.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Phong Thu

Tháng 1 năm 2012 có gì đáng nhớ

Văn phòng làm việc của tôi nằm ở lầu bốn của một dinh thự rộng lớn trong quận hạt Columbia của tiểu bang Maryland. Từ khung cửa kính màu lục, tôi có thể nhìn thấy tất cả các loại xe cộ xuôi ngược trên đường và nhìn bao quát toàn cảnh quận hạt Columbia. Cao ốc tôi đang làm có hàng trăm nhân viên ra vào và hàng trăm quan khách đến thăm viếng, trao đổi mậu dịch mỗi ngày trong trung tâm nầy. Ông chủ tôi thích có văn phòng ở trên cao, để những lúc rãnh rỗi, chúng tôi còn có thể nhìn trời mây bao la với những đám mây bồng bềnh trôi lơ lững trên bầu trời đầy nắng và gió, hay quan sát những ngày mưa u ám phủ kín và những ngày tuyết rơi trong mùa đông giá rét. Xung quanh dinh thự nầy trồng rất nhiều hoa anh đào và nhiều cây kiểng khác nhau. Nhưng bây giờ là mùa đông nên cây trơ cành, trụi lá chỉ còn trơ lại những bộ xương cây khô khốc màu xám.

Ngay khung cửa kính nơi phòng làm việc của tôi có hai cây sồi lá xanh. Khi mùa thu đến lá bắt đầu vàng uá, và cuối thu, trời bắt đầu lập đông thì cây đã trơ cành. Dù mùa xuân ấm áp, mùa hạ chói chang, hay mùa thu ẩm ướt, những cánh chim lang bạt vẫn thường bay về đậu trên cây nhảy nhót, hót líu lo. Ngay cả khi mùa đông giá rét, những chú chim xinh xắn vẫn đậu trên cành cây nghếch mỏ mơ màng, hay rỉa lông âu yếm nhau. Và trên bầu trời âm u đầy gió lạnh, tôi nhận ra bầy vịt trời bay lượn bên kia mặt hồ lộng gió, những cánh chim thiên di bay từng đàn đi về phương Nam tìm nắng ấm.

Con đường trước mặt tôi là cái dốc cao đổ dài từ con đường 175 Patuxen và bị chia cắt bởi một ngã ba nối dài đến trung tâm shopping sầm uất, náo nhiệt.

Mỗi ngày, sau một vài tiếng đồng hồ làm việc với computer, với những chồng hồ sơ cao ngất với những cú điện thoại reo liên lục, tôi có thói quen đứng quan sát bầu trời và nhìn xe cộ xung quanh. Sáng nay, Tracy, cô bạn người Mỹ làm chung phòng đột nhiên gọi tôi lại:

“Ê bạn! Lại đây nhìn người nầy lạ lắm!”

Tôi dõi mắt nhìn theo dấu tay của Tracy. Tôi thấy một người đàn bà tàn tật ngồi trên xe lăn một mình và lăn chiếc xe từ cánh cửa lớn của tòa nhà về phía trung tâm đậu xe. Chiếc nón nỉ màu xanh nhạt chụp trên đầu. Bà mặc cái áo khoát màu xanh sậm. Trông bà nhỏ bé, gầy gò và cả cơ thể lọt thỏm trong chiếc xe lăn. Hai bàn tay nhỏ nhắn, trắng xanh liên tục đẩy hai bánh xe về phía trước. Tôi nhìn quanh xem có ai đi chung với bà không. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ai đi bên cạnh hay theo sau lưng bà. Tôi hỏi Tracy:

“Có ai đi chung với bà ta không?”

Tracy lắc đầu:

“Tôi không thấy ai đi chung hết.”

Cả hai chúng tôi im lặng theo dõi người đàn bà tàn tật, và quên cả tiếng điện thoại trên bàn đang reo từng chập. Nếu có ông boss trong phòng bên, chúng tôi sẽ bị khiển trách ngay vì không lo làm việc. Nhưng may quá! Sáng nay ông bận họp, chúng tôi tự cho phép mình quan sát một chuyện lạ. Giờ đây, trong tầm mắt chúng tôi không phải là những chú chim sơn ca có cái ức màu đỏ với bộ cánh đen huyền. Trên cái đầu chúng có một chùm lông màu nâu và đôi mắt đen long lanh, láo lĩnh đang nhảy trên những nhánh cây hoa anh đào. Chúng tôi không còn say sưa bàn tán về những chú sóc nâu có cái đuôi dài phất phơ như lụa đang leo trèo lên xuống. Chúng tôi cũng không bàn đến giá xăng dầu đang tăng vùn vụt, những chiếc xe hơi đời mới chạy bằng điện và xăng, số tiền bảo hiểm y tế chạy theo tuổi, những thứ thuế phải đóng cho năm nay, công ăn việc làm, sự khó khăn về kinh tế của thế giới. Chúng tôi quên luôn chuyện chú Chệch (Trung cộng) tham lam chuyên ăn cắp khoa học kỷ thuật cao cấp, bán đồ ăn dỏm, bán cái gì cũng toàn là độc dược giết chết con người và súc vật. Chuyện chú Chệch đi khắp thế giới thu gom tài nguyên thiên hạ để làm giàu, rồi muốn uống hết nước sông Mêkong, và biển Đông…v…v…Chúng tôi đã bỏ hết thói quen thường ngày sau những giờ giải lao, và đang chăm chú quan sát người đàn bà cô đơn trên chiếc xe lăn. Chiếc xe chậm chạp lăn trên sân gạch, chạy xuống mặt đường nhựa và tiến tới gần một chiếc xe Van màu xanh lá cây cũ kỷ. Không có ai quan tâm đến bà, ngay cả một cái nhìn. Hình như, người ta đang bận rộn lo cho bản thân mình hơn là nhìn người tàn tật với chiếc xe lăn. Những người từ trong dinh thự đi ra vội vã và biến đi trong những chiếc xe hơi. Bà ta lục trong túi áo lấy ra chùm chìa khoá và cố gắng mở khoá xe. Hai cánh tay nhỏ nhắn vói mở cánh cửa một cách vất vả. Cuối cùng, cánh cửa đã mở. Bà điều khiển chiếc xe lăn vào sát cánh cửa và chậm chạp tháo chiếc túi xách màu đen treo trên xe lăn ra quăng nhanh vào trong xe. Bà bám vào xe, một tay nắm chặt cánh cửa, một tay nắm một bàn chân tàn tật nâng lên và lần lượt đến cái chân kia. Chỉ trong vòng năm phút, bà đã ngồi yên trên xe. Tracy trầm trồ khen:

“Wow! Thật là tuyệt. Nhưng còn chiếc xe lăn thì sao? Làm sao bà ta có thể đem chiếc xe lăn lên xe?”

Tôi đoán:

“Có thể bà ta sẽ nhờ anh chàng lái xe thư USP đến giúp.”

Tracy cãi:

“Mình không nghĩ như vậy. Bà ta thản nhiên làm một mình như một thói quen. Tao không thấy bà hỏi ai giúp cả dù chiếc xe chở thư và anh chàng đưa thư lực lưỡng đang di chuyển qua lại gần bên.”

Người đưa thư cũng bận rộn với công việc. Anh mang những thùng thư trên xe USP xuống và đi lại nhưng con thoi. Anh chỉ nhìn người đàn bà thoáng qua rồi lại tiếp tục làm việc. Nếu bà ta gọi, hoặc nhờ vã thì chắc chắn anh ta sẽ giúp. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bà một lần nào nhìn những người xung quanh hay gọi anh chàng đưa thư giúp đỡ.

Tôi nóng ruột nói với Tracy:

“Thôi! Để tôi chạy xuống giúp bà ta vậy.”

Tracy nắm tay tôi kéo lại và mắt không rời bà ta. Cô nàng nói với vẻ thán phục:

“Trông kìa bạn. Khi bạn chạy từ lầu 4 xuống, bà ta đã lái xe đi mất còn đâu.”

Hai đứa lại im lặng đứng nhìn. Người đàn bà nhấn những cái nút trên xe và tháo dần từng bộ phận của chiếc xe lăn. Ban đầu là hai bên để tay. Sau đó là hai cái bánh xe. Bà nâng từng phần lên và bỏ vào xe một cách ngoạn mục. Sau đó, bà vói tay xếp cái xe lại gọn gàng bỏ vào trong rồi đóng cửa lại. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì thấy chiếc xe nổ máy. Đèn đỏ sau đít xe sáng lên. Xe lùi lại và từ từ lăn bánh. Làm sao người tàn tật nầy có thể lái xe được? Chúng tôi chịu thua hỏi nhau:

“Sao bà ta có thể nhấn ga, sang số, ngừng lại…?

“Tôi cũng chịu thua không biết chiếc xe đó chế tạo như thế nào.”

“Có thể nó được các nhà sản xuất xe hơi chế tạo dành cho người tàn tật.”

“Hmm! Như vậy mắc lắm. Tiền đâu mà mua?”

“Biết đâu bà ta là một người giàu có thì sao?”

“Không! Nếu giàu thì phải có tiền mướn y tá, hoặc người điều dưỡng đến chăm sóc, giúp đỡ chớ. Già cả, ốm yếu mà phải lái xe đi một mình thật là khốn khổ?”

Hai đứa chúng tôi bàn tới bàn lui rồi cũng chịu thua không tìm ra được một câu giải đáp nào thỏa đáng. Nhưng chúng tôi kính trọng và thán phục sự can đảm, nghị lực của người đàn bà không quen biết. Bà là ai? Bao nhiêu tuổi? Vì sao lại phải ngồi xe lăn đi khám bệnh một mình trong mùa đông giá rét hay đi làm gì đó trong cái dinh thự rộng lớn nầy? Bà có gia đình, thân nhân, con cái hay không? Tôi không biết làm thế nào và vì sao bà lại cô đơn, một mình lái xe đi trong tình trạng không thể đứng lên được. Tôi cũng không hiểu làm thế nào bà có thể điều khiển được chiếc xe khi hai chân không được bình thường? Tôi mũi lòng tiếp tục hỏi Tracy:

“Ê! Mai mốt tụi mình già rồi chắc cũng sẽ như vậy thôi.”

Tracy lắc đầu lia lịa:

“No! No! Tôi sẽ không đi đâu hết trừ khi có ai đó chăm sóc cho tôi.”

“Nhưng lỡ như con cái bạn bận rộn lo cho cuộc sống của nó và chồng bạn không có bên cạnh thì làm thế nào?”

“Chắc tôi chết quách cho xong.”

Tracy nói xong mà mắt nó đượm buồn. Con nhỏ người Mỹ nầy càng làm việc lâu với nó tôi càng thương nó. Tracy thông minh, nhanh nhẹn, vui tính và rất sòng phẳng. Tracy cư xử tử tế, không nịnh hót, không lấy điểm với ông boss và rất quý mến tôi. Tracy mê ăn thức ăn Việt Nam và rất thích ăn bưởi. Lâu lâu, tôi đem bưởi tặng cho nó và cũng dụ dỗ nó ăn thức ăn Việt Nam. Cô nàng thương con nít và rất ghét ai đánh đập, ngược đãi trẻ con. Cô cũng hay chú ý đến mọi người và sẳn lòng giúp tôi khi tôi quá bận rộn. Tôi thích cô nên văn phòng chúng tôi là nơi êm đềm, thân ái khiến tôi thích công việc của mình. Tôi nói với Tracy:

“Khi mình già, con cái rời xa mình và mình bệnh tật làm sao chúng có thời gian đến giúp. Phải tự lo cho mình thôi.”

“Không, tôi sẽ không đi một mình nếu không có ai giúp đỡ. Bạn tưởng tượng xem làm sao có thể lái xe một mình khi đôi chân của bạn không còn đứng lên được. Có khi bạn bị tai nạn giao thông và còn làm cho người khác bị tổn thương.”

Tôi cãi lại:

“Đâu có ai muốn mình cô đơn và bị tàn phế không người chăm sóc. Nhưng đôi khi sự bất hạnh đến với mình một cách rất bất ngờ. Làm sao mình có thể lựa chọn số phận của mình.”

Tracy bắt đầu đuối lý và hỏi lại:

“Nếu bạn giống như bà ta thì bạn làm sao?

“Tôi cũng sẽ học sự can đảm và nghị lực như bà để có thể sống sót và nhìn cuộc đời xem nó ra sao. Bởi cha mẹ sinh mình ra chỉ cho mình sống một lần thôi. Không ai được sống hai lần. Cuộc sống dù có tủi nhục, cô đơn, buồn bã hay hạnh phúc đều do số phận đưa đẩy. Quan trọng hơn là tôi sẽ có gắng tập thể dục để hồi phục lại cơ thể nếu có thể được.”

Tracy há hốc cái miệng xinh xinh khi nghe tôi nói. Tôi lại bắt đầu kể cho nó nghe những câu chuyện về người già trên đất nước Mỹ mà tôi quan sát và cảm nhận: Họ can đảm, chịu đựng, thầm lặng và không kêu ca phàn nàn về con cái. Họ hiểu được quy luật của cuộc sống và dành cho con cái sự tự do lựa chọn tương lai của chúng. Họ không đòi hỏi sự báo đáp, trả ơn…Đó là suy nghĩ, lối sống và văn hoá Mỹ. Tôi cũng kể cho Tracy nghe cuộc sống bất hạnh của người già tại Việt Nam nếu họ nghèo khổ và con cháu họ cũng nghèo khổ. Có người trên bảy mươi tuổi còn dầm mưa, giải nắng để làm lụng nuôi con rồi nuôi cháu. Có người cả đời còng lưng trong gánh nặng áo cơm mà không ai chăm sóc cho đến khi chết.

Tôi lại còn già chuyện cà kê, dê ngỗng kể cho Tracy nghe bố chồng tôi nay đã tám mươi ba tuổi. Ông ly dị đã trên bốn mươi năm và sống một mình trong căn nhà ba tầng tại New York. Ông phải tự lo hết mọi chuyện ngay cả lúc bệnh tật mà không có người thân bên cạnh. Khi chúng tôi bảo ông bán nhà về ở chung, ông luôn lắc đầu cười. Thế giới của người già là thế giới khép lại, im lặng. Họ không thích ồn ào, náo nhiệt và họ chỉ còn mong chờ cái chết đến bất cứ lúc nào.

Đứa con gái út của tôi mỗi khi về thăm ông nội, thấy tôi dắt tay ông dẫn qua đường, nó nói rằng: “Mẹ ơi! Con không thích già đâu”. Tôi bật cười nói “Mai mốt mẹ và ba sẽ giống như ông nội thôi.” Nó cười ngây thơ đáp: “ Nhưng mẹ đừng có già như ông nội mẹ nhé! Làm sao mẹ có thể dọn dẹp, giặc quần áo, nấu cơm cho con ăn.” Tôi cười đáp: “Mai mốt con lớn thì con tự lo cho con chớ.” Nó cười nhưng ánh mắt hơi lo âu khi nhìn ông nội khó nhọc lê từng bước lên cầu thang.

Hình ảnh người đàn bà tàn tật với chiếc xe lăn làm tôi suy nghĩ mênh mang. Đâu phải chỉ một mình bà, mà tôi biết quanh tôi, hay ở đâu xa xôi, còn biết bao con người cùng khổ, bất hạnh đang phải vật lộn với những khó khăn, nghiệt ngã trong cuộc sống để sinh tồn.

Và còn biết bao người bất hạnh khác đang cống hiến đời mình cho gia đình, xã hội bằng nghị lực phi thường. Nhìn họ để tôi hiểu mình thật hạnh phúc.

Tôi cảm ơn người đàn bà không quen đã giúp tôi hiểu rõ về mình, về thế giới quanh tôi.

Trời tháng Giêng buốt giá, những ngày Tết đã gần kề. Nhưng ở đây tuyết rơi trắng đất trời. Cầu Chúa ban phước lành cho những người bất hạnh.

Tháng 1 năm 2011 vừa qua là năm giá lạnh hơn những năm trước. Nhiệt độ xuống dưới 20 độ F vào ban đêm và đất trời thường ảm đạm kéo theo những cơn giá buốt giá. Năm 2011, tuyết không rơi nhiều tại Washington D.C nhưng lại rơi dầy đặc tại New York, Pensiviania, Chicago và những tiểu bang khác. Có một điều bất thường là loại chim sáo đen xinh đẹp có cái đuôi dài, đen mướt, cái ức màu đỏ chót đã chết hàng loạt tại Beebe tiểu bang Akansas vào đúng đêm giao thừa lên đến 5,000 con. Khi các nhà khoa học xét nghiệm thì họ không thể tìm ra nguyên nhân tại sao chúng chết nhiều như vậy. Và năm nay đúng đêm giao thừa 2012, loài sáo nầy cũng chết khoảng 200 con. Theo cảnh sát thì chúng sợ tiếng nổ lớn.

Ngày 27 tháng 1 năm 2011, mưa đá và những giọt mưa giá buốt trút xuống Washington D.C từ sáng. Tôi đi làm trong giá rét, trong mưa và bão tuyết. Bão tuyết tương đối nhẹ và thưa dần. Nhưng 4 giờ chiều mưa đá bắt đầu rơi. Những viên đá nhỏ li ti như hạt muối từ trên trời cao gõ vào cửa kính. Tôi biết bão tuyết dữ dội sẽ tràn xuống. Văn phòng chúng tôi phải đóng cửa. Từ công ty về nhà khoảng 35 phút, nhưng chiều hôm đó tôi lái xe hơn 2 giờ đồng hồ mới tới nhà. Dọc đường đi, tuyết rơi nặng hạt, chỉ trong vòng 15 phút đã phủ kín đường sá, xe cộ, cây cối nhà cửa. Tuyết mù mịt dầy đặc như sương mù. Xe trên đường chỉ còn chạy tốc độ 15, 20, 25 dặm trong một giờ. Xe chết máy nằm dọc theo đường. Có nhiều chiếc xe bị trơn trợt trên đường và đâm sầm vào lề, vào cây cối hai bên đường. Tai nạn giao thông làm đường sá tắt nghẽn. Có nhiều chiếc xe phải nằm lại trên đường và người lái xe phải đi bộ về nhà vì không có ai đến đón. Mưa đá đã khiến hàng ngàn xe cộ kẹt lại trên nhiều xa lộ trong vòng 8 đến 20 giờ. Có người hôm sau mới đến kéo xe về.

Con dốc đường New Hampshire lên nhà tôi cao nghệu. Chỉ còn hai phút tôi có thể về nhà. Nhưng nhiều xe chết máy nằm chắn ngang đường. Mấy chiếc xe phía trước và hai bên, người lái xe cố nhấn ga nhưng bánh xe quay mà xe không nhích lên được tí nào. Có người phải quay đầu xe chạy xuống dốc. Tôi may mắn thoát khỏi dòng xe ngổn ngang để chạy về nhà trong hai giờ vật lộn với bão tuyết. Cô em gái tôi không chịu xem dự báo thời tiết đã kẹt xe trên xa lộ 495 trên 8 giờ đồng hồ.

Chưa bao giờ tôi sợ hãi lái xe như ngày 27 tháng 1 năm 2011 vừa qua. Mưa đá là nỗi kinh hoàng của mọi người.

Cũng trong tháng 1 năm 2011, vào ngày 8 tháng 1, tại thành phố Tucson, tiểu bang Arizona, một tên điên khùng có máu lạnh đã xã súng bắn chết 6 người và làm bị thương 13 người khác. Trong số nạn nhân có dân biểu Gabrielle Giffords và cô bé 9 tuổi tên là Christina Taylor Green, em sinh ra trong ngày 911 năm 2001, ngày biến động của nước Mỹ bị bọn khủng bố dùng máy bay dân sự tấn công hai toà nhà chọc trời, Trade Center tại New York. Christina Taylor Green đã tử nạn. Nhưng cha mẹ em đã tặng giác mạc của em để cứu hai em bé khác khỏi bị mù. Ông John Green, cha của Christina cho báo chí biết, tổ chức Donor Network of Arizona, một cơ quan khuyến khích người ta hiến bộ phận cơ thể, báo cho vợ chồng ông biết về cuộc giải phẫu ghép giác mạc thành công.

Ông John Green nó rằng các bộ phận của Chirtina giúp cho người khác được sống là một điều tuyệt diệu đối với tôi. Ông nói. “Ðây lại là một điều nữa mà cháu đã đem đến cho thế giới.”

Năm 2011 có nhiều biến động trên thế giới. Cuộc cách mạng hoa sen, hoa lài đã làm sụp đổ toàn bộ chính quyền của những ông hoàng bà chúa độc tài, toàn trị và gian ác tại các nước Trung Đông, Bắc Phi. Máu lửa của cuộc cách mạng đã làm cho những kẻ độc ác, tham tàn phải run sợ.

Năm 2011 đã có một ngày “lục nhất” đó là 11/11/11. Nhiều người yêu nhau đã chọn ngày nầy làm lễ thành hôn. Ngày Lục Nhất tuần hoàn trong một trăm năm sau mới tái hiện trở lại.

Hôm nay, tháng 1 năm 2012 , tôi ngồi đây để nhớ lại những biến cố quan trọng của tháng mở đầu một năm mới tại Hoa Kỳ. Trong lúc đó, Việt Nam đang vào mùa xuân, hoa mai nở khắp nơi và mọi người đang chuẩn bị chào đón một năm mới Âm Lịch.

Tôi chấp tay cầu nguyện cho lòng người được bình an và người dân quê tôi cuộc sống bớt nhọc nhằn. Bạn ơi hãy hy vọng và đón chào Năm Mới.

Phong Thu


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

-  Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

-  Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA -  DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.