Bước trên thật địa
Thư
gởi hai huynh. (1)
Về đến nhà sau ba tháng đăng sơn. Được thiệp Xuân của Chúa Công kèm
thủ bút một bài thất ngôn bát cú họa lại Tuyết Xuân của đệ. Tuyệt
vời. Nét chữ còn nguyên như thời trai trẻ, đó là cái tuyệt vời thứ
nhất. Còn đủ can đảm ngồi viết tay là cái tuyệt vời thứ hai. Ý thơ
như còn ở tuổi thanh xuân, cái tuyệt vời thứ ba. Cám ơn Chúa Công và
Nhị huynh lúc nào cũng nghĩ tới Tam đệ. Tuy chậm nhưng hãy còn là
Xuân, đệ kính chúc tất cả đều như ý, thơ ra lai láng như nhựa Xuân.
Có lẽ hai huynh đang lo ngày họp bạn sắp đến nhất là tờ Lưu Niệm.
Mong cho hai huynh sức khoẻ đầy đủ, nhất là nghị lực dồi dào. Đệ
không về họp bạn được cũng cảm thấy nhơ nhớ. Chưa phải là thất thập
cho nên còn gặp nhau nhiều lần nữa lo gì.
Ba tháng đăng sơn thật là vui. Ba tháng trong rừng núi miền Nam
California; không tin tức không truyền hình, không Iraq, North
Korea, Midle East…Không người ôm bom không người ngã xuống. Tâm thật
nhẹ. Nhẹ như mây nỗi, trong như trăng rằm trên đầu non nơi đệ đang
lưu trú. Chung quanh đệ núi tiếp núi chập chùng. Đệ là một trong hai
trăm năm mươi thiền sinh, phần lớn là Tây phương, cộng thêm hai trăm
năm mươi vị xuất gia. Tất cả như có cùng cảm nghĩ như đệ. Tạm bỏ qua
sau lưng những trĩu nặng. Không phải đi tìm quên, nhưng ít nhất biết
rằng mình còn có khả năng an lạc và biết đâu cái nhẹ nhàng của mình
có ảnh hưởng tới huynh đệ. Cũng không phải đi tìm cái gì xa xôi, vì
đời sống chỉ có mặt trong thực tại.
Hằng ngày được đánh thức lúc năm giờ sáng bằng một trăm lẻ tám tiếng
đại hồng chung, hoà với tiếng niệm hồng danh Đức Quan Thế Âm. Mở đầu
cho một bình minh là thời ngồi thiền sáng. Mọi sinh hoạt đều trong
tư thế thong dong, đi không cần tới như một tảng mây trên trời. Bước
chân nào cũng là bước chân trong hiện tại, thần thông là đi bằng hai
chân trên mặt đất. Các huynh nghĩ rằng đệ lập dị. Trong ba tháng
“trốn” trên núi, đệ thực tập như vậy đó. Còn nhiều cái nho nhỏ ngộ
ngộ nhưng đạt được là đạt đạo. Hai huynh nghĩ lại xem bước đi của
mình lâu nay ra sao. Hình như trong bước đi của mình có một lực vô
hình từ sau lưng đẫy tới. Đôi khi mình chẳng biết tại sao mình phải
đi đến đó. Cho nên đệ tập đi, tập đứng tập nằm trở lại. Và trong khi
tập như vậy đệ thấy nhẹ nhàng lắm. Bởi vì trong bốn tư thế đó đệ
không bị một cái lực vô hình nào đẫy tới từ đàng sau. Vậy mà đôi lúc
mình không để ý để tứ cái lực đó xuất hiện ngay và đãy mình đi. Nãy
giờ đệ nói chuyện gì đâu, nhưng hai huynh đừng vội cười bởi vì đã
gần thất thập hết mà huynh đệ mình chưa dừng lại được. Cho nên phải
tập đi trở lại để có ngày nào đó mình dừng lại được. Một hôm sau một
buổi thiền hành lên đồi cao, đệ cảm thấy vui quá ngồi lại trên một
tảng đá nhìn nắng chiều chia hai sườn núi bên kia và viết mấy câu
ngũ ngôn:
Như bé thơ một tuổi
Tập bước chân đầu đời
Chập chững và run run
Nhưng quyết đi cho tới
Vòng tay mẹ đang chờ.
Bé nín thở môi bậm
Cố giữ thân không lệch
Đôi ba phen ngồi bệch
Vẫn đứng dậy đi tiếp.
Khi với được tay mẹ
Cả nhà oà mừng vui
Niềm vui của bé thơ.
Bao năm lăn lóc đời
Quên bước đi đầu đời
Bôn ba cùng năm tháng
Lặn lội với trần ai.
Chợt nhìn đầu hoa râm
Răng cái còn cái khuyét
Ngoãnh nhìn tuổi xanh biếc
Trôi như mây đầu ngàn.
Bé năm xưa bước xưa
Vẫn nằm trong tâm thức
Hạt mưa Xuân nào tưới
Cho hạt giống nẫy mâm (*)
Hôm nay lại tập bước
Theo Thầy bạn bốn phương
Bước năm xưa trở lại
Thật địa tỏa kỳ hương.(**)
Tháng 2/04
(*)ý thơ Nhất Hạnh.
(**)Lâm Tế
Thật sự là vậy đó hai huynh. Nếu huynh đệ mình không bị lực nào từ
phía sau đẫy mình đi thì rõ ràng chân mình bước trên thật địa. Mà
bước trên thật địa là thể hiện thần thông, lời của Tổ Lâm Tế, thế kỷ
thứ 9. Đệ không cho đi trên mặt nước là thể hiện thần thông. Chính
cái nho nhỏ như bước đi có ngày thành đại sự. Tổ chủ trương pháp môn
“Hiện Pháp Lạc Trú”. Đừng tìm cầu, tìm cầu là mất. Vì tìm cầu cho
nên bị cái lực vô hình đẫy đi. Hãy là người VÔ SỰ. Vô sự chân nhân.
Sống với cái đang sống. Bước đi là cái sống. Tổ nói “Có một bọn thầy
tu đang tìm soi về nội tâm để mong cầu pháp xuất thế. Không được,
chẳng khác gì tìm giọt nước mát trong mãnh xương khô”.
Ngày xưa ngài Liễu Quán - đời thứ 35 dòng thiền Lâm Tế-cũng nói :
Nếu biết đèn là lữa
Cơm chín đã từ lâu.
(Liễu tri đăng thị hỏa
Phạn thực dĩ đa thì)
Hai câu kệ nhỏ xíu, nhỏ xíu như cây đèn, nhưng là kết quả của nhiều
buổi tham thiền một công án hắc búa của do thiền sư Từ Dung là sư
phụ của ngài ra đề. Mà chính cái thấy nhỏ xíu này mà ngài được thầy
mình ấn chứng.
Ngài Liễu Quán người làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên.
Ngài sanh năm 1670, thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, ngài được xem
là một thiền sư lớn lãnh đạo Phật giáo Đàng Trong. Ngài nhà nghèo,
đã xuất gia nhưng phải nuôi cha. Mẹ mất sớm. Sau khi cha mất ngài
mới ra Huế tiếp tục hành đạo và tạo dựng thiền am Viên Thông ở chân
núi Ngự Bình. Chúa Nguyễn Phúc Khoát rất sùng kính ngài và muốn
thỉnh ngài vào phủ, nhưng ngài từ chối. Chúa đành thường lui tới
chùa Viên Thông để hỏi đạo. Từ đó ngọn núi ngài ở có tên là Ngự
Bình. (Lược theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang).
Mỗi tuần tất cả thiền sinh được một ngày thứ hai nghỉ ngơi, không
ngồi thiền không chấp tác gì cả. Được rong chơi trên núi, đệ thường
tổ chức leo núi. Leo núi theo kiểu “bước trên thật địa” như nói ở
trên nên không biết mệt và khoảng một giờ là đến đỉnh núi. Tha hồ
nằm dài trên những tảng đá khổng lồ phẳn lì, nhìn trời xanh trong
vắt. Có hôm đệ cùng vài bạn đồng tu làm một giấc đến chiều. Thức dậy
không muốn xuống núi.
Ngày Chủ nhật mỗi tuần như ngày hội. Tu viện mở cửa đón người bên
ngoài vào dự một ngày tĩnh tu. Dịp này Thầy của đệ bình thơ của các
thi sỹ lớn của quê hương mình. Một công hai chuyện Thầy đã giới
thiệu cho người Tây phương một nền văn hoá trù phú và đồ sộ của dân
tộc. Những buổi bình thơ hay giới thiệu nhà văn lớn, nhạc sỹ lớn đều
thắm đượm tình quê hương.
Nói mãi không cùng. Đệ xin dừng. Tiện đây đệ chép lại bài thơ thất
ngôn bát cú của Vũ Hoàng Chương, mà Thầy của đệ đã bình và cho đây
là Nhị Thập Bát Tú, mỗi chữ là một vì sao. Đệ chưa hề nghe biết bài
thơ này. Không biết hai huynh có biết chưa? Bài thơ không đề:
Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đinh dóng vào săng tiếng trả lời.
Gởi hai huynh bài thơ này như là món quà xuân. Một bình trà hai
huynh tha hồ suy gẫm.
Nói sao cho cạn nguồn cơn, một ngày đẹp trời nào đó huynh đệ chúng
ta có được một buổi trà đàm thì hay biết mấy. Được cái khung cảnh
núi rừng Đà Lạt thì không gì bằng. Nhưng mà ước muốn như vậy là đi
sai với tinh thần lá thư này. Hiện Pháp Lạc Trú. Sống thực và trọn
vẹn phút giây này.
Xuân, 4/04
Chân Tính Hải
(1) cái năm 1960 còn là sinh viên nội trú ở khu chuồng thỏ bệnh viện
Trung Ương Huế, ba anh em chúng tôi tự mình ví như ba nhân vật trong
Tam Quôc Chí: Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi kết nghĩa Đào viên.
Anh bạn lớn tuổi nhất, đạo mạo nhất dành được chức Chúa Công Lưu Bị.
Anh bạn nhỏ tuổi hơn, điềm đạm hơn được phong làm nhị đệ Quan Công.
Còn tôi nhỏ tuổi nhất, bị ăn hiếp cho nên đành nhận chức Tam Đệ
Trương Phi. Cái anh chàng Trương Phi trong truyện thuộc loại nóng
tánh mà trí đoản không ai muốn nên đổ thừa cho tôi là nhỏ tuổi nhất
phải nhận. Vậy mà sự gán ghép kết nghĩa đã còn vang đến hôm nay là
đã hơn năm chục năm.
|