.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 Vĩnh Hảo

Những người bước chậm

Ngày lập đông. Trời lạnh suốt từ đêm qua đến sáng sớm hôm nay; mãi đến trưa mới có nắng ấm dìu dịu giữa một trời lãng đãng sương giăng. Một ngày như thế nơi công viên nhỏ ít bóng cây không phải lý tưởng cho lắm. Nhưng bãi cỏ ở đây thì thật đẹp. Dù mùa thu đã qua với nhiều lá vàng khô còn rơi rớt đâu đó, thảm cỏ công viên vẫn xanh mướt, tạo cảm giác êm dịu cho đôi mắt đã mờ đục vì bụi bặm trần gian. 

 

Công viên cách xa lộ không bao xa, mà trục lộ chính của thành phố lại chạy ngang mặt trước, nên thỉnh thoảng, tiếng động cơ của vài chiếc xe nào đó cố tình gây huyên náo, cũng tràn đến băng ghế đá, như những đợt sóng dữ phả vào, làm chao động cả vách núi im. Có một người ngồi đó, lặng lẽ nhìn, lặng lẽ nghe. 

 

Huyên náo rộn ràng thường khi chỉ biểu hiện một cái gì rỗng tuếch. Nhưng người ta vẫn muốn phơi bày cái rỗng tuếch ấy, vì rỗng tuếch chính là chất liệu của một đời sống vô nghĩa, vô hồn nơi họ. Một cái giếng không bắt được mạch nguồn vô tận thì sau vài gàu nước đục, đã thành cạn khô. Người ngồi nơi ấy, lặng lẽ nhìn, lặng lẽ nghe.  

Một chiếc xe đi vào bãi đậu công viên với tốc độ không bình thường. Nơi đây mọi thứ động tác, mọi chuyển động của con người và cây cỏ đều chầm chậm, nhẹ nhàng. Xe vào thật nhanh, cửa đóng ầm ầm, có vẻ gì như là một cuộc xâm lấn. Từ trên xe, những người mau mắn và tự tin bước ra. Điện thoại cầm tay, mỗi người một cái, nói chuyện với một ai đó ở mơ hồ phương xứ. Ba người đồng hành không nói chuyện với nhau mà lại nói chuyện với những ai khác qua điện thoại tiện ích tân kỳ. Một người khác ngồi lại trên xe, chăm chú dán mắt vào máy vi tính xách tay. Đọc truyện hay xem tin tức, hay đang liên lạc với ai khác bằng vi thư? Thế giới loài người hôm nay đem cái xa gần lại, và đẩy cái gần đi xa. 

 

Người ta đã nói thật nhiều nhưng không nói được bao nhiêu. Những điều đã nói, không thực sự cần nói. Tràn ngập trên truyền thanh, truyền hình, và hàng triệu trang lưới tập thể, trang lưới cá nhân, là những tiếng nói, hình ảnh, sắc màu. Chưa bao giờ loài người được quyền nói nhiều, đăng nhiều, biểu đạt nhiều như thế. Cái gì cũng nói được, phơi bày được, và đã được gửi lên mạng lưới toàn cầu một cách nhanh chóng. Nhanh chóng đăng lên, rồi nhanh chóng bị đẩy lùi vào trang sau để nhường trang trước cho các bài mới. Những trang mạng chuyên về tin tức chính trị, thời sự, kinh tế... cập nhật hàng ngày là chuyện bình thường. Nhưng các trang về tôn giáo, triết học, văn chương... cũng thế, cập nhật mỗi ngày, hoặc vài ba ngày một lần. Cập nhật, cập nhật, cập nhật... Update, update, update... Đó là từ ngữ quan trọng nhất của xã hội thông tin ngày nay. Trang nào, báo nào không cập nhật hàng ngày thì bị bỏ rơi, bị chê là chậm quá, giống như chiếc xe lái chậm trên xa lộ, chỉ cần giảm tốc độ trong vòng vài giây, vài phút, đã thấy hàng trăm xe vượt qua mặt (có khi đã qua mặt rồi còn ngoái cổ nhìn xem thử ai mà lái chậm thế!). Bài nào không kịp đọc hôm nay, ngày mai có thể là tìm không thấy. Phải đọc nhanh cho biết. Cái gì cũng cần biết, không cần hiểu. Nếu nhiều bài quá mà không có thời gian đọc, chỉ cần liếc qua tựa đề hoặc xa hơn nữa, liếc đoạn đầu đoạn cuối của bài là đủ. Đây là cách đọc và học của con người thời đại. Tư tưởng, triết lý, văn chương... phải cô đọng lại và được biểu hiện qua hình ảnh và âm thanh chắt lọc nhất, giống như áp-phích quảng cáo: vừa đưa lên đó thì thoắt cái đã biến mất. Những người nhẩn nhơ thong thả sẽ không kịp thấy. Những đầu óc chậm phân tích sẽ không kịp hiểu. Những người trầm tư ít nói sẽ là những người lạc hậu... 

Người đàn ông ngồi đọc sách nơi băng đá công viên. Mấy con chim nhảy qua nhảy lại gần giỏ rác. Xe vượt nhanh trên con đường cao tốc gần đó. Trời hanh nắng. Gió đưa nhè nhẹ hơi lạnh của ngày chớm đông. Mây xám chen mây trắng, lờ lững như giòng nước đục. Một cặp tình nhân kề vai sóng bước, chậm rãi đi qua. Cặp tình nhân không còn trẻ. Chàng lớn hơn nàng khá nhiều tuổi. Có thể là một cặp vợ chồng. Nhưng cách họ nắm tay, lặng lẽ bước bên nhau nơi công viên nhỏ bé này, giống như tình nhân, hay đôi bạn tri kỷ vong niên. Đôi mắt họ tràn ngập hạnh phúc. Thế giới của họ bây giờ là đôi bàn tay nắm chặt lấy nhau, còn có nhau trên đời. Chậm rãi dạo bước công viên. Im lặng ngồi bên nhau nhìn ngắm mây bay lững lờ. Không cần biết họ là ai, làm gì, xuất thân từ đâu; chỉ biết tình yêu của họ là tình yêu của đầu thế kỷ trước. 

 

Thuở ấy, người ta hãy còn làm thơ. Và những người yêu nhau, không đến không đi vội vã. Họ trao và nhận những câu thơ để đọc chậm rãi, và có thể đọc tới đọc lui nhiều lần.  

 

Khi nhiều người rầm rộ tiến đến tương lai thật nhanh bằng tốc độ của điện tử, bằng hàng triệu bài viết dài ngắn, bằng muôn vàn lời nói, bằng muôn vàn hình ảnh và âm thanh sôi động... có những người thật lặng lẽ, ngồi nơi băng đá công viên, nắm tay nhau, hoặc một mình, thong thả đọc sách…

 

Ngày vào đông, tháng 12.2010

 

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

VĨNH HẢO

Tên đầy đủ là Nguyễn-Phước Vĩnh Hảo, quê Nha Trang, gốc Thừa Thiên.

Cựu học sinh các trường Ấu Việt, Sinh Trung, Hóa Khánh, Võ Tánh (Nha Trang), Bồ Ðề (Hội An), Già Lam & Vạn Hạnh (Sài-gòn, sau năm 1975), Trường Cải Tạo Lao Ðộng K4 (Long Khánh, Ðồng Nai), NOVA (Northern Virginia Community College), Los Angeles Valley College (California)... Ngoại trừ trường tiểu học Sinh Trung, các trường còn lại đều bị cắt ngang bởi chính bản thân, hoặc do hoàn cảnh.

Cọng tác với một số báo Việt ngữ tại hải ngoại với văn, thơ, tùy bút... rất giới hạn, không thường xuyên, như: Chân Nguyên, Khởi Hành, Làng Văn, Thư Quán Bản Thảo, Phật Giáo Hải Ngoại, Phật Giáo Việt Nam, Thế Kỷ 21, Viên Giác, Văn Học... và nhiều tạp chí, đặc san khác; chủ trương trang lưới Buddha Home (Nhà Phật -www.buddhahome.net)

- hiện sống và làm việc tại miền Nam California

 

- đã xuất bản 13 tác phẩm gồm truyện dài, truyện ngắn, thơ và tùy bút

 

- chủ biên trang lưới www.buddhahome.net

 

- chủ trương tạp chí văn học Phật giáo: Phương Trời Cao Rộng

 

- Trang nhà www.vinhhao.net

Phù Sa.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.