.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Phong Thu

Bánh ích lá gai

“Phong Thu ! Con có đi Eden thì mua cho má mấy cái bánh ích lá gai nghen. Má thèm ăn bánh ích lá gai”. Má tôi thường dặn dò tôi mỗi khi đi chợ Việt Nam. Bánh ích lá gai ở đây bán chỉ gói một gói vuông rất nhỏ và bán mỗi cái $1.75 cent. Tôi thường mua về cho má tôi ăn cho đở nhớ. Thật ra bánh ích lá gai ở đây không thể nào sánh bằng bánh má tôi làm. Tiếc rằng lá gai không trồng được ở xứ lạnh. Nó chỉ thích hợp khí hậu ở vùng nhiệt đới. Trong tất cả món bánh má tôi làm, bánh ích lá gai là món ăn chị em tôi rất thích.

Món bánh ích lá gai là món ăn cổ truyền của bà cố ngoại tôi truyền lại. Tôi nghe mẹ tôi kể rằng ông cố ngoại tôi là một vị quan Tri Phủ dưới triều nhà Nguyễn. Ông rất giàu có và có nhiều vợ. Bà cố ngoại tôi buồn nên thường ra vườn chăm sóc cây kiểng, vườn hoa. Trong vườn có một cây lá gai bà thường hái vào nhồi với bột làm bánh ích. Trong làng nếu có ai sinh đẻ bị băng huyết bà thường tặng cho họ bánh ích bà tự tay làm, và vạt võ cây lá gai trộn vào thang thuốc cho họ uống vài lần người đó sẽ khoẻ mạnh ngay. Bà ngoại tôi đã học món bánh ích lá gai và truyền cho má tôi. Má tôi chỉ thích ăn bánh ích bà ngoại tôi làm mà không hiểu tác dụng của nó. Mãi đến khi bà ngoại tôi qua đời, má tôi sống một mình với ông ngoại. Cứ mỗi năm Tết đến má tôi làm bánh ích lá gai cúng trong ba ngày Tết và để tưởng nhớ bà cố và bà ngoại tôi. Món bánh ích lá gai đã đi theo má tôi suốt cả cuộc đời. Má tôi kể rằng khi sinh ra tôi, má tôi bị băng huyết tưởng đã chết. Ba tôi thì đi đánh trận liên miên không có ở nhà. Nhưng má nhớ lời bà ngoại dặn nên đã vạt võ của lá gai bỏ vào thang thuốc để uống. Sau đó má tôi lành bịnh.

Nhà tôi trước 1975, có một miếng vườn nho nhỏ sau nhà. Trước sân nhà có một cây hoa giấy đỏ. Dọc theo hàng rào có hoa trang, hoa nhài, hoa dâm bụt. Sau vườn, có mảnh đất nhỏ sát bờ sông là dừa lửa, mía lau, hai cây ổi xá lị, một cây mận trắng, một cây chôm chôm, ba cây mít tú nữ... Má tôi còn trồng thêm một số rau thơm, ngò gai, rau má, rau răm, rau tiá tô... ớt đủ màu. Má tôi còn dành một khoảng đất đủ rộng để trồng hai bụi lá gai. Nếu chăm bón và tưới nước hàng ngày, thân cây sẽ có nhiều nhánh nhỏ, lá to xòe rộng bằng một bàn tay. Thân cây thấp và rất nhiều lá. Lá gai trên mặt xanh dưới màu trắng. Mỗi khi chị em tôi thèm ăn bánh ích thường năn nỉ má làm bánh ích lá gai.

Hàng năm, cứ vào những ngày Tết cổ truyền, má tôi gói bánh tét đậu xanh, bánh tét nhân chuối, bánh ích đậu xanh và đặc biệt là bánh ích lá gai. Mỗi lần Tết đến má tôi rất vất vả. Ba tôi tử trận nên má tôi một mình phải nuôi năm đứa con, bốn gái một trai nhưng không có đứa nào biết làm bánh. Má tôi một mình đi mua nếp từ dưới ghe của những thương thuyền từ Miền Tây chở lên chợ Bình Dương bán. Họ bán mắm lóc, mắm sặc, mắm ruốc, mắm nêm, mắm thái... mắm nào cũng ngon, giá cả phải chăng. Má tôi lựa nếp tốt, mỗi hạt nếp phải dài, trắng ngần, thơm và dẽo quẹo. Má mua về rồi ngâm nếp và đậu xanh qua đêm. Đậu xanh ở Việt Nam luôn có vỏ nên phải đãi trong nước cho đến khi không còn có một cái vỏ nào. Tôi không biết làm bánh nhưng phụ má tôi đem nếp đến nhà cô giáo Ánh Hồng xay ra bột rồi đem về đổ vào một cái tấm vải màng treo trên trần nhà cho nước ráo. Má gói bánh tét trước rồi đến bánh ích ngọt đậu xanh. Sau cùng là làm bánh ích lá gai. Má hái lá gai thật nhiều rồi rửa thật sạch để vào rổ cho lá khô ráo. Nhà không có cối xay nên má phải giã bằng tay. Tôi không biết má giã bao lâu nhưng má nói khi nào lá thật nhuyễn thì mới trộn vào với bột và đường. Má tôi lấy cái cối đá giã lá gai rồi trộn vào bột nhồi trong một giờ đồng hồ. Má lau lá chuối thật sạch và vò từng cục bột rồi bỏ nhân đậu xanh vào gói lại. Má lấy một cái vĩ đặt bên trên nồi bánh tét và xếp bánh ích vào hấp.

Đêm Ba Mươi, trời vào xuân lành  lạnh, chị em tôi không bao giờ đi ngủ sớm. Tôi ngồi cạnh má tôi canh lửa nồi bánh tét. Dưới ánh lửa bập bùng, lửa reo vui tí tách mừng năm mới. Cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa háo hức chờ nghe tiếng pháo Giao Thừa. Em trai tôi nghịch ngợm nên thích đốt pháo. Tôi nhìn những tràng pháo chuột dài thòng từ trên cây hoa giấy xuống gần mặt đất mà hí hửng nhảy tưng tưng. Đốm lửa đầu tiên loé sáng rồi từng tràng pháo nổ tung vang rền mặt đất cũng là lúc tôi nghe trong xóm tiếng pháo nổ rộn rả đầu ngỏ, cuối xóm, dọc theo đường phố. Những ánh hoả châu bắn lên trời cao thành những vệt sáng long lanh trong bầu trời đêm đầy sao và rơi xuống dòng sông những ánh bạc lấp lánh. Đêm Giao thừa thiêng liêng đối với chị em tôi và mẹ tôi. Chúng tôi bé nhỏ cô đơn không có bàn tay của cha chăm sóc nên lớn lên sợ hải cuộc sống đầy lo âu trong chiến tranh. Má tôi đặt mâm ngũ quả, hoa thọ trên bàn thờ Phật và các loại bánh trên một cái mâm khác để cúng ông bà. Mùi trầm hương bay nghi ngút tỏa hương thơm ngát. Tôi ngóng mắt lên bàn thờ để nhìn cho được những cái bánh ích lá gai má tôi để trong điã cúng ông bà. Tôi nghe tiếng má tôi lâm râm khấn vái đất nước thanh bình để chúng tôi được bình yên, khôn lớn, học hành. Cứ mỗi năm đến ngày Giao Thừa, đôi mắt má tôi sáng lên một niềm hy vọng vào năm mới. Nhưng năm tháng cứ trôi đi trên mái tóc của Người. Tôi thấy niềm vui cứ vơi dần đi và nỗi lo cho cuộc sống càng oằn xuống đôi vai gầy gò của người goá phụ. Tôi thường suy nghĩ rằng tóc má tôi có bao nhiêu sợi bạc là bấy nhiêu thăng trầm của nhọc nhằn, gian truân mà má tôi phải nếm trãi. Chị em tôi lớn lên cũng không giúp được gì cho má tôi. Chúng tôi cũng chỉ làm cho má tôi lo vì chẳng đứa nào hoàn thành ước nguyện ba tôi để lại.

Có thể lời khấn nguyện của má tôi có hiệu nghiệm nên hoà bình đã trở về. Thế nhưng ước mơ của má tôi cũng vỡ tan khi cộng sản đã tràn vào thôn xóm, khói bay, lửa cháy, súng nổ đì đùng và xác người trôi đầy sông. Dòng sông quê tôi không còn trong xanh, xinh đẹp đầy hoa lục bình tim tím nở mà dòng sông mang màu sắc chết chóc của những cuộc trả thù. Xác người trôi trên sông nhiều hơn lục bình trôi. Má tôi khóc mấy ngày đêm và buồn rầu không ăn uống gì. Người gầy và già đi rất nhanh. Chị em tôi thơ ngây chẳng biết gì về cộng sản nên thấy hoà bình, cả nhà bình yên thì an tâm rồi.

Rồi một ngày kia, căn nhà nhỏ và mảnh vườn con con với bao kỷ niệm đã bị tước đoạt. Gia đình tôi và những người trong làng phải đi kinh tế mới. Má tôi biết chúng tôi lớn lên trong thành phố làm sao biết trồng tỉa để sống nên phải dời nhà đi nơi khác. Ngày đi, má bứng theo cây lá gai và đem trồng bên hông căn nhà mới. Bao nhiêu nhọc nhằn, đau khổ mà gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác của người Miền Nam phải chịu dựng hết năm nầy sang năm khác dưới chế độ mới. Thời thế đã đổi thay, chúng tôi chỉ còn nhìn mùa xuân trôi qua cùng với những chiếc lá me bay trên con đường mỗi ngày tôi đi học, đi bán chợ khuya về. Tuổi thanh xuân của tôi cũng theo gió ngàn bay đi và rơi rụng đâu đó ở cuối trời xa. Tôi chỉ còn lại những giấc mơ mòn mỏi về dòng sông bình yên của tuổi thơ, giấc mơ về những ngày ngồi vắt vẻo trên vai ba tôi ra ruộng nhìn những cánh đồng luá bạc ngàn. Ba tôi đã đi vào lòng đất muôn đời. Nhưng âm vang tiếng cười, giọng nói và tình yêu dành cho ông vẫn còn ầm ĩ trong trái tim nhỏ bé của tôi. Ông như một biểu tượng chói lọi, dũng cảm để tôi phấn đấu đi vào cuộc đời đầy chông gai, nghiệt ngã sau nầy.

Ngày Tết càng ngày càng khó khăn hơn. Bàn thờ không còn mâm ngũ quả, không còn hoa để cắm bàn thờ tổ tiên. Hoa mai chỉ có người nhà giàu mới dám mua về chơi. Tết không bao giờ còn cho phép được đốt pháo. Nhưng nếu nhà nước cho cũng không ai có tiền. Những chiếc áo mới của những năm cũ chị em tôi đem ra mặc lại cho tề chỉnh. Má tôi thì không bao giờ còn muốn may áo mới trong ngày Tết. Bà chỉ mặc độc nhất một cái áo tím sậm từ thời còn son trẻ. Miếng ăn, cái mặc má tôi dành hết cho các con. Tết mà phố xá im lìm, buồn hiu hắt. Tôi chỉ nghe tiếng chó sủa đêm và tiếng xe lam, xe bò lọc cọc của những người dân quê buôn bán chợ đêm cuối cùng trong đêm ba mươi.

Nhà tôi bỗng nghèo đến thảm hại. Nhưng ngày Tết má tôi vẫn gói bánh ích, bánh tét và nhất là gói bánh ích lá gai. Má tôi lo rằng chúng tôi lớn lên không còn màng gì đến món bánh cổ truyền của dòng họ tôi để lại.

Gia đình tôi đã rời Việt Nam gần 20 năm. Những ngày Tết Nguyên Đáng chị em tôi đâu còn ngồi bên nồi bánh tét chờ bánh ích lá gai nấu chín. Làm sao tôi còn nghe được tiếng thằng em tôi reo lên như pháo khi nghe tiếng súng Giao Thừa bắn lên trời cao và ánh hỏa châu đủ màu toả ra trên bầu trời trừ tịch. Và nó bắt đầu đốt những thanh pháo chuộc mà nó đã chuẩn bị mua từ hơn một tuần trước Tết. Xác pháo rơi đầy sân cạnh những chậu mai vàng nở rực rỡ. Nhang thơm, hoa quả, tiếng cười đã lùi xa, lùi xa... Bây giờ má tôi đã già. Người đã bị thời gian, thời cuộc tước đoạt thú vui làm bánh. Nơi đây, Người làm gì còn có thời gian và hứng thú ngồi gói bánh tét, bánh ích và cũng đâu còn thấy lũ trẻ háo ăn, háo hức ngồi canh bên bếp lửa bập bùng để được thưởng thức cái bánh ích lá gai đen đen, ngọt ngọt, thơm nồng. Lũ trẻ như chúng tôi đã bị dòng đời cuốn đi trong cơn bão chiến tranh, ý thức hệ, tham lam, cuồng vọng... Và  cuối cùng chúng tôi sống lạc loài trên xứ lạ quê người. Ngày Tết, tôi đi làm vắng nhà và đôi khi không còn nhớ bây giờ Việt Nam đang đón xuân. Mùa xuân Việt Nam chỉ có âm hưởng đâu đó trong cộng đồng người Việt khắp thế giới nhưng không bao giờ giống những ngày Tết tuổi thơ trên quê hương Việt Nam.

Mỗi khi gần Tết nếu có dịp trở lại Việt Nam thăm con cháu, má tôi vẫn nói nếu hải quan Mỹ cho mang cây cối sang Mỹ trồng, má tôi sẽ đem cây lá gai trồng trong nhà. Nhưng tiếc rằng giấc mơ  trồng một cây lá gai trên đất Mỹ thật xa vời. Má chỉ còn đòi ăn bánh ích lá gai bán trong chợ Eden. Dù hương vị không thơm ngon và đặc biệt như má đã làm nhưng mùi lá gai làm cho má đở nhớ quê hương.

Bánh ích lá gai ăn thơm, dẽo và mềm hơn bánh ích làm bằng bột. Mùi lá gai hăng hăng và đậm đà nên ăn rồi nhớ mãi. Lá gai còn là một vị thuốc rất hữu hiệu cho những sản phụ bị băng huyết. Má tôi cứ lập đi lập lại sự thơm ngon của bánh ích và công dụng của cây lá gai đến hàng ngàn lần và lần nào cũng giống như nhau. Món ăn dân giã đó như chứa đựng một mong ước mà má tôi muốn nhắn gởi các con là phải giữ gìn bản sắc quê hương, nguồn cội của gia phả dòng họ tôi. Những ao ước lớn nhất của má tôi là tìm thấy lại những ngày hạnh phúc, êm ả của những mùa xuân đã qua mau trên quê hương Việt Nam. Những ngày xuân chan chứa tình người, không còn chia cắt, hận thù.Và chúng tôi phải trồng lại cây lá gai, gói lại tấm bánh mà má tôi đã từng gói cho chúng tôi ăn vào dịp Tết. Tôi thường nhủ với lòng mình rằng rồi một ngày nào đó tôi sẽ trở về.

 

Tôi về để trồng thêm những cây lá gai chứa đựng mầm thương yêu

Tôi về để nghe tiếng sóng vỗ bên thềm vắng, nhìn con đò chở khách sang sông.

Về để nhìn lại ánh trăng trong sáng, to và đẹp huyền ảo rơi trên sóng nước sau nhà.

Về để đốt lên những bó nhang thơm nguyện cầu cho lòng người quên đi thù hận.

Và chiếc bánh ích lá gai mãi mãi là một giấc mơ đẹp như một câu chuyện cổ tích của tuổi thơ yêu dấu.

 

Nguyện cầu cho Má  bình yên! Má ơi! Con thương Má lắm!

 

Phong Thu

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

- Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

- Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA - DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.