.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Thạch Lang

 

Dấu tích văn hóa

Văn hóa Việt Nam là văn hóa gia đình. Nếp sống Việt Nam là nếp sống gia đình. Gia đình ở Việt Nam là một đại gia đình trong đó ta có ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ và các anh chị em… Ở đâu trong đại gia đình, ta cũng có người để thương yêu và được thương yêu. Mẹ đi vắng thì ta còn có bà, có cô hoặc có dì. Ba đi vắng thì ta còn có bác, có chú hoặc có cậu. Ta có nhiều anh chị em ruột thịt, chú bác, cậu mợ để chơi đùa, tâm sự và thương yêu. Ta lại còn có bà con hàng xóm để quen thân và gần gũi như trong một gia đình. ‘‘Bà con xa láng giềng gần’’ nghĩa là láng giềng có thể gần gũi, thân thiết với ta còn hơn cả những người bà con ở xa. Do đó ta không bao giờ cảm thấy cô đơn, lạc loài và buồn chán trong môi trường dễ thương ấy. Tình thương, sự săn sóc, chú ý của những người trong gia đình, dòng họ và láng giềng luôn luôn có mặt để nuôi dưỡng và che chở cho ta. Ta bơi lội một cách sung sướng trong cái ao mát mẻ của đại gia đình cho đến khi lớn lên, tới ngày ba mẹ cưới vợ, gả chồng rồi mà ta vẫn còn mong muốn ở chung với cha mẹ và gia đình. Khi ra ở riêng, ta vẫn thường quanh quẩn, quyến luyến bên đại gia đình và cha mẹ của ta.

Trong khi đó thời đại bây giờ, gia đình Việt Nam sinh sống ở Tây phương và cả những gia đình người bản xứ rất là nhỏ bé, chỉ có vỏn vẹn hai vợ chồng và một hoặc hai đứa con. Ông bà ta không biết ở đâu hoặc ở xa lắc xa lơ hoặc đã bị gửi vào trong một nhà dưỡng lão. Có khi ba mẹ giận ông bà nên ta chẳng có chút liên hệ gì mật thiết với ông bà. Ta chẳng biết ông bà ta là ai! Cháu thiếu tình yêu đầm ấm của ông bà, và ông bà thiếu năng lượng hồn nhiên, tươi mát và thương yêu của cháu. Hai thế hệ hoàn toàn cách biệt. Ở Tây phương lại có thói quen là giới trẻ tới tuổi mười tám đều muốn thoát ly ra khỏi gia đình. Có thể gia đình của họ là một tù ngục của khổ đau. Họ không có hạnh phúc trong gia đình cho nên đa số giới trẻ đều chờ đợi tới tuổi thoát ly. Họ muốn sống tự do đời sống cá nhân, để muốn làm gì thì làm cho hả hê, cho thoải mái. Luật pháp bảo vệ cho họ được hoàn toàn tự do, và cha mẹ không có quyền xâm phạm tới đời sống riêng tư của họ. Đây là một lề thói, suy tư và lối sống hoàn toàn xa lạ với văn hóa Việt Nam, và giới trẻ Việt Nam ở Tây phương có thể đang chạy theo lối sống này. Nó có vẻ hấp dẫn lắm nhưng trong thực tế giới trẻ bây giờ cảm thấy lạc loài và bơ vơ. Họ khao khát tình thương và hạnh phúc nhưng đời sống cá nhân với nhiều ham muốn và dục vọng đã tạo ra nhiều đổ vỡ trong liên hệ đôi lứa do đó xã hội hiện tại sinh ra nhiều vấn đề tù tội, bạo động, nghiện ngập, bệnh tâm thần… Đời sống người Việt Nam, không có gì là riêng tư cả. Tất cả là của gia đình, dòng họ, tổ tiên và đất nước.

Gia đình là chiếc nôi êm ấm chở che cho ta. Hồi nhỏ, mẹ đã dành cho ta chiếc nôi ấy, và mẹ ru cho ta mỗi ngày. Giọng hò tiếng ru của mẹ cứ thấm vào tâm hồn của ta. Mẹ hò những bài ca dao chan chứa tình quê hương đất nước, tình nghĩa đồng bào như:

‘‘Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.’’

‘‘Mẹ già như chuối chín cây

Gió lay mẹ rụng con thời mồ côi’’…

Mẹ lại hò những bài ca về nỗi nhớ thương của người thiếu phụ trông chờ chồng mòn mỏi ở chốn sa trường. Những bài ca thương yêu, tình tự quê hương, tình yêu đất nước cứ thấm dần vào lòng tuổi thơ để làm ra bản chất tình cảm, suy tư, thương nhớ, vui buồn trong ta.

Gia đình là đất thơm nuôi dưỡng cho cây tức là ta để cây đơm hoa kết trái cho cuộc đời. Gia đình là mảnh vườn mầu mỡ nuôi dưỡng đời sống ta. Mẹ là đất; ba cũng là đất. Ông bà, cô chú, cậu dì và anh chị em đều là đất của ta. Trước khi đi Ba Tây để hướng dẫn hai khóa tu và giảng bốn bài pháp thoại công cộng tại hai thành phố nổi tiếng là Rio des Janerio và San Paulo, tôi có viết cho các thầy và các sư cô ở Vermont một lá thơ như thế này:

Các thầy các sư cô thương mến,

Pháp Đăng rất tiếc là phải xa các thầy, các sư cô và hai tu viện thêm một lần nữa. Năm nay Pháp Đăng phải vắng mặt ở tu viện nhiều ngày nhiều tháng. Đó là do yêu cầu của đại chúng và nhu yếu của những người thiền sinh. Vì người ta khổ quá nên chúng ta không nỡ từ chối lời kêu gọi của họ. Chỉ thiệt cho Pháp Đăng không có cơ hội để nhận sự nuôi dưỡng của tăng thân do đó Pháp Đăng cần sự nâng đỡ và hộ niệm của các anh chị em. Các thầy các sư cô là đất và Pháp Đăng là cây. Đất nuôi dưỡng, thương yêu và che chở cho cây bấy lâu nay. Cây lớn lên mạnh khỏe đều nhờ đất. Đi ra ngoài nhiều, Pháp Đăng cảm thấy hơi mất mát và héo mòn. Thứ năm này, Pháp Đăng lại phải lên đường đi Nam Mỹ nên không được ngồi ăn cơm, đi thiền, nghe pháp cùng các thầy và các sư cô. Thật là tiếc lắm. May mắn thay! Pháp Đăng đã được ở tu viện hai ngày cùng các thầy nên đã hưởng được không khí thanh tịnh và đầm ấm của anh em. Năng lượng tu tập của các thầy thật là vững vàng, và không khí tu viện luôn luôn lành mạnh, mát mẻ và xanh tươi. Chỉ ở hai ngày thôi, Pháp Đăng đã cảm thấy khỏe ra nhiều lắm. Xin chân thành cám ơn các thầy và các sư cô. Mong các thầy các sư cô hãy giữ gìn đất cho mẹ và cho cây. Hôm nay Pháp Đăng không được gặp sư em Quy Nghiêm, Thường Nghiêm, Doanh Nghiêm và Hạc Nghiêm nên xin gửi lời thăm các sư em ấy.

Thương nhiều.

Không có đất, cây không thể hút dinh dưỡng để lớn lên mạnh khỏe mà đơm hoa kết trái. Đất khô cằn là lỗi của ta chứ không phải lỗi của đất. Mảnh vườn tàn tạ, khô héo, không khoe hương sắc là lỗi của ta chứ không phải lỗi của mảnh vườn. Ta đã không biết chăm sóc, vun xới và cày cấy cho đất. Ta đã không biết nghệ thuật làm vườn và chăm sóc cho cây cối. Cho nên ta hãy thương yêu các em, hãy mỉm cười với các em, hãy rót cái nhìn dịu hiền với các em, hãy nói lời dễ thương với các em mà xin đừng la rầy các em mỗi khi nóng giận, xin đừng phản ứng mỗi khi các em lỡ lầm… Ai mà đã từng không vụng về và lỗi lầm. Đôi mắt trìu mến, nụ cười hiền lành là nước ngọt làm cho đất mềm mại và để cho mảnh vườn trở nên xanh tốt. Tăng thân là một gia đình tâm linh trong ấy ta có bổn sư, sư bác, sư thúc, sư cô, sư anh, sư chị và sư em. Như thế, người tu có gốc rễ nơi hai gia đình tâm linh và huyết thống. Ta hãy sống như thế nào để cắm rễ, có liên hệ một cách thâm tình, sâu sắc và tuyệt hảo với những người thân yêu trong hai gia đình ấy. Nhờ vậy ta là cây có cội, có nguồn, có gốc nơi ấy ta có thể đâm ra được thật nhiều rễ. Ba mẹ ông bà, cô chú, cậu mợ, dì dượng, anh chị em là rễ của ta. Sư Ông, Thầy, chư vị Tổ sư và tăng thân là gốc rễ của ta. Càng có nhiều rễ, ta càng cắm sâu vào lòng đất của gia đình để hút nước, khoáng chất và dinh dưỡng mà lớn lên thành người.

‘‘Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp

Suối nguồn huyết thống nguyện khai thông’’

Gia đình là trường học đầu tiên dạy ta thành người hữu dụng cho xã hội. Mẹ là cô giáo đầu lòng. Ba là thầy giáo nghiêm khắc và thương yêu nhất trên đời. Bà, ông, cô, chú, bác, chị, anh và em đều là thầy cô giáo của ta. Ta học làm người, học ăn nói, học phép tắc, học lễ nghĩa, học thương yêu, học tha thứ… Thiếu gia đình, ta sẽ không lớn lên thành người. Ta sẽ trở thành em bé lang thang đầu đường cuối chợ. Ta sẽ không được giáo dục, thương yêu, chăm sóc và dạy dỗ một cách đàng hoàng. Do đó lớn lên, ta sẽ không biết cách thương yêu, chăm sóc và dạy dỗ người khác. Ta sẽ trở thành người không có văn hóa. Cho nên đời sống của một người có liên hệ mật thiết với những người trong gia đình, dòng họ, bà con và hàng xóm. Tình yêu, ước mơ, nhu yếu, sở thích của một người là tình yêu, ước mơ, sở thích của cả gia đình, dòng họ, tổ tiên. Không có gì gọi là riêng tư (privacy) trong gia đình Việt Nam. Cái ăn, cái mặc, niềm vui, tình yêu, ước mơ.. đều là của cả gia đình. Điều này có thể thấy rõ trong ngôn ngữ, xưng hô, cưới gả, tình cảm… của ta. Muốn nói chuyện với ai, ta luôn luôn thiết lập liên hệ với người ấy. ‘‘Thưa ba! Con mời ba ăn cơm. Thưa mẹ! Mẹ cho phép con đi học. Chị ơi! Chị cho em đi chơi với nhé. Thưa cô! Cô cho cháu gánh gánh nước này, xách bó rau kia cho cô. Không phải chỉ với những người trong gia đình, ta mới xưng hô như thế mà với bà con hàng xóm, ta cũng xưng hô thân thiết như người thân trong một gia đình. Đó là văn hóa, là nề nếp, là lễ nghi của người Việt Nam. Đi trên đường làng gặp ông cụ xa lạ, ta cũng vòng tay lại: Thưa ôn! Ôn đi mô rứa. Ôn cho cháu đỡ ôn lên đò. Thưa mệ! Mạ cháu mời mệ qua ăn trầu!’’ Trong cách xưng hô của người Việt, ta ít khi nghe tiếng xưng hô ‘tôi và ông’ (I and you) cũng có nghĩa gần với cách xưng hô ‘tao với mày’. ‘Tôi’ thường không nên dùng để xưng hô trước đám đông bởi vì nó có vẻ khách sáo, xa lạ, thiếu phép và thiếu lễ. Trước quần chúng, ta lại càng phải xưng hô khiêm nhượng hơn thế nữa. Là người trẻ tuổi, ta luôn luôn xưng con xưng cháu với mọi người. Lớn tuổi lắm, ta mới dám dùng chữ chúng tôi. Chúng tôi hoặc chúng ta là một đại danh từ, có ý nghĩa bao gồm cả người nói và những người nghe. Chúng ta là cách xưng hô thông thường trước quần chúng, trong đại gia đình, nơi xã hội bởi vì nó được bao hàm sự liên hệ mật thiết giữa người với người. Tuy nhiên, ‘Tôi’ cũng có thể dùng trong văn chương để diễn bày về kinh nghiệm, tình cảm, tư tưởng riêng của mình. Ví dụ: Tôi là người Việt Nam lớn lên nơi thế giới Tây phương. Tôi thấy được tầm quan trọng của đời sống văn hóa tâm linh bởi vì nó bảo tồn được hương sắc tươi đẹp của tổ tiên và không bị nhiễm bởi những tư tưởng, trào lưu của đời sống tiêu thụ, truỵ lạc của văn minh vật chất. Chữ tôi thường đi đôi với những gì thuộc về mình như thầy tôi, mẹ tôi, con tôi. Thầy tôi là thầy của tôi mà không phải là một người khác. Mẹ tôi là mẹ của tôi mà không phải mẹ của chị. Xưng hô này là cách xưng hô ám chỉ rõ ràng, cụ thể về mình và những gì thuộc về mình để người nghe hiểu rõ vấn đề. ‘Chúng tôi’ là cách xưng hộ khiêm nhượng và lễ độ hơn, không bị kẹt vào cá nhân chủ nghĩa như cách xưng hô ‘tôi’. Mày với tao là cách xưng hô của những người ở ngoài đường xó chợ, thiếu lễ phép, thiếu dạy dỗ, thiếu ăn học và thiếu văn hóa. Ở đâu đi nữa, cách xưng hô trong sự liên hệ gia đình chính là văn hóa, tập quán, nề nếp, lễ độ của người Việt Nam.

Cưới hỏi cũng thế. Thời trước, ông bà, ba mẹ đặt đâu con ngồi đó. Nghĩa là tình yêu, hạnh phúc, tương lai của ta là tình yêu, hạnh phúc và tương lai của cả hai gia đình. Hai gia đình tới với nhau để yểm trợ, công nhận và thương yêu hai người trẻ. Họ đại diện cho hai dòng họ để tiếp nối tinh ba của ông bà, tổ tiên và giống nòi. Do đó vợ chồng xem nhau như anh em. Chồng thương yêu, đùm bọc cho vợ như em của mình. Vợ thương kính chồng như anh của mình. Nói tóm lại, văn hóa Việt Nam là văn hóa gia đình, là dòng họ tổ tiên, là liên hệ mật thiết với nhau. Ta là anh em của nhau. Ta là bà con ruột thịt với nhau do đó ngôn ngữ ta luôn luôn diễn tả và hàm chứa sự liên hệ ấy. ‘‘Con xin chào các bác! Em xin nhờ chị giúp em. Thưa bác! Bác có thấy mẹ cháu ở bờ sông hay không?’’ Ta không phải là một cá nhân riêng biệt. Riêng tư là một tư tưởng xa lạ đưa vào. Chưa bao giờ ta có cái phòng riêng tư ở trong mái nhà Việt Nam. Tất cả là của gia đình, từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở cho tới tình cảm, thương yêu, hạnh phúc, tương lai… đều là của chung. Khi thương nhau, người Trung Hoa nói: ‘‘Ngộ ái nị’’, người Mỹ nói: ‘‘I love you’’, người Pháp nói: ‘‘Je t’aime’’ tạm dịch ra là tôi thương anh. Người Việt diễn bày tình cảm của mình qua sự liên hệ gia đình, ruột thịt và văn hóa: ‘‘Em thương anh, con thương ba, con thương mẹ, cháu thương bà…’’ Khi hai người trẻ yêu nhau, họ cũng thỏ thẻ với nhau rằng: ‘‘anh yêu em chứ không phải tôi yêu em.’’ Ta cũng thường nghe ông bà tổ tiên dùng danh từ ‘‘đồng bào ruột thịt, bà con láng giềng.’’ ‘Đồng bào’ tức là cùng một bào thai. ‘Láng giềng’ là những người lân cận, những người ở gần gũi bên cạnh nhau đều là bà con trong một gia đình. Tất cả chúng ta đã sinh ra từ một bào thai của mẹ Âu Cơ. Từ một bọc trứng kia nở thành một trăm đứa con nên nguồn gốc của ta là anh chị em ruột thịt. Liên hệ thân thiết ấy đã quá xa xôi trong lịch sử nên ta không còn nhớ tới cội nguồn ruột thịt ấy nhưng qua cách xưng hô, nếp sống, ngôn ngữ, tình yêu, ta có thể tiếp xúc được với dấu tích văn hóa và ghi nhớ lại nguồn gốc gia đình huyết thống, tâm linh, tình nghĩa anh em và đồng bào ruột thịt. Cho nên trong thi ca bình dân có câu:

‘‘Bầu ơi! Thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.’’

Do đó, xây dựng hạnh phúc gia đình, làm lành làm đẹp đời sống lứa đôi là cơ hội để hiểu được nguồn gốc văn hóa, tâm linh, tình cảm của ta thì ta sẽ hiểu được bản chất thâm sâu của đời mình. 

Thạch Lang

Không có con đường đưa tới hạnh phúc, hạnh phúc là con đường!

THẠCH LANG

 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.