.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyên Bạch | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Vũ Nam

Cô giáo viên và anh trưởng phòng thương nghiệp

Năm 1979, sau khi về dạy trường cấp 1, 2 xã A, huyện B được một năm, Thành nhận được một lời mời dự lễ Tuyên Bố kết hôn của cô Du, giáo viên cấp 1. Thời ấy, tuổi từ hai mươi mốt đến hai mươi lăm, giáo viên nam nữ cặp bồ cặp bịch với nhau nhiều lắm, nhưng tất cả đều "tình trong như đã mặt ngoài còn e". E đây là vì không ai dám làm đám cưới, lễ Tuyên Bố gì cả. Cứ cặp nhau cho vui, còn chuyện lập gia đình cứ phải chờ.

 


Cảnh mua bán tại một quầy hàng mậu dịch Nhà nước.

 

Năm 1979 là năm Việt Nam đói rã rời ai cũng biết. Ở miền Đông Nam phần của Thành còn đói bạo hơn nữa, vì do "ngăn sông cấm chợ", lúa gạo miền Tây nào được về đây. Thành ra vùng miền Đông này có gì ăn nấy: cơm, bo bo, nần, bắp, khoai mì, khoai lang, bột mì Liên Xô, chuối, ổi, vú sữa, mít, v.v... Cứ đói có gì đem nhét đầy bụng là được rồi. Không có gì khổ bằng những người giáo viên xa gia đình, dọn đến những nơi ở tập thể giáo viên, để làm nghề dạy học trong thời gian này.

 

May mắn cho Thành, nhà anh chỉ cách trường 5 cây số, nên anh vẫn sáng sáng trưa trưa xe đạp đi, về. Còn những thằng bạn người Bắc bảy mươi lăm, người miền Trung, Sài Gòn mới thật là khổ. Một tháng 55 đồng, 13 ký gồm gạo ba bốn ký, còn lại là bobo và khoai mì. Tiêu chuẩn bồi dưỡng: đường nửa ký, sữa một hộp, lave hai chai (thỉnh thoảng mới có), nếu có xe Honda được thêm vài lít xăng (thỉnh thoảng mới có). Tiêu chuẩn như vậy ai cũng thấy là khổ rồi, vì bấy giờ phở bình dân, loại dở nhất, cũng đã ba đồng một tô. Còn ngon nhất thì thú thật lúc đó bọn giáo viên nghèo như Thành không có thằng nào dám thử.

 

Thành đi dạy học, sáng sáng được nhà cho một ít cơm trộn khoai vào trong lon Guigoz, trên mặt để một miếng cá chiên nhỏ. Đó là tiêu chuẩn ăn trưa. Bỏ lon guigoz vô cặp, đôi lúc Thành nhớ lại thời nhỏ, thấy các anh chăn bò, trưa trưa, ngồi dở mên cơm ra ăn, cũng tiêu chuẩn y chang như vậy. Đúng là giáo viên lúc này khổ bằng mấy anh chăn bò trước đó hai mươi năm. À quên, lúc đó mấy anh chăn bò ăn toàn cơm trắng, không có độn khoai lang khoai mì như bây giờ.

 

Buổi trưa sau giờ dạy học, trời miền Nam nắng quá, chưa có vợ con, nên Thành ít có lật đật đạp xe về nhà như những đồng nghiệp đã có gia đình. Anh ở lại, vào nhà ăn tập thể ăn trưa với các bạn giáo viên cho vui. Chiều, trời mát mới đạp xe về. Thú thật, lúc đó chỉ thấy mấy thằng bạn dân Sài Gòn này ăn mỗi tháng có ba bốn lần cơm, còn phần nhiều là ăn bo bo, thậm chí năm bảy bữa, buổi trưa chỉ có ăn khoai mì luột chấm muối trắng! Nhưng phòng tập thể bên cạnh, dành cho các cô giáo, hình như các cô ăn tử tế hơn, vì nữ nên ít ăn, ít tốn, với lại các cô không có tiêu sài vụ cà phê, thuốc lá như đồng nghiệp nam, nên các cô còn tiền để mua gạo.

 

Khu tập thể có một chị công nhân viên tên Pho nấu cơm cho giáo viên. Nhưng chị chỉ nấu cho nam. Các cô giáo không muốn làm phiền chị, tự nấu riêng. Chị Pho quanh năm suốt tháng mặc bộ đồ bà ba đen, dù chị không phải dân trong rừng mới ra. Chị hút thuốc dấn liên miên, nhưng chị hay cười nên đưa nguyên hàm răng đóng khói vàng như những đàn ông hút thuốc lá ở nhà quê, và cứ trưa trưa chiều chiều chị đều cho giáo viên tập thể ăn món cá trít kho. Kho triền miên chiến.

 

Ăn xong mấy thằng thầy giáo rủ nhau ra quán đầu đường kêu nước đá nhận uống để cơ thể có thêm chút ít đường. Còn các cô giáo đời nào dám đi, dù tụi Thành có rủ cách mấy. Trái cây tráng miệng thì hình như rất hiếm thấy. Thỉnh thoảng có bác hàng xóm phụ huynh học sinh nào đó được mùa tốt bụng nấu cho nồi chè, thì lúc đó nam nữ giáo viên mới có dịp ngồi ăn chè chung.

 

Trở lại vụ mời « đám cưới ». Chị Du, lớn hơn tụi Thành năm sáu tuổi. Người miền Nam từ hồi nào đến giờ. Nhan sắc chị trung bình, được một điều chị hiền thục, từ tốn. Trong trường chị không nổi cũng không chìm. Không hiểu sao, đến lúc ấy chị vẫn chưa có chồng, trong khi tuổi chị thường các cô đã có chồng ít ra một hai năm rồi.

 

Thấy chị hiền, nhưng lanh, biết lo nên ban giám hiệu và Công Đoàn trường cử chị lo về chuyện mua, lãnh nhu yếu phẩm cho công nhân, giáo viên. Thỉnh thoảng chị trực tiếp nhờ, hoặc trường phân công, Thành cũng đi lãnh hàng với chị ở Phòng Thương Nghiệp huyện.

 

Vào căn nhà to lớn, thời trước dùng để cho Cảnh Sát Dã Chiến, như bao người khác, chị Du cũng phải xếp hàng để trình Sỗ Mua Nhu Yếu Phẫm. Ở bàn ngồi, anh cán bộ tuổi trung niên, tên Hải, người Bắc mới vào Nam sau ngày ba mươi tháng tư, đang duyệt sổ sách để ký giấy cấp hàng. Nước da anh ngâm đen, má anh hõm, nhưng hàm răng trắng. Trông anh cũng được. Không đẹp không xấu. Anh hiền, không hách dịch, tra hỏi. Thời này, ghế ngồi này hái ra tiền. Sữa, đường, bột ngọt, bột mì…dư, tồn kho. Nhứt thương nghiệp, nhì…gì ? Lâu quá rồi, quên mất ! Sổ được duyệt xong, Thành và chị Du đi đến kho để lãnh hàng, khệ nệ chở về phân phát cho giáo viên. Mồ hôi chị Du lấm tấm trên trán, thấm trên áo bà ba. Về đến trường chị sắp đồ đạc ra trên bàn. Khổ nhất là thấy các chị ra chia từng phần nửa ký đường và những nhúm bột ngọt. Hai mươi lăm giáo viên là hai mươi lăm bịt nửa ký đường và hai mươi lăm nhúm bột ngọt. Đường cát còn dễ chia, chớ bột ngọt thật khó vô cùng, ly ti, chẳng lẽ đếm từ hột. Nhưng được tiếng là giáo viên miền Nam, ngày đó, dù phải chịu cảnh mới Quốc Doanh, bao cấp, tem phiếu, nhưng không ai vì một chút đường một chút bột ngọt mà lời qua tiếng lại. Cùng một cảnh bên trời lận đận, thương nhau không hềt ai nở vì một chút miếng ăn do nhà nước ban phát mà gây gổ với nhau. Lãnh 1 hộp sữa thì lúc nào Thành cũng bán để lấy tiền xài chỉ trừ khi nào trong nhà có người bịnh, lãnh xăng thì để dành cho chiếc xe Honda cũ khi cần chạy, còn thỉnh thoảng họa hoằn được 2 chai lave loại trái thơm, con cọp, thì Thành cho ông già để gọi là trả hiếu. Nửa ký đường cát thì giao cho bà già. Công cha mẹ làm lụng nuôi con ăn học, giờ ra đi làm cũng phải có gì trả hiếu cho ông già. Nhưng ba cái cho này như muối bỏ biển.

 

Hôm dự lễ Tuyên Bố ở nhà chị Du, lần đâu tiên Thành mới biết nhà chị. Nhà không xa đường cái lớn, nhưng muốn vào phải đi trên bờ đê đám ruộng. Bờ đê này để đi bộ chớ không phải để đi xe đạp, hoặc xe hơi. Lạng quạng, không chú ý có thể bị trược chân ngả xuống vì đường trơn trợt. Ruộng mùa này vừa cấy xong, nước săm sắp, màu mạ xanh tươi. Ngôi nhà chị là căn nhà nhỏ lợp tôn, vách dán. Chị sống với một mẹ già. Cha chị mất đã lâu.

 

Đã nghe về người chồng tương lai của chị Du, nên tụi này không mấy ngạc nhiên khi gặp đôi vợ chồng đang đứng trước nhà đón chào khách. Chồng chị Du là anh Hải. Nghe nói bây giờ anh làm trưởng phòng Thương Nghiệp Huyện, không biết ngày trước khi ngồi ký sổ Nhu Yếu Phẩm anh có chức vụ gì ? Có lẽ vì cứ đi mua hàng hàng tháng cho trường nên anh chị có dịp gặp nhau, phải lòng nhau. Bây giờ, khi anh đứng Thành mới thấy anh có dáng cao, người ốm, nhưng rắn chắc. Hôm Lễ Tuyên Bố anh mặc chiếc áo trắng cụt tay, quần Tây màu xanh da trời. Giày Sandal mủ, màu trắng ngà. Nhìn anh đúng là cán bộ. Còn chị Du mặc chiếc áo cưới màu đỏ, có những vân chỉ màu vàng kim tuyến, đầu đội mũ „Trưng Trắc, Trưng Nhị“. Lần đâu tiên thấy mặt chị có phấn hồng, mắt chị kẽ đường viền đen. Hôm đó thấy chị đẹp hẳn ra. Không biết bỡi nguyên nhân gì nhưng trông chị có vẻ e thẹn trong ngày cưới. Anh Hải cũng vậy, nhưng anh nén vẻ e ngại bằng cung cách lịch sự, cười nói cỡi mở với bạn bè của vợ.

 

Ngày đám cưới không thấy ai là thân nhân của anh từ Bắc vô. Hôm ấy quan khách ăn đám cưới với bánh ngọt, nước trà, sau khi cô dâu chú rể đứng trước bàn thờ có hình ông Hồ để tuyên bố gì đó. Đám cưới đơn giản, đánh dấu ngày anh Hải, chị Du thành vợ chồng.

 

Hai mươi mấy năm sau, nghe kể lại, chị đã nghỉ dạy học lâu rồi, làm nghề bán quần áo cưới trong căn nhà khá lớn của hai vợ chồng tậu được ở một góc đường, ngoài thị xã. Cũng mừng cho chị. Rồi sau đó nghe nói, thị xã phá nhà hai bên đường để làm đường lớn, nhà chị Du bây giờ có bề ngang 10 mét nhưng bề sâu có khoảng 4 mét. Như cá lẹp. Anh Hải hay cằn nhằn : Mấy bố bây giờ, cứ được cho đi tham quan ở Sin-Ga-Por, thấy xứ người ta làm sau thì về cứ y như thế mà làm. Mở đường cho lớn, làm nhà dân chẳng ra làm sao !

 

Trong trường cấp 2 của Thành bấy giờ đã có anh giáo viên trẻ người Bắc vừa từ Bắc vào, tên Quân. Quân hiền hậu, hoà đồng. Không thấy Quân một lần khoác lác, khoe khoang về xã hội ngoài Bắc. Giáo viên trong trường cũng đầy người Bắc 54, nên Quân hoà đồng rất dễ dàng, nhất là món „cầy tơ“ thì các anh này hoà đồng lẹ nhất. Gặp Thời, giáo viên từ miền Hố Nai Gia Kiệm, hai anh này họp lại chủ trì những lần làm thịt chó ngay tại trong nhà tập thể giáo viên vào những buổi tối. Dưới ngọn đèn dầu tù mù (những khi bị cúp điện) món chó luột chấm muối cũng làm cho đám giáo viên ham thịt chó vui như có ngày hội nhỏ.

 

Thời gian này đất nước Việt Nam nghèo lắm. Tận cùng bằng số. Nhưng niềm vui vẫn đến. Giáo viên, học sinh vẫn cười và tình yêu vẫn nở. Yêu nhau nhưng không ai muốn cưới nhau. Nhìn về tương lai ai cũng sợ. Mình ăn bo bo, khoai, bắp được rồi, lấy nhau có con lấy gì cho con bú, con ăn.

 

Nhưng chính những anh giáo viên người Bắc 75 có lẽ là những người mang lại quan niệm sống mới cho các giáo viên miền Nam cũ. Các anh các chị thấy rất vui. Có lẽ những năm tháng ngoài Bắc khó khăn hơn nhiều, miền Nam hiện tại đối với người miền Nam thì khổ thật, nhưng với họ đã là thiên đường nho nhỏ rồi. Họ tươi vui, ít tỏ ra sầu não. Một anh bạn hơi lớn tuổi, cán bộ người Bắc làm ở Phòng Giáo Dục huyện, khi thân đã có lần tâm sự với Thành: Ở ngoài Bắc tớ cũng làm trong Phòng Giáo Dục. Cứ lập phương án, cứ đề nghị…thế là có tiền tiêu. Tụi mày cứ như thế. Anh rất vui và tỏ ra rất là dân chịu ch.. ơ..i!

Người như anh bạn này đâu có gì để mất, bây giờ lại có thêm, không vui sao được.

 

Một hôm trường của Thành đón một đoàn khoảng 15 giáo sinh về thực tập. Trường đón đoàn thực tập về là chuyện bình thường, nhưng lần này người dẫn đoàn là một giáo viên người Bắc, dạy môn vẽ ở trường Cao đẳng Sư Phạm của tỉnh. Anh đẹp trai, lanh lẹ, miệng mồm. Nhưng vài ngày sau thì trong trường nếu chút để ý, ai cũng nhận ra ngay: anh đang theo đuổi cô giáo sinh người Nam rất đẹp đang có mặt trong đoàn thực tập. Tình Bắc duyên Nam. Chắc vì vậy nên anh xin làm trưởng đoàn này. Nhìn cô lúc đó không thua gì ca sĩ Băng Châu của năm 72 đâu. (Có cần phải diễn tả khuôn mặt và vóc dáng của ca sĩ Băng Châu ra đây không. Chắc là không, vì ai ai cũng từng thấy cô ca trên truyền hình và trong các phim đã được trình chiếu ở miền Nam trước 75). Anh chìu chuộng săn sóc cô rất mực. Hôm đoàn thực tập sinh hoạt văn nghệ với giáo viên trong trường, anh làm giáo viên trường Thành kinh ngạc khi anh đứng lên đóng góp bằng hai câu vọng cổ. Anh ca nghe cũng được, nhưng chắc hôm đó anh muốn ca cho „cô giáo sinh của anh“ nghe thôi. Bọn Thành, ai thích cũng đóng góp màng ca, kể chuyện, cho vui trong ngày họp mặt.

 

Nhưng anh trưởng đoàn này không qua mặt được giáo viên Quân, cũng người Bắc, về môn văn nghệ. Hôm đó Quân ngâm thơ. Về bài thơ, Thành còn nhớ vài câu như sau:

 

Con đi trăm núi nghìn khe

Không bằng khó nhọc đời Bầm sáu mươi.

Con đi đánh giặc mười năm

Không bằng….

 

Giọng Quân ngâm nghe lảnh lót. Theo Thành, anh trưởng đoàn thực tập ca vọng cổ là muốn chơi trội, còn Quân, ngâm thơ, là tiếng lòng thật của Quân khi nghĩ về người mẹ còn ở trên đất Bắc. Khi ngâm, mắt Quân mơ màng hướng về phía xa, giọng Bắc trong trẻo, khi ngâm nghe rất lạ, rất thống thiết. Kể từ hôm đó trong trường mọi người mới biết ngoài tài làm thịt chó, Quân còn có tài ngâm thơ.

 

Hai mươi mấy năm sau, nghe kể lại Quân về Bắc cưới vợ đem vô Nam, sinh con, Quân vẫn đi dạy học, lên làm hiệu phó, vợ ở nhà nuôi heo. Cuộc sống bình yên.

 

Chuyện trường lớp sau 75 chắc viết hoài cũng không hết. Xin tạm dừng lại nơi đây.

 

Vũ Nam (Germany)

VŨ NAM

Tên thật là Lý Văn Văn. Sinh năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy. 

Nhập ngũ tháng 10, 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Ngày 30 tháng 4, 1975 vẫn còn là SVSQ Không Quân QLViệt NamCH. 

Vượt biên cùng gia đình năm 1980, được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt.

Định cư ở Đức năm 1981, học nghề chuyên môn, ngưng học ở giữa năm thứ 2 ngành kỹ sư Cơ Khí. 

Bắt đầu viết văn từ năm 1985.

Cộng tác với các báo:

- Ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc san Biển Đông...

- Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Lửa Việt, Nắng Mới...

- Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, Tin Văn...

- Ở Na Uy: Pháp Âm.

- Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập, Tâm Giác... 

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Sau Ngày Tang - tuyển tập truyện ngắn - 1987

- Bên Dòng Sông Donau (Danube) - tuyển tập truyện ngắn - 1990

- Bên Này Bức Tường Bá Linh - tuyển tập truyện ngắn - 1993

- Nơi Cuối Dòng Sông - truyện dài - 1994

- Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur - truyện dài - 1997

- Một Đêm Ở Genève - tuyển tập truyện ngắn - 2004

- Hoa Liên Kiều - tuyển tập truyện ngắn - 2008  

Góp Mặt Trong Các Tuyển Tập:

- Những Cây Viết Miền Nam - 1990

- Truyện Hay Hải Ngoại - 1991

- 3 tuyển tập Văn Bút Âu Châu 1989, 1994, 1996

- Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - 1994

- Trông Vời Quê Cũ - 1996

- Trông Cơn Vật Vã - 1999

- Tập Diễm Ngưng Huy - 2003

- Nhân Văn Lục (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) - 2003

- Thi Văn Viễn Xứ 1 - 2005

- Nam Phong Tuyển Tập - 2006

- Giai Thoại  Văn Chương - 2006

- Thi Văn Viễn Xứ 2 - 2007

- Quê Nam Một Cõi - 2007

- Món Ăn Theo Bước Di Tản - 2009.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.