ở cổng vào thành phố đã tới nước cùng, cho máy bay ném xuống đầu "bộ đội cụ Hồ" một quả bom sát phạt kinh hồn, mà Mỹ gọi là "bom cắt xén hoa cúc" (daisy cutter), làm cho cánh quân thiệt hại nặng nề, phải khựng lại. Cánh đó khựng thì cánh khác tiến lên, len lỏi vào tới Tân Cảng, thật sự đe dọa Sài Gòn.

 

Trong khi đó thì sân bay Tân Sơn Nhứt, phi trường cổ họng của miền Nam, bị đạn pháo cày xới và bộ đội xâm nhập đánh phá tùm lum. Điều mỉa mai cho thế trận của Việt Nam Cộng Hòa là đánh nhau với cộng sản mà lại chánh thức chứa nội tuyến Bắc Việt đóng ngay phi trường, dưới danh nghĩa Ban Liên Hợp Quân Sự! Như một bộ phận điều không tiền tuyến của cộng quân, có trang bị máy vô tuyến cầm tay, nằm trong lòng địch để điều khiển tác xạ thật chính xác cho bộ đội tiến công. Vậy mà không thua sao được?

 

Với cái gọi là "năm mũi giáp công" của "chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử", Tuớng Việt Cộng Văn Tiến Dũng siết chặt thủ đô Sài Gòn, làm cho Tướng Nhựt khiếp sợ, nên "nhân danh lòng yêu nước", Tướng quân kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa buông súng, đâu ở đó, chờ lịnh. Lịnh gì đây? Trong khi đó, ông và toàn bộ chánh phủ hai ngày tuổi của ông ngồi chờ "người anh em bên kia", tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập, để bàn giao! Còn gì để bàn mà có gì để giao?

 

Nên chi, người ta chỉ đưa ông đi đến đài phát thanh quốc gia mà đọc bản văn đầu hàng – cũng nhân danh lòng yêu nước - ép buộc quân đội quốc gia phải bẻ gãy cây súng trong tay mà nhục nhã đầu hàng. Buồn thay cho Tướng Công, trong một đời người dễ gì được một lần cờ tới tay, vậy mà Tướng Quân được những hai lần – 1963 và 1975 - chẳng có lần nào Tướng Soái phất được cho nên hồn hết. Mà đâu phải loại "tướng thầy ba" của thày bùa thày ngải cho cam!

 

Do đó, nhiều tướng lãnh và sĩ quan cao cấp uất ức, buồn thân, tủi phận, tự mình giải quyết con đường còn lại của đời mình, thà chết vinh hơn sống nhục. Số đông còn lại vứt bừa cây súng tùy thân, đâu đó chẳng cần biết, rồi cởi bỏ quân trang mà giả dạng dân thường, tới đâu hay đó. Ôi, ngày rã ngũ tan hàng sao mà buồn thê thảm! Một tấn bi kịch đã hạ màn.

 

Vậy mà, những quan to của triều đình Tướng Nhựt, "quyết tâm" ở lại với quê hương bị bán rẻ, với đất nước vừa bị phát mại, như một thứ "tình cho không, biếu không", chẳng thấy có một mạng nào bị Ủy Ban Quân Quản đưa đi học tập cải tạo. Tướng Nhựt thì đâu ở đó, không được rục rịch nhúc nhích gì hết, ngày đêm quanh quẩn trong dinh "Hoa Hồng" cố cựu của riêng ông. Kiên nhẫn đợi chờ, tám năm sau ông được nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa "khoan hồng nhơn đạo" cho phép ông được tự do định cư. Ông không chịu sinh sống trên đất nước Việt Nam với "người anh em bên kia" của ông nữa, bèn lưu lạc qua Pháp, một nước đã đào tạo ông về văn hóa cũng như về binh nghiệp, sinh sống với người con trai.

 

Mãi lâu về sau, khi cộng sản cầm quyền, làm cho đất nước túng quanh túng quẫn, bèn nghĩ đến "khúc ruột dài ngàn dậm", mượn cớ kêu gọi người di tản trở về thăm nhà để may ra lượm lặt chút tiền lẻ "kiều hối". Vậy là nhà nước dễ dãi, nới lỏng bàn tay kềm kẹp, mở rộng vòng tay đón mời. Tuổi già xế bóng cuộc đời, niên kỷ chồng chất, hoài niệm nơi miền chôn nhau cắt rún, nghĩ tới vùng đất thổ mộ, tổ tiên ông bà đời đời yên nghỉ trong giấc cô miên, chẳng lẽ ta cứ xa rời trên quỹ đạo lưu vong?!

 

Một ngày hải ngoại lạc loài, trời lạnh căm căm, cánh tuyết rơi rơi, bay nhảy tung tăng, âm u trời đất, cây cỏ bạc đầu, mây trời giăng giăng, trông cảnh mà nghĩ phận mình. Tuổi đời đã về chiều, khi xuôi tay nằm xuống lại cũng đất lạ quê người hay sao? Tướng quân bèn nghĩ đến chuyện hồi cố quận sinh sống. Chẳng phải hồi hương vì liệu người ta có cho mình nhận nơi quê cha đất tổ xưa kia là quê hương không?

 

Đắn đo, thắc mắc, Tướng quân gặp lại bạn bè tham khảo, xem có nên ở cõi tạm dung hay là về nơi quê quán. Kẻ cho là nên, người lại bảo đừng vì tên tuổi của Tướng sẽ bị lợi dụng để quảng cáo cho cái gọi là tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, đã được ghi trong Hiệp Định Paris, mà phường giành dân lấn đất đã bỏ quên từ bao lâu. Không dứt khoát được, Tướng quân bèn di cư qua xứ sở Hiệp Chúng Quốc, sinh sống với người con gái, cho đến ngày vĩnh viễn ra đi, đời đời viên miễn.

 

Như vậy là cả một cuộc đời đầy ấp thời cuộc, bao nhiêu là dữ kiện lịch sử, Tướng quân mang theo xuống tuyền đài, không tiết lộ một phần nào cho thế thái nhơn tình! Uổng ơi là uổng vì dẫu sao cũng là những điều mà đời đời con cháu mai sau muốn biết và cần phải biết! Miễn là đừng bẻ cong ngòi bút, bóp méo sự thật. Cũng xong một đời người, sau khi đã tung hoành một cõi đi về! Mang tiếng là một võ tướng, ngang dọc đất trời, tung hoành bốn cõi, rốt lại cũng chỉ là một thân xác héo hon nằm trong khoảng không gian "bốn dài hai ngắn" mà về với lòng đất, chẳng phải là đất mẹ! Cũng chỉ là một thứ thần hoàng làng mạc chẳng linh thiêng gì hết, như giấy đỏ chữ vàng trên một bàn thờ đình miễu!

 

Phải chi Tướng quân cứ giử tiết tháo như lão già Chủ Tịch Thượng Viện kia, bị thiên hạ đưa lên làm Tổng Thống vỏn vẹn tuần lễ mươi ngày gì đó, cứ ở lại quê nhà, sống chết với mảnh đất chôn nhau cắt rún. Chỗ ta sinh ra và lớn lên cũng là nơi ta hắt ra hơi thở cuối cùng nằm xuống, đời đời yên nghỉ. Như vậy, miệng đời sẽ không lắm chuyện, bàn rộng tán dài, tốn hao giấy mực. Ít ra cũng được tiếng con người chung thủy với quê cha đất tổ. Thôi thì, con người ở đời là như vậy, mỗi người một ý, mấy ai lại giống ai?

 

Như cựu tổng thống Nguyễn Vĩnh Nguyên, mực nước vừa lên đến chưn, ông đã chớp thời cơ nhảy khỏi cơn hồng thủy chánh trị, lại còn được Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ, cho máy bay đưa đi êm đẹp. Dẫu cho trước đó mấy hôm ông đã lên truyền hình trách cứ và chưởi mắng Mỹ không tiếc lời, là phường vô liêm sỉ, nước lớn mà không giữ lời hứa, coi chữ tín chẳng ra gì, coi những bức thơ riêng mật kín là thứ giấy lộn!

 

Nghe đâu, để dụ khị Tổng Thống Nguyên ký tên vào Hiệp Định Paris hồi 1973 cho tiện việc của riêng mình, Hoa Thạnh Đốn đã hứa hươu hứa vượn là nếu Hà Nội cứ vi phạm Hiệp Định, tiến quân đánh bừa, thì Tổng Thống Huê Kỳ sẽ can thiệp để chận đứng. Nhưng, Mỹ cũng biết xài thủ đoạn "vậy mà không phải vậy", nên khi cộng sản xâm lấn Nam Việt Nam hồi 1975, thì tòa Bạch Ốc cứ tai ngơ mắt điếc. Vì vậy cho nên Tổng Thống Nguyên mới tức mà chưởi đổng rồi rút êm.

 

Bay ra nước ngoài, yên thân đẹp phận, dẫu cho mang tiếng đã tẩu tán tiền của công nho, thiệt hư nào ai biết, ông cứ ngậm miệng hến, chu du thiên hạ, thử tìm phương hướng dựng nhà, phục quốc. Ông đi rất nhiều, nhưng coi bộ không gặp thời mà cũng chẳng có thế nên ông cứ âm thầm lây lất sinh sống cho đến cái mức sau cùng mà con người, ai cũng phải đến. Tâm tư của ông, sống để đó, chết mang theo nên những người đương thế và hậu thế chẳng ai biết được gì về tình hình đất nước hay công việc quốc gia. Như vậy cũng yên phận ông, chuyện đất, chuyện nước biết cũng chẳng để làm gì, vì đã có những con người khác quản lý rồi.

 

Chớ chẳng phải như Tướng Thái, chứng nào, tật ấy, hung hăng con bọ xít, hết thời mà cứ tuyên bố tùm lum, sợ đời quên mình chăng? Hay muốn bôi mặt, vẽ hề đóng tuồng một phen nữa? Căm thù cộng sản, quyết tâm sống mái, nhưng lận đận lao đao mãi, chẳng ra làm sao hết, với cuộc đời tỵ nạn lưu vong. Thế nên, đón gió, trở cờ, móc nối được với chánh quyền cộng sản tại chức, Tướng ta lại rình rang áo mão, quy hồi cố quận. Chứng nào, tật ấy, tán nhăng tán cuội, chưởi bới lăng nhăng, chẳng kể gì chiến hữu tỵ nạn lưu vong. Rồi cũng xếp cánh, ngậm mồm bịt miệng mà sống hết những ngày tàn lụn, qua cái gọi là yêu nước, thương nòi.

 

*  *  *

 

Thì ra, trong cơn đại hồng thủy chánh trị của Việt Nam Cộng Hòa vừa qua, ai chạy được thì thoát, không thoát được thì đời đời nằm lại cùng đất nước, bạn bè nào hay biết, không người thân kẻ thương tiễn đưa, âm thầm nằm lại cô đơn, cô độc, cùng với thân xác một chiếc phi cơ bị nạn hoặc vì viên đạn, không biết bạn hay thù, xuyên qua thân xác? Chết không kịp ngáp, chết chẳng kịp nhắm mắt, chết tức chết tưởi trên đường di tản buồn. Di tản có đi mà không đến!

 

Cứ ra đi, đến hay không đến số phận sẽ quyết định, chớ ở lại thì phận mình ai biết được sẽ ra sao? Ra đi, có những cái băn khoăn của một kẻ nhảy dù mà dù không bọc gió, vì khoảng trống vô định trước mặt, vì quá khứ bị xóa sạch sau lưng, vì bên phải, bên trái đều mờ mịt và vô tận! Còn ở lại thì nắm phần chắc là đi tù cộng sản, tương lai - của vợ con cũng như của chính mình - không dám nghĩ tới, vì làm sao có dữ kiện để suy luận.

 

Ôm lấy số phần tỵ nạn lưu vong, thân phận như gió cuốn, mây trôi, sống cuộc đời tạm bợ, ngày ngày xếp hàng, rồng rắn xin lấy miếng ăn, chờ lãnh manh áo, suy đi nghĩ lại cũng tủi tấm thân. Sinh sống ở trại tỵ nạn, ngày đêm trông chờ một sự lựa chọn nào đó, sớm được tới nơi sinh sống tạm dung để bắt đầu lại cuộc đời từ con số không to tướng. Duy trì hơi thở mạch sống bằng của bố thí, bằng vật ban phát, kể cũng đau lòng, nhưng biết làm cách nào khác hơn? Nhưng dù sao cũng đỡ hơn là làm người ở lại, trên một quê hương chẳng còn là của mình nữa. Làm người xa lạ trên chính đất nước mình, như một quái thai bị đời ruồng bỏ.

 

Rồi lăn lóc, từ trại cải tạo này đến nhà tù học tập kia, ngày hai bữa cơm đong từng chén, nước uống từng lon Guigoz, lao động cật lực để  thấy được vinh quang, theo tiêu chí của cộng sản, một vinh quang mãn kiếp cũng chẳng thấy ló dạng. Chỉ thấy thân tàn, ma dại để rồi lần hồi tàn lụi và cuối cùng giả biệt kiếp nhơn sanh!

 

*  *  *

 

Lòng yêu nước, một tình cảm đẹp và cao thượng, nhưng mượn danh tình cảm đó, người đời lại nhẫn tâm làm nhiều chuyện xót xa! Nên chi, Samuel Johnson, văn hào người Anh, đã nói:"Lòng yêu nước là chỗ dựa cuối cùng của phường vô lại" (Le patriotisme est l'ultime refuge d'un idiot)!

 

Đức tánh tinh tế ở đời thường khuyên bảo ta nên ngậm miệng trước những hành động của người quyền thế vì nếu nói tốt cho họ thì gần như là nịnh bợ. Còn chê bai, chỉ trích họ trong buổi đương thời thì chẳng khác nào rước họa vào thân. Và khi họ chết đi rồi mà còn bàn rộng tán dài những hành vi của họ thì quá hèn hạ.

 

Nhưng không nói thì không được vì cần phải nói để tránh cho hậu thế những gì mình đã xót xa. Thà chịu tiếng đời cho là hèn hạ, còn hơn để cho kế thừa của mình bị người ta hành hạ, nhân danh lòng yêu nước. Nên chi, tập truyện này cũng không ra ngoài ý hướng đó.

 

*  *  *  *  *

 

 

LỜI  KẾT

 

Tiểu đề "Chánh trị giả tưởng", được ghi dưới tên gọi của tập truyện, đã nói lên giá trị đích thật của loại chuyện hư cấu này. Vậy mà những tình tiết được nêu lên trong đó không phải hoàn toàn bịa đặt trăm phần trăm. Đã từng lăn lóc qua những nhiệm sở, tuy nhỏ bé nhưng ở cấp cao và thầm kín trong chánh quyền, từ thời các tướng lãnh múa may quay cuồng trên võ đài chánh trị, xuyên suốt những năm tháng đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa ở Nam Việt Nam, người viết đã có được vị trí lùi xa và kín đáo để ghi nhận nhiều chuyện đau lòng, lắm nỗi thương tâm.

 

Vì vậy cho nên, những sự kiện được nêu ra trong tập truyện, làm đề tài để bàn rộng tán dài, là những điều có thật, gần tới chín mươi phần trăm. Dĩ nhiên, đã là tiểu thuyết, tất nhiên làm sao tránh khỏi thêm thắt một vài chi tiết nhỏ nhặt, cho cốt chuyện thêm phần hấp dẫn, lâm ly bi đát. Dẫu vậy, những chi tiết đó cũng không có khả năng – mà cũng chẳng muốn - bóp méo hoàn toàn thực tế của cốt truyện. Lẽ đương nhiên là phải có chuyện "râu ông nọ, cắm càm bà kia", nhưng râu vẫn là râu thứ thiệt, chỉ có càm là thay họ đổi tên thôi.

 

Thử hỏi, những điều xót xa như vậy, tại sao là người trong cuộc mà tác giả không có những lời can gián hay những hành động phủ nhận hoặc phản kháng những cái tiêu cực? Chắc ai ai cũng đồng ý rằng, đã mang thân phận của một bánh xe nhỏ li ti trong một guồng máy kềnh càng thì làm sao quay được ngược chiều, mà khỏi bị nghiền nát đây? Vậy là, cứ phải theo nhịp và theo chiều xoay chuyển của cỗ máy thôi!

 

Cũng vì vậy mà những ai không chịu "nhân danh lòng yêu nước" để làm những điều xót xa cho người khác thì cũng phải hứng chịu sự trừng phạt của thời cuộc và tình thế, một khi vận nước đã xuống đến mức tận cùng, vì "cạn ao thì bèo phải đến đất". Trong khi đó, những ai "nhân danh lòng yêu nước" được vinh thân phì gia thì cứ xa chạy, cao bay. Đại bàng đã vỗ cánh là đại bàng cứ biền biệt bay đi!

 

Nên chi tập truyện "Nhân Danh Lòng Yêu Nước" này xin được coi như là lời tạ tội thiết tha và thành khẩn của một con người thấy được, nhưng không làm gì được. Người ghi chép lại mong sao tập truyện này có được hiệu năng của loại phù phép tống khứ ma quỷ ra khỏi thân xác của một con bịnh, để chỉ còn lại một linh hồn nhẹ nhàng thơ thới mà đi vào miền viên miễn của cõi vô biên!

 

Trước khi đem đá ném cho người thì nên cầm đá liệng vào chính mình đi đã! Xin chân thành tạ tội, xin ngàn lần tạ tội!

 

 

Sài Gòn, 1971

Caminade, 2009

 

(Hết) 

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật:  Phan Văn Minh
Ngày sanh:  17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh:  (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân:  (1954-1975)
Tù cải tạo:  (1975-1987)
Định cư ở Pháp:  (1990-...)

Tác phẩm :

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.