.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

TIN VĂN

  Tin văn


Lửa tam muội và Công án Bát Nhã

  • PSN - 3.9.2011 | Huệ Trân
     

Trong kinh Pháp Hoa, khi tụng đến phẩm thứ hai mươi ba, ít có hành giả nào ngăn được xúc động và ngưỡng phục trước sự cúng dường của ngài Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ,  lên Thầy của mình là Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức.

 

Phẩm thứ hai mươi ba trong kinh Pháp Hoa là phẩm mang tên Dược Vương Bồ Tát Bản Sự.

 

Vâng, đó chính là phẩm nói về Bồ Tát Dược Vương. Ngài có tên là Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ vì Ngài luôn hiển lộ sự hoan hỷ, chẳng phải chỉ ở nét mặt, mà còn từ mọi cử chỉ, lời nói, khiến ai thấy ngài cũng được vui lây niềm an lạc. Ngài có duyên lành lớn, được Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức nhận làm đệ tử và nghiêm minh truyền dạy Phật pháp.

 

Không phụ lòng sư phụ, ngài tinh chuyên miên mật học hỏi, hành trì và đạt được Tam Muội Hiện Nhất Thiết Sắc Thân, nghĩa là, ngài có thể tùy duyên hóa độ, nương nơi đối tượng cần độ, đáng độ, mà hóa hiện sắc thân tương ứng.

 

Khi chứng được tam muội này, tức thời ngài liễu ngộ rằng, ngay xác thân ngài đang mang cũng chỉ là hóa thân của chính ngài, ở một tiền kiếp nào đó. Điều này cũng nói lên điểm căn bản trong giáo pháp, là dẫu vòng sinh tử vẫn xoay đều, nhục thân sanh rồi diệt vẫn không làm ô nhiễm tới chân thân, là cái bất sanh bất diệt thường hằng, là Phật tánh vô thỉ vô chung của mọi loài.

 

Thực chứng điều này, ngài hốt nhiên được giải thoát hoàn toàn khỏi vướng mắc và sợ hãi. Ngài đã hoan hỷ, an nhiên tẩm các loại hương thơm lên mình rồi dõng mãnh châm lửa tự thiêu, cúng dường Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức để tạ ơn sư phụ.

 

Là con Phật, tất chúng ta cùng hiểu rằng Dược Vương Bồ Tát tự thiêu không phải là cúng dường tấm thân tứ đại mà là cúng dường sự giác ngộ siêu việt, vượt lên trên hết thảy mọi ràng buộc của đời-thường. Chính vì sự chứng đắc vẹn toàn này mà ngọn lửa trên nhục thân ngài cũng không phải là lửa thế gian. Đó là lửa tam muội, là Tâm Nhiệt, có thể chiếu sáng mười phương, mang trí tuệ tới nơi ngu si, mang hiền hòa tới nơi ác độc.

 

Theo kinh dạy, khi ngọn lửa vừa tắt trên nhục thân Dược Vương Bồ Tát, ngài lập tức tái sanh, làm Thái Tử ngay nơi quốc gia đó để có cơ duyên gặp lại  Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, trước khi Đức Phật nhập diệt.

 

Lửa tam muội tuy có phần hữu hình nhưng mang sức mạnh vô hình. Sức mạnh này vượt lên trên mọi đắn đo, hý luận để hướng tới huệ tâm tối thượng là cứu độ sự khổ đau. Chẳng thế, trong quá khứ, Đức Phật cũng đã từng nhập pháp tam muội này, phát lửa từ thân Phật mà hàng phục loài rồng độc hại.

 

Xuyên suốt hằng hà sa kiếp, trải dài mọi thời quá khứ, hiện tại, vị lai, có thời nào mà chúng sanh không thảng hoặc được thấy ánh lửa tam muội bùng lên, vì thời nào mà chẳng có khổ đau, uất hận!

 

Chỉ nhìn thời nay thôi, và gần đây nhất thôi, ngọn lửa ấy đã rực rỡ trên thân một vị sư Tây Tạng, mới 29 tuổi. Sư Tsewang Norbu ngụ trong một ngôi chùa thuộc khu Tự Trị Tây Tạng, tỉnh Sichuan. Vào một ngày thứ hai, trung tuần tháng tám/2011 vị sư trẻ đã âm thầm chọn cho mình một ngôn ngữ bi tráng để nói lên điều muốn nói. Ngôn ngữ đó là dùng lửa tam muội để truyền đạt âm thanh cho một dân tộc liên tục bị Trung Quốc săn đuổi và đàn áp. Với lửa hồng phừng phừng quanh thân, sư Tsewang Norbu đã trải rộng tấm lòng với đạo pháp và dân tộc bằng những lời cuối cùng: “Đức Đạt Lai Lạt Ma muôn năm! Người Tây Tạng muốn tự do! Trung Quốc hãy ngưng đàn áp tôn giáo!”

Ngay khi được tin sự việc, chính quyền Trung Quốc đã huy động trên một ngàn công an và binh lính tới bao vây ngôi chùa nhỏ nơi nhà sư vừa tự thiêu. Điện nước lập tức bị cắt và mọi nguồn tiếp tế lương thực bị ngăn chặn!

 

Hơn một ngàn kẻ có quyền uy và vũ khí đến bao vây một nơi chỉ có chuông mõ và những người tu hành đã đủ nói lên điều gì???

 

Sức mạnh của quyền uy và vũ khí luôn run sợ trước sức mạnh tâm linh. Điều này hiển nhiên, vì khi đã có sức mạnh tâm linh thì không gì, và không ai cướp đi được. Sự dọa nạt chỉ là ấu trĩ, nhưng nó vẫn xảy ra, bởi sự vô minh gắn liền với kiếp sống!

 

Sự kiện bi tráng vừa xảy ra với Phật giáo Tây Tạng, ngẫu nhiên lại trùng thời điểm tu viện Bát Nhã tại tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam, bị đàn áp khốc liệt, cách đây hai năm. Cũng dọa nạt, cũng cắt điện nước, chặn mọi sự tiếp tế lương thực. Rồi, mọi hình thức khủng bố đó tăng dần tới đánh đập tăng ni, đốt am, đốt kinh sách, ném phân, và cuối cùng là cầm dao gậy, quyết liệt rượt đuổi toàn bộ gần bốn trăm tăng ni sinh ra khỏi tu viện dưới cơn mưa tầm tã trong đêm tối, ngày 27 tháng 9 năm 2009!

 

Chỉ đôi điều hơi khác, là các nhà sư Tây Tạng bị Trung Quốc ngoại xâm đánh đuổi, còn các nhà sư Việt Nam, ở tại đất nước Việt Nam thì bị chính quyền, cũng người Việt Nam, đánh đuổi.

 

Vì bị ngoại xâm cưỡng chiếm và cai trị nên dân Tây Tạng – nói chung – và các nhà sư Tây Tạng – nói riêng – phải lên tiếng đòi hỏi tự do, tự trị.

 

Còn các nhà sư tại tu viện Bát Nhã là người Việt Nam, đang ở nước Việt Nam, nơi có một chính quyền Việt Nam luôn đề cao khấu hiệu “Tự Do, Độc Lập, Hạnh Phúc”, nên chỉ xin được tu!

 

Tiếc thay, đôi điều khác đó đã chẳng làm khác đi hệ lụy mà các nhà sư Tây Tạng và Việt Nam phải chịu, vì sự nham hiểm đều có chung một ngôn ngữ, một phương thức hành xử!

 

Để lưu dấu hai năm về sự kiện Bát Nhã, một sự kiện mà từ đấy đã tự hiển lộ những gì cực đẹp cũng như cực xấu, nhà báo Lê Nguyên, chủ biên trang nhà Phù Sa vừa hoàn tất một cuốn sách nặng ký, với chín trăm trang dầy đặc bài vở  và hình ảnh trung thực về biến cố Bát Nhã. Cuốn sách mang tên “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền”.

 

Đây là một công trình sưu tập tài liệu đầy đủ nhất trong suốt quá trình của sự việc, nhưng với tựa sách: “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền”, dường như người thực hiện có ẩn ý gì chăng?

 

Khi Thiền-sư Bạch Ẩn đưa một bàn tay lên và bảo các thiền sinh đang chăm chú nhìn ngài: “Hãy lắng nghe tiếng vỗ từ một bàn tay!” thì tất cả thiền sinh hiện diện đều ngẩn ngơ, vì trong tâm phân biệt đã lập tức khởi niệm “Chỉ có một bàn tay, làm sao tạo ra âm thanh tiếng vỗ? Vậy, âm thanh nào là tiếng vỗ của một bàn tay?”

 

Chính từ dấu hỏi này mà câu nói của thiền sư trở thành công án, vì công án, nếu hiểu theo nghĩa đơn giản, chỉ do vị thầy muốn dẫn đạo đệ tử đặt trọng tâm quán sát vào điều gì thì thầy đặt ra đề án về điều đó để khai ngộ thiền-lý cho trò. Khi thiền sinh quán chiếu về công án mà thầy đặt ra – danh từ nhà thiền gọi là tham công án – thì thiền sinh chẳng phải chỉ trong một tư thế tọa thiền tĩnh lặng, gom thân, tâm, ý, về một mối mà còn phải sống, chết, ăn, ngủ, với công án đó bằng trọn từng đốt xương, từng lỗ chân lông trên thân tứ đại, may ra mới tới lúc thấy được “ánh sáng cuối đường hầm!”

 

Nhưng với sự kiện Bát Nhã thì có lẽ không cần khó nhọc thế mới hiểu được. Từng trang, trong tập sách chín trăm trang, mỗi trang dường như đều là một câu hỏi và đồng thời có ngay câu trả lời.

 

Câu hỏi ở đây là câu hỏi của lương tâm, của nhân cách, của tình người; còn câu trả lời là của tham sân si, uế trược.

 

Vậy, dùng từ “công án” cho sự kiện Bát Nhã, phải chăng chỉ là dụng ý tương phản của người thực hiện, muốn gửi tới những ai còn xót xa quan tâm đến Bát Nhã. Thông điệp thầm lặng đó, phải chăng là “Bạn ơi, hãy mỉm cười đi! Đừng băn khoăn, đừng bứt xúc, đừng bất nhẫn nữa, vì mọi sự đều tự nó ở ngoài ánh sáng cả rồi mà!”

 

Theo tinh thần kinh Kim Cang mà Đức Thế Tôn chỉ dạy cho ngài Tu Bồ Đề thì ở công án này, có lẽ người thực hiện muốn diễn tả điều dị thường, là: “Nói Bát Nhã không là một công án, mới thực Bát Nhã là công án!”

 

Ngẫm xa, theo thiền-ý thì có vẻ mênh mông, nhưng ngẫm gần, qua sự việc thì vô cùng đơn giản. Xin cám ơn nhà báo Lê Nguyên đã hoàn tất cái công án dài nhất trong lịch sử công án! Vì công án này không chỉ ở tựa cuốn sách, mà ở từng trang, ở từng sự kiện. Không những thế, công án này còn đưa ra một cái nhìn mới mẻ về phút giây trọng đại của thiền sinh khi chợt ngộ sau thời gian khổ nhọc tham công án. Thông thường, đó là phút giây “Thấy cái đi tìm lại là cái thật gần”.

 

Nhưng ở đây, cái mà những ai còn quan tâm tới Bát Nhã, muốn đi tìm, thì sẽ chẳng phải chỉ thấy những cái thật gần, là tinh thần Bát Nhã vẫn còn nguyên vẹn ở Lâm Đồng, ở tình người Hiểu và Thương khắp ba miền Trung Nam Bắc, ở những bữa cơm chánh niệm trong bao gia đình, mà còn thấy những cái thật xa.

 

Đúng vậy, Bát Nhã đã, và đang đi xa lắm! Bát Nhã đã có mặt khắp hoàn cầu, trong trái tim thế giới. Sự có mặt không phải chỉ nơi Tích Môn, mà còn ở Bản Môn. Bạn có thầm hỏi, tại sao tinh thần Bát Nhã lại ở tới Bản Môn không?

 

Thưa, vì hình ảnh toàn thể gần bốn trăm tăng ni sinh vẫn lặng thinh thiền tọa trước súng đạn, gươm đao của bạo quyền, vì bị rượt đuổi, xô đẩy dã man vẫn bình tĩnh nương nhau đi trong mưa, vì bị bỏ đói bỏ khát vẫn niệm Quan Thế Âm xin chuyển hóa vô minh cho những kẻ tạo nghiệp … vì biết bao, biết bao thể hiện sự vô úy, từ bi, nhẫn nhục, đã là lời chứng thực, xác quyết nhất, về giá trị tối thượng của một giáo pháp có tên gọi là ĐẠO PHẬT.            

 

Huệ Trân

(Tào-Khê tịnh thất, tháng 9/2011)

 

 

Bát Nhã Là Một Công Án Thiền

 

Hình bìa trước và bìa sau của ấn bản Âu châu.

 

Lời người kết tập: Sách do Lê Nguyên kết tập, Phù Sa ấn hành, bìa cứng, in tại Đức quốc lần đầu 1000 quyển. Sách dầy 900 trang gồm 166 bài viết và tài liệu, cùng rất nhiều hình ảnh thời sự. Đây là tập sử liệu chính thức (officiel) giải trình đầy đủ sự kiện Pháp Nạn Tu Viện Bát Nhã ở thôn Đamb'ri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam từ tháng Bảy năm 2008 đến tháng Chạp năm 2009.

 

Gọi là sử liệu, vì nó được kết tập một cách khách quan bằng những trang tài liệu chính thức của các bên liên hệ ; Bằng những trang báo, trang tin của các hãng thông tấn, báo, đài quốc tế ; Bằng những bài viết và bút tích của mọi thành phần khách quan, cũng như các bên liên hệ ; Bằng sự rung động của con tim và lý lẽ của những con người bằng xương bằng thịt... chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam và thế giới. Sách phơi bày tất cả những bộ mặt thật của Chính quyền, Đảng quyền, và Giáo quyền. Song, BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN còn là một minh chứng bằng xương bằng thịt của hơn 400 con người cho những giá trị cao thượng về Hiểu biết, Thương yêu, Không sợ hãi ; về Bốn tâm Vô lượng ; về Tuệ giác Vô thượng Bồ đề của các bậc Chân sư, v.v... mà ta cứ ngỡ rằng chúng chỉ có trong kinh sách mà thôi.

 

Phù Sa Info, Người kết tập, cùng các Cộng tác viên rất hạnh phúc hiến tặng công đức này tới tất cả mọi người. Dù bạn đang ở bất cứ nơi đâu trong thế giới này, nếu bạn muốn có một hay nhiều quyển sách này xin gửi cho chúng tôi ấn phí là 20€ + phí bưu điện là đủ. Đặc biệt, các tác giả, các cơ quan truyền thông[1] có bài trong sách này chỉ cần gửi phí bưu điện mà thôi. Chú ý: Những điều kiện này chỉ được áp dụng cho ấn bản Âu châu. Mời các bạn liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ E-mail duy nhứt là: Ed.phusa@gmail.com

 

* * *

 

Ngoài ấn bản Âu châu, chúng tôi cũng vừa hoàn tất ấn bản Hoa Kỳ có cùng nội dung, hình ảnh với ấn bản Âu châu, chỉ khác về cách trình bày bìa, và đóng thành hai quyển. Sách đang được phổ biến trực tiếp tại tu viện Lộc Uyển - (Deerpark Monastery) - 2499 Melru Lane, Escondido - CA 92026 - USA - Điện thoại: + (1) 760 291 1003 hay + (1) 760 291 1028 - Fax: + (1) 760 291 1172 - E-mail: deerpark@dpmail.net. Dưới đây là hình bìa (điện tử) của ấn bản này:

 

Bìa trước và sau quyển 1 (ấn bản Hoa Kỳ)

 

Bìa trước và sau quyển 2 (ấn bản Hoa Kỳ)

 

Lê Nguyên

-----------------

 

[1] Tác giả có bài trong sách này : Thiền sư Nhất Hạnh – Thích Chân Pháp Khâm - Thích Chân Trung Hải – Thích Nữ Chân Thoại Nghiêm - Thích Nữ Chân Phúc Nghiêm - Nhà báo Linh Toàn - Giáo viên Đào Thị Ngọc Trâm - một Phật tử địa phương - Phật tử TP. HCM. - Nhà thơ Hoàng Hưng, cùng 434 nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước - Ký giả Không Tên - Chung (Xuân-Lộc) - Phóng viên Uyên Thảo - Tập thể Tăng Ni và Phật tử TP Đà Lạt  - Nhà văn Huệ Trân - Sư chú Pháp Xa - Thanh niên, Sinh viên, Học sinh Phật tử Sài Gòn - Cát Tường (xóm Bếp Lửa Hồng) - Phật tử Tâm Diệu Chung - Nguyên Chơn - Sa Môn Thích Đồng Nhn - Nhà văn Phan Quân - Phóng viên Hà Giang - Ts. Nguyễn Hồng Dũng - TDTCSM - Ký giả Ben Stocking (AP) - Một tu sinh BN tị nạn tại chùa Phước Huệ - Nguyễn Phước Song Thân - Chân Điều Nghiêm & Chân Áo Nghiêm - Tập sự nữ Tâm Thường - Thượng tọa Thích Thanh Thắng - Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Bình luận gia Ngô Nhân Dụng - Tỳ kheo Thích Thanh Quang cùng tập thể tăng ni trẻ tỉnh Lâm Đồng - Phóng viên Thanh Trúc - Cựu thiếu tướng Trần Khắc Lợi - Chu Văn - Một sư cô xóm Mây Đầu Núi - Sư chú Chân Pháp - Sư em của Tăng thân - Minh Thi, tập sự nữ xóm Mây Đầu Núi - Tăng thân Bát Nhã - Thường Quán, đại diện tập thể tu sĩ các đạo tràng cả nước - Nhóm Phật tử trẻ - Nguyễn Đắc Xuân, đảng viên kỳ cựu đảng CSVN, kiêm nhà văn, nhà báo - Phật tử Diệu Tâm - Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành (Giám Tỉnh) và tập thể Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế VN - Nguyễn Mai Sơn - Lê Hiếu Đằng, Đảng viên, nguyên phó chủ tịch UBMTTQVN tp. HCM - Phóng viên Bạch Liên - Quách Sơn Mạc - Trần Vũ Bách Niên - ĐN, sư chị xóm Mới LM - Hoài Chân - Gia Bảo, giáo dân Công giáo - Hạnh Chơn, Phật tử TPHCM - Sư con - Trần Quốc Việt - Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn - Huyền Lam - Nguyên Hỷ Đỗ Tường Vân - Nhà văn Vĩnh Hảo - Cheri Maples, Đại úy CA Hoa Kỳ - Thích Phong Định - Giáo sư Nguyễn Huệ Chi - T. M. T. tập sự nữ xóm Mây Đầu Núi - Tâm Giao Nguyên - Nhóm “baby monks” - Nhà thơ Vô Thường - Quảng Tựu Đoan Thanh - Sư chị Xóm Mới - Phóng viên Vân Thủy - Trần Đình Nguyên - Liên Anh - Luật gia Phạm Như Hưng & Mai Thanh Hiếu - Phật tử Diệu Thành - Hoa Vô Ưu TH - Trịnh Tú Nhân - Phóng viên Gia Minh - Sư chú Bát Nhã tị nạn ở Phước Huệ - Phật tử Lâm Đồng - Tâm Quảng Kim - Phóng viên Trà Mi - Pb - Nguyễn Hoàng Quang - Đoan Nguyện - Luật gia Nguyễn Trung Nguyên - Phật tử Nguyên Hưng - Chân Nguyên - Diệu Nguyện, Phật tử Bảo Lộc - Tâm Nhiên - Hoàng Bảo Lâm & Lâm Nguyên Quảng - Chân Toàn - Phổ Tâm - Bắc Phong - Lý Viết Chân - Thích Quảng Kim - Thích Tâm Lạc - Thích Tâm Hỷ - Thích Nữ Tâm Nhật - Thích Chân Pháp Sỹ - Tâm - và Lê Nguyên.
 

Các quan chức Chính quyền và Giáo quyền: Đỗ Phú Thạch, Trưởng Ban CA xã Đamb’ri – TT. Thích Đức Nghi, Viện chủ tu viện Bát Nhã - Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban TGCP - Trương Kim Viên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó CT kiêm TTK GHPGVN - Hòa thượng Thích Toàn Đức, cùng toàn thể thành viên Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Lâm Đồng - ông Bob Filner, Dân biểu quốc hội HK - Phạm Quang Tường, Chủ tịch UBND Bảo Lộc - Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó TTK kiêm CVP 2 GHPGVN - Hoà thượng Thích Pháp Chiếu, Trưởng BTS PG tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Phương Nga, phát ngôn Bộ Ngoại giao VN - Chime R Chhoekyapa, Thư ký Văn Phòng Đức Ngài Đạt Lại Lạt Ma - Heidi Hautala, Chủ tịch Phân Ban Nhân Quyền của Ủy Ban Ngoại Giao Quốc Hội Âu Châu - Thượng tọa Thích Minh Nghĩa, Viện chủ tu viện Toàn Giác Đồng Nai - Thượng tọa Thích Viên Thanh, Viện chủ Thiền Viện Vạn Hạnh Đà Lạt -  Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban TT Điều hành BTGCP - Thượng tọa Thích Thái Thuận, Chánh đại diện PG Bảo Lộc - Human Rights Watch - Amnesty International.

 

Các cơ quan truyền thông: Giác Ngộ - RFI Việt ngữ - La-Croix - Người Việt - Calitoday - AP - Sen Việt - RFA việt ngữ - Radio Veritas Asia - talawas - BBC Việt ngữ - The Wall Street Journal - AFP - VOA Việt ngữ - Deutsche Presse-Agentur - Nữ Vương Công Lý.

 

Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.


TIN VĂN

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.