.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | LLâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ -  Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Phong Thu

Trở lại cao nguyên Tình Xanh

Bảy năm trước tôi đến Seattle vào chớp thu trong một dịp nhà thơ Quốc Nam tổ chức Đại Hội Văn Chương Phụ nữ. Lần đó, các qúy văn thi hữu và qúy đồng hương tham dự rất đông đảo. Chuyến đi để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên về cảnh vật và con người tại Seatttle.

Năm nay, chị Nguyễn Ánh Tuyết có nhã ý mời tôi viếng thăm Tacoma, một thành phố cách Seattle khoảng 45 phút lái xe. Chúng tôi biết nhau đã khá lâu, có những ngày trò chuyện trên điện thoại nhiều giờ đồng hồ, thật gần và ấm áp. Có lẽ tình cảm chân thành đó khiến tôi quyết định chuyến đi giới thiệu quyển sách “Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi”.

Khi đến phi trường, tôi đang lơ ngơ thì đã thấy chị Tuyết đến đón. Dáng dấp của chị thật cao ráo, thanh thoát và khuôn mặt xinh xắn hiện ra nét hiều dịu, thành thật khiến người đối diện có cảm giác an tâm và gần gũi. Không hiểu tại sao, ngày xưa tôi yêu một người chị học chung trường QGNT, Sài Gòn cũng tên Tuyết. Tôi thương chị Tuyết suốt những năm tháng cô độc trong ngôi trường khang trang rộng lớn ở tuổi hoa niên. Rồi giờ đây, tôi lại có cảm giác tin tưởng và thương qúy người bạn thứ hai cũng tên Tuyết. Chị ở bên tôi suốt những ngày tôi đến Seattle.

Chị đưa tôi về căn nhà nằm sâu trong một khu vườn. Bên ngoài là chiếc cổng sắt khép hờ. Bên trong, trồng nhiều kiểng, hoa và những cây thông bao quanh. Có một hồ cá nho nhỏ nuôi những con cá kiểng toàn thân màu trắng đốm đen và màu cam bơi lội tung tăng. Khu vườn rộng lớn được chăm sóc và cắt tiả cẩn thận. Trong nhà, cách bày trí cũng rất mỹ thuật, gọn và xinh xắn. Anh Chinh, phu quân của chị chưa bao giờ gặp tôi. Nhưng anh lại rất hiếu khách. Suốt những ngày ở trong nhà anh chị, tôi bỗng cảm thấy như mình đang sống trong gia đình của anh chị ruột.

 

VITORIA-CANADA

Chị Tuyết đã chuẩn bị chuyến đi sang Canada. Sáng thứ Tư 24 tháng 10. Anh Chinh thức dậy sớm đưa hai chị em ra bến tàu. Chiếc Clipper Navigation lướt sóng đưa chúng tôi rời bến. Từ trên tàu nhìn xuống biển một màu xanh ngắt. Hai chị em được dịp tâm sự và kể cho nhau nghe ngày chạy loạn 30 tháng 4, 1975. Những câu chuyện chị kể thật hấp dẫn bởi nó dẫn dắt tôi quay trở lại biến động lịch sử và số phận của từng con người với bao nỗi buồn, niềm vui, sự đau khổ và bất hạnh mà mỗi người Việt Nam đều phải nếm trải.

Khi chúng tôi đến Vitoria, Canada, trời thật thấp, mây đen giăng kính bầu trời và chuẩn bị cho một cơn mưa. Gió hiu hiu lạnh se thắt cả da thịt. Mùa thu nơi đây mang hơi sương và những cơn mưa nhỏ đủ làm ướt mái tóc của những người lữ khách như chúng tôi. Chuyến xe bus đã đưa chúng tôi thăm viếng quanh thành phố Vitoria và ghé lại vườn hoa

Butchart. Đây là một vườn hoa có một lịch sử khá lý thú do ông Obert Pim Butchart (1856-1943) xây dựng. Vườn Butchart nằm gần Victoria trên đảo Vancouver, hàng năm thu hút hơn một triệu du khách. Đó là những khu vườn được đánh giá là Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Canada. Khu vườn nầy, hiện nay vẫn do dòng họ ông Butchart sở hữu. Ngay cổng chính, có treo tấm bảng rất lớn: “The Butchart Garden”, gần bên là một nhà hàng rất thanh nhã. Trời mưa lất phất, hai chị em đói meo nên vào trong ăn trưa và chọn một lò sưởi để ngồi cho ấm. Bánh mì ở đây thật ngon miệng. Mùa thu, mưa nơi đây hơi nhiều nên nhiều hoa hồng đã tàn nhường chỗ cho những vườn hoa cúc vàng, tím, trắng... nở rộ. Những con đường quanh co thoai thoải, hai bên đầy hoa và những hàng cây kiểng xanh tươi dẫn chúng tôi lên đến những ngọn đồi đầy cây maple đã đổi thành màu đỏ, màu nâu, màu vàng, màu cam trông như những đoá hoa đang bừng sáng giữa sắc trời mùa thu u uẩn và buồn. Hai chị em đến thung lũng Fountain, xung quanh là hoa, kiểng và nhìn xuống thung lũng là một hồ nước rộng lớn được bao quanh bởi vách đá. Từ lòng hồ, những tia nước trắng xoá phún lên thật ngoạn mục.

Những ngày ở đây, chúng tôi đi lên phố nhìn khách sạn The Empress được bao quanh bởi những loại dây leo màu cam, màu rượu chát. Khách sạn nầy rất nổi tiếng bởi sự đồ sộ và có một lịch sử lâu đời của nó. Tên nguyên văn của nó là The Fairmont Empress. Nằm trên con đường chính, đối mặt với bến cảng Inner. Khách sạn the Empress đã trở thành một biểu tượng của thành phố.

Khách sạn có 477 phòng hầu hết nhìn ra bến cảng Inner hoặc sân vườn phía sau của khách sạn. Nó có bốn nhà hàng. Trong số đó, có nhà hàng The Lounge Bengal, được trang trí trong thời đại Victoria, phong cách Ấn Độ Colonial, khi Nữ hoàng Victoria Hoàng hậu của Ấn Độ). Khách sạn được xây dựng giữa năm 1904 và 1908. Nó được xây thêm vào giữa năm 1909 và 1914, và vào năm 1928. The Empress đã từng là nơi đón tiếp các vị vua, hoàng hậu, ngôi sao điện ảnh và những người nổi tiếng. Và ngày 30 tháng 5 năm 1939 Vua George VI và Nữ Hoàng Elizabeth đã tham dự một bữa ăn trưa tại Empress. Họ là khách mời của chính quyền Victoria.

Bên cạnh bến cảng Inner, còn có toà nhà Victoria. Ban đêm, điện sáng trưng bao quanh toà nhà như một cung điện sáng chói với mái vòm tròn đầy bí ẩn. Khi đói, chúng tôi đi lên phố tìm tiệm ăn “Lepetit SaiGon” của người Việt Nam. Tiệm ăn nầy do một gia đình người Cần Thơ làm chủ. Cô gái tiếp chúng tôi có mái tóc dài, nước da nâu, và khuôn mặt trang điểm rất Canada. Chỉ duy nhất nụ cười của cô là còn phảng phất lại hình ảnh của một có gái Việt Nam. Món ăn mà chúng tôi thích có lẽ là món lẩu cá, ăn với bún. Hai buổi lang thang trong thành phố Vitoria, tôi nhận ra được sự thanh lịch và êm ả của khung cảnh mùa thu nơi đây. Dọc theo bến cảng là những con tàu cập bến, du khách tấp nập ra vào nhưng không ồn ào, náo nhiệt và nhiều xe cộ qua lại. Chỉ có buổi chiều sau khi tan sở, đường phố mới sôi động lên một chút rồi cũng im lìm khi màn đêm buông xuống.
 

SPACE NEEDLE

Sau 7 năm, tôi mới có dịp trở lại trụ sở Văn Hoá Đông Phương của nhà thơ Quốc Nam, Giám Đốc đài truyền thanh SRBS. Hơn 50 mươi năm say mê với ngành truyền thông, dù nhọc nhằn ông vẫn đeo bám như một người tình không thể dứt bỏ. Ban đầu, tôi khá ngạc nhiên về ông. Sau nầy, quen thân và tìm hiểu mới biết cái máu nghệ sĩ, và sự đam mê kỳ lạ về nghề viết lách đã làm cho ông bỏ quên những cơ hội làm giàu như bao nhiêu bạn bè ông. Hiền thê ông là chị Dung, người đàn bà miền Nam giản dị, mộc mạc đã chân thành yêu ông và chăm sóc ông trong suốt cuộc hành trình đi tìm con chữ cho đời. Ngày tôi đến trụ sở thăm vợ chồng ông, chị Dung ngồi làm việc một mình. Trông chị khoẻ mạnh vui tươi như xưa nhưng tóc đã điểm nhiều sợi bạc. Thời gian đang phủ trùm lên cuộc đời mỗi chúng tôi như một định luật của thiên nhiên và trời đất.

Nhà thơ Quốc Nam đưa tôi đi một vòng, hai anh em đi ăn trưa rồi tham quan Space Needle, một toà nhà hình tròn, cao 604 feet (184 m) là biểu tượng của Seattle. Anh kể say sưa về lịch sử hình thành tiểu bang Seattle, về những nét độc đáo riêng của Cao Nguyên Tình Xanh do anh đặt tên. Về đây, thong dong vài ngày và tìm hiểu cảnh vật và con người tại Seattle, tôi mới hiểu vì sao một người năng động, sôi nổi như nhà thơ Quốc Nam lại chọn nơi đây làm nơi dừng chân cuối cùng, sau những cuộc lãng du mỏi mệt của một đời nghệ sĩ.

 

TÔI ĐI CHÙA PHƯỚC HUỆ

Ông xã tôi báo cơn bão Sandy sẽ rất dữ dội nên khuyên tôi xem TV, nghe đài để biết mà đổi chuyến bay trở về sớm. Nhưng cái tật lơ đễnh và ham chơi của tôi, nên tôi quên mất tiêu. Tôi lại còn tò mò muốn biết về ngôi chùa Phước Huệ mà chị Tuyết luôn dốc tâm để vận động đồng hương trong việc xây dựng. Đến Chùa Cổ Lâm đã thấy nét đẹp và kiến trúc lạ mắt của ngôi chùa, thì đến chùa Phước Huệ mới thấy được sự yên tĩnh, tao nhã của ngôi chùa và khung cảnh xung quanh. Ngôi chùa được bao bọc bởi cảnh Tứ Động Tâm với những tượng Phật khắc từ đá công phu. Một cái chuông đồng treo lững lờ dưới tháp xinh xắn, và trên những lối đi rải rác những tấm bia khắc Kinh Pháp Cú. Chánh điện rộng lớn, Giữa chánh điện là bức tượng Phật thật lớn, oai nghiêm và hiền từ. Mọi người đang im lặng tụng kinh và nghe lời thầy Trú trì giảng đạo. Sau giờ tụng niệm thì đến buổi cơm chay thật ngon. Tôi có dịp uống một ly trà do thầy Thích Phước Toàn pha. Và còn được thầy tặng cho một tập thơ dưới bút hiệu Tuệ Minh. Tôi thích 4 câu thơ cuối trong bài thơ “Mong Manh” của thầy:

Mới như xuân, mới tinh anh

Chợt hoa chiều rụng lá cành thu rơi

Kiếp người cùng với kiếp người

Nào ai ôm trọn một thời xuân thu?!

                    (Tuệ Minh - trích trong thơ Người Về Tìm Dấu Chân Xưa)

Lâu lắm rồi, kể từ khi rời khỏi Việt Nam hai mươi năm qua, tôi rất ít có thời gian đi chùa. Những kinh kệ ngày xưa còn bé tôi đã dần dần quên hết. Thỉnh thoảng mới ghé qua thắp vài ném nhang để tâm hồn yên tĩnh và bình an. Chị Tuyết là một người mộ đạo. Chị đi chùa mỗi tuần và còn rủ rê phu quân là anh Chinh đi cùng. Ngày Chủ Nhật, chị ở trong chùa suốt từ sáng đến tối. Lo cho chùa xong, thì chị chú ý đến lớp dạy Việt Ngữ cho các cháu thanh thiếu niên trong cộng đồng. Các cô giáo dạy tại trường Việt Ngữ Phước Huệ đầy nhiệt huyết và tận tâm. Họ thích những sinh hoạt văn hóa, giúp đỡ cộng đồng và gắn bó với chùa. Tôi được mời ăn một bữa lẩu chay do chính tay các cô giáo nấu đãi thật ngon. Nhà chị sách của Sư ông Nhất Hạnh khá nhiều. Chị đọc và ngưỡng mộ tư tưởng của Sư Ông. Chị tặng tôi một quyển “Cho Đất Nước Đi Lên” và tôi đang đọc để hiểu Sư Ông muốn gởi gấm những gì trong thời gian trở về Việt Nam.

Khi theo chị Tuyết đến chùa, tôi mới biết vì sao chị thích mặc quần áo màu nâu hơn những màu khác. Chị yêu màu nâu. Màu của mùa thu u sầu, màu của nâu sòng, màu chánh niệm của Phật giáo. Nó đơn sơ mộc mạc, giản dị và thật gần với cái tâm rộng lượng của chị. Chị xả thân cho người mà không cầu mong được hưởng danh lợi gì cho mình. Bởi vậy, khi tôi đọc toàn bộ tập thơ của chị, tôi cảm động về hình ảnh chị mang vào thơ không phải cho chị mà là những bài thơ khóc cho tha nhân, cho những người kém may mắn hơn mình. Tôi yêu mến chị từ đó. Cũng từ những ngày bên chị, tôi biết thêm về những người chị quen, về quá khứ của gia đình chị, của anh Chinh, của các con chị.

Buổi trưa đi dạo bờ biển với anh Chinh hay đi chợ với anh, tôi nghe anh kể chuyện mới biết anh có một kiến thức uyên bác. Nhưng anh thích sống thu mình lại trong căn nhà xinh xắn của mình và mỗi sáng cho cá ăn và nghe những bản nhạc Opera cổ điển. Anh có một trí nhớ đặc biệt và biết hầu hết những ca sĩ, và những bản nhạc nổi tiếng từ cổ chí kim. Con người nầy cũng khá độc đáo đấy. Càng đi mới thấy mình chẳng là gì? Chẳng biết gì cả? Chỉ là con cóc ngồi đáy giếng và cứ kêu wạp…wạp…cho mình nghe thôi.
 

BÃO SANDY

Chuyến bay của tôi đã bị hoãn lại ba ngày. Bão Sandy, một trong những cơn bão lớn nhất đánh vào vùng Đông Bắc nước Mỹ làm thiệt mạng hơn 90 người, gây thiệt hại về kinh tế gần 50 tỷ đô la. Ba ngày đó, tôi ngồi đứng không yên khi thấy bão quét ngang qua Washington D.C. tàn phá New York, New Jersey làm nhà cửa sụp đổ, hơn 100 ngôi nhà ở Breezy Point, quận Queens, New York bị cháy rụi hôm 31/10. Atlantic City, công viên giải trí Seaside Heights bên bờ biển New Jersey bị tàn phá nặng nề. Tại New York, trung tâm Manhattan ngập nước, và khoảng 20.000 người đang sống trong cảnh mất điện, chỉ còn tháp Tự Do là còn đèn sáng. Nước từ sông East và sông Hudson dâng cao, mưa gió lớn đã làm ngập toàn bộ hệ thống xe điện ngầm, và công viên Battery chìm trong biển nước.

Những ngôi nhà ở khu Fenwick, tiểu bang Delaware bị ngập lụt và bãi biển Bethany lân cận là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Sandy

Tốc độ gió gần 130 km/giờ và mưa lớn, trãi dài 11 tiểu bang từ Bắc Carolina đến Maine, khiến gần 3 triệu người mất điện.

     

h1. Queens, New York bị cháy ngày 31/10. Ảnh: AP / h2. Những ngôi nhà ở khu Fenwick, tiểu bang Delaware bị ngập lụt và bãi biển Bethany / h3. Tại thành phố New York, khoảng 20.000 người mất điện, chỉ còn tháp Tự Do là còn đèn sáng.

Tổng thống Barack Obama, và Thống Đốc Mitt Romey đã đã hủy bỏ cuộc vận động tranh cử và lo cho người dân đối phó với bão Sandy.

Tôi lo lắng đến mức không làm được gì cả, chỉ xem TV để biết được tình hình. Ngày thứ Hai 29 tháng 10, 6 giờ sáng cô Xuân Nga, giáo sư của tôi gọi hỏi thăm. Tội nghiệp cô bao giờ cũng quan tâm đến tôi còn tôi thì mệt quá lo ngủ. Đến khi xem TV thấy nước tràn vào New Jersey mới thương cô vô cùng.

Những ngày ở Seattle tôi mới gặp lại vợ chồng người bạn cố tri từ thời còn đi học. Kim dẫn cháu Phong đến thăm tôi và được chị Tuyết đãi một bữa bánh cuốn nhân thịt gà rất ngon. Hai người bạn lâu năm ngồi kể cho nhau nghe những chuyện xa xưa giờ đã trở thành kỷ niệm.

Ngày thứ Ba, chị Tuyết lo cho tôi nên cũng không đi làm. Tôi hành chị đưa tôi ra sân bay để đăng ký chuyến bay dù trời đang mưa tầm tã. May quá! Tôi đã có chuyến bay sớm vào ngày thứ Tư.

Trên đường về một chiếc xe trắng trợt bánh, xoay một vòng từ lane đường bên trái, văng qua 3 lane và bay xuống lề đường. Chiếc xe trợt ngang qua xe chúng tôi. Hú hồn là không có tai nạn xảy ra. Thật tội nghiệp cho người lái xe. Chúng tôi cầu nguyện cho ông bình an, không có gì xảy ra.

Chuyện hai chị em vẫn chưa kể hết. Có thể vì hạp tính nên cứ quấn quít kể chuyện đến nửa đêm mới đi ngủ.

Sáng hôm sau, chị Tuyết đánh thức tôi dậy. Anh Chinh lo nấu cơm để đùm túm, lo cho cô em gái đi ăn dọc đường sợ tôi bị đói. Tôi thật cảm động sự chăm sóc của anh. Anh đưa tôi ra sân bay và hình ảnh của anh Chinh nghiêm nghị, ít nói ban đầu đã biến mất.

Tôi lên máy bay và cứ mơ màng, tôi nhớ căn nhà xinh xắn, cái giường nhỏ tôi ngủ và những khuôn mặt dễ mến của người Seattle mà tôi đã gặp.

Lần nào về Seattle, tôi cũng có ấn tượng ấm áp, thân mật, gần gũi với những người bạn đã quen lâu năm và những người mới quen. Trong số đó, có chị Minh Anh Hodge, một Tiến Sĩ Giáo Dục, người phụ nữ có dáng dấp rất Tây, trí thức, và nói tiếng Anh như gió. Chị đang là Giám Đốc của chương trình song ngữ, và trông coi mấy chục trường Tiểu Học trong Khu Học Chánh Tacoma. Chị sinh hoạt trong cộng đồng một cách kín đáo. Chị Tuyết vẫn thường kể về chị và những hoạt động giáo dục mà chị lúc nào cũng tha thiết vun xới cho thế hệ trẻ. Chị không từ nan bất cứ một việc gì nhất là những việc đem lợi lạc cho những sắc dân thiểu số. Chị luôn là chiếc bóng song hành hỗ trợ chị Tuyết trong tất cả những sinh hoạt giáo dục, và những vấn đề có ích cho cộng đồng người Việt. Tôi rất tiếc là những nhân tài hiếm quý thực sự có tấm lòng như chị lại chưa được nhiều người biết đến rộng rãi.

Trong dịp này tôi cũng được gặp lại một người bạn lão niên, chị Kim Bảng. Chị mộc mạc và dễ thương qua những lần điện thoại để rồi gần gũi ngay lần đầu hội ngộ.

Bài viết muộn màng nầy thay cho lời cảm tạ. Tạm biệt Tacoma, Seattle. Hẹn ngày tái ngộ.


THAY LỜI CẢM TẠ

Mùa thu tại Tacoma trời vần vũ nhiều mây. Những đám mây xám kéo bầu trời xuống thấp. Chắc cơn bão từ miền Đông theo Phong Thu về đây, một vị khán giả đã đùa như thế. Nắng chỉ ửng lên trong vài giờ đồng hồ và mưa cứ rả rích kéo về. Ngàn cây xào xạc những chiếc lá đổi màu và rơi rụng vương vãi khắp nơi.

Sáng thứ Bảy, 27 tháng 10, tại Hội Trường Tiểu Học Blix, thành phố Tacoma, là nơi tổ chức chương trình giới thiệu quyển sách song ngữ “Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi” của nhà văn Phong Thu. Buổi Ra Mắt Sách được sự bảo trợ của Chương Trình Song Ngữ của Nha Học Chánh Tacoma, và Trung Tâm Văn Hóa Á Châu Thái Bình Dương.

Mưa như trút nước. Nhưng quan khách không ngại mưa gió đã đến tham dự khoảng 150 người.

Khách đến từ mọi nơi. Từ Seattle, có nhóm thân hữu do anh Quốc Nam, Giám Đốc Đài Radio Sài Gòn mời đến từ Seattle gồm các văn nghệ sĩ và các cơ quan truyền thông báo chí. Từ Olympia, chị Trần Mỹ Dung, hiệu trưởng trường Việt Ngữ Hùng Vương, anh Tân Thục Đức và các thân hữu. Ông Bùi Quốc Hùng, đại diện Việt Báo Miền Nam. Trong những vị đại diện hội đoàn, có ông Hội Trưởng Hội Tương Trợ Việt Nam, Pierce County WA – Huỳnh Tấn Tuân, cùng Hội Đồng Quản Trị. Đại diện Hội Quảng Nam Đà Nẵng có bác Đỗ Hạnh và một số hội viên. Từ các trường Trung và tiểu học, các giáo chức Việt, Mỹ, Lào, Cambodian của Nha Học Chánh Tacoma tham dự rất đông, và một vài vị đại diện cho Trung Tâm Văn Hóa Á Châu Thái Bình Dương. Bà hiệu trưởng Trung Tâm Lincoln Beauty School, Nancy Đặng, và cô Minh Đức Nguyễn, Giám Đốc Nhóm Một Dấu Nối cũng dành chút thì giờ bận rộn của cô để tham dự. Tuy nhiên đông đảo nhất vẫn là đồng hương tại Tacoma và các vùng phụ cận. 

Mở đầu chương trình ông Nguyễn Hữu Phúc, Tổng Thư Ký của Hội Tương Trợ hướng dẫn phần chào cờ Việt-Mỹ và mặc niệm những chiến sĩ và đồng bào đã bỏ mình trên con đường tranh đấu bảo vệ tự do, dân chủ. Bà Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của Trung Tâm Văn Hoá Á Châu Thái Bình Dương – Patsy Surh O'Connell lên giới thiệu về Trung Tâm và nói rằng họ đã bảo trợ nhiều buổi ra mắt sách của các sắc dân Châu Á Thái Bình Dương. Những sinh hoạt văn hóa là tâm điểm của trung tâm này. Bà cảm ơn nhà văn Phong Thu đã đóng góp trong sinh hoạt văn hóa đa dạng của thành phố.

Tiến Sĩ Giáo Dục Minh Anh Hodge giới thiệu thành phần quan khách tham dự và chào mừng tác giả. Sau đó, chị Nguyễn Ánh Tuyết lên giới thiệu ngắn gọn về tiểu sử tác giả và tác phẩm. Những quan khách ngoại quốc đã được Tiến Sĩ Minh Anh Hodge diễn giải bằng Anh ngữ toàn bộ chương trình. Chị Trần Thị Mỹ Dung, Hiệu Trưởng Trường Việt Ngữ Hùng Vương, đã chia sẻ với quan khách về quyển sách “Sài Gòn Mưa Rơi” mà bà đã được đọc. Bà cho rằng quyển sách làm cho nhớ quê nhà và làm bà rơi lệ. Nhất là tác giả tả những cơn mưa. Và mỗi cơn mưa đều khác nhau ở từng không gian và thời gian trong từng cốt truyện.

Chương trình ra mắt sách còn xem kẽ chương trình văn nghệ với giọng ca trầm ấm, ngọt ngào của ca sĩ Lâm Mai Hương. Giọng ca điêu luyện của cô hát về Sài Gòn đã gợi lại những dư hương của quê nhà trong lòng khán giả. Một giọng hát nam, anh Tony Trần cũng phụ họa song ca với ca sĩ Lâm Mai Hương đã làm vui nhộn thêm chương trình. Ngoài ra quan khách còn được thưởng thức một bữa ăn nhẹ gồm gỏi ngó sen, chả giò, gỏi cuốn, bánh ngọt và cà phê, trà, xôi…do những tấm lòng và bàn tay khéo léo của quý thân hữu Tacoma nấu nướng. Không khí rất vui tươi và đầm ấm. Chị Lê Thanh Hòa đã đóng vai nhiếp ảnh gia nhiệt tình chụp cho ban tổ chức những tấm hình rất đẹp.

Nhà văn Phong Thu tâm sự là chị không ngờ buổi ra mắt sách thành công ngoài dự kiến. Chị gởi lời cảm tạ đến Ban Tổ Chức, Những Cơ Quan Bảo Trợ, Những vị mạnh thường quân ủng hộ tài chánh, phần ẩm thực, và các cô, bác, anh, chị đã giúp tại hội trường, và những thân hữu đã đến tham dự và mua sách. Sự khích lệ này làm Phong Thu thêm nhiệt năng để hoàn thành quyển sách kế tiếp đặc biệt cho các em thiếu nhi.

Được biết, số sách tác giả mang theo trên 140 đã bán hết trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Chương trình ra mắt sách kết thúc vào lúc 4 giờ 30 phút cùng ngày và để lại một dư âm lưu luyến cho quan khách tham dự /.

 


PHONG THU

Tên thật: Nguyễn thị Phong Thu, sinh Trưởng tại Bình Dương, Việt Nam.

Cựu học sinh Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Gia Định, Sài Gòn.

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn với hai bộ môn Kỹ thuật Văn chương và Tâm Lý Giáo Duc.

Cựu giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Bình Dương, Việt Nam.

Bắt đầu cầm bút 1980. Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Truyện ngắn:

-  Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ (2003)

-  Đóa Phù Dung (2005)

 Nhà Văn Phong Thu và gia đình hiện đang cư ngụ tại Maryland, WA -  DC

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |    LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.