.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyên Bạch | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Vũ Nam

Thành phố Konstanz,
ngày vui qua mau

Tháng 10 năm 1981, chúng tôi khoảng ba mươi người, từ trại chuyển tiếp Göppingen về trại tị nạn „Meßhotel“ ở thành phố Konstanz. Thành phố nằm trên bờ hồ rộng lớn Bodensee, ráp gianh với vùng đất sương mù Thụy Sĩ.

 

Để chuẩn bị tình thần cho người Việt tị nạn sẽ về Konstanz, ông trưởng trại Göppingen nói sơ qua cho biết Konstanz là một thành phố du lịch nổi tiếng ở miền nam nước Đức, nhờ cái hồ rộng lớn có tên là Bodensee. Nghe ông nói lòng tôi cũng thấy có phần nào hân hoan. Về một vùng đất mới để định cư mà không biết ít nhiều trước đó về nó âu cũng làm lòng người dao động, nao nao. Mặc dù ở Tây Đức này, đâu đâu cũng vậy, cũng giống nhau, cũng được chánh phủ lo cho đầy đủ.

 

Trong thời gian này, từ trại Göppingen ra đi, ngoài trại Konstanz, còn có các nhóm người Việt tị nạn khác đến Pforzheim, Plattenhart. Không biết ngày tiễn đưa nhóm người này đi ông trưởng trại ở Göppingen đã khen những nơi đến của họ như thế nào, chớ ngày tụi tôi lên đường đến Konstanz chỉ nghe ông khen thành phố này, không nghe thấy một lời „nói ra“.

 

Đến Konstanz vào lúc tháng 10. Buổi sáng sương mù đã giăng đầy. Mãi trưa mới tan. Ngày nào hình như cũng vậy. Cũng sương mù phủ trùm trên những những con đường, dãy nhà và những hàng cây hai bên đường. Thời tiết bên ngoài giá lạnh, nhưng thật sự trong lòng chúng tôi hân hoan vui vẻ và choáng ngộp với bầu trời thiên nhiên và cái hồ rộng lớn của thành phố Konstanz.

 

Một năm trước đó đã có một nhóm người tị nạn VN đến đây rồi. Nên người dân bản xứ đã biết qua người Việt. Khi chúng tôi đến, những người Việt đến trước đã giúp đỡ và chỉ dẫn tận tình, nên chúng tôi cũng không đến đổi quá ngỡ ngàng trong những ngày đầu vừa đến. Bưu điện ở đâu, nhà thương chỗ nào, siêu thị nơi nào rẻ... dần dà chúng tôi đều biết hết.

 

Ôi những ngày tháng đầu đời của một thanh niên 27 tuổi nơi vùng có sương mù buổi sáng và chiều chiều đã có làn không khí se se lạnh, vùng của lá vàng treo trên những cành cây trong mùa thu, vùng Tây Âu, Thụy Sĩ của tuyết trắng …, của những tháng ngày mơ mộng thời đi học chỉ được nhìn thấy qua lịch treo tường, thì đây, hôm nay anh ta đang đi trên những vùng ấy!

 

Một người Đức gây „ấn tượng“ cho tôi khi tôi vừa đến thành phố Konstanz không phải là ông Đức làm việc trong trại tị nạn. Cũng không phải là bà lo việc xã hội người Đức có văn phòng ngay trong trại, mà là cô nhân viên ở Bưu Điện Konstanz. Nhớ lúc tôi đến để xin gửi một bức thư về Việt Nam, báo tin chúng tôi vừa về một trại tị nạn mới nằm cạnh nước Thụy sĩ, trại tị nạn lại là một Hotel cũ, nhưng còn rất đẹp, cô mặc chiếc áo trắng, khăn quàng cổ màu vàng. Chúng tôi nói vài tiếng Đức bập bẹ đã học được từ hồi ở Phi, do vợ chồng bác sĩ Minh và ca sĩ Kim Loan giảng dạy, khi hai ông bà đi làm công tác xã hội bên đó. Tiếng Đức chúng tôi bập bẹ nhưng cô nhân viên bưu điện vẫn tươi cười chỉ dẫn chúng tôi. Ôi công chức nhà nước Đức được đào tạo là để phục vụ nhân dân thật đúng nghĩa của nó!

 

Chỉ khoảng một tháng sau ngày đến trại chúng tôi cũng phải vào lớp học tiếng Đức. May mắn thay, trại tị nạn là một Hotel cũ, có rất nhiều phòng lớn, nên chúng tôi học ngay trong Hotel. Một lớp sáng, một lớp chiều. Các em nhỏ khổ hơn chúng tôi nhiều vì sáng sáng đã phải đội sương đi ra ngoài để học trong các trường trung học của Đức như trẻ em bản xứ. La tha, lếch thếch đầy mũ áo mùa đông, cộng cái cặp quảy trên lưng trông các em cũng rất tội nghiệp. Vậy mà khi trưa, tan học, về đến trại mặt mày đứa nào cũng hồng hào, vì đã đi bộ thể dục một đoạn đường.

 

Cuối tháng 11, tuyết bắt đầu rơi nhẹ. Chúng tôi đi xuống phòng Caritas xin áo quần mùa đông. Ai không tìm được quần áo vừa ý thì đi mua. Hình như mùa đông lần đầu trên xứ Đức, chúng tôi ai ai cũng đều mặc áo lạnh của Caritas. Nhưng mặc dù là áo của Caritas, của „xã hội“ nhưng còn rất được. Còn tiền sỡ Xã Hội cho để mua quần áo mùa đông mới, chúng tôi đã dùng để mua đồ đạc gửi về nuôi thân nhân ở Việt Nam. Viết Bic, hộp quẹt gas, kem đánh răng, bàn chải, xà bông, vải…, chúng tôi tiếp tế đều đều bằng tiền trợ cấp của nhà nước Đức. Có nhiều anh sống một mình cứ mua cánh gà để ăn, hỏi ra mới biết anh để dành tiền để gửi những thùng đồ về VN cho vợ bán lấy tiền nuôi con.

 

Ngày tuyết rơi đầu tiên, chúng tôi đứng từ cửa sổ của Hotel nhìn ra bên ngoài xem tuyết. Lần đầu tiên trong đời thấy tuyết! Nỗi hân hoan như vừa nhận món quà. Những lần sau đó cũng bắt đầu „chơi“ với tuyết, cũng từng té ngã ngữa trên đường vì tuyết (đóng băng). Tôi đi xe đạp bị té hà rầm. Ngày ấy còn trẻ, té cũng chẳng sao, đứng dậy lau lau, phủi phủi rồi lên xe đạp tiếp. Bây giờ, già rồi, chắc té là khổ!

 

Sau Lễ Giáng Sinh và Tết Tây đến gần cuối mùa đông ở Đức thì ở quê nhà VN là mùa Tết. Chúng tôi cũng tổ chức một cái Tết Tha Hương ngay trong phòng khánh tiết của Hotel. Tụ họp người Việt cũ, mới, ở trong và ngoài Hotel. Mời mọc những ân nhân, bạn bè người Đức. Làm „văn nghệ văn gừng“ xôm tụ. Cũng có bánh tét bánh chưng. Cũng có Xuân Tha Hương hay Mùa Xuân Này Con Không Về từ những giọng ca tài tử.

 

Mùa đông lạnh lẽo đầy sương tuyết rồi cũng qua, để nhường cho mùa xuân đến. Tiếng chim kêu buổi sáng bắt đầu trên những cành cây. Nụ non hé mở. Màu xanh đã trở về và không khí dịu mát. Mọi người thở phào nhẹ nhõm vì đã chịu qua mùa đông đầu tiên trên xứ Đức, có khi lạnh xuống dưới 10 độ âm là chuyện bình thường. Lớp học vẫn tiếp tục. Ngày vẫn đi qua trên những niềm vui nỗi buồn của người xa xứ. Đêm về vẫn với những điệu nhạc lời ca Việt Nam từ chiếc cát-sét nhà ai trong Hotel: Cho tôi được một lần nhìn hoa rơi đầu ngỏ, một lần nhìn nắng ấm lên ngôi, một lần dìu em sang nhà mới, tình ta muôn ngàn lối…Cho tôi được một lần nhìn quê hương ngời sáng… Nghe đoạn nhạc rồi nghĩ về hoàn cảnh nước VN trong hiện tại thấy lòng ngao ngán.

 

Khi xuân đến trọn vẹn, mang làn gió mát vào những buổi sáng cuối tuần, không còn sợ lạnh, chúng tôi cũng tụ năm tụ ba, rủ nhau đi đá banh với những đội bá banh của người Thổ, hoặc đá với những đội đá banh của người Việt ở những trại tị nạn nơi khác đến. Tiếng reo hò khi vào khung thành địch cũng làm cho đội đá banh với toàn thành phần trẻ hưng phấn. Người VN tướng tá nhỏ hơn người Thổ, nhưng được cái là đi banh hay hơn, nhanh hơn và lừa banh thì số một. Người Thổ thì to lớn, mạnh bạo nên khi đụng vai với họ thì thanh niên mình hay té nhào, còn các ông thần này đứng vững như trụ đồng, nhưng bù lại mình đứng dậy rất nhanh, lại tiếp tục theo banh, chạy tiếp. Kết quả thường là huề. Dĩ hoà di quý.

 

Những ngày xuân, cuối tuần, khi chiều xuống, chúng tôi hay đi dạo dọc bờ hồ. Vợ chồng tôi đẩy chiếc xe có thằng con nhỏ sáu tháng tuổi và có cả ghế ngồi cho đứa con trai lớn hơn em nó mười bốn tháng trên xe. Trời xuân, trong buổi chiều, mặt hồ Bodensee rất đẹp. Những chiếc phà, những du thuyền màu trắng chở xe chở người chạy đi chạy về từ Konstanz qua thành phố Meersburg, Friedrichshafen, Lindau… và ngược lại, xuyên suốt hết mùa đông, nay đến xuân, vẫn tiếp tục làm việc như không bao giờ có thì giờ để nghỉ. Mặt hồ trong xanh, nguồn nước từ sông Rhein xuất phát trên dãy núi Alpen đã tồn đọng tại đây thành một hồ nổi tiếng ở Âu Châu, tiếp giáp ba vùng đất nước Đức, Thụy sĩ và Áo. Những chiếc thuyền buồm, thuyền máy nho nhỏ chạy đều trên mặt hồ. Dọc bờ hồ đầy những con ngỗng trắng khổng lồ chờ ăn bánh mì từ những khách lãng du.

 

Khi mùa hè đến, lúc nước hồ bớt lạnh, chúng tôi có dịp cùng người địa phương, khách du lịch bơi lội trong hồ, rất vui. Có những bãi tắm, trưa hè, rất đông người. Bên kia hồ, Thụy Sĩ, ngày hè nổi lên những dải sườn đồi màu lá cây rừng.

 

Đảo Mainau nổi tiếng ở Konstanz chúng tôi cũng vào thăm ngay khi ngày hè vừa đến. Những con thú bông khổng lồ được đan kết (bông trồng lên những khối đất hình con thú như thiên nga, lạc đà, voi…) với nhiều màu sắc thật đẹp. Người người tấp nập. Áo hoa đủ màu. Đứng ở ngôi nhà cao nhất trên đảo Mainau sẽ thầy toàn bộ cảnh hồ Bodensee. Nước màu trong xanh và những cánh buồm. Tàu lớn tàu nhỏ xuôi ngược, để lại sau lưng những đường sóng trắng nhấp nhô, kéo dài.

 

Rồi mùa hè cũng qua, xuân lại đến, đông sang, Konstanz lại chìm ngập trong sương mù. Sau này, sau những năm tháng đi đây đi đó trên toàn nước Đức, tôi chưa bao giờ thấy nơi nào có sương mù dày đặt như ở Konstanz. Sương mù đem ướt át, đem nỗi buồn, đem giá lạnh trong mỗi buổi sáng, nhưng bù lại Konstanz lại có cái hồ thật đẹp. Sự san sẻ của tạo hóa thật công bằng.

 

Nhưng dần dà chúng tôi, những người tị nạn, cũng phải rời bỏ Konstanz, chỉ vì công ăn việc làm. Konstanz là thành phố du lịch, không có hãng xưởng nên những người cần công việc làm đều phải đi về nơi khác: Freiburg, Singen, Reutlingen, Stuttgart, Schondorf …v.v… Dù xa Konstanz, nhưng mỗi năm, khi hè đến, chúng tôi lại rủ nhau chạy xe về Konstanz, tắm hồ Bodensee; đi trên con đường rừng dọc bờ hồ để nhớ lại ngày nào, những ngày mới đến xứ lạ, thênh thang trên những con đường rừng, mà nơi đó, mùa hè, người ta „FKK“ bình thường thả cửa, mặc mình cứ mắc cở, họ cứ thản nhiên đu cây như khỉ, chơi bóng chuyền tập thể, phần trên phần dưới đong đưa, nằm phơi mình trên cỏ, họ như sống giữa thiên nhiên không có loài người hiện hữu.

 

Sau một năm rưởi trên nước Đức, lần đầu tiên trong đời tôi mua một chiếc xe hơi cho riêng mình! Một chiếc xe Opel cũ, giá 800 D-Mark. Mua xe một phần là vì lúc đó tôi đang theo học một lớp tiếng Đức của cơ quan Otto Benecke Stiftung, ở thành phố Heilbronn, cách Konstanz khoảng 200 KM. Khi gia đình tôi nhận được một căn nhà riêng bên ngoài, không còn phải ở chung trong Meßhotel nữa, cứ đến chiều thứ sáu tôi về lại Konstanz. Vừa thăm vợ con vừa lo cho căn nhà mới. Đã ba bốn tháng cứ đi đi về về bằng xe lửa, thấy bất tiện quá nên đã tìm mua xe hơi. Quả thật mua xe hơi thật tiện vô cùng. Chiều cuối tuần tôi đã có mặt ở Konstanz với gia đình. Chiều chủ nhật cứ tà tà chạy về trường cũ, không quá bận rộn như lúc còn đi xe lửa. Vài anh em ở có gia đình ở Konstanz, về Heilbronn học như tôi, cũng hay tháp tùng, cùng chia tiền xăng với tôi để lên đường về quê hương Konstanz, xum họp gia đình sau một tuần „đi học“ xa.

 

Có xe hơi rồi cuối tuần tôi mới chở được gia đình đi chơi xa như đến Überlingen, Meersburg, Ravensburg và qua cả xứ của hồ, núi: Thụy Sĩ. Nhưng xa nhất lúc đó cũng chỉ là thành phố Zürich, cách Konstanz khoảng 60 KM, chớ xe cũ tôi không dám chạy xa hơn. Hình chụp hai đứa con trai nhỏ ngồi „oai vệ“ trên mui chiếc xe Opel cũ, màu vàng, tôi và bà xã đứng bên cạnh, thỉnh thoảng nhìn lại tôi thấy thời gian ấy quả là „thời vàng son“ của người tị nạn CS vừa đến từ VN. Chỉ đi học, gia đình có nhà nước nuôi, vậy mà còn có xe! Nhưng nói „dzậy chớ không phải dzậy!“ Vì khi học ở Heilbronn, mỗi tháng cơ quan từ thiện Otto Benecke Stiftung chỉ cấp cho chúng tôi mỗi đầu người 600 D-Mark. Số tiền này đủ để tôi tiêu xài ăn uống và gửi về tiếp tế bà già và gia đình các chị còn đang ở VN, nên tôi đâu có đủ tiền lo cho chiếc xe, và xăng nhớt…, vì thế tôi đã xin vào làm công nhân hút bụi trên những chiếc thảm trong khu bán quần áo, mỗi chiều chiều 2 tiếng đồng hồ, trong một siêu thị ngay giữa phố chính của thành phố Heilbronn. Làm khổ nhưng vui vì có tiền trang trải cho chiếc xe hơi.

 

Nhưng số chiếc xe Opel cũ cũng không ở lại với tôi được lâu! Chạy đâu được 5 tháng, khi mùa đông đến, nhiệt độ xuống đến trừ 10 độ, sáng ra đề máy xe không chạy, tôi lên phòng kêu thêm mấy người bạn cùng học xuống đẩy phụ dùm. Đẩy một hồi mệt lã người, xe chạy đâu không thấy, chỉ thấy nước dưới bụng xe chảy ra ào ào. Ông Hausmeiter của trường ra thấy ổng kêu mein Gott, trời ơi! Kết quả là bể máy xe, vì nước đã đóng thành băng trong các bộ phận máy. Chỉ vì tôi không biết trước để đổ thêm nước Frostschutz vào khi trời quá lạnh, nên chiếc xe đã thực sự từ giả tôi và từ giã luôn các con đường. Xe hơi mà bể máy thì xem như „giã từ vũ khí“. Sau đó ông Hausmeister đã giúp tôi gọi ADAC tới kéo xe về nghĩa địa xe. Tôi phải trả tiền kéo đến 50 D-Mark!

 

Khoá học hết, tôi về lại Konstanz bằng xe lửa, y như lúc lên, nhưng lại thấy vui vô cùng, vì được „đoàn tụ“ lại với gia đình sau một năm „đi học“. Tôi bắt đầu đi xe đạp trở lại, nhưng lần này không phải một mình như trước đây hơn một năm, mà có hai thằng con trai, đứa trước, đứa sau trên ghế ngồi chắc chắn. Mùa hè, ba đứa tôi tung hoành trên các nẽo đường ở Konstanz, nhưng khi đông vừa đến tôi dẹp xe đạp ngay vì sợ cả ba cha con có thể té sãi sòng ngoài đường khi bị trượt té, như những lần tôi bị trượt một mình trước đây. Đi bộ chắc ăn hơn.

 

Ôi Bodensee của Konstanz, của Đức, Thụy sĩ, Áo một thời đã qua.

 

xxx

 

Mới đây lại một lần nữa tôi về lại Konstansz để thăm một người thân. Tôi cho xe chạy trên con đường Stein, có trại tị nạn „Meßhotel“ ngày nào. Những người xưa nơi đâu, nhưng cảnh cũ còn đây. Trời vừa vào xuân, những nụ non đã ra đầy trên những cành cây. Con đường này, 29 năm trước, tôi đi đi về về, nay không thay đổi nhiều lắm. Vẫn khu chung cư, vẫn những hàng cây…cho những nhánh tàng che mát cả con đường. Meßhotel vẫn còn đây, nhưng đã cũ lắm rồi. Hình như vẫn còn cho những người tị nạn từ các nước khác đến ở, vì các cửa sổ có gắn Satellit. Thường các trại tị nạn, người tị nạn hay làm như vậy để xem những băng tần truyền hình từ quê nhà: Afika, Kurden, Iran…

 

Rời con đường Stein, tôi chạy qua con đường có khu chung cư, nơi gia đình tôi ở cách đây 29 năm. Ba dãy nhà to lớn vẫn còn nằm song song đó. Vẫn còn đẹp, chắc do sự tu bổ thường xuyên của chính quyền thành phố. Khu chơi cho trẻ em ở trước các dãy nhà vẫn y nguyên như ngày nào: Bãi đất trống, những chiếc ghế xích đu màu xanh đỏ…. Nhìn mảnh đất nhỏ bé này tôi nhớ đến ngày nào, khi con còn nhỏ, cứ chiều chiều tôi hay dẫn các con xuống đây để cho chúng nó chơi. Tôi chỉ ngồi trên ghế xích đu nhìn, mặc các con vọc đất chơi cho thoả thích với trẻ con Đức. Trong khi má tụi trẻ đang lo nấu ăn chiều trên nhà. Thỉnh thoảng một người Đức đi ngang tôi cất tiếng chào Guten Abend, lịch sự, vì toàn là những người hàng xóm. Sau đó nhìn lại mảng trời xanh trong nắng chiều và ngọn những cây đang dao động. Lòng trầm xuống trong cuộc đời tha hương. Chung quanh xa lạ. Cố hội nhập cho qua ngày. Quê hương xa vời vợi. Hành trình trên xứ người còn đang trước mặt. Chưa biết ngày sau sẽ ra sao. Kỵ nhất là khi ngồi đây tôi gặp ông Đức già ở tầng dưới, ngay dưới nhà tôi. Cứ trưa chiều, khi các con trong nhà chạy giỡn, phá giấc ngủ trưa, ông hay lấy gậy thọt lên trần nhà ông kêu bộp bộp: cảnh cáo mấy đứa nhỏ chạy nhảy bên trên. Thỉnh thoảng ông tự đi lên, gỏ cửa than phiền. Vì sợ vậy nên cứ chiều, đi làm về là tôi đem các con xuống sân chơi ngay, để khỏi mích lòng hàng xóm. Gặp ông trước sân chơi cố gắng lắm tôi mới gượng gạo chào được ông. Trong khi ông nhìn mấy đứa nhỏ cười cười. Bây giờ các con đã lớn. Mỗi đứa mỗi ngả, tự ra đời bương chải, tự làm kiếm sống, thỉnh thoảng cha con mới gặp lại nhau.

 

Sau 29 năm bây giờ có lẽ ông bà hàng xóm đã chết rồi. Mọi phiền hà với người hàng xóm VN chắc ông không mang theo vào lòng đất để làm gì. Và các con cũng không bao giờ có dịp gặp lại ông. Gặp lại cái ông già khó tính.

 

Hồ Bodensee vẫn mênh mông như muôn đời. Cứ khi gặp hồ, nhìn hồ, tôi lại nhớ đến biển quê hương. Khoáng đạt rộng lớn. Không gò bó chật hẹp. Trời đã vào xuân, sắp hè nên thấy ít sương trên mặt hồ. Thành phố đã cho xây thêm một chiếc cầu mới để bắt ngang sông. Cầu thênh thang, rộng lớn. Giúp chiếc cầu cũ, nhỏ bé. Giải quyết được lượng xe lưu thông qua lại ngày càng nhiều. Chiếc phà, chúng tôi dùng qua lại ngày nào, chắc nay đã bị dẹp.

 

Một thời gian dài đã qua. Nhiều người thân từ VN đã mất. Cha mẹ mất. Bạn bè vài người bằng tuổi nhau ở đây, ở bắc Mỹ, ở VN cũng đã vào lòng đất. Nỗi sinh diệt u hoài. Đôi người bạn gái thời đi học ở VN đã già yếu, bịnh hoạn, nghèo, ung thư… cần sự giúp đỡ, cũng không thể làm tròn dù lòng rất muốn. Nỗi buồn riêng cho một con người cũng là nỗi buồn chung cho cả đất nước. Một dân tộc, một đất nước chưa thấy lối nào hay để thoát ra! Bế tắc, mà ai cũng thấy!

 

Và như bao người, tôi cũng phải tiếp tục ngày qua ngày, sáng đi chiều về, quay cuồn trong xã hội Đức. Nhưng được cái là vẫn có niềm vui từ gia đình, bạn bè, văn thơ… Vui để sống.

 

 

Vũ Nam (Germany)

 

VŨ NAM

Tên thật là Lý Văn Văn. Sinh năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy. 

Nhập ngũ tháng 10, 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Ngày 30 tháng 4, 1975 vẫn còn là SVSQ Không Quân QLViệt NamCH. 

Vượt biên cùng gia đình năm 1980, được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt.

Định cư ở Đức năm 1981, học nghề chuyên môn, ngưng học ở giữa năm thứ 2 ngành kỹ sư Cơ Khí. 

Bắt đầu viết văn từ năm 1985.

Cộng tác với các báo:

- Ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc san Biển Đông...

- Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Lửa Việt, Nắng Mới...

- Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, Tin Văn...

- Ở Na Uy: Pháp Âm.

- Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập, Tâm Giác... 

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Sau Ngày Tang - tuyển tập truyện ngắn - 1987

- Bên Dòng Sông Donau (Danube) - tuyển tập truyện ngắn - 1990

- Bên Này Bức Tường Bá Linh - tuyển tập truyện ngắn - 1993

- Nơi Cuối Dòng Sông - truyện dài - 1994

- Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur - truyện dài - 1997

- Một Đêm Ở Genève - tuyển tập truyện ngắn - 2004

- Hoa Liên Kiều - tuyển tập truyện ngắn - 2008  

Góp Mặt Trong Các Tuyển Tập:

- Những Cây Viết Miền Nam - 1990

- Truyện Hay Hải Ngoại - 1991

- 3 tuyển tập Văn Bút Âu Châu 1989, 1994, 1996

- Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - 1994

- Trông Vời Quê Cũ - 1996

- Trông Cơn Vật Vã - 1999

- Tập Diễm Ngưng Huy - 2003

- Nhân Văn Lục (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) - 2003

- Thi Văn Viễn Xứ 1 - 2005

- Nam Phong Tuyển Tập - 2006

- Giai Thoại  Văn Chương - 2006

- Thi Văn Viễn Xứ 2 - 2007

- Quê Nam Một Cõi - 2007

- Món Ăn Theo Bước Di Tản - 2009.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.