.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Phong Thu

Keywest
ốc đảo thơ mộng

Năm vừa qua là chương trình Hội Ngộ Mái Trường Xưa của Gia đình QGNT Heritage diễn ra tại Washington D.C. Sau đó là chuyến đi Du Hành Lịch Sử, Canada Cruise. Chuyến đi thật hào hứng và vui vì có đông đủ thầy cô và qúy anh chị QGNT Heritage.

 

Năm nay, anh Nguyễn Hà, bắt đầu lên lịch chuẩn bị chương trình chuyến đi nghỉ mát của chúng tôi tại Florida gần một năm qua. Thế nhưng, tôi vẫn còn mơ mơ màng màng như người mộng du. Tôi năn nỉ ông xã tôi và hai nhóc tì cùng đi nghĩ hè ở Florida thì ai cũng lắc đầu. Ba cha con bèn rủ nhau về thăm ông bà nội ở New York và tắm trên bãi biển cũ rích tại Long Island. Nước biển ở đó lạnh thấu xương và sóng thì to như cái nhà. Tôi ngán bơi lội trên bờ biển nầy. Những lần về New York, tôi chỉ đứng nhìn ông xã và các con bơi lội, còn tôi thì đi dọc bãi cát để lượm sò, lượm rong biển đem về phơi khô, sơn đủ màu và cất vào những cái giỏ mây để nhìn ngắm.

 

Chuyến đi nầy, tôi không tham dự chuyến du ngoạn Western Caribbean Cruise "Oasis of the Seas” mà và chỉ thích đi ngắm biển.

 

ĐÊM ĐẦU TIÊN TRÊN BÃI BIỂN FORT LAUDERDALE

Anh Nguyễn Hà luôn là một người tháo vác, biết tổ chức chu đáo và quan tâm đến mọi người nên anh luôn “cực khổ”. Mỗi khi anh tổ chức chuyến đi, tôi bỗng biến thành cô bé ngu ngơ, ngớ ngẩn. Anh lo từ A tới Z, tôi chỉ mua vé máy bay rồi vù ra sân bay, xuống xe đã có anh đến đón vì sợ tôi lạc đường mắc công gọi 911. Xuống tới sân bay, tôi còn mắt nhắm, mắt mở thì đã thấy anh đứng cạnh chiếc xe van, miệng cười toe toét. Tôi hỏi anh Hà cô bạn Miên Du đâu rồi. Anh nói Miên Du còn ngủ lu bù. Không ngủ sao được khi nửa đêm, cô nàng đang trên đường ra sân bay, đã gọi tôi vào lúc 3 giờ sáng “Chuẩn bị đi chưa?”. Chúa ơi! Tôi lòm còm bò dậy nhìn đồng hồ và ngáp dài “Miên Du ơi! California là 12 giờ đêm thì bên tôi là 3:00 sáng. Hẹn găp nhau chiều nay….” Tôi lắc đầu cười rồi bò lên giường ngủ tiếp.

Tối đêm đó, tôi và Miên Du lò mò đi xuống biển, đêm không trăng, chỉ có những ánh sao khuya lấp lánh trên bầu trời đêm cao vời vợi. Những ánh đèn từ khách sạn hắt xuống mặt nước soi rõ bờ cát trắng phẳng lì. Hai bà điên tha hồ cười nói, hét cùng sóng biển mà không sợ ai nghe. Miên Du bắt đầu nhớ lại một bài hát mới bắt đầu bằng hai câu thơ:

Không có trăm năm đâu mà đợi

Không có kiếp sau đâu mà chờ

 

Hai câu thơ của Lưu Trọng Tấn, con trai của Lư Trọng Lư mà Miên Du cảm hứng viết thành nhạc. Tôi thêm vô hai câu rất vô duyên:

 

Tình yêu xưa rồi cũng trôi qua

Kỷ niệm xưa rồi cũng phôi pha

…..

 

Miên Du đem bản nhạc chưa hoàn chỉnh hát cho mọi người nghe và chúng tôi cười ha hả…

 

KEY WEST- KỲ QUAN THIÊN NHIÊN

Sáng hôm sau, cả đoàn tập trung lại tôi mới biết nhóm QGNT năm nay gồm có gia đình anh Nguyễn Hà-Hồng và gia đình Đạt-Thủy, anh chị Phạm Văn Đức-Hiền, anh chị Phương-Huệ, anh chị Thiềng-Bích, anh chị Lưu Hậu Xám, gia đình chị Kim Nguyệt và bạn bè anh Hà tham dự rất đông. Không khí thật vui nhộn, thân ái. Chúng tôi chia làm 4 xe. Đoàn của tôi bác tài là anh Đức và con trai anh làm tài xế. Hai bố con thật vất vả khi phải lái xe suốt ngày đưa chúng tôi đi du ngoạn. Hai tài xế tuyệt vời nầy không hề phàn nàn vì phải lái xe trên một chặng đường quá dài. Trong chuyến đi, tôi nhận ra tình cảm đậm đà, thân thiện của các con anh Hà và anh Đức quả thật hiếm và qúy biết bao! Tôi tự hỏi tại sao tình cảm cho đi, ban phát không mất gì cả, nhưng vì sao con người sống với nhau lại quá hà tiện keo kiệt khi đem tặng nó cho mọi người. Sự ghét-thương chính là bản ngã của lòng ích kỷ và sự rộng lượng. Nó đang hiện diện trong bóng tối của mỗi nhân cách. Tôi vỗ trán mấy cái để tỉnh táo mà ngộ ra được cái thế giới ta bà nầy đầy thù hận, bon chen, giành giựt nên chiến tranh luôn hiện diện khắp nơi. Con người tự gây ra đau khổ cho chính mình.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đang tham dự chuyến viếng thăm một ốc đảo tận cùng của Florida “KEYWEST”. Tên gọi như một cái chìa khoá mở cửa bờ biển phiá Tây của tiểu bang Florida. Tất cả các con đường và nhiều cửa hiệu đều mang tên bắt đầu bằng chữ Key.

Khí hậu Florida thật giống Việt Nam nên lần đầu tiên tôi thấy hoa phượng trồng khắp nơi dọc hai bên đường. Màu đỏ cuả những chùm phượng đỏ, gợi cho tôi biết bao xao xuyến, luyến thương về một thời xa xôi còn cắp sách đến trường. Tôi đã từng viết nhiều bài để nhớ về hoa phượng trong truyện ngắn “Hai Người Thầy” và truyện thiếu nhi “Vì Sao Hoa Phượng Đỏ”. Tôi cũng đã viết một bài ký bằng anh Ngữ “The Mangoteen” để nhắc lại người bạn nhỏ thuở tóc còn để chỏm vì mê hoa phượng mà bị ăn đòn. Những cây phượng ở đây được chăm sóc cẩn thận, nó đã trở thành kiểng của tiểu bang nên ngọn, cành đã được cắt, tỉa cẩn thận. Chúng không cao lớn, hùng vĩ và trơ cả cành khi hoa phượng nở rộ vào mỗi độ hè sang như ở Việt Nam. Ở đây, những con đường dẫn vào làng xóm trồng rất nhiều dừa, cau thẳng tắp như gợi cho tôi nhớ lại làng quê Việt Nam rợp những bóng dừa. Những vi-la xinh xắn nằm sát mặt biển được bao bọc bởi những hàng dừa rũ tóc xuống mặt nước. Hai bên đường là biển, biển nối tiếp đất liền, nhà cửa, biển liếm chân mặt đất. Biển đổi màu liên tục từ màu ngọc bích, màu thiên thanh, màu xanh da trời, máu tím thẩm, màu đỏ nhạt, màu lam tuyền, màu đen xậm…Và giữa vùng nước mênh mông trãi dài mút tầm mắt là những chiếc canô, những người lướt ván như những cánh chim hải âu bay lướt trên mặt nước. Những cánh buồm trắng xoá nhấp nhô trên mặt biển như đưa ta vào một thế giới mộng và thực của những cuộc du hành đầy ngoạn mục để ngắm nét đẹp hùng vĩ của biển. Từ trên xe, tôi mãi mê nhìn cảnh vật hai bên đường để tìm lại những nét quen thuộc của quê nhà. Một căn nhà màu tím hiện ra trong những hàng cây cau, dừa thật xinh xắn, lãng mạng khiến cho tôi nhớ bài hát “Căn Nhà Màu Tím”. Thiên nhiên êm ả, xanh mát những loài hoa quen thuộc vùng nhiệt đới tạo cho tôi cảm giác ấm áp, thanh thản và bình an.

Xe chạy qua nhiều chiếc cầu bắt nối liền các hải đảo nhỏ dẫn đến Keywest. Nhìn lên bản đồ, ốc đảo Keywest như một dây thừng mỏng manh vắt ngang qua mặt biển mênh mông vô tận. Theo tạp chí Sunsentinel.com, chiếc cầu Seven Mile Bridge dài 7 dặm Anh, là một trong những chiếc cầu dài nhất thế giới. Nó nối liền thành phố Marathon Keys của Middle Key Florida đến Little Duck Key của vùng Lower Keys Florida. Nó bắt đầu từ thành phố Marathon ở Mike Market 47, được xây dựng từ năm 1979 và hoàn thành năm 1982, chi phí xây dựng là $45 triệu đô la. Cầu Seven Mile Bridge có chiều cao 65 feet để tàu bè có thể di chuyển dễ dàng, chịu được sức gió trên 200 dặm một giờ. Nó được xây dựng bằng loại bê tông đặc biệt và có thể mang theo đựợc ống dẫn nước và đường dây điện thoại. Nó được ca ngợi là một công trình tuyệt mỹ của thế giới. Song song với chiếc cầu mới nầy là chiếc cầu Seven Mile Bridge đã hoang phế và chỉ dành cho những người đi bộ, đi xe đạp, câu cá và ngoạn cảnh. Nó đã gãy một vài nhịp. Nó được xây dựng từ năm 1906 và hoàn thành 1912, là một trong tám kỳ quan thế giới. Những người làm phim đã sử dụng Seven Mile Bridge trong 4 bộ phim truyện nổi tiếng là True Lies, 2 Fast 2 Furious, License to Kill and Up Close & Personal. Mỗi năm vào ngày mỗi ngày Thứ Bảy của tháng Tư, Seven Mile Bridge sẽ đóng lại trong 2 tiếng 30 phút để làm lễ kỷ niệm ngày xây dựng lại cầu Keywest.

Nhìn xuống lòng biển dưới chiếc cầu nầy là những hàng điện cao thế xây nổi trên mặt nước kéo dài từ bờ nầy sang bờ kia một cách ngoạn mục. Những đàn chim hải âu đậu đầy trên những đường dây điện.

Hiện tượng nước biển nhiều màu đã khiến tôi tò mò tìm hiểu. Theo tạp chí Sunsentinel.com, màu nước biển pha trộn nhiều màu sắc khác nhau là do độ sâu của nước từ kênh Hawk's Channel của Đại Tây Dương (the Atlantic Ocean) và mực nước cạn từ vịnh Gulf of Mexico hoà vào nhau.

Chúng tôi đến Keywest vào lúc 1 giờ trưa sau 5 giờ lái xe lạc lên lạc xuống. Keywest chào đón chúng tôi bằng một trận mưa rào ào ạt. Nước loang loáng trên đường và trôi bồng bềnh những chiếc bong bóng nước tròn ủm. Dù gió biển thổi vào bờ ào ạt, và cứ 15 phút là có một cơn mưa rào, nhưng không khí vẫn oi bức, nóng đến tháo mồ hôi.

Keywest có diện tích 129 dặm (208km) về phía Tây Nam cách thành phố Miami khoảng 160 dặm (260km) bằng đường xe hơi,và 106 dặm (171km) vềớng đông-bắc của thành phố Havana, nước Cuba. Tại điểm gần Cuba nhất chỉ cách khoảng 94 dặm tức 151km về phía nam. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi tại Keywest vẫn còn ghi lại hình ảnh lịch sử và quảng bá về thuốc si-gà khi người Cuba mang đến Keywest sinh sống, buôn bán và sản xuất. Keywest là hải đảo tận cùng của bờ biển Florida, một trung tâm du lịch nổi tiếng đẹp và thơ mộng thu hút nhiều khách du lịch khắp nơi trên thế giới.

Tại đây có Trung Tâm Huấn Luyện Naval Air Station Keywest nơi đào tạo hàng triệu người cho ngành hàng không và hải quân do điều kiện thời tiết tuyệt vời. Nó cũng là thành phố đã được Tổng Thống Harry S. Truman lựa chọn như Winter White House.

Các trung tâm thương mại của Keywest bao gồm DuvalStreet, nhiều góc phía tây bắc của hòn đảo cùng với Whitehead, Simonton, Front, Greene, Caroline, EatonStreets vàTruman Avenue. Phương châm của thành phố là mong muốn Keywest là "One Human Family-Một gia đình nhân loại."

Keywest có lịch sử rất ly kỳ mà có dịp tôi sẽ nói đến. Người Spanish và người Cuba ngày xưa đã từng sinh sống nơi đây. Do đó ngày nay, họ vẫn gọi Keywest là Cayo Hueso có nghĩa là "chìa khóa xương". Người ta kể rằng hòn đảo này được rãi bằng các hài cốt của cư dân bản địa. Keywest đã thực sự được xem là "Gibraltar của phương Tây" vì vị trí chiến lược trên tuyến đường hàng hải 90-dặm (140 km) rộng sâu thích hợp cho tàu bè qua lại tại eo biển Florida, giữa Đại Tây Dương và Vịnh Mexico.

Lịch sử Florida còn ghi rõ, ngày 25 tháng ba năm 1822, Thiếu Tướng Hải Quân Matthew C. Perry (sinh 04/10/1794 - mất 03/04/1858) đã chỉ huy một đội tàu Shark (Cá Mập) đến Keywest và cắm lá cờ Mỹ, tuyên bố Keys là tài sản Hoa Kỳ. Không có cuộc biểu tình nào được thực hiện qua tuyên bố của Mỹ về Keywest. Kể từ đó, Keys Florida đã trở thành tài sản của Hoa Kỳ.

Tôi, Miên Du và anh chị Đức-Hiền lang thang trong các cửa hiệu bán quà lưu niệm. Chúng tôi đi thăm thành phố. Những con đường nhỏ lót gạch xưa vẫn còn giữ nguyên. Nhà bảo tàng, công xưởng nhà máy cũ kỹ đã trở thành những di tích lịch sử được chính quyền Keywest bảo quản tốt. Hai dãy phố hai bên là những căn nhà xinh xắn có trồng bông trang đỏ, trắng, hồng, vàng. Và tôi cũng mê mẫn đến sững người khi nhìn những cây bông sứ vàng, trắng trỗ hoa được trồng rãi rác trên đường.

Nhà văn lừng danh Ernest Hemingway đã từng sống tại Keywest. Do đó, một bar rượu vẫn còn viết tên ông trên bảng quảng cáo. Truyền thuyết kể rằng Ernest Hemingway đã viết quyển “A Farewell to Arms” trong khi sống ở phòng trưng bày của một đại lý Keywest Ford ở số 314 Simonton Street vào năm 1928.

Ernest Hemingway House

Ông đã từng sống tại số nhà1301 Whitehead Street cho đến khi chú của ông là ông Gus Pfeiffer, một người giàu có nổi tiếng, đã mua căn nhà số 907 Whitehead Street House năm 1931 tặng ông như một món quà cưới.

Trong suốt thời gian ở đây, ông đã làm việc và viết những quyển sách: Death in the Afternoon, For Whom the Bell Tolls, The Snows of Kilimanjaro, và The Short Happy Life of Francis Macomber.

Ernest Hemingway đã tự sát bằng súng năm 1961. Căn nhà ông đã trở thành viện bảo tàng mang tên ông ở số 907 whitehead Street, Keywest, là nơi có rất nhiều khách du lịch đến viếng thăm.

Keywest mưa nhiều và thường xuyên có bão tố. Nhưng đến đây một lần để thấy nét đẹp hùng vĩ của biển cả, nét thanh thoát dịu dàng của cây cỏ. Và con người nơi nầy thanh lịch, sống thản nhiên vô tư như chờ đợi khách đến viếng thăm. Họ không hối hả như những thành phố lớn của Hoa Kỳ.

LÀM QUEN VỚI NÀNG TIÊN CÁ?

Những ngày ở khách sạn Ocean Sky là những ngày thú vị nhất. Sáng chúng tôi ra biển tắm khi ông mặt trời chưa mở mắt. Buổi sáng đầu tiên, hai bà điên “Miên Du và tôi” mò xuống biển lúc 5 giờ sáng. Trời còn tối như bưng, chúng tôi nằm trên hai cái ghế dài dưới bờ biển để chờ mặt trời mọc. Những đám mây phủ mặt biển đen xậm và vẽ lên nền trời những hình tượng như thật. Tôi có thể tưởng tượng bên đó là bờ có cây cỏ, nhà cửa, đường sá. Tôi có thể bơi qua mặt biển để lang thang trên những đồng lúa mây vừa ửng vàng bởi ánh sáng ban mai.

Bờ biển thoai thoải nên tôi có thể bơi ra xa hơn. Nước biển trong vắt, ấm áp như nước biển tại Vũng Tàu làm cho tôi rất thích. Tôi tha hồ lặn hụp, bơi lội thoả thê. Tôi thấy rõ bàn chân tôi và những đàn cá tung tăng bơi lội xung quanh. Chúng thật thân thiện vì biết không ai bắt chúng làm thịt ăn. Có ngày biển động, sóng dội vào bờ cát cao hơn bình thường thì có những con cá lớn bằng bắp tay, phóng vào người tôi rồi lặn mất. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh cá bơi lội, đùa giỡn, cọ mình của chúng vào mình tôi. Anh Lưu Hậu Xám ví von rằng đó là những nàng tiên cá đang ôm hôn chúng ta. Một cảnh yên bình, hài hoà giữa người và cá. Có mấy khi chúng ta được thụ hưởng những giây phút an nhàn như vậy?

Ngồi đây nhớ lại Miên Du xuống biển thì chìm tới đáy vì cái tội không chịu học bơi. Vậy mà còn đòi ra biển ngắm trăng, nhìn mặt trời lên vào lúc bình minh để mơ mộng, rồi còn đòi ngủ trên biển và mơ bên cạnh sẽ có một người tình. Thật là lãng mạng! Nhưng tìm đâu ra?! Đâu có dễ tìm người yêu lý tưởng khi một nửa kia lẫn lộn vào dòng người đông đảo. Và nửa kia, còn lang thang trên sa mạc và chết khát vì mãi miết đi tìm một tình yêu chân thành, trọn vẹn, đầy đủ mật ngọt của cuộc đời. Tôi lại làm thơ con cóc ngâm nga một mình:

Loài người mãi mãi cô đơn khi còn bên nhau. Loài người mãi mãi đau thương khi còn ôm hôn. Loài người mãi mãi bơ vơ nỗi niềm tương tư. Vì đâu anh xa xôi để giấc mơ yêu thương bỗng xa vời….Bàn chân anh lang thang ngàn năm tìm em yêu. Giờ thì hai tay buông xuôi chẳng còn lại gì…”

THĂM VƯỜN NHẢN-FLORIDA

Ngày thứ hai chúng tôi đi thăm viếng thành phố Miami. Sau đó đi thăm vườn trái cây với mong ước mua trái cây Việt Nam ăn cho đã…

Cứ tưởng rằng nhà vườn ở Florida sẽ giống những người miệt vườn trái cây tại quê tôi ngày xửa ngày xưa? Không ngờ, vào đây rồi mới thấy người chủ vườn xem chúng tôi như chẳng ra cái thá gì. Ngay cả khi chúng tôi có tiền cũng không thể mua được trái cây ngon lành như mua ngoài chợ. Nhưng tại cái tật thích nhìn cây mà nhớ cảnh quê nhà, nên trời mưa như trút nước, vẫn lái xe đi tìm... đi tìm. Xe chạy gần 1 giờ đồng hồ mới đến vườn nhản do người Việt Nam làm chủ. Vừa đến nơi đã bị cảnh cáo “hỏng được thăm viếng”. Nhản ngon có cành đàng hoàng thì không bán cho chúng tôi mà chỉ bán những trái đã rụng, rời ra với giá $1 và $2 một pound. Trái cóc thì nhỏ xíu không thấy ruột mà chỉ thấy vỏ và hột, mảng cầu dai mà Miên Du mê ăn quá mua về thì quắc queo chỉ có võ…Tôi đứng xa xa nhìn cả đoàn mua nhản mà bà chủ thì chẳng vui nên đâm ra chán. Tôi mua một thùng nhản trái đã rụng không có cành đem về biếu bạn bè trong sở nhưng cũng chẳng còn ngon lành gì. Đừng tưởng bở rằng người Việt Nam thấy chúng ta là mừng rơn…Thế giới nầy không phải là miệt vườn của Bình Dương quê tôi trong những năm còn khói lửa chiến tranh. Càng ngày, tình người càng mong manh như sương- như khói, như có - như không.

ĐƠN ĐỘC

Kim Phượng, cô bạn gái từ thời còn học trung học hiện đang cư ngụ tại Florida, chúng tôi xa nhau đã mấy chục năm và tình bạn vẫn thắm thiết như ngày xưa. Bạn mong ước tôi đến thăm nên cứ giục tôi phải thông báo lịch trình chuyến đi. Nhưng tôi mua vé máy bay xong mới biết bạn ở bờ Đông, còn tôi ở bờ Tây. Muốn thăm bạn phải lái xe trên 4 giờ đồng hồ nên tôi đành lỗi hẹn với bạn hiền.

Cả đoàn đã đi du ngoạn, còn tôi ở lại khách sạn một mình. Sáng tôi đi bơi, chiều đi bơi rồi ngâm mình trong hồ nước nóng. Buổi trưa lang thang để quan sát chợ buá và sinh hoạt ở đây. Kim Phượng nhớ tôi nên cứ gọi hỏi thăm. Hai đứa vẫn ‘mầy tao’ như ngày xưa. Tiếc quá làm sao đi thăm nhau được. Nếu nhà Phượng gần đây thì tôi có thể đến thăm, nhưng bạn ở xa quá nên chỉ biết trao đổi qua điện thoại. Khi tâm sự, mới biết hơn 10 năm sống ở Florida, Phượng không tìm ra được một người bạn tâm đầu ý hợp. Sự cạnh tranh khốc liệt của áo cơm đã làm tê liệt, nguội lạnh tình đồng hương. Đâu phải khi bạn tôi nói thì tôi mới ngộ ra. Tôi đã nhìn thấy cách cư xử của người Việt Nam đối với nhau trong công sở, trong các tổ chức Hội Đoàn, trong đại gia đình nhà họ Quốc. Nó vừa mĩa mai, vừa chua xót, vừa tội nghiệp...

Phượng mơ ước tôi sẽ mua nhà ở gần để có người tâm sự vì tình bạn của chúng tôi đã kéo dài trên 36 năm. Bạn càng xưa càng quý. Và trong cuộc đời ta, nếu ta có một người bạn tử tế, nhả nhặn, hiền hoà biết tôn trọng lẫn nhau, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thì cuộc đời ta thật may mắn.

Tôi trở về Washington D.C vào ngày 20/8. Miên Du và gia đình anh Nguyễn Hà kẹt lại sân bay vào ngày 25/8 vì bão rớt tại Florida. Thôi ngủ lại sân bay Fort Lauderdale đi bạn. Dù sao cũng là một chuyến đi đáng nhớ phải không? Có anh Nguyễn Hà và chị Hồng thì lo gì việc đi tìm trẻ lạc?!

Hẹn tái ngộ cùng tất cả quý anh chị và các bạn chuyến du hành trong năm 2013!

Tháng 9 năm 2012


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

-  Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

-  Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA -  DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.