.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ- Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Nguyễn Thị Thanh Dương

Một ngày trong cuộc sống

Khi chuông đồng hồ báo thức vang lên là anh Bông thức dậy đầu tiên, đèn trong bathroom bật sáng choang cũng đủ làm cho anh tỉnh cơn ngái ngủ, thoát ra khỏi giấc mơ nếu có.

Xong phần vệ sinh cá nhân anh vào phòng ngủ đánh thức Tabi và Betsy, hai đứa nằm ngủ lăn lóc trong đống chăn gối bừa bộn, anh phải bế từng đứa ra và dựng đứng lên cho nó tỉnh ngủ, con Tabi lại xụp xuống giường muốn ngủ tiếp.

Anh dứt khóat lôi hai đứa con gái vào bathroom để đánh răng rửa mặt. Tabi vẫn cau có nhăn nhó, Betsy mắt nhắm mắt mở lê từng bước một theo chân bố.

Tới màn thay quần áo cũng tốn kém không ít thời gian, cô nào cũng điệu, chỉ hết quần này đến áo nọ mới chọn được cái vừa ý. Quần áo có bấy nhiêu bộ, mà mỗi lần mặc đồ hai con Tabi và Betsy hào hứng làm như đang đứng trước một rừng quần áo mới mua chúng chưa từng biết đến bao giờ.

Anh Bông lắc đầu ngán ngẩm, mai mốt có chồng, hai con này chắc sẽ làm khổ thằng chồng không ít vì qúa khó tính và kén chọn.

Bây giờ thì hai cô bé đã tỉnh ngủ hẳn hoi, chúng tự đi giày và chờ đợi.

Chị Bông cùng thức dậy thời điểm đó, chị lo cho thằng út Cu Tí, thay tã lót, quần áo và cho nó bú một bình sữa đầy, xong chị pha sẵn 3 bình sữa để vào giỏ để mang đến day care.

Nhà có 2 bathroom, chị thong thả dùng cái còn lại.

Thế là cả nhà cùng ra xe, anh Bông chở cô con gái lớn Tabi đến nhà bà baby sit Brandy cách một block đường, chốc nữa bà sẽ chở Tabi đến trường gần đó và trưa đón về. Tabi sẽ ở nhà bà Brandy cho đến chiều bố đi làm về.

Nó luôn cẩn thận dặn dò thiết tha mỗi khi chia tay bố:

- Bố ơi, bố đừng quên đón con nhé?

Anh cũng dặn dò con:

- Con đến trường học ngoan nhé! Không bao giờ đến gần kẻ lạ mặt, nghe chưa?

Rồi hai bố con nhìn nhau, cảm động bịn rịn như một cuộc chia tay dài lâu không mong gì gặp lại.

Còn chị Bông, trên đường đi làm tới thành phố Ogden, Betsy và cu Tí “qúa giang” mẹ, ghé vào “day care” dọc đường.

Mẹ con chia tay nhau đủ kiểu, có hôm giao con cho cô giữ trẻ xong, chị Bông đi nhanh ra cửa như ma đuổi, nhưng có hôm không kịp vì con Betsy đã nhanh tay hơn, túm lấy váy chị, làm nũng khóc lóc, khiến cô giữ trẻ phải bế Betsy lên dỗ dành và đưa đồ chơi cho nó.

Hay có hôm thằng cu Tí nhìn theo mẹ khóc mếu và giơ tay đòi bế…

Những hình ảnh “thương tâm” đó theo chị đến sở làm, khiến chị mong sao 8 giờ làm việc trôi qua mau để được đón hai con về nhà.

Nhà có 5 người mà mỗi ngày chia tay mấy ngã, đường ai nấy đi. Gía mà có ông bà nội, ngoại thì đỡ cho anh chị Bông và 3 đứa trẻ, tiết kiệm được 1,500 đồng tiền trả day care và baby sit mỗi tháng chứ ít gì.

Giao “của nợ” xong, anh chị yên chí đến nơi làm việc. Chị hướng Bắc, anh hướng Nam, như hai cánh chim bay đi tìm mồi để nuôi sống gia đình, con cái.

Chị thương con, thỉnh thoảng vào giờ lunch gọi vào day care hỏi thăm chúng, chị không muốn gọi thường xuyên mỗi ngày vì biết người ta bận rộn, trông bao đứa trẻ, phụ huynh nào cũng quan tâm đến con mà gọi vào thì các cô giữ trẻ thì giờ đâu, tâm trí đâu mà trông lo cho con mình?

Nhưng không phải ngày nào cũng bình yên, có hôm chị đang làm việc thì cell phone chị reo lên, day care gọi, hôm thì Betsy nóng sốt, lúc thì thằng cu Tí ho hen. Thế là chị phải xin nghỉ làm, đến day care đón con về sớm.

Những ngày nghỉ phép của chị dành dụm từng giờ, chẳng phải để nghỉ ngơi, thảnh thơi ở nhà, mà để lo cho lũ con.

Trước kia gia đình chị sống ở Salt Lake City, gần nơi anh làm việc, nơi chị làm việc thì xa hơn nhiều, chị phải lái xe đến một địa điểm và đi carpool đến thành phố Ogden.

Khi cu Tí sắp chào đời, nhu cầu nhà ở tăng lên, anh chị đi tìm một căn nhà khác rộng hơn, ở giữa Salt Lake City và Ogden, để mỗi người đi nửa đoạn đường tới nơi mình làm việc, chị không phải đi qúa xa, cái cảnh “bất công” mà chị chịu thiệt thòi mấy năm nay.

Ai mà chẳng có một căn nhà lý tưởng trong đầu? Sống ở xứ núi Utah nên chị đã từng mơ một căn nhà trên núi. Đi dưới đường phố hướng nào cũng có núi, chị hay nhìn lên những ngôi nhà mọc trên núi mà thèm khát ước ao.

Chị đã nói với anh:

- Ở trên ấy mình sẽ tha hồ nhìn mây bay hay ngắm sao trời, và cũng thú vị khi nhìn thành phố bên dưới, tưởng như cả cõi phù hoa kia đều tầm thường, bé nhỏ dưới chân mình..

Anh chỉ nhún vai không đưa ý kiến, vì nếu trái ý vợ anh biết chắc là mình sẽ thua. Nhưng một hôm anh rủ chị đi dạo mát, chở chị đi qua nhiều đường phố lạ lẫm làm chị ngạc nhiên. Thì ra, anh đang chở chị đến Eaglewoods, khu nhà sang trọng đẹp đẽ trên núi ở North Salt Lake.

Chiếc xe quanh co ngược lên dốc, những ngôi nhà dần dần hiện ra trước mắt chị, bên cạnh chị, mà từ hồi nào đứng dưới đường chị từng nhìn chúng như một huyền thoại xa xôi.

Những ngôi nhà to đẹp, những công viên cỏ xanh và sân golf sang trọng chẳng khác gì những khu lịch sự dưới phố, chỉ khác nhau vị trí thấp cao, thế mà nhà ở trện núi đắt hơn hẳn.

Hai vợ chồng xuống xe đi dạo quanh, chị Bông hân hoan nhìn những đỉnh núi gần đó và ngước nhìn trời xanh. cảm giác thú vị tan biến ngay khi nhìn con đường mình đang đứng:

- Anh ơi, càng lên cao đường càng dốc như thế này bất tiện qúa, trẻ con không thể chạy xe đạp rong chơi, ngay cả người lớn không cẩn thận, xe đạp cũng có thể lao xuống dốc.

- Bây giờ là mùa Hè, nhìn mây, núi đẹp lắm. Nhưng em có biết là vào mùa Đông những người nhà giàu này sẽ vất vả như thế nào không? Trên núi cao đương nhiên là hứng nhiều tuyết, người ta phải thay loại bánh xe “Snowtire” và gắn dây xích vào bánh xe để lên xuống núi cho khỏi tuột dốc. Em có thích thế không?

Chị rợn cả người:

- Không anh ạ.

Đến một chỗ cao nhất hai vợ chồng dừng lại để chị Bông ngắm nhìn thành phố phía dưới, gío thì lồng lộng, phố xá quay cuồng theo dòng xe cộ bé nhỏ di chuyển ngược xuôi làm chị choáng váng cả mặt mày, phải vịn vào tay anh, làm như những ngọn gío có thể thổi chị bay xuống chân núi bất cứ lúc nào.

- Anh cho em xuống đi, em sợ qúa !

- Khoan đã, có công lên đây em cứ hưởng đời đi. Ở kia có bảng bán nhà, mình ra xem nào…

Anh rút một tờ quảng cáo bán nhà trong chiếc ống treo ngay bên cạnh cái bảng “For sale” và đọc chi tiết, họ khẩn khỏan muốn bán nhà và xuống gía thấp hơn thị trường cả trăm ngàn đồng.

- Đại hạ gía này. Em có muốn mua không?

- Không anh ạ !

- Ơ kìa, em từng yêu thích ngôi nhà trên núi mà?

Chị quyết liệt:

- Mà họ có bớt nửa gía em cũng không thèm, bây giờ em mới biết sống trên núi cao chỉ tổ chóng mặt, cảm lạnh, và yếu tim chết sớm, chứ sung sướng gì, lại bất tiện nữa, mỗi khi thiếu món gì, phải xuống núi, vào thành phố thật gian nan.

Anh lái xe chầm chậm xuống con đường dốc, chậm thế mà thần kinh chị vẫn căng thẳng, lo sợ xe sẽ lao xuống dốc mất thôi. Dọc đường quanh trên núi anh chị thấy có nhiều bảng bán nhà, không biết vì ảnh hưởng thời buổi kinh tế khó khăn hay vì những chủ nhân đã ngán ngẩm ở nhà trên núi?

Xuống tới đường phố chị cảm thấy an lành và nhẹ nhỏm biết bao.

Thế là từ hôm đó ngôi nhà ước mơ trên núi đã tự động bước ra khỏi cuộc đời chị, và chị đã chọn căn nhà ở thành phố Centerville này.

Ngôi nhà có lầu, sân vườn rộng rãi, hàng rào bằng vinyl màu trắng vững vàng và xinh đẹp. Bên hông nhà là một sân rộng để đậu xe RV, khắp cả khu phố này nhà nào cũng có sân rộng để đậu xe RV như thế. Ông builder có “hoang tưởng” không? Làm như ai cũng giàu và thích sắm xe RV.

Anh Bông đã hỏi vợ:

- Em có muốn mua trả góp một cái xe RV để thỉnh thoảng đi chơi đây đó cho le lói không, cho thoả cái tính mơ mộng và lãng mạn của em không?

- Căn nhà trên núi đã làm em vỡ mộng rồi, em không muốn mua cái xe to kềnh ấy để chật cả sân nhà và đường phố. Những người nhà giàu chỉ rước khổ vào thân, họ mua xe RV, mua tàu thuyền, và cả máy bay nhỏ để tự lái lấy, bao nhiêu vụ máy bay nhỏ bị rớt rồi đấy, như anh chàng John Kennedy Jr. Thà cứ bỏ tiền mua vé máy bay thương mại như đám dân quèn bọn mình thế mà sướng, lên máy bay ngủ một giấc là tới nơi, xuống máy bay còn được cô tiếp viên thân ái chờ sẵn nơi cửa mỉm cười và nói cám ơn.

 

**************

 

Buổi chiều anh Bông về trước chị, anh đón Tabi về thì nửa tiếng sau chị cũng mang hai đứa kia về tới. Cả nhà đoàn tụ sau buổi chia xa.

Giây phút buổi sáng chuẩn bị rời khỏi nhà vội vàng và cau có nhăn nhó bao nhiêu thì chiều về ung dung, rộn rã, và vui vẻ bấy nhiêu.

Hai vợ chồng tắm rửa cho các con, Tabi và Betsy đùa nghịch mãi trong bồn tắm với mấy chú vịt con bằng nhựa màu vàng, chơi chán hai đứa mới chịu ra.

Chị Bông thay đồ cho chúng sau khi đã xoa lotion thơm tho.

Khi chị Bông nấu cơm là lúc Tabi vừa ăn mấy miếng chip vừa kể chuyện như thường ngày:

- Mẹ ơi, một cái ti vi nhà bà Brandy bị hư không coi được, chúng con phải coi cái ti vi ở dưới basement.

- Thế à!

Nó kể tội bà baby sit của nó:

- Mẹ ơi, hôm nay bà Brandy chở con đi học mà không làm dây seatbelt cho con, con không thích bà Brandy nữa.

Tabi đã quen được bố mẹ seatbelt mỗi khi ngồi xe rồi. Chị Bông gật gù:

- Để bố sẽ nhắc nhở bà ấy.

- Mẹ ơi, bà Brandy cho con ăn một cái hotdog mà không microwave như mẹ đã làm.

Chị Bông vẫn hững hờ:

- Thế à!

- Mẹ ơi, bà Brandy cãi nhau với chồng..

Chị Bông bắt đầu sốt cả ruột:

- Sao con biết nhiều chuyện thế hả?

- Họ cãi nhau to tiếng, mấy đứa con nít từ basement chạy lên nhà ngồi coi luôn.

Bà Brandy babysit 5-6 đứa trẻ con, cùng lứa tuổi Tabi, thế là lũ trẻ được dịp coi ông bà chủ nhà cãi nhau, hấp dẫn sống động hơn cả phim hoạt họa trong ti vi.

Chị Bông nói nhỏ với chồng:

- Con Tabi nhà mình lanh qúa, chuyện gì ở nhà bà Brandy nó cũng biết và thèo lẻo với mình anh ạ.

- Trẻ con mà, thấy sao thì nói vậy thôi.

Chị Bông giật mình:

- Nếu thế thì nhà mình có chuyện gì nó cũng kể cho bà Brandy rồi?

Đúng lúc đó thì Tabi kể tiếp:

- Rồi ông bỏ đi ra ngoài, còn bà Brandy thì ngồi khóc hu hu. Con nói bà đừng khóc nữa, hãy bắt chước mẹ cháu đã túm lấy bố cháu và bắt rửa bát, lau nhà, mỗi khi hai người cãi nhau.

Anh Bông kêu lên:

- Hèn gì chiều nay anh đón Tabi, bà Brandy cứ nhìn anh tủm tỉm cười làm anh thắc mắc mãi chẳng hiểu chuyện gì?

Tabi vẫn thao thao tưởng như câu chuyện không bao giờ dứt:

- Con kể cho bà Brandy biết rằng bố khổ lắm, bị mẹ sai làm đủ thứ việc trong nhà…

Anh Bông rên rỉ như con chim bị thương:

- Thôi chết anh rồi, mất mặt anh rồi !!

Chị Bông nghiêm mặt dặn con:

- Từ giờ trở đi con không được kể bất cứ chuyện gì ở nhà mình cho kẻ khác, nghe chưa?

Cả nhà quây quần ăn bữa cơm chiều, phòng ăn có cửa kính nhìn ra vườn sau, mùa nào cảnh nấy. Hai cô con gái anh có thể nhìn thấy bầu trời mùa hè êm đềm và đếm mấy con chim bay từ cành cây này sang cành cây kia, rồi rúc mình trong đám lá xanh tươi. Hay trong buổi chiều cuối mùa Đông như hôm nay, tuyết không rơi nữa nhưng hơi lạnh vẫn làm mờ cửa kính và thảm cỏ khô héo u sầu đang chờ đợi gío Xuân về.

Cơm nóng canh nóng, nên dù tài nấu bếp của chị Bông chẳng tài ba xuất sắc gì cũng làm cả nhà ngon miệng.

Ăn xong Tabi và Betsy ra mở ti vi coi phim hoạt hoạ, nhà bắt cable nên lúc nào cũng có phim hoạt hoạ phục vụ cho sở thích của chúng, còn hơn là chúng lôi giấy bút ra vẽ vời tùm lum và tranh giành, cãi nhau chí choé, bắt bố mẹ ra làm trọng tài, chia đồ chơi, chia ranh giới như hai nước hàng xóm không mấy ưa nhau. Nhưng chỉ một lúc sau chúng lại soắn sít vào nhau, hai kẻ thù lại hòa bình nhanh chóng.

Còn thằng cu Tí bú thêm một bình sữa, ăn no tắm mát nên nằm chơi nhi nhô một mình, thỉnh thỏang chị Bông lại “ghé” vào “nói chuyện” vài câu cho nó không cảm thấy “bơ vơ”.

Đây là lúc hai vợ chồng làm việc của mình, anh Bông kiểm những lá thư nhận trong ngày, thư nào cần thiết thì để sang một bên, thư vớ vẩn, quảng cáo thì vứt ngay vào thùng rác cho rảnh mắt.

Chị Bông dọn dẹp nhà cửa, làm vài việc vặt cho đến khi trời tối. Chị nhắc nhở anh:

- 9 giờ rồi kìa, anh cho hai con đi ngủ kẻo mai dậy không nổi.

Anh trìu mến gọi hai con:

- Đi đánh răng nào hai con gái yêu của bố.

Tabi và Betsy vẫn say sưa coi hoạt họa không hề nhúc nhích. Lời anh Bông nói như nước đổ lá khoai.

Anh phải dọa nạt:

- Nếu hai đứa ngủ trễ, weekend này bố không chở đi mall.

Để chắc ăn, anh lại xuống giọng …năn nỉ và kể lể công lao:

- Thôi, làm ơn đi ngủ cho bố nhờ, bố cũng cần ngủ sớm để mai đi làm kiếm tiền nuôi các con, cho các con đi mall chứ.

Tabi và Betsy thích đi mall vào cuối tuần, chẳng phải có nhu cầu mua sắm gì, mà chỉ thích đám đông vui vẻ nhộn nhịp, được cưỡi con ngựa sắt quay vòng vòng trong khu giải trí của trẻ con hết xuất này đến xuất khác, và nhất là sau khi rong chơi mỏi mệt được bố mẹ dẫn đến food court ăn uống những món ưa thích.

Đèn lớn tắt đi, đèn ngủ bật lên, Tabi và Betsy ngủ chung giường. Trước khi anh Bông ra khỏi phòng, Tabi hỏi:

- Hôm nay là thứ mấy hả bố?

- Thứ Tư, còn hai ngày nữa mới là thứ Sáu.

Anh hiểu ý Tabi qúa, nó mong chờ ngày thứ Sáu. Đó là một ngày tuyệt vời, ngày làm việc cuối cùng trong một tuần của bố mẹ, nó và Betsy sẽ tha hồ thức khuya coi ti vi hay đùa chơi mà không hề bị bố nhắc nhở bắt lên giường ngủ khi cuộc vui chưa tàn, và ngày mai thứ Bảy muốn thức dậy giờ nào cũng được.

Bố mẹ cũng thế, cả nhà như tận hưởng những giờ phút được ăn ngủ tự do theo ý mình.

Hai đứa đang giành nhau chăn gối và xí chỗ nằm nhiều ít như thường lệ, rồi chúng cười rúc rích với nhau về câu chuyện hoạt họa vừa coi lúc nãy, nên trong giấc ngủ của chúng có cả nụ cười và những giọt nước mắt ngây thơ.

Anh chị Bông cũng đi vào giấc ngủ sau một ngày lo toan cho cuộc sống, và sáng sớm mai tiếng chuông đồng hồ báo thức lại vang lên gọi cả nhà dậy cho một ngày mới bắt đầu.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

Nguyễn Thị Thanh Dương tên thật  Nguyễn Thị Thanh, sinh ngày 12 tháng 9 năm 1951.

Định cư tại Mỹ năm 1991, hiện đang sống tại vùng Dallas, tiểu bang Texas.

Cộng tác với báo Trẻ, phát hành tại địa phương và vài thành phố, tiểu bang khác.

Đã in :

-  Tuyển tập truyện ngắn: "Đường dài thăm thẳm" năm 2007.

-  Tập thơ: "Một thời tương tư" năm 2007".

Yêu thích thơ văn từ lúc tuổi  teen. Cho đến bây giờ niềm đam mê đó vẫn không ngừng nghỉ.


 

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.