.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Phong Thu

 

Xin hãy cho nhau nụ cười

Miên Du và Huy Tâm đã trở về California hơn một tháng nhưng những cái email dễ thương, những cuộc điện đàm thăm hỏi, những tiếng cười của bạn bè quanh tôi vẫn còn văng vẳng đâu đây. Ai cũng hỏi tôi bao giờ Miên Du và Huy Tâm qua? Làm sao biết được hỡi bạn... Ở Hoa Kỳ tuy xa mà gần, tuy gần mà xa. Chúng ta cuốn theo cuộc mưu sinh thì may mắn lắm mới có dịp hội ngộ trong tình thân ái, trong tiếng cười vui... Khi tôi đang ngồi viết bài nầy, điểm lại từng khuôn mặt mới thấy buồn và lo lắng cho Trung Tá Hồ Sĩ Báu, Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 31, quân khu 3, QĐTHTNTB Hoa Kỳ đang lâm trọng bệnh. Những dự định cho bửa tiệc gây quỹ của Lữ đoàn đã bỏ dỡ dang. Tôi có gọi điện thoại hỏi thăm nhưng không ai trả lời. Và qua cuộc điện đàm với anh Đèo Văn Sách, tôi mới biết tình hình của anh. Các bạn ơi! Hãy cầu nguyện cho anh...

Tôi còn nhớ cách đây không lâu, Miên Du thường mơ ước một hôm nào đó sẽ đến Washington D.C ra mắt CD nhạc. Tôi quá bận rộn nên cứ hứa tới hứa lui như thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Tôi hỏi một vài người bạn tiếng tăm ở đây giúp Miên Du nhưng đa số lắc đầu vì ngán. Rồi ông Trời cũng thương cho cái tật ham vui của tôi nên tặng cho tôi đôi song ca Đèo Văn Sách và phu nhân là chị Kim Phụng. Tôi chỉ nói vài câu xã giao, anh chị chẳng biết mặt mũi Miên Du ra sao đã gật đầu lia lịa. Rồi anh chị Sĩ Tuấn-Thu cũng nói “cứ làm đi anh chị phụ”. Tôi mừng quá thông báo cho Miên Du biết về những người bạn văn nghệ có tấm lòng vàng mà Miên Du chưa bao giờ biết mặt. Chúng tôi bàn nhau ngày nhạc thính phòng, cố gắng bán vé để bù vào chi phí quá lớn, cố gắng mời bạn bè, anh chị em văn nghệ sĩ, mời các hội đoàn và cộng đồng đến tham dự...

Tôi ở Maryland, còn tất cả các anh chị đều ở VA., đường sá không phải là 3, 4 tiếng lái xe mới tới nơi. Nhưng con đường 495 từ Maryland đến Viginia mới ngán. Đường luôn kẹt xe và đôi khi nếu có tai nạn giao thông trên đường là tiêu tán đường. Có khi lái xe từ MD đến VA mất luôn 3 tiếng đồng hồ mà chưa tới nơi. Mọi việc tôi đều phải nhờ anh Sách và chị Phụng lo giúp.

Đón người phương xa..

 

Miên Du và ca sĩ Huy Tâm đến Washington D.C ngày thứ Năm, 22 tháng 4. Nhạc sĩ Văn Sơn Trường đã đi đón chị và Huy Tâm về nhà anh Đèo Văn Sách. Anh Sách cũng đã chu đáo lo cho Miên Du và Huy Tâm có nơi nghĩ ngơi tại nhà anh chị Trịnh Quang Hà và Liên Phương. Anh chị là người lạ nhưng cũng đã cưu mang Miên Du và Huy Tâm như em trong nhà. Anh chị Sách lo cho Miên Du và Huy Tâm nhiều hơn tôi lo cho bạn tôi. Từ đó, ca sĩ Huy Tâm đòi làm con nuôi anh chị mà không đòi làm em trai nuôi của tôi (tôi cũng có chút ganh tị chớ sao?). Tôi không nghĩ phép được do văn phòng quá nhiều việc và không có người thông dịch. Người bạn đời của tôi lại đi Âu Châu bất ngờ suốt một tuần. Ngày thứ Năm tôi đi làm đến tối mới về và còn chăm sóc cho hai con. Rồi ngày thứ Sáu, tôi đi làm từ 8 giờ sáng, suốt ngày điện thoại văn phòng reo, hồ sơ chất đống trên bàn như ngọn núi, tôi cần phải giải quyết cho xong. Tối vừa về nhà phải vội đi đón bé Đậu Xanh ở trường vì cháu chơi hoà nhạc. Sau đó đi đón Đậu Phụng ở High School vì cháu triển lãm tranh và bán tranh. Điện thoại reo tôi không thể nghe vì suốt ngày chạy ngoài đường. Khi tôi về đến nhà là đã 10 giờ đêm. Tôi nghe tiếng chị Thanh Trúc gọi, anh Đèo Văn Sách lo lắng hỏi, tiếng cô bạn Miên Du í a, í ới... Miên Du ơi! Làm đàn bà xứ nầy không có sướng đâu, phải làm một lúc ba, bốn job, phải đi cày như trâu. Và nếu có cái tật ham “vác ngà voi” thì chỉ vắt giò lên cổ mà chạy. May là tôi còn có đủ sức khoẻ, bình an và có đủ tình thương dành cho bạn bè. May mà tôi còn gặp được anh chị Đèo Văn Sách, anh chị Sĩ Tuấn-Thu làm thức ăn giúp, và ban nhạc nghiệp dư “Kiều Nga, Sĩ Tường, Bạch Mai, Bạch Cúc, Hoàng Anh, Loan Phượng, Sĩ Thành, Tiến Kèn...” đã bỏ thời gian tập dợt những bài hát của Miên Du thật chu đáo. Ngoài ra còn có sự tiếp tay của hoạ sĩ Vũ Hối, nhà thơ Phan Khâm, nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam, nhạc sĩ Văn Sơn Trường... Những khuôn mặt thân ái, chan chứa tình cảm đó đã giúp chương trình thành công tốt đẹp.

 

Gặp nhạc sĩ “Thương Đôi Bờ Quê Hương”

 

Tôi quen anh Văn Sơn Trường rất tình cờ trên email. Anh tìm email của tôi trên Phù Sa online và gởi cho tôi email để tìm nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Dương. Thế là chúng tôi quen nhau (nhưng không biết mặt mũi ra sao dù chúng tôi ở cùng một tiểu bang). Khi nghe anh Đèo Văn Sách nó rằng sẽ hát bài “Thương Đôi Bờ Quê Hương”, tôi kèo nèo, chọc ghẹo anh Văn Sơn Trường phải mua vé nhiều nhiều ủng hộ, đòi thăng chức nhạc sĩ cho anh rồi đòi “lấy lại”. Có duyên sẽ tao ngộ nên tôi gặp anh trong lúc anh đang giúp anh Đèo Văn Sách treo banner và chuẩn bị bàn ghế cho ngày nhạc thính phòng. Tôi nghe anh Sách làm việc một mình mà thương. Lúc ban đầu, tôi có nhờ hai người bạn đến giúp nhưng các anh phải đi đám ma cho người vợ bạn qua đời. Thế là anh Sách lại phải treo banner một mình. Tôi từ MD lái xe sang VA. từ 10 sáng đến 11:40 mới tới nơi. Tôi thấy ngoài anh Sách ra còn có một người mặt mũi dễ nhìn, tướng tá cũng đẹp không thua gì anh Sách, đang phụ anh lo xếp bàn ghế. Hỏi ra, tôi mới biết đó là bác sĩ Văn Sơn Trường, người mà tôi viết thư qua lại chọc ghẹo. Anh Trường và anh Sách lăng xăng giúp tôi khiêng thức ăn, nước uống và những thứ linh tinh khác vào trong. Việc nặng anh Trường cõng, việc nhẹ tôi và anh Sách khiêng. Thiệt là ấm áp tình bạn. Anh Trường biết tôi đói vì cả đêm thứ Sáu bận quá quên ăn tối, và sáng chạy bở hơi tai nên nhịn đói chưa ăn và cũng không kịp uống nước. Khi anh về nhà đã nhờ phu nhân anh mang đến cho tôi hai cái bánh. Anh chị làm tôi cảm động. Giờ đây ngồi viết bài nầy tôi cũng không thể quên hai cái bánh tình cảm sơ ngộ đó. Cảm ơn anh chị.

 

Bạn hiền lâu ngày mới gặp

 

Lâu lắm tôi và Miên Du chưa gặp lại nhau vì ở quá xa. Tôi còn nhớ lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau trong chương trình ba miền trên đài truyền thanh SRBS của anh Quốc Nam tại Seattle, nối kết với đài truyền thanh ở Louisiana và Dallas Forth Worth ở TX của nhà văn Thu Nga. Sau đó, chúng tôi gặp nhau trong Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ lần I. Mấy năm sau, chúng tôi lại gặp nhau ở Califonia. Tình cảm của chúng tôi nảy nở dần do thông cảm, hiểu biết và chia sẻ. Tôi cảm thấy thương bạn và nhận ra sự cố gắng, sự đam mê văn học nghệ thuật của Miên Du. Miên Du là một tài năng mà tôi muốn giới thiệu cho mọi người biết. Tài năng chỉ được cộng lên, nhân rộng ra khi chúng ta biết khai thác, nâng đỡ, động viên và khuyến khích. Không có một người nào vừa viết xong một bài thơ, một bài văn, một bản nhạc là đã thành công. Tất cả mọi người đều bước đi những bước chập chững, rồi mới vững vàng và có thể bay trên đôi cánh của mình. Nếu quý vị quan sát, tìm hiểu về những nhà văn nổi tiếng trên thế giới, quý vị sẽ thấy họ đã phải phấn đấu ra sao? Họ đã rèn luyện như thế nào để thành công. Vậy, hãy mỉm cười với thế hệ cầm bút trẻ, đưa một bàn tay ra để dẫn dắt họ đi vào con đường gian truân nhưng tuyệt vời của văn học nghệ thuật. Nếu không có thế hệ tiếp nối, ai sẽ nhớ những người đi trước để viết cho họ vài dòng tưởng niệm khi họ theo cánh hạc bay về với đất trời. Sự kiêu căng, tự mãn và thói ích kỷ sẽ giết chết óc sáng tạo và sự phấn đấu của người cầm bút. Sự kiêu căng tự mãn và thói ích kỷ là bước cản sự phát triển của thế hệ trẻ đang phấn đấu, hăm hở dấng thân vào văn học và truyền thông báo chí.

Tôi có nhiều người bạn tâm giao sống rãi rác ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ. Chúng tôi biết nhau từ khi còn ở Việt Nam. Nhưng mười mấy năm qua chưa bao giờ gặp mặt. Bởi cuộc sống chúng tôi quá bận rộn lo cho chén cơm, manh áo và vì nghìn trùng xa cách. Miên Du cũng không ngoại lệ. Chúng tôi thỉnh thoảng cũng chỉ gởi email thăm nhau hay nói chuyện qua điện thoại. Cô bạn tôi thường tiá lia đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện văn thơ, chuyện đời tị nạn... Khi Miên Du bay sang đây, chúng tôi cũng không có dịp tâm sự nhiều. Miên Du gầy và ốm hơn những lần tôi gặp trước đó nhưng bạn vẫn vui tươi và khoẻ mạnh. Miên Du đến đã có nhiều người muốn chụp hình chung. Nhiều người bao vây Miên Du. Một lúc sau, Huy Tâm đến. Tôi chưa biết mặt Huy Tâm nhưng thấy một thanh niên cao lớn, tuấn tú có nụ cười thu hút người đối diện thì đoán ngay là ca sĩ Huy Tâm. 

Quan khách tham dự rất chọn lọc bao gồm các văn nghệ sĩ và quý truyền thông báo chí đến như: nhà thơ Luân Tâm, Vũ Hối, Bùi Thanh Tiên, bác sĩ Dương Đình Hưng, Ngô Minh Hằng, Vũ Đình Trường, bà Lê Tống Mộng Hoa, Hoàng Song Liêm và phu nhân, Lãm Thúy, nhạc sĩ Hoàng Cung Fa và phu nhân Hoàng Dung, ông bà Trần Việt Tân (chủ nhiệm báo Đời Nay), bà Nguyễn Hữu Điển (chủ nhiệm Thủ Đô Thời Báo), bà Jackie Bông (Cố vấn cộng đồng DC, MD, VA), ông Nguyễn Phúc và bà Bạch Mai (đài truyền hình Việt Nam vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn), ông Phạm Bá Vinh (chủ nhiệm báo Sóng Thần), ông Tạ Quang Trung (Tổng Thư Ký báo Sóng Thần), nhạc sĩ Văn Sơn Trường và phu nhân, ông bà Thy Nga và Lê Văn Phúc (đài RFA), Thanh Trúc (đài RFA), anh chị Trịnh Quang Hà và Liên Phương, ông bà Hoài Thanh (cựu chủ nhiệm báo Đại Chúng) và cụ bà Phan Tú Anh, ông Lê Minh Thiệp (Phó Chủ Tịch Nội Vụ Cộng Đồng DC, MD, VA), ông Nguyễn Văn Đặng (thủ quỹ Hội Người Việt Cao Niên VA và BCH cộng đồng), ông bà nhạc sĩ Phan Anh Dũng-Tâm Hảo, nhà văn Lê Thương, ông bà giáo sư Đinh Văn Long, ông Larry Trung (chủ nhà hàng Mỹ Hoa), ông Hăng Việt (nhiếp ảnh gia), ông Nhạc sĩ Nguyễn Tường Vân, bà Ngô thị Hiền, Nguyễn Thị Kim (Thư viện Fairfax). Tôi còn thấy rất nhiều qúy đồng hương gồm những cụ bà, cụ ông và các bạn trẻ cũng tham dự đông đảo.

Chúng tôi tổ chức âm nhạc nhưng không quên làm lễ chào cờ Mỹ-Việt để hun đúc tâm hồn lòng yêu đất nước Việt Nam, đồng thời trân trọng cảm tạ quê hương thứ hai đã cưu mang, bảo bọc chúng tôi trong cuộc sống ly hương. MC Đèo Văn Sách với một giọng nói điềm đạm, thu hút đã lần lượt giới thiệu ca sĩ và các bài hát, anh đã dẫn chương trình một cách trình tự và xuất sắc. Ca sĩ Sĩ Tuấn ấm áp, tha thiết trong bài hát “Lời Mẹ Ru Chiều” (thơ Khiếu Như Long, nhạc Miên Du), Hoài Thanh rộn rã, vui tươi trong khúc ca “Xuân Nhớ Về Đà Lạt”, Bạch Cúc dịu dàng, êm ái với bài hát “Cây Giăng Tay Chờ Ai?”, Bạch Mai ngâm bài thơ “Em, Việt Nam Mảnh Dư Đồ  Rách Nát” đã gây xúc động cho khán thính giả. Bài thơ như tưởng niệm ngày Sài Gòn, trái tim miền Nam bị bức tử, 30 tháng 4 năm 1975. Đôi song ca Hoàng Anh và Sĩ Tuấn trong trang phục áo dài khăn đóng, đã lôi cuốn mọi người theo điệu hát quan họ Bắc Ninh “Mùa xuân Gió Cuộn Tóc Thề”, Loan Phượng ngọt ngào trong bài “Nắng Từ Đâu Gọi Bình Minh” (thơ Kiều Mộng Hà, Miên Du phổ nhạc), Kiều Nga mênh mang trong ca khúc “Mưa Ngâu”. MC đa tài Đèo Văn Sách bằng giọng hát trầm ấm đã đưa chúng ta trở lại Sài Gòn yêu dấu trong ca khúc “Thương Đôi Bờ Quê Hương” (nhạc Văn Sơn Trường, thơ Miên Du).

HUY TÂM- NGƯỜI CA SĨ TRẺ TÀI NĂNG VÀ NHIỀU TRIỂN VỌNG lần đầu tiên xuất hiện tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã gây được cảm tình trong lòng mọi người. Với khuôn mặt tuấn tú, vóc dáng cao lớn, nụ cười hiền hậu, giọng ca thiên phú điêu luyện, nồng nàn, và phong cách tự nhiên, vui tươi, thân thiện, Huy Tâm đã diễn đạt thành công những bài tình ca của Miên Du Đà Lạt và nhiều bài hát khác nhau như: "Khi Em Bỏ Rừng, Đời Bỗng Ru Điệu Buồn, Tương Tư, Chiều Xưa, Nếu Như Là Tình Yêu, Ô Mê Ly (của nhạc sĩ Văn Phụng)... Và một bài hát mà Huy Tâm hát cho chính đứa con của mình đã qua đời trong một giấc ngủ thiên thần “Bài Hát Cho Con” (của Huy Tâm và Miên Du) Bài hát nói về tình thương và nổi đau đớn của Huy Tâm khi đứa con bé bỏng, yêu thương đã ra đi. Khi nghe xong câu chuyện Miên Du kể, mọi người đều ngậm ngùi, rơi lệ. Tôi chỉ còn biết an ủi Huy Tâm bằng những dòng giao cảm:

Huy Tâm thân mến, thiên thần đã mỉm cười, chấp cánh bay về thiên đàng ở tận trời cao. Ở nơi xa thẳm nhưng nhiều sao sáng, Thiên thần sẽ nghe lời Huy Tâm hát và thiên thần sẽ cúi xuống hôn lên môi Huy Tâm để tiếng hát bậc lên thành những thanh âm trong suốt, cao vút, nồng ấm, thiết tha thu phục lòng người. Rồi mai đây, Huy Tâm sẽ bước đi những bước vững vàng hơn trong làng âm nhạc hải ngoại. Và nhớ nhé! Hãy cất tiếng hát vang “Bài Ca Cho Con” để những người làm cha, làm mẹ nhớ đến thiên chức cao quý của mình.

Tôi nghe rất nhiều ca sĩ chuyên nghiệp hát nhạc Miên Du, nhưng Huy Tâm là người thể hiện đầy đủ nhất chiều sâu của ca từ và cấu trúc âm nhạc. Anh đã gây ấn tượng khó quên cho khán thính giả. Huy Tâm vẫn còn là một khuôn mặt mới trong làng ca nhạc hải ngoại. Nhưng tôi tin chắc rằng với tài năng của anh, trong một thời gian không xa, anh sẽ thành công và chinh phục được những khán thính giả khó tính nhất. Tôi sẽ trở lại với anh trong một bài viết khác “Huy Tâm và niềm say mê âm nhạc”.

Trở lại chương trình, Miên Du được hoạ sĩ Vũ Hối tặng một cái đĩa thư họa, nhà thơ Luân Tâm tặng một bài thơ, nhà thơ Hoàng Song Liêm tặng cho một số CD nhạc...

Bài hợp ca cuối cùng “Xin Hãy Cho Nhau Nụ Cười” đã kết thúc chương trình nhạc thính phòng. Bó hoa Phong Thu nhờ nhà báo Thanh Trúc tặng Miên Du không biết ai đã “lượm mất”.

Cuối chương trình là một bửa tiệc nhẹ gồm có bánh ướt- chả luạ, sôi bốn màu, sôi giò (do anh chị Đèo Văn Sách Tặng), mì xào, trái cây, bánh bông lan, rau trộn dấm tỏi (do Phong Thu tặng với sự cộng tác đắc lực của anh chị ca sĩ Sĩ Tuấn-Thu). Mỗi lần cộng đồng có tổ chức văn nghệ, hay ra mắt sách, tôi lúc nào cũng thấy chị Hoàng Dung, chị Thu, chị Kim Phụng đứng phân phát thức ăn. Các chị siêng năng và tử tế làm ai cũng quý mến. Thức ăn nhiều quá đến mức phải phân phát cho quan khách đem về làm quà.

Ngày chia tay

Buổi họp mặt cuối cùng đã tổ chức tại tư gia anh Đèo Văn Sách. Chị Kim Phụng lại trổ tài nấu nướng. Với bàn tay khéo léo, siêng năng, hiếu khách và tốt bụng, chị lại vào bếp nấu nướng để thiết đãi bạn bè. Hình như chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho chồng con là niềm vui, hạnh phúc của chị. Chị yêu anh và yêu cái máu văn nghệ của anh. Chị bỏ thời gian nấu ăn cho chúng tôi với tấm lòng cỡi mở, vui tươi. Nhà anh chị lúc nào cũng đông bạn bè đến chơi. Anh nói với tôi rằng “đời người ngắn ngủi, không biết ngày mai ra sao nên giúp ai được thì cứ giúp hết lòng.”. Tôi cầu mong Trời thương anh chị và ban phát cho anh chị sức khoẻ để chúng tôi còn có dịp đến nhà ăn ké bánh ướt chính tay chị làm, hay ăn món bún bò Huế, hủ tiếu mì v.v... Bàn ăn nhiều món khá hấp dẫn như: bánh cống, gỏi tôm, bánh ướt, tôm chiêng lăn bột, chà giò, trái cây.... Các bạn lại tha hồ vừa ăn vừa gói mang về. Họ mê thức ăn chị Kim Phụng làm. Còn anh Sách thì hí hửng mong cho mọi người “tha đi cho hết”.

Có lẽ vui nhất là cuộc đối thoại giữa Miên Du và anh Phạm Bá Vinh báo Sóng Thần. Miên Du bắt đầu tấn công về “cái sự đào hoa” của anh. Rồi Miên Du cũng xuất khẩu thành thơ để chọc ghẹo anh. Tôi chưa bao giờ thấy anh chịu khó ngồi xuống mở ra từng cái CD cho ai ký tên. Thế mà anh Phạm Bá Vinh đã giúp Miên Du. Bởi vậy, cô bạn tôi về California mà còn nhớ Washington D.C. Nếu ở đây có một người nào chiếm được trái tim của nàng thì nàng sẽ bay sang để làm dâu nhà họ Washington.

Tại sao chúng ta không đến với nhau bằng những tấm lòng? Tại sao ta không đến với nhau bằng tình yêu thương...” Miên Du Đà Lạt đã viết những bài hát tha thiết kêu gọi tình thương, hâm nóng tình yêu giữa người và người. Và ngày nhạc thính phòng đã thể hiện tất cả tình cảm thương mến, yêu qúy của khán thính giả, văn nghệ sĩ, BTC dành cho Miên Du Đà Lạt và Huy Tâm. 

Các anh chị ơi! Hẹn gặp nhau vào một ngày đẹp trời. Khi chúng ta vẫn còn nhớ đến nhau, quý mến, trân trọng và giúp đỡ nhau trong cuộc sống ly hương. Khi chúng ta vẫn còn niềm tin và sự yêu thương thì ngày tái ngộ sẽ đến phải không?

Chào tạm biệt nhé! Khuya lắm rồi! Hình như đồng hồ đã điểm đúng nửa đêm “12:16 phút”. Phong Thu buồn ngủ lắm rồi...

Phong Thu

Ngày 20 tháng 5 năm 2010

Chú thích: “Xin Hãy Cho Nhau Nụ Cười” là tựa bài hát của Miên Du Đà Lạt

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

-  Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

-  Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA -  DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.