Trâu cày
đất lành
Quê
hương ơi thơm lừng bông lúa
Nắng thanh thanh Đất nở hoa Lành
Mảnh vườn xưa em cười hoa bưởi
Nắng trong hoa đôi mắt long lanh
Xa quê hương mới thấy quê hương là đẹp. Mà đẹp tuyệt vời.
Khi còn ở trong lòng quê hương mình không thấy quê hương
đẹp mấy. Tâm trạng chung của tất cả bà con sống xa quê
chúng ta. Tình quê hương là thứ tình mẹ con, mang mát và
thầm kín nhất. Khi ở với mẹ có khi mình không thấy có mẹ
bên cạnh, khi xa mẹ mới thấy cô đơn da diết. Nhất là những
ngày gần Tết mà không được gần mẹ.
Những ai từng được sống trong vùng quê mới thấy được trọn
vẹn cái đẹp của quê hương. Hương lúa, mùi thơm của rạ, mùi
thum thủm của bùn, của phân trâu và bước chân bì bỏm của
con trâu kéo cày kéo bừa. Ở xứ người thỉnh thoảng tôi cũng
lái xe ra vùng quê hóng mát và thưởng thức không khí trong
lành yên tỉnh. Cánh đồng bát ngát và xanh thẳng tắp mênh
mông hơn ở quê hương. Những gợn sóng lúa cũng mượt mà
trong nắng. Cũng những cánh chim bay trên trời xanh. Nhưng
có cái gì thiếu thiếu. Thiều mùi bùn, thiếu mùi rơm rạ, và
nhất là thiếu bóng dáng con trâu. Thiếu một thứ tình dân
tộc để tình tự. Ôi da diết làm sao chiều chiều nghe tiếng
gọi trâu về chuồng của những đứa bé chăn trâu khi có con
nghé đi lạc.
“Hò con nghé ngơ ngơ.
Ham ăn thì lú.
Ham bú thì mê.
Không biết đường về .
Để tao đi kiếm”
Trong buổi chiều chạn vạn tối, đứng trước ngõ tre làng mà
nghe tiếng hò văng vẵng, sao không thấm thía. Lúc nhỏ
trong những ngày tháng nghỉ hè tôi được may mắn về quê
tung tăn chơi đùa với trẻ chăn trâu cho nên tôi có dịp làm
bạn với trâu. Tôi được dịp cỡi trên lưng trâu. Mới đầu thì
sợ. Sợ té, sợ trâu hất mình rớt xuống đất, ủi mình vô bụi.
Sau quen dần và thích thú. Ngày nào cũng tìm cách cỡi trâu
ra đồng. Có khi ở chơi với trâu đến chiều tối mới về. Làm
bạn với trâu mới thấy con trâu nó hiền. Tôi có thể nói
không con vật nào hiền hơn. Không bao giờ thấy con trâu
giận mình, quay lại húc vào mình. Bảo gì làm nấy không
phản ứng không từ chối. Nhìn vào hai mắt con trâu như nhìn
hai con mắt một nhà hiền triết. Cái nhìn xa xăm, tư lự như
đang suy nghĩ điều gì. Con trâu là con vật thông minh
nhất. Quan sát một con trâu đang cày ruộng thì mới thấy nó
thông minh. Một đường cày không thẳng người nông dân chỉ
cần cảnh cáo nó bằng một nhịp roi nhè nhẹ trên lưng là nó
hiểu ngay. Người ta đặt cho mỗi con một cái tên. Gọi tên
lên là nó biết trả lời làm theo. Trẻ chăn trâu dặn dò tôi
rằng mình không cần làm gì hết khi ngồi trên lưng trâu.
Mình có thể nằm ngủ trên lưng trâu mà không bị rớt. Con
trâu nó biết mình đang nằm thì nó đi chậm lại, bị muỗi
mòng cắn nó không rùng mình mà chỉ lấy cái đuôi phe phẩy.
Cởi trâu qua sông là điều kỳ thú. Thân hình nặng nề tưởng
như một tản đá. Vậy mà khi nó xuống sông nỗi như một chiếc
phao. Bốn chân bơi dưới nước mình không thấy, chỉ thấy một
mãng lưng và cái đầu trồi khỏi mặt nước đủ chổ cho mình
ngồi hoặc nằm. Nằm trên lưng trâu mà ngắm trời xanh mây
trắng, chim bay, tai nghe tiếng gió vi vu thì không có gì
hạnh phúc hơn. Hèn gì ngày xưa Lý Bạch thường cỡi trâu làm
thơ bất tuyệt. Y Doãn cũng cỡi trâu mà làm nên việc giúp
vua dựng nước. Con trâu có cái tình đồng đội cao. Trong
một đàn, con trâu “trưởng thượng” bao giờ cũng đi đầu, khi
qua sông nó chờ cho cả đàn qua hết bên bờ mới đi tiếp. Khi
nghe tiếng trẻ hò câu tìm nghé đi lạc thì cả đàn tự động
đứng lại. Trời có tối mấy, mưa gió cách mấy khi đến cổng
nhà thì nó tự động đi vào. Lạc đường nắm đuôi chó lạc
ngỏ nắm đuôi trâu.
Nói chuyện TRÂU trong năm SỮU thì không bao giờ hết. Văn
chương dân gian nhiều vô kể. Nêu cao nét đẹp của trâu. Con
trâu biểu tượng cho một tình tự dân tộc. Nhà thiền thì có
Thập Ngưu Đồ, sách tấn người tu sao cho đến cái rốt ráo
TRÂU, NGƯỜI đều dứt, thỏng tay vào chợ mà không nhuốm mùi
chợ. Còn tôi đã có dịp sống với trâu, ôm cổ trâu, ngữi mùi
trâu, ăn cơm trên lưng trâu, tôi có được cái thâm tình với
trâu. Và khám phá con trâu như một ông thầy tu đạt đạo.
Nhẫn nhục, cần cù, siêng năng, không cố chấp, giúp người,
hiền lành và vô tranh.
Năm xưa câu hò tìm nghé của bé chăn trâu cho tôi một nỗi
buồn man mác, một cái nhìn thân thương với con trâu và
người chăn trâu. Mấy chục năm qua đi bao nhiêu biến chuyển
trong đời nhưng tôi không quên câu hò và hình ảnh của năm
xưa. Năm nay câu hò trở về với tôi làm tôi cũng có nỗi
buồn man mát: Thì ra chính mình là con nghé đi lạc đã bao
nhiêu kiếp bởi vì tham lam cho nên lú lẩn, nhiều sân si
cho nên mê mẫn, quên hết đường về, như gã cùng tử trong
Pháp Hoa kinh. Con trâu trong tôi đang cày lên mãnh Đất để
mong cho sự Lành có được trong tôi và chung quanh có được
cơ hội nẫy mầm. Mong thay đất lành đơm hoa kết trái trong
mỗi chúng ta để cho thế giới được an bình.
Nguyễn Thế Hà
|