.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật | | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 Vĩnh Hảo

Ngôi chùa trên hải đảo

  • PSN 21.05.2009

Chùa tọa lạc trên một hải đảo thuộc xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ngoài địa danh tỉnh, các địa danh còn lại thật là xa lạ, chưa bao giờ được nghe tới. Cái “danh” (tên gọi) sở dĩ xa lạ vì cái “thực” (hiện thực) là một nơi chốn xa xôi hẻo lánh, ít người lui tới. Nơi đây, dân cư hiện nay đã khá đông đảo, nhưng không lấp được cái vẻ hiu quạnh thê thiết của một ốc đảo cách xa đất liền mười cây số đường chim bay.

Ngôi chùa được dựng trên hải đảo ấy từ nửa thế kỷ trước, có tên là Diên Khánh. Lịch sử ngôi chùa nếu được cơ hội ngồi bên các bô lão còn lại trong thôn xã để nghe kể lại thì hẳn là thú vị lắm. Thiền sư nào đã đặt chân đến hải đảo này năm mươi năm trước, lập thảo am ẩn cư khi ở đây chỉ có lác đác vài người, hoặc chẳng có một ai, rồi dần dần tiến thành ngôi chùa Diên Khánh hiện nay? Một thiền sư, một am tranh, trên ốc đảo. Hình ảnh thật là thi vị.

Thế rồi, vị thiền sư ấy bây giờ ở đâu? Đã chu du hoằng hóa ở phương khác? dấn thân vào phố thị phù hoa để độ sinh? Hay đã bỏ ốc đảo về với cõi vô sinh tịch diệt? hay đã tái sinh để tiếp tục con đường hóa độ trong một hóa thân khác? Và biết đâu, có thể tái sinh làm vị trụ trì hiện tại?

Không thể nào từ một góc bàn cách nửa vòng trái đất mà hiểu rõ chuyện ấy. Chỉ biết đơn giản mấy điều qua thư kêu gọi của Đại đức Thích Huệ Trí, đương kim trụ trì chùa Diên Khánh, cũng như qua các thư điện tử liên lạc với vài người bạn đạo trong nước.

Thầy Huệ Trí tuổi mới ngoài ba mươi, từng theo học các khóa Phật học ở Đại Tùng Lâm, huyện Châu Thành. Sau khi tốt nghiệp, thầy về với sư phụ là Hòa thượng Thích Thiện Thành, viện chủ chùa Hưng Quang, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Khi biết chùa Diên Khánh tha thiết cung thỉnh tăng ni về để hướng dẫn quần chúng hải đảo, thầy Huệ Trí đã tình nguyện dấn thân.

Nhiều năm trước đó, chùa không có tăng ni. Các đạo hữu tín tâm đã tự phát hôm sớm về chùa, thắp nhang lễ bái, luân phiên tụng niệm. Khi chùa hư dột trầm trọng, cũng do quý đạo hữu trên hải đảo ấy vận động đóng góp, kẻ công người của, trùng tu toàn bộ ngôi bảo điện để phật-tử địa phương có nơi lễ Phật, cúng kiếng. Chùa có đất rộng, nhưng cơ ngơi duy nhất là ngôi chính điện để thờ Tam Bảo. Nhu cầu phật-tử địa phương có lẽ chỉ có vậy: một nơi thờ Phật để thắp hương, lễ bái. Sau vài năm được thầy Huệ Trí từ đất liền qua đảo tận tình dìu dắt, sinh hoạt ở đây bắt đầu khởi sắc, chuyển từ một ngôi chùa giống như đình miếu của làng trở thành ngôi tự viện có nề nếp tu học, bái sám của thiền môn. Ngoài việc thuyết giảng, hướng dẫn đồ chúng tu học, thầy trụ trì còn thành lập Gia Đình Phật Tử Diên Khánh để giáo dục các em thanh thiếu niên trên hải đảo theo đường hướng truyền thống của tổ chức này.

Sở học sở tri của thầy như thế nào không biết - tất nhiên không thể lượng giá qua giới phẩm, bằng cấp học đường hoặc thời gian xuất gia. Chỉ biết, ngôi chùa hải đảo lâu năm không tăng ni nào ghé bước dừng chân, nay duy nhất thầy bỏ phố về đây, nếu không phải chí nguyện sâu dày thì làm sao kham nổi cảnh chùa quạnh quẽ hiu hắt, đêm ngày sóng nước vỗ nhịp trường canh trên ốc đảo mù khơi? 

Vẫy tay bỏ lại phố xa,

Sư về hải đảo kết tòa liên hoa

Biển xanh rộng chí thiền gia

Áo nâu một bóng đậm đà chùa quê.

(Vĩnh Hảo)

Tăng sĩ sống độc cư ở chùa, thảo am, hay một chòi tranh chốn rừng già, chẳng phải là điều lạ thường gì trong sinh hoạt truyền thống của Phật giáo. Nhưng từ nhiều năm nay, đa phần tăng ni trẻ tập trung ở các thành phố lớn để dự học các trường lớp từ sơ, trung đến cao cấp, từ trường đạo đến trường đời; sau khi tốt nghiệp, những vị này ở luôn thành phố không trở về nguyên quán các tỉnh lẻ, dẫn đến tình trạng tràn ngập tăng ni đô thị, nhất là Sài-gòn, trong khi nhiều chùa ở các vùng xa xôi hẻo lánh lại không có tăng ni đến hoằng pháp. Cho nên, đối với tôi, việc thầy Huệ Trí từ bỏ thành phố về nơi hải đảo, đảm nhận trụ trì để toàn tâm toàn lực hướng dẫn đồ chúng địa phương tu tập, là cả một hạnh lớn, đáng kính nể và đáng khích lệ.

Tục ngữ nhà thiền có câu: “Đi biển có đôi, tu hành có bạn.” Một thân tăng trẻ cô quạnh trên hải đảo, chẳng khác người đi biển một mình, không một pháp lữ đồng môn để đàm đạo hôm sớm chia sẻ kinh nghiệm tu học, hoằng pháp. Đầu ghềnh, cuối bãi, chập chùng sóng nước vây quanh. Nếu không thường xuyên lấy cái bao la của biển trời để tự nhắc nhở, tự thắp sáng chí nguyện xuất trần cao đẹp của mình thì làm sao có thể vượt qua những ngày tháng cô tịch nơi hải đảo trơ vơ?

Thử tưởng tượng hàng nghìn tăng ni trẻ khác chen chúc, vui vầy, cùng học với nhau trong các trường lớp, cùng tu với nhau nơi các tự viện nguy nga của phố thị, rồi nhìn về ngôi chùa nhỏ trên hải đảo xa xăm của một tỉnh nghèo khô khốc miền Trung… Thực là chẳng biết có thể nói được lời nào để trải hết đạo tình và niềm cảm kích của mình đối với thầy trụ trì áo nâu khiêm cung, lặng lẽ kia.

Thôi thì viết mấy lời nơi đây, ước mong có được sự yểm trợ của chư tôn đức và quý bạn đạo ở khắp nơi đối với việc xây cất giảng đường của chùa Diên Khánh.

Ngôi giảng đường này ngoài mục đích chính là có nơi để phật-tử đến nghe thuyết giảng Phật Pháp, còn được dùng làm trai đường, phòng họp, phòng học, chỗ nghỉ đêm cho các phật-tử thọ bát quan trai-giới, và một góc nhỏ sẽ là đoàn quán cho các em Gia Đình Phật Tử. Với tài chánh eo hẹp do phật-tử nghèo ở địa phương đóng góp, cùng với việc làm nhang để bán, chùa Diên Khánh chỉ ước mơ có được một ngôi giảng đường đa dụng như thế chứ không dám xây riêng từng căn cho mỗi pháp sự. Năm trước, chùa vừa kêu gọi đóng góp công của, vừa tiến hành xây cất. Có bao nhiêu tiền thì mua vật liệu bấy nhiêu; xây được tới đâu vui tới đó. Chùa đã đặt móng và xây lên được các vách. Nhưng vì cạn tài chánh mà công trình đành ngưng ngang nhiều tháng qua. Thầy trụ trì đã có thư kêu gọi từ mấy tháng trước, nhưng lá thư mộc mạc của thầy tựa như tiếng mõ trầm, vang lên thật nhẹ từ đảo xa, giữa trùng dương gió chướng và sóng xanh ì ầm.

Sáng nay thắp hương lễ Phật xong, tôi ngồi viết những giòng này để tiếp sức thầy, kính gửi đến chư tôn đức tăng ni và quý bạn đạo khắp nơi lời kêu gọi của một “sơn tăng hải đảo.” Mong rằng với sự quan tâm và yểm trợ thiết thực của quý vị, ngôi giảng đường sẽ được tiếp tục xây cất cho đến khi hoàn tất trong những ngày nắng hạ sắp tới.

California, ngày 18.5.2009

Vĩnh Hảo

Mọi thư từ liên lạc và tịnh tài ủng hộ, xin gửi về:

Lê Viết Phương (Đại đức Thích Huệ Trí)

Chùa Diên Khánh

Thôn 3, xã Tam Hải, huyện Núi Thành

Tỉnh Quảng Nam, Việt Nam

Đ.T.: 0510.2226.913


Gạch được chở về chất ở bãi trước của chùa. Bên kia bờ là đất liền.


Thầy trụ trì Thích Huệ Trí và giảng đường xây cất dở dang


Quý phật-tử góp phần công quả xây giảng đường

 

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

VĨNH HẢO

Tên đầy đủ là Nguyễn-Phước Vĩnh Hảo, quê Nha Trang, gốc Thừa Thiên.

Cựu học sinh các trường Ấu Việt, Sinh Trung, Hóa Khánh, Võ Tánh (Nha Trang), Bồ Ðề (Hội An), Già Lam & Vạn Hạnh (Sài-gòn, sau năm 1975), Trường Cải Tạo Lao Ðộng K4 (Long Khánh, Ðồng Nai), NOVA (Northern Virginia Community College), Los Angeles Valley College (California)... Ngoại trừ trường tiểu học Sinh Trung, các trường còn lại đều bị cắt ngang bởi chính bản thân, hoặc do hoàn cảnh.

Cọng tác với một số báo Việt ngữ tại hải ngoại với văn, thơ, tùy bút... rất giới hạn, không thường xuyên, như: Chân Nguyên, Khởi Hành, Làng Văn, Thư Quán Bản Thảo, Phật Giáo Hải Ngoại, Phật Giáo Việt Nam, Thế Kỷ 21, Viên Giác, Văn Học... và nhiều tạp chí, đặc san khác; chủ trương trang lưới Buddha Home (Nhà Phật -www.buddhahome.net)

- hiện sống và làm việc tại miền Nam California

 

- đã xuất bản 13 tác phẩm gồm truyện dài, truyện ngắn, thơ và tùy bút

 

- chủ biên trang lưới www.buddhahome.net

 

- chủ trương tạp chí văn học Phật giáo: Phương Trời Cao Rộng

 

- Trang nhà www.vinhhao.net

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.