.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Sáng tạo là linh hồn của nghệ sĩ (LN)

bút
việt
hồn
quê

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

  Nguyễn Thế Hà


Nét đẹp quê hương ở đâu

Bạn hiền ơi,

Hỏi thăm thời tiết, mưa nắng, nóng lạnh nơi các cụ đang tọa ngự có phiền nhiễu đến sức khoẻ các cụ lắm không? Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, nắng mưa tuyết giá thay đổi bất thường làm thân già có khi không chịu thích hợp kịp thời. Chỉ mong sao giữ gìn cẩn thận. Nhưng phải tin rằng con người giữ gìn một thì thiên nhiên giữ cho mình đến chín. Đừng lo chi hết. Tuy sức khoẻ là vàng nhưng sức khoẻ đã có trời lo cho đến chín. Giữ nụ cười vô tư, ăn ngủ vô tư là đủ. Ba cụ chiếm hết ba chân trời. Cái thế chân vạc thì lúc nào cũng vững; vững như kiền ba chân. Vì vậy phần tôi không chiếm góc trời nào hết. Đi lang thang thăm ba cụ ở ba góc.

 

Thời tiết đã khắc nghiệt mà lòng người cũng co rúm, giành giật, mạnh ai nấy sống. Sống chết mặc bay. Mấy tháng nay theo dõi tin tức quê nhà mà ngán ngẫm: Bạn dân đánh chết dân, gãy cổ dân mà tay vẫn còn bị cùm đến tắt thở. Rồi tất cả im lặng cho qua. Con dại cái mang nhưng đây con dại cái cũng lờ luôn. Cù Huy Hà Vũ theo chân những người hùng cô độc vào tù. Thế giới oang oang lên tiếng rồi cũng chìm theo thân phận Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Duy Thức, Blogger Điếu Cày... Họ đối xử những vị này chẳng khác gì những kẻ bán linh hồn cho quỷ sứ ở Hà Giang: sáu năm bảy năm tù. Cá mè một lứa. Đất nước bây giờ làm người dân không biết đâu là Thiện đâu là Ác. Đọc hồi ký của cựu Thủ Tướng Anh Tony Blair có cái đoạn "ngoài lề chính trị" ông ta tâm sự: Trong thời gian làm thủ tướng ông được tiếp xúc với nhiều thủ lãnh (Counterparts) các nước và nhận xét có nhiều người làm thủ tướng mà dốt quá chừng, thật tội nghiệp cho dân nước đó.

 

Nhìn hình ảnh thiên tai ở Nhật sao mà thấy con người xứ Phù Tang thánh thiện đến như vậy, không lấy của không cho, không cướp giật ngoài đường, không giết nhau vì một miếng ăn. Tất cả âm thầm chịu đựng, không trách móc ai. Ngoài đường phố chỉ thấy toàn đổ nát, vắng tanh người hớt hơ qua lại hôi của bới móc tìm kiếm. Chỉ thấy những đoàn người đồng phục đi tìm xác, cứu người sống sốt. Hoặc chỉ thấy những người dân đang bới tìm ngay căn nhà đổ nát của mình mong tìm thấy xác người thương hay tìm lại những vật kỷ niệm quí giá. Những em bé tươi cười trên khuôn mặt héo úa khi kéo ra từ đống ngỗn ngang một tấm hình người thân, một cặp sách đến trường, một con Teddy Bear. Trong cái đổ nát đau thương mình thấy có một thiên đường, một cõi Tịnh Độ nhiều tình thương nhân loại. Thế giới ngã nón chào. Thế giới cảm thấy bớt đau khổ cho một giống dân mang dòng máu Thiên Hoàng bởi vì ngay chính người dân họ cũng trầm tỉnh vì được huân tập tuệ giác vô thường của vạn pháp. Ngày hôm qua trên truyền hình được xem hình ảnh những két đựng tiền tư gia (safe) được lực lượng tìm kiếm gom lại chồng lên từng đống cao ngay ngắn, không có két nào bị phá tung, nghĩa là vật quí giá bên trong vẫn còn nguyên cho dù có thể bị nước biển làm hư hại. Mình hay nói cháy nhà ra mặt chuột, nay cũng thấy rằng tai ươn làm rõ những con người thánh thiện. Một dân tộc sống đời phạm hạnh tuyệt vời sao lại còn bị tai ươn kinh hoàng đến như vậy?

 

Dân xứ người là vậy. Còn dân nước mình? xứ người bị thiên tai, dân mình bị nhân tai. Thiên tai có vẽ dễ chịu hơn bởi vì trời không có trả thù người để giáng họa. Cái nhân tai mới là khốn nạn bởi nó hình thành do đòn thù, nhỏ nhen, ích kỷ và sợ hãi. Làm cái chuyện so sánh càng thêm thương cho dân mình.

 

Thôi xếp lại những cái tiêu cực xảy ra hàng ngày trên quê hương, mình thử đi tìm cái đẹp. Con người làm cho quê hương xấu chứ chính quê hương lúc nào cũng đẹp, cũng đáng trân quí. May quá có một câu chuyện, đúng hơn là một tin vui cho quê hương. Chuyện xảy ra hàng ngàn năm nhưng mới được thế giới công nhận vì cái ĐẸP nhân bản, văn hóa của nó. Hội Gióng Làng Phù Đổng, Sóc Sơn vừa được Unesco công nhận là một trong 46 công trình văn hóa phi vật thể của thế giới ngày 16/11/2010. Thật là đẹp, một huyền thoại của dân tộc Việt Nam mang ý chí chống ngoại xâm đã trở thành nét đẹp văn hóa dân tộc. Theo GS Ngô Đức Thịnh, người chịu trách nhiệm nghiên cứu và trình bày Thánh Gióng trước hội đồng Unesco tại Nairobi (Kenya), cả hội đồng chấp thuận một cách nhanh chóng. Chỉ trong vòng ba tháng mà có kết quả. Nhanh như Gióng (lời của GS Thịnh). Trong khi các công trình vật thể hay phi vật thể khác phải mất thời gian vài ba năm, phải trưng bày bằng cớ, chứng tích rõ ràng. Còn đây chỉ được trình bày một lần và cả hội đồng đã thấy một nét đẹp của huyền thoại mang tính dân tộc, không bị ô nhiễm bởi chính trị hay lợi nhuận vật chất nào cả. Huyền thoại hoàn toàn do người dân truyền nhau từ đời này sang đời khác và hàng năm lễ hội Gióng cũng do dân địa phương tự động tổ chức, bỏ công sức bỏ tiền túi ra thực hiện với một tấm lòng.

 

Nội dung câu chuyện càng đẹp hơn nữa. Đứa bé ba tuổi mà chưa biết đi biết nói, nằm trong nôi nghe tin rao truyền nhà vua muốn hô hào toàn dân chống giặc Ân. Hận thù truyền kiếp của dân tộc với giặc phương Bắc như đã thấm sâu trong xương tuỷ của dân Việt qua nhiều đời nhiều thế hệ đã làm cho đứa bé làng Phù Đổng tự đứng lên nói được và xin đi đánh giặc. Cả làng ngạc nhiên nhưng tin rằng có thần nhân phù hộ. Cậu bé yêu cầu được ăn no để có sức. Mỗi ngày ăn mười nong cơm với cà- chỉ cơm với cà thôi. Ấy là cái đẹp độc đáo tỏ lòng nhân từ dân tộc. Thường thường trong các truyện cổ tích một vị thần phải ăn ngày vài ba con trâu con bò. Phải giết trâu giết bò tế thần, máu lênh láng ngày này sang ngày khác. Ở đây Thánh (cậu bé) chỉ đòi cơm và cà là những thức ăn của người nông dân thuần tuý. Dân tộc ta ngày xưa nhân hậu đến thế, tinh thần hiếu sanh thâm nhập đến những câu chuyện, phong tục. Trong dân gian cũng kể cho nhau nghe rằng ngày xưa, thời các vua Hùng tục lệ cưới gã nhà trai đi cưới bằng một con heo sống, chú rễ phải dắt đến nhà vợ. Về sau bị giặc Tàu đô hộ con heo sống thành con heo quay. Thánh ăn xong mấy chục nong cơm với cà, vươn vai một cái thành người khổng lồ bay về núi Sóc Sơn mặc một chiếc áo giáp, cởi ngựa sắt, ào ào đem quân phá giặc trong chớp nhoáng. Sức mạnh dân tộc và lòng căm hờn của dân tộc với giặc Bắc phương đã un đúc nên hình ảnh này của Thánh. Dẹp yên giặc Thánh cỡi giáp lên núi Sóc bay về trời. Thật là một hình ảnh đẹp khác của một vị Thánh không cần được mang ơn và không muốn người dân phải chiều chuộng và săn sóc vì mình là người có công.

 

Đây là một cái đẹp khác nữa, ơn nghĩa trả đền cũng gây nhiều phiền toái lắm. Thánh về trời rồi nghe tin mẹ ra sông bị thuồng luồng bắt vội quay trở lại giết quái vật đền ơn sinh thành. Thật là chu đáo hiếu nghĩa vẹn toàn. Dân tộc mình hiền hoà và hiếu nghĩa quá chừng. Thánh là con thần Sấm. Một đêm mưa to gió lớn, sấm nỗ vang trời, sáng hôm sau mẹ ra sau vườn thấy một dấu chân khổng lồ in trên nền đất ướt, mẹ lấy chân mình ướm thử và bà mang thai sinh ra Thánh Gióng. Hình ảnh tạo hình đẹp đến lạnh mình. Thánh đã về trời sao trở lại tức khắc để kịp cứu mẹ? Thật ra Thánh không đi đâu hết bởi Thánh ở ngay trong tâm thức người dân. Đến hôm nay Thánh vẫn còn sống với dân mình và đã được dân mình giới thiệu cho thế giới. Và cả thế giới đang ngưỡng mộ Thánh.

 

Mối lo của Unesco và của GS Ngô Đức Thịnh là làm sao giữ nguyên bản sắc dân tộc trong truyền thuyết Thánh Gióng đừng để ông nhà nước vì lợi nhuận này kia nọ như du lịch xía vào, bỏ tiền vào đầu tư kinh doanh hốt bạc thì không còn gì là nguyên thể của Thánh. Viết chuyện Thánh Gióng lượt theo lời của GS Ngô Đức Thịnh trong cuộc phỏng vấn với RFI để chia sẻ niềm vui trong cái bối cảnh xã hội quê hương hiện nay. Nét đẹp của quê hương là vậy. Còn nhiều nét đẹp khác nữa. Mình cố đi tìm cho nhiều cái đẹp kể cho nhau nghe để dân tộc bớt tủi hổ với thế giới.

 

Mong sao mỗi ngày tìm được một niềm vui như Trịnh Công sơn khắc khoải. Chúng mình cũng đang khắc khoải.

 

Bạn phương xa.

Nguyễn Thế Hà (Chân Tính Hải)

NGUYỄN THẾ HÀ

 

đang thực hiện

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.