.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyên Bạch | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Vũ Nam

Căn nhà vùng biển

Khi tôi vừa nhận biết cuộc đời là lúc tôi lên năm tuổi, năm 1959. Cái biết đầu tiên ấy đến với tôi là căn nhà của cha mẹ ngay trên bờ biển. Nói đúng hơn là một gian nhà dài, quán ăn cho khách du lịch ở phía trước, đàng sau là nhà ở, nằm trong ấp Nước Ngọt, thuộc xã Long Hải. Ấp Nước Ngọt ngày đó là một ấp du lịch, nằm dọc bãi biển, dựa vào dãy núi Kỳ Vân đồ sộ. Theo con đường chạy xuyên ấp đầy những chùa chiền và những vi-la của người Pháp, công chức cao cấp và những người giàu có ở Sài Gòn. Chẳng hạn như của ông Trương Vĩnh Lễ, chủ tịch Quốc Hội; bác sĩ Tín, chủ nhân thương hiệu Dầu Khuynh Diệp; ông chủ nhà hàng Thịt Bò Bảy Món ở Sài Gòn, mà ba tôi hay gọi tên là Thầy Ba Khô-Lắc, v.v…
 

Với năm tuổi, tôi biết làm gì cho hết ngày trong một ấp rộng lớn đầy phong cảnh đẹp, có biển cả, có rừng núi, chim chóc, hoa trái này? Thời ấy, Nước Ngọt không có lớp mẫu giáo. Trẻ con cứ long nhong chơi đùa, đến sáu tuổi mới về trường tiểu học ở xã Long Hải hoặc Phước Hải để nhập học lớp năm (bây giờ gọi là lớp một). Buổi sáng sau khi ăn sáng xong, ba má tôi còn đang bận buôn bán với khách, chơi với em tôi, tôi một mình đã thả rong đi đến nhà những thằng bạn, con bạn. Tụi nó là con của nhà làm gát-dan, của người làm vườn rẫy, hoặc con của chủ nhân một vi-la rộng lớn. Trời mới mười giờ sáng tôi đã rủ tụi nó đi ra ngoài chơi, bắt chim, hái trái. Có hôm đi suối, đứa leo lên cây, đứa nhảy xuống suối tắm. Cảnh dòng suối, sau một đêm yên tĩnh đã động lên vì tiếng cười của lũ trẻ. Tắm xong, bọn tôi chơi trò nghịch ngợm, lần theo dòng suối đến con đường mòn, chun vào những ống cống dưới những con đường, trườn mình đi như những con trăn, con rắn để qua phía bên kia. Trong ống cống tối thui, thăm thẳm, kẻ bò sau cứ nắm chân người bò trước mà trườn tới.

 

Ngày đó tôi có quen với Hưng, em trai của Hạt. Tôi và Hưng bằng tuổi. Hạt lớn hơn tụi tôi một tuổi. Hai chị em là con của gia đình người gát-dan cho một vi-la của người Pháp, giám đốc đồn diền cao-su ở Bình Ba - Bình Giả. Với năm tuổi tôi chưa nhận ra được việc gái trai, sắc đẹp. Nhưng ba năm sau, lúc tám tuổi, tôi đã nhận ra vẻ đẹp của Hạt. Hạt có cặp lông mày đẹp. Hạt giống mẹ. Cặp lông mày thật đen, đẹp như vẽ. Da Hạt bánh mật. Mặt trái soan. Những buổi trưa hè đi tắm biển, Hạt mình trần, bên dưới chỉ có chiếc quần xì-líp trắng, mỏng. Chín tuổi, nhưng Hạt đã có mái tóc đen, dài. Trầm mình trong nước biển, mái tóc Hạt xõa ra rất đẹp. Cặp mắt Hạt với hàng mi đen cong vút. Thân hình Hạt ngày đó đã hiện lên cho thấy sau này Hạt sẽ trở thành cô gái có mình dây, mảnh khảnh. Đúng như tôi nghĩ, năm bảy ba, khi gặp lại nhau ở Vũng Tàu, dù bấy giờ Hạt đã có hai con, thân hình Hạt vẫn mình dây như ngày thơ ấu.

 

Ngược lại với Hạt, Hưng lại trắng hồng. Ở vùng biển mà da nó cứ trắng hồng mới thật là lạ. Có lẽ Hưng giống ba. Ba Hưng ngày đó dù là gát-dan nhưng da ông cứ có màu sắc trắng hồng, mạnh mẽ. Đi đâu, ba đứa chúng tôi cũng hay đi với nhau. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng rủ được các bạn khác. Nhưng những gặp gỡ, đi chơi chung với những bạn khác không kéo dài lâu. Cuối cùng chỉ có ba chúng tôi chơi với nhau mãi đến khi chiến tranh kéo đến ấp Nước Ngọt, dân nơi đây phải tản cư về nơi khác, chúng tôi mới tan hàng.

 

Một trong những điều làm tôi rất vui trong những ngày ấy là khi vào được vi-la do ba Hưng làm gát-dan. Tôi được ngồi trên cầu tiêu mà như ngồi trên đi-văng hay ván gõ, mông thấy mát lạnh. Đi cầu xong, kéo nước dội bằng sợi dây xích nối liền với bồn nước nhỏ nằm sát vách, trên trần nhà cầu. Tiếng nước vào cầu kêu cái ào, thật nhanh, rồi ngưng bặt, nhưng lại ngân vang trong long trẻ thơ một niềm vui kỳ lạ, như mình vừa khám phá ra một chuyện gì ly kỳ. Chúng tôi đã lén nằm ôm nhau trên những chiếc giường có nệm trắng tinh chỉ dành cho chủ Tây. Lòng thấy khoan khoái.

 

Trong những ngày trẻ thơ rong chơi ấy, có một ký niệm mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Một buổi sáng nọ, bắt chước các bác tiều phu, tôi một mình vác cây rựa vào rừng. Thay vì như hằng ngày, vào rừng là tôi leo cây bắt chim con, hay hốt ổ, lấy trứng. Hôm đó tôi hái củi. Lúc chặt củi tôi chặt vào một cây sơn. Thấy cây sơn mềm dễ chặt tôi cứ đi kiếm cây sơn. Cây sơn thường có mủ. Mủ đụng vào da làm lở mình mẩy và ngứa ngáy nếu ai có mồ hôi dầu. Người có mồ hôi muối thì tránh được cái lở. Tôi có mồ lôi dầu nên sau đó về đã chịu nằm nhà vài ba tuần lễ để chữa trị. Một bài học để tôi nhớ đến cây sơn đời đời. Sau này, cứ thấy cây sơn là tôi lo tránh.

Ngoài những thú chơi thời trẻ thơ như tắm biển, tắm suối, bắt chim, hái trái, ngày đó tôi còn có thú cỡi bò. Những đàn bò từ xã Phước Hải hằng ngày cứ thả ăn rong trên những cánh rừng hoặc đi ăn dọc theo bãi biển. Dọc bãi biển thường là những cánh rừng chồi, cây cho đầy lá non quanh năm, nên đàn bò rất thích. Mấy anh chăn bò, buổi sáng khi lùa bò đến Nước Ngọt rồi, các anh cũng có việc riêng của các anh: làm bẫy bắt dong, bắn chim, làm ống thụt, hái trái cò ke. Các anh là con nhà nghèo. Tám chín tuổi đã đi ở đợ coi bò, lấy tiền về phụ giúp cha mẹ. Mỗi ngày trên mình các anh chỉ có mên cơm nhỏ để ăn trưa. Nước uống của các anh là nước suối ở rừng, nước uống xin từ các quán ăn bên đường. Trái cây để các anh ăn là những trái hái trộm như vú sữa, xoài, mãng cầu... trong vườn người ta, hoặc những trái cây sống hoang trong rừng như cù lần, chóc mao, gùi, vú bò, cò ke... Đàn bò cứ ăn dọc bãi biển, thường buổi xế chiều hay đến gần quán nhà tôi, để trước khi được lùa về chuồng. Không cần xin ai, tôi cứ tự tiện ra tìm một con bò nho nhỏ, vuốt ve một chút để xem nó cho cỡi hay không. Nếu nó chịu cho cỡi, tôi nhảy lên nằm vắt bụng mình ngang lưng bò cho bò cõng đi, hai chân hai tay bỏ lòng thòng xuống đất. Ngày đó tôi chưa dám ngồi trên lưng bò, vì nếu nó nhảy dựng lên là chỉ có nước... chết. Tôi đã thấy một anh chăn bò, cỡi bò, đã bị bò cho văng xuống đất nằm ôm bụng một lần nên đã tởn.

 

Năm năm mươi chín, sáu mươi là những năm mà trí óc trẻ thơ tôi đã nhận thức được mọi việc. Tôi thấy những năm này đúng là những năm thanh bình ở Nước Ngọt. Ban đêm, những bác làm phu lục lộ cho Ty Công Chánh, lái xe ống cán để cán đường, sau một ngày làm việc các bác cứ nằm ngay ra trên lề đường để ngủ, để vừa giữ xe, hôm sau lại tiếp tục làm việc. Khi chiều đến, vì buồn, các bác vào quán ba tôi ngồi trò chuyện đến khuya rồi mới trở ra xe để ngủ. Các bác chẳng sợ cọp sợ beo là gì. Những người dân chài lưới ở các làng lân cận Phước Hải, Long Hải đi cả đêm trên biển Nước Ngọt. Chài cá, lấy trứng vít, bắt ốc bắt còng. Bãi biển mênh mông là nguồn sinh sống bất tận cho dân nghèo. Ai ra khơi bằng ghe bằng xuồng cứ ra. Ai ở nhà làm bờ, bắt ốc, bắt cua cứ làm. Cuộc sống pha trộn, đầy màu sắc, sống động trong thời đất nước còn thanh bình. Tiếc thay nó không kéo dài được lâu!

 

Về những chuyện được kể ra trong quán nhà tôi ở mỗi buổi tối, tôi nhớ nhất là những chuyện do ông Sáu Hồi kể ra về nghề bẫy thú rừng để kiếm sống của ông. Ông kể lại những chuyện nóng hổi vừa xảy ra hôm qua, hôm kia, khi ông vừa đánh bẫy được một con heo rừng hay một con trăn. Chuyện ông kể lúc nào cũng hào hứng bởi cách ông kể và do sự thêm thắt của ông. Khán thính giả ngồi im lắng nghe, lòng đầy thích thú, ngưỡng mộ. Chuyện những con hươu con nai hiền lành, không hồi hộp bằng chuyện những con heo rừng. Những con heo rừng bị trói chặt một chân vì chiếc bẫy, nằm im suốt đêm chịu trận. Nhưng khi ông đến gần, vừa nghe thấy tiếng người nó lồng lộn lên, tưởng nếu sứt bẫy ra nó sẽ lao vào chém chết ông ngay bằng hai cái răng nanh nhọn hoắt. Ông phải quần với nó cho đến khi nó phải thật mệt, mới lừa thế nào, đến gần, đúng lúc, để phóng lao đâm chết. Vờn qua vờn lại với nó như người đánh võ. Và những con trăn lớn gần bằng bắp chân người, để nó quấn được là có chết vì gãy xương. Ông phải lừa thế nào để nó quấn vào những thân cây đang đứng, nhanh như chớp ông phải đến bên trăn và cột chặt nó lại ngay. Khi kể, hàm ông bạnh ra, mép râu dựng lên như râu các tướng trong truyện cổ, tóc dựng ngược, tay nổi lên đầy gân guốc. Ngồi nghe ông kể, nhìn tướng tá, điệu bộ, ai có ý nghi ngờ ông khoác lác cũng không thể nghi ngờ được. Chuyện với người là một hòa hợp thực tế. Ông chinh phục người nghe bằng ngay vóc dáng và điệu bộ đánh thú rừng của ông. Sau này, khi hơi lớn một chút tôi nghe má tôi kể lại ông Sáu Hồi đã bỏ nghề bắt thú rừng vì một lần ông giết chết một con heo rừng nái. Nó chết mang mười hai con heo con chết luôn trong bụng. Ông ân hận nên giải nghệ. Về già, vợ ông đau bịnh hoài, tiền những năm dành dụm bởi nghề bắt thú đã tiêu hết cho tiền thuốc. Thấy cũng dễ cười, ngược lại với ông Sáu Hồi, ba tôi mỗi khi đi vào vườn, gặp rắn ông hay nói gặp "chư vị", và lấy đoạn cây dài phất phất đuổi đi: "Mấy ông đi chỗ khác đi! Để cho tôi làm công chuyện!".

 

Buổi trưa thường chúng tôi hay xuống biển để tắm. Nắng chang chang. Mặt trời rọi ánh nắng xuống biển. Biển hiện lên như một màng kim tuyến, lóng lánh đầy màu sắc. Những ngày cuối tuần thường biển rất vui, vì đầy khách du lịch, và vì có những ông Tây bà Đầm mặc bikini thật lạ mắt để tắm biển, nằm phơi nắng với những cặp kính mát xanh rì. Có lần quán ba tôi còn hân hạnh được tiếp một cô gái Việt Nam vừa đoạt danh hiệu hoa hậu ở Sài Gòn, Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí của Cha Tam ở quận 5, Chợ Lớn. Lúc nhỏ, tôi không biết, sau này lớn, xem lại mấy tấm hình chụp có ghi chú bên dưới tôi mới biết.

 

Nước Ngọt có rất nhiều bông hoa. Dọc dường đi đầy những hoa mai Nhật Bổn do người ta trồng. Trong những khu vườn đầy hoa giấy, hoa sứ. Còn hoa rừng thì không thiếu, đủ loại, nở đầy, không biết tên mà kể. Có một loài hoa, nụ hoa nhỏ, nở từng chùm, đầy đặn, lá xanh xanh nho nhỏ, màu sắc hồng trắng, có lẽ là hoa Ti-Gôn, nằm ging đầy trên những tảng đá và những ngọn cây mọc thấp. Hoa rất đẹp. Chắc đẹp không thua gì truyện Hai Sắc Hoa Ti-Gôn! Buổi sáng vào rừng sớm. Không khí vẫn còn lành lạnh. Hương rừng vẫn còn thoang thoảng. Rừng buổi sáng êm ru, chỉ có tiếng chim muông kêu gọi, thỉnh thoảng mới vang lên tiếng hú, tiếng tác của khỉ, vượn hay hươu nai như những cái ngáp to sau một đêm yên tĩnh. Tác, ngáp để đón ánh mặt trời. Đón một ngày mới. Khi mùa xuân đến, Tết sắp về, núi Nước Ngọt cho nhiều những cây mai, cành mai đẹp. Thời thanh bình, còn được phép lên núi, không năm nào tôi không cùng ông già lên núi chặt mai. Chặt mai về để bán, để chưng trong ba ngày Tết.

 

Căn nhà tôi ở ngay trên bờ biển nên không thể tránh gió biển. Nhất là những ngày có gió bấc, biển động, những ngày đông, Tết sắp về. Trong đêm, nằm ngủ trong nhà, nghe âm thanh rào rào bên ngoài bởi gió là chuyện bình thường. Gió thổi vào mái tôn, kêu lạch cạch. Luồn qua vách ván, rì rào. Gió biển đã thổi qua thời trẻ thơ tôi một thời gian dài, mùa hè còn đỡ, mùa đông mang theo lạnh lẽo, âm thanh réo rắt hằng đêm, nó chỉ chấm dứt khi gia đình tôi tản cư về nơi khác, nhà không còn ở ngay trước mặt biển nữa.

 

Nói về gió tôi nhớ đến một khoảng thời gian thiếu cha. Thời gian ngắn nhưng đủ để người con thấm thía thế nào trong cuộc đời này, nếu một ngày nào đó vắng bóng cha. Khi ba tôi vắng nhà, mỗi đêm tôi thấy gió từ đâu cứ thổi về. Hay vì tôi buồn, hay thức giấc nửa đêm nên có cảm giác như vậy? Còn lúc có cha mình ở nhà thì cứ an tâm ngủ, đâu biết bên ngoài trời đất đang làm gì, gió bão ra sao. Ba tôi vắng nhà một thời gian vì ông mê một người đàn bà theo gánh hát. Bà chỉ có nhiệm vụ nấu cơm cho đoàn cải lương. Không phải là đào chánh, đào phụ mà ba tôi cũng lấy lòng mê mẩn. Ông đi mua hàng rồi gặp bà này ở chợ Long Hải. Sau này, khi tình nghĩa vợ chồng đã lành lặn lại, má tôi hay nói: "Hồi đó ba mày mê con đàn bà có chín ngón tay. Con chín ngón". Chắc bà này có tật ở tay? Tôi chẳng nghe thấy ba tôi nói gì, đính chính gì. Sau này lớn lên tôi nghe các bác lớn tuổi kể lại: "Ba mày hồi nhỏ cũng mèo mỡ dữ lắm! Mê người đàn bà theo gánh hát, đã có một đứa con riêng với người đàn bà này". Không mê cải lương mà lại mê người theo gánh cải lương. Sau này, khi không còn theo gánh hát đi đây đó nữa, bà mang con về miền Tây để sống quãng đời còn lại nơi chôn nhau cắt rốn của bà. Tôi hoàn toàn mù tịt về chuyện con riêng của ba tôi. Đến ngày gần qua đời ông cũng không kể cho tôi chuyện tình riêng ngày trước của ông.

 

Nhưng ông có kể tôi một chuyện. Chuyện đó dính dáng đôi chút đến "người đàn bà chín ngón" của ông. Ông nói, lúc ba theo vợ nhỏ, má mày một mình ở nhà coi quán, nuôi anh em mày. Lúc ba không có ở nhà, mày lại nổi bịnh kinh phong. Má mày chạy chữa không nổi nên tìm người nhắn ba về. Nghe tin mày bịnh ba phải trở về. Tình thương con mạnh hơn. Về đến nhà thấy mày nằm vùi trên giường, thỉnh thoảng lại làm kinh, mình mẩy co giựt thấy ghê. Ba cầu nguyện Trời Phật tìm được trúng thuốc trị cho bịnh tình mày, nhưng cả tháng trời bịnh con vẫn không bớt, dù uống đủ loại thuốc. Một hôm ba nằm ngủ mơ thấy một người mách ba cứ đi theo con đường lên các chùa chiền trên núi, như ba thường đi, sẽ thấy một sọ khỉ, mang sọ khỉ về mài cho con uống, bịnh sẽ khỏi. Sáng dậy, ba tôi làm theo người mách bảo trong giấc chiêm bao. Quả thực, ba tôi gặp được sọ khỉ và ông mang nó về nhà. Nhưng sau đó thì tôi hết bịnh mặc dù chưa uống nước từ sọ khỉ mài ra lần nào. Tin về sọ khỉ đồn ra, sau đó ai trong ấp có con bị kinh phong đều lại mượn sọ khỉ nhà tôi về mài cho con uống. Sọ khỉ đến nay vẫn còn ở trong nhà, đầu đã mất một lõm vì bị mài. Tôi không biết chuyện chiêm bao là chuyện thật hay do ba tôi tưởng tượng ra, nhưng chuyện tôi bị kinh lúc nhỏ và có sọ khỉ trong nhà là chuyện có thật.

 

Sau bảy mươi lăm. Chiến tranh chấm dứt. Nước Ngọt chưa ai được phép về ở, nhưng mọi người đã được đi bộ, đi xe qua lại nơi đây. Tôi đã đi qua lại con dường này những ngày sau ba mươi tháng tư. Nhà tôi giờ chỉ còn cái nền xi-măng trắng. Chung quanh vẫn rừng chồi như ngày nào, không khác nhiều. Bàu nước nằm cạnh nhà vẫn còn đó. Chỉ có khác là đường nhiều loang lổ, dọc đường không còn một nóc vi-la, không còn một mái chùa, cả nhà cửa của dân cư cũng không còn một cái. Dãy núi Kỳ Vân giờ trơ ra màu trắng với đất đá, vì bom đạn trong thời chiến tranh đã tàn phá cây rừng quá nhiều. Tôi nặng lòng với cảnh cũ, nhưng biết làm gì hơn khi mình cũng chỉ là người nhỏ bé trong kiếp nhân sinh trước sự cuồng quay của trời đất, của thời đại.

 

Tôi chưa trở về Nước Ngọt ở lại thì đã giong ra nước ngoài để tị nạn. Thỉnh thoảng cứ nhớ về Nước Ngọt, với căn nhà của cha mẹ trước biển, với những ký niệm thời trẻ thơ sống ở nơi này, với Hưng với Hạt, lòng cứ thấy lâng lâng, bồi hồi. Giờ đã ở rất xa vùng quê hương yêu dấu ấy, nhưng cứ mỗi buổi sáng nơi đây, xứ người, khi đi làm thấy ngọn gió bấc thổi hất nhè nhẹ vào mặt, tôi lại nghĩ đến ngọn gió bấc và những cái Tết ở quê nhà. Ớ đây nhà cửa ấm cúng, không cho gió luồn lách vào khi đông về, nhưng hiện tại ở quê hương còn bao nhiêu người đang chịu những làn gió lạnh ấy?

 

Qua tin tức báo chí truyền hình, Việt Nam vẫn còn rất nhiều gia đình nghèo, cơm còn chưa đủ nuôi con, huống chi có được mái nhà cho ấm trong những ngày đông về. Nhưng hy vọng thì vẫn phải hy vọng. Hy vọng trong mùa xuân mới sẽ có những luồng gió mới, gió vui cho quê hương Việt Nam yêu dấu.

 

 Vũ Nam (Germany)

 

VŨ NAM

Tên thật là Lý Văn Văn. Sinh năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy. 

Nhập ngũ tháng 10, 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Ngày 30 tháng 4, 1975 vẫn còn là SVSQ Không Quân QLViệt NamCH. 

Vượt biên cùng gia đình năm 1980, được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt.

Định cư ở Đức năm 1981, học nghề chuyên môn, ngưng học ở giữa năm thứ 2 ngành kỹ sư Cơ Khí. 

Bắt đầu viết văn từ năm 1985.

Cộng tác với các báo:

- Ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc san Biển Đông...

- Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Lửa Việt, Nắng Mới...

- Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, Tin Văn...

- Ở Na Uy: Pháp Âm.

- Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập, Tâm Giác... 

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Sau Ngày Tang - tuyển tập truyện ngắn - 1987

- Bên Dòng Sông Donau (Danube) - tuyển tập truyện ngắn - 1990

- Bên Này Bức Tường Bá Linh - tuyển tập truyện ngắn - 1993

- Nơi Cuối Dòng Sông - truyện dài - 1994

- Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur - truyện dài - 1997

- Một Đêm Ở Genève - tuyển tập truyện ngắn - 2004

- Hoa Liên Kiều - tuyển tập truyện ngắn - 2008  

Góp Mặt Trong Các Tuyển Tập:

- Những Cây Viết Miền Nam - 1990

- Truyện Hay Hải Ngoại - 1991

- 3 tuyển tập Văn Bút Âu Châu 1989, 1994, 1996

- Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - 1994

- Trông Vời Quê Cũ - 1996

- Trông Cơn Vật Vã - 1999

- Tập Diễm Ngưng Huy - 2003

- Nhân Văn Lục (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) - 2003

- Thi Văn Viễn Xứ 1 - 2005

- Nam Phong Tuyển Tập - 2006

- Giai Thoại  Văn Chương - 2006

- Thi Văn Viễn Xứ 2 - 2007

- Quê Nam Một Cõi - 2007

- Món Ăn Theo Bước Di Tản - 2009.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.