.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương -  Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Phong Thu

 

Miên Du Đà Lạt,
những khúc tình ca

Chiếc lá giữa dòng 

Em như chiếc lá giữa dòng

Cuốn theo cơn gió sầu đông lạc loài

Buồn thương con nước đầy vơi

Lá rơi về cội mồ côi một mình

 

Em về chiếc bóng lặng thinh

Đêm khuya lẻ bạn tim mình xót xa

Hỡi ơi! làm làm kiếp đàn bà

Thân như chiếc lá mưa sa lạnh lùng

                                           Phong Thu

                                           (Tặng Miên Du Đà Lạt)

 

Tôi ví von Miên Du Đà Lạt, cô bạn dễ mến với trái tim chứa đựng nỗi u sầu như chiếc lá  rơi giữa hồ Than Thở của Đà Lạt mộng mơ. Lá rơi về đâu mà chiều nay chiều xám lạnh, cho hồn thơ bát ngát một trời chiều. Gió Mùa Thu có làm ai sầu mộng, mà mơ về một Đà Lạt hoàng hôn. Miên Du, người con gái của Đà Lạt ngàn thông đã mang đến cho chúng ta hôm nay những dòng thơ nhạc gợi nhớ, gợi thương về những kỷ niệm thân thương đã qua trên quê hương Việt Nam yêu dấu xa cách muôn trùng...

 

Bạn bè hỏi tôi về nữ thi nhạc sĩ Miên Du Đà Lạt, và vì sao tôi đứng ra tổ chức một buổi nhạc thính phòng cho Miên Du Đà Lạt tại Washington D.C trong ngày 24 tháng 4 năm 2010? Mối quan hệ giữa tôi và Miên Du cũng như những nhận xét của tôi về thơ và nhạc của chị như thế nào? Tôi chỉ đơn giản trả lời rằng “tôi muốn giới thiệu một tài năng mới với bạn bè và công chúng tại Washington D.C về những người có tài nhưng ít ai quan tâm và họ không được người khác công nhận tài năng.”

 

Tôi quen Miên Du Đà Lạt qua chương trình ba miền của đài phát thanh SRBS của thi sĩ Quốc Nam. Từ đó, chúng tôi gặp nhau trong Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ lần I tại Seattle, California và chúng tôi có dịp trao đổi với nhau trên chương trình phỏng vấn “Hải Ngoại Thi Ca” của Miên Du. Tôi đã có trong tay 3 CD của Miên Du Đà Lạt, một tập thơ mang tựa đề “Một Chút Hiến Dâng”. Và trong suốt nhiều năm theo dõi chương trình Hải Ngoại Thi được đăng tải trên Webiste của Miên Du, tôi phát hiện phong cách sáng tạo rất mới lạ của nữ sĩ trong việc sử dụng khả năng thơ ca để nghiên cứu và sáng tạo âm nhạc. Do đó, ca từ có sức thuyết phục người nghe, dẫn dắt chúng ta đi vào thế giới thầm lặng u buồn của một kiếp người cô đơn, lạc lõng, chống chọi với cuộc sống đầy bão táp. Đôi khi chứa đựng niềm kiêu hãnh nhưng cũng chuyển tải triết lý của Phật Giáo về cõi chết và cuộc sống vô thường.

 

Mở đầu tập thơ “Một Chút Hiến Dâng”, Miên Du đã bộc bạch tâm sự nguyên nhân đến với thơ ca chỉ là sự góp nhặt “chút hương đời” để nói lên tình yêu, cuộc sống và con người. Nữ sĩ làm thơ mặc kệ lời khen, tiếng chê. Và chính cuộc đời quạnh hiu, cô độc đã trở thành chất liệu sống tạo cho thơ ca của Miên Du Đà Lạt chan chứa niềm khao khát tình yêu thương cháy bỏng:

 

...Tôi làm thơ, dở, hay, tôi chẳng thiết

Chỉ nhặt chút hương đời góp tiếng yêu...

... Đời quạnh hiu, tôi bỗng biết làm thơ

Bạn chỉ mỉm cười một chút hiến dâng.

 

Tình yêu dang dở khi tuổi hãy còn xuân, nữ sĩ chua xót cho thân phận hẩm hiu, cô độc. Bài thơ “Ngậm Ngùi” chất chứa nỗi niềm tâm sự, đau buồn. Từng lời thơ là những giọt nước mắt rơi theo số kiếp long đong, trôi nổi, phiền luỵ một đời. Nữ sĩ mãi đi tìm tri âm, tri kỷ nhưng người thương biết ở nơi đâu trong chốn ta bà đầy bon chen lừa lọc:

 

Tôi biết thơ tôi có giọt sầu

Giọt thương giọt nhớ gởi về đâu?

Tri âm tìm mãi đời muôn kiếp

Cho đến bao giờ thơ biết đau!

 

Tôi biết thơ tôi có giọt buồn

Giọt yêu giọt nhớ giọt đau thương

Giọt nào tôi gởi người tri kỷ?

Giọt khóc cho tôi kiếp đoạn trường...!

 

Thơ Miên Du Đà Lạt đã làm rung động trái tim những người yêu thơ. Do đó, nhiều nhạc sĩ đã sử dụng thơ nữ sĩ để phổ nhạc như: Nhạc sĩ Văn Sơn Trường (Thương Đôi Bờ Quê Hương), Trần Thụy Minh (Xuân Về Nhớ Đà Lạt), Phạm Anh Dũng (Mưa Sầu La Seine), Võ Tá Hân (Đợi Chờ), Nỗi Nhớ Chênh Vênh (Nhật Vũ), Minh Thao (Khói Sương), Vũ Hữu Toàn (Đời Bỗng Ru Điệu Buồn), Hiếu Anh (Sợ Tiếng Yêu Tôi), Nhược Thu (Em Ngồi Đan Lá Kết Sầu Trên Tay),  Nguyễn Tuấn (Nhớ), Phạm Tuân (Thu Về Trên Cánh Lá Phong), Vũ Thư Nguyên (Là Khi Em Về), Hà Mai Vân (Tôi Đi tìm Tôi) ...Nếu thơ không hay, không gợi tình gợi ý, không rung động người đọc thì làm sao nhạc sĩ có thể phổ thơ thành nhạc? Câu hỏi nầy tôi xin dành cho bạn đọc thẩm định.

 

Trong thơ Miên Du Đà Lạt có nhạc điệu, có âm thanh réo rắc gợi lên cho người đọc một cảm xúc như chính tâm sự của mình, như chạm vào trái tim mình những tâm tư thầm kín. Chính vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi nữ sĩ đã chuyển hướng sang sáng tác âm nhạc. Những ca khúc của Miên Du đã thực sự chiếm lĩnh tình cảm của người thưởng ngoạn âm nhạc. Đó là một bước tiến thành công của Miên Du trong lãnh vực mới. Đó cũng là sự cộng hưởng nhiệm mầu, sự hoà hợp kỳ diệu giữa âm nhạc và thơ ca. Miên Du đã kết hợp khả năng thơ ca vào âm nhạc và ca từ đã trở nên sâu lắng hơn, bàng bạc trầm bỗng chất chứa niềm yêu thương, lôi cuốn người nghe vào một chữ “Tình” và từ chữ tình đã hàm chứa nỗi buồn đau, cô độc, nỗi truân chuyên của kiếp nhân sinh.

 

Để tìm hiểu thêm về nữ thi nhạc sĩ Miên Du Đà Lạt, tôi xin giới thiệu đến quý vị văn thi hữu, quý đồng hương những tâm tình của nữ thi sĩ Miên Du Đà Lạt qua cuộc phỏng vấn sau đây:

 

PTChào Miên Du Đà Lạt! Được biết Miên Du sinh trưởng tại Đà Lạt, thung lũng sương mù. Kỷ niệm nào chị nhớ nhiều nhất trong những năm tháng sống nơi đó?

 

M.D: Thưa chị, nếu nói về kỷ niệm để nhớ thì Miên Du có rất nhiều, nhưng không biết xếp loại kỷ niệm nào nhớ nhất hay nhớ nhì mới khổ chứ! Ngẫm nghĩ về các kỷ niệm thì Miên Du thấy mình rất mê đọc sách, mê học, thương bạn bè, nên có lẽ kỷ niệm của học đường quấn quýt mình nhiều hơn. Như vậy, Miên Du xin chọn ra một kỷ niệm mà bây giờ đi tới bất cứ hiệu sách nào ở Mỹ Miên Du đều nhìn thấy hình ảnh ngày xưa của mình đang đứng trốn ở một góc nào đó trong tiệm sách. Nhà Miên Du cách trường Bùi Thị Xuân cũng rất xa, có hai con đường để đi tới trường. Con đường ngắn nhất đi tới trường là đường Phan Đình Phùng, lên dốc ngã ba chùa Linh Sơn, ngang qua trường Bồ Đề rồi mới đến trường Bùi Thị Xuân. Miên Du chọn con đường thứ hai dài hơn, vui hơn vì đi ngang qua khu Hoà Bình, là một rạp hát lớn và cũng là khu thương mãi ở giữa trung tâm thành phố Đà Lạt, lại có rất nhiều hiệu sách nằm trên đường Hàm Nghi như: Khai Trí, Thanh Thanh ...Trên đường đi học về, Miên Du hay ghé vào hiệu sách Thanh Thanh để đọc sách "cọp", vì nhà nghèo không có tiền để mua sách. Miên Du nhớ đã đọc cuốn "Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ" tức "Three Musketeers" của Alexandre Dumas. Vì đọc "cọp" nên mỗi ngày chỉ có thể đọc 10 hoặc 20 trang, sau đó, làm dấu số trang để hôm sau đọc tiếp. Đến ngày thứ ba đọc được hơn nửa quyển sách, thì ông chủ hiệu sách tới hỏi thăm: "đã chọn được quyển sách nào chưa?". Miên Du ngượng ngùng trả lời "Dạ chưa?". Hôm sau trở lại, Miên Du không còn thấy quyển sách trên kệ nữa. Đang đứng ngẩn ngơ, thì chủ hiệu sách đến hỏi Miên Du muốn mua quyển sách nào, Miên Du vội vàng nói dối, đáp là đến xem coi có sách nào mới mà thôi. Rồi bỏ đi một vòng tìm xem quyển "Three Musketeers" có còn nằm ở kệ sách nào không, thì Miên Du bắt gặp quyển sách được đặt ở một kệ sách khác, cao hơn, khó vói tới. Miên Du đứng ngẩn người nhìn "Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ" đang chểm chệ trên kệ sách cao quá đầu, dù cho Miên Du có nhón gót cũng không với tới. Miên Du thầm nghĩ “như vậy là chủ hiệu sách không muốn cho mình đọc "cọp" rồi”, đành phải bỏ ra về mà trong lòng buồn tủi vô cùng. Sau này đi làm việc, Miên Du để dành tiền mua quyển sách ấy về đọc đi, đọc lại nhiều lần, nâng niu, bao sách lại thật kỹ, quý giá vô cùng. Khi qua tới Mỹ vào các hiệu sách, thấy người ngồi lê, kẻ thì nằm bò ra sàn đọc sách, người đi qua, kẻ đi lại né tránh người đọc, ông chủ tiệm chẳng nói gì cả, họ còn có ghế sofa để khách ngồi đọc sách, uống cà phê, thấy thật là sung sướng.

 

P.T:   Miên Du còn nhớ bài thơ đầu tiên chị đã viết từ ngày tháng năm nào và nguyên nhân nào chị đến với thơ ca?

 

M.D: Mình làm thơ khi còn bé lắm! Làm thơ học trò trong những quyển lưu bút ngày xanh chơi cho vui tặng bạn bè khi chia tay nghỉ hè, nên không nhớ rõ. Với lại Miên Du có tính hững hờ, không quan tâm vào chuyện phải cất giữ những bản thảo thơ văn của mình. Miên Du thường có cảm xúc lúc nào thì viết vội vào bất cứ tờ giấy nào nhặt được bên cạnh, sau đó lại bỏ đi, không còn để ý tới nữa! Sau này, qua Mỹ có computer nên mới ghi chép giữ lại được. Miên Du chỉ còn nhớ một bài thơ có tựa đề là "Tuổi Sa Mù" viết vào năm sinh nhật thứ 16, có lẽ khi làm bài thơ này có người nói coi chừng thơ vận vào người thì khổ, nên Miên Du mới nhớ được mấy câu mà thôi. Và chẳng hiểu vì sao mình lại làm bài thơ có ý tứ như vậy, có lẽ Miên Du đeo mang một ý tưởng là mình sẽ vĩnh biệt trần gian này rất sớm:

 

Tuổi sa mù

tôi xin gởi lại,

Một nụ cười

khi nhắm mắt xuôi tay

Trên môi nhạt,

tôi xin lời nói cuối

Mười sáu năm

tôi hiện diện với cuộc đời ...

 

Sau này qua Mỹ bài thơ đầu tiên làm lại sau gần 20 năm không cầm viết đó là bài: "Đoạn Trường Dạ Khúc"

 

Nửa đêm thức giấc bỗng nhiên sầu

Gối lẻ chăn đơn đẫm giọt châu

Trăng đứng ngoài song soi gối chiếc

Mình em quạnh vắng suốt canh thâu

 

Ái ân chưa thắm sao biền biệt

Tình vẫn còn đây anh ở đâu ?

Gượng lòng em sống chờ trăng khuyết

Ngơ ngẩn vì ai áng nguyệt sầu!

                                 (CA 12/1993)

 

Bài này đánh dấu một khúc quanh của cuộc đời mà gần 20 năm sau, trăng đã dần dần khuyết và sắp tàn theo năm tháng. Miên Du không biết định mệnh có nghiệt ngã có khe khắc với mình hay không!?

 

P.TXin chị cho biết sự hoà hợp kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc và từ bao giờ chị  bắt đầu say mê âm nhạc. Có phải khi chị sáng tác một bài thơ hay và dòng nhạc sẽ tự nó xuất hiện theo cảm hứng từ những bài thơ chị vừa đặt bút viết xong?

 

M.D: Vâng, thưa chị, đúng như vậy, Miên Du hát ra thơ, khi làm thơ mà bài thơ được viết từ lời mình hát thấy thích thú vô cùng. Ngày xưa khi còn bé Miên Du cũng thường hay hát í a í ới, đặt ra những câu hát để ca hát với bọn trẻ hàng xóm, kéo cả bọn tập đóng tuồng cải lương như: "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài", "Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà". Cũng biết hát xàng xê, xuống 6 câu vọng cổ, nói lối, hát sa mạc, còn "phịa" ra lời hát để đối đáp đóng tuồng. Bị Má la hoài vì cả ngày cứ mang kiếm ra giàn trận chia phe đánh nhau. Nhớ lúc học lớp Nhất tức lớp Năm bây giờ. Cô giáo cho bài học thuộc lòng để thi, nhưng cho phép học sinh tự chọn, một là học thuộc lòng một bài đọc trong sách, hai là hát một bài hát tự chọn. Miên Du đã chọn hát một bài vọng cổ "Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà". Cô giáo cho 10 điểm và đã hỏi: "Cô rất ngạc nhiên tại sao bài học thuộc lòng chỉ có 20 câu, mà sao các em lại không thuộc, trong khi bài hát đến 10 trang giấy, mà các em lại có thể thuộc hết chỗ nào là vọng cổ, chỗ nào là nói lối, chỗ nào là hát tân nhạc, hát sa mạc ...". Lúc ấy, Miên Du chỉ biết cười ngỏn ngẻn, không biết giải thích tại sao. Nhớ lại mà buồn cười quá!

 

Sau này lớn lên, lo học hành cũng không còn mê đóng tuồng cải lương, không còn mê ca hát, chỉ mê đọc sách Triết và Thiền học, đọc sách nhiều nhưng chẳng nhớ gì cả. Những gì đến với Miên Du ngày hôm nay, mình chỉ nghĩ đều là do nhân duyên mà thành. Duyên khởi, thì mọi sự đều đưa đẩy cho mình có cơ hội nhập cuộc với dòng thơ văn, âm nhạc của nhân gian.

 

P.TChị có gặp khó khăn lúc ban đầu khi viết nhạc hay không? Và bằng cách nào chị có thể khắc phục những khó khăn đó trong quá trình kết hợp cuộc hôn phối giữa thơ ca và âm nhạc?

 

M.D: Trước đây 7 năm, Miên Du chưa bao giờ nghĩ tới mình có thể trở thành nhạc sĩ. Miên Du cũng đã ghi danh học một lớp Guitar tại trường College vì đây là môn học bắt buộc để lấy tín chỉ transfer lên UCI. Nhưng học cũng chưa xong, vì học lý thuyết thì hiểu ngay, nhưng đàn thực hành thì tệ quá, cứ bị ông thầy Scott la hoài, thi Mid Term bị rớt, nên trốn học luôn. Sau này lại lấy lớp Piano, không dám lấy lại lớp Guitar vì sợ gặp lại Thầy giáo cũ. Nhưng rồi lớp Piano cũng vậy, bị Cô giáo cho rớt luôn. Miên Du cũng không lấy làm buồn hay tha thiết lắm, vì chỉ muốn học lấy tín chỉ để chuyển trường chứ môn âm nhạc không phải là môn chính. Nhưng tất cả đều có định mệnh an bày, âm nhạc đến với mình như một cái duyên tao ngộ, hân hoan đón nhận một cách dễ dàng, như làm một bài thơ không có gì gọi là khó khăn. Khi được nhạc sĩ Trần Thụy Minh hiện đang cư ngụ tại Na Uy (anh cũng là sinh viên của Viện Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt) sẳn sàng ghi ký âm pháp và khuyến khích Miên Du viết nhạc. Miên Du phải trân trọng tôn vinh anh là sư phụ, cuộc đời âm nhạc của Miên Du như gắn liền với anh. Khi anh phổ nhạc cho thơ của Miên Du, anh đã thấy trong thơ có nhạc, và khi biết Miên Du hát ra thơ, nên anh khuyến khích hát thu lại cho anh ghi ký âm. Và nhờ vào đó dòng nhạc mang tên Miên Du Đà Lạt ra đời!

 

Sau này Miên Du có nhờ thêm các nhạc sĩ khác ghi lại dùm, nhưng họ không có nhiệt tình giúp mình như nhạc sĩ Trần Thụy Minh. Có lẽ vì chạm phải sự ích kỷ có tính chất ganh tị của các nhạc sĩ đó, mà Miên Du đã hỏi nhạc sĩ Trần Thụy Minh chỉ cho phương pháp viết nhạc, viết các hợp âm, phân khung, phân nhịp, để khỏi phải nhờ cậy làm phiền. Cũng nhờ sáng dạ, Miên Du học cũng nhanh, mua sách về đọc, nghiên cứu tự học, tự biên tự diễn. Bài nào viết khó khăn phải viết 2, 3 bè thì lại nhờ sư phụ ghi giúp. Miên Du thường nói đùa  hồi đó "ma thơ" nhập, một ngày có thể ra 4, 5 bài thơ, bây giờ "ma nhạc" nhập thì có khi mỗi ngày có thể sáng tác một bài nhạc rất dễ dàng không có gì khó khăn cả. Tất cả đều do nhân duyên xui khiến cho Miên Du gặp được nhạc sĩ Trần Thụy Minh. Nếu không có sự rộng lượng, khuyến khích của anh thì làm sao có được những dòng nhạc Miên Du Đà Lạt tuôn chảy thấm vào tim của những người yêu thơ nhạc Việt khắp nơi trên thế giới.

 

P.TThơ ca thể hiện tâm trạng, cuộc đời của người sáng tác. Thơ Miên Du thường nói về niềm cô đơn, thân phận, hạnh phúc tan vỡ và những lời tình tự khao khát một tình yêu. Bài thơ nào Miên Du yêu thích nhất khi nói về tình yêu?

 

M.D: Thưa chị, Miên Du làm thơ nhiều quá, bài nào cũng là tự phát từ đáy tim. Có lẽ mình là người có tính "mít ướt", nhưng không làm phiền ai, vì đem hết cả nỗi buồn, nỗi bi thương, cay đắng của cuộc đời mình đẩy hết vào thơ. Nên thơ chỉ chứa nỗi khắc khoải, những dòng lệ chảy ngược vào trong tim. Bởi vậy nếu nói thơ đơn thuần về tình yêu hạnh phúc thì hơi hiếm có, mà khao khát một tình yêu lý tưởng thì cũng chẳng mong, hay hỏi bài nào thích nhất thì cũng không biết, vì bài thơ nào của mình sáng tác đều yêu thích hết. Nhưng nếu là lời tâm sự có lẽ Miên Du chỉ muốn được giải đáp bằng 4 câu trong bài thơ "Sầu Một Gánh Không":

 

Ai bảo ta sầu, sầu Có Không ?

Sao nghe nằng nặng ở trong lòng

Sầu không! ừ nhỉ! ... sầu muôn kiếp

Muôn kiếp ta sầu một gánh KHÔNG!

 

Còn lại xin gởi bài thơ "RỒI MAI ĐÂY" như một lời tâm niệm cuối cùng nhắn gởi tới những Fans yêu thơ, nhạc Miên Du Đà Lạt:

 

Rồi mai đây, lạnh về trên bờ đá

Biển dập vùi, vách núi phủ rêu phong

Lá rời cành, lìa đời không tiếng gọi

Ta vùi chôn tình lỡ chẳng nhớ nhung!

 

Rồi mai đây, ta đi vào quên lãng

Có ai còn tìm lại dấu chân xưa

Những nhánh sầu chia buồn trên lối cỏ

Những cuộc đời lặng lẽ chẳng ai đưa

 

Rồi mai đây, ta đi về cát bụi

Đời bâng khuâng chỉ một thoáng ngậm ngùi

Vầng trăng sầu kể chuyện tình cổ tích

Trong sương đêm, ta yên giấc ngủ vùi

 

Rồi mai đây, ai tìm về dĩ vãng

Thắp nến buồn soi lại chuyện trăm năm

Mở trang sách, dòng tình thơ vàng úa

Sầu dâng lên rơi những giọt âm thầm!

                                       Miên Du Đà Lạt

 

P.T: Miên Du có nghĩ mình sẽ trở thành thiên tài không? Có người nói rằng “đó là cái danh bong bóng”. Một vài người khi được thổi lên thành thiên tài họ không còn sáng tác nửa mà chỉ ngồi “vẽ câu bắt bóng” cũng có người khen, tâng bốc đến tận mây xanh. Và họ sống trong cái ảo giác đó mà quên mất giá trị đích thật của sáng tạo nghệ thuật. Theo ý kiến chị đều đó tốt hay xấu?

 

M.D: "Thiên Tài" hay "thiên tai", “chữ "tài" đi với chữ "tai" một vần” (trong thơ Kiều, Nguyễn Du đã tiên tri). "Thiên tài" hay không là do sự quyết định của Thiên mệnh. Những người "thiên tài" đều gặp trắc trở trong cuộc đời. Miên Du chỉ muốn được sống bình thường và thật đơn giản, và quan trọng hơn là được bình an. Miên Du nghĩ mình chỉ có chút xíu năng khiếu về văn chương, học hành cũng lõm bõm. Nhưng có lẽ nhờ vào sự say mê nghệ thuật, nếu không có lòng say mê nghệ thuật thì khó đưa đến sự thành công. Và từ nãy đến giờ Miên Du đã có nói tất cả đều tuỳ thuộc vào nhân duyên. Trong suốt thời tuổi trẻ mình chẳng làm được gì hết, đến cuối đời thì do duyên khởi mà thành. Nhưng danh vọng đến rồi đi như bèo giạt, mây trôi, đó là lẽ vô thường. Chúng ta đừng đặt nặng cái "danh vọng" để rồi tự mình sẽ làm khổ mình, mà hãy xem sự ĐẾN và ĐI, CÓ hay KHÔNG đều có sự sắp xếp vi diệu của tạo hóa. Đừng quá mơ xây lâu đài cát, một ngày nước cuốn trôi thì ta lại thất vọng, rồi lại thất chí, dễ dàng đi đến sự mất quân bình trong cuộc sống.

 

Còn nói về chốn nhân gian thì "áo thụng vái nhau" cũng đã thừa rồi! Nhà Văn, nhà Thơ mọc lên như nấm. Nhiều người có tiền bỏ ra in sách, rồi tự phong là Văn sĩ, Thi sĩ, nhưng cũng tốt vì làm như vậy giúp họ không quên tiếng Việt. Còn có trở thành "Văn Thi sĩ" lưu danh muôn đời hay không thì còn đợi người đời phê phán!

 

P.T:   Xin cho quý đọc giả biết những dự định sắp tới của chị?

 

M.D: Thưa chị, dự định thì nhiều lắm, có thực hiện được hay không còn nhờ vào cơ trời! Miên Du phải nói thêm rằng tất cả những dự định của mình đều do độc giả, thính giả khởi xướng. Khi Miên Du cho xuất bản tập thơ là do sự yêu cầu của độc giả. Sau đó phát hành CD cũng lại do thính giả yêu cầu. Và sắp tới Miên Du dự định in tuyển tập nhạc là do quí vị yêu mến dòng nhạc của Miên Du Đà Lạt, muốn có bản nhạc để đàn hát cho vui, đây cũng là phương pháp giúp Miên Du phổ biến dòng nhạc của mình. Nhưng vấn đề tài chánh quan trọng bậc nhất trong phần đóng góp cho các dự định của tương lai. Tất cả đều tuỳ thuộc vào lòng yêu mến của khán thính gỉa và độc giả. Và Miên Du lúc nào cũng cố gắng hết sức mình trong công việc, sau đó kết quả thì tuỳ duyên ..!

 

Cảm ơn nữ sĩ Miên Du Đà Lạt đã cho Phong Thu cuộc phỏng vấn nầy. Muốn biết thêm về Miên Du Đà Lạt, Phong Thu xin kính mời quý vị đến tham dự chương trình nhạc mang chủ đề “Những Tình Khúc của Miên Du Đà Lạt” vào 2 giờ chiều thứ Bảy, ngày 24 tháng 4 năm 2010, tại Hội Trường James Lee, số 2855 Annandale Rd, Falls Church, VA 22042.

 

Email liên lạc: Phongthu@mindspring.com, Deovansach@yahoo.com, Haingoaithica04@yahoo.com.

 

--------------------------------

 

mp3: Sợ Tiếng Yêu Tôi
Nhạc Hiếu Anh  
Thơ Miên Du-Dalat
Trình bày: Quỳnh Lan  

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

-  Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

-  Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA -  DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.