.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật  | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Vũ Nam

 
Vạt nắng cuối trời

  • PSN - 6.3.2010

Những dòng chữ muộn màng bao giờ cũng là những dòng chữ sẽ làm cho người đợi trông nó phải nức lòng nôn nao, phiền muộn. Nhưng lần này người nhận nó sẽ không bao giờ và mãi mãi không bao giờ đọc được. Cũng như kể từ ngày 14 tháng 8, 1998 anh Nguyễn Văn Ba đã không còn đọc được những dòng chữ thương tiếc. Dù những người viết đã ân cần tha thiết để viết cho anh.

  

Mùa hè vừa rồi, trong dịp đi nghỉ hè ở Ý, lúc đi người viết dùng đường Đức, Thụy Sĩ, Ý, khi về dùng đường chạy xe xuyên qua dãy núi Alpen, khi từ Ý đại lợi, qua ngang nước Áo để về Ðức. Dãy núi mà thời còn đi học nghe đến tên nó thật nhiều. Ngày ấy, nghe đến tên Alpen như nghe đến những chuyện thần tiên. Những cái tên xa lạ, những địa danh xa xôi trên hoàn vũ nghe qua như huyền thoại. Vạn lý trường thành ở Trung hoa, Tháp Eiffel ở Pháp, Kim tự tháp ở Ai cập, dòng sông Danube ở Âu châu, tượng Nữ thần tự do ở Nữu ước, kinh đào Suer, dãy núi Alpen... Rồi bỗng một ngày. Vật đổi sao dời. Có những người bỗng nắm bắt được những cái hôm qua mình còn cho là đối với đời mình chỉ là mộng mị hoang đường.        

    

Những ngọn núi Alpen cao chót vót, chạy trùng trùng điệp điệp dọc theo hai bên con đường xe. Có những ngọn núi mà đỉnh vẫn còn mang màu xanh của lá cây rừng, nhưng đa phần là những ngọn núi mang màu trắng toát. Mùa đông đội tuyết, trơ gan cùng tuế nguyệt, còn mùa hè lại để lộ ra mảng da thịt trắng tươi. Không mặc nổi màu lá cây rừng có lẽ ở tầng độ cao như thế, vì lạnh nên không có cây lá gì sống nổi. Cũng có thể do nước lũ mưa nguồn, nắng nóng, tuyết tan làm làm loang lở tấm thân, đầu cổ. Chạy xe dưới rặng Alpen. Dừng xe nghỉ chân bên những thành phố Cortina, Innsbruck..., những làng Toblach, Brennerpass..., lòng người viết vẫn nôn nao ở một điều gì không diễn tả nổi. Cảnh đẹp của Alpen! Vẻ uy nghi hùng vĩ của nó! Vừa thơ mộng vừa hùng tráng! Vừa nhận làn nắng óng ánh như gương, qua một chút ở đoạn đường khác đã mang sương lạnh vào người với những màng sương như màng lụa mỏng. Ở một đoạn đường khác mưa dầm dề tả tơi đổ ào ào trên những cánh rừng, trên những đồi núi, trên những hàng xe đang chạy. Khi đi qua những vùng này người viết đâu có nhớ gì đến chuyện quá khứ, dù là cỏn con, bởi vì núi non, vẻ đẹp thiên nhiên đã chế ngự tâm hồn.

    

Khi về đến nhà, nghĩ đến một ngày nào có dịp ngòi bút sẽ đẩy đưa đến những vùng Alpen tuyệt đẹp này. Nhưng mãi đến hôm nay mới có dịp.

    

Kỷ niệm bây giờ mới trở lại. Cách đây khá lâu, vào năm 1992, cũng vào một ngày cuối hè, hay đã vào thu, tôi có dịp đưa nhà văn Nguyễn văn Ba băng ngang vùng miền nam nước Ðức, bước sang đãt Thụy Sĩ để thăm chị Trần thị nhật Hưng. Vùng chị Hưng ở cũng là vùng ‘chân’ của dãy Alpen, tôi chưa đến lần nào, không biết trước nên đã hy vọng khi đến đó anh Ba sẽ thấy được những bình nguyên rộng, đẹp như tranh, như tôi đã từng thấy ở những vùng bình nguyên dưới rặng Alpen miền đông nam nước Ðức. Nhưng ngày hôm ấy chúng tôi không gặp những bình nguyên! Những cánh đồng nho nhỏ, những khu rừng cây thu gọn là những hình ảnh, cảnh trí rất bình thường trên đường đi. Thành phố chị Hưng ở nằm cạnh hồ Bodensee, lớn, đẹp, tồn đọng nước từ sông Rhein có thượng nguồn trên Alpen đổ xuống - cũng là con sông rất dài và rất có ích ở Âu châu. Cũng trong ngày hôm ấy, khi đi qua hồ không biết anh Nguyễn văn Ba có để ý rằng đã ngang qua một một thắng cảnh đẹp, đầy nước đầy thuyền và đầy cờ xí bay phất phới trên cây cầu bắt ngang qua hồ, ngay biên giới hai quốc gia, hay anh chỉ còn nghĩ đến người bạn văn mà anh sắp đến thăm? Tôi đưa anh đến thăm chị Hưng như anh mong muốn, người mà anh nói chỉ giao thiệp qua thư từ, đây là lần đầu gặp mặt. Và chính tôi cũng vậy, anh Ba và chị Hưng, hai người mà trong dịp này tôi mới gặp mặt lần đầu, dù đã có thư từ liên lạc với nhau từ lâu. Buổi chiều từ giã anh chị Hưng để về lại nhà, giữa đường tôi và anh bị một cơn mưa tầm tã, hết thấy đường chạy xe.

    

Anh Nguyễn văn Ba đã qua đời, trong ngày mà tôi vừa viết ra ở trên. Không biết anh còn nhớ gì những nơi, những người bạn mà anh đã đi qua, ghé thăm? Anh đi nhiều, gặp nhiều thì hẳn anh phải nhớ nhiều lắm? Còn riêng tôi. Buổi chiều một ngày sau khi ở Paris, nhà chị Lệ Hằng, anh điện thoại sẽ đến tôi bằng nhà ga Stuttgart. Chiều hôm ấy, ra sở tôi vừa đi vừa chạy ra xe để mong kịp đến Stuttgart trước giờ xe lửa của anh đến. Nhưng trời đâu có chiều lòng người! Thành phố Stuttgart, thủ phủ của miền nam nước Ðức, của Daimler Benz- Mercedes nổi tiếng khắp nơi, chiều nào giờ tan sở lại không kẹt xe! Vì thế khi tôi và hai người bạn vào nơi hẹn trong nhà ga đã thấy anh Ba với áo mantel màu vỏ trứng đang ngồi trên băng ghế, nét mặt bình yên, dưới chân vỏn vẹn chỉ có một túi xách tay. Gặp nhau lần đầu nhưng tay bắt mặt mừng ngay. Anh tươi cười nói rằng đã bị cảm ngay từ ngày đầu đặt chân lên Âu châu.

    

Những ngày dừng chân nơi tôi ở để ra mắt sách, để chiếu dias cho bà con coi về cảnh sống, sinh hoạt của Canada - tôi nhớ về những hình ảnh nào là nghề bắt trùng, nghề và tên những tờ báo, các kiến trúc to lớn, đồ sộ... đã làm cho khán giả say mê theo dõi - anh đã để lại nhiều cảm tình và hình ảnh tốt đẹp nơi các anh em, và đồng hương nơi đây. Ðặc biệt trong lần ra mắt sách này có giáo sư Phạm việt Tuyền, dù tuổi già sức yếu cũng đã cố gắng từ Pháp đến tham dự và nói vài lời trước quan khách. Buổi ra mắt sách của anh ngày hôm đó dù đơn sơ nhưng nếu không có sự giúp đ từ các bác lớn tuổi, từ những người bạn thân của tôi và gia đình họ tại địa phương thì ắt hẳn sẽ không thể nào thành công. Dù làm cho anh nhưng tôi vẫn luôn nhớ ơn những người bạn nơi đây. Nói như một vài anh em hay nó cho vui: cứ ‘hú’ một cái là có mặt liền. Và vài chị: Vì sợ ít người đến nên tôi dẫn cả nhà đến luôn. Chắc là cũng biết như vậy, nên khi về Canada rồi, thỉnh thoảng khi viết thư cho tôi anh cũng gửi lời thăm người này người nọ ở đây.

    

Anh là người viết thư cho tôi thường nhất đối với các anh em văn hữu khác. Có lẽ vì tôi vẫn còn giữ sách anh để bán dùm? Cũng có thể vì tình anh đối với  bạn bè lúc nào cũng vậy, với ai cũng vậy, chớ không phải chỉ riêng tôi. Anh bị bịnh tôi cũng biết. Sử dụng tay trái để đánh trên Computer. Ði làm nửa ngày. Tất cả đều do anh viết thư cho, tôi mới biết. Bức thư gần nhất anh viết kể anh và bà xã, chị Nguyễn bạch Mai, vừa đi một vòng ở Mỹ về. Rãt vui. Gặp rất nhiều bạn bè. Và bức thư cuối cùng anh kêu cố gắng hai anh em giữ liên lạc thường xuyên với nhau, cùng nói lời cám ơn tôi, vì ‘nhờ tôi’ mà anh được nhà xuất bản Viên Giác vừa in cho tập tạp ký Về miền đãt lạnh. Anh nghĩ vậy chớ không phải vậy! Tự anh, anh đã gây thiện cảm với chùa Viên Giác, báo Viên Giác, thì tự nhiên thầy Trụ trì đáp ứng sự mong muốn của anh thôi.

    

Trong những ngày anh đến, ngoài những lần gặp gỡ nơi nhà bạn bè, tôi có dẫn anh đến thành phố đại học Tübingen, nơi ông tổ Engel đã có lần học qua. Thành phố cách làng tôi ở khoảng mười cây số. Có những ngôi nhà đại học cổ kính lâu đời. Có những kiến trúc đại học thật tối tân. Có những con đường nhỏ để đi dạo. Có lá vàng rụng bên hồ nước trong mùa thu. Có những con ngỗng con ngang trắng toát, mặc cho đông cho hè vẫn thả trôi bềnh bồng trên mặt hồ. Có những hàng quán khít khao, những quán cà phê ấm áp, và những người hát dạo trên lề lối đi... Tôi và anh vào một quán ngồi nhấm nháp cà phê nóng và nói chuyện bạn bè, văn nghệ, trời trăng. Anh rủ tôi có dịp qua Canada chơi, nhà anh rất rộng, có hai xe cứ lấy một chiếc mà đi chơi, vân vân và vân vân...

    

Sức viết văn của anh dồi dào quá! Anh đang viết cho rất nhiều báo, xem ra còn sung sức lắm, bỗng dưng anh lâm bịnh, để đến nổi tay phải không còn viết lách gì được. Nhưng thời gian gián đoạn không lâu anh viết lại. Không nhiều như xưa, nhưng đều đặn. Như đã nói, anh viết bằng tay trái, với computer. Còn tay mặt, viết rất ít, chỉ viết thư cho bạn bè, nét chữ run run, gảy đổ, khó nhọc!

    

Chính sự gảy đổ khó nhọc này đã làm tôi thật cảm động trong một lần khi nhận được một bức thư từ anh. Trong thư là một bài Tạp ghi cắt từ một tờ báo của một người bạn văn bên Mỹ viết đề tặng riêng tôi, kèm vài hàng chữ của anh: Thấy có bài báo tác giả viết tặng Vũ Nam đăng ở Mỹ, tôi cắt ra gửi Vũ Nam đọc cho vui. Ðang bịnh hoạn viết lách khó khăn mà anh còn làm được như vậy, nghĩa cử anh làm tôi khó nghĩ quá! 

    

Tôi biết anh có nhiều bạn bè. Bạn văn thơ. Và những bạn thời đi học, đi làm thầy giáo. Qua những truyện anh kể ai cũng thấy, nào Viện đại học Cần Thơ, trường trung học Phan thanh Giản của các cậu, Ðoàn thị Điểm của các cô... Còn những bạn văn, những người có mặt trong những cuốn sách do anh chủ biên và vô số những tờ báo có anh cộng tác không phải là những bạn bè văn nghệ của anh sao?

    

Cứ nói đến những cây viết Miệt Vườn hay văn chương Miệt Vườn thường người ta hay nhắc đến tên anh bên cạnh tên các anh Hồ trường An, Xuân Vũ, Xuân Tước, Phạm Thăng, Nguyễn tấn Hưng, Võ kỳ Điền, Anh Vân..., những nhà văn có sinh quán ở miền tây Nam phần. Nhưng anh nổi tiếng, theo tôi, không phải nhờ cái tên Miệt vườn này mà là nhờ tập truyện đầu tay Làm mai lãnh nợ gác cu cầm chầu. Tập truyện có cái tên hay hay, gợi sự tò mò nơi người đọc. Tập truyện lấy từ những truyện ngắn đăng rải rác trên các báo trước đó. Khi in,  lại nhờ anh Hồ trường An viết bạt. Anh Hồ trường An rất quý anh, nâng đ anh tận tình, ngược lại như anh từng tâm sự, anh cũng rất kính trọng và quý mến anh Hồ trường An, vì thế mà tập truyện thứ hai Phận đàn bà anh vẫn nhờ anh Hồ trường An viết bạt tiếp. Tập truyện đầu tay của anh, bất cứ ai đọc qua cũng đều nói là hay. Tập truyện rất có giá trị khác của anh là tập truyện Cây trái quê mình. Trong tập này anh viết chung với bác sĩ Huỳnh hữu Cữu. Hoa Ưu đàm trong tập truyện đã làm cho nhiều người đọc phải ngạc nhiên, thích thú, vì đó chỉ là trái sung.

    

Anh có rất nhiều bạn văn, tôi kể ra không hết! Do đó khi nghe tin anh mất, vài người bạn văn thân có gợi ý tôi, cùng với những người khác, nên viết vài hàng về anh. Thoạt đầu tôi ngần ngại, không muốn viết, chỉ vì sợ mình viết không hay, và vì nghĩ rằng đã có nhiều bạn bè viết cho anh rồi. Dù người nằm xuống có còn đọc được đâu, nhưng còn những bạn bè anh, thân nhân ruột thịt anh, mỗi dòng chữ của mình nếu gợi cho sự mất mát đau đớn nào, hoặc sự nhạt nhẻo nào cho anh, cho họ, thì theo tôi, quả là không hay! Nhưng nếu sợ thì không đời nào viết ra được cho anh, như một người bạn văn, tuy xa mà gần, tuy ngắn ngủi nhưng chắc chắn sẽ còn bền lâu. Nghĩ như thế nên tôi cố gắng viết ít hàng về anh, kể một ít giao tình văn nghệ trong vài năm ngắn ngủi, trong một lần gặp gỡ; còn tài năng văn chương của anh, các quyển sách anh viết, việc hoạt động cho cộng đồng, tôn giáo, văn nghệ... xin nhường cho những bạn khác, những người gần gũi và sinh hoạt thường xuyên với anh, nhất là nơi anh định cư: Canada.

    

Ở Afika, hiện nay vẫn còn những bộ lạc họ còn rất ‘ăn lông ở lỗ’. Xỏ lủng lỗ tai, căn bành ra lỗ nào lỗ nấy to bằng trái xoài non, vú móm lòng thòng, mặt mày vẽ đầy những màu sắc đỏ rực, dữ dằn. Ðược những người văn minh Âu Châu đến chỉ vẽ những cái hay, cái tân thời, tiện nghi, nhưng họ vẫn khư khư từ chối, vẫn giữ lại những cái gì đã có, hiện có của mình. Thẳng ra là họ không thích những đổi thay. Không phải là họ không có lý! Bởi vì không ít những người thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp, cũng nghe. Lúc nào họ cũng muốn thay đổi, muốn tiến thêm. Công danh đã đến nơi đến chốn. Sắc đẹp đã đạt đến tột đỉnh. Nhưng họ vẫn thấy chán chường, thấy chưa đủ, hoặc là tự dưng chán ngẫm những điều ‘vĩ đại’ mà mình đã đạt được, rồi tìm cách từ bỏ, thậm chí đôi khi bằng cả sự quyên sinh, từ giã cõi đời. Như vậy biết định nghĩa thế nào là đúng, là đủ? Tôi viết ra những dòng chữ này không có ý nói lên những điều gì to tát, cao cả, mà chỉ có ý gợi lên những phi lý trong cuộc đời; những phi lý mà không tài nào tôi tìm ra lời giải đáp, trong cái sống, sự chết, của con người. Bởi vậy, dù một người bạn thân vừa mất, gieo đau đớn biết bao nhiêu cho người thân của họ, và cho bạn bè, tôi vẫn cố ghi nhận trong lòng mình, phải xem đó như là một cuộc hành trình đi tiếp, hoặc xem đó như là một sự dừng lại, không còn muốn giằng mắc vào mình thêm những phiền hà nào nữa của thế nhân. Vì nếu được như vậy, theo tôi, sẽ thấy bình tâm hơn khi nghe tin một người bạn vừa mất, và cũng chỉ còn lời sau cùng :Nguyện cầu cho linh hồn người vừa mất  được niềm an lạc mãi mãi ở cõi vô hình nào đó! Ðây cũng là lời cầu nguyện tôi xin gửi đến anh Nguyễn văn Ba.

    

Viết đến đây tôi vẫn còn thấy như thiếu sót một điều gì chưa được viết ra! Mặc dầu nói mạnh trong những dòng chữ bên trên nhưng tôi vẫn thấy bâng khuâng. Tự thấy mình có những mâu thuẫn nào đó! Bắng chứng là, mỗi khi xe chạy ngang nơi người bạn bị tai nạn xe hơi qua đời, dù đó là những đêm về khuya khoắt, những buổi sáng bình minh rực rỡ ánh hồng, hay những ngày nắng hạ chói chang tôi vẫn phải nhớ lại, vẫn phải thấy ngậm ngùi bởi vì đã cách xa một người bạn thân văn nghệ. Nơi nhà anh bạn, khi anh Nguyễn văn Ba đến tôi, tôi cũng cố gắng đưa đến thăm. Buổi trò chuyện giữa ba người trong ngày hôm đó rất thân mật và rất vui. Mới đây thôi, mà bây giờ vĩnh viễn mỗi người mỗi ngã! Dù biết rằng ‘Dòng đời vẫn trôi!’. Ðó là câu khẳng định của cô Barbel Schafer, người chuyên làm Talkshow cho đài RTL của Ðức, chỉ ba ngày sau khi người yêu bị tai nạn xe hơi chết, cô lại trở lại truyền hình và tiếp tục làm Show, tươi cười với khán giả. Cũng hay! Cô rất nhanh chóng cởi bỏ những u phiền, đau khổ, tiếp tục ngay được những gì cô phải tiếp tục trong đời. Nhưng còn ở một nhà văn lỗi lạc nào đó, một ngọn đèn vàng mờ ảo trong một cuộc tình đã xảy ra từ mấy chục năm về trước, vẫn còn là nỗi ám ảnh triền miên không mệt mỏi cho mấy chục năm sau, mỗi khi bắt gặp lại một hình ảnh vàng nhạt trong bước đăng trình, không phải là cái ‘style’ về đời sống của ông ta thật tốt đẹp hay sao? Mỗi điều gì có lý hoặc phi lý trong cuộc đời vẫn có cái hay riêng của nó, biết giải thích sao cho đúng?

   

Bài viết tới đây, người viết xin ngừng lại. Cứ tưởng tượng như là anh Ba đã đọc được những dòng chữ này, đến đây, hẳn là miệng anh sẽ nỡ một nụ cười hiền hậu, tha thứ; nụ cười mà khi nhớ đến gương mặt anh tôi phải nghĩ ngay đến nó. Thôi nhé anh Ba! ‘Cuộc đời vẫn phải trôi’, như cô Barbel Schafer đã nói. 


Vũ Nam
(Germany)

VŨ NAM

Tên thật là Lý Văn Văn. Sinh năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy. 

Nhập ngũ tháng 10, 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Ngày 30 tháng 4, 1975 vẫn còn là SVSQ Không Quân QLViệt NamCH. 

Vượt biên cùng gia đình năm 1980, được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt.

Định cư ở Đức năm 1981, học nghề chuyên môn, ngưng học ở giữa năm thứ 2 ngành kỹ sư Cơ Khí. 

Bắt đầu viết văn từ năm 1985.

Cộng tác với các báo:

- Ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc san Biển Đông...

- Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Lửa Việt, Nắng Mới...

- Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, Tin Văn...

- Ở Na Uy: Pháp Âm.

- Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập, Tâm Giác... 

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Sau Ngày Tang - tuyển tập truyện ngắn - 1987

- Bên Dòng Sông Donau (Danube) - tuyển tập truyện ngắn - 1990

- Bên Này Bức Tường Bá Linh - tuyển tập truyện ngắn - 1993

- Nơi Cuối Dòng Sông - truyện dài - 1994

- Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur - truyện dài - 1997

- Một Đêm Ở Genève - tuyển tập truyện ngắn - 2004

- Hoa Liên Kiều - tuyển tập truyện ngắn - 2008  

Góp Mặt Trong Các Tuyển Tập:

- Những Cây Viết Miền Nam - 1990

- Truyện Hay Hải Ngoại - 1991

- 3 tuyển tập Văn Bút Âu Châu 1989, 1994, 1996

- Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - 1994

- Trông Vời Quê Cũ - 1996

- Trông Cơn Vật Vã - 1999

- Tập Diễm Ngưng Huy - 2003

- Nhân Văn Lục (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) - 2003

- Thi Văn Viễn Xứ 1 - 2005

- Nam Phong Tuyển Tập - 2006

- Giai Thoại  Văn Chương - 2006

- Thi Văn Viễn Xứ 2 - 2007

- Quê Nam Một Cõi - 2007

- Món Ăn Theo Bước Di Tản - 2009.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.