.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Thạch Lang | Đại Lãn | Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật  | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

  Vũ Nam

 
Tình người và chó

Lúc sau này, cuối tuần khi không bận bịu gì tôi thường vào Internet để xem những phim ở Việt Nam . Chắc ai cũng biết các phim như Bi, Đừng Sợ, Cánh Đồng Bất Tận, Mùa Len Trâu, Dòng Máu Anh Hùng, Bẫy Rồng, các phim dựa theo truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh, vân vân..., lúc nào muốn xem cứ vô Internet mặc sức mà xem.

Nói thực, phim Việt hiện tại có những tập coi rất được, rất tới. Đem thi các giải điện ảnh ở ngoại quốc, nếu không được giải, chắc cũng làm cho khán giả ngoại quốc ngạc nhiên. Vì cảnh Việt Nam và người Việt Nam. Ai đi xe lửa qua đèo Hải Vân mà không nói Việt Nam có một bải biển đẹp, dài, uốn khúc, dựa vào sườn núi thật thơ mộng. Còn những bải biển như ở Quy Nhơn, Nha Trang thì đã có nhiều người viết trên Internet khen rồi. Nhưng phần lớn phim Việt Nam còn lại thường chạy theo thị hiếu hay động cơ nào đó: tiền, chính trị, v.v... Chính một người đạo diễn VN, làm phim ở VN, mới đây viết một bài báo phàn nàn việc này trên Internet. Nhiều phim tôi xem qua, có một hai phim thấy hay, làm lòng nhớ mãi như Hoàng Hôn Ấm Áp, Sóng Tình, Hoa Dại, Cocktail Cho Tình Yêu…. Còn lại các phim khác, có phim xem một vài tập đầu thấy không hay nên không xem tiếp. Dĩ nhiên trong phim Việt Nam không ít thì nhiều cũng có chính trị xen vào, nhưng tôi bỏ qua việc đó, chỉ chú ý đến cảnh Việt Nam và con người Việt Nam. Vì chính trị ở Việt Nam thì ai cũng biết ra sao rồi!

Cách đây vài tuần, tình cờ tôi vào Internet xem phim Ngã Rẽ của đạo diễn Tường Phương. Tôi đã xem phim này một cách say mê. Khi rảnh là tôi vào xem, xem cho đến hết. Truyện phim cũng không có gì đặc sắc lắm, nhưng hay. Nhất là những cảnh trong phim. Có lẽ nếu cảnh trong phim gần gũi với thân phận người xem nào thì người đó mới cảm nhận là hay?

Phần một lấy bối cảnh ở miền trung, thời gian sau năm 1975 chắc vài ba năm. Đây là thời gian khổ nhất của Việt Nam sau 75. Suốt phần một cuốn phim cứ thấy cảnh nắng. Đúng là nắng cháy da người. Người người phơi nắng, nhà nhà dưới nắng. Và bụi đỏ đầy trên đường nữa. Tôi ở miền Nam. Mùa hè, may nhà cạnh biển, có gió, ấy vậy mà thuở nhỏ nắng một hai giờ trưa là không dám ra đường, cứ trốn trong nhà. Ra đi không dép guốc là bị phỏng chân. Trẻ con không có dép ra đường chỉ có chạy chứ không có đi. Đường cát xứ biển nóng lắm. Chạy kiếm chỗ có bóng mát như dưới gốc cây, gốc trụ điện đứng cho bàn chân nguội rồi mới chạy tiếp. Mùa hè là có chó dại. Nắng quá chó cũng điên, chạy rong ngoài đường, nước dãi chảy ra hai bên mép miệng. Ở ngoại quốc này, thỉnh thoảng gặp vài anh em gốc miền trung như Bình Định, Quảng Trị, anh em nói nắng ngoài trung rất khắc nghiệt vì ngọn gió Lào mùa hè thổi từ Lào qua. Nắng miền Nam mà nhằm nhò gì. Không thấy người ta nói, nắng ấm miền Nam“ sao. Ở ngoài trung mùa hè nếu sơ hở là nhà tranh có thể bốc cháy vì nắng. Cha, người viết không ở miền Trung nên không biết. Nhưng qua bộ phim, thấy nắng, gió và bụi đỏ miền trung đáng sợ thật.

Nhân vật trong phim thì nhiều nhưng người để lại trong lòng người viết, để bỏ thì giờ ra viết những dòng này là cậu bé đóng vai Liêm, thằng Liêm, khoảng mười hai tuổi. Cô bạn cùng tuổi cùng lớp, trường làng, ở cùng xóm với Liêm đóng cũng hay, nhưng không bằng cậu.

Cha với mẹ có lễ cưới hẳn hoi, nhưng họ bỏ nhau. Mẹ, cô Thơm, dẫn Liêm về tự nuôi dưỡng, vì ông bà ngoại không muốn cưu mang cháu và con gái sau khi con ly dị. Không nghề nghiệp, không tiền của cô làm nghề bán nước trá hình, gái mãi dâm là chính, để nuôi con. Khách là những tài xế xe, dân lao động, say xỉn. Những lời trong bài viết này hoàn toàn không thể diễn tả nổi những cảnh mà Liêm đóng. Cậu bé gầy nhỏ, da sạm đen vì nắng, mặt hốc hác, tóc bù xù, và kéo lê thân xác bằng đôi chân không dưới cơn nắng và gió miền trung, trên những đoạn được màu đất đỏ, bụi đầy. Đúng là em bé miền quê mồ côi cha mẹ. Không giống như trong phim Mùa Len Trâu (truyện của nhà văn Sơn Nam) cậu bé chăn trâu „hơi“ giống như cậu bé người ngoại quốc gốc Việt về nước đóng phim. Nếu trong phim Ngã Rẽ mà đạo diễn cho cậu Liêm một chiếc xe đạp cũ, người xem sẽ thấy đở buồn hơn. Đúng là cuốn phim lấy nước mắt người xem. Nhưng đó lại là chuyện thật sau 75. Xe đẹp rất hiếm hoi ở những vùng quê nghèo khổ.

Trong lớp học, Liêm lại là người lẽ loi, cá biệt. Các cô giáo đều không muốn nhận Liêm vào lớp mình bỡi vì sợ không thể nào giúp Liêm khá hơn được, lại có thể gặp nhiều phiền phức trong nghề nghiệp. Liêm học trễ vì bị ở lại nhiều năm. Vì hoàn cảnh chớ không phải vì Liêm ngu đần. Nhưng thầy cô vẫn sợ, vì mỗi năm đều có bình bầu „giáo viên tiên tiến“ và sỉ số lên lớp phải đạt một trăm phần trăm. Giáo viên nào không muốn mình được bình bầu là „giáo viên tiên tiến“ ở cuối năm học? Phải chạy theo thành tích hết! Hình như chỉ có cô bạn gái gần nhà của Liêm là nơi cho Liêm nương tựa trong lớp học và cũng là người hiểu Liêm nhất. Trong phần hai của cuốn phim, vì đã thấy hình ảnh bạn Liêm thời thơ ấu nên sau này khi trở thành cô giáo, cô bạn gái của Liêm hiểu học sinh hơn những đồng nghiệp khác, không qua sách vở sư phạm mà qua những giá trị thực từ những kinh nghiệm sống thực trong thời nhỏ của mình. Cô đã làm cho Ban giám hiệu nhà trường và các vị phụ huynh học sinh phải nễ phục bằng cách "tiếp cận" với các học sinh từ cách riêng của cô. 

Liêm khéo tay nên cậu hay nắn những tượng người, thú, bằng đất sét. Người tài xế, anh giáo viên, con chó... Nắn xong cậu xếp thành hàng. Ai thích cậu tặng. Và cậu cũng có một con chó thật, tên Bin. Chó mình nhỏ, vui vẻ, quấn quít, lông màu vàng, mượt. Một ngày, con Bin làm đổ nhớt của một tiệm lo dầu nhớt nước cho các xe tải, họ bắt nhốt Bin. Muốn cứu Bin Liêm phải có tiền để chuộc. Người đàn ông làm công cho tiệm, nhốt chó, còn hù Liêm: Chiều mai không có tiền chuộc thì mày đi ra quán "cầy tơ" ở đầu đường mà tìm nó. Liêm hoảng hốt lo sợ, mặt rầu rĩ. Nhưng tiền đâu Liêm có!? Trong túp lềp tranh, mẹ Liêm còn không đủ tiền để lo việc ăn mặc cho hai mẹ con, lấy đâu tiền đi chuộc chó! Liêm đã ăn cắp từ một người bạn học giàu có đem khoe tiền trong lớp học. Nhưng trớ trêu thay, người bạn học giàu có này là anh em cùng cha khác mẹ với Liêm, nhỏ hơn Liêm vài tuổi. Liêm bị bắt gặp và bị đuổi học vì tội ăn cắp. Hình như ngoài cô bạn gái của Liêm, không ai biết Liêm ăn cắp tiền vì muốn cứu con chó của mình. Họ chỉ nghĩ đơn giản Liêm là một trẻ con đã hư hỏng. Kết quả Liêm lại bị đuổi học, lang bang lất bất, trên con đường nắng gió khóc liệt. 

Người tài xế bằng đất sét, Liêm đã lấy cây gậy đập cho tan nát, khi bắt gặp ông ta đang làm tình với mẹ mình, dù trong trí óc non nớt cậu cũng biết là mẹ cậu sẽ được tiền sau những lần như thế. (Vì trong một lần trước các bạn cùng lớp, khi thấy bài vở Liêm không được ai chăm sóc, cô giáo tức giận hỏi: Mẹ trò làm nghề gì? Liêm trả lời: Làm đĩ! Cô giáo tái mặt hỏi lại: Ai nói với em như vậy? Liêm trả lời ngay: Mẹ nói!). Ông thầy giáo, hiệu trưởng, bắng đất sét, Liêm cũng đập ông ta không thương tiếc. Đập trong hận tủi, sau khi ông ta nặng lời và đuổi học cậu dù người mẹ đau khổ có van xin ông cách mấy, ông cũng mặc. Trước mắt Liêm, người mẹ rủ mình quỳ xuống khóc xin tha tội cho cậu và cho xin con mình học tiếp ông cũng "vô tư". Sau đó vì uất hận người mẹ đã cho Liêm một trận đòn nên thân. Không ai Liêm có thể gần gũi được nữa, dù là mẹ, chỉ còn con chó Bin bằng đất sét là Liêm còn gần gũi, và xem nó như người bạn không thể rời được.

Kết quả con chó nhỏ bị sao thì ai cũng có thể đoán được. Bin bị cắt cổ, bị thui trên dàn lửa. Liêm đã không có tiền chuộc mà còn đến quá trễ! Khi cậu đến Bin đã chết và đang bị xỏ cây ngang bụng, thui lông. Cậu xô ngã người đang đứng thui chó, và bất kể dàn lửa đang cháy cậu giật chó và ôm nó chạy đi như người mất trí.

Phim còn rất dài. Từ đó Liêm bỏ đi, hận đời, lao vào đời với những lần trộm cắp, bị đánh, và sau này lớn lên cậu đã trở thành một „đàn anh“ có hạng trên những con đường giữa hai biên giới Việt Miên với nghề bán những cô gái qua biên giới. Phim cứ cho thấy, cậu luôn luôn bị ám ảnh với quá khứ của mình. Cây đắng không thể sinh trái ngọt! Cho thấy việc làm hôm nay của Liêm là kết quả của thời quá khứ cậu bị con người và hoàn cảnh trù dập. Nhưng dù hằng ngày tay súng, tay dao với các băng đảng khác, tận đáy lòng Liêm vẫn có những lúc suy nghĩ về tình yêu thương và sự hướng thượng. Có lẽ đây mới là bản thể của Liêm?

Một cuốn phim xã hội đầy tình tiết mà tôi không thể viết hết ra được và viết lại đúng hoàn toàn như phim được. Đúng là đôi khi không thể diễn tả những hình ảnh ngoài đời sống bằng những dòng chữ viết. Mẹ Liêm, tài tử Đinh Y Nhung, đóng, ba của Liêm, gia đình cô bạn gái của Liêm gồm ông ngoại, cha mẹ và đứa em gái, mỗi người đều đóng trọn vẹn vai trò của mình. Phim rất Việt Nam, đầy tình người, nhưng cũng đầy những xấu xa cá biệt rất con người. Chứ không phải là những cuốn phim VN khác như hiện nay, cứ khoe giàu có, nhà to, xe đẹp của những thành phần trưởng giả mới trong xã hội hiện tại. Hở ra là uống rượu Tây, nhảy đầm. Đành rằng không nên cứ ôm mãi quá khứ để mà sống với nó, nhưng xã hội Việt Nam hiện tại vẫn là xã hội đầy người nghèo, của người nghèo và những người làm phim Việt Nam nên dựa và cái cốt lõi này để làm phim, để xây dựng con người, chớ không phải làm phim để tập tành cho thanh niên chỉ biết „nhậu“ và khoe của. Nghĩ lại lời anh đạo diễn Việt Nam trách những phim ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại mà người viết nêu ra ở trên cũng không có gì sai lắm.

Phim có một kết cuộc cũng không vui, nhưng thôi, cứ để người xem rồi sẽ biết.

Còn đạo diễn Tường Phương, qua phim Ngã Rẽ này tôi rất phục anh, dù chưa bao giờ quen biết anh. Tôi cũng phục cậu bé đóng vai Liêm.

Vũ Nam 

VŨ NAM

Tên thật là Lý Văn Văn. Sinh năm 1954 tại tỉnh Phước Tuy. 

Nhập ngũ tháng 10, 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Ngày 30 tháng 4, 1975 vẫn còn là SVSQ Không Quân QLViệt NamCH. 

Vượt biên cùng gia đình năm 1980, được tàu Cap Anamur của Tây Đức vớt.

Định cư ở Đức năm 1981, học nghề chuyên môn, ngưng học ở giữa năm thứ 2 ngành kỹ sư Cơ Khí. 

Bắt đầu viết văn từ năm 1985.

Cộng tác với các báo:

- Ở Hoa Kỳ: Văn, Gió Văn, Cỏ Thơm, Hải Ngoại Nhân Văn, Đẹp, Đặc san Biển Đông...

- Ở Canada: Làng Văn, Sóng, Lửa Việt, Nắng Mới...

- Ở Pháp: Nhân Bản, Chiến Hữu, Tin Văn...

- Ở Na Uy: Pháp Âm.

- Ở Đức: Viên Giác, Độc Lập, Tâm Giác... 

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Sau Ngày Tang - tuyển tập truyện ngắn - 1987

- Bên Dòng Sông Donau (Danube) - tuyển tập truyện ngắn - 1990

- Bên Này Bức Tường Bá Linh - tuyển tập truyện ngắn - 1993

- Nơi Cuối Dòng Sông - truyện dài - 1994

- Câu Chuyện Từ Con Tàu Cap Anamur - truyện dài - 1997

- Một Đêm Ở Genève - tuyển tập truyện ngắn - 2004

- Hoa Liên Kiều - tuyển tập truyện ngắn - 2008  

Góp Mặt Trong Các Tuyển Tập:

- Những Cây Viết Miền Nam - 1990

- Truyện Hay Hải Ngoại - 1991

- 3 tuyển tập Văn Bút Âu Châu 1989, 1994, 1996

- Nỗi Nhớ Khôn Nguôi - 1994

- Trông Vời Quê Cũ - 1996

- Trông Cơn Vật Vã - 1999

- Tập Diễm Ngưng Huy - 2003

- Nhân Văn Lục (Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) - 2003

- Thi Văn Viễn Xứ 1 - 2005

- Nam Phong Tuyển Tập - 2006

- Giai Thoại  Văn Chương - 2006

- Thi Văn Viễn Xứ 2 - 2007

- Quê Nam Một Cõi - 2007

- Món Ăn Theo Bước Di Tản - 2009.

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.